Góa Phụ

0

Sau khi đi thăm gia đình người Cô về, mẹ chồng Phượng, bà Thìn trao cho nàng giấy báo lãnh tiền tử tuất của chồng mà bà mới nhận từ trụ sở xã Ninh An đưa đến sáng nay. Cầm tờ giấy trong tay, Phượng nhớ đến Trình, chồng nàng đã hy sinh trong trận giao tranh ác liệt với quân du kích địa phương tại dốc Ðá Trắng năm 1971.

Trình là hạ sĩ quan địa phương quân hoạt động tại quận Ninh Hòa. Những ngày không đi hành quân, anh thường sinh hoạt tại bộ chỉ huy, đồn G.I* cũ nằm trên đường Trần Quí Cáp. Anh quen Phượng trong một cuộc hành quân tại vùng núi thôn Phong Thạnh. Trung đội của anh tạm đóng quân cạnh nhà Phượng và nàng cũng thường biếu trung đội anh khi thì vài ấm trà với mấy gói bánh ngọt, khi thì mấy nải chuối chín. Và từ ấy hai người quen thân, yêu nhau. Trình cưới Phượng được hai năm thì anh hy sinh. Thực ra, cuộc hôn nhân giữa anh và Phượng không được bà Thìn tán thành cho lắm vì bà sợ rằng sự hiện diện của Phượng trong nhà bà sẽ làm cho bà gặp khó khăn trong việc giao liên với người anh của Trình là Ðăng, một du kích quân ở thôn Lạc An mà địa bàn hoạt động của anh ta ở mật khu Ðá Bàn.

Nhưng vì yêu Phượng nên Trình nài nỉ mẹ để anh được cưới nàng và anh nghĩ rằng có nàng trong nhà cũng giúp mẹ anh một tay trong việc bếp núc hay ruộng rẫy. Cuối cùng thì bà Thìn cũng chiều ý con và đồng ý để hai người cưới nhau. Vả lại, bà Thìn cũng nghĩ rằng Trình sẽ cho bà đứa cháu nội nối dõi tông đường chứ bà không hy vọng nhiều ở Ðăng. Bà Thìn còn nhớ rất rõ rằng chỉ trong vòng chưa đầy một năm mà có đến sáu du kích quân thôn Lạc An bị lính Ðại Hàn thuộc sư đoàn Bạch Mã đóng phía bắc đèo Bánh Ít phục kích giết chết, thì mạng sống của con bà cũng như sợi chỉ treo nghìn cân. Nhiều lần Trình hỏi mẹ về người anh của mình nhưng bà chỉ ậm ừ bảo cho anh biết rằng Ðăng đã bị cọp vồ trong chuyến đi đốn cây với người chú ở vùng núi Ðá Bàn. Và bà cũng nói cho anh biết rằng bà không muốn Trình nhắc đến tên của anh mình nữa. Lý do cũng dễ hiểu là bà Thìn không muốn Trình biết mình còn có một người anh còn sống. Kể từ lúc ấy, vì thương mẹ nên anh không bao giờ nhắc đến tên anh mình vì sợ làm mẹ buồn.

Bà Thìn lấy chồng khi vừa mười tám tuổi. Sống với chồng được chín năm và sinh được hai người con thì chồng bà mất. Ðăng hơn Trình bảy tuổi. Chồng của bà bị Pháp bắt giam tại lao Ông Cọt** gần chân cầu Dinh vì họ nghi ngờ ông làm giao liên cho lực lượng Việt Minh trong thời kỳ chiến tranh Việt-Pháp. Họ tra tấn ông nhưng ông nhất định không chịu khai là mình có dính líu với Việt Minh và cuối cùng không chịu nổi những đòn thù của Pháp nên ông đã chết trong ngục. Từ ấy, bà Thìn không tục huyền, ở vậy tảo tần nuôi nấng hai anh em Trình.

Hiệp định Genève ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 giữa Việt Nam và Pháp chia đôi lãnh thổ Bắc-Nam. Sau ấy chừng mấy tháng, vào một đêm giông bão, người anh của Trình nói lời từ biệt với mẹ anh lên đường gia nhập lực lượng du kích Việt Minh địa phương và rút về mật khu để chờ ngày tập kết ra Bắc. Lúc Ðăng ra đi thì Trình đang ngủ. Anh rón rén đến bên giường hôn nhẹ lên trán người em và ra nhà sau gặp mẹ anh. Phút chia tay, bà Thìn nắm chặt tay Ðăng, nước mắt lưng tròng và bà chỉ nói lời từ biệt trong nghẹn ngào. Bà muốn oà lên khóc nhưng bà nghĩ đến cái chết của chồng bà nên đành thôi. Ðăng đi rồi, đêm hôm ấy, bà Thìn tưởng chừng mình đang đứng giữa hai lằn đạn và bà không biết rồi đây máu đỏ của tim bà sẽ vọt về phía nào.

Lãnh được tiền tử tuất của chồng, Phượng đưa hết số tiền này cho bà Thìn vì nàng nghĩ rằng dù sao mẹ chồng nàng đã mất đi một người con vẫn đau đớn hơn nàng mất một người chồng. Bà Thìn từ chối nhận số tiền do Phượng đưa cho bà vì bà cho rằng đó là sự đền bù mất mát quá lớn đối với Phượng. Hơn nữa, bà Thìn cũng đã quen với chuyện tử vong trong thời chiến tranh nên bà dửng dưng đối với chuyện sinh tử. Hai mẹ con cứ giằng co mãi và cuối cùng cả hai người đều đồng ý sẽ để dành số tiền này lo việc cúng giỗ cho Trình. Hai người cùng vui sau khi đạt được giải pháp êm đẹp như thế.

Ngày lại ngày, từ lúc chồng mất, Phượng vẫn sống chung và giúp bà Thìn chăm lo mấy sào ruộng quanh nhà. Sau những vụ gặt là lúc hai mẹ con bà phải gieo trồng thêm hoa màu phụ như đậu phộng, mè hay khoai lang để độn cơm phòng khi thất mùa. Phượng cùng mẹ chồng chăn nuôi gà lợn để có đồng ra, đồng vào. Cuộc sống hai mẹ con tương đối thoải mái. Sống bên nhau lâu ngày bà Thìn thấy càng yêu thương Phượng như con đẻ và nàng cũng thấy quí bà như mẹ đẻ của mình. Thông thường những người cùng hoàn cảnh dễ thông cảm nhau là thế. Trong thời gian chung sống với mẹ chồng, Phượng chưa bao giờ có ý nghĩ, sau khi chồng mất, sẽ về Phong Thạnh để sống với gia đình người Cô vì cha mẹ nàng không may đã chết trong tai nạn xe đò bị lật tại đèo Rù Rì khi nàng vừa lên năm.

Nhiều lúc hai mẹ con ngồi bắt chí bên hiên nhà, bà Thìn cũng gợi ý cho Phượng biết rằng nàng còn rất trẻ lại có nhan sắc, nàng có thể đi thêm bước nữa nhưng Phượng thường tảng lờ như không nghe thấy lời nói bóng gió của bà Thìn. Nói như thế, bà Thìn không có ý định đuổi khéo Phượng ra khỏi nhà để cho bà dễ bề liên lạc với Ðăng mà nàng là cái gai cần phải nhổ bỏ đi. Nhưng bà thương Phượng thật tình vì bà không muốn nàng dẫm lên dấu chân bà sống mãi đời góa bụa.

Mặc dù có Phượng sống chung, nhưng bà Thìn vẫn thường xuyên liên lạc tiếp tế cho Ðăng một cách đều đặn khi anh lén lút về thăm mẹ giữa đêm khuya và nhận chỉ thị mới của xã bộ. Phượng không bao giờ hay biết việc làm bí mật này của mẹ chồng nàng. Mỗi lần về, Ðăng thường để lại cho bà Thìn một mẩu giấy nhỏ trong đó có ghi những loại ngày tháng khác nhau để cho bà Thìn biết rằng nếu anh không về đúng lần hẹn này thì chắc chắn là sẽ về ở ngày hẹn kế tiếp, như để nhắc cho bà biết chuẩn bị đồ tiếp tế cho anh. Cũng như Ðăng, bà thường lấy giấy bao nhang màu đỏ ghi lại những ngày giỗ, tết nguyên đán để nhắc cho anh nhớ lén về nhận đồ tiếp tế. Bà rất cẩn thận cất giấu những mẩu giấy khi lúc Trình còn sống và bây giờ đến lượt Phượng nữa. Tâm trạng của bà rối như tơ vò không biết đường nào mà gỡ. Dù hai người con không cùng chiến tuyến, nhưng là mẹ thì con nào bà cũng thương như nhau cả. Tình mẹ sống với hai con ở hai bờ chiến tuyến đã qua mấy mùa mà bà thường nhìn những luống cải vàng trong vườn hay những giàn bí tàn bông bên hàng rào dâm bụt; đó là dấu hiệu thời gian cho bà biết rằng một năm sắp đi qua. Những năm tháng chưa có Phượng về làm dâu, có khi bà giết một con gà hay con vịt bà phải chia cho hai đứa con mỗi người một nửa.  Trình về thăm mẹ ban ngày bà dọn cho Trình ăn và ban đêm Đăng về bà gói cho Đăng một nửa đem vào chiến khu.

Có lần Phượng nhớ lại, vào một đêm rất khuya nàng không ngủ được vì những cơn gió Lào oi bức thổi qua trong ngày, nàng xuống nhà sau để uống nước bên chiếc lu sành, bỗng nhiên nàng nghe ngoài hiên nhà có tiếng thì thầm; nàng ghé tai vào vách để nghe động tĩnh thế nào và nàng nghe như tiếng bà Thìn đang nói chuyện với một người đàn ông nhưng với tiếng được, tiếng mất. Phượng rón rén trở lại giường ngủ và suy nghĩ vẩn vơ. Quái thật! chẳng lẽ mẹ chồng nàng ở tuổi này mà còn hò hẹn với trai giữa đêm khuya khoắt thế sao. Ý nghĩ ấy chợt lóe lên và tan biến nhanh theo dòng suy nghĩ của Phượng. Rồi nàng nói như bảo với chính mình: không thể được và đừng nghĩ oan cho mẹ mình. Sáng dậy, Phượng vẫn giữ thái độ bình thường như mọi ngày và bà Thìn cũng thế, coi như chẳng có việc gì xảy ra đêm qua. Từ ngày Phượng về làm dâu nhà bà Thìn, nàng đâu có biết rằng Trình, chồng nàng, còn có người anh là du kích địa phương.

Những năm tháng sống với mẹ chồng, Phượng vẫn là bông hoa đẹp đối với những chàng trai độc thân trong làng. Có những ngày cùng bà Thìn ra chợ, tuy đã có chồng và nay là góa phụ, Phượng không mất đi những nét khêu gợi của một người con gái trong tuổi xuân thì. Với chiếc áo lụa cổ kiềng màu hồng thắt sát eo; mặc chiếc quần mỹ-a đen, nàng để lộ cặp mông tròn lẳn, chiếc kẹp lá bằng nhôm nàng kẹp thả lơi mái tóc thề ngang lưng. Tuy không trang điểm nhiều nhưng đôi chân mày lá răm của nàng cũng đã làm mê mệt không biết bao nhiêu chàng trai tơ trong thôn xã. Có lắm chàng giương cung nhưng có mấy ai dám bắn sẻ. Có khi chàng trai này mượn cớ đem đến cho bà Thìn một thông cáo của xã, hay chàng trai khác tình nguyện đến giúp gia đình bà thu hoạch vụ mùa hay vụ khoai để có dịp gần Phượng và mong nàng để ý cho. Nhưng trong đám thanh niên ấy, Phượng chỉ có cảm tình với Ðộ.

Ðộ là một thanh niên không đẹp trai nhưng dễ nhìn. Ðộ hơn Phượng hai tuổi. Vì là đứa con trai độc nhất trong gia đình có cha mẹ già trên sáu mươi tuổi nên anh được hoãn dịch hằng năm. Ðộ cũng có hai người chị gái hiện đang sống với mẹ anh. Lý do để Phượng dành nhiều cảm tình cho Ðộ vì nàng nghĩ rằng anh sẽ không đi lính và nàng sẽ không gặp hoàn cảnh cơ nhỡ tình cảm như đối với chồng nàng trước đây, nếu sau này nàng có ý định lấy Ðộ. Thấy Ðộ đi lại thân thiết với gia đình bà, vả lại Ðộ là người hiền hậu, lễ phép, giỏi việc đồng áng nên bà Thìn có ý định gả Phượng cho anh. Thường trong mỗi bữa cơm chiều, bà Thìn hay gợi ý bằng cách khen xa, khen gần về Ðộ trước mặt Phượng nhưng nàng rất dè dặt trong việc tỏ thái độ hoặc hưởng ứng hay dửng dưng đối với những gì bà Thìn vừa nói. Nàng chỉ cúi đầu mỉm cười và tiếp tục bữa cơm.

Trăng thượng tuần sắp lặn phía sau dãy núi, một đêm bà Thìn đi họp hội phụ nữ ở xã về; cơn gió nồm mát rượi thổi nhẹ vào tóc và làn da sạm nắng làm bà có cảm giác thích thú hân hoan. Bà mở cổng vào nhà, khi đi ngang qua đống rơm mà chiều nay Ðộ đã giúp bà và Phượng vun lên, bỗng nhiên bà khựng lại vì nghe có tiếng người thì thầm phía sau đống rơm. Bà bước nhè nhẹ và đứng phía bên này, bà nghe rõ tiếng của Phượng và Ðộ đang nói chuyện với nhau. Cảm thông cho hoàn cảnh con dâu sớm góa chồng, bà lặng lẽ bỏ đi vào nhà. Ðêm nay, bà Thìn sẽ ngủ đẫy giấc vì bà biết rằng trong căn nhà này có một tâm hồn đang sung sướng.

Năm tháng trước, bà Thìn và Phượng làm giỗ thứ ba cho Trình và cũng là ngày mãn tang chồng đối với nàng. Cũng như bà Thìn, Phượng nghĩ rằng chịu tang chồng hơn ba năm cũng đủ để cho một góa phụ trẻ như nàng có thể nghĩ đến việc đi thêm một bước nữa để làm lại cuộc đời. Mà Phượng có cái quyền ấy. Nhưng đối với Phượng, nàng không vội và không bao giờ nàng tỏ thái độ cho thấy rằng mình sẵn sàng đi thêm bước quan trọng nữa trong đời. Ở một thôn hẻo lánh như Lạc An, Phượng cũng còn sợ dư luận đàm tiếu rằng nàng trông mong ngày tháng mãn tang chồng chóng qua để nàng có dịp đi thêm bước nữa. Biết thế nên Phượng cũng khá dè dặt trong việc liên hệ với Ðộ. Chỉ có lần hẹn phía sau đống rơm đêm hôm ấy là cả một quyết định táo bạo trong đời nàng.

Nhưng những lúc sau này, bà Thìn cũng muốn Ðộ đi lại chính thức với Phượng và bà cũng úp mở nói cho nàng biết rằng đã đến lúc nàng nên tìm một hạnh phúc riêng cho chính mình. Phượng thương mẹ chồng như chính mẹ đẻ của mình, với sự chấp thuận và thôi thúc của mẹ chồng, nàng không giấu được những liên hệ tình cảm giữa nàng và Ðộ. Bên rổ khoai lang bốc khói đêm nay, bà Thìn muốn nói rõ cho Phượng biết rằng bà chấp thuận cuộc hôn nhân của nàng và Ðộ và bà muốn nàng và Ðộ về chung sống với bà. Bà Thìn giờ này không còn nghĩ rằng sự có mặt của Ðộ trong nhà sẽ tăng thêm tai mắt dò tìm tin tức và phát hiện việc giao liên giữa bà và Ðăng nhưng bà muốn Phượng bận rộn việc vợ chồng mà không để ý đến việc làm bí mật của bà từ trước đến giờ.

Sau ngày miền Nam mất, Ðăng giờ đây là chủ tịch xã Ninh An. Anh về sống với gia đình mẹ anh. Những ngày đầu tiên, anh cảm thấy khó chịu khi chung sống với sự có mặt của Phượng và Ðộ. Anh cho rằng hai người này là người dưng nước lã, chẳng bà con dòng họ gì với gia đình anh cả nhưng vì thương mẹ, anh dần dần thấy quen. Anh nghĩ rằng những gì mẹ anh vui là anh vui. Là người con trưởng trong gia đình, anh tự thấy mình có trách nhiệm phụng dưỡng mẹ già. Ngoài những giờ làm việc tại trụ sở xã, khi rảnh Ðăng rào lại mảnh vườn , đào ao nuôi cá với sự phụ giúp của Phượng và Ðộ. Ðối với Phượng, vì có Ðộ bên cạnh nên nàng không thấy khoảng cách giữa nàng và người anh chồng cho dù Ðăng có thể là người giết chồng nàng trong trận đánh tại dốc Ðá Trắng năm nọ.

Khi vừa nhận chức chủ tịch xã, hai tuần sau Ðăng liền bố trí công tác ngay cho Phượng. Anh đưa Phượng lên giữ chức trưởng ban hợp tác xã chuyên trách công tác phân phối nhu yếu phẩm trong toàn xã. Khi Ðăng đề nghị, Phượng định thoái thoát việc hợp tác này nhưng bà Thìn năn nỉ nên cuối cùng nàng nhận với sự bất đắc dĩ. Phượng nghĩ rằng dù sao nàng cũng còn là vợ của “lính ngụy” dưới cái nhìn của Ðăng nên nàng rất lưỡng lự nhận công tác này vì sợ rằng láng giềng chê trách là hợp tác với địch. Hai tháng sau, Ðăng cũng liên lạc được với người bạn chiến đấu cùng đơn vị giờ là giám đốc Công ty Ðánh cá Quốc doanh Ninh Hải để xin cho Ðộ một chân đánh cá trên tàu.

Phượng cũng quen dần với công việc giao phó, trong những bữa cơm chiều, Ðăng thường khen Phượng trước mặt bà Thìn về việc hoàn thành tốt công tác như để động viên nàng nhưng thực chất nàng không được như thế và có khi còn tệ hơn vì nàng đâu có để tâm đến với công việc này. Vì ít gặp Ðộ, Ðăng cũng thường hỏi thăm Phượng về anh. Mỗi lần như thế, nàng chỉ trả lời ậm ờ cho xong chuyện nhưng Ðăng có ngờ đâu Ðộ và nàng đang nhen nhúm âm mưu vượt biên do Ðộ kể cho nàng nghe trong những lần về Lạc An thăm nàng. Kế hoạch vượt biên này bí mật lắm. Vì yêu Phượng nên anh mới dám thổ lộ chuyện động trời này cho nàng biết và anh khuyên nàng nên cẩn thận giữ đến phút cuối trước khi ra đi. Còn Ðăng thì lúc nào anh cũng tin tưởng ở khả năng quản lý của Phượng và sự yêu nghề của Ðộ. Từ lúc Phượng biết được kế hoạch vượt biên do chồng nàng kể lại, nhiều đêm nàng không sao chợp mắt được và tưởng tượng một ngày nào đó nàng và chồng sẽ đến bến bờ tự do, xây dựng lại cuộc sống thoải mái hơn cho bõ những ngày cơ cực tại quê nhà.

Thế là ngày ấy đã đến. Các cán bộ trên ghe đánh cá quốc doanh quyết định kế hoạch vượt biên sớm hơn dự tính vì chính những cán bộ này đã cho người móc nối số khách đi riêng của họ. Nhóm người của Ðộ trở tay không kịp nên âm thầm ra đi phú cho định mệnh đẩy đưa. Sau khi Phượng nghe Ðộ vượt biên, lòng nàng chùng xuống và thầm trách Ðộ là đã quên nàng nhưng Phượng đâu có hiểu sự thể đã xảy ra. Gần một tháng sau, Ðăng cũng biết tin Ðộ vượt biên trên chiếc ghe đánh cá quốc doanh cùng với một số cán bộ và cũng cùng thời gian này, Phượng cũng chưa hay biết tin tức gì về chồng nàng cả nhưng trong thâm tâm nàng lúc nào cũng cầu mong cho Ðộ sớm vượt thoát đến được bến bờ tự do. Hai tháng rồi ba tháng, Phượng cũng chẳng được tin tức gì về Ðộ cả, nóng lòng nàng đạp xe xuống Ninh Hải để nghe ngóng tin chồng và cuối cùng có người cho nàng biết rằng chiếc ghe đánh cá quốc doanh vượt biên ấy đã bị cơn bão số hai đánh chìm sau ba ngày lênh đênh trên biển.

Phượng lầm lũi trở về căn nhà hiu quạnh nơi đây có bà Thìn và Ðăng đang đợi nàng. Như cái xác không hồn, Phượng đi về ngơ ngác. Những ngày công tác phân phối nhu yếu phẩm ở xã, Phượng không còn đầu óc nào để ý đến công việc cho dù Ðăng động viên nàng rất nhiều. Anh thường đến thăm Phượng vào những giờ sau khi công tác xong và có khi cùng nàng chạy xe trên đường về nhà. Ðôi khi bà Thìn bắt gặp cảnh tượng này nhưng bà chẳng để ý đến. Dần dần Phượng cũng thấy nguôi ngoai.

Vào một buổi sáng, khi Phượng ngồi trước gương trang điểm trong nhà thì Ðăng từ ngoài sân trước nói vọng vào và giục nàng ra xe cùng đi với anh xuống trụ sở xã nhưng nàng bảo là nàng sẽ đi xe đạp một mình. Trang điểm xong, nàng nhìn lại trong gương thấy mình đẹp hẳn ra và cũng trong lúc ấy nàng trực nhớ đến hai câu thơ mà nàng đã đọc đâu đó của một thi sĩ mà nàng không thể nhớ tên:

              Em ơi điểm phấn tô son lại
Ngạo với nhân gian một nụ cười

Ngoài sân, Ðăng hình như không nghe tiếng nói vọng ra của Phượng nên anh bước nhẹ vào nhà trong và thấy nàng trang điểm vừa xong. Tuy chỉ kẽ một đường bút chì thật nhạt trên đôi chân mày lá răm, và đánh một lớp phấn hồng thật mỏng lên đôi má, Phượng cũng trông xinh hẳn ra. Khi Phượng đứng dậy và quay lại thì thấy Ðăng đang đứng sát cạnh người nàng và anh không để bỏ lỡ cơ hội khen vẻ đẹp của nàng. Phượng e thẹn cúi đầu bước ra sân để mặc Ðăng đứng phía sau nhìn theo bước nàng.

Cuộc sống ba mẹ con bà Thìn vẫn bình thường như mọi ngày nhưng hình như cả ba người đang sống trong ba thế giới khác nhau. Căn nhà trước có ba gian. Ðăng tình nguyện ngủ gian giữa trên bộ ván gỗ căm xe đã lên nước bóng. Anh nhường hai phòng kia cho mẹ và cô em dâu. Nhiều lúc Ðăng thức giấc nửa đêm, đi xuống nhà sau uống nước; đi ngang qua phòng ngủ của Phượng, anh nghe rõ những tiếng thở dài não nuột mà anh biết chắc là của nàng. Và khi trở lại bộ ván, anh đi qua bàn thờ nhìn lên thấy bức ảnh bán thân của Trình ẩn hiện dưới ánh sáng leo lét của cây đèn hột vịt, Ðăng chạnh lòng nghĩ thương em, thương mẹ và thương cả Phượng nữa; mới chừng ấy tuổi mà đã phải trải qua hai lần góa chồng. Ðêm nay, Ðăng nghĩ đến sự tàn nhẫn của chiến tranh, đến cái giá tự do mà con người phải trả và còn những gì rồi đây phải trả bằng máu và nước mắt có khi còn trả bằng cả sinh mạng con người nữa…

Ðăng bây giờ cũng ngoài bốn mươi, ở cái tuổi mà một người nhà quê đã có con, có cháu nhưng anh chưa muốn lập gia đình vì anh cho rằng anh hãy còn bận công tác chính quyền thêm một thời gian nữa trước khi chính thức đi vào con đường hôn nhân. Mẹ anh cũng thường khuyên anh như thế nhưng anh không để ý đến việc này.

Vào một ngày mùa hạ, không biết vô tình hay cố ý, bà Thìn giết thịt một con gà mái tơ để sửa soạn cho bữa cơm chiều. Bà thương Ðăng, thương Phượng làm việc cực nhọc mà thường ăn những bữa cơm đạm bạc. Trong bữa cơm chiều nay, bà Thìn vui lắm. Những miếng thịt ngon bà đều tiếp cho Phượng, cho Ðăng. Khi bữa cơm gần xong, bà nhìn Ðăng một chốc như để lấy thêm sức mạnh trước khi nói lên một việc trọng đại. Rồi bà Thìn bỏ đôi đũa tre xuống mâm, nhìn Ðăng một lần nữa và nói:” Ðăng ạ! tiện đây mẹ cũng muốn nói cho con biết; con cũng lớn rồi và mẹ thì cũng không còn bao lâu nữa mẹ về với ông bà, tổ tiên. Thôi, con cũng đừng kén cá chọn canh nữa mà làm gì. Con liệu bề coi ai được thì nói với mẹ để mẹ lo mai mối xây dựng cho con.”

Sau khi bà Thìn nói xong, Ðăng không nói gì mà chỉ cầm đôi đũa lên định gắp miếng thịt gà còn sót lại trong đĩa và nhẹ nhàng đưa mắt kín đáo nhìn Phượng và cũng trong lúc ấy Phượng cũng đã bắt gặp ánh mắt của Ðăng đang nhìn nàng…

Sau bữa cơm chiều, Phượng nói chuyện vãn với bà Thìn và cũng đến giờ nàng phải đi nằm. Ðêm nay, nhiều lần trở mình, Phượng không sao ngủ được, không phải vì cái nóng còn sót lại của những cơn gió Lào ngày qua mà là … cái nhìn trìu mến của Ðăng dành cho nàng trong bữa cơm chiều nay và Phượng cũng biết rằng cũng đêm nay trong căn nhà vắng vẻ này có một tâm hồn ấm áp như đang độ tiết nguyên tiêu. Nghĩ đến đây Phượng cảm thấy rùng mình và nàng như lẩm bẩm nói với chính mình… không… không thể được như thế. Và mãi đến nửa khuya nàng đi vào giấc ngủ lúc nào không hay.

 Phan Đông Thức

Chú thích:
* Người Pháp cũng dùng từ G.I (Government Issue) để chỉ người lính trận.
 ** Có lẽ gọi theo tên của một sĩ quan Pháp người xứ Corse, một hòn đảo phía Nam nước Pháp.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here