Giới thiệu thi tập “Vô Ưu” Linh VŨ

0

Hôm nay nhân dịp phát hành tập Thiền thi “Vô Ưu” tôi muốn chia sẻ một vài điều với quý vị và các bằng hữu về Phật pháp. Tôi xin dùng một trích đoạn trong quyển tiểu luận “Sự sống, con người và tôn giáo” của tôi để làm nhịp cầu giao lưu trên con đường tìm hiểu Phật pháp. Đồng thời tôi muốn gửi tặng tập Thiền thi đến với mọi người như một món quà kỷ niệm. Nếu quý vị muốn có thi tập này xin liên lạc với chúng tôi 253-468-1880 hay có thể text message tên và địa chỉ, quý vị sẽ được gửi tặng mà không phải trả bất kỳ chi phí nào.

Đây là phần trích đoạn…….

Khi đọc đến những lời Phật dạy, tôi tìm hiểu về Phật với niềm tin và cuộc sống rất riêng của tôi với mớ kiến thức và thực hành mà tôi thu nhận được, có thể khác một vài điểm mà các vị Thầy hay cao tăng thường thuyết giảng. Vì sao? Cái hiểu của tôi thật đơn giản; không chút mê tín, không huyền hoặc, không cầu xin, không ban ơn hay sợ trừng phạt, không hình thức rườm rà, không tô son điểm phấn cho niềm tin của mình. Tôi tin những điều dạy thực tế nhất của Phật trong đời sống, những điều có tính cách khoa học và có thể áp dụng trong đời sống thường nhật của tôi. Triết lý của Phật, có thể giải quyết nhiều vấn đề của con người mà không cần phải tìm kiếm đâu xa. Con người ai cũng muốn tìm cho mình cuộc sống hạnh phúc, muốn có một tâm hồn tĩnh lặng, bình an trong mọi lúc. Đó phải chăng là điểm cuối mà con người mong muốn! Con người sinh ra ai cũng có những đặc tính chung là buồn vui, hờn giận, thù ghét, tham lam, tích cực, tiêu cực và lẫn tình thương yêu. Hầu như trong chúng ta rất nhiều điều khó kiểm soát được, cho nên đã tạo ra những hành động mang đến nhiều hậu quả phiền phức trong cuộc sống, của chính mình và người khác. Đời sống nếu đã mang nhiều buồn phiền thì làm sao chúng ta tìm được niềm vui và hạnh phúc. Đời người thật ngắn ngủi, đừng chờ đợi, đừng ảo vọng xa xôi, đừng phung phí thời gian, đừng mong sự ban ơn từ thần thánh, đừng tìm Thiên đường, Niết bàn hay lo sợ Địa ngục. Vì tất cả những điều đó đều nằm trong ta.

Như vậy, mục đích sự tồn tại của con người trong thế giới này và ý nghĩa của nó là gì? Muốn trả lời chính xác, việc đầu tiên chúng ta phải biết quan sát chính mình. Đây là cách duy nhất để nắm bắt và hiểu chính mình. Đức Phật đã dạy muốn giải quyết các vấn đề khổ đau đang tồn tại trong con người thì chúng ta phải biết mình là ai. Hãy soi vào tâm mình một luồng ánh sáng thì mới tìm thấy được những ngõ ngách của bóng tối chính mình. Hai điều mà ai cũng biết cả, đó là “Tâm” và “ngã”. Tôi đã từng nghe nhiều bậc cao tăng, những vị sư uyên thâm Phật pháp giảng dạy, nhưng càng nghe tôi càng cảm thấy xa vời vợi, càng làm chúng ta tách rời thực tế và luật tự nhiên của vũ trụ và đời sống. Ai cũng hiểu chúng ta được sinh ra, lớn lên cho đến ngày tuổi già và cái chết. Sự biến mất của con người trong tích tắc, con người chỉ biết kêu lên “cuộc đời là vô thường” Có người lại hỏi. Chúng ta đến từ đâu? Khi chết sẽ về đâu? Không ai có thể trả lời những câu hỏi này. Nhưng tại sao chúng ta lại thắc mắc những điều mà chưa có một người nào trả lời được.

Lý do, chúng ta không hiểu về nó cho nên luôn bám víu và nhưng huyền thoại mơ hồ, phung phí thời gian có thật trong cuộc sống. Vì những suy tư đó đã biến chúng ta thành một con thuyền trên đại dương mênh mông không bờ bến. Chúng ta thử đặt mình trên chiếc thuyền đó, cảm giác chúng ta ra sao? Sợ hãi, liều lĩnh, nguy hiểm, lo âu.v.v. Nếu cuộc sống như thế thì làm sao chúng ta tìm được sự hạnh phúc. Tôn giáo chính là ánh sáng để soi đường cho chúng ta đến bên kia bờ của đại dương. Tôi đã chọn con đường của Đức Phật, vì tôi có cảm giác được thở trong bầu không khí tự do chọn lựa với trí thức của mình và màu sắc toàn mỹ thuần khiết của Phật Giáo. Cho nên tự tôi đã tìm ra phương hướng, cái la bàn của Phật Giáo đã cho tôi nhìn thấy một hướng đi của riêng tôi. Hướng đi này có thể đúng sai tùy tư duy của riêng mỗi người.

Trong Phật giáo thường nói đến chữ “Duyên” với các pháp trùng trùng duyên khởi, cho nên nhiều duyên với nhiều hình tướng khác biệt. Duyên là nguyên nhân; duyên do, duyên cớ phát sinh ra sự việc như: Hữu Duyên, Gieo Duyên, Nhân Duyên, Thiện Duyên, Ác Duyên, Nghịch Duyên, Thuận Duyên, Nghiệp Duyên, Tùy Duyên, Phước Duyên, Thắng Duyên. Để dễ hiểu tôi tóm gọn chữ duyên với hai ngụm từ là “Duyên sinh” hay “Duyên khởi” nó chính là đặc thù của Phật Giáo và Vạn Pháp. Hôm nay tôi theo Phật giáo đó cũng là cái “Duyên” sinh và khởi. Tại sao ? vì khi tôi nghiên cứu càng nhiều về Phật pháp tôi càng cảm thấy niềm tin trong tôi càng tăng chứ không giảm. Thứ hai, tôi thấy trong triết lý đạo Phật có chứa đựng thuyết tiến hóa của khoa học lẫn luật tự nhiên của vũ trụ. Có sinh, thành, trụ, hoại diệt….Đó là chân lý không một ai có thể phủ nhận. Cho nên, trong cuộc sống của tôi, dù là duyên thuận hay nghịch đối với tôi không còn quan tâm lo lắng mà chỉ chấp nhận như một sự tự nhiên. Và từ đó tôi đã đón nhận được niềm vui, hạnh phúc. Thứ ba là yếu tố hình tượng đã ảnh hưởng đến tinh thần của tôi rất nhiều, đã cho tôi những cảm giác bình an, tĩnh lặng, mặc dù đó chỉ là đất đá, gỗ, kim loại, màu sơn… Nhưng đã ảnh hưởng đến tâm lý trong tôi rất nhiều. Nhà tôi nơi nào cũng có hình tượng Phật do vợ tôi thỉnh về, trưng bày từ ngoài đến bên trong nhà, phòng nào cũng có, mỗi lần nhìn thấy hình ảnh Phật, lòng tôi tự dưng cảm thấy bình an, tâm hồn lắng đọng, nhìn cuộc sống nhẹ nhàng và yêu thương nhiều hơn. Mặc dù tôi không tin sự thờ phượng hình tượng cho sự ban ơn hay phù trợ.

Có nhiều lần tôi tự hỏi, suốt cuộc đời tôi bận rộn từ thời thơ ấu cho đến hôm nay tuổi già và chuẩn bị cho cái chết. Cuộc sống bận rộn này có thể tiếp tục được nữa không? Nhiều lần tôi tự hỏi, những gì tôi đạt được ở điểm cuối cùng? Câu hỏi này rất đáng suy ngẫm. Đối với những người tuổi trẻ ít khi họ đặt ra câu hỏi này hay nghĩ đến điều đó, vì tương lai của họ sẽ tràn đầy hy vọng và tươi sáng. Điều này không thể phủ nhận. Thật ra, điều hy vọng và tiến bước đến tương lai với mơ ước của mình không hề sai. Khi đến tuổi già con người mới nhận ra, con người giống như một con ong lao động suốt ngày đi hút mật cho đầy tổ. Sau cùng già nua chết và mất đi tất cả. Lẽ ra, những điều tất nhiên đó, chúng ta nên kiểm soát, phân chia thời gian làm việc và hưởng thụ, quan sát chính mình nhiều hơn khi còn tuổi trẻ, những gì là đủ và cần thiết, cái nào quan trọng, cái nào cần loại bỏ, quan niệm sống thế nào mới vui vẻ, hạnh phúc.v.v. và v.v.v. Lúc con người quay lưng nhìn lại chính cuộc sống của mình thì mới hiểu rằng, tất cả những điều nói trên bắt nguồn từ tâm và ngã vào hố sâu vô tận của vô thường.

Tuy nhiên, rất nhiều người cảm thấy hạnh phúc khi đạt được danh vọng, tài sản to lớn, giàu có và địa vị cao trong xã hội. Nhưng tất cả những thứ đó, một ngày sẽ mất đi tất cả. Điều đó là sự thật, nhưng chúng ta không thể không có nó. Thế gian là trò hề, nhưng chúng ta bắt buộc phải là là một diễn viên trong vở kịch đó, tùy chúng ta diễn nó hay hoặc dỡ mà thôi. Ai cũng vậy khi tuổi già chúng ta mới có nhiều kiến thức và kinh nghiệm sống, mới thấy đoạn đường mình đã đi qua ra sao. Thời tuổi trẻ ai cũng có bầu nhiệt huyết phấn đấu để sống còn, nhiều hy vọng và ước mơ, ít có người có thể chối bỏ nó được vì nó là một trong những yếu tố cần thiết trong sự sinh tồn. Nếu tuổi trẻ chỉ biết thụ động, không sáng tạo, không hăng say, không xông xáo vào xã hội thì liệu thế giới có thể có được như ngày hôm nay không? Nếu tất cả con người trên thế gian này không hy sinh đời sống riêng tư để phụng sự con người, thì xã hội loài người sẽ đi về đâu? Khoa học không phát triển để đáp ứng với hoàn cảnh thay đổi theo thời gian, thì liệu có bất kỳ lý thuyết nào của tôn giáo có thể thay đổi được thế giới với đời sống thực tế hôm nay? Đời sống là một vấn đề không đơn giản. Theo quan niệm của chúng tôi là phải dung nạp, hài hòa giữa tôn giáo, đời sống thực tế và khoa học lại với nhau thì đời sống sẽ tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Tuyệt đối không nên mê tín dị đoan. Thời gian và giai đoạn sống không giống nhau, quan điểm của Phật giáo về cuộc sống cũng vậy. Hãy tự cứu mình, hãy lấy trí tuệ xây thành con người, đừng trông cậy bất cứ điều gì có thể giúp chúng ta.

Tất cả các tôn giáo khuyên mọi người làm việc tốt và tránh làm điều ác. Tất cả họ đều thúc đẩy chúng ta nên cố gắng để thực hiện tất cả các hành vi tốt. Như vậy, lợi ích của việc làm tốt là những gì? giá trị của đạo đức là gì? Có lẽ ai cũng biết “những hành động tốt mang lại phần thưởng tốt, và hành vi ác sẽ mang lại sự trừng phạt tương xứng mà trong Phật giáo thường gọi là luật vay trả. Điều này không cần chờ đợi kiếp sau hay trả cho kiếp trước.

Tuy nhiên “tâm” vẫn là điểm quan trong nhất, là nguồn gốc của đau khổ và hạnh phúc. Cho nên theo quan niệm của tôi sự đau khổ và hạnh phúc, tùy tâm ta nhận ra nó. Nếu chúng ta đạt được sự hài lòng đó là niềm vui hạnh phúc, nếu chúng ta không đạt được những gì ta mong muốn đó là buồn đau, khổ sở. Các đối tượng bên ngoài: Cảnh đẹp, âm nhạc, sự sang trọng, lợi nhuận, danh vọng, quyền lực…Những thứ đó được nhiều người tìm kiếm cho sự mãn nguyện. Thực tế trong đời sống chúng ta cần rất nhiều thứ như, thực phẩm, quần áo, nhà cửa, phương tiện…Tất cả những thứ đó, chúng ta cần phải dùng tiền để giải quyết vấn đề của đời sống. Ngay cả xây một cái chùa, một đền thờ nếu không có tiền và nhân lực góp phần, thì liệu chúng ta có nó được không? Bạn không thể không ăn, không uống để thực hành pháp, để lên thẳng niết bàn hay thiên đàng được. Con người ít khi hài lòng khi chúng ta có đủ những điều mong ước trong tay. “Đó chính là nguồn gốc của đau khổ”. Tâm trí con người luôn là như thế, mãi mãi tìm kiếm, không bao giờ hài lòng. Nó chạy như một con ngựa phi nước đại, lắm khi đôi chân sau chưa kịp chạm đất. Chưa bao giờ bốn chân sẽ chạm đất cùng một thời điểm. Con người và cuộc sống hôm nay là thế!

Chúng tôi đã nêu câu hỏi ở phần trên liên quan đến suy nghĩ của chính tôi và của nhiều người. Chúng ta không thể chối cãi sự tồn tại của con người trong một thế giới mơ hồ này. Vị trí của con người có phải đang nằm trong thời gian và không gian vô tận. Vũ trụ là quá lớn, với trời trên cao và trái đất bao la phía dưới, con người quá nhỏ bé với nhiều hiện tượng vô lượng bao quanh sự sống chết, tốt xấu, từ bi hay hung bạo, trí tuệ hay ngu dốt, lừa đảo hay đạo đức….Tất cả hầu như dính liền trong đời sống thực tế của con người. Như vậy, chúng ta cần phải có sự lựa chọn hay thừa nhận thái độ nào đó cho cuộc sống! Đó chính là câu trả lời sau cùng để tôi chọn lựa con đường của Đức Phật dạy để đi. Tôi chọn lựa tôn giáo theo quan điểm riêng trong cuộc sống của riêng tôi, chứ không chọn lựa những mối quan hệ thầy và tớ với quyền năng tối thượng hay thần thánh. Cũng không cần ban ơn hay thưởng phạt, cũng không mong đến cõi niết bàn hay Thiên quốc. Con người đứng giữa trời và đất, là cao quý nhất, là một hiện tượng tự nhiên. Để hiểu được mục đích cơ bản của Đức Phật, trước hết chúng ta phải nhận ra giá trị của sự tồn tại của con người mà chúng ta đang đóng một vai trò hàng đầu trong vũ trụ. Nhận thức được giá trị này, chúng ta có thể xác định hướng đi đúng đắn cho con đường phía trước. Tất cả chính chúng ta tạo ra sự đau khổ và hạnh phúc, yên bình và yêu thương, từ bi và đạo đức trong thế giới này. Hãy mang ánh sáng vào tâm hồn, hãy quan sát chính mình, hãy nhìn vào “Tâm” và “ngã” mỗi ngày để tu sửa dưới góc độ tích cực thì thế giới này sẽ tốt đẹp biết bao.

Tôi rất hài lòng một bài tóm tắt đầu đề “Kinh Nền Tảng Đức Tin” trong cuốn “Kinh Tụng Hằng Ngày”,như sau: Chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết, thuộc về truyền thống, được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền, được ghi lại trong kinh điển hay sách vở, thuộc lý luận siêu hình, phù hợp với lập trường của mình, được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt, phù hợp với định kiến của mình, được sức mạnh và quyền uy ủng hộ, được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.  Hãy tự mình quán chiếu, suy nghiệm, xem điều đó có lành thiện, mang lại lợi ích cho người cho ta rồi hãy tin và kiên trì áp dụng. Đó là lý do tại sao tôi theo Phật giáo. Hay chính Đức Phật đã nói: “Đừng vì lòng tôn kính mà chấp nhận những giáo lý của Ta, mà trước hết hãy thử những giáo lý đó như người thợ vàng thử vàng vậy.”

Đó là điều tôi tâm đắc nhất để tôi lần mò theo từng bước đi của Phật. Để tôi tự bước ra khỏi sự u mê, bản chất và định kiến của chính mình. Trong Phật Giáo, con đường đi tới giác ngộ cũng phải đi qua mọi giai đoạn hiểu biết, quan sát, suy tư và thể nghiệm. Triết lý Phật giáo vô cùng sâu sắc, là con đường tốt nhất, là tư tưởng dẫn dắt cho nhân loại trong đời sống hiện nay. Thật tình tôi không dám nói là đọc hết những tạng kinh điển trong Phật giáo, mà phải nói một đời chưa hết được. Tôi lần mò theo bước chân của Phật chỉ để sửa sai cho chính mình, để tìm cho mình cuộc sống bình an, tự tại và vui vẻ mà thôi. Tôi chưa bao giờ có tham vọng nghĩ đến hai chữ giác ngộ hay niết bàn. Theo thiển ý của tôi chỉ cần một câu nói của Phật, chúng ta học thuộc và thực tập mỗi ngày trong cuộc sống cũng đủ bình an và hạnh phúc.

Trong Phật giáo có nói đến quan niệm Nhị Đế gồm có: Chân Đế/ Chân Lý Tuyệt Đối và Tục Đế /Chân Lý Tương Đối. Đời sống thực tế của con người luôn ảnh hưởng đến thế giới chung quanh, đến các hiện tượng hằng ngày phải đối diện. Đời sống con người không thể nào đi theo chân lý tuyệt đối được (Chân Đế). Phần này tôi có đoạn đã phân tích trong phần trên, tuy nhiên chúng tôi cũng cần phải nói thêm. Đời sống thực tế của đời người cần có sự hài hòa, cộng hưởng nhiều mối quan hệ khác nhau để có thể bước đi trên con đường hành pháp được vững chắc hơn. Bồ Tát Long Thọ đã minh xét quan niệm Nhị Đế để áp dụng Phật pháp trong cuộc đời và quên đi những điều quá cao siêu, trừu tượng để khỏi lạc vào huyền thoại hay truyền thuyết. Cho nên Tục đế/tương đối vẫn là cách nên áp dụng hơn với đời sống thực tế, còn Chân Đế thực ra ít ai thực hành được cho dù đó các vị cao tăng hay thiền sư tu tập lâu năm. Chúng ta không thể cứ ngồi tụng kinh hay hít vào, thở ra mới giác ngộ, mới thành Phật. Cuộc sống ngoài bản thân còn có gia đình, xã hội, Quốc gia, trách nhiệm, bổn phận nữa. Theo chúng tôi nghĩ Chân lý tuyệt đối là đối tượng của quán chiếu, của tu tập cá nhân. Đừng suy nghĩ quá cao siêu chỉ hiểu và thấm nhuần được lý Vô Thường (sinh- lão- bệnh- tử) cũng đủ làm cuộc sống mình thay đổi, tìm được niềm vui và hạnh phúc. Chúng ta hãy vén bức màn vô minh để ánh sáng chân thực soi vào, thay thế cho bóng tối của mê tín, dị đoan đó cũng là cách tôi thực thi Phật pháp. Nhất là mỗi ngày nên đọc câu “Vạn Pháp duy tâm tạo” thành câu nhật tụng để nhắc nhỡ chúng ta trên con đường tu tập. Và sách gối đầu giường là Tứ Diệu Đế: Khổ, Nguồn gốc của Khổ, Diệt Khổ và Thoát Khổ (Khổ,Tập, Diệt, Đạo) cũng đủ để chúng ta thành bồ tát rồi.

Linh Vũ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here