Thơ và Dòng Thơ Tâm Linh

0

 Thơ và Dòng Thơ Tâm Linh
Của Nhà thơ Tâm Nguyên
Nguyễn văn Nhớ (Họa sĩ)

          Xem tranh và đọc thơ là thói quen của cá nhân tôi. Thơ ấp ủ tôi từ khi còn nhỏ. Cho đến hôm nay, trong những lúc đất trời chuyển mùa, ngoài trời mưa lạnh, những lúc đó dòng thơ mà mẹ tôi thường ngâm nga theo điệu hò xứ Huế: “Chim xa bầy thương cây nhớ cội/ Người xa người tội lắm người ơi…” Những điệu hò xa xưa thỉnh thoảng lại vọng về trong lòng tôi. Tôi thích nên thuộc khá nhiều thơ, khi nào đọc được bài thơ hay là tôi ngâm nga cho đến thuộc. Và chính những câu thơ đó như là mật ngôn của mình, lâu lâu ngâm lên để giải tỏa những ẩm ức riêng tư. Cho đến lúc này, tôi chợt nhận ra là  tâm trạng của mình đến với thơ, tùy từng thời điểm. Trên chục năm trước, tâm hồn hay thơ thẩn cùng mây, cho nên thỉnh thoảng tôi ngâm nga thơ Đinh Hùng: “Trời cuối thu rồi, Em ở đâu/ Nằm bên đất lạnh chắc em sầu/ Thu ơi! đánh thức hồn ma dậy/ Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.” Chính những dòng thơ gởi người dưới mộ này đọc lên làm mình khuây khỏa, hóa giải được những u uất, muộn phiền?  Và trong nhưng lúc có cảm giác cô quạnh nơi đất khách, lòng người như xé ruột gan khi nghĩ đến quê cha, thì những dòng thơ Hồ trường của Nguyễn Bá Trạc lại về với tôi: “Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường / Hà tất tiêu dao bốn bể, lưu lạc tha phương/ Trời Nam nghìn dặm thẳm/ Non nước một màu sương/ Chí chưa thành danh chửa đạt/ Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc/ Trăm năm thân thế bóng tà dương.”… Ôi! Lưu lạc tha phương. Buồn quá! Thật là buồn quá, phải không?!
            Trăm năm thân thế…Một đời người. Tâm sinh lý, tư tưởng và tình cảm của con người mỗi ngày mỗi biến thiên theo tuổi tác. Tôi bắt đầu qua tuổi thuận nhỉ. Lòng người như muốn lặng yên theo chiều quay của đất trời vũ trụ. Thuận thiên thuận địa. Khốn nổi cuộc đời không như mình nghĩ, có những lúc lòng mình lại như chùng xuống, giữa một thế giới loạn cuồng đam mê vật chất, gian manh xảo quyệt, tị hiềm ghen ghét, đầy rẫy tham sân si, con người hầu như phủ nhận mọi giá trị của niềm tin nơi Đấng Thiêng Liêng. Nhiều kẻ sống chỉ biết ông thần tài, lương tâm và tôn giáo ít khi nghĩ đến, nhưng chắc thỉnh thỏang ai đó cũng chạnh lòng, bồi hồi khi bắt gặp dòng thơ tâm linh, đánh động lương tâm con người. Có duyên sẽ gặp những dòng thơ tâm linh của nhà thơ Tâm Nguyên ở Portland Oregon dưới đây:

 Chờ đợi mãi người xưa không thấy tới,
Phút chốc tan tành mưa gió đổi thay
Cõi lòng ai cũng sượng sùng chai đá

Không yêu thương quên nhung nhớ từng ngày
 (Cơn ác mộng đời không có Chúa)

           Đúng! Tự hỏi lòng có vô cảm và chai đá hay không ? Bởi điều bất hạnh của con người là sống vô cảm, chai đá, cho nên không biết sượng sùng. Sống khổ đau bởi không còn rung động để yêu thương mà cứ miên man sầu nhớ trong hối tiếc điên cuồng về quá khứ đã qua, mà tương lai thì chưa đến, mà quên sống an bình, hạnh phúc trong những phút giây hiện tại.

 Con người sống trong miên man sầu nhớ
Trong điên cuồng nuối tiếc tháng ngày qua

Thượng Đế bỏ đi không gian tàn tạ

Mặc con người lầm lũi sống chia xa

(Cơn ác mộng đời không có Chúa)

          Con người lầm lũi sống chia xa. Nhưng may mà có thơ ở giữa đời để con người bớt dằn vặt cô đơn, có nụ cười, và thêm niềm giao cảm:

 Trân quý từng giờ sống bên nhau
Yêu thương như thuở gặp ban đầu
Thời gian tô thắm câu thề ước
Vẹn một chữ đồng tâm khắc sâu
  (Ân nghĩa thủy chung)

          Sống đầy cảm xúc với cuộc đời, trân quý từng giờ sống bên nhau, yêu thơ, mới thấy thơ lạ lùng lắm.Thơ thúc gịuc ta:
Cứ vui sống,
Đừng quên ngày xế bóng

(Tự do)

          Từ xưa đến nay, thơ đã mở ra biết bao nguồn cội để con người hoà điệu với đất trời. Thơ làm tâm hồn con người rộng mở, tìm đến nhau. Thơ làm cho người bớt cô đơn khắc khoải.  Thơ mở ra biết bao nhiêu tín hiệu. Thơ tỏ tình. Thơ yêu thiên nhiên, đất nước. Thơ thúc giục chiến sĩ xông lên, quên mình bảo vệ quê hương nòi giống như Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo. Nam quốc sơn hà nam đế cư…của Lý Thường Kiệt. Thơ dõng dạc. Trước khi bị chém đầu, Trần Bình Trọng đã quát vào mặt quân thù bằng câu thơ khẳng khái: Thà làm quỷ nước Nam/ Còn hơn làm vương đất Bắc”. Thơ làm lòng người quặn đau trước lòng yêu nước của danh tướng Đặng Dung mài gươm dưới anh trăng, với dòng thơ uất hận. Thù nước chưa xong đầu đã bạc/ gươm mài vầng nguyệt đã bao ngày”. Rồi Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã dùng thơ tấn công vào tấm lòng địch. Một cuộc tâm công đầy khí phách mà nhân nghĩa đã để lại tính cách nhân bản nhất trong chiến tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt. Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trong chiến tranh đông tây kim cổ có thể nói đây là chiến công mà dân tộcViệt đáng tự hào nhất, bởi ông cha ta đã hành sử theo chủ thuyết đại nghĩa trong chiến tranh. Thơ là vũ khí tâm công. Tâm công là đánh vào tấm lòng của quân thù để quân thù đau đớn, ân hận, xót xa mà bỏ thành để qui hàng. Hãy nhớ lại Hải ngọai huyết thư của Phan Bội Châu và còn nhiều nữa kể sao cho xiết. Và cũng đừng quên những dòng thơ bi tráng của những nhà cách mạng trước khi lên đọan đầu đài. Đầu lià khỏi cổ, nhưng thơ vẫn dõng dạc với âm thanh, khí phách, trước khi thân xác trở về với hồn thiêng sông núi. Cao Bá Quát.  Nguyễn Thái Học. Thái Phiên, Trần Cao Vân, sau khi khởi nghĩa cùng Vua Duy Tân thất bại và trước khi bị chém đầu ở Huế, Nhà chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân chấp nhận chết, chỉ xin tha tội cho Vua Duy Tân, và để lại những câu thơ bi hùng trong lịch sữ dân tộc Việt Nam:

 Trung là ai? Nghĩa là ai? Cân đai vỏng lọng là ai? Thà để cô thần tử biệt!
Trời còn đó! Đất còn đó! Xã tắc còn đó! Mong cho Thánh thượng sinh toàn

 Ô hay thơ thần! Ông cha ta đã dùng Thơ để chết. Tôi có thể nói rằng đó là sức mạnh bí mật của thơ tâm linh.

          Trong cuộc sống lưu vong của người Việt, lòng người còn ẩn tàng những chia ly, ganh ghét, hận thù, tham lam, dục lạc thì may mắn thay những dòng thơ tâm linh hiếm hoi xuất hiện. Tập thơ Vĩnh viễn Một Niềm tin của nhà thơ Tam Nguyên ra đời. Lòng yêu thương, xúc cảm sâu sắc với cuộc đời tạo nên những dòng thơ tâm linh, mà đây không chỉ là những bài thơ rời, mà là một thi phẩm, trên 53 bài thơ đã giúp con người suy ngẫm, quay lại nhìn vào mình để sống ý nghĩa và hiền hòa hơn. Những dòng thơ đó giúp ta cảnh giác trước: “Những cõi đời bội phản/ Miệng lưỡi khoe khoang/ Giọng cười ngạo mạn” ( Bài tạ ơn ). Tập thơ Vĩnh Viễn Một Niềm Tin là những dòng thơ tâm linh đã, đang âm thầm lay động tâm thức con người. Nguồn thơ xuất phát từ niềm tin Thiên Chúa, mạch thơ, ý thơ chan hòa từ tình yêu cuộc sống, chiến tranh và tù ngục. Tất cả niềm đau thương, hạnh phúc vang vọng lên để tìm sự đồng cảm giữa con người. Chính bốn chữ Dòng Thơ Tâm Linh trang trọng trên tập thơ của anh Tâm Nguyên đã kích thích tôi viết những tâm tình này. Sức mạnh tâm linh của thi phẩm đã bật dậy, kêu gọi trong thương cảm nhưng với tinh thần cảnh giác quyết liệt:

 Sẽ có lúc cổng THIÊN ĐƯỜNG đóng lại,
Bảng đường ghi CỨU RỖI cũng không còn
HƯỚNG ĐI tới, chẳng có ai đưa dẫn
Người gọi người -tiếng bay lạc vào non.
  (Rồi sẽ có một ngày)

Thê thảm quá! Người gọi người tiếng bay lạc vào non.

Mà người là ai. Là mẹ cha gọi con cái, là vợ chồng, anh em, bằng hữu, là tình gia tộc nghĩa đồng bào, ơi ới gọi nhau, mà âm thanh lại tàn dần, tàn dần trong lạc loài vô vọng bởi lòng người khép lại, tình yêu thương đồng lọai đang tàn dần khô héo. Con người đang:

 Nát luôn thần tính
Nát luôn phần hồn

Đã biết cuộc đời là bể khổ

Cứ lăn lội vào hang hóc tối tăm.

(Thư gửi anh)

          Con người sống mà nát luôn thần tính và nát luôn phần hồn thì làm sao cửa thiên đàng không đóng lại? Tình yêu thương giữa con người mỗi ngày mỗi giảm, mỗi nhạt nhòa, bởi con ma ích kỷ đã chận nẽo về. Lòng người sống trong tham lam thù hận, ganh ghét tị hiềm, cấu xé nhau. Ma qủy sợ con người yêu thương nhau, chúng tạo ra sự ganh ghét từ đó ma qủy xúi dục xô đẫy hận thù đi tới, để cuối cùng con người sống trong nghi ngờ, mất niềm tin yêu, sống trong đơn lẻ, trong nỗi căm hờn vô cớ. Bằng hận thù sục sôi, mưu toan hành động những điều gian ác. Cuộc sống đôi lúc trở nên thê thảm, ngay cha mẹ cũng đã lạnh lùng trước con cái mình mà lòng không một chút ăn năn.Giữa thế giới điên cuồng thơ tâm linh thật đáng trân trọng. Nhà thơ đôi khi là bậc tiên tri, thấy những gì mà con người không thấy được. Riêng cá nhân nhà thơ Tâm Nguyên cũng đã khổ lụy trùng vây theo chiến tranh và vận nước, chịu bao cực hình ác mộng, dằn vặt đớn đau từ thể xác đến tâm hồn trong chốn lao tù khắc nghiệt của CS, nên đã có những lúc đã suy ngẫm lặng người:

 Đời chém thân con trăm vết đau
Đâm xuyên băm nát giấc mơ nào
Tha thiết một lòng luôn giữ mãi
Nụ cười thương mến mẹ hiền tra
       (Nghĩa mẹ.)

          Cuộc đời với trăm vết đau, nhưng anh vẫn tha thiết sống bởi lắng sâu trong lòng anh là niềm tin vĩnh viễn Thiên Chúa và lòng yêu thương cuộc sống sâu sắc. Tình gia tộc, nghĩa đồng bào, tình chiến hữu, những đọa đày trong chốn lao tù CS. Tất cả lần lượt truyền vào thi phẩm, mạch thơ phong phú, ca ngợi niềm tin:

 Tôi cất tiếng ca nương làn gió nhẹ
Nhập lời thơ theo tiếng sóng rì rào
Cõi lòng tôi vang lên niềm hoan lạc
Được ca ngợi Ngài hạnh phúc biết bao!

          Niềm tin Thiên Chúa tạo hoan lạc và chan hoà hạnh phúc trong mái ấm gia đình:

 Hôn nhân mật ngọt của tình yêu,
Nắng táp mưa sa, gió đổi chiều.
Hạnh phúc dài lâu cùng ấp ủ.
Mặn nồng hương vị của thương yêu.
 (Ân nghĩa thủy chung)

          Nhà thơ là Sĩ quan quân đội niềm Nam, trong lúc hành quân làm sao ai mà biết được những viên đạn vô tình.

 Từng nhịp bước khẻ dâng lời cầu nguyện
Cho lối đi, đường trở lại bình an
Phút hiểm nguy không nghe lòng xao xuyến
Mơ hồ xa, nghìn tia nắng huy hoàng
(Lối bước an bình)

 Đêm vẫn chưa qua nghìn sao sáng tỏ
Trời đất im lìm cố gượng an vui
Mong còn nghe tiếng cười trong nắng sớm
Nhớ thuở thanh bình êm ấm nơi nơi
 (Niềm ước mơ)

          Nhưng rồi cả một đất nước không thoát khỏi tang thương chết chóc. Mệnh nước nát tan theo bàn tay quốc tế, là chiến sĩ lòng đau như dao cắt trên những đoạn đường tử lộ.

  Bao tử thi
 Người Nam kẻ Bắc
Vất vưỡng bên đường
Ruồi nhặng thúi hôi

Chẳng ai buồn đếm

Vết tích chiến tranh vẫn còn nguyên

Trên tường vôi đổ nát

Trên nét mặt người dân hốt hoảng hoang mang

Nghĩa địa chẳng còn ai làm chủ.

(Hãy cầu an cho người chiến binh)

          Đất nước lầm than. Sau năm 1975, những tháng năm kinh khiếp trong lao tù CS lại đến với nhà thơ.

  Nhớ ngày tàn trên đất bắc
 Đói khổ, nhục hình
 Đời đã lật bàn tay
Một bàn tay lạnh ngắt

Trống không!
(Nghe như tiếng vọng ngàn xưa)

          Nhưng cuối cùng niềm tin Thượng Đế và lòng yêu người tiếp tục rung lên trong từng cung bực trong thơ:

Bao niềm hy vọng tan trong máu
Ngày cứ dần trôi đời đẹp thêm
(Nghĩa Mẹ)

          Thi phẩm Vĩnh Viễn Một Niềm Tin, gồm có 53 bài thơ, một trường ca và hai nhạc phẩm. Trường ca VƯỢT BIỂN ĐỎ, diễn tả giai đoạn lịch sữ bi thương của dân Do Thái trong thân phận nô lệ nhưng đã một lòng cùng nhau xây dựng, tạo sức mạnh đoàn kết dành lại chủ quyền và độc lập cho quê hương. Nội dung thi phẩm có quá nhiều điều làm sao nói hết được. Người viết chỉ trình bày một ít trong khía cạnh niềm tin và tình yêu thương ngập tràn trong cuộc đời tác giả.
Bập bẹ nói, mẹ bày cầu nguyện,
Trước giờ đi ngủ mẹ nằm bên
Mấy mươi năm cuộc đời dâu bể.

Lời nào mẹ dạy chẳng hề quên

(Nghĩa Mẹ)

          Với anh cổng Thiên đường luôn luôn mở, bởi anh là tín hữu Tin Lành, hằng ngày anh tự nhủ lòng sống đúng theo tinh thần Thiên Chuá, đền đáp ơn nghĩa sinh thành, quê hương và đồng bào ruột thịt. Anh đã thấm thía với bao nỗi đắng cay trong những địa ngục có thật. Từ tù ngục trở về anh vẫn giữ niềm tin:

 Con vẫn thấy trong bầu trời rực nắng
Tràn đầy niềm vui đằm thắm ngọt ngào,
Cha son sắt một lòng tin nơi Chúa,
Đường cha đi là đường sáng con theo.
(Ơn cha)

          Nhà thơ Tâm Nguyên là người may mắn trong số những người HO bởi mái ấm gia đình, với mẹ cha và người bạn đời nhẩn nhục. Với tôi, những người vợ HO là thiên thần đùm bọc những người tù cải tạo sống qua những chuổi ngày bi đát nhất trên mặt đất này. Những ai đã sống qua những trại tù đói khổ, man rợ và khốc liệt của CS, không thể nào không nhớ đến ơn người vợ đã chịu trăm cay ngàn đắng. Tôi là một HO, đôi lúc nghĩ lại tôi không hiểu sao mình có thể sống được. Riêng đối với người vợ HO chắc ai cũng nghĩ như tôi, chúng ta không thể hiểu niềm tin và sức mạnh từ đâu mà những người nữ mảnh mai đó với ngập tràn bất hạnh có thể nuôi con và dìu người tù cải tạo trở về với mái ấm gia đình, sau bao nhiêu năm dài khốc liệt. Xin tạ ơn đời. Tạ ơn tình yêu quá bao la:

 Cám ơn người bạn đời
Dìu qua cơn khốn khó
Tình sau cơn bão tố,
Vàng đá nát không phai

(Ngã rẽ.)

          Bốn câu thơ này nhà thơ viết riêng cho vợ, người vợ nuôi con nhẩn nhục đợi chờ, trong bài thơ “Ngã rẽ “. Xin anh Tâm Nguyên cho người viết này gửi đến tất cả những người vợ hiền thủy chung cuả HO, bằng tấm lòng trân trọng với lời chúc: “Tình sau cơn bão tố/ Vàng đá nát không phai.” Tôi tin, nếu chúng ta sống trong cảm xúc, thơ sẽ đến và tạo thêm đồng cảm và yêu thương cho cuộc đời.

          Thơ mở toang tù ngục và từ địa ngục anh đã trở về. Hạnh phúc như thấy Chúa sống lại:

 Thôi đã hết những ngày dài vô vọng
Ngập đau buồn nhân thế sống điêu linh

Tia máu ấm!
Len sâu trong mạch đời câm lặng
Đang vỗ về mầm xanh mới vươn lên
(Mừng Chúa sống)

          Mạch thơ này trong bài Mừng Chúa sống lại, đã thôi thúc anh viết một mạch trong đêm khuya. Những câu thơ nhập vào tâm can của con người nó có sức mạnh bí ẩn “Len sâu trong mạch đời câm lặng.” Sức mạnh và niềm bí ẩn đó nó chuyển động lòng người “làm cho mầu xanh mới vươn lên”. Bản chất nhà thơ Tâm Nguyên hiền lành và đức tin Thiên Chúa tạo cho cuộc sống thường nhật của anh an bình, lặng lẽ mà yêu đời, nhu hòa mà lạc quan, giản dị khiêm tốn. Một đời sống tâm linh của cá nhân thường xuyên réo gọi tạo gia đình an vui, làm cho xã hội an ổn và tha nhân mến yêu tôn gíao của chính mình. Tất cả đã góp phần tạo nên phước lành chung cho xã hội.

 Khi con người có đức tin tâm linh mãnh liệt, ánh sáng chân lý sẽ dẫn dắt ta đi. Riêng đối với những người yêu mến thi ca, họ sẽ dễ dàng nâng cao thần trí để hòa chung vào vũ trụ. Thi ca hoá giải khổ đau bằng con đường tâm linh siêu việt. Thơ tâm linh sẽ thay đổi đời sống của con người từ bất hạnh và mất niềm tin, trở về đời sống yên vui tươi đẹp.

 Lửa Thánh Linh mau bùng lên thiêu đốt
Bất tín vong ân bội nghĩa hung tàn
Cho cây cỏ run lên niềm vui sướng
Cơn mưa phước lành tưới ngập trần gian

(Lời cầu cho quê hương)

          Con người lià xa đời sống tâm linh sẽ dễ dàng gần gũi với đời sống thú vật. Trong lịch sữ, vua chúa và thi hào của nhân loại đã biết bao nhiêu vị đã trở về với đời sống tâm linh. Đặc biệt là đông phương mà gần gủi hơn là Việt Nam như Vua Trần Nhân Tông đã trao lại ngai vàng cho con, tìm đường lên núi Yên Tử để đi vào con đường đạo. Một số nhà thơ như: Thi hào Nguyễn Du, Hàn Mặc Tử. Bích Khê nhà thơ tượng trưng và huyền diệu… cuối cùng cũng đã trở về con đường tâm linh. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã viết về Bích khê như sau: “… Sau khi đã chán chê tất cả những khoái lạc của xác thịt, đã ớn ê với phong vị trăng, hoa, trái, rượu…, thi sĩ bây giờ như đã tự giác ngộ, tự thấy tâm hồn mình thanh sạch quá chừng và đâm ra ghê rởn những điều tội lỗi… thi sĩ đã nâng thần trí lên với trời để ca ngợi cái nhân đức sạch sẽ. Tìm mãi cái đẹp không thấy, vì tất cả mọi sự ở thế gian đều tầm thường cả, thi sĩ mới nhận ra rằng chỉ có cái gì đời mới, cái gì hằng sống (éternité) mới thỏa mãn được ni khát khao thương nhớ vô hạn của thi sĩ

La douteur: passe et finis!
Mais toute joie veut l’eternité
Veut la profonde éternité.
(Nietzsche)

Cho nên thơ chàng sắp bay sang thế giới huyền bí để đi đến chỗ tuyệt đích là: Tôn giáo.”

(Hàn Mặc Tử/ Nhiều tác giả/ 70 năm đọc thơ Bích Khê)

    Đi trên con đường tâm linh là bơi ngược dòng đời tham muốn và dục lạc. Rất khó!  Nhưng con người sống là chấp nhận mâu thuẩn để từ đó tìm cách vươn lên phương trời cao rộng. Đời sống con người là thường trực với khổ đau và hạnh phúc, xót xa, khóc cười trong phi lý, bởi ngay trong xác thân con người đã ngập tràn mâu thuẩn. Nơi đó thánh nhân và súc vật đều cùng cư ngụ. Chỉ cần một phút giây đầu hàng ma quỷ để chấp nhận sa đọa là trong tích tắc con người sẽ chuyển thành loài cầm thú. Lý do:

  Men tội lỗi thấm sâu trong cốt tủy,
 Nhựa xấu xa phủ ngập cả tâm hồn
Chúa biết thân tôi không phương tự thoát
Khỏi cảnh đời nhơ nhớp bụi trần gian.
(Hãy kéo tôi vào)

           Bụi trần gian nhơ nhớp phủ ngập tâm hồn, mà con người không hề hay biết. Bởi kiêu căng ngã mạn, yếu đuối, tham lam, ích kỷ, lo sợ, ganh ghét, hận thù, cho nên tự đánh lừa mình, sống trong dối gian, mà dối gian là lià xa Thượng đế. Con người thường trực đeo mặt nạ để sống giữa chợ đời. Trong dòng thơ tâm linh, Vĩnh Viễn Một Niềm Tin, nhà thơ Tâm Nguyên đưa người đọc đi qua nhiều cảnh đời, những chặn đường khác biệt để chiêm nghiệm sự sống. Ca ngợi và tạ ơn Thiên Chúa. Bản thân là một Sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị, đã du học Hoa Kỳ trước năm 1975, đã là một tù nhân lâu năm trong lao tù CS. Nhà thơ đã trải nghiệm bản thân qua khổ đau, bất hạnh, từ đó nhà thơ đã làm nên những dòng thơ tâm linh tha thiết với lòng yêu thương để sống vĩnh hằng trong lòng Thiên chúa và con người. Hạnh phúc vẫn thường đến trong lòng nhà thơ bởi anh thường trực chiêm nghiệm lại tự thân bằng ý thức: “Men tội lỗi thấm sâu trong cốt tủy”

          Chỉ nói đạo đầu môi chót lưỡi, ôm lấy cái tự ngả mà giữ nhiều độc tố tham sân si thì mỗi ngày càng tiến gần với loài súc sinh và càng xa dần cái chân tâm, xa dần Thượng Đế. Con người tiêu tan khi đánh mất niềm tin:

  Chân lý Chúa tiêu tan
Tôi sống dã man
Hôn bao nhiêu người khác
Vuốt mặt theo Giu-da
Bội nghịch
Hung tàn
(Jêsusalem)

           Xót xa quá! như hồi chuông cảnh báo. Nhà thơ nói về mình hay cho ai đó, nhưng người nghe đau đớn, lạnh người cho thân phận, bởi mỗi ngày trong kiếp nhân sinh biết bao nhiêu người vuốt mặt theo Giu-da. Chỉ vì 30 đồng bạc mà Giuda đã bán Chúa, để cuối cùng ăn năn trả lại 30 đồng bạc và đi đến chỗ tự vẫn. Tiền bạc là đầu mối của tội ác. Con người vẫn biết tội ác nhưng con ma tham lam đang chiến thắng trong ta, bởi chính ta yếu hèn đành chấp nhận sự xúi dục. Mỗi ngày 24 giờ, quay lại nhìn mình, can đảm tự soi để thấy rằng, bao nhiêu phút trong một ngày ta chối từ đấng thiêng liêng, chối từ Đấng Cao Cả để sống chung, cấu kết với dục vọng, ca ngợi kẻ ác mà lòng ta vô cảm, không hổ thẹn. Sống trôi xuôi, không thiên đàng không điạ ngục:

 Ai đâu hởi! những người kiêu căng lắm!
Ở nơi nào? Chẳng cất tiếng cười vang?
Tượng thần đâu? Đã tới giờ ngự trị!
Đời trống không, chẳng địa ngục thiên đàng
(Cơn ác mộng đời không có Chúa)

          Nhà thơ Tâm Nguyên đã và đang phục vụ nhiều năm tại cơ quan trợ cấp xã hội của Tiểu bang Oregon. Bản chất hiền lành, tận tâm giúp đỡ đồng hương và nhiều người tị nạn đến từ khắp nơi đã là một điểm son trong cuộc đời phục vụ của anh. Trong cuộc sống thường nhật, tôi có cảm giác như anh thích sống lặng lẻ với không gian riêng. Bởi:

  Sợ tính toan lèo lái
 Ngại bàn chuyện chia xa
Mong đừng gặp trong đời
Những người gieo oan trái.
 (Trên hương lộ 7)

          Trong ý sống này tôi đồng cảm với anh. Đúng! bất hạnh nhất trong đời là gần gũi với kẻ gieo oan trái, đó là kẻ ác. Nhận ra kẻ ác không phải dễ. Kẻ ác không chỉ là những hạng người cướp bóc côn đồ, vô học hay nghèo khổ, mà có khi họ là người quyền qúy, có học, giai cấp lớn trong xã hội. Cần nhận ra kẻ ác để tránh. Kẻ ác thường rủ người ta làm việc sai lầm, lợi mình mà hại người, cho trái là phải. Mặc dù chúng ta nói lời chân thật, lời hay lẽ phải họ cũng không đồng ý mà còn chuốc oán gây thù. Những người tin và sống đúng theo tôn giáo của mình là những người tốt cho đời sống xã hội họ sẽ mang phước lành chung cho nhân lọai. Tôi nghĩ người đọc rất dễ chấp nhận khi anh viết:

 Không ! không thể nào
Mượn hơi thở của Trời
Để nói lời hung dữ
Không ! không thể nào
Mượn sức sống Trời cho
Để rao lời phản bội
 (Bầy chiên của Chúa)

          Vĩnh Viễn Một Niềm Tin là tên tập thơ của Nhà Thơ Tâm Nguyên có mặt đã hơn bốn năm qua. Anh đã chọn con đường khó nhất là Dòng Thơ Tâm Linh để đến với người đọc. Nhưng anh đã không hoài công, đã được bù đắp, vì thời gian qua anh đã nhận lại bao nhiêu là ân tình của những người trân trọng đời sống tâm linh. Người đọc đã trở nên thân hữu của anh và thi phẩm đã được giới thiệu đến khắp mọi nơi. Đó là điều xác quyết cho anh tập thơ đã tạo được niềm tin, bởi tính thuyết phục, gần gũi với lòng người. Tập thơ có quá nhiều nội dung, ý thơ, để cần giới thiệu. Nhưng người viết chỉ nói được một vài ý nhỏ về niềm tin và tình yêu của tác giả.

          Thi phẩm đã đựơc nhiều vị Mục sư và nhà văn uy tín giới thiệu, xin chia xẻ những tâm tình dưới đây để hiểu thêm rằng tại sao trong những năm qua tập thơ đã đi vào trong lòng người đọc:

          … Thật là một điều hết sức thích thú khi biết rằng một người dầu đã trưởng thành, với những tháng ngày thơ ấu sống bên mẹ hiền, đã có một ảnh hưởng vô cùng lớn lao đến cuộc đời mình như thế nào. Tâm Nguyên không dấu diếm khi anh nói về những bất hạnh trong cuộc sống mà mình đã trải qua, những tâm tình của ngừi mẹ yêu qúy vẫn là tấm gương soi rọi trong cuộc sống. (Nhà Văn Xuân Hồng)

          … Chúng ta thưòng thấy trên các báo, tạp chí những bài thơ đạo, nhưng phải nói rằng đa số các bài thơ, từ ngữ và ý kiến thường trùng hợp, đóng khuôn. Thơ tâm linh của nhà thơ Tâm Nguyên ca ngợi Đấng Cao Cả đã thoát khỏi khuôn sáo cũ, từ và ý như một sáng tạo. Đó là điều đáng nói…(Nhà văn Lữ Yên)

          Tập thơ Vĩnh Viễn Một Niềm Tin minh chứng hùng hồn: anh là người sống có mục đích và sống đúng mục đích!

Vì vậy những dòng thơ của Tâm Nguyên sẽ mang lại thi vị và bổ ích thuộc linh cho người đọc. (MS Trần Trọng Nha)

           “Làm thơ khó, làm thơ tâm linh lại khó hơn. Thơ tâm linh là tiếng nói của tâm hồn, của cái gì đó sâu xa, hàm chứa chiều sâu của lòng ngưỡng mộ, sự kinh ngạc và lòng biết ơn trước những huyền nhiệm thiêng liêng.” (MS Nguyễn Văn Huệ)

          Tôi yêu thơ và tôi cám ơn nhiều tác giả đã giúp tôi hiểu thêm về đặc tính sâu xa của thơ, như: ý thơ, chất liệu thơ, nhạc điệu thơ, cảm xúc thơ, hình tượng thơ, tứ thơ, ngôn ngữ thơ, cấu trúc thơ V…V và V..V. Nhờ đó , mỗi ngày người viết càng được thêm hạnh phúc.

        Tâm hồn con người sẽ thăng hoa bởi sự nhiệm mầu của thi ca bất diệt.

       Người viết rất mong được sự đồng cảm, Và  xin ghi lại dưới đây bốn câu thơ trong bài Vĩnh Viễn Một Niềm Tin của nhà thơ Tâm Nguyên, qua ý thơ đó mong người đọc hiểu cho rằng, tại sao người viết chọn tập thơ này để chia xẻ.

Trong lòng ta chẳng hề ôm mối hận
Trái tim ta không chỗ chứa căm thù!
Lời cầu nguyện có dư thừa sức mạnh
Mang lại an bình êm ấm muôn nơi.
(Vĩnh Viễn Một Niềm Tin)

Xin nguyện cầu những dòng thơ tâm linh sẽ mang bình an, hy vọng đến cho mọi người.
Nguyễn Văn Nhớ (Họa sĩ)

Portland. Mùa Thu 2009

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here