Cảm Nhận

0

(Linh Vũ với lời tựa cho tác phẩm “Ân Tình Lấp Lánh” của Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ)

Linh Vũ

Đọc xong tập “Ân Tình Lấp Lánh” qua thi ca và đời sống của Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ viết về những văn thi sĩ đầy ấp ân tình tại thành phố Hoa Hồng, cảm giác đầu tiên tôi cảm thấy rất hạnh phúc và nhớ đến một câu của Simonides “Painting is silent poetry, and poetry painting that speaks” tạm dịch là: “Họa là thơ không lời, thơ là họa có lời”. Cho nên từ ngàn xưa người ta đã nói tính họa trong thơ, tính thơ trong họa hay một cách khác thơ trong họa. Họa Sĩ Nguyễn Văn Nhớ ghi những cảm nhận của mình về thơ của bằng hữu bằng biểu thức của tâm hồn với nỗi xúc động chân thành nhất của một người mang hai tâm hồn thi và họa. Thơ và họa có mối tương quan mật thiết, những người nghệ sĩ thường tìm thấy những cảm hứng bất chợt đến từ âm nhạc, điêu khắc, thơ văn, hội họa.v.v. Victor Hugo hay Gautier cũng lấy cảm hứng từ những bức tranh để sáng tác những tác phẩm nổi tiếng. Một họa sĩ đã có sẵn một cảm giác và hành động nghệ thuật của mình cho nên khi đọc một bài thơ đã thấy mình trong đó. Mối quan hệ giữa thơ ca và hội họa rất chặt chẽ; nó chia xẻ nguồn cảm hứng chung của nhiều chủ đề từ lý thuyết nhân văn đến đời sống thiên nhiên trong nghệ thuật.

Thơ ca văn chương là những nhận thức tập trung trí tưởng tượng của kinh nghiệm hoặc một phản ứng cụ thể tình cảm thông qua ngôn ngữ, được lựa chọn và sắp xếp theo ý nghĩa từ âm thanh nhịp điệu, vần điệu. Có người ví thơ là những viên đá cẩm thạch của ngôn ngữ mà những người làm thơ cắt xén, sắp xếp thành một hình tượng chứa đựng trái tim mình trong đó. Đối với người họa sĩ, họ không xử dụng ngôn ngữ mà bằng cây cọ, màu sắc và canvas, nhưng chung qui cả hai đều có thể diễn tả tâm hồn và cảm xúc của mình, nhất là trí tưởng tượng phong phú của người sáng tạo; mặc dù là hai loại hình nghệ thuật khác nhau. Sự tương đồng và dị biệt tính năng đó là góc cạnh của mỹ học dùng để lý luận và đánh giá. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ đã nắm bắt cả hai, vừa thơ và họa để tạo một tổng thể, vừa có nỗi đau của tha nhân, vừa có nước mắt tình người từ trong anh nhỏ xuống thành giòng sông nhân bản, nên anh vừa cầm cọ để vẽ ngũ sắc của đời thường và cầm bút để viết vô thường của số mệnh.

Hôm nay Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ viết cho bằng hữu bằng cảm xúc bất chợt, đồng điệu, cảm thông. Thơ và hội họa có thể gợi nhiều liên tưởng cho con người một cảm xúc mãnh liệt, có thể cảm nhận niềm vui, nỗi buồn, giận dữ, yêu thương.v.v. Thi sĩ hay Họa Sĩ đều có thể tạo cho mọi người những ngạc nhiên bất ngờ, một mặc khải hay một cái nhìn sâu sắc về thực tế hay một vẻ đẹp thiên nhiên. Và ngược lại cũng có thể trở thành tảng băng lạnh giá hay khối lửa đốt cháy từ thế giới bên ngoài. Thơ vẫn là một phạm trù khó định nghĩa. Với nhà thơ Wordsworth đã định nghĩa thơ như sau: “The spontaneous overflow of feelings” tạm dịch “Thơ là sự phát động tự nhiên từ nguồn cảm xúc dâng trào của tâm hồn” còn nhà thơ Emily Dickinson thì nói: “If I read a book and it makes my body so cold no fi re ever can warm me, I know that is poetry” tạm dịch “Khi tôi đọc một quyển sách mà quyển sách đó làm thân thể tôi lạnh buốt mà không có một ngọn lửa nào có thể sưởi ấm được đó chính là thơ” và Dylan Thomas thì định nghĩa: “Poetry is what makes me laugh or cry or yawn, what makes my toenails twinkle, what makes me want to do this or that or nothing” tạm dịch“ Thơ là cái gì làm tôi cười, tôi khóc, chán nản hay làm tim tôi đập mạnh, hay nó khiến tôi phải làm một điều này hay điều khác hay không muốn làm gì cả ”. Đó chính là cảm nhận và rung động từ tâm hồn của những người nghệ sĩ khác nhau. Họa Sĩ Nguyễn Văn Nhớ nhìn thơ qua bức họa từ trái tim anh.

Những điều anh viết về một người hay chính cho anh đều bắt nguồn từ cảm xúc, nhưng nó không phải là biểu hiệu của cá tính thoát ra từ tính cách cá nhân. Cho nên những gì anh viết, chia xẻ như là một tác phẩm nghệ thuật thoát ra xa hơn, cao hơn, hội nhập được mọi góc nhìn và thấm thấu với tha nhân, đó là sự đồng điệu bắt gặp và cùng tầng số rung cảm của tha nhân với người nghệ sĩ.

Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ cảm nhận về thơ của các người bạn đầy ân tình Song Thi, Hàn Thiên Lương, Trần Trung Đạo, Nguyễn Vũ Văn, Linh Vũ, Tâm Nguyên, Minh Huyền, Thanh Khê, Nguyễn Hồng Lĩnh và chính anh đó là sự đồng điệu rung cảm từ trái tim. Anh đã vẽ lên những bức tranh bằng ngòi bút ngôn từ thay cho Canvas và màu sắc. Người họa sĩ vẽ cảm xúc bằng đôi mắt của tâm trí trên vải thành trái tim và người thơ nặng những giọt máu từ trái tim thành ngôn ngữ trên giấy. Cho nên thi sĩ và họa sĩ gắn bó và trùng lên nhau trong cảm xúc và đường nét nghệ thuật. Đối với tôi, tôi rất trân quý tấm lòng anh đã nói. Cũng như Thi Sĩ Horace đã viết “As is painting so is poetry” hay Thi Sĩ Shu Shih trong lời cầu nguyện đã ca ngợi Wang Wei một nhà thơ, một nhạc sĩ, một họa sĩ nổi tiếng như sau: “Trong thơ của ông có bức tranh và trong bức tranh của ông là thơ” (In his poetry there is painting and in his painting there is poetry).

Nói đến lãnh vực văn thơ hay hội họa là những phạm trù quá lớn có một chiều dài lịch sử, chúng ta không thể nhìn một hạt lúa để thấy cả một cánh đồng. Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ưu và khuyết điểm. Thơ văn đi sâu vào thế giới nội tâm, hội họa mạnh về tính hình ảnh. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ nhìn thi phú từ hai căn nguyên, một căn nguyên nằm sâu trong bản chất của con người và sự mô phỏng từ năng khiếu của bản năng. Ngoài sự dâng tràn cảm giác ra, Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ còn nhìn thấy sự hài hòa, nhịp nhàng, nhịp phách biểu lộ trong các phần của nhịp điệu. Những cảm xúc ngấm dần và tồn tại trong hồn anh; anh đã vẽ bức tranh thơ của Thi Sĩ Song Thi qua thân phận làm người, quê hương, kiếp sống lưu vong và nhất là niềm đau xót khi đất nước còn khổ đau dưới chế độ CS. Một bức tranh khác của Hàn Thiên Lương với cõi vô thường, đời người sẽ qua mau và tan biến vào cõi hư vô. Bức tranh với màu sắc ảm đạm, một màu đen vô tận cuối chân trời của Nguyễn Vũ Văn rồi buông tiếng thở dài nhìn những đứa con đảo điên trong chế độ vô thần. Tâm Nguyên với bức tranh màu xanh của biển nước, nhưng mênh mông buồn tênh chia cách, một chỗ của quê hương, tình yêu và nỗi nhớ. Thanh Khê với bức tranh chân quê hạnh phúc bên người vợ, sự hiện hữu cuộc sống qua hồng ân Thượng Đế. Minh Huyền với hình ảnh nhiều màu sắc, một cầu vòng của tình mẫu tử, những tia chớp xoáy giữa buồng tim với kiếp sống lưu vong. Nguyễn Hồng Lĩnh với bức tranh chưa trọn vẹn có chia ly, ngậm ngùi có màu xanh hy vọng cho ngày về, có màu xám che khuất quê hương ngàn trùng xa cách.

Thơ là một loại đá hoa cương của ngôn ngữ, như màu sắc trên một bức tranh, Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ muốn chia xẻ với người đọc những ngạc nhiên khi đọc những giòng thơ để có thể thốt lên lời reo vui hay thất vọng từ đáy lòng qua kinh nghiệm cuộc sống, nỗi thầm kín chất chứa trong lòng hay thấu hiểu một chân lý cuộc đời. Thơ là trí tưởng tượng tuyệt vời của nhân loại; là một sức mạnh có thể bẻ gãy những xiềng xích nhanh hơn những gì chúng ta có thể nói.

Thơ là phương pháp xử dụng ngôn ngữ trong một cấu trúc để diễn tả cảm xúc, sự hồi tưởng, nơi chốn, thời gian, không gian hay một hành động.v.v.  Ngôn từ sẽ mang chỗ mơ hồ thành hiện thực, một kết cấu trong sáng tự nhiên. Để kết luận sau khi đọc hết “Ân Tình Lấp Lánh” tôi xin mượn lời nói của Thi Sĩ Robert Frost “Sự thương nhớ quê hương, những xót xa trong tình trường là những hệ lụy bắt đầu từ những uất ức thoát ra bằng sự diễn đạt, một cố gắng để mưu tìm cho một sự toàn vẹn. Vần thơ toàn vẹn là vần thơ trong đó đáp ứng được những suy tư và những suy tư đó biến thành ngôn từ của thơ” “A poem begins with a lump in the throat, a home-sickness or a love-sickness. It is a reaching-out toward expression; an effort to fi nd fulfi llment. A complete poem is one where the emotion has found its thought and the thought has found the words.”

Chúng ta có thật sự sống với thơ, chết với thơ; và con tim có chứa vùng mênh mông trời đất, có hình tượng của tâm thức dâng trào, có bức tranh đời nhiều màu sắc. Người mà tôi nhìn thấy đó là Họa Sĩ Nguyễn Văn Nhớ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here