Các lý thuyết, văn hóa hay tư tưởng giữa các tôn giáo có sự khác biệt không?

0

Linh Vũ

Sau khi tôi gửi những bài thơ thiền cho một số bằng hữu, có nhiều người quen biết trước đây có email cho tôi nói rằng. Tôi là một tín đồ Thiên chúa giáo nhưng hôm nay tôi lại làm nhiều bài thơ có xu hướng về thiền định của Phật giáo. Để giải thích về điều này tôi xin mạn phép viết một đoạn ngắn xem như là câu trả lời nhân dịp mùa Lễ Phục Sinh.

Giữa Chúa và Phật giống và khác nhau như thế nào?

Thực ra, tôi sẽ nói về sự hiểu biết của bản thân trên quan điểm công bằng hơn. Giữa Thiên chúa và Phật gặp nhau ở những điểm nào, theo tôi nghĩ có rất nhiều điểm hòa hợp chung rất tuyệt vời. Tất nhiên, không thể phủ nhận rằng có những khác biệt giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo, nhưng sự khác biệt đó không có nghĩa là có nhiều mâu thuẫn, hay sẽ loại trừ lẫn nhau. Trên thực tế, có sự khác biệt giữa Cơ đốc giáo và Phật giáo, mà còn ngay cả Công giáo, Tin lành và Chính thống giáo cũng có một vài điểm khác nhau về giáo lý, luật lệ và nghi lễ, nhưng chúng không đối lập vì một vài khái niệm khác nhau. Để dễ hiểu tôi xin mở ngoặc ở đây để nói rõ hơn về Cơ Đốc Giáo qua định nghĩa trong tự điển Oxford. (Cơ đốc giáo là tôn giáo dựa trên con người và những lời dạy của Chúa Giê-Xu Christ. Hoặc niềm tin và thực hành của nó). Định nghĩa Công giáo là đức tin, thực hành và trật tự theo nhà thờ của Giáo hội Công giáo La Mã. Nhìn lại Phật giáo, cũng có một số trường phái chính như: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Đại thừa, Phật giáo Kim Cang thừa, Phật giáo Nam tông, Phật giáo Tây Tạng, Phật giáo Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn.v.v. Ngay cả trong Phật giáo Tây Tạng cũng có nhiều vị Phật và Bồ tát được thờ phượng, nhưng các trường phái này không chống đối hay đe dọa lẫn nhau, họ cùng nhau tồn tại và có thể chung sống hòa hợp.

Trải qua nhiều năm tháng tất cả những tôn giáo cùng tồn tại trên trái đất này, họ đã tối đa hóa những điểm tương đồng và giảm thiểu sự khác biệt, vì chính điều này tôn giáo sẽ mang lại lợi ích cho toàn thế giới. Sau đây chúng tôi chia sẻ một vài tiết mục chủ yếu để chúng ta cùng suy ngẫm.

1.Cầu nguyện và ăn năn

Trong Thiên chúa giáo, mọi người thường cầu nguyện và tin rằng lời cầu nguyện và sự ăn năn của họ có thể được Chúa ban phúc lành hay tha thứ, cũng hình thức đó, trong Phật giáo, họ thường cầu nguyện với chư Phật và Bồ tát, họ cũng tin rằng những lời cầu nguyện có sức mạnh to lớn thì Chư Phật và Bồ Tát có thể chấp nhận và tha thứ cho họ.

Đối với những tội lỗi của một con người phạm phải trong quá khứ thì Thiên chúa giáo luôn dạy mọi người nên sám hối trước mặt vị linh mục hoặc cầu nguyện đọc kinh trong nhà thờ. Đối với Phật giáo cũng vậy các vị Thầy, Sư, Thượng Tọa… đều nhấn mạnh đến việc thanh tẩy tội lỗi bằng cách sám hối trước mặt Phật, bồ tát hoặc các vị chân tu mà mình tin tưởng kính trọng.

2.Sự thanh thản tâm hồn và những nhẫn nhịn.

Trong môn chân luyện Nhẫn, đây là pháp môn tu luyện tinh thần cổ xưa và ngày nay của Phật giáo (ví dụ tu luyện Pháp luân công hiện nay). Môn chân luyện nhẫn này chính là “Nhẫn nhịn là sự độ lượng, khả năng kiềm chế thoát khỏi cơn nóng giận, vội vàng của bản thân khiến cho đức trong tâm sáng, lòng thanh thản. Bên Thiên chúa giáo cũng có những điểm tương đồng. Trong kinh thánh và Tân ước có câu. Khi ai đó đánh vào má phải của bạn, hãy quay má trái của bạn để người đó đánh.”  Đạo Phật cũng có những lời dạy tương tự, chẳng hạn như “Bốn cách khổ hạnh”: Khi người khác đánh tôi, Tôi không đánh trả, khi người khác mắng tôi không mắng lại, khi người khác ghét tôi, tôi không ghét họ, khi người khác tìm cơ hội khiêu khích, tôi không trả đũa.

3.Bình đẳng trong cuộc sống.

Cơ đốc giáo nói: “Đức Chúa Trời tạo ra mặt trời để chiếu sáng trên kẻ ác và người tốt; Đức Chúa Trời ban mưa xuống cho người công bình và người không công bình.”Có lẽ nhiều người thắc mắc về từ công bình tôi xin được giải thích như sau: “Theo nghĩa thông thường, công bình là không thiên vị, ngay thẳng. Nhưng theo Kinh Thánh thì công bình hay công chính mô tả tình trạng không làm Đức Chúa Trời phiền lòng, không có tội lỗi và không phạm tội…” Điều này phản ánh rằng lòng thương xót của Đức Chúa Trời đối với tất cả chúng sinh là bình đẳng.

Đạo Phật cũng nói: “Mọi thứ đều bình đẳng, đàn hương và rìu đều như nhau.” Tôi xin được nói rõ về đàn hương và rìu để quý vị dễ hiểu hơn.(Đàn hương là loại gỗ quý vài trăm năm bên Ấn Độ nó mang một ý nghĩa về tâm linh mà  loại gỗ này có thể giúp con người trấn tĩnh an thần, cân bằng cảm xúc, giảm stress và bất an, cho nên một số người dùng đàn hương để cúng dường Đức Phật, trong khi một số khác lại dùng rìu để giết Đức Phật). Sự từ bi cứu độ của Đức Phật đối với muôn loài chúng sinh sẽ công bằng và không bao giờ rời xa. Do đó, Chúa hay Phật, đều đối xử với tất cả mọi người tốt hay xấu đều như nhau.

  1. Cuộc sống đơn giản

Thiên chúa giáo chủ trương nên tiết kiệm và chống lại lãng phí; Phật giáo cũng dạy con người bằng lòng với những gì mình có bớt ham muốn và nên sống giản dị hơn. Mọi người đều biết trong thế kỷ 21, lòng tham và ham muốn của con người cực kỳ tăng cao, nhiều người không hài lòng với những gì mình đang có trong tay ví dụ mình đang có một chiếc ô tô, mình lại muốn có hai ba, bốn chiếc nữa, hay đang có một căn nhà vừa đủ sống tươm tất thì lại muốn có căn khác lớn hơn, xinh đẹp hơn, nhiều tiện nghi hơn. Ngay cả trong lĩnh vực tình yêu cũng vậy ngoài bà vợ một, họ còn muốn có bà hai, bà ba.v.v.Con người ít khi bằng lòng với những gì mình đang có họ sẽ không bao giờ dừng lại.

Thế giới ngày nay, thực sự đã trở thành một thế giới vật chất, và hầu như tất cả mọi người đều liều lĩnh theo đuổi nó, niềm hy vọng của họ dựa vào vật chất, họ cần những thứ vật chất đó để lấp đầy trái tim của họ và họ nghĩ rằng đã đạt được hạnh phúc. Nhưng họ không bao giờ nghĩ những thứ đó chính là vô thường nay còn mai mất. Con người luôn bị thúc đẩy bởi ham muốn. Mahatma Gandhi người Ấn Độ từng nói: “Trái đất có thể thỏa mãn nhu cầu của con người, nhưng không thể thỏa mãn lòng tham của con người.” Nếu ai cũng tham lam, cuối cùng có thể đẩy thế giới xuống vực thẳm khủng khiếp. Do đó, Cơ đốc giáo, công giáo, tin lành và Phật giáo đều đồng ý rằng mọi người không thể quá nghèo, nhưng họ không cần phải quá xa hoa, nên sống vừa phải là tốt.

  1. Khái niệm bố thí.

Thiên chúa giáo luôn chủ trương mọi người nên làm từ thiện, như xây bệnh viện, thành lập trường học, giúp đỡ người nghèo.v.v. Phật giáo cũng chủ trương thực hành rộng rãi bố thí và họ đã đặt ra ba loại bố thí như: Bố thí Pháp, truyền thụ kiến ​​thức và trí tuệ cho người khác; bố thí sự giàu có, bố thí của cải cho người khác; bố thí kiến thức không sợ hãi, cứu chúng sinh khỏi nguy hiểm tính mạng.

  1. Lòng trắc ẩn

Cơ đốc giáo khuyến khích mọi người hãy cho đi một cách vị tha, trong khi Phật giáo ca ngợi lòng từ bi và sự hy sinh cao cả. Chúng ta quay trở lại những câu chuyện về những hành động của Mẹ Teresa. Có một câu chuyện kể rằng một lần bà và các Ma xơ nhìn thấy bốn người vô gia cư trên phố, và một người trong số họ bị bệnh nặng, bà nói với các nữ tu rằng: “Các con hãy chăm sóc ba người kia còn ta sẽ chăm sóc người bệnh nặng nhất. Bà đưa bệnh nhân về, dìu vào giường và cầm tay xoa dịu người bệnh, nhưng vì thuốc không còn tác dụng nữa. Bệnh nhân thực sự mỉm cười thanh thản, nắm chặt tay Mẹ Teresa, nói lời “cảm ơn”, rồi nhắm mắt về cõi vĩnh hằng.

Mẹ Teresa rất xúc động trước ngôn ngữ và thái độ của bệnh nhân này lúc qua đời, bà nói: “Tôi không thể không suy ngẫm, nếu tôi là bà, tôi có thể nói rằng, tôi đói, tôi lạnh, tôi…. Tôi sắp chết, nhưng người bệnh ấy không phàn nàn hay oán trách bất cứ điều gì, bà ấy chỉ mỉm cười và nói cảm ơn tôi, chính hành động và cử chỉ của người bệnh đó đã dạy tôi rất nhiều điều.” Còn rất nhiều câu chuyện rất cảm động của Mẹ Teresa trong những tháng ngày trên đường tu tập của bà với trái tim nhân hậu, yêu thương và quên mình để phụng sự cho nhân loại, rất tiếc chúng tôi không nêu hết lên được. Tuy nhiên bên Phật giáo cũng có nhiều chuyện tương tự như vậy. Lòng từ bi không chỉ giới hạn trong việc quan tâm đến mọi người mà còn cứu độ tất cả chúng sinh, kể cả động vật, bằng tấm lòng bình đẳng, vì tất cả chúng sinh đều có chung cảm giác đau khổ và hạnh phúc.

Thông thường trong cuộc sống có một số người thường chán ghét những người ăn xin, những kẻ vô gia cư, nhưng trong mắt Mẹ Teresa, những người ăn xin cũng rất đáng yêu. Trong đạo Phật cho rằng, một vị bồ tát không phụ thuộc vào y phục hay tướng mạo của người đó, mà  tùy vào tấm lòng vị tha, tình thương yêu của họ có hay không. Nếu bất kỳ là vị nào trong các tôn giáo có thể cứu độ vô điều kiện cho bất kỳ chúng sinh đau khổ, họ chính là những vị Bồ tát, là Thượng đế.

  1. Con người sẽ đi đến một thế giới thuần khiết

Cả Thiên chúa giáo và Phật giáo đều tin rằng những người làm việc thiện sẽ đến một thế giới thanh tịnh sau khi chết. Nhiều học giả và đại đức tin rằng thiên đường trong Thiên chúa giáo cũng giống như thiên đường (Đức Phật thiên giới) trong đạo Phật.

  1. Cùng một vị cứu tinh

Cơ đốc giáo tin rằng có một vị cứu tinh để cứu nhân loại, tên của ông là Messiah, được ghi trong “Kinh thánh”. Trên thực tế, Đấng Mê-si là người giống như Phật Di Lặc trong Phật giáo. Tuy nhiên, Messiah không chỉ là người Do Thái, và khái niệm về ‘Đấng’ Messiah như một cá thể duy nhất là một truyền thống hậu Kinh thánh vì nó không được tìm thấy trong Cựu ước. Bản dịch tiếng Hy Lạp của Messiah là Khristós ( Χριστός ), được hiểu là Đấng Christ. Người theo đạo Thiên chúa thường gọi là Giêsu thành Nazareth là “Chúa Kitô hoặc Mêsia. Dù là tôn giáo nào cũng có những vị cứu tinh cứu thế cả.

Kết. Thay đổi Tôn giáo

Để trả lời cho một bằng hữu đã thắc mắc tại sao tôi làm thơ Thiền mà trước đây tôi là một người công giáo. Tôi đồng ý trong thơ văn có ảnh hưởng không ít về tôn giáo, đời sống và tình cảm của một con người, nhưng đó không phải là sự phân biệt để đẩy chúng ta đi sai lệch trên con đường Chân Thiện Mỹ. Nếu bạn tin vào một tôn giáo nào đó, dù là Thiên chúa giáo, Phật giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác, tốt nhất là bạn không nên có ý tưởng đúng sai, tốt xấu đế đánh mất niềm tin của mình. Một số người khởi đầu là Cơ đốc nhân, sau đó trở thành Phật tử, và sau đó họ không tin vào bất cứ điều gì, vì vậy đánh đổi cả đời không phải là điều tốt. Chúng ta không nhất thiết phải thay đổi bất kỳ điều gì vì niềm tin tôn giáo nào cũng đưa con người đến cái tốt, cái đẹp, tình yêu thương, vị tha, bố thí ngoại trừ đổi sang chủ nghĩa Cộng sản để biến con người thành ác quỷ, súc sinh. Trên thế giới này có rất nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại, vì vậy mọi người hãy sống trong hòa bình.  Ngay cả một gia đình cũng có thể có những tín ngưỡng khác nhau. Tôi được biết có một gia đình người cha theo đạo Thiên Chúa, người mẹ theo đạo Hồi, con gái theo đạo Phật, con trai không theo tôn giáo nào cả, các anh chị em theo phong tục thờ cúng ông bà. Nhưng họ vẫn sống trong hạnh phúc và mối quan hệ rất tốt với nhau.

Vì vậy, các tôn giáo khác nhau không nhất thiết phải theo bên này thuộc về bên kia mà có thể đề cao sự hài hòa về lợi ích và giá trị chung. Kinh thánh, Kinh Phật, Kinh Koran đều hướng thiện và hướng dẫn con người đạo đức, tử tế và thương yêu. Mọi người có thể học kinh Phật, Phật tử cũng có thể nghiên cứu Kinh thánh. Là một người theo đạo, điều rất quan trọng là phải có một tâm hồn cởi mở, vị tha và tình yêu thương.

Tôi hy vọng mọi người cũng nên có nguyện vọng học tập các tôn giáo khác trong tương lai và phát huy hết khả năng chân, thiện, mỹ của mỗi tôn giáo. Lịch sử loài người đã chứng minh rằng việc hạ thấp hoặc vu khống người khác dưới mọi hình thức, hay thậm chí muốn loại bỏ người khác để làm nổi bật bản thân, đều là một sự si mê và không thể chấp nhận được. Vì vậy, tất cả các tôn giáo phải làm việc cùng nhau ở những nơi có khả năng hợp tác và nuôi dưỡng tình yêu thương. Mọi tha thứ và yêu thương của người Công giáo hay bất kỳ tôn giáo nào khác đều là tình yêu giống như là Bồ đề tâm trong Phật giáo, tuy sử dụng ngôn từ khác nhau nhưng ý nghĩa lại rất giống nhau. Đó là một loại cống hiến quên mình của những các bậc chân tu.

Một ví dụ thực tiễn nhất mà chúng ta thấy trước mắt mỗi ngày là những bông hoa đầy màu sắc nở rộ trên trái đất đã làm cho mỗi ngôi nhà trở nên đẹp hơn. Hay trong mỗi người chúng ta mọi người đều mặc những bộ quần áo màu sắc đẹp đẽ khác nhau, điều này sẽ làm cho con người trở nên đẹp hơn. Nếu tôn giáo cũng quan niệm giống cách tương tự như vậy, mỗi tôn giáo thể hiện giá trị và sự quyến rũ của riêng mình, điều này cũng sẽ làm nên sự lớn mạnh từ gia đình đến toàn thể nhân loại càng đẹp hơn, đoàn kết và yêu thương càng nhiều hơn. Mọi người có thể chung sống hạnh phúc trên trái đất, mỗi tôn giáo đều có nhân lực, vật chất và tinh thần của mình nếu biết phục vụ cho nhân loại tiến đến chỗ chân thiện mỹ thì việc làm và tôn giáo đó sẽ mang đến nhiều ý nghĩa hơn. Cho nên đối với tôi bất kỳ tôn giáo nào cũng mang đến cho con người một niềm tin để sống đẹp, vị tha và tình yêu thương.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here