Xuân như ý, nén tâm hương tưởng nhớ nhà thơ Hàn Mặc Tử

0

 Nguyễn Văn Nhớ
Xuân đến, tri ân nhà thơ Hàn Mặc Tử đã cho chúng ta tắm gội trong nguồn ánh sáng của hương hoa châu báu, tiếng nhạc, lời kinh để hồn ta tràn đầy thanh khiết trong mùa Xuân Như Ý. Chúng ta, lắng lại lòng mình với nén tâm hương tưởng nhớ nhà thơ Hàn Mặc Tử. Một thiên tài khổ lụy. Cuộc đời ngắn ngủi đầy bất hạnh bi thương. Và kỳ diệu thay, những giây phút cuối cùng, thi ca và tôn giáo đã hoàn thiện con người Hàn Mặc Tử. Nhà thơ đã thăng hoa vào niềm tin của Chúa. Cuộc đời và thi ca của Hàn Mặc Tử đã hòa vào nguồn đạo bao la.

Nhà thơ sống quá ngắn ngủi và đau thương cho nên một chữ viết ra là hơi thở và máu lệ. Hàn Mặc Tử khát khao tình yêu cháy bỏng trong oan nghiệt và bệnh tật hiểm nghèo. Ta hãy lắng nghe những dòng thơ:
Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu
(Những giọt lệ.)

Hàn Mặc Tử tột cùng khổ đau và bất hạnh. Năm 24 tuổi đã mắc chứng bệnh quái ác, hiểm nghèo. Những năm đầu khi biết mình đã bị bệnh phong. Hàn Mặc Tử đã tự xa lánh, cô lập không tiếp xúc bất kỳ ai. Ngay cả gia đình cũng đã gửi Hàn Mặc Tử đi lánh nạn ở những chốn hoang vu, vắng vẻ thuc vùng Gò Bồi trong tỉnh Bình Định. Nhiều nơi chỉ là những túp lều cô độc, trống trải, quạnh hiu.
Là một phế nhân, bệnh càng tăng, đau khổ càng chồng chất, Hàn Mặc Tử càng cảm hứng, sáng tác nhiều vần thơ dạt dào, thống thiết:
Hồn theo tôi như muốn cợt tôi chơi
Môi đầy hương tôi không dám ngậm cười.
(Hồn là ai)

 Quá đau thương như:
Hồn đã cấu đã cào, nhai ngấu nghiến
Thịt da tôi sượng sần và tê điếng
Tôi đau vì rùng rợn đến vô biên
Tôi dìm hồn xuống vũng trăng êm
Cho trăng ngập, trăng dồn lên phía ngực.
(Hồn là ai)

Chia sẻ niềm cô độc với nhà thơ:
Chao ôi! ghê quá trong tư tưởng
Mt vũng cô liêu cũ vạn đời
                                         (Cô liêu)

Hàn Mặc Tử chết năm 28 tuổi, chấm dứt một số phận kỳ lạ. Đã gần 70 năm qua, cuộc đời nhà thơ vẫn còn trong bí mật. Mặc dầu báo chí, sách vở, âm nhạc, điện ảnh, diễn kịch, tất cả nói về Hàn Mặc Tử rất nhiều, nhưng không sao giải bày hết được. Nhiều linh mục đã viết và mở những diễn đàn về Hàn Mặc Tử, tôn vinh là một nhà thơ Công Giáo. Đúng, cả cuộc đời Hàn Mặc Tử đã sống trong vòng tay Chúa, cuối đời lại được chăm sóc bởi những tấm lòng dịu hiền, thương yêu của các sơ ở trại phong Quy Hòa thành phố Quy Nhơn, Bình định.

Trong bài viết ngắn này, người viết thử nghiệm và sơ phác cuộc đời nhà thơ qua cái nhìn của Phật giáo, mà cụ thể là soi sáng qua bốn chân lý diệu kỳ: Khổ. Tập. Diệt. Đạo = Bốn sự thật cao qúy = Tứ Diệu Đế của nhà Phật. Thứ nhất: Khổ đế, Đức Phật dạy: Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của bốn đại dương. Đó là thực chất của đời sống, không ai thoát được. Thứ hai: Tập đế là nguyên nhân cuả khổ đau. Thứ ba: Diệt đế là trạng thái vắng lặng tuyệt đối trong đó mọi khổ đau trong đời sống đều dập tắt. Và cuối cùng: Đạo đế là con đường đưa đến an tịnh tuyệt đối, chấm dứt đau khổ, con đường tỉnh thức, giải thoát và an lạc.

Chúng ta thử đi vào cuộc đời và thi ca của Hàn Mặc Tử, qua cái nhìn của Tứ Diệu Đế. Thứ nhất: Khi nhận biết điều kiện thực sự của khổ và thấy khổ mà không né tránh, không tìm cách chuyển hóa để chấm dứt khổ, mà lại buông xuôi thỏa hiệp- đấy là khổ đế. Khổ đến với tất cả mọi người. Bệnh khổ. Ái, biệt ly là khổ, cầu bất đắc khổ, cùng vô vàn nổi khổ đang tồn tại… Hàn Mặc Tử khổ sở, điên cuồng vì bị bệnh phong. Thân xác đôi lúc tê cứng sượng sần:

Thân tàn ma dại đi rồi
Rầu rầu nước mắt bời bời ruột gan
(Muôn năm sầu thảm)

Vào những mùa trăng, người bệnh phong cùi càng đau đớn hơn. Định mệnh thật khắc nghiệt đối với nhà thơ. Ông sinh ra giữa mùa trăng, chơi giữa mùa trăng, như tựa đề một tác phẩm của ông và mất cũng vào một đêm trăng âm lịch tức là ngày 12 tháng 10 năm Canh thìn. Trăng là nét đặc biệt trong thơ Hàn Mặc Tử. Khi viết lời tựa cho tập thơ của mình, nhà thơ đã viết: “Ai nói vườn trăng là vườn mơ. Ai nói bến mộng là nói bến tình. Người thơ là khách lạ đi giữa nguồn trong trẻo. Trên đầu người là cao cả, vô biên và vô lượng…”

Trăng bàng bạc trong thơ Hàn Mặc Tử:
Em có ngờ đâu trong những đêm
Trăng ngà giải bóng mặt hồ êm
Anh đi thơ thẩn trong ngây dại
Hứng lấy hương nồng trong áo em…
(Âm thầm)

Và thật lãng mạn, lạ lùng:
Ai mua trăng tôi bán trăng cho
Đau đớn dữ dội nhà thơ gào thét:
Trời hỡi bao giờ tôi chết đi
Bao giờ tôi hết được yêu vì
Bao giờ nhật nguyệt tan thành máu
Và khối lòng tôi cứng tợ si?
(Những giọt lệ)
Hàn Mặc Tử như điên như loạn, dồn tất cả vào thơ:
Luạ trời ai dệt với ai căng?
Ai thả chim bay đến Quảng Hàn?
Và ai gánh máu đi trên tuyết
Mảnh áo da cừu ngắm nở nang.
(Cuối thu)

Điên loạn ngập tràn hình ảnh lạ trong thơ: trăng, hồn, máu, bóng ma, sọ người, xương cốt, tinh tủy… một thế giới rùng rợn:
Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi hồn thơ đều dính nảo cân ta
Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt
Như mê man chết điếng cả làn da.

Ái lực của nhà thơ quá mạnh. Cảm xúc nảo nề trong một thân thể hư hoại vô phương cứu chữa, đẩy chàng trở thành phế nhân, sống trong đau đớn để chờ chết, trong lúc tuổi đời của nhà thơ mới hai mươi, quá trẻ và phải chịu một tai ương quá lớn so với sức chịu đựng của con người. Với hoàn cảnh đó nhiều người đã tìm con đường chết. Nhưng Hàn Mặc Tử từ khổ đau bất hạnh đó đã vận dụng hết tinh anh, phát tiết hết tất cả năng lực của mình để sống, để sáng tác thi ca. Thi ca làm người đời yêu thương chàng. Thi ca diệt khổ, khi nhà thơ ca ngợi tình yêu và cái huy hoàng của sự sống. Biết khổ đau và bất hạnh nhưng vẫn vươn lên, làm mới cuộc sống, yêu đời và yêu nhân thế. Đó là sự nhiệm mầu của khổ đế ở con người của Hàn Mặc Tử.

Tại sao cuộc đời Hàn Mặc Tử lại tột cùng khổ đau, oan nghiệt và bất hạnh như thế? Nguyên nhân? Ta thử nhìn vào chân lý thứ hai là Tập đế một trong bốn sự thật cao quý – Tứ diệu đế của nhà Phật. Chúng ta tìm hiểu nguyên nhân nào đã sinh ra những khổ đau. Hàn Mặc Tử tài hoa mà bất hạnh. Cụ Nguyễn Du đã viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.

Và: Chữ tài liền với chữ tai một vần. Nhà thơ tài hoa thiên phú lại gắn chặt vào nghiệp lực đọa đày bởi bệnh tật và còn vô vàn bất hạnh trút xuống. Thân thì điên cuồng vì bệnh hoạn mà tâm thì quá khổ đau trong tình yêu bất toại. Nhà thơ cuồng si, khao khát tình yêu, đa sầu đa cảm gặp ai cũng đem lòng thương nhớ. Biết bao nhiêu hình bóng giai nhân để lại trong thơ Hàn Mặc Tử. Nhà thơ lãng mạn. Đời sống tinh thần quá kích động:
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
(Kiều. Nguyễn Du)

Nhà thơ ngập sâu vào trong giây oan nghiệt của cõi tình. Đau khổ vì yêu mà phải ly biệt. Nhất là người yêu Mộng Cầm, hai người đã thề nguyền gắn bó keo sơn, nhưng khi biết được Nhà thơ bị bệnh phong cùi là chỉ sau sáu tháng đã bỏ chàng để đi lấy chồng. Mộng Cầm, Lầu Ông Hoàng, Phan Thiết là nơi Mộng Cầm và nhà thơ đã dạo chơi thuở nào, tất cả tan vỡ đầy nước mắt thương đau:
Ta lang thang tìm chốn lầu trăng
Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang
Nơi đã khóc đã yêu thương da diết
Ôi trời ôi! là Phan Thiết! Phan Thiết!
Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi..
(Phan Thiết)

Người xưa nói: Có người yêu mà một ngày không gặp dài như ba năm. Nhất nhật bất kiến như tam thu hề. Đó là có người yêu bằng da bằng thịt thật sự. Riêng Hàn Mặc Tử người yêu đôi khi chỉ là bóng hình như tiên nữ, không thật. Tác nhân gây đau khổ không có. Thương Thương chỉ là nàng thơ. Qua hình bóng ảo, nhà thơ sáng tác những vần thơ khổ đau xé ruột, và qua những vần thơ đó người đọc cảm thấy niềm đau đớn khôn nguôi như niềm đau của chính mình. Nhà thơ sống mơ mộng, vọng tưởng. Thương Thương là không thực một hình bóng không thực chôn giấu trong lòng Hàn Mặc Tử. Những hạt mê đắm cuồng si nung nấu, để rồi rền rĩ đau thương:
Bây giờ đây khóc than niềm ly hận
Hởi Thương Thương, người ngọc của lòng anh
(Kịch thơ Duyên Kỳ Ngộ)

Ái dục ngủ ngầm trong mỗi chúng ta, là nguyên nhân bất hạnh trong đời sống. Lòng ái dục kết tập trong suốt kiếp sống, chi phối sai khiến:
Ma đưa lối qủy dẫn đường
Lại tìm những chốn đọan trường mà đi.
(Kiều – Nguyễn Du)

Bệnh tật hiểm nghèo và trôi lăn trong tình ái đã làm cho nhà thơ tột cùng khổ đau. Ham muốn của con người không chỉ giới hạn trong vật chất, không được lòng yêu thương của kẻ khác cũng sinh phiền muộn khổ đau, vòng quay bất toại cứ luẩn quẩn. Như một phế nhân nằm chờ chết. Hàn Mặc Tử tìm về đạo thơ, là cứu cánh của Chân Thiện Mỹ. Đó là con đường diệt đế nhiệm mầu đưa đến trạng thái vắng lặng tuyệt đối, trong đó mọi khổ đau trong đời sống đều dập tắt. Hàn Mặc Tử thi hóa cuộc đời để vượt thoát khỏi trần gian ô trược. Trong lời tựa của tập thơ, nhà thơ đã ghi: “Tôi làm thơ? Nghĩa là tôi nhấn một cung đàn, bấm một đường tơ, rung rinh một làn ánh sáng… Và anh sẽ cảm giác lạ, nhìn không chớp mắt khi một tia sáng xôn xao tại có vì sao vỡ. Những thứ ấy là âm điệu của thơ tôi, âm điệu thiêng liêng tạo ra trong khi máu cuồng rền vang dưới ngòi bút.” Bệnh cố nhiên là khổ, nhưng nếu không có bệnh, không thấy được khi không bệnh là hạnh phúc. Hàn Mặc Tử nhờ có bệnh nên mới có những dòng thơ bi thiết:
Máu đã khô rồi thơ cũng khô
Tình ta chết yểu tự bao giờ
Từ nay trong gió, trong mây gió
Lời thảm thương rền khắp nẻo mơ
(Trút linh hồn)

Khổ đau làm chúng ta thành người nhất là khi ý thức được cuộc đời là vô thường vô ngã. Có khổ đau chúng ta mới hiểu và thương đời sống. Cảm nhận được tất cả mọi sự vật đều biến đổi không ngừng. Ngay trong ta, tế bào vẫn thay đổi liên tục trong từng phút giây. Kinh nghiệm cho chúng ta thấy mọi trạng huống khổ đau, sầu bi, hoan hỷ, khoái lạc thay đổi trong từng chốc lát:
“Tôi lạy muôn vì tinh tú nhé
Xin đừng luân chuyển để thời gian
Chậm đi, cho kẻ tôi yêu dấu
Vẫn giữ màu tươi một mỹ nhân.”
(Thời gian)

Hàn Mặc Tử xin đất trời đừng luân chuyển. Nhưng nếu không luân chuyển làm sao có thời gian. Thời gian là sự nhiệm mầu của đời sống. Sinh rồi diệt và diệt để rồi sinh. Diệt đế là sự thật nhiệm mầu có năng lực chuyển hóa khổ đau thành an lạc. Chuyển nghiệp bất thiện thành thiện. Chúng ta càng nhận ra năng lực của con người vô cùng lớn lao, sẽ cải tiến không ngừng để hài hòa giữa vô thường nghiệt ngã. Hàn Mặc Tử đặt niềm tin vào năng lực bí mật của sự sống để chống chọi lại đau khổ. Sức mạnh của sự sống sẽ tăng lên khi cái tự ngã bé nhỏ giảm dần để hòa vào cái đại ngã của vũ trụ. Và nhờ sự chan hòa đó, cái vô cùng của vũ trụ lại trở về nuôi dưỡng cái tự ngã. một sự hòa nhập diệu kỳ giữa con người và đất trời mầu nhiệm.
Khắp mười phương điềm lạ trổ hoài nghi:
Cây bằng gấm và lòng sông toàn ngọc
Và đầu hôm một vì sao liền mọc.
Ở phương Nam mầu nhiệm biết ngần mô!
Vì muôn kinh dồn dập cõi thơm tho
Thêm ý nghĩa sáng trưng như thất bảo
Ta chắp hai tay lạy qùy hoàn hảo
Ngửa trông cao, cầu nguyện trắng không gian
(Đêm Xuân Cầu Nguyện)

Bệnh hoạn là tác duyên, để nhà thơ đối đầu tôi luyện khổ đau cùng cực thành thơ mầu nhiệm, đưa hồn bay xa, vượt thoát lên miền miên viễn tràn đầy ánh sáng diệu kỳ:
Thượng thanh khí tiết ra nguồn tinh khí
Xa xôi đồi trăng mọc nước Huyền vi.
(Đừng cho lòng bay xa)

Bệnh tật càng bộc phát, thi ca của chàng càng thăng hoa. Thơ Đau Thương, Thơ Điên ra đời giải quyết những bế tắc trong tư tưởng. Nhà thơ chiêm nghiệm lẽ nhiệm mầu của vũ trụ, để diệt khổ bằng con đường thi hoá cuộc đời. Xa rời tục đế đạt đến chân đế. Tận hưởng trăng hoa, hương nhạc, châu báu của đất trời. Thi ca tỏa sáng, giải thoát, xuất thế gian:
Không gian đầy đặc toàn trăng cả
Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng.
(Huyền ảo)

Chất thơ Hàn Mặc Tử dần dần có nhiều ma lực, đôi khi người đọc như bị cuốn hút bởi cảm giác lạ lùng nhưng không hiểu hết ý nghĩa:
Hẹn tối tảng sáng đi tìm mộng
Mộng còn lưởng vưởng bến xa mơ
Tiếng gà gáy rụng trăng đầu hạ
Tôi hoảng hồn lên, giận sửng sờ..
(Một miệng trăng)

Có những điệu ngọc vàng cao sang sảng
Lời vang xa truyền nhiểm đến vô song
Bầu hạo nhiên lồng lộng một màu trong
Không rung động bởi tơ huyền náo nức.
Hồn hỡi hồn, bay ra ngoài kia mức..
(Ngoài vũ trụ)

Xót xa quá! lạ lùng quá! Trong những lúc ngón tay bị phong cùi co rút đau thương nhà thơ đã xuất thần những bài thơ tràn đầy nét đẹp tâm hồn:
Thơ có tuổi và chiêm bao có tích
Và tâm tư có một điều rất thích
Không nói ra vì sợ bớt say sưa
Chàng ơi! chàng ơi! Sự lạ hôm qua
Mùa xuân tới mà không ai biết cả…
(Ra đời)
Tình yêu sâu xa với thế nhân luôn luôn được chia sẻ:
Xin dâng này máu đang tươi
Này đây nước mắt giọng cười theo nhau
Hàn Mặc Tử quá thương yêu cuộc đời:
Ta còn trìu mến biết bao người
Vẻ đẹp xa hoa của một trời
Đầy lệ, đầy thương, đầy tuyệt vọng
Ôi giờ hấp hối sắp chia phôi.
(Trút linh hồn)

Giờ phút đó tuổi nhà thơ chỉ mới trên hai mươi. Và cơ thể tàn tạ, chàng viết lời tựa của Xuân Như Ý, tại Quy nhơn trong một ngày rất say, rất dại, rất nhớ rất thương như sau: “Và loài người hãy cám ơn thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay trong lúc miệng vẫn tươi cười sốt sắng… / Hãy cầu nguyện bằng trăm kinh mây gió / Hãy dâng cho một tràng chuỗi trăng sao.” Tình yêu người, sâu xa và tha thiết của nhà thơ cùng thi ca diệu kỳ đã ở mãi trong lòng nhân thế. Và chính lẽ đó Hàn Mặc Tử đã trở thành bất tử.

Hàn Mặc Tử quyết thoát vòng ô trược. Tẩy uế nội tâm không còn vướng ô nhiễm. Thản nhiên không xao động. Những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, đạo đế nhiệm mầu đã đi vào con người và thi ca Hàn Mặc Tử. Mặc dầu xác thân đau đớn tàn tạ vì phong cùi phát triển dữ dội nhưng Hàn Mặc Tử bình thản đối diện với cái chết, khi cảm nhận cuộc đời là vô thường, vô ngã. Chính điều đó đã mang đến phước báu, tràn đầy nội lực dũng mãnh, tạo thêm chiến thắng vĩ đại của một kiếp người. Giọng thơ của chàng không còn rên rĩ mà thanh thoát thăng hoa như tắm gội trong nguồn ánh sáng vô biên của Thiên chúa. Xuân Như Ý là một trong những tập thơ cuối cùng của Hàn Mặc Tử. Ta hãy nghe nhà thơ chan hoà đời mình trong lời tựa: “Vì chưng muôn Xuân là lương thực ngon ngọt, mĩ vị, ánh Xuân là nguồn tư tưởng thơm tho, tinh khiết, khí Xuân là mạch trường sinh bất tử, tình Xuân là cung cầm nguyệt mê ly, tuổi Xuân là NGOC NHƯ Ý, tên Xuân là DẠ LAN HƯƠNG.” Với cảm giác kích thích dồn dập thật lạ lùng thú vị khi đọc những lời tựa của Hàn Mặc Tử. Tựa Xuân Như Ý ngắn, chỉ khoảng trên bốn trăm chữ nhưng mỗi chữ là một linh hồn cần trân trọng. Những ngày cuối cùng chàng sống hoàn toàn với đạo. Hàn Mặc Tử cảm nhận và có cảm giác mạnh mẽ về sự đồng nhất trong vũ trụ. Khả năng hy hữu và lớn lao nhất là hoà điệu thi ca vào bệnh hoạn ác nghiệt và những bất toại của cuộc sống. Phong cùi không còn chi phối chàng. Hàn Mặc Tử an nhiên tự tại trong nỗi thống khổ đang đọa đày thân xác. Chàng không ngừng làm thơ. Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Hàn Mặc Tử vắt kiệt sức lực hòa mình vào thi ca. Đối với chàng thơ không thể rứt ra được, đó là pháp môn để giải thoát. Những năm cuối cùng, khi biết mình không còn hy vọng sống, Hàn Mặc Tử tìm nguồn giải thoát cho linh hồn khắt khỏai qua thi ca và tôn giáo. Thơ của Hàn Mặc Tử càng tinh tế về ngôn từ, thuần khiết, chân chính, toàn hảo và hoàn mỹ…
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ.
(Thánh Nữ đồng trinh Maria)

Thật lạ lùng, thân xác quằn quại trong đau đớn, nhưng tâm hồn vô cùng định tỉnh và an lạc. Thần khí vững mạnh, xuất thần vào thơ. Ngôn ngữ trong Xuân Như Ý bỏ xa tục đế, tiến vào chân đế, cao sang và hạnh phúc. Nhà thơ nhắc nhở nhiều lần những từ ngữ: xuân, cõi thiên không, thánh đức, lưu ly, châu báu, nhạc, hương, thơm tho, ngọc, nhạc, ơn phước, lộc, gấm, toàn ngọc, thất bảo, hoa cung cấm, thần nhạc, long nhan, châu ngọc, ngọc như ý, thánh thể, phượng hoàng, trời đâu suất, chốn Phụng trì, cõi Đào nguyên… Với ngôn ngữ đó tâm thức cuả nhà thơ đã chuyển qua mùa xuân mầu nhiệm và vào cõi đạo bao la:
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng, bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
(Thánh Nữ đồng trinh Maria)

Cuối cùng với Hàn Mặc Tử, chốn Phụng trì, cõi Đào nguyên đã đến. Đó là nơi chốn bình thường, như mảnh vườn an lạc của mẹ, đầy tình người trìu mến bao la.

“Trí (Hàn Mặc Tử) tâm sự: Tôi đến Quy Hoà là nơi có bãi biển, rừng dừa xanh, núi non hùng vĩ, cù lao xanh huyền ảo, đặc biệt là tình người nên tôi được hưởng sự bình an của ni tâm, cái thanh tao của nguồn vui tưởng như đã chết trong khi tôi sống ở xóm Tấn đầy đau khổ, nghèo nàn cô đơn, không một ai đến an ủi chăm sóc dù là người thân quyến (Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử – trang 36-38. Nhà sưu khảo Nguyễn Xuân Tuyển). Trong sách đã dẫn này, chúng ta dễ dàng cảm nhận là nhà thơ đã sống như một nhà tu thật sự, chính Hàn Mặc Tử đã thổ lộ: “Trong những ngày cuối đời, tôi chỉ biết ngâm thơ và cầu nguyện là nhiều hơn cả.” Ông Nguyễn Văn Xê là một đồng bệnh đã kể lại trước những giờ phút Hàn Mặc Tử qua đời: “Đêm ngày 8 tháng11, năm 1940. Trí lấy hai tập giấy pelure, dùng bút chì cùn trong áo veston sáng tác bài thơ cuối cùng La Pureté de L’Âme (Tâm hồn thanh khiết) để ca tụng Đức Maria cùng các bà mẹ dưới đất là thân mẫu các nữ tu Phan Sinh đã săn sóc Trí. Đây là bút tích cuối đời của Trí… Chiều 9 tháng 11, 1940 – Trí xưng tội lúc 16 giờ 30. Sáng ngày 10 tháng 11, năm 1940, lúc 6 giờ 45 Cha Tuyên Úy cho Trí chịu phép Xức Dầu bệnh nhân và rước lễ lần cuối… Đêm đó tôi (ông Xê) trực canh chừng Trí. Mẹ Nhất Juetta và sơ Julienne đến thăm Trí ba lần trong đêm. Lúc ba giờ sáng, sơ Julienne cho biết Trí khó lòng qua khỏi! Thời gian đêm nay đối với tôi như chùng hẳn xuống. Tôi nhìn Trí, ngoài những lúc đau bệnh, Trí khi qùy, lúc ngồi, khi nằm, trên tay lúc nào cũng cầm chuổi hạt đọc kinh cho đến lúc 5 giờ 45 sáng ngày 11 tháng 11, năm 1940 thì Trí nhẹ nhàng tắt thở một cách êm ái. (Đi tìm chân dung Hàn Mặc Tử, Sách đã dẫn).

Hàn Mặc Tử nhẹ nhàng ra đi để lại cho chúng ta những vần thơ tác tuyệt đầy tình người. Thi ca linh diệu đó mãi mãi thấm dần trong lòng chúng ta, qua đó chúng ta càng yêu thương cuộc đời, văn học và đất nước thêm lên. Hàn Mặc Tử là hiền nhân. Những bậc Hiền tài là nguyên khí quốc gia, lời văn đó đã được khắc ghi trên bia đá trong Văn miếu Thăng Long. Mùa xuân tha hương đang chuyển động giữa đất trời, lòng người nhớ thương về cố quốc. Người viết, năm 1995 trước khi rời nước ra đi đã đến thăm mộ nhà thơ ở Gềnh Ráng, Qui nhơn. Mộ phần hình chữ nhật tượng Đức Mẹ Maria trắng, hai tay giang rộng, mắt nhìn xuống như nâng đỡ nhà thơ. Trước mộ là thánh giá lớn bằng xi măng. Sổ lưu niệm cho khách thăm viếng và tên người viết đã nằm ở đó. Mộ phần với gió rì rào và sóng biển trắng xoá, đập đều đều vào ghềnh đá. Đất trời ẩn hiện, vắng lặng, an hoà. Tất cả như bất tận, như thi ca Hàn Mặc Tử bất tử trong văn học Việt Nam. Mộ Hàn Mặc Tử ở Gềnh Ráng, gắn vào tên tuổi người bạn thơ là cụ Quách Tấn. Gia đình nhà thơ và cụ Quách Tấn đã xây ngôi mộ này cho Hàn Mặc Tử một bài học tình bạn tuyệt vời cho hậu thế noi theo. Mộ Hàn Mặc Tử sống mãi với Nước Non Bình Định*.

Giờ đây, với nén tâm hương cảm tạ, tri ân và thương nhớ Hàn Mặc Tử, bởi nhà thơ đã đổ ra biết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng cay để mời cho được Xuân Thiên ra đời và trong những ngày linh hiển của năm mới hy vọng mỗi người chúng ta là một mùa xuân bất tận:
Tứ thời Xuân,! Tứ thời Xuân non nước
Phút thiêng liêng nhuần gi ánh thiều quang
Thiên hạ bình, và trời tuôn ơn phước
Như thiên triều vờn lượn khắp không gian.
(Nguồn thơm)

Tri ân quý hiền nhân đã bỏ thì giờ quý báu để đọc. Đây không phải là một bài nghiên cứu, mà chỉ là một nén tâm hương nghĩ đến nhà thơ bất hạnh, chỉ là một sơ phác, thể nghiệm qua cái nhìn của Bốn Chân lý Nhiệm Mầu của nhà Phật. Nếu những bước đi đầu tiên này là thuận lý, rất mong được nhận thêm ý kiến từ các bậc tri âm, cao minh chỉ bày, để lần tới bài viết đựơc sâu xa và hoàn chỉnh hơn bởi nhờ kiến thức và tấm lòng người bao la bất tận. Tâm ý của người viết chỉ mong cùng nhau có đựơc một mùa Xuân Như Ý.

Người viết cám ơn những bài viết cuả Bác sĩ Lê Văn Lân (Hàn Mặc Tử và Chúa) Trần Đình Thu (Hàn Mặc Tử có số phận kỳ lạ) Linh mục Trần Qúy Thiện (Tưởng niệm nhà thơ công giáo Hàn Mặc Tử). Tất cả đã làm cho người viết mở trí, mở hồn và kích thích cho bài viết này có mặt.

Tặng vợ B.H với Xuân Như Ý, để nhớ đến mùa Xuân pháo nổ rượu hồng ở Banmêthuột cách đây hơn hai mươi lăm năm.

Cuc đời – Thi ca và Ngôi mộ của Nhà thơ Hàn Mặc Tử ở Gềnh Ráng, Qui Nhơn, tất cả thể hiện Nguồn Đạo Cao Cả Bao la: TÌNH NGỪƠI
Thành kính tri ân Đất Trời. Kính chúc nhau An Lành và Hạnh phúc.
Nguyễn Văn Nhớ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here