M – Tại sao họ nghèo (kỳ thứ 9)

0

Khi nói đến nghèo có nghĩa là nghèo về kinh tế, các Quốc gia hiện nay nghèo trên thế giới đa phần là các quốc gia Phật giáo. Như vậy tôn giáo ảnh hưởng như thế nào với cuộc sống con người? Nhiều người cho rằng Phật giáo có tính cách thu động, có tính cách cá nhân nhiều hơn. Hay có người cho rằng chủ trương của giáo lý Phật giáo làm cho con người không còn năng động mất đi bản năng sinh hoạt, tranh đấu và thẳng tiến trong cuộc sống thực tế hiện nay. Sự tu tập hay thiền định cũng chỉ là sự giải thoát cho chính bản thân họ, đó cũng là mục tiêu tìm đến cái “ta” cái “ngã” ích kỷ mà thôi… Cũng có người cho rằng sự giàu có về kinh tế, vật chất không quan trọng bằng sự giàu có về mặt tinh thần. Lập luận đó không có gì sai cả, nhưng với thực tế của cuộc sống sẽ không như lý luận hay lý thuyết mà chúng ta suy nghĩ. Người Việt chúng ta thường nói “Có thực mới vực được đạo” cũng không sai tí nào. Nếu một con người không làm việc, không có cơm ăn, áo mặc, không nhà che mưa nắng, không một đồng xu dính túi thì cuộc sống phải làm sao? Con người có thể tồn tại được không? Con người không ai thoát khỏi sinh lão bệnh tử, nếu không có phương tiện vật chất, y tế, thuốc men, người thân, xã hội hổ trợ, giúp đỡ thì làm sao con người có thể tồn tại được. Cho nên cuộc sống con người luôn phụ thuộc hai yếu tố kinh tế và tinh thần thì con người có thể đạt được hạnh phúc và giải thoát. Ngay cả chúng ta muốn có một ngôi chùa hay một đền thờ thì các vị cao tăng hay vị lãnh đạo tinh thần đó có thể tự mình xây nên đền thờ đó mà không cần sự đóng góp tiền bạc, công sức của tín đồ? Các vị Linh Mục nếu không có lương từ Giáo Phận cung cấp thì các ông phải làm gì để sống. Hay các Cao tăng không đi làm thì thực phẩm đâu để các ngài sinh sống? Một sự thật không thể nào ngụy biện được là phần lớn các thầy tu đều trông cậy vào sự đóng góp của đạo hữu, tín đồ để tồn tại. Cho nên gây ra sự tranh giành cất chùa thật lớn, tổ chức nhiều lễ lộc lớn để có nhiều phật tử tham gia… Nói cho cùng, những người đi tu phần lớn là tu cho chính bản thân họ chứ không phải để giải thoát được cho ai cả.

Bây giờ chúng tôi trở lại vấn đề nghèo giàu của các Quốc gia đa số theo Phật giáo. Mặc dù, mục đích thực sự của Phật giáo không phải làm giàu về kinh tế, có đời sống vật chất cao mà là thoát khỏi cả giàu lẫn nghèo đói. Nhưng thực tế trong đời sống không đơn thuần như chúng ta nghĩ vì yếu tố tinh thần và thể chất luôn gắn bó với nhau mật thiết. Hiện nay có một số Quốc gia ở Châu Á đang cố gắng phát triển nền kinh tế như: Tibet, Bhutan, Myanmar, Sri Lanka, Thailand, Cambodia, Việt Nam.v.v. vì họ muốn nâng cao trình độ dân trí và cuộc sống của người dân thoát khỏi sự nghèo đói để họ có một cuộc sống đầy đũ tiện nghi, thoải mái để không lo âu từng ngày bị con ma nghẻo đói rình rập đời sống họ, gia đình họ từ thể chất lẫn tinh thần. Hiện nay có một số Quốc gia như Nhật Bản có 27% Phật giáo, Hàn Quốc 22%, đa số không có tôn giáo chính thức. Hồng Kông, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore đều có nền kinh tế lớn. Sri Lanka là một quốc gia có thu nhập trung bình, khoảng 70% có mức sống cao nhất trong khu vực. Lý do là vì họ hòa hợp giữa tôn giáo và khoa học lẫn đời sống thực tế vào với nhau, vì những yếu tố đó cần gắn bó với nhau. Ngay cả Việt Nam, Campuchia và Miến Điện đã phải chịu đựng các cuộc chiến tranh lâu dài cản trở sự phát triển, nhưng họ cũng cố vươn lên để giải quyết tình trạng nghẻo khổ của người dân.

Cũng có người cho rằng yều tố tinh thần là quan trọng hơn cả, những nước có nền kinh tế cao, dân giàu nước mạnh thì có nhiều tệ đoan xã hội như: Tội phạm xảy ra thường xuyên, sự gắn bó gia đình không còn nữa, có hàng triệu người già bị bỏ quên bởi con cái của họ và chết trong cô đơn ở viện dưỡng lão, bạo lực gia đình, lạm dụng trẻ em, ly dị nhiều hơn, tệ nạn khiêu dâm.v.v. Tình huống này không chỉ có ở các Quốc gia văn minh giàu có Âu Mỹ, mà có rất nhiều ở những Quốc gia nghèo, kém phát triển. Nếu so sánh với Quốc gia giàu mạnh về kinh tế thì họ còn tệ hại hơn nhiều, vì không có phương tiện để giải quyết các vấn nạn, không tôn trọng dân chủ hoặc luật pháp vững chắc để bảo đảm quyền của người dân. Nhiều người cho rằng các Quốc gia có truyển thống Phật giáo có nền kinh tế lạc hậu nhưng giá trị cuộc sống của họ cao hơn các Quốc gia Âu Mỹ. Điều này chưa chắc lắm và không có những gì để chứng minh hay thống kê nào nói rõ về nó.

Theo quan điểm của tôi thì không có khoảng nào trong Đạo Phật nói đến ủng hộ sự nghèo đói. Con người không thể tách xa xã hội và sinh hoạt để sinh tồn. Nếu có, đó chẳng qua là cách nói hay sự giảng dạy của những vị cao tăng muốn che dấu một thực tế và sự thật (reality / actuality) của cuộc sống mà thôi. Chúng ta vẫn hiểu, khi con người có nhiều tham vọng thì bản chất tham lam và hưởng thụ sa đọa nhiều hơn. Điều này không chỉ có ở người giàu mà người nghèo cũng thế, thậm chí còn nhiều hơn. Những hậu quả đó là do con người không biết tự kiểm chế bản thân mình mà thôi, ngay cả những tầng lớp đại trí thức hay những bậc cao tăng cũng không tránh khỏi. Cho nên chúng ta phải biết kiểm soát hành động, phải tự học lòng nhân đạo, phải biết vị tha và buông bỏ. Một người có đạo đức và kiểm soát được tâm trí của mình thì có nhiều cơ hội thành công hơn. Thậm chí họ không thành công trong sự giàu có, nhưng họ vẫn có một cuộc sống hạnh phúc và không sợ hãi. Đức Phật đã nói: “Mind is the forerunner of all good states. Mind is chief; mind-made are they. If one speaks or acts with a pure mind, because of that, happiness follows one, even as one’s shadow that never leaves”…Dhammapada “Tâm là tiền đạo của tất cả các trạng thái tốt đẹp. Tâm là chủ yếu, tâm đã làm thành con người họ. Nếu một người nói hoặc hành động với tâm thanh tịnh, thì hạnh phúc sẽ đi theo họ, thậm chí nó là cái bóng của họ mà không bao giờ rời khỏi “… Pháp sư Dhammapada. Trong câu nói này tôi thấy lời Phật dạy không có điều gì cho rằng “Phật tử luôn nghèo hơn”. Và không có gì đạo Phật chống lại sự giàu có.

Nhiều người đã nêu ra một vấn đề là, trên thực tế sự giàu có và cuộc sống sung túc nói chung là không phù hợp với nguyên tắc trung đạo mà Phật giáo thuyết giảng. Trung đạo đòi hỏi phải tận diệt tất cả các loại thèm khát của con người bao gồm thèm muốn vật chất. Hạnh phúc là điểm cuối cùng đã là một bằng chứng của sự tồn tại của thèm muốn cho những thứ vật chất và giá trị. Trong Phật giáo, người ta nói rằng chỉ khi nào bạn tiêu trừ sự ‘ ham thích’ và ‘không thích’ thì bản chất của sự vật mới được thông hiểu. Bất cứ sự thèm muốn nào cũng tạo ra những nguồn gốc của những thành kiến ​​nhận thức. Khi bạn bị choáng ngợp với những thành kiến ​​nhận thức, thì dường như bạn sẽ không thể đưa ra những quyết định hợp lý, thậm chí không thể đạt được sự giác ngộ. Vì vậy, thoát khỏi thèm muốn là điều cần thiết trong Phật giáo. Đó là lý do tại sao chính Đức Phật đã bác bỏ mọi giá trị vật chất trước khi đi thiền định. Trên thực tế cuộc sống hôm nay có ai có thể làm được như Đức Phật? Chúng ta chỉ lắng nghe và thực tập theo lời ngài dạy được phần nào hay phần đó, vì đời sống hôm nay đã hơn hai ba ngàn năm rồi, thời gian, không gian và con người đã có nhiều khác biệt. Chúng ta không thể gạt bỏ đời sống thực tế hôm nay. Chúng ta cần có niềm hy vọng, sự khát khao cho tương lai, chúng ta phải tranh đấu cho cuộc sống để tồn tại, chúng ta phải có một số điều kiện tối thiểu để sống. Chúng ta phải sống tốt thì mới thực hành được đạo pháp. Con người muốn sống cần phải có thực phẩm để nuôi cơ thể, có nhà để che mưa nắng, có phương tiện tối thiểu để sống còn. Nếu tất cả chúng ta đều là tu sĩ thì xã hội làm sao tồn tại, thế giới sẽ đi về đâu? Đời sống giàu sang không phải là không tốt, tiền nhiều không phải là xấu. Có một câu nói thế này: “Tiền là mục đích của những kẻ ngu xuẩn và cũng là bàn đạp tiến thân, là phương tiện của những người thông minh” Không ai có thể ngăn cản bạn trở nên giàu có. Nhưng quan điểm cá nhân và chủ quan của tôi, thì những người cho rằng đạo Phật không nên giàu có (vật chất) là không đúng. Một con người hay một Quốc gia đều phải liên kết mật thiết giữa đời sống vật chất và tinh thần thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Sự giàu có không ảnh hưởng đến tinh thần chúng ta, trừ khi chúng ta không đặt đạo đức lên hàng đầu, không biết thông cảm, không vị tha, không chia sẻ, không yêu thương, không kềm chế chính bản thân mình mà thôi.  Tất cả những điều đó, cho dù có niềm tin tôn giáo hay không, kết quả tốt xấu, đúng sai đều phát xuất từ tâm của con người mà ra. 

Nghèo đói có nghĩa là thiếu các yêu cầu về vật chất cơ bản để tạo nên một cuộc sống tươm tất thoát khỏi đói nghèo và bệnh tật. Chúng ta nhìn lại Quốc gia Tây Tạng, các nhu cầu cơ bản của một tu viện chỉ chuẩn mực đủ để cung cấp cho tu sĩ như: Thực phẩm đủ để giảm bớt đói và duy trì sức khỏe của một người, quần áo đủ để bảo vệ cơ thể ấm áp, nơi trú ngụ rất khiêm nhượng, cũng như việc chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, ngăn ngừa bệnh.v.v. Nếu các tu sĩ hay những người dân tự nguyện từ bỏ của cải trần thế và những thú vui lợi ích của cuộc sống hay các nhu cầu tối thiểu, như vậy thì làm sao xã hội, Quốc gia phát triển được. Cuộc sống sẽ ra sao, có bình an không, có sung túc không, có an toàn không? Nếu những người giàu có không trao tặng của cải, Quốc gia không giàu mạnh, mọi người không tương trợ lẫn nhau thì điều gì sẽ xảy ra cho xã hội, Quốc gia đó? Điều mà ai cũng thấy là sự gia tăng của hành vi trộm cắp, cướp giật, giết người, bạo lực, dối trá, việc sử dụng vũ khí tăng lên… Phải chăng nghèo đói là nguyên nhân, là gốc rễ của những điều nói trên, chứ không riêng gì các Quốc gia giàu có! Chúng ta hãy nhìn Quốc gia Tây Tạng hay một vài Quốc gia khác có 90 phần trăm người dân sống trong thụ động, an phận, chỉ tin tưởng vào tôn giáo và tu luyện cho chính bản thân mình để đạt được điều họ mong muốn, thì hậu quả của xã hội, Quốc gia họ sẽ ra sao? Theo lịch sử Tây Tạng thì tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Quốc gia Tây Tạng. Nền văn hóa Tây Tạng hầu hết ảnh hưởng đến các nhà sử học và tu sĩ Phật giáo. Đồng thời người Tây Tạng có nhiều ý nghĩ và nhiều nhóm khác nhau như: Trong tầng lớp nông dân thông thường là những người chăn cừu; doanh nhân, các lãnh đạo địa phương, công chức, nhân viên chính phủ và các giáo sĩ. Nói chung, xã hội giáo sĩ có một số theo xu hướng cực đoan (extremism). Trong xã hội Tây Tạng từ lâu các nhóm sắc tộc theo Phật giáo được tôn trọng nhiều nhất trong cộng đồng địa phương, đôi khi họ phải phải chịu trách nhiệm về sự đoàn kết dân tộc và bảo vệ lợi ích của người Tây Tạng. Tóm lại người Tây Tạng không có nhiều chuyên gia kinh doanh các nhà kinh tế nỗi tiếng hay các chính trị gia giỏi để phát triển kinh tế và quân đội để bảo vệ đất nước họ.

Người Tây Tạng luôn đặt niềm tin tôn giáo lên hàng đầu, các học giả luôn chú trọng nhiều đến khía cạnh tôn giáo trong văn hóa Tây Tạng, mà họ bỏ quên sự tồn tại của nhóm người phi tôn giáo. Thời gian Phật giáo Tây Tạng hình thành và thực hiện đã tác động đến nền văn hóa Tây Tạng nhiều hơn và từ đó đã biến Quốc gia họ trở thành khép kín và phát triển chậm lại dần. Mặc dù trong thế kỷ 21 họ tập trung nhiều cải cách và mở cửa ra thế giới để hiện đại hóa xã hội, nhưng đã quá muộn. Chúng ta đã thấy khoảng năm 1949 Tây Tạng là một quốc gia Phật giáo độc lập ở dãy Himalaya họ rất ít tiếp xúc với thế giới. Họ ôm giữ văn hóa của giáo lý Đại thừa và Kim Cương thừa của Phật giáo xem như là thế giới riêng của họ. Mặc dù, lịch sử của Tây Tạng bắt đầu ở những năm 127 trước Công nguyên, với sự ra đời của triều đại Yarlung, đất nước họ đã thật sự thống nhất trong thế kỷ thứ 7 AD, dưới thời vua Songtsen Gampo và những người kế nhiệm ông. Tây Tạng là một trong những cường quốc hùng mạnh nhất của châu Á trong ba thế kỷ sau đó. Trong thế kỷ 12, Nga và Anh đã chiến đấu để kiểm soát Trung Á. Năm 1904 người Anh gửi hàng ngàn binh lính đến Tây Tạng đã giết chết hàng ngàn thường dân vô tội và sau đó người Anh nắm quyền kiểm soát đất nước này, lẽ ra điều này người Tây Tạng sẽ lấy đó làm bài học cho họ. Trước khi cuộc xâm lược của Trung Quốc năm 1950, Tây Tạng là một quốc gia hầu như 99% là Phật giáo. Một đất nước có đậm nét đời sống hằng ngày với bản sắc tôn giáo, ngay cả sự hình thành cơ cấu xã hội luôn được kết nối với tôn giáo. Cho đến năm 1950 Trung Quốc xâm lược đã giết chết hàng trăm ngàn người, như trong năm 1959 Trung Quốc đè bẹp cuộc nổi dậy đã giết chết hơn 87.000 người trong khu vực Lhasa. Có 6.000 tu viện và đền thờ đã bị phá hủy, nạn đói đã xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử Tây Tạng, tài nguyên thiên nhiên đang bị tàn phá, động vật hoang dã bị cạn kiệt dẫn đến tuyệt chủng và văn hóa Tây Tạng gần như bị xóa bỏ. Sau đó Đức Đạt Lai Lạt Ma đã trốn sang Ấn Độ, nơi ông hiện đang phụ trách Chính phủ lưu vong Tây Tạng, trụ sở đặt tại Dharmsala. Qua nhiều thế kỷ, vị Lạt Ma luôn đóng vai trò quan trọng ở Tây Tạng, vừa là nhân vật tôn giáo, vừa là nhà lãnh đạo chính trị. Theo như lịch sử Tây Tạng, một Lạt Ma là người dẫn đầu một chính phủ. Tóm lại, nền Phật giáo có vững chắc đến đâu, lòng từ bi có bao la đến cỡ nào, thì cũng không cứu được đất nước dưới sự hùng mạnh của những Quốc gia có quyền lực và giàu có.

Sở dĩ Tây Tạng rơi vào tình trạng như hiện nay là vì Quốc gia họ không phát triền kinh tế cho Quốc gia giàu mạnh, không có quân đội luôn sẵn sàng để bảo vệ Quốc gia, không mở cửa ra thế giới để được sự hổ trợ, người dân không luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào tôn giáo, đã làm giảm đi tinh thần Quốc gia yêu nước. Cho nên khi bị Trung Cộng xâm lăng họ không có một thứ gì để bảo vệ chống đối, không có một sức mạnh của toàn dân. Thế giới hôm nay, nếu Quốc gia nào nghèo đói, kinh tế yếu kém, dân trí thấp, không đủ hùng mạnh, tinh thần Quốc gia không đủ vững, không có vũ khí để tự vệ thì sẽ là Quốc gia luôn chịu thiệt thòi. Nếu chỉ lo cho tinh thần được bình an, cho bản thân giải thoát khỏi sự khổ đau, cho lòng từ bi tràn đầy vẫn chưa đủ. Vì con người phải sống với sự tiến hóa của cộng đồng thế giới, với xã hội con người, với vật chất, với văn minh nhân loại, với tranh đấu, với quyển lực để sống còn. Cuộc sống đời người là thực tế là hiện hữu của sự sinh tồn, cho nên phải kết hợp, dung hòa nhiều phương diện từ tinh thần lẫn vật chất và trí tuệ với nhau chứ không phải chỉ có triết lý của tôn giáo. Con người hay bất kỳ tôn giáo nào không thể thay đổi được thế giới đang tiến nhanh về phía trước như hiện nay. Thời gian và hoàn cảnh của mỗi thời đại không đứng lại một chỗ, đó là sự “sinh, diệt và tạo” của triết lý đạo Phật. Dù là tu như thế nào con người cũng cần phải có Bi, Trí, Dũng cho cuộc sống.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here