Những Người Góa Phụ Bị Bỏ Quên

0

Linh Vũ

(Tản mạn một mùa xuân về thăm lại quê hương lần đầu tiên)

Trong cuộc chiến dù là thời đại nào cũng gây nên chết chóc, đau thương và tang tóc. Không có ai trên quả đất này mong mỏi có chiến tranh để bắn giết lẫn nhau, để nhìn máu đổ đầu rơi, để nhìn trăm ngàn gia đình tan nát, cha mẹ mất con, vợ mất chồng anh em lìa xa nhau. Không ! chắc chắn là không, nhưng chiến tranh vẫn phải xảy ra từ khi có loài người. Tất cả cũng chỉ vì tham vọng bá vương, quyền lợi Quốc Gia và thỏa mãn dòng máu lạnh của những hung thần, bạo chúa.

Sự tan hoang đổ nát sau cuộc chiến có lẽ ai cũng nhìn thấy, xương máu của con người chất thành núi, chảy thành sông. Và hằng trăm, hằng ngàn trẻ em vô tội mất mẹ cha lang thang đầu đường cuối ngõ, hằng vạn, hằng triệu góa phụ phải lầm thang, hụt hẫng trong cuộc sống áo cơm. Chúng ta hãy nhìn lại thế chiến thứ I, thứ II có bao nhiêu triệu sinh mạng đã hy sinh và biết bao thảm cảnh tồn động sau chiến tranh vẫn còn kéo dài đến ngày hôm nay. Một quả bom, một trái tạc đạn, một phát súng bắn ra chỉ trong giây phút nhưng hậu quả thật vô lường, đã đẩy con người xuống tận cùng vực thẩm và có khi chôn vùi hằng bao thế hệ đời người.

Việt Nam một đất nước kém may mắn, chiến tranh triền miên qua bao ngàn năm dựng nước, chống trả ngoại xăm. Nhưng trận chiến cuối cùng quá nhục nhã, phi lý. Người Việt Nam anh em vì nhân danh, vì quyền lợi đã chém giết lẫn nhau trên 50 năm không ngơi nghỉ. Trận chiến này là trận chiến ghê rợn nhất trong lịch sử, dơ bẩn nhất của dân tộc và ngu xuẩn nhất của những tên đồ tể cuồng vọng đã gieo lầm than lên Tổ Quốc.

Nếu có dịp về thăm lại quê hương Việt Nam, chúng ta sẽ được nhìn tận mắt bao nạn nhân sau cuộc chiến của cả hai miền Nam Bắc, chúng ta sẽ thấy hằng ngàn đứa trẻ lang thang trên hè phố, hay đi về tận vùng xa để nhìn thấy những góa phụ đấu mặt với đất trời để tìm miếng cơm manh áo và có biết bao thương binh ngồi đếm từng phút giây, từng tháng ngày qua mau, cho hết đời nghiệt ngã.

Hôm nay, chiến tranh tương tàn không còn nữa, chúng ta không cần phải đổ lỗi cho ai, đúng hay sai lịch sử sẽ xét ghi, sự thật mãi mãi là sự thật. Điều quan trọng chúng ta muốn nói hôm nay, là chúng ta sẽ làm được những gì cho anh em, cho đồng bào ruột thịt mà từ lâu đã bị cuộc đời quên lãng. Họ là chị, là em, là anh, là cháu của chúng ta, họ là nạn nhân đau khổ phải gánh chịu những thảm trạng sau cùng của cuộc chiến. Hôm nay, tôi xin chia sẻ một câu chuyện đầy thương tâm mà tôi thấy được trong mùa xuân năm trước.

Trong dịp Tết vừa qua, tình cờ tôi gặp một người đàn bà lớn tuổi sống trong một túp lều tranh sát bên cánh rừng nhỏ ở miền Trung trong dịp đi tảo mộ. Tôi được nghe bà tâm sự: Người chồng đã hy sinh ở chiến trường Hạ Lào, những đứa con đã chết trong chuyến vượt biên năm 75, thân nhân không còn ai sống sót. Công việc mỗi ngày của bà là khuân vác từng lóc gạnh nung chất lên xe tải từ mờ sáng đến chiều tối. Nghe bà kể, tôi liếc nhìn đôi bàn tay gầy guộc, chai sạm của bà tự dưng tim tôi như có muôn ngàn đau nhói. Bà cảm nhận được sự cảm thông của tôi cho nên bà kể nhiều chuyện huyên thuyên như không muốn dứt. Sau đó, bà cho tôi xem một tấm hình trắng đen đã cất giấu lâu ngày dưới chân chiếc lư hương trên bàn thờ, và sau đó bà muốn nói với tôi một điều gì đó, nhưng lại nghẹn lời trong tiếng thở dài mỏi nản. Tấm hình hoen cũ của người chồng, một người lính VNCH với màu áo hoa dù và chiếc huy chương đeo trước ngực. Một người lính với thế đứng hùng dũng, với ánh mắt đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. Tôi cầm bức ảnh trên tay, lòng tôi chùng xuống một nỗi buồn, tôi có cảm tưởng như đang nhìn hình ảnh của cha, của bạn bè, của chính mình hơn 40 năm về trước. Một tình cờ nhưng sao buồn quá, một người lính oai hùng năm xưa với tấm huy chương trước ngực, bây giờ chỉ còn lại tấm giấy cũ nát nằm dưới đáy ly hương phủ đầy lớp bụi, tấm huy chương anh dũng bội tinh ngày xưa cũng sẽ hoen màu trong kẹt tủ và hôm nay chỉ còn lại tiếng khóc sụt sùi của người vợ góa trong đêm dài cô độc.

Cuộc đời con người là vậy. Khi chết đi chẳng còn gì giữ lại, chiến tranh, bá quyền, tham vọng, bạc tiền rồi cũng tan biến vào hư vô, quên lãng. Nếu còn lại chăng, “chỉ có một tấm lòng”. Những người lính hy sinh ở chiến trường cũng vì muốn chúng ta bình an hạnh phúc, những người vợ ở hậu phương phải gánh chịu trăm đắng nghìn cay, phải đơn độc bước đi trên đường đời gian nan khốn khổ, để nuôi con , để lo cho chồng, để góp một bàn tay cho xã hội. Và sau cùng họ là những người phụ nữ bị cuộc đời quên lãng.

Người vợ năm xưa lo cho chồng đi chinh chiến, người mẹ năm xưa tảo tần nuôi cả đàn con thay chồng, nhưng chiến tranh đã cướp đi tất cả, người chồng không về nữa, đời sống của những thiếu phụ chao đảo đến dường nào. Nơi nào là điểm tựa, bàn tay nào kéo họ ra khỏi cảnh khốn cùng của cuộc sống áo cơm?. Hôm nay trên mảnh đất quê hương nghèo nàn đang có hàng trăm bàn tay của những góa phụ đưa lên xin chút tình người, có hằng ngàn gia đình các chiến hữu đang ước mơ một bữa cơm đạm bạc cuối ngày. Nhưng họ đã bị lãng quên và dòng đời dập vùi không biết bao nhiêu mùa xuân trôi qua cuộc đời họ. Chúng ta nghĩ sao! chẳng nhẽ cuộc đời chẳng có mùa xuân cho những người khốn khổ ?…

Tết sắp về trong lòng dân tộc Việt, khi ngồi viết những dòng chữ này lòng tôi như quặn thắt, tôi nghĩ đến sự phụ phàng của cuộc đời và sự bất công vô tình của đồng loại. Tôi tham dự các tổ chức từ thiện quyên góp cuối năm giúp người nghèo khổ, bệnh tật, trẻ em mồ côi, Thương Phế Binh. v.v. nhưng mọi người đã quên những người góa phụ đang lầm than khốn khổ khi người chồng đã hy sinh cho Tổ Quốc, đã bỏ lại một gánh nặng hơn núi trên vai yếu mềm của người góa phụ.

Đã hơn ba mươi năm tình người quên lãng, đồng đội thì không còn nhớ thuở điếu thuốc chia đôi, hay những đêm chờ sáng dưới giao thông hào. Tình người đã nhạt phai theo thời gian cơm áo, có bao giờ chúng ta nghĩ rằng gia đình các chiến hữu của mình đang sống khổ đau từng giờ, từng phút. Và có ai biết được rằng trên quê hương chúng ta đang có hằng trăm, hằng ngàn góa phụ sống cảnh đói nghèo, không chỗ nương thân. Có ai hiểu được rằng những đứa con của chiến hữu mình năm xưa đang lang thang kiếm sống từng ngày trong đống rát, trong góc chợ tồi tàn. Có ai nhớ lại hình ảnh của những người đàn bà dấu từng vắt cơm, từng con cá lòng tong, từng cục đường mang đến trại giam cho chồng, cho đồng đội nơi rừng thiên nước độc, có ai còn nhớ những người vợ lính theo tháng ngày bán mồ hôi, nước mắt để mua từng miếng thịt, từng bao thuốc lá mang đến cho chồng nơi tiền đồn heo hút!

Giòng đời cứ lặng lẽ trôi qua, mùa xuân lại sắp về trên các nẻo đường đất nước, có ai trong chúng ta không nhớ đến một mùa xuân với vành khăn sô và máu xương ngập đầy trên phố thị. Mùa xuân đi vào lịch sử loài người, là dấu ấn rùng rợn nhất của dân tộc Việt Nam sau bao ngàn năm dựng nước. Đó là tết Mậu Thân năm 1968. Một mùa xuân không mai vàng, không bánh chưng, rượu ngọt. Mùa xuân của máu và nước mắt mùa xuân của đạn bom và xác chết. Tết mậu Thân năm 68 có hằng ngàn chiến sĩ đã hy sinh, có hằng vạn phụ nữ đi nhận xác chồng. Hôm nay đã bốn mươi năm trôi qua vành khăn sô vẫn còn trắng trên đầu những người góa phụ.

Tết Mậu Thân 1968 không chỉ có Huế mà nhiều thành phố trên toàn lãnh thổ miền Nam phải hứng chịu những tang tóc đau thương do những quả pháo B72, những tràn AK 47, những chiến đoàn T54 của Cộng Quân cày nát quê hương. Cố Đô Huế là nơi gánh chịu nhiều thảm khốc trong mùa xuân năm đó. Huế mãi là vết thương ngàn đời của dân tộc, một hố sâu lịch sử sẽ không bao giờ lấp cạn.

Đã bốn mươi năm, người dân Huế vẫn đi tìm xác vợ, xác chồng, xác mẹ, xác cha. Huế của trên 6,000 nạn nhân vô tội gồm tu sĩ, công chức, giáo sư, giáo viên, sinh viên, học sinh, dân thường chưa kể quân nhân. Chúng ta hãy về Cố Đô Huế một lần để nhìn thấy tận mắt hơn 400 hài cốt ở khu Đá Mài, 18 khu chôn tập thể ở mọi nơi gần chùa Tăng Quang, Bãi Dâu, chợ Thông, khu Lăng Tẩm, Thiên Hàm , Đồng Gi và còn hằng trăm khu chôn sống tập thể khác trong và ngoại thành vẫn chưa tìm kiếm hết. Tội ác này do ai gây ra? Nếu người Bộ Đội của đối phương không tấn công thì làm sao có hằng trăm ngàn người chết trong Tết Mậu Thân. Chúng ta có thể tha thứ cho người Cộng Sản, nhưng chúng ta không bao giờ quên được tội ác của họ“Forgive yes ! Forget no!”.

Huế vẫn còn đó những vết tích tan hoang, Huế vẫn còn những oan hồn chết chưa kịp nhắm mắt, tôi đồ của dân tộc còn đó. Hãy tư duy những gì còn giữ lại, để thấy hành động dã man của con người đối với người. Ngày đó, tuy lương tâm nhân loại thờ ơ trước sự việc, thế giới cũng vô tâm không ban phát chút tình người, cuối cùng dân tộc Việt Nam vẫn lăng im để nuốt trửng từng nỗi uất ức. Liên Hiệp Quốc có bao giờ lên án hành động tôi ác của tập đoàn gây ra thảm sát Tết Mậu Thân? hay chỉ lên án những tên khủng bố tép riu để làm công cụ cho mưu đồ chính trị. Đã bốn mươi năm trôi qua, hơn sáu ngàn người chết trong Tết Mậu Thân ở Huế phải chăng đã trôi vào quên lãng.

Huế có phải là thành phố buồn nhất sau Tết Mậu Thân? Ngày mồng một Tết (30 tháng 1/68) phải chăng là ngày tẩm máu ghê rợn nhất trong trang sử Việt trên bốn ngàn năm văn hiến. Hai mươi sáu ngày Cộng Quân chiếm đóng đủ dài hằng thế kỷ và vành khăn sô đủ trắng trên đầu hằng triệu triệu người dân Việt.

Hôm nay nghe lại những tình khúc họ Trịnh tư dưng thấy lòng bâng khuâng, mặc dù bây giờ nhiều người không thích Nhạc Sĩ Trinh Công Sơn nữa, nhưng mỗi lần ca đoạn nhạc trong bài “Hát trên những xác người” lòng tôi bùi ngùi không ít miên man nhớ đến Tết Mậu Thân:

…Chiều đi lên đồi cao

Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy

Trên con đường người ta bồng bế nhau chạy trốn…

Chiều đi lên đồi cao

Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy

Bên khu vườn, một người mẹ ôm xác đứa con

Chiều đi qua Bãi Dâu

Hát trên những xác người

Tôi đã thấy, tôi đã thấy

Trên con đường, người cha già ôm con lạnh giá

Chiều đi qua Bãi Dâu

…….

Những hố hầm đã chôn vùi thân xác anh em

…Chiều đi qua

Một thảm cảnh của chiến tranh, dù đúng hay sai vẫn để lại trong lòng mọi người những tàn tích đau thương, những rung động tột cùng của nỗi đớn đau. Không chỉ có họ Trịnh nhìn được xác anh em để viết lên ca khúc, mà còn nhiều người dân Huế đã nhìn thấy xác đồng bào chết oan trước họng súng căm thù, trước lưỡi lê đăm xuyên lồng ngực tôi tình.

Người chết đi sẽ trở về cát bụi, kẻ ở lại mang đủ vết tích đau thương. Có một bài thơ rất tình cờ tôi đọc được ở đâu đó nói về những người góa phụ đã làm tôi cảm động. Tôi nhìn thấy tôi một chỗ bâng khuâng, một nỗi ngậm ngùi: “ Những vầng trăng góa bụa“

….Những người đàn bà sót lại sau chiến tranh

Ôm vầng trăng góa bụa ngủ hờ

Lời ru ngủ sâu lồng ngực

Mơ tiếng trẻ thơ thấp thỏm đêm dài…

 Hôm nay nhìn lại, những góa phụ còn đây, những Thương Binh còn đó, những đứa trẻ mất cha, mất mẹ không có chỗ đi về. Chúng ta nghĩ sao khi đất nước hòa bình độc lập mà vẫn còn muôn triệu người lầm than cơ cực, cuộc sống họ càng hẩm hiu hơn. Tôi thấy chạnh lòng khi về thăm lại Huế, có nhiều Mệ già sống ven sông , ven núi, sống cuộc đời cô quạnh vì có chồng ngày xưa đi lính ngụy. Những góa phụ vẫn âm thầm quấn vành khăn tang vì chưa tìm được xác chồng trong ngày tàn cuộc chiến. Nỗi cô quạnh, côi cút của người đàn bà chân yếu tay mềm vẫn quẩn quanh bên túp lều tranh xơ xác.

Thượng Đế ơi ! hãy thương những người dân Việt Nam, những góa phụ, những bé thơ đã bị đời quên lãng, hãy nhìn đất nước tôi với trăm ngàn khẩu hiệu hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, sao người dân vẫn còn thấy đỏ ngòm họng súng !? vẫn mơ hoài,…. mơ mãi một giấc mơ!

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here