CHIẾC QUE DIÊM ĐÊM GIÁNG SINH

0

Linh Vũ

Nói đến Giáng Sinh là người ta nghĩ đến quà tặng và niềm vui. Chưa có lễ nào đón mừng một cách lớn lao trên toàn thế giới như ngày lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh nơi đô thị xa hoa, lộng lẫy với trăm ngàn hoa đèn rực rỡ, cũng có Giáng Sinh nơi xa xôi hẻo lánh lặng lẽ với bão tuyết ngập trời, cũng có Giáng Sinh nơi thôn xóm nghèo nàn với ánh đèn leo lét của một thân phận hẩm hiu. Giáng Sinh cũng lóe lên một ánh đèn nhỏ từ những trại tù với lời cầu nguyện một chút tự do và niềm hy vọng. Hay những ước mơ an bình của đám trẻ mồ côi đang lang thang trên đầu đường góc phố. Giáng Sinh không chỉ có vui, hay đón mừng ngày Chúa ra đời để cứu rỗi nhân loại, mà Giáng Sinh còn mang lại cho nhiều người những kỷ niệm khó quên trong cuộc sống thăng trầm của đời thường cơm áo.

Giáng Sinh năm nay tôi không đi lễ, không đãi tiệc nửa đêm, chỉ nằm nhà đọc truyện cũ của Arthur Andersen về cô bé bán diêm. Những ngày như thế thường làm lòng tôi chùng xuống với nhiều nỗi buồn vô cớ. Nhất là đêm nay, tôi cảm thấy bơ vơ như đang lạnh cóng trên một góc phố nào đó của xứ sở xa lạ. Bây giờ tôi cần một ánh lửa bùng cháy, một hơi ấm từ chiếc lò sưởi để đốt tan những nỗi đau chợt đến. Tôi có một kỷ niệm khó quên đã mang theo từ ngày đứa con gái tôi lên tám tuổi. Thời gian thấm thoát đã mười năm qua, tôi đã hóa thân thành người họa sĩ miệt mài vẽ những bức tranh vân cẩu với người tình Lưu Nguyễn trong màu buồn lặng lẽ và vô vọng. Tôi đã có lần chợt khẽ buông tay, đã đánh rơi trăm ngàn mảnh vỡ cuộc đời không thương tiếc. Tôi cũng hiểu, ánh sáng Thiên Thần chỉ xuất hiện một lần không bao giờ trở lại và bầu trời vẫn màu đen chìm giữa mắt người. Tôi thương cô bé bán diêm bên ánh lửa nhỏ nhoi đã chết giữa trời đêm băng giá. Tôi giàu sang ngụp lặn trong vô thường ảo tưởng. Tôi quên mất những chiếc que diêm của cô bé cố lóe lên một chút sáng để soi niềm ước mơ nhỏ nhoi trong đêm giá lạnh, nhưng rồi họp diêm cũng cháy rụi, tung tóe trên mặt đường. Còn tôi thì đốt cuộc đời theo tháng năm để hứng đầy những giọt lệ đổ xuống chỗ niềm đau bấu chặt. Đêm nay, tôi không chờ tin mừng Thiên Chúa, cũng chẳng cần lời cầu nguyện ban ơn. Tôi chỉ cần tiếng điện thoại của con tôi từ Tiểu Bang xa gọi đến. Đã mười năm rồi tôi muốn nghe lại tiếng nói thơ ngây của con trong lời chúc mừng Giáng Sinh…Daddy..Daddy…Merry Christmas… Merry Christmas..   Vâng, chỉ đơn giản thế thôi, chỉ ngần ấy ngôn từ tôi sẽ thấy lại bầu trời đầy trăng sao màu nhiệm, tôi sẽ trở về một góc trời kỷ niệm của Bố con chúng tôi trong những tháng ngày xưa cũ. Mười năm trước tôi từ giã Thiên Thần bé nhỏ của tôi để ra đi vì hạnh phúc gia đình đổ vỡ. Buổi ăn tối cuối cùng của tôi với đứa con gái trên chiếc bàn quen thuộc đã trở thành nhạt nhẽo, chỉ có nước mắt lưng tròng và thức ăn nguội lạnh của đêm Giáng Sinh. Tôi ra đi giữa đêm tuyết rơi không một vì sao sót lại trên bầu trời. Ánh đèn trước cửa sân nhà như mờ đi, cảnh vật thinh lặng đến thê lương đã trải dài theo bước chân tôi ra đi trong thầm lặng. Bàn tay bé nhỏ của đứa con thân yêu đã bấu chặt tay tôi, như cố giữ lại chút ấm áp của người cha đã làm lòng tôi quặn thắt.

Thế mà, hôm nay đã mười năm trôi qua, Giáng Sinh vẫn trở về đều đặn, tôi vẫn thương nhớ những ngón tay nhặt khoan trên phím đàn buồn bã của chiếc dương cầm, tôi vẫn thấy ánh mắt Thiên Thần bé nhỏ của con tôi ướt đầm những giọt lệ trong giây phút chia tay với người cha yêu quý. Tôi nhớ, đêm đó tiếng chuông nhà thờ không vọng xa từ ngoại ô thành phố. Ngoài trời tuyết rơi, chiếc lò sưởi hình như không còn đủ ấm cho mái gia đình sắp phải tan vỡ. Hai bố con tôi ngồi cạnh bên nhau chỉ có nước mắt và tiếng thở dài. Đêm như muốn tan theo giá lạnh bên ngoài khung cửa sổ, con tôi lặng lẽ ngồi trước chiếc dương cầm với mười ngón tay buồn bã lướt nhẹ. Một giọng nói nghẹn ngào. Con tặng bố… Từng cung bậc nhẹ nhàng ngân lên, những xót xa từ tim tôi cũng ùa vỡ những đớn đau. Bản nhạc đêm nay không phải là bài ‘Đêm Thánh Vô Cùng’ mà ‘Sadness of Christmas’ buồn ảo não. Mười ngón tay mềm mại của con tôi như đang trải rộng một thứ âm thanh run rẩy, như suy sụp, như những mũi kim đâm nhói vào tim tôi. Tiếng đàn như kể, như than khóc cho nỗi khổ đau của một đứa bé không nhà bên góc đường ngập đầy băng tuyết, đang cần vòng tay ôm của bố mẹ…Đêm đó, tiếng dương cầm đã loãng xa trong đêm tối, tôi cũng chia tay người con yêu quý để ra đi và bỏ lại sau lưng một người đàn bà không chút nghĩa tình.

Mười năm trôi qua nhanh, đêm nay trong gian phòng vắng lạnh, Giáng Sinh đã trở về như cố tình gõ cửa. Vài ánh đèn màu từ nhà hàng xóm chiếu sang, nhá nhem trước hiên nhà như có màu buồn của mùa đông băng giá. Tôi nhìn quanh thở phào mỏi nản rồi đưa mắt nhìn lên bầu trời, chẳng có vì sao nào soi sáng, bên kia con phố chuông nhà thờ không ngân vang như mọi năm. Bao ước mơ ân sủng từ tay Chúa cũng chảy dài theo những nếp nhăn trên vầng trán tôi cằn cỗi. Bên trong nhà ánh đèn bạch lạp đã lụn dần trong chiếc bình nhỏ, bài thánh ca năm nay không còn màu nhiệm ngân lên trong tim tôi thánh thót. Tôi cúi đầu để nghe mình đang thở và hiểu rằng bàn tay chai cứng của tôi hôm nay không xua đuổi nỗi một năm dài hụt hẫng.

Thời gian qua nhanh quá, đã mười năm rồi còn gì, tôi chưa có lần ngồi bên cạnh Thiên thần nhỏ bé của tôi trong đêm Giáng Sinh, để Bố con cùng đọc kinh cầu nguyện xin một ngày bình an cho cuộc sống. Nhiều khi tôi nghĩ, nếu là Thiên Chúa tôi sẽ ban nhiều Hồng Phúc đến với tất cả mọi người mà không cần điều kiện để loài người giảm bớt những khổ đau. Đêm nay chuông nhà thờ không vọng lại trong khu phố nghèo của tôi cư ngụ. Tôi châm điếu thuốc, hớp một ngụm rượu rồi lảo đảo những dòng âm thanh mơ hồ từ trong huyết quản.

Đêm thánh vô cùng giây phút tưng bừng. Đất với trời xe chữ đông; Đêm nay Chúa con thần thánh tôn thờ. Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, ơn châu báu không bờ bến, biết tìm kiếm của chi đến. Ôi Chúa Thiên Đàng cam mến cơ hàn, nhấp chén phiền vương phong trần. Than ôi Chúa thương người đến quên mình: Bỏ vô chốn quê nhà lúc sanh thành. Ai ham sống trong lạc thú. Nhớ rằng Chúa đang đền bù. Tinh tú trên trời. Sông núi trên đời với Thánh Thần mau kết lời, cao rao Hóa Công đã khéo an bài. Sai con hiến thân mong cứu nhân loại. Hang chiên máng rêu tạm trú bốn bề tuyết sương mịt mù…..”(Bài hát của thiên tài người Áo Franz Xaver Grubert 1787-1863)

Tôi chấm dứt câu hát cuối cùng nhuốm đầy nước mắt và sau đó hình như tôi cũng nghe có giọng nói quen thuộc từ một nơi rất xa của vị Linh Mục cất lời rao giảng:

“……Những người nghèo nghĩ rằng, họ sẽ đạt được hạnh phúc khi trở nên giàu có. Những người giàu lại nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc khi không còn bệnh tật. Đứng núi này trông núi nọ. Đó là căn bệnh chung của mọi người, chúng ta không cảm thấy hạnh phúc vì chúng ta không bằng lòng với hiện tại của chúng ta. Chúa Giêsu đến để mang lại cho con người hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Dĩ nhiên hạnh phúc không có nghĩa là không có đau khổ. Hơn ai hết, Chúa Giêsu đã trải qua rất nhiều đau khổ. Ngài bị chống đối, bị khước từ và cuối cùng bị treo trên thập giá. Thế nhưng ngài hẳn phải là một con người hạnh phúc thực sự mới có thể tuyên bố: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó…phúc cho những ai bách hại “Cho dẫu có đau khổ, nhưng cuộc sống vẫn có ý nghĩa và đáng sống là nhờ niềm tin của con người vào tình yêu Thiên Chúa.  Giêsu mời gọi ta sống và hưởng hạnh phúc trong từng phút giây hiện tại mà ta đang có được. Vì chính trong hiện tại ấy Thiên Chúa đến với ta để trao ban trọn vẹn tình yêu của Ngài.

Đó là bài giảng của Cha Ng. P. An mười năm về trước, hôm nay đang vọng về xung quanh tôi. Tôi xa Cha cũng đã hơn mười năm, nhưng bài giảng đêm Giáng Sinh ngày xưa vẫn còn sánh đặc trong tôi, như những chiếc lá trạng nguyên màu đỏ thắm, đang sum sê cành lá bên nhà tôi của đêm Giáng Sinh đầy băng tuyết. Cha Ng. Ph. An là người bạn của tôi trước khi ông trở thành Linh Mục. Mặc dù tuổi đời Cha kém hơn tôi, nhưng trong lòng tôi lúc nào cũng quý mến Cha, Cha đã cho tôi một quãng thời gian vui buồn nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ có lần Cha nói: “Khi lòng nhân hậu và lòng yêu thương của Thiên Chúa được biểu lộ….Ngài sẽ cứu rỗi chúng ta “ Lòng nhân hậu của Chúa tràn ngập như nước vỡ bờ, sẽ mang tình yêu thương đến với mọi người và làm cho mọi người biết yêu thương nhiều hơn” Nhớ lời Cha giảng tự dưng nước mắt tôi lăn tròn trên má, tôi chắp hai tay nhìn lên bàn thờ thì thầm lời đau xót: Chúa ơi! tại sao Chúa ban cho con người đàn bà không có chút nghĩa tình, không từ tâm, không yêu thương, không độ lượng. Tại sao tình yêu thương của Chúa không ngập lụt cả thung lũng ác tâm của người đàn bà, mà Chúa đã bắt con phải chôn vùi hơn hai mươi năm vô lý để biến cuộc đời con trở thành mây khói. Tôi lẩm bẩm một lần nữa câu ‘The humanity of God comes to humanize us? của Cha đọc trong kinh sách. Tôi trả lời thật nhanh. Tôi không tin……rồi lặng lẽ úp mặt lên bàn.

Thế rồi, Giáng Sinh năm nay vẫn có những món quà tặng, những bữa tiệc cũng được bày ra để vui lòng bè bạn, những lời chúc tốt đẹp vẫn phải nói để đẹp lòng nhân thế.  Chỉ có chiếc vớ màu đỏ trên lò sưởi vẫn trống rỗng vì con tôi không có ở đây cho nên ông Santa Clause không ghé lại. Cô bé Thiên Thần của tôi năm nay đã lên 19, bắt đầu biết làm người lớn. Tôi hy vọng đêm nay con tôi sẽ gọi về, sẽ nói với tôi lời an ủi nhỏ để căn nhà không trở nên buồn tênh thừa thãi. Con tôi sẽ đánh lại bài Thánh ca buồn năm nọ mà từ lâu tôi vẫn còn giữ lại bên bờ hồ ký ức. Tôi sẽ hỏi lại Cha Ng. P An trong bài giảng năm xưa. “This is a mystery that fascinates me!” có đúng như vậy không. Ơn cứu rỗi có đến với tôi không! Giáng Sinh năm nào tôi vẫn cô đơn buồn bã. Đối với tôi những hy vọng đời thường như mù xa vô tận, hạt bụi Thiên Đường không rớt giữa bàn tay của những kẻ buồn khổ như tôi. Con gái tôi theo tháng ngày lớn nhanh, tóc tôi mỗi năm càng bạc dần, rụng đầy chăn gối, hoàn cảnh cuộc đời thì đổi thay chóng mặt. Tôi chẳng còn gì giữ lại ngoài những kỷ niệm nhớ thương con và thành phố thân quen cho tôi những ngày cơm áo. Tôi hiểu, mọi sự trên cõi đời này rồi cũng qua đi, nước mắt sẽ khô, nụ cười phải tắt và tình đời bạc bẽo đó cũng phủ lấp theo lớp bụi thời gian, nhưng sao vẫn thấy buồn. Nhiều khi nghĩ lại, giá chi những ngày tháng xưa cũ, người đàn bà kia đọc qua câu chuyện cổ tích của người Nhật Bản về hạnh phúc gia đình để suy gẫm bản thân mình, thì chắc cuộc đời Bố con tôi đâu phải có những ngày tháng chia xa, nỗi buồn phiền đâu theo tôi từng ngày trong cuộc sống. Đêm nay Giáng Sinh trở về, nhớ thương con, nghĩ lại chuyện xưa, tôi muốn chia sẻ với mọi người một câu chuyện buồn cổ tích và bài Thánh Kinh ngắm đêm Chúa ngự.

… « Ngày xưa, có một đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc bên cạnh một đứa con gái nhỏ. Người chồng là một hiệp sĩ samourai, nhưng anh chỉ sống khiêm tốn trong một khu vườn nhỏ ở đồng quê. Người vợ là một người trầm lặng đến độ nhút nhát. Chị không bao giờ muốn ra khỏi nhà.

Một hôm, nhân dịp lễ đăng quang của Nhật Hoàng, với tư cách là một hiệp sĩ, người chồng cảm thấy có bổn phận phải về kinh đô để bái lạy quân vương. Sau khi đã làm xong nghĩa vụ của một hiệp sĩ, anh ghé ra chợ mua quà cho vợ con. Riêng cho người vợ, anh mua một tấm gương soi mặt bằng bạc…

Ðón nhận món quà, người đàn bà bỡ ngỡ vô cùng, chị chưa bao giờ trông thấy một tấm gương, chị chưa một lần nhìn thấy mặt mình. Do đó, vừa nhìn thấy mặt mình trong gương, người vợ mới ngạc nhiên hỏi chồng: “Người đàn bà này là ai?”. Người đàn ông mỉm cười đáp: “Mình không đoán được đó là gương mặt kiều diễm của mình sao?”.

Một thời gian sau, người đàn bà lâm bệnh nặng. Trước khi chết, bà cầm tay đứa con gái và nói nhỏ: “Mẹ không còn sống trên mặt đất này nữa. Sáng chiều, con hãy nhìn vào tấm gương này và sẽ thấy mẹ”.

Sau khi người mẹ qua đời, sớm tối, lúc nào đứa con gái ngây ngô cũng nhìn vào tấm gương và nói chuyện với chính hình ảnh của nó. Nó nói chuyện với hình trong tấm gương như với chính mẹ nó.

Ngày kia, bắt gặp đứa con gái đang nói chuyện với chính mình nó trong tấm gương, người cha tra hỏi, đứa con gái mới trả lời: “Ba nhìn kìa, mẹ con không có vẻ mệt mỏi và xanh xao như lúc bị bệnh. Mẹ lúc nào cũng trẻ và cũng mỉm cười với con”.

Nghe thế, người đàn ông không cầm nổi nước mắt, nhưng không muốn cho nó biết sự thật, ông nói với nó: “Nếu con nhìn vào gương để thấy mẹ con, thì ba cũng nhìn vào con để thấy mẹ con”.

Tha nhân chính là tấm gương phản chiếu gương mặt của chúng ta. Khi chúng ta lạc quan, khi chúng ta vui tươi, khi chúng ta yêu đời, khi chúng ta hòa nhã chúng ta sẽ nhận ra nét đó trên khuôn mặt của những người xung quanh. Trái lại, khi chúng ta cau có, khi chúng ta giận dữ, khi chúng ta buồn phiền, khi chúng ta thất vọng, chúng ta cũng sẽ thấy được những nét ấy trên gương mặt của người khác…

Tha nhân cũng chính là hình ảnh của Thiên Chúa. Nếu đứa con có thể nhìn thấy gương mặt khỏe mạnh, vui tươi của người mẹ trong tấm gương, nếu người cha nhìn thấy hình ảnh của người vợ trong đứa con, thì với ánh mắt của tin yêu chúng ta cũng có thể nhìn thấy gương mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

Có Thiên Chúa trong ánh mắt, nhìn thấy Thiên Chúa trong mọi người, chúng ta sẽ thấy rằng đời có ý nghĩa, tha nhân không phải là hỏa ngục đang xa lánh…

Chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của tha nhân với nụ cười của trẻ thơ để luôn luôn nhận ra được bộ mặt Tình Yêu của Thiên Chúa trong mọi người.

(Theo sách lẽ sống)

Tôi kể miên man như lão già thiên cổ, tôi run run như miệng lưỡi không còn. Giá mà người đàn bà năm xưa của tôi, biết nhìn xuyên qua tấm gương trước mặt mình thì cuộc sống sẽ hạnh phúc, bền vững biết bao. Nếu ai cũng nhìn thấy tha nhân chính là mình thì tình yêu đâu có tháng ngày chia cách. Nếu ai cũng hiểu được, cuộc đời chỉ là quãng đường quá ngắn, đời người là nơi chốn phù du, cứ cúi mặt cho thời gian trôi qua, biết đâu còn chút niềm vui giữ lại. Càng suy nghĩ càng thở dài mỏi nản, Tôi vẫn phải chờ phone và đọc lời kinh cầu cho cô con gái yêu của tôi được mọi sự bình an trong cuộc sống.

Tiếng chuông nhà thờ từ xa bỗng dưng vọng lại, đồng hồ vừa điểm nửa đêm, tiếng điện thoại reo lên, bên kia đầu dây có tiếng nói con tôi ngọt lịm. Bất chợt tôi nắm bắt được niềm hạnh phúc trong đêm Giáng Sinh. Tôi vui mừng nhận một que diêm từ con gái tôi gửi đến, tuy rất nhỏ nhưng cũng đủ sưởi ấm lòng tôi nơi thành phố buồn chỉ có mưa và tuyết. Tôi sẽ đốt sáng que diêm đêm nay để nhìn thấy Thiên Chúa trong ánh mắt mọi người, tôi sẽ nói cho con tôi biết là bố đã nhặt được những chiếc lá trạng nguyên màu đỏ thắm của cô bé bán diêm trên đường phố trong đêm Giáng Sinh lạnh giá. Bố cũng tìm thấy được trong chiếc vớ đỏ có nhiều quà của con gái yêu quý bố gửi cho. Bố là cậu bé Ni-Kô-La ở thị trấn Lycia Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hy vọng. Đồng thời Bố cũng nghe được lời Cha Ng .Ph..An rao giảng ở Thánh Đường Our Lady Star đêm Giáng Sinh của mười năm trước

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here