Xứ Đoài Mây trắng ….

0

Xin gửi đến quý độc giả một bài viết “Xứ Đoài Mây Trắng” của một người bạn gửi đến nhưng rất tiếc không đề tên tác giả còn trong email thì có quá nhiều người đành xin lỗi vậy.

 “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
Em đã bao ngày em nhớ thương?…”

Đây là hai câu thơ trích trong bài “ Mắt người Sơn Tây” của nhà thơ Quang Dũng. Chắc hẳn bất kì độc giả nào khi đọc bài thơ đều thắc mắc một điều: “xứ Đoài có gì đặc biệt mà khiến tác giả phải trăn trở, nhớ nhung đến thế?’’. Thật sự xứ Đoài rất đẹp với những địa danh đi vào thơ ca của nhiều thi sĩ một cách tự nhiên, bằng những ngôn từ đậm chất thôn quê, không màu mè, mà vẫn thể hiện được vẻ đẹp trữ tình nên thơ.

Cách trung tâm Hà Nội 42 km về phía Tây Bắc, đi dọc theo quốc lộ 32 chúng ta sẽ đến với mảnh đất Sơn Tây. Một đô thị cổ của vùng đất xứ Đoài, có quá trình hình thành và phát triển lâu đời, là vùng đất địa linh, nhân kiệt. Ngày xưa, các bậc tiền nhân đã nhìn ra được đây là mảnh đất có địa thế lưng tựa vào núi, mặt hướng ra sông rất hợp để chống giặc ngoại xâm với dãy núi Ba Vì hùng vĩ, dòng sông Hồng chảy xiết…

 

Sơn Tây là vùng đồi đất đá ong khô hạn, không hơi nước bốc lên, trời cao xanh và mây trắng. Sơn Tây là vùng trước núi, nơi người Việt cổ làm nương rẫy và đặt bàn chân đầu tiên khi bước xuống đồng bằng. Từ châu thổ họ đi tứ xứ, nhưng luôn nhớ về mảnh đất gốc, luôn thả hồn theo những đám mây trắng trôi về đậu đỉnh Ba Vì. Con cháu họ, những Tản Đà, Quang Dũng, phải chăng đã thừa kế ở họ dòng máu giang hồ và sự hoài niệm quê hương?

Trải qua hơn 500 năm với bao biến cố, thăng trầm của lịch sử nơi đây vẫn trường tồn cùng với thời gian, và là một trong ít những địa danh còn gìn giữ được những nét đẹp cổ kính,linh thiêng trên mảnh đất nghìn năm văn hiến. Đến với xứ Đoài, du khách không thể bỏ qua những địa điểm nổi tiếng như làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, lăng Ngô Quyền, thành cổ Sơn Tây.

Khi tới đây, chúng ta sẽ phải ngỡ ngàng trước một làng cổ còn lưu giữ những sắc màu thời gian với một thế giới chứa nhiều điều bí ẩn đang dần được hé mở. Sẽ còn bao nhiêu du khách dừng chân nơi đây để cảm nhận về ngôi làng có niên đại mấy trăm năm tuổi này.

                         

 ( Thành cổ Sơn Tây)

Nằm giữa trung tâm ,Thành cổ được xây dựng từ năm Minh Mạng thứ 3 (1822), là một kiến trúc quân sự cổ từng được người Pháp ca ngợi là công trình kiệt tác của nền kiến trúc An Nam. Thành có 4 cổng chính: cổng Tiền, cổng Hậu, cổng Hữu, cổng Tả, trên các cổng đều có vọng lâu và ụ súng. Bao quanh thành là hào sâu nối liền ra sông Tích, tạo thuận lợi cho việc chống giặc ngoại xâm. Bên trong còn có điện Kính Thiên rộng 5 gian, lợp ngói lưu ly, và Đoan Môn với 3 cửa chính nhìn thẳng ra cột cờ…. Thành cổ Sơn Tây là một trung tâm phòng bị kháng chiến chống Pháp của quan lại triều đình nhà Nguyễn.

Trải qua nhiều biến cố, thành đã bị tàn phá nghiêm trọng. Nhưng những đường nét dấu tích xưa còn sót lại như: tường thành đá ong, cổng Tiền, cổng Hậu, 2 khẩu thần công và một số phế tích như vọng lâu, nền điện Kính Thiên, giếng nước… cũng đủ khiến du khách thỏa niềm hoài cổ.

Khi đến với xứ Đoài chúng ta sẽ cảm nhận được đây là khu đô thị đang phát triển theo một cách riêng biệt. Nơi đây mang đến cảm giác dễ chịu, thoải mái, đưa du khách hòa mình vào với thiên nhiên, vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng đến trầm mặc. Xứ Đoài không quá rộng lớn, nhưng lại có vô vàn địa danh, du lịch – văn hóa nổi tiếng đi vào lòng người và tốn không ít giấy  mực của các thi sĩ.

 ” Đất đá ong khô nhiều suối lệ
Em đã bao ngày lệ chứa chan?”

Quang Dũng là một kẻ lãng mạn, lãng mạn đến chót mùa. Các nhân vật lãng mạn ưa xê dịch vì xê dịch bởi huyết quản sục sôi máu giang hồ. Họ cần tìm những không gian mới để thay đổi phong cảnh tâm hồn mình. Kháng chiến chống Pháp đã tạo cho Quang Dũng những chuyến đi, hơn nữa để đền nợ núi sông. Ông hăm hở tham gia vào trung đoàn Tây Tiến.

Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
( Tây Tiến )

Hồn lau (linh hồn của cây lau hay linh hồn của người chết vì lau thường mọc trên những nấm mồ hoang) thấp thoáng dọc đường? hay là cô gái chèo thuyền độc mộc đang trôi theo dòng nước lũ? dáng người, bóng dáng khiến con người thực ấy thoắt trở thành ẩn hiện.

Con người lãng mạn Quang Dũng dù trong hiện thực khắc nghiệt đến đâu cũng tìm ra những yếu tố để mơ mộng. Không phải là sự mơ mộng lừa dối, mơ mộng để quên thực tế, mà là sự mơ mộng bốc lên từ sự lạc quan, từ chất người. Đó là loại người, như Pautovski nói,” bao giờ cũng nhìn đường đi bằng cả hai con mắt: một con để thấy vũng nước, còn con kia để thấy những vì sao long lanh đáy nước.”

Tác phẩm của Quang Dũng dù là thơ hay văn xuôi đều biểu hiện một cá tính, một phong cách nghệ sĩ, độc đáo. Giáo sư Phong Lê đã nhận xét: “Chưa ai khác ngoài ông, cho đến hôm nay, kể cả Tản Đà, đã tạo nên được một sự sống rung động đến thế cho Xứ Đoài nhiều mây trắng của quê hương ông.”

Con đường qua Cầu Giấy, đến với Xứ Đoài, nhờ thơ ông mà trở nên thơ mộng hơn, mỹ lệ hơn, lưu luyến hơn…bởi thế tinh tuyển thơ văn “Mắt người Sơn Tây” đã ghi dấu một chặng đường dài của Quang Dũng với văn chương..

Sau Tây Tiến, Quang Dũng còn những chuyến đi khác. Và con người giang hồ ấy càng đi xa, đi nhiều thì càng nhớ về quê hương.

Trong thơ Quang Dũng, đất đai, sông núi, con người xứ Đoài đã thành ám ảnh. Đặc biệt khi nó được nhìn bằng chính ” Mắt người Sơn Tây.”

Bao giờ tôi gặp em lần nữa
Chắc đã thanh bình rộn tiếng ca
Đã hết sắc mùa chinh chiến cũ
Còn có bao giờ em nhớ ta? “

Sơn Tây là một vùng bán sơn địa, quê hương của đất đá ong. Đất đá ong chứa nhiều chất sắt nên mỗi khi trời giông bão thì bao nhiêu sấm sét đều bị hút về đây. Phải chăng vì thế mà người Sơn Tây thô mộc và cứng cỏi? Đất đá ong cũng là đất nghèo dưỡng chất. Bởi vậy con người muốn sống được phải dựa vào cộng đồng ở gia đình, họ hàng, làng xóm… Và nếu không sống được nữa, người ta phải bỏ quê mà đi…..

Ba Vì là ngọn núi thiêng của người Việt . Tản Viên là vị thần đứng đầu Tứ Bất Tử. Sài Sơn với Từ Đạo Hạnh là một trong những nơi lưu dấu tích đầu tiên của Phật giáo. Dòng sông Đà dữ dội và sông Đáy hiền hoà. Và vùng núi đá vôi Quốc Oai đẹp như một Hạ Long cạn…

Tản Đà lấy sông núi làm bút danh, một phần nhà ông ở dưới chân núi Tản bên dòng sông Đà, phần khác dòng sông Đà hợp với tính cách của ông. Quang Dũng yêu dòng Đáy cũng một phần nhà ông nằm bên dòng sông Đáy. Từ Bất Bạt đến Đan Phượng là từ đồi núi xuống đồng bằng.

Sông Đà là hợp lưu của sông Hồng. Mùa lũ nó dồn nước của cả vùng Tây Bắc vào sông Hồng. Sông Đáy là phân lưu của sông Hồng, nó làm dịu bớt sự dữ dội của sông Hồng. Quanh năm con Đáy chảy hiền hoà giữa đôi bờ xanh tốt những bãi mía, vườn dâu, rặng nhãn.Bởi vậy, không lạ gì khi Quang Dũng tha thiết với mảnh đất này.

“Tây Tiến ” là một trường hợp thơ chỉ một bước đã đi vào cổ điển. Nó vượt qua sự lưỡng phân cũ/ mới, truyền thống/ hiện đại để đạt đến sự nhất nguyên của cái đẹp, một giá trị nằm ngoài thời gian.

Dọc theo sông Hồng về phía Tây, cách thủ đô Hà Nội chừng 30 km có một vùng đất cổ. Ở đó có một ngôi làng đá ong, kết tinh của nền văn minh vùng châu thổ sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đó là Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây ,đầu thế kỷ 19, Đường Lâm là nơi đặt lỵ sở của trấn Sơn Tây.

Làng cổ Đường Lâm là một làng mang rất nhiều nét văn hóa của làng người Việt xưa…

 Đây là miền đất sản sinh ra nhiều vị anh hùng của dân tộc như vua Ngô Quyền, Bố Cái Đại vương Phùng Hưng, Giang Văn Minh, bà Man Thiện (mẹ của hai Bà Trưng), bà chúa Mía (người xây chùa Mía, vương phi của chúa Trịnh Tráng), Phan Kế Toại, Hà Kế Tấn, Kiều Mậu Hãn, Phan Kế An,… Đường Lâm còn được gọi là đất hai vua do là nơi sinh ra Ngô Quyền và Phùng Hưng.

Ngay đầu tiên là cổng làng Mông Phụ được xây dựng vào năm 1833 với kiến trúc vòm và lớp đá ong tổ bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Ngôi làng này được gọi là làng đá ong. Đi tới đâu các bạn cũng có thể thấy những ngôi nhà được xây dựng bằng loại đá này.

Khung cảnh làng Đường Lâm vô cùng yên ả. Phong cảnh làng toát lên vẻ đẹp thuần khiết của một làng nông thôn Bắc bộ điển hình.

Tản Đà- Người chán đời tâm huyết …..

Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu ) là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.( Xứ Đoài mây trắng )

Trong văn đàn Việt Nam đầu thế kỷ 20, Tản Đà nổi lên như một ngôi sao sáng, vừa độc đáo, vừa dồi dào năng lực sáng tác. Ông là một cây bút phóng khoáng, xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Đi khắp miền đất nước, ông đã để lại nhiều tác phẩm với nhiều thể loại.

Ông đã từng làm chủ bút tạp chí Hữu Thanh, An Nam tạp chí. Với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh, đậm cá tính, ông được đánh giá là người chuẩn bị cho sự ra đời của thơ mới trong nền văn học Việt Nam, là “gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại”.

Ngoài sáng tác thơ, Tản Đà còn giỏi trong việc dịch thơ Đường và được biết đến như một người dịch thơ Đường ra ngôn ngữ Việt hay nhất.

Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân cho in tác phẩm “Thi nhân Việt Nam” nổi tiếng, đã cung kính đặt Tản Đà lên ngồi ghế “chủ suý” của hội Tao đàn, ở những trang đầu tiên, như một người mở lối cho thi ca Việt Nam bước vào một giai đoạn  mới.

    (Khu tưởng niệm Tản Đà tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, Hà Nội )

Cũng không thể không nhắc lại bài thơ nổi tiếng Thề non nước ông viết từ năm 1920. Tác giả mượn mô-típ “nguyện nước thề non” của tình yêu đôi lứa để nói lên tình yêu tha thiết đối với non sông. Những từ non non, nước nước được láy đi láy lại một cách nhuần nhị như một nỗi niềm canh cánh bên lòng, cảm xúc đằm thắm khó quên. Đây là một bài thơ trữ tình lớn, có thể coi như một bài Kinh cầu nguyện thuộc lòng của nhiều người Việt …

 “Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không “..…..

Không chỉ là một ngôi sao sáng trên văn đàn, Tản Đà còn là một nhà báo. Tản Đà được coi như là một ký giả sớm nhất của những năm 1915-1916. Năm 1921, ông làm chủ bút báo Hữu Thanh. Nhưng sau đó ông giã từ báo này vì “Làm chủ bút mà không được làm chủ cái bút của mình.”

Tản Đà ra viết cho báo Đông Pháp thời báo, Phụ nữ tân văn,, Nam Phong ,Tiểu thuyết thứ bảy, Ngày nay, Văn học tạp chí, rồi chính ông đã sáng lập ra An Nam tạp chí, năm 1926.

Lao động nghệ thuật thật sự, trăn trở thực sự, nhà thơ mang tên dòng sông, ngọn núi quê hương đã tận tụy với con đường văn, với nghiệp văn của đời mình……để lại cho đời sau những dòng thơ chứa chan , tha thiết ,về một “ Xứ Đoài Mây trắng “

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here