I-Tại sao Phật giáo trở thành phổ biến (kỳ 7)

0

I – Tại sao Phật giáo trở thành phổ biến
Phật giáo đang trở thành phổ biến ở các Quốc gia Á Châu và các nước  Phương Tây với một số lý do. Lý do chính là đạo Phật có câu trả lời cho nhiều vấn đề trong xã hội vật chất hiện đại. Nó bao gồm sự hiểu biết sâu sắc của tâm trí con người qua các liệu pháp tự nhiên mà các nhà tâm lý học nổi tiếng trên toàn thế giới hiện nay đang khám phá ra rất tiên tiến và hiệu quả. Đối với xã hội Việt Nam thì Phật giáo được bản địa hóa khi du nhập vào, cho nên có nhiều điểm tương đồng và khác biệt so với Phật giáo của các nước khác trên thế giới. Phật giáo VN du nhập từ Trung Quốc cho nên mang nhiều nét văn hóa Trung Quốc, nhất là thời kỳ một ngàn năm đô hộ. Cho nên có ảnh hưởng sâu rộng từ kinh điển, truyền thuyết nhất là những nghi thức hành đạo và thờ phượng không như sách vỡ Phật giáo nguyên thủy. Người Tàu đã đem mê tín dị đoan và ngụy tạo nhiều huyền thoại vào triết lý Phật giáo mà mãi đến ngày nay vẫn còn tồn tại ở Việt Nam.

Phật giáo lan rộng khắp thế giới, bởi vì khái niệm duy nhất về Bồ đề tâm xuất hiện giống như Jainism giáo cổ xưa của Ấn Độ , cũng dạy cách để giải thoát và tìm về hạnh phúc, một cuộc sống phóng sinh và xả bỏ. Phật giáo cũng có mục đích tương tự là để đạt được sự giải thoát của tâm hồn. Đó là quá trình đạt được sự giác ngộ, không phải cho sự giải thoát của riêng mình, mà vì lợi ích của các chúng sinh khác. Đây là một triết lý tuyệt vời, một đỉnh cao lớn nhất của trái tim từ bi. Phật giáo là đôi cánh có thể mang con người đi xa hơn và thoát khỏi sự khổ đau và đến chỗ toàn mỹ sau cùng. Phật giáo phổ thông trên khắp thế giới là vì nó là một con đường chỉ rõ cho chúng ta biết vận mệnh của mỗi người đều do người đó tạo ra bởi chính họ và chịu trách nhiệm về hành động của chính mình. Mỗi người trong chúng ta đều mong muốn sống trong tự do. Chính sự mong muốn ý chí tự do đó và sự hưởng thụ, cho nên con người phải chịu trách nhiệm những hậu quả về hành động của mình. Trong Phật giáo luôn nhắc nhỡ chúng ta tự chăm sóc chính mình, không ai có thể giúp chúng ta, không có Thánh thần nào phù trợ. Không có phép nhiệm màu nào mang đến cho chúng ta những điều chúng ta mong muốn, cũng không ban ơn hay quỡ trách.

Phật giáo đối với Phương tây chưa được khởi sắc mấy từ thời Hoàng Đế Ashoka và đến tận hôm nay. Tuy nhiên sau khi có làn sóng của những người nhập cư Châu Á, họ đã mang đến nhiều hình thức của Phật giáo sang Châu Âu, Bắc Mỹ và Úc. Phật giáo thu hút được nhiều người Phương Tây vì triết lý Phật giáo không đòi hỏi họ phải tin vào bất cứ điều gì, không Thượng Đế, cũng không thần linh mà chỉ làm theo lời khuyên của Đức Phật với các phương pháp thực hành và những ý tưởng thử nghiệm đầu tiên. Ngoài ra Phật giáo là một triết lý đi sâu vào thực tế trong đời sống hằng ngày của mọi người. Ví dụ như sự sống của muôn vật hay môi trường sống chung quanh con người. Thái độ của Phật giáo chủ trương hòa bình, chánh niệm và chăm sóc cho tất cả các sinh vật sống, cho nên được sự quan tâm của nhiều người phương Tây. Phật giáo tin rằng tất cả mọi thứ nên được chăm sóc: Trái đất, thực vật, chim chóc, côn trùng và động vật… Đây là điều thực tế gần với cảm giác của nhiều người trong những năm gần đây khi thế giới kêu gọi con người nên ngừng làm ô nhiễm bầu không khí với các quốc gia kỷ nghệ, giết súc vật lấy da hay phá rừng làm hủy hoại bề mặt của trái đất.

Du lịch cũng là cách để cho con người tìm hiểu về văn hóa các Quốc Gia khác, trong nhiều năm qua nhiều quốc gia như Pháp, Hà Lan, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, Bắc và Nam Mỹ và các nước Châu Âu khác đã bắt đầu đi du lịch ở vùng Viễn Đông. Họ bắt đầu tìm hiểu về ý tưởng Phương Đông và cũng từ đó họ khám phá triết lý Phật giáo. Đồng thời các di dân tị nạn Tây Tạng, Việt Nam, Lào, Cambochia, Thái Lan.v.v. Họ mang theo kinh điển, sách vỡ và tín ngưỡng Phật giáo của họ đến vùng đất mới. Sau đó họ thành lập chùa và các trung tâm Phật Giáo. Vào khoảng giữa thế kỷ XIX, một số kinh sách Phật giáo đã được dịch sang ngôn ngữ Châu Âu. Do đó việc giảng dạy Phật giáo đã được biết đến với các học giả Châu Âu. Một vài người trong số họ bị ảnh hưởng bởi Phật giáo cho nên những tác phẩm của họ có lồng nhiều tư tưởng Phật giáo. Đáng kể nhất là các tổ chức Phật giáo được thành lập ở các thành phố lớn của Châu Âu. Một trong số đó, Hội Phật giáo của London, được thành lập vào năm 1924. Một trong những tổ chức Phật giáo lớn nhất ở Châu Âu. Ở Hoa Kỳ một số trường đại học lâu đời nhất tại Mỹ có thành lập một chuyên ngành nghiên cứu về Phương Đông trong đó triết lý Phật giáo được đề cao.

J – Quán Thế Âm

1 -Quán Thế Âm là ai.

Tôi đã đọc quan nhiều sách vở và kinh kệ tôi vẫn mù mờ trong việc xác định Phật Quán Thế Âm là ai và Ngài là nam hay nữ. Tuy rất khó hiểu và có vẽ quá huyền thoại về Ngài khác với Đức Phật Thích Ca đã giảng dạy về thực tế đời sống của con người, không thần bí, không Thần thánh, không biến hóa, không cứu giúp, không thưởng phạt một ai mà do chúng ta tự cứu chúng ta mà thôi. Đức Phật còn nói, ông không có một thiên khải nào từ bất cứ một vị thần linh hay một quyền năng nào khác trong vũ trụ. Cho nên, đối với tôi những chuyện viết về Phật Quan Âm giống như là một huyền thoại làm hư đi phần siêu việt trong Phật giáo và ngược lời dạy của Đức Thích Ca Mâu Ni. Đây phải chăng là điều mê tín? Hay tôi vẫn chưa thông suốt hết những siêu việt của triết lý Phật giáo? Tuy là thế, nhưng tôi vẫn viết lại những điều mà tôi đã đọc về Ngài Quan Thế Âm và những suy nghĩ của riêng mình. Quan Âm (zh. 觀音, ja. kannon), nguyên là Quán Thế Âm nhưng do tránh chữ Thế trong tên nhà vua Đường là Lý Thế Dân nên gọi là Quan Âm hoặc Quán Âm (cũng là từ Trung Quốc tạo ra). Tên của Bồ Tát Quán Thế Âm trong nguyên bản tiếng Phạn là (zh. 觀世音, sa. avalokiteśvara) nếu phiên dịch ra là “Avalokiteśvara Bodhisattva”. Ý nghĩa của chữ Quán Thế Âm nhiều người đã giải thích như sau: – Quán là quán xét, thấy nghe, biết đối tượng thật rõ ràng -Thế là cõi đời, cõi hữu tình thế gian. -Âm là tiếng niệm, tiếng kêu cứu, tiếng cầu nguyện từ mọi nơi đau khổ phát ra. -Bồ Tát là người cứu độ, giải thoát, giác ngộ cho tất cả các loài chúng sinh vượt thoát ra khỏi khổ đau ách nạn.

Quan Thế Âm là một vị Bồ Tát được cho là hiện thân của lòng từ bi của tất cả chư Phật. Vì lòng từ bi là nền tảng mà Phật giáo đã xây dựng nên. Do vậy tính chất vật lý của bức tượng Phật Quán Thế Âm được miêu tả khác biệt tùy thuộc vào văn hóa và nơi chốn của họ. Cũng như việc nam hay nữ đều tùy thuộc vào sự xuất hiện của Ngài cho hoàn cảnh đó, ngay cả trong địa ngục để giúp tất cả chúng sinh thoát nạn và đau khổ. Cho nên nhiều sách cho rằng Quán Thế Âm là cả thân nam lẫn nữ giới nếu hiểu theo nghĩa chữ Anh thì lưỡng tính (“Bisexual” hay “pansexuality”) Còn nếu nói là giả định thì điều này không thể. Hay trong Kinh A Hàm nói người nữ có 5 chướng không thể thành Phật… Thế mà, Bồ Tát Quan Thế Âm lại hiện thân người Nư ư? Cho nên vấn đề này rất khó hiểu. Ngài làm sao có thể hiện được Phật thân nam hay nữ được? Chúng tôi nghĩ trái với những gì Phật dạy và triết lý Phật giáo. Không có vị thần nào hóa phép thần thông, hay là một phù thủy, ma quỹ cả. Quán Thế Âm là một trong những vị Bồ-tát được tôn kính thờ phụng rộng rãi nhất trong Phật Giáo Đại Thừa. Avalokiteshvara được tôn kính như là lý tưởng Karuna, là hoạt động từ bi trên thế giới và sự sẵn sàng để chịu nỗi đau của người khác. Quán Thế Âm trong truyền thống Đại Thừa là Bồ Tát từ bi, với sáu hình thức khác nhau. Cho nên Phật Quán Thế Âm đã có nhiều huyền thoại nói về ngài. Nhất là từ văn hóa nhiều mê tín của Trung Quốc và các nước kém văn minh không theo kịp đà tiến bộ khoa học của thế giới. Ở Trung Quốc Bồ Tát nữ được gọi là Guanyin, được phát âm là Quanyin, Kwan Yin, Kuanyin hoặc Kwun Yum. Đông Dương, Campuchia và Thái Lan là Lokesvarak/”The Lord of the World”. Nhật Bản Quán Thế Âm là Kanzeon hay Kannon, ở Tây Tạng là Chenrezig, phát âm là “gzigs Spyan-ras” ở Hàn Quốc là Gwan-eum, Mông Cổ là Megjid Janraisig Bodisadv và Việt Nam là Quan Âm.

Tóm lại Quan Thế Âm nam hay nữ tùy theo mỗi trường phái như Phật giáo Kim Cang Thừa Tây Tạng cho là nam và Campuchia, Thái Lan, Sri lanka cũng gọi là vị Thần nam hay còn gọi là Bồ Tát. Khi Phật giáo phát triển trong thiên niên kỷ đầu tiên và bắt đầu lan rộng vùng viễn đông, lúc đó thì Quan Thế Âm vẫn được mô tả là nam tính. Nhưng khi đến Trung Quốc và một số nước vùng viễn đông thì Quan Thế Âm đã biến thành nữ tính. Có những tài liệu nói rằng về nguồn gốc của Bồ Tát Guanyin Trung Quốc là trong Đạo giáo chứ không phải từ Phật giáo. Vị Bồ Tát này có liên quan đến một trong những vị bát tiên của đền thờ Đạo giáo (eight immortals of the Taoist pantheon) vì một trong tám vị Thần này có một người nữ, có thể là Guanyin.

Nhiều người cho rằng Đức Quan Thế Âm là hiện thân một người mẹ hiền của nhân loại, hay một người mẹ nữ thần của lòng thương xót. Hay có người cho rằng có sự giao thoa về văn hóa ở Châu Âu với sự sùng bái Đức Mẹ Đồng Trinh Maria rất phổ biến ở thế kỷ thứ 12 và 13. Hoặc có thể một số yếu tố khác khiến nữ thần đặc biệt hấp dẫn trong thời gian đó?

2 -Những huyển thoại về Quan Thế Âm.

-Nhiều người gọi Quan Thế Âm bằng nhiều cách khác nhau: Quan Âm Phật, Quan Âm Như Lai, Quan Thế Âm, Quan Âm Nam Hải, Phổ Đà Phật Tổ… Nhiều bài viết cho rằng Quan Thế Âm đã giáng trần 33 kiếp khác nhau khi thì nam, khi thì nữ, khi thì quyền quý, khi thì bần cùng cơ khổ, khi thì đạo sĩ, tì khưu, khi là hiện thân Thị Kính hay là Diệu Thiện.

-Quán Thế Âm là vị thần Phật giáo được kết nối hầu hết với ánh sáng với câu chuyện sau đây: Quán Thế Âm đã được tạo ra từ một tia sáng mà bắt nguồn từ Phật Amitabah. Quán Thế Âm thường được mô tả như tỏa ánh sáng chiếu khắp chúng sinh và tất cả các góc của vũ trụ.

-Hay câu chuyện con khỉ là hóa thân của Quán Thế Âm (Avalokitesvara). Ngài sống trên núi và thực hành thiền định. Một ngày nọ con quỷ đem lòng yêu Quán Thế Âm. Sau nhiều nỗ lực không thành công, Quỷ đe dọa sẽ mang lại tai họa trên tất cả các chúng sinh trong khu vực nếu không cưới được cô ấy… Sau đó họ kết hôn và có sáu người con. Sáu trẻ em là những bậc tiền bối của người dân Tây Tạng. Do đó, tất cả người Tây Tạng là hậu duệ trực tiếp của một biểu hiện của Quán Thế Âm.

-Câu chuyện Phật A Di Đà cho Avalokitesvara mười một cái đầu để nghe tiếng kêu đau khổ. Hay Amitabha giúp đỡ cho Avalokitesvara bằng một ngàn cánh tay để giúp đỡ những người đau khổ. Và nhiều phiên bản Himalayan về câu chuyện tám cánh tay của Avalokitesvara khéo léo giữ vững pháp, mỗi cánh tay có một công cụ đặc biệt riêng…

-Theo một huyền thoại Trung Hoa thì Quan Âm là con gái thứ ba của một nhà vua. Công chúa quyết tâm đi tu nhưng vua cha không cho, nên đã giết chết công chúa. Sau này khi xuống địa ngục công chúa biến địa ngục thành Tịnh Độ. Diên vương thả nàng ra đầu thai lại trên núi Phổ-Đà biển Đông và trở thành người cứu độ cho ngư dân. Vì thế có Quan Âm cũng có biệt hiệu “Quan Âm Nam/Đông Hải”.

-Hay trong truyện Phong Thần diễn nghĩa Việt nam Nguyên phi Ỷ Lan được gọi là Quan Âm nữ thờ ở chùa Bà Tấm.

-Để tôn vinh và dẫn dắt con người hướng thượng Quan Âm có những truyền thuyết khác như Quan Âm Diệu Thiện về đời vua Trang vương. Quán Âm xách giỏ cá đời vua Huyền Tôn nhà Đường, Quán Âm Thị Kính đời nhà Minh, Quán Âm linh ứng đời nhà Nguyễn.v.v.

-Hay đức Quán Thế Âm làm Thái tử con của vua Vô Tránh Niệm. Sau này Thái tử tạo nhiều công đức viên mãn cũng về cõi Cực Lạc thành bậc đại Bồ Tát hiệu là Quán Thế Âm cùng với Phật A Di Đà.

-Theo Kinh Bi Hoa thì ở vào đời quá khứ có đức Phật ra đời hiệu là Bảo Tạng Như Lai. Thời đó có vua Chuyển Luân Thanh Vương là Vô Chánh Niệm. Vua Chuyển Luân có nhiều con. Con cả là Thái Tử Bất Tuấn người đã xuất gia theo cha đi tu và cứu độ tất cả chúng sanh bị khổ não. vì vậy Đức Bảo Tạng thụ ký cho Thái Tử thành Bồ Tát hiệu là Quan Thế Âm.

Tóm lại, nguồn gốc chính xác của các tập tục tôn giáo liên quan đến Quán Thế Âm là không rõ ràng. Một số học giả Phương Tây đã gợi ý rằng khái niệm về Avalokitesvra, cùng với nhiều sinh vật siêu nhiên khác trong Phật giáo, được dựa trên tôn giáo Hindu hấp thụ bởi giáo phái Đại Thừa như một khía cạnh của lịch sử Phật Thích Ca Mâu Ni. Đối với chúng tôi tất cả những huyền thoại về Quán Thế Âm chỉ làm giảm đi giá trị cao siêu và thực tiễn của giáo lý Phật giáo mà thôi.

3 – Hình tượng Quán Thế Âm

Có hơn 30 cơ quan đại diện để tạc hoặc vẽ hình tượng của Đức Quán Thế Âm (Avalokiteshvara) trong nghệ thuật Phật giáo. Quán Thế Âm thường được mô tả với các đặc tính con người đặc biệt như 1000 cánh tay và 11 cái đầu

Khái niệm Quán Thế Âm không chỉ ở Ấn Độ mà nó còn lây lan cùng với Phật giáo Đại Thừa sang các nước khác nhau và các nền văn hóa Châu Á. Trong niên sử tiếng Pali như, Mahavamsa và Culavamsa rất dè dặt khi đề cập đến Quán Thế Âm và Bồ Tát khác với trường phái Đại Thừa. Họ chỉ đề cập đến Phật Di Lặc là cuối cùng vào thời gian cuối Kalpa (Kalpa thời gian theo tính toán của con người trong đạo Hindu và vũ trụ học Phật giáo). Hay Tên của Quan Thế Âm (Avalokitesvara) không xuất hiện trong các văn bản Phật giáo sớm nhất như Lalithavistara, Divyavadana và Jatakamala hoặc trong bất kỳ sách vở hay công trình nào của Asvaghosa (Asvaghosa là một nhà triết học, nhà thơ Ấn Độ, ở miền bắc Ấn Độ trong một gia đình Bà La Môn.. Sau đây chúng tôi chỉ nêu một số hình tượng được mô tả Quán Thế Âm:a- Natha dường như được phổ biến là một nhân vật nổi bật, sau thế kỷ 8 và 9 sau công nguyên AD/ Latin phrase anno domini, có nghĩa là “in the year of our Lord.”. Natha được gọi là Quán Thế Âm được mô tả trong Sri Lanka Xá Lợi như: Siva Natha, Brahma Natha, Visnu Natha, Gauri Natha, Matsyendra Natha, Bhadra Natha, Bauddha Natha, Gana Natha.

b-Quan Thế Âm như là một viên kim cương đức hạnh bất hoại, vị thần này nắm giữ những biểu tượng Phật giáo cho lòng từ bi và trí tuệ trong tay.

c-Chenrezig là một hiện thân quan trọng của Quan Thế Âm được tìm thấy trong Phật giáo Tây Tạng. Tượng Phật này tượng trưng cho lòng từ bi của tất cả chư Phật.

d-Hình tượng Quán Thế Âm bên tay trái nắm giữ một hoa sen. Bồ tát này có “vầng hào quang” như vòng tròn trên đầu giống như một Thiên Chúa. 

Quán Thế Âm không xuất hiện trong các văn bản sớm nhất về Bồ Tát. Các học giả Phương Tây đã không đạt được một sự đồng thuận về nguồn gốc của sự tôn kính đối với Quán Thế Âm. Một số người cho rằng Quán Thế Âm, cùng với nhiều sinh vật siêu nhiên khác trong Phật giáo, là một khoản dựa vào hoặc hấp thụ bởi Phật giáo Đại Thừa với niềm tin của một hoặc nhiều vị thần Hindu. Một số tài liệu Tây Tạng giải thích rằng Đức Phật Amitabha đã giao phó cho Quán Thế Âm với nhiệm vụ chăm sóc cho người dân Tây Tạng. Nguồn gốc của khái niệm chính xác trong các tập tục tôn giáo liên quan đến Quán Thế Âm là không được rõ ràng. Một số học giả Phương Tây đã gợi ý rằng khái niệm về Avalokitesvra, cùng với nhiều sinh vật siêu nhiên khác trong Phật giáo, được dựa trên tôn giáo Hindu hấp thụ bởi giáo phái Đại Thừa xem như một khía cạnh của lịch sử Phật Thích Ca Mâu Ni. Và dường như đã đóng vai trò gây nhiều nguồn cảm hứng cho việc miêu tả Quán Thế Âm trong nghệ thuật.

K – Phật tử có thờ cúng thần tượng?

Phật tử không phải là những người thờ lạy thần tượng mà là những người thờ phượng lý tưởng. Mặc dù theo truyền thống những Phật tử giữ hình ảnh của Đức Phật để tôn kính Đức Phật, chứ không phải đó là sự thờ lạy thần tượng. Thờ lạy, sùng bái có nghĩa là dựng lên một hình ảnh của các vị thần và nữ thần mà họ không bao giờ biết đến, với nhiều hình dạng và kích cỡ, màu sắc khác nhau, để cầu nguyện trực tiếp những hình ảnh đó. Đây là niềm tin mù quáng của những người thiếu tự tin, tham lam chỉ biết bám vào sự ban ơn phù trợ của người khác. Lời cầu nguyện của những người đó không ngoài sự yêu cầu các vị thần linh giúp đỡ, hướng dẫn và bảo vệ họ. Họ cần các vị thần linh ban cho sức khoẻ, của cải, tài sản, tha tội, ban phước và cung cấp cho họ nhiều nhu cầu khác nữa.

Việc “thờ phượng” hình ảnh Đức Phật là một vấn đề khá khác biệt. Phật tử tôn kính hình ảnh Đức Phật như là một cử chỉ tôn kính một vị thầy vĩ đại nhất, khôn ngoan nhất, từ bi và thánh thiện nhất đã từng sống trong thế giới này. Đó là một thực tế lịch sử Ngài đã cống hiến cho loài người những lời dạy, một con đường chân lý tuyệt vời. Ngài cũng là người đại diện cho sự thật và chân lý của cuộc sống là phương pháp để giải thoát khỏi khổ đau, chứ không phải với hình tượng bằng đá hoặc kim loại. Chúng ta xem đó như một biểu tượng, là đối tượng của sự tập trung để đạt được sự an tâm. Phật tử nhìn hình ảnh của Đức Phật, một hình tượng thanh thản, ung dung làm cho con người có thể quên đi phiền não, giận hờn mà nghĩ về hòa bình, thanh thản, bình tĩnh và yên bình hơn. Hình ảnh Đức Phật sẽ truyền cảm hứng cho con người tự tin hơn để thực hiện con đường giải thoát và kiểm soát được phần nào những hành động của mình thường nhật. Người Phật tử hiểu biết không bao giờ yêu cầu hay van xin những ân huệ từ hình ảnh, cũng không nên yêu cầu tha thứ cho những hành động tà ác của mình. Hình ảnh tượng Phật không làm cho chúng ta thoát khỏi khổ đau thế gian và không tìm được sự cứu rỗi nào cho cuộc đời mình.

Phật tử không thấy hình ảnh Đức Phật như một thần tượng chết bằng gỗ hoặc kim loại hoặc đất sét. Hình ảnh đại diện cho một cái gì đó sôi động cho những người hiểu và được thanh tẩy trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nếu Phật tử thực sự muốn chiêm ngưỡng Đức Phật trong tất cả sự huy hoàng hùng vĩ và vẻ đẹp của sự hiện diện lý tưởng của ông thì phải đưa giáo lý của Ngài vào thực tế trong cuộc sống hàng ngày của họ. Đó là việc thực hành giáo lý của Ngài, họ có thể đến gần Ngài và cảm nhận được sự rạng rỡ tuyệt vời của trí tuệ và từ bi bất diệt của Ngài. Đơn giản chỉ cần tôn trọng những hình ảnh mà không phải là cách để tìm sự cứu rỗi. Winston Churchill đã xem hình ảnh của Đức Phật như một di sản ông nói: ‘if ever your mind gets perturbed and perplexed, I want you to see this image and be comforted.’ ‘Nếu lúc nào tâm trí của bạn bị nhiễu loạn và bối rối, tôi muốn bạn nhìn thấy hình ảnh này (hình Đức Phật) và sẽ được an ủi.

Có nhiều loại khác nhau của thờ phượng. Khi ai đó thờ một vị thần, họ ca ngợi vị thần đó với cả niềm tin của mình, thậm chí họ cúng dường và yêu cầu vị thần đó thỏa mãn điều mong muốn của mình. Họ cầu nguyện với ý tưởng là vị thần đó nghe thấy lời khen ngợi, hầu đáp ứng các dịch vụ của họ. Thờ phượng đúng nghĩa là chúng ta tỏ lòng tôn kính với một ai đó hoặc một cái gì mà chúng ta chiêm ngưỡng. Ví dụ như khi một giáo viên bước lớp học, các học sinh đứng lên chào vị thầy đó hay khi chào Quốc Kỳ chúng ta nghiêm chỉnh đứng lên và để tay trên ngực trái, đó là cử chỉ tôn trọng, chào mừng và biết ơn. Đối với Đức Phật cũng vậy sự thờ phương chính là sự tôn trọng và biết ơn. Đây là bản chất của tôn thờ Phật giáo.

Trong những năm gần đây nhiều người đã lợi dụng niềm tin tôn giáo, bày ra nhiều trò làm tiền các phật tử nhẹ dạ, yếu kém niềm tin, như trường hợp Phật ngọc trong những năm vừa qua. Miếng ngọc chỉ là cục đá màu xanh không hơn không kém, tại sao lại tin có Phât trong đó. Miếng ngọc này có giúp được gì cho chúng ta đâu, tại sao ta không dùng tiền đó để giúp cho người nghèo làm phước, hay giúp cho gia đình có bữa ăn, đó mới là thực tế và tôn trọng lời Phật dạy. Những người tạo ra nhiều lý do bán Phật ngọc chính là sự lừa đảo làm mất đi cốt lõi siêu việt của triết lý Phật giáo. Họ đã làm tiền trong sự mê tín của mọi người. Dù đúc tượng Phật bằng vàng, hột xoàn, bằng đồng hay bằng gỗ đó cũng chỉ là đồ vật, tuyệt đối không có Phật nào trong đó cả. Dù là bằng giấy hay bằng đất, bằng đồng thì cũng chỉ là biểu tượng để chúng ta tỏ lòng tôn kính một vị thầy vĩ đại nhất, khôn ngoan nhất, từ bi và thánh thiện nhất đã từng sống trong thế giới này, đã dạy cho chúng ta một con đường giải thoát nỗi khổ đau và tìm sự bình an trong tâm hồn. Nên nhớ Đức Phật không ban ơn và cũng không trừng phạt chúng ta, cho nên hình tượng đó không thể nghe thấy những gì chúng ta nói, chúng ta van cầu.

Đối với Phật giáo thờ Phật không phải thờ một thần tượng, hay người sáng tạo thế giới này, có thể vì mê tín đã làm cho con người hiểu sai ý nghĩa thờ phượng của nó. Theo tự điển định nghĩa một thần tượng là “một hình ảnh hoặc bức tượng tôn thờ như một vị thần”. Đối với Phật giáo không tin rằng Đức Phật là một vị thần, vậy làm thế nào họ có thể tin rằng một mảnh gỗ hoặc một mảnh kim loại là một vị thần? Tất cả các tôn giáo sử dụng các ký hiệu hay các hình tượng khác nhau để diễn tả về khái niệm của tôn giáo họ. Ví dụ như đạo Thiên chúa giáo là Thập giá, hay hình Đức chúa Jesus, đạo Cao đài hình con mắt, đạo Sikhism là thanh kiếm.v.v. Vì vậy, cho rằng Phật giáo tôn thờ thần tượng là không đúng. Thậm chí có người mua tượng Phật, tượng Chúa, tượng Đức Mẹ…thường nhờ các Sư các Linh Mục làm phép trước khi mang về thờ. Chúng tôi thắc mắc không biết đó là loại thần phép gì, nếu vị sư hay giáo chủ đó có quyền phép có thể ban thưởng thì chắc ông là người còn cao siêu hơn Đức Phật hay Chúa Trời.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here