ÁN MẠNG TRONG TRUYỆN KIỀU!

0

Trước đây tôi có viết một bài về truyện Kiều với tựa đề là “Truyện Kiều có phải là tuyệt tác của văn học Việt Nam không ?? bài đang có trong website này cột “biên khảo” Hôm nay tôi xin giới thiệu quý đọc giả bài viết một người bạn letamanh với tựa đề “ÁN MẠNG TRONG TRUYỆN KIỀU!. Đồng thời, sau này tôi sẽ viết một bài khác chứng minh truyện Kiều không phải của Thi Hào Nguyễn Du.

ÁN MẠNG TRONG TRUYỆN KIỀU!

letamanh
Chúng ta ai cũng say mê Truyện Kiều và không ít thì nhiều cũng thuộc một vài đoạn. Những lúc học giảng văn, mê nhất là giờ giảng về truyện Kiều. Hồi ấy, sau khi giảng xong, thầy giáo bắt chúng ta học thuộc lòng đoạn đã học để tuần sau lên trả bài. Trong những đoạn học thuộc lòng ấy có đoạn Kiều du thanh minh. Nhưng đến khúc Kiều gặp mả Đạm Tiên thì chúng ta không được học. Tuy nhiên rất nhiều người vì mê Kiều nên vẫn thuộc cả khúc đó. Thế cho nên bây giờ, sau mấy chục năm, Kiều nằm trong ngăn xó xỉnh nào của tiềm thức, đã nhảy xổ đến khiếu nại rằng: Có một nghi án cần phải bàn thêm trong đoạn nầy.

Nhưng trước khi chúng ta giở hồ sơ vụ án, chúng ta thử thẩm định lại lúc ba chị em Kiều du thanh minh là bao nhiêu tuổi. Theo tiên sinh Nguyễn Du thì Kiều lúc ấy là mười sáu tuổi. Thúy Vân nhỏ hơn Kiều ít nhất một tuổi. Như thế Vương Quang lúc đó vào khoảng mười bốn hay mười ba… Cứ đọc lại đoạn cuối tả về hai chị em Kiều:

“… Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê

Êm đềm trướng rũ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai…”

Thì biết là Kiều chỉ mới mười sáu tròn trăng. Hai câu tiếp chứng tỏ rằng gia phong nhà Viên Ngoại không phải là thường tình mà sống rất cách biệt với bên ngoài. Sống theo giai cấp thượng lưu thời đó, trướng rũ màn che, tường cao kín cổng…

Khi Kiều thắc mắc mả của ai bị bỏ phế hoang tàn bên đường, cỏ nửa vàng nửa xanh thì anh nhóc con mới mười bốn hay mười ba tuổi nầy nói rành rọt từng ly từng tí. Nhớ hồi chúng ta còn tuổi đó, miệng còn hôi sữa, cái tuổi nhóc tì ăn chưa no lo chưa tới, học quên trước quên sau, thấy con gái thì run như thấy… Thế mà anh chàng Vương Quang nầy lại chẳng những kinh sử thuộc làu mà còn biết những điều với cái tuổi ấy không nên biết! Nhóc tì đã biết rất rành mả của một ca nhi và là gái làng chơi. Anh chàng còn nắm vững cả lý lịch trích ngang của người dưới mộ! Anh chàng nhóc tì đã kể rất chi tiết về người nằm dưới mộ thảm đến nỗi khơi lòng trắc ẩn của người chị vốn đa tình đa tài và lãng mạn khóc hết nước mắt. Nàng còn làm thơ trước mộ để khóc người xưa…

Vương Quang mới dẫn gần xa,

Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi

Nổi danh tài sắc một thì

Xôn xao ngoài ngõ thiếu gì yến anh

Phận hồng nhan quá mong manh

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương…

Đã thế anh Nhóc còn biết nhiều hơn ta dự đoán rằng:

Có người khách ở viễn phương,

Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi

Thuyền tình vừa ghé đến nơi

Thì đà trâm gãy bình rơi bao giờ

Buồng không lạnh ngắt như tờ

Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.

Khóc than chi xiết sự tình,

Khéo vô duyên bấy là mình với ta

Đã không duyên trước chăng là

Thì nay chút đỉnh gọi là duyên sau

Sắm sanh nắp tử xe châu

Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa

Trải bao thỏ lặng ác tà

Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên…!

Chúng ta cứ thử tưởng tượng, nếu lúc ấy ta đang trốn trong một bụi rậm nào đó cạnh mả Đạm Tiên, quan sát ba nhóc tì kể lể chuyện người xưa và khóc lóc rồi làm thơ đề…. Nếu chúng ta còn nghe Vương Quang khuyên chị:

“…Hơi đâu nước mắt khóc người ngày xưa…!”

 Thì chúng ta sẽ kinh ngạc rằng sao thời xưa con người khôn sớm, biết sớm hơn chúng ta một trời một vực. Với cái tuổi ấy, chúng ta đang ngơ ngác với những gì trải ra trước mắt và học hỏi đủ điều mà vẫn ngu, vẫn khờ. Ngơ ngác như nai vàng, nhất là khi thấy bóng người mình yêu thầm nhớ trộm thì trốn… Chỉ có biết nhìn, chọc ghẹo ngổ ngáo và cuối cùng là bị chửi…

Tiên Sinh Nguyễn Du đã cho Vương Quang quá nhiều sự hiểu biết so với số tuổi mà anh nhóc tì nầy đang có. Chẳng ai biết ngôi mộ nầy là của ai, chẳng có bia hay một dấu vết nào. Đó chỉ là một nấm đất “sè sè” thấp xịt và cỏ thì mọc lưa thưa nửa chết nửa sống… Thế tại sao Vương Quang lại chỉ danh được một cách rành mạch người con gái xấu số đang nằm dưới mộ! 

Thời của Vương Quang là thời khép kín, học hành kinh sử chỉ biết đến Tứ Thư Ngũ Kinh và chuyện thánh hiền, trung thư hữu nữ… Thế mà anh đồ nhóc nầy biết những chuyện ca nhi trong giới ăn chơi giang hồ thì thật là hiếm thấy.

Trở lại cái gia đình “thường thường bậc trung” của ông bà Viên Ngoại. Với sự diễn tả lúc đầu thì cảnh thanh bình có một không hai:

Rằng Năm Gia tỉnh triều Minh

Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng

Có nhà Viên Ngoại họ Vương

Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung…

Đất nước đang thanh bình, chẳng có chiến tranh và ly loạn, thế mà bọn gian tà buôn người lại hoành hành như chỗ không luật pháp. Chúng đã cấu kết với quan lại tham ô để hại dân thường. Thế thì đâu phải là bốn phương phẳng lặng được… Cha của Kiều đang là Viên Ngoại, có nghĩa là cũng rất có thớ trong cái làng xã xóm thôn ấy. Chỗ đứng trong xã hội của nhà họ Vương đâu phải thấp hèn gì. Chung quanh là tường cao kín cổng, trướng rủ màn che… Thế mà khi đụng chuyện thì chẳng có ai giúp đỡ đến nỗi Kiều phải bán mình chuộc cha. Nhưng cái gia tài Viên Ngoại làm gì mà không đủ 300 lạng nạp cho quan để phải cắn răng bán đứa con cưng trong nhà… Nhất là gia đình theo Nho giáo, thà đi tù chứ không hề chịu nhục !
Một bài thơ rất độc của Cụ Nguyễn Khuyến đã mỉa mai:

Thằng bán tơ kia giở giói ra,

Làm cho bận đến cụ Viên già.

Muốn êm phải nạp ba trăm lạng

Vì hiếu nên liều một chiếc thoa.

Nổi tiếng mượn màu son phấn mụ,

Đem thân chuộc lấy tội tình cha.

Có tiền việc ấy mà xong nhỉ?

Đời trước làm quan cũng thế a?

……
Ngày trước làm quan cũng thế a!

Thế thì nói cho cùng, tất cả các thói đời gian trá và tham quan ô lại, ăn chơi đàng điếm… đều có từ trong thời xửa thời xưa. Cái thời mà ông cha ta nói là thời Nho giáo, lấy Tứ thư Ngũ kinh và chính nhân quân tử làm đầu. Cấm bắt chước hay đọc dâm thư:

Là trai chớ đọc Phan Trần,

Là gái chớ đọc Thúy Vân Thúy Kiều!

Nhưng đời nào cũng thế, nếu không có những điều bỉ ổi, gian tà, tham quan ô lại thì làm gì có những áng văn hay… Hay như cuộc đời!

Trở lại mả Đạm Tiên và ba nhóc tì đang khóc người dưới mộ. Chúng ta thấy có một cái gì đó lấn cấn, mà tiên sinh Nguyễn Du, tác giả cố tình quên để cho người hậu sinh phải tìm tòi thắc mắc. Đó là câu chuyện nàng ca nhi qua cửa miệng cửa anh đồ gàn nhóc Vương Quang:

Thuyền tình vừa ghé đến nơi

Thì đà “trâm gãy bình rơi bao giờ”

Buồng không lạnh ngắt như tờ

” Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh”

……
“Sắm sanh nắp tử xe châu”

“Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa”

“Trải bao thỏ lặn ác tà”

“Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên…”

(các câu trong ngoặc kép để chứng minh sau nầy)

Nàng ca nhi nổi tiếng đến nỗi mãi tận phương xa cũng có người nghe tiếng, lặn lội đến tìm chơi. Nên nhớ rằng hồi bấy giờ phương tiện di chuyển rất là hạn hẹp, đi bộ hay đi ngựa hoặc xe cáng có người khiêng… Đường sá là những đường mòn chứ chẳng phải lái xe phoong phoong như bây giờ. Cũng chẳng có điện thoại cầm tay, vừa lái xe vừa “talk” như bây giờ… Thế mà người xưa cũng đa tình đến độ phải lặn lội tìm người trong mộng! 

Khi thuyền tình vừa ghé bến thì mới hay nàng đã ra người thiên cổ. Không phải mới chết mà đã chết lâu rồi :

“Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh…!” 

Thế thì người ca nhi chết từ lâu mà mà sao chẳng có ai chôn cất. Khi anh chàng đa tình viễn xứ đến thì mới khóc than về thân phận vô duyên của mình không gặp được người trong mộng. Sau đó mua sắm quan tài để tẩm liệm cho người xấu số. Nhưng anh chàng nầy lại còn quên không làm bia trước mộ, cho nên nó trở thành mồ vô chủ không tên. Anh chàng còn vội vàng chỉ “vùi nông” thôi thì cũng thật là đau đớn cho nàng…
Ông “học giả” Vũ Ngọc Uyển thân mến của chúng ta trong nhóm Lại Giang bênh vực cho người xưa rằng hồi ấy có tục cải táng. Lúc Đạm Tiên chết thì người nhà đem chôn vội vàng, chờ ba năm sau mới cải táng. Anh chàng đa tình viễn phương ấy đã đến cải táng cho người xấu số…!

 Chúng ta thử nhìn lại những câu thơ nói về Đạm Tiên thì chẳng thấy lời giải thích của nhà thơ kiêm chiêm tinh gia, kiêm văn học sử gia họ Vũ hợp lý ở chỗ nào! Đạm Tiên chết chắc chắn là một thời gian khá dài trước khi anh chàng dân chơi tìm đến. Những lối mòn vào nhà cô nàng đã rêu phong. Không có một câu nào của tác giả nói lên rằng anh chàng nầy mua quan tài cải táng cho Đạm Tiên. Nhưng nếu gọi là cải táng thì tại sao phải vội vã “vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa…” Đã cải táng đàng hoàng thì sao không khắc một mộ bia cho nàng, để đến nỗi trở thành “mả lạng”:

“… Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa

“Trải bao thỏ lặng ác tà

“Ấy mồ vô chủ ai mà biết tên…”

Đây là một nghi án về mặt luật pháp. Đạm Tiên từ lúc chết đến lúc được chôn cất, ít ra cũng là sáu tháng hay một năm (?). Như thế tính từ khi nàng chết, mà là bất đắc kỳ tử (Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương). Nếu thời bây giờ thì ta cho là nàng chết vì bệnh AIDS hay bị đầu độc… Mọi của cải tiền bạc do nàng làm ca nhi và gái làng chơi nổi tiếng ấy… Ai đã “cuỗm” mất và “chuồn”… Để cái xác nàng trên giường một thời gian dài. Có thể lúc người khách đa tình nọ đến, anh ta thấy một bộ xương người nằm đó. Thương người xấu số nên chàng ra tay tế độ. Thế mà cũng chẳng làm cho tới nơi tới chốn. Đem vùi “nông” chứ chẳng có vùi “sâu” và chẳng khắc được một tấm bia nhỏ để trước mộ cho người sau biết đến…
Thế mà Vương Quang chỉ mới có mười ba hay mười bốn tuổi biết rất rành và chính xác. Nhóc tì đã kể từng chi tiết nhỏ khiến cho Kiều lệ rơi hai hàng. Kiều còn than:

…Sống làm vợ khắp người ta

Đến khi thác xuống làm ma không chồng…

Lời than và tiếng khóc cùng bài thơ hoài cảm đã đánh thức người xưa dậy. Đạm Tiên hiện về với Kiều và nhập vai Kiều trở thành Đạm Tiên. Nếu Vương Quang nói sai lý lịch mồ vô chủ sè sè bên đường, cỏ cằn cỗi gần chết, không đúng là mộ Đạm Tiên thì sao Đạm Tiên lại linh hiển chứng giám… Đến bây giờ chẳng ai chứng minh được tại sao nhóc con họ Vương nầy biết rành chuyện chơi bời của người xưa như thế…
Thôi thì “cảo thơm lần giở trước đèn…” Chúng ta đưa ra một phần của những gì chúng ta trân trọng lâu nay để gọi là góp phần vào cho người đời sau suy nghĩ! Nó cũng chẳng phải phê bình tác giả thiếu sót hay cố ý mà đây là bài phiếm luận bàn chơi cho vui nhộn cuộc đời. Mong những bậc trưởng thượng cùng những thức giả đừng nghĩ rằng bài nầy viết ra nhằm mục đích đả phá hay châm chích. Thuần túy nó chỉ là những suy nghĩ nông cạn. Mong có lời góp ý cũng như dạy dỗ để kẻ hậu sinh nầy được mở mắt.

letamanh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here