Lý Bạch và bài thơ Hoàng Hạc Lâu

0

Hình Phước Liên

Nếu làm một cuộc bỏ phiếu rộng rãi để bình chọn ra 10 nhà thơ nổi tiếng nhất của Trung Hoa, tôi tin rằng Lý Bạch (李白) sẽ có tên trong tốp đầu bảng ấy và chắc chắn sẽ không có tên Thôi Hiệu (崔顥)– tác giả của của bài thơ nổi tiếng Hoàng Hạc Lâu. Điều ấy đôi khi cũng để lại trong lòng người ta một chút ngậm ngùi, nhưng nghĩ cho cùng thì, “Có và không. Không mà hóa có/ Suy cho cùng cũng chỉ tương đối thôi…” Vậy nên, “Bận lòng chi chuyện người đời/ Nhớ thơ mà quên kẻ làm thơ.”(1)

                                          Toàn cảnh Hoàng Hạc Lâu.

Thôi Hiệu (704? – 754), là nhà thơ có tên đời Đường, người đất Biện Châu (thuộc thành phố Khai Phong, tỉnh Hà Nam ngày nay), đổ tiến sĩ năm Khai Nguyên (開元) thứ 11 (723) và làm quan đến chức Thượng thư Tư huân Viên ngoại lang (tứ phẩm). Thời trai trẻ ông sống phóng túng và thuộc lớp người yêu chuộng cái đẹp ngoại hình, vì vậy thơ của ông trong thời kỳ nay cũng sướt mướt, diễm tình như cuộc sống của ông. Về sau, khi đã trải qua những đắng ngọt cuộc đời, nhất là khi chứng kiến những cảnh lầm than, khắc nghiệt ở vùng biên tái, ông đã có những chuyển biến tích cực về quan điểm sống và thơ của ông cũng trở nên hùng tráng, tiêu sái được người đương thời xem như một trong những nhà thơ “Biên tái” xuất sắc. Đặc biệt, trong khoảng thời gian này ông đã viết bài thơ Hoàng Hạc Lâu – một tuyệt phẩm thi ca, được người đời sau đánh giá là một trong những bài thơ Đường hay nhất.

Hoàng Hạc Lâu (Vũ Xương, Hồ Bắc) nằm tựa lưng núi Bạch Xà, mặt quay về phía dòng Hán Thủy, được xếp đầu trong “Tứ đại danh lâu” của Trung Quốc cổ đại. Tương truyền, khi xưa có người tên là Phí Văn Vĩ (費文偉) đã cưỡi hạc vàng lên tiên tại đây và lầu Hoàng Hạc cũng được định danh từ ấy; đã trở thành nơi các tao nhân mặc khách đến ngắm cảnh vẽ tranh, đề thơ xướng họa và gửi gắm chút lòng hoài cổ.

Vâng, hoài cổ là bệnh của thi nhân, và cũng chính niềm hoài cổ đã thúc dục Thôi Hiệu tìm đến nơi đây trong một buổi chiều sau cơn mưa tạnh, để rồi chạnh lòng khi đứng trước ngôi lầu rêu phong cổ kính này: “Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?/ Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ/ Hạc vàng đi mất từ xưa/ Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay”.(2)

Và khi bước lên lầu Hoàng Hạc dõi mắt xa nhìn xa, cảnh sắc nơi đây lại càng làm cho lòng thi nhân thêm dạt dào xúc cảm: ánh chiều rựng đỏ phía chân mây; dòng Hán Thủy mênh mang tung bọt sóng trắng ngần; bờ xa, bãi gần cỏ cây tưoi xanh bát ngát…Tất cả vẻ nên bức tranh sắc màu tuyệt mĩ trong khói sóng chiều hôm bãng lãng. Thế nhưng, cảnh sắc dầu tươi đẹp mấy, vẫn là đất khách quê người và vì vậy lại càng làm cho lòng kẻ ly hương thêm chất ngất nỗi sầu xa xứ: Hán Dương sông tạnh cây bày/ Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non/ Quê hương khuất bóng hoàng hôn/ Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai? (3) Và đấy chính là “phút linh” để nhà thơ hạ bút viết nên bài thơ Hoàng Hạc Lâu lẫy lừng thiên cổ:

                                                                       Hoàng Hạc Lâu

昔人已乘黃鶴去                                         Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

此地空餘黃鶴樓                                         Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

黃鶴一去不復返                                         Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

白雲千載空悠悠                                         Bạch vân thiên tải không du du.

晴川歷歷漢陽樹                                         Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

芳草萋萋鸚鵡洲                                         Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

日暮鄉關何處是                                         Nhật mộ hương quan hà xứ thị?

煙波江上使人愁.                                        Yên ba giang thượng sử nhân sầu.…

Người xưa có nói “Văn dĩ khí vi  chủ”, bốn câu đầu của bài thơ được tuôn trào từ cảm xúc, không chút hoa mĩ mà như lời ăn tiếng nói đời thường; càng không kiểu cách, gò bó theo niêm luật của thơ, cứ hồn nhiên như mây trôi, nước chảy. Hai từ “hoàng hạc” được lặp lại ba lần ở ba câu; câu thứ ba dùng liên tiếp sáu âm trắc, ở câu bốn lại dùng cả ba âm bằng ở cuối câu; ông đã bỏ qua cả nguyên tắc đối tỷ trong thơ thất ngôn bát cú và dùng toàn cú pháp của cổ thi. Nhà thơ đã quên hết quy định của luật thơ và dường như đang thuận theo dòng ý tưởng của thi tứ. Rõ ràng Thôi Hiệu đã “không vì từ mà làm hại ý” nên mới có thể viết được những câu thơ như thế. Thế nhưng, đến bốn câu sau ông lại đưa thơ trở về với chính thể để miêu tả cảnh sắc thiên nhiên cũng như cảm xúc của mình khi nhìn về thành Hán Dương, bãi Anh Vũ mà lòng trào dâng nỗi nhớ quê da diết để rồi hạ một chữ “sầu” kết bài thơ. Đấy chính là “cái diệu” trong bút pháp của nhà thơ vậy!


Lý Bạch túy tửu

Chuyện kể rằng, Lý Bạch (701 – 762) trong lúc ngao du thiên hạ, lần đầu ghé thăm lầu Hoàng Hạc, cảnh sắc nơi đây đã làm Nhà thơ vô cùng cảm xúc, trong lúc thi hứng dâng trào ông đã cầm bút định viết bài thơ để làm kỷ niệm. Bất chợt thấy trên tường có treo bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, đọc xong ông buông bút thở dài tán thán: “Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc/ Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.” (Có cảnh đẹp trước mắt mà không nói được, bởi vì trên đầu ta Thôi Hiệu đã đề thơ rồi). Tuy thế ông vẫn không cam lòng và sau này đã lấy ý bài Hoàng Hạc Lâu để viết ra bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài” để tranh tài cao thấp.(4) Chuyện ấy có thể chỉ là “câu chuyện” mà người đời sau dệt nên nhằm tăng thêm tính thuyết phục khi ca ngợi bài thơ Hoàng Hạc Lâu chứ chưa hẵn đã là sự thật. Bởi vì, để được Lý Bạch khâm phục thì phải đâu là chuyện bình thường.

Ai cũng biết Lý Bạch là một trong những nhà thơ lớn nhất của Trung Hoa, trên đường phiêu lãng, đến đâu, gặp chuyện gì ông đều có thơ để tỏ bày cảm xúc. Thơ với ông là một nhu cầu tự  nhiên như đói ăn, khát uống và ông cũng không cần quan tâm gì đến sự mất còn đối với những gì mà mình đã viết, nói chi là những lời bình phẩm. Thơ ông hào phóng, tự nhiên, phản ánh một tâm hồn cao khiết, đứng ngoài vòng cương tỏa và chính điều đó ông đã được người đời tặng cho danh hiệu Thi Tiên. Thế nhưng, chuyện ông khâm phục bài thơ theo tôi lại là điều có thể, và chỉ có thể là Lý Bạch mới chấp nhận được Hoàng Hạc Lâu – một bài thơ thất ngôn bát cú phá cách dữ dội nhất – ngay ở lần đọc đầu tiên. Mà ví thử, câu chuyện trên là có thật thì chính Lý Bạch mới là người đầu tiên đã nhận ra thiên tài của Thôi Hiệu và bằng lời “tự thán” kia ông đã chắp cánh cho bài thơ Hoàng Hạc Lâu bay cao, bay xa để người sau tự tin hơn khi bình phẩm: “Thơ Thất luật đời Đường, phải xếp bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu vào ngôi đệ nhất”.(5)

Khảo sát các thư tịch cổ ta có thể thấy, Lý Bạch đã có nhiều lần lui tới nơi đây và đã viết khá nhiều thơ có liên quan đến bài thơ Hoàng Hạc Lâu và lầu Hoàng Hạc(6), trong đó bài “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” được đánh giá là một trong những bài hay nhất: “Cố nhân tây từ Hoàng Hạc Lâu/ Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu/ Cô phàm viễn ảnh bích không tận/ duy kiến trường giang thiên tế lưu”. (故人西辭黄鶴樓/烟花三月下揚州/孤帆远影碧空尽/唯見長江天際流.). Bài thơ đã được cụ Ngô Tất Tố dịch theo thể thơ lục bát: “Bạn từ lầu Hạc lên đường/ Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng/ Bóng buồm đã khuất bầu không/ Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời”.


Lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng

Vào những năm Thiên Bảo (天寶) (7) đời Đường, triều đình bắt đầu có những biểu hiện của sự suy thoái. Vua Đường Minh Hoàng vì say mê nhan sắc Dương Quý Phi nên có phần bỏ bê triều chính, gian thần kết đảng dèm pha, hãm hại trung lương. Trong giai đoạn ấy Lý Bạch cũng bị đẩy ra khỏi triều và buột phải di khỏi Trường An. Trên đường đi về phía Nam, khi đến Kim Lăng (nay là Nam Kinh) ông đã đến thăm Phượng Hoàng Đài và viết nên bài thơ “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài” góp phần tô đậm thêm giai thoại nói trên.


Kim Lăng Phượng Hoàng Đài

Mở đầu bài thơ, ông đã dùng liên tiếp 3 chữ “phượng” mà không bị trùng lắp, trái lại càng làm cho âm tiết của câu thơ nhanh và sáng lên lấp lánh: “Phượng Hoàng Đài thượng phượng hoàng du/ Phượng khứ đài không giang tự lưu…” Đài Phượng Hoàng nằm trên núi Phượng Hoàng, cách Kim Lăng chừng 50 dặm. Tương truyền, vào những năm Vĩnh Gia của triều Lưu Tống (Nam Bắc triều: 420 – 589) bỗng dưng có đàn chim phượng hoàng về tụ tập trên núi này. Triều đình rất vui mừng vì cho đó là điềm báo trước về sự hưng thịnh của vương triều, nên cho xây đài kỷ niệm. Từ đó, đài và núi đều có tên là Phượng Hoàng. Thế nhưng, Lục triều phồn hoa của một thời đã như chim phượng hoàng một đi không trở lại, chỉ có dòng Trường Giang vẫn mải miết trôi cùng với tháng năm. Hai câu mở ấy đã gợi nhớ đến hai câu đầu của bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu: “Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ/ Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu…”  và đấy cũng chính là “cái cớ” để người sau vin vào mà dệt nên giai thoại.

Câu ba, bốn của bài thơ là niềm hoài cổ pha lẫn chút xót xa trước sự vô thường của tạo vật: “Ngô cung hoa thảo mai u kính/ Tấn đại y quan thành thổ khâu”. Nhưng ông đã không sa đà vào niềm hoài cổ mà đã hướng ánh nhìn của mình về phía thiên nhiên để cảm nhận về cái vĩnh hằng: “Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại/ Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu…” Hai câu thơ với từ ngữ tinh tế, niêm luật chỉn chu đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên với thần thái vừa hư ảo lại vừa tráng lệ, như tâm trạng một người muốn vứt bỏ những vướng bận trần gian mà lòng còn chưa nỡ.. Và cũng như Thôi Hiệu, ông đã chuyển hai câu cuối để tỏ bày nỗi lòng của mình và cũng đã dùng ba chữ “sử nhân sầu” để kết bài như muốn tạo thêm cái cớ cho người đời sau tốn thêm bút mực luận bàn(?)

Rõ ràng, nếu chỉ nhìn vào cách lập ý, dùng từ thì dễ có thể cho rằng Lý Bạch đã dựa vào bài thơ “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hiệu để phóng tác ra bài thơ mới; song khi đọc kỹ ta sẽ thấy nội hàm, ý tưởng của hai bài thơ hoàn toàn khác nhau. Cả hai đều bắt đầu từ niềm hoài cổ và đến với nỗi sầu. Nhưng cái hoài cổ của Thôi Hiệu chỉ là sự nuối tiếc thời gian trôi đi không bao giờ trở lại và nỗi sầu của ông cũng chỉ là nỗi sầu của kẻ ly hương. Trái lại, trong bài “Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài” ta thấy Lý Bạch đã từ niềm hoài cổ để nhận ra sự vô thường của cõi nhân sinh và từ đó hướng ánh nhìn về đại tự nhiên để chiêm nghiệm sự vĩnh hằng; cũng như vậy, đứng trước cảnh “dường có, dường không” của rặng Tam Sơn và bãi Bạch Lộ chia dòng Trường Giang thành hai nhánh đã dấy trong ông một nỗi sầu, nhưng không phải là sự nhớ quê mà mang đầy tính thế sự – là nỗi đau trước cảnh nhiểu loạn của triều đình, sự bất lực của bản thân mình trước thịnh suy của đất nước và tất cả đã được ông gửi vào hai câu kết: “Tổng vị phù vân năng tế nhật/ Trường An bất kiến sử nhân sầu”. Xem ra, cái sầu của Thôi Hiệu và Lý Bạch phải đâu là một? Vì thế mà Hoàng Hạc Lâu và Phượng Hoàng Đài luôn được người đời sau cùng trân trọng. Cả hai đã trở thành đôi chim liền cánh vút bay trong thi đàn của nhân loại, cùng hòa giọng hát và để lại cho muôn đời một thiên giai thọai.

Sau đây, chúng tôi xin ghi lại nguyên văn bài thơ “Đăng Kim lăng Phượng Hoàng Đài” của Thi Tiên Lý bạch và bản dịch của Nhà thơ Khương Hữu Dụng để bạn đọc một lần nữa cùng nhau thưởng lãm.

                        Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài

鳳凰臺上鳳凰遊,                      Phượng Hoàng Đài thượng phượng hoàng du,
鳳去臺空江自流。                      Phượng khứ đài không giang tự lưu.
吳宮花草埋幽徑,                      Ngô cung hoa thảo mai u kính,
晉代衣冠成古丘。                      Tấn đại y quan thành thổ khâu.
三山半落青天外,                     Tam Sơn bán lạc thanh thiên ngoại,
二水中分白鷺洲。                      Nhị thủy trung phân Bạch Lộ châu.

總為浮雲能蔽日,                      Tổng vị phù vân năng tế nhật,
長安不見使人愁。                      Trường An bất kiến sử nhân sầu.

Chú thích:

(1) Trích trong bài “Nhà thơ và đời thơ” của Mai Liễu (Báo Văn nghệ số 14, ra ngày 06/4/2013).

(2) (3) Bản dịch bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Tản Đà.

(4) Theo sách “Đường tài tử truyện” (唐才子傳) của Tân Văn Phòng (辛文房).

(5) Tác phẩm “Đường lãng thi thoại” (唐浪 詩話) của Nghiêm Vũ (嚴羽) đời Nguyên có viết: “Đường nhân Thất luật thi, đương dĩ Thôi Hiệu “Hoàng Hạc Lâu” vi đệ nhất” (唐人七律詩, 當以崔顥 “黃鶴樓”為第一).

(6) Có thể dẫn một số bài thơ như sau: Tặng Mạnh Hạo Nhiên; Vọng Hoàng Hạc lâu; Giang Hạ tống hữu nhân; Giang Hạ hành; Tặng Vương Phán quan, thời dư quy ẩn; Dữ Sử Lang Trung ẩm thính Hoàng Hạc Lâu thượng thôi địch; Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng, Nga Mi Sơn nguyệt ca; Anh Vũ châu; Đăng Kim Lăng Phượng Hoàng Đài…

(7) Đường Huyền Tông (Đường Minh Hoàng) lên ngôi sử dụng hai niên hiệu: Khai Nguyên (Từ tháng 12 năm 713 đến tháng 12 năm 741) và  Thiên Bảo (Từ tháng 01 năm 742 đến tháng 7 năm 756). Lý do đổi niên hiệu vì nhà vua cho rằng, những chuyện đại sự của một đời ông đã hoàn thành và muốn được hưởng thụ thành quả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here