Chuột bàn giao đại dịch Vũ Hán cho trâu già!

0

Những ngày tháng Chạp hàng năm là chúng ta được thấy ngoài Bolsa, các quày sách trưng bày báo Xuân đủ loại. Mỗi tờ báo hàng ngày hay hàng tuần, phát hành bằng tiếng Việt, đến cuối năm là tập trung sức vào một tờ Xuân để làm dáng và cũng để quảng cáo cho thương vụ văn hóa mà họ đang phụ trách! Hoa Xuân, bánh mức, bánh chưng bánh tét… bày bán khắp các nẻo trong các khu vực người Việt sinh sống.
Năm nay hình dáng con trâu được đưa lên làm đề tài biểu hiện một “Nhiệm kỳ Trâu” năm 2021! Với hình dáng nặng nề, sừng gạt dềnh dàng nhưng hiền lành và chịu đựng của các bạn Trâu Bò ngày nào, năm nay hứa hẹn một năm “cày” mệt nghỉ và cũng không thể “chậm chạp” như chàng Trâu với dáng nhàn hạ nằm nhai lại… mà phải “chiến đấu” chống “quân thù xâm lược” đến từ Vũ Hán bên Tàu!!!
Sau một năm con Chuột xác xơ vì virus Vũ Hán tung hoành, mọi người phải trốn trong nhà, cấm chợ, cấm giao tiếp, cấm họp hội, cấm tiệm nail tiệm tóc; các nhà hàng, quán xá, trường học từ lớp Mẫu Giáo đến Đại học… đều bị cấm cửa, báo chỉ chỉ còn online và in lấy lệ… Sách báo, đặc san, các cuộc họp mặt hội đoàn, hội Ái Hữu… đều phải dẹp tiệm! Nhìn chung, năm 2020 có thể nói là một năm kinh hoàng chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại!
Riêng tại Hoa Kỳ, đất nước giàu mạnh, tự do nhất thế giới lại trải qua một cuộc bầu cử tổng thống cũng kinh thiên động địa chưa từng có trong suốt lịch sử kể từ ngày lập quốc! Biểu tình bạo loạn da đen – da trắng – da màu, ủng hộ / chống đối ứng cử viên tổng thống của phe Dân Chủ và phe Cộng Hòa, hàng trăm ngàn người biểu tình tràn vào điện Capitol…
Con virus Vũ Hán đang hoành hành rộng khắp thế giới; tuy đã có vaccine kịp thời, nhưng số người dương tính đã lên đến gần mấy chục triệu và số người chết toàn thế giới lên tới hơn 2.2 triệu người! Năm con Trâu sắp tới hứa hẹn những kỳ vọng làm sao tiêu diệt được mầm mống đại dịch Covid-19. Nhân loại sẽ phải chịu rất nhiều tổn thất đủ mọi mặt nếu không kềm chế được đà lây lan của nó! Nhưng cũng có thể rằng thiên nhiên đã sinh ra đại dịch nầy để giải quyết nạn nhân mãn toàn cầu!
Thôi! Hãy quên chuyện buồn đại dịch Vũ Hán, ta quay về với hình ảnh con trâu trong lòng dân tộc Việt, để cho không khí Tết được vui!
Bóng dáng anh chàng Trâu trong văn học dân gian Việt cũng đậm nét, tiêu biểu cho sự nghiệp nông gia và các dân tộc chuộng nghề nông như Việt Nam ta! Ở nông thôn Việt, người ta lấy hình ảnh con trâu cõng chú mục đồng trên lưng với tiếng sáo diều trên cánh đồng lúa vàng bao la… là hạnh phúc, là sung túc, là thanh bình…! Ca dao tục ngữ Việt cũng bàng bạc đâu đó hình ảnh thân thương với cái dáng nặng nề của người bạn trung thành lúc nào cũng có mặt với con người:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cái cày vốn nghiệp nông gia
Trâu đây ta đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn
Đôi khi người còn tôn bạn trâu lên hàng quan trọng trong sự nghiệp của mình: “Sai con toán bán con trâu” là một câu nhắc nhở người nông dân mỗi khi tính toán không đúng thì việc bán trâu là tai họa kinh khủng. Mà nghĩ cho cùng, cả mấy anh chàng làm nghề buôn bán hay các nghề khác đều phải thuộc lòng câu trên. Trâu là sự nghiệp nhà nông:
Tậu trâu, lấy vợ, làm nhà
Trong ba việc đó lựa là khó thay!
Đây là ba công việc chính của kẻ nào muốn giàu có qua nghề nông. Người ta đưa việc có con trâu trong nhà cũng bằng với việc có vợ hay có được cái nhà để ở. Mấy câu sau đây nói lên được sức trâu cần thiết cho nông gia thời chưa có máy cày bừa: “Làm ruộng mạnh có trâu, làm dâu mạnh có chồng.” Nhưng tại sao lại “muốn làm giàu thì nên nuôi trâu cái”? Vì chị trâu cái sẽ đẻ ra trâu con, trâu cháu… Trong một thời gian rất ngắn. Trâu cái mới tám tháng tuổi là động đực, sau khi sanh, chỉ ba tháng sau là lại có bầu. Vốn liếng sẽ tăng lên trong quá trình chăm sóc ruộng đồng và đàn trâu sinh nở!…
Hình ảnh chú trâu trong dân gian rất đậm nét và lúc nào cũng gần gũi với cuộc sống nông thôn. Trong “Lục Súc Tranh Công” người ta đã làm nổi bật tính nhẫn nại, cần cù của trâu:
Lóng canh gà vừa mới gáy tan
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã
Dạy rằng đuổi trâu ra thảo dã
Cho nó ăn ba miếng đỡ lòng
Chưa bao lâu thoát đã rạng đông
Vừa đến buổi cày bừa bừa việc
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau đuôi thêm kéo một cái cày
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây
Trên lưng ruồi bu dưới chân đỉa cắn
Trâu mệt đà thở dài thở vắn
Người còn hầm hét, mắng ngược mắng xuôi….
Qua những vần thơ nầy, chúng ta thấy kiếp trâu phục vụ con người với mọi tình huống từ trong gian khổ đến khi chủ của nó giàu có… thì nó vẫn là kiếp trâu, ăn cỏ khô uống nước đục ao tù; quanh năm nằm lăn dưới bùn thở phì nhẫn nại. Thế cho nên mới có câu “Mài sừng cho lắm cũng là trâu.”
Làm không kịp thở,
Ăn không kịp nhai.
Tắm mưa, trải gió chi nài !
Đạp tuyết, giày sương bao sá !
Sách vở nói về Trâu đầy cả, hơn nữa, năm Tân Sửu này mấy ông nhà văn nhà báo sáng tác, sưu tầm, kết hợp không biết bao nhiêu là truyện, văn, thơ, hài, ca dao tục ngữ nói về anh chàng Trâu, bạn của con người. Thôi thì để góp vào cái việc làm giàu cho kho văn học Việt, tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến anh bạn Trâu của chúng ta, khi tôi còn ngồi tù miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa. Đó là năm một nghìn chín trăm bảy mươi tám, mùa đông miền Bắc Việt Nam lạnh xé da. Đối với bọn tù chúng tôi, ăn mặc không được đầy đủ nên lúc nào cũng nghe trong xương sống mình từng luồng khí lạnh làm thân thể cứ như rung lên, co rúm. Điếu thuốc lào đối với thời gian đó thật là quí giá vì nó có thể cứu chúng tôi ra khỏi cái cảm giác lạnh lùng rét buốt.
Trong trại tù có ba con trâu già, không biết chúng hiện diện nơi đây từ lúc nào. Khi chúng tôi “tiếp thu” từ những tù hình sự thì ba con trâu cũng đã già và gầy mòn như những thân hình tù! Đúng là trâu của tù, có nghĩa là tù của tù. Ba con trâu có ba cái tên thật độc đáo. Không biết ai đã đặt tên cho chúng. Đó là con Kennedy, con Nixon và con Johnson. Ba con trâu này được chúng tôi sử dụng trong việc cày bừa các ruộng trồng rau cho trại tù. Việc điều khiển chúng cũng chẳng khó khăn lắm vì chỉ khác nhau những khẩu lệnh. Thay vì trong Nam mình bảo trâu qua phải hay quẹo trái thì hét lên “thá” hay “dí” đứng lại thì hô “họ.” Miền Bắc quẹo trái hay phải thì hô “vắt,” dật…”
Con Kennedy hay trở chứng khi nó đói. Mà đã gọi là tù của tù thì làm gì no được! Buổi sáng chúng tôi đến chuồng xỏ dây vào dàm trâu, dắt nó ra, máng cái cày vào, bắt đầu quất roi bắt nó cày. Đến kẻng nghỉ trưa cột nó lại một chỗ rồi sắp hàng theo đội về trại. Chiều ra lại bắt nó cày tiếp. Hết giờ, tù cũng “tranh thủ” chạy đi tắm ngoài suối… Chung cuộc con Kennedy chỉ đói và đói. Nó được trả về chuồng đầy phân lội đến mắt cá chân. Hai con Nixon va Johnson cũng cùng số phận.
Có thể trong thời gian chiến tranh, Hoa Kỳ thả bom Bắc Việt, mấy anh chàng học đòi căm thù tận xương tủy giặc Mỹ xâm lược nên đặt tên ba vị Tổng Thống nước Cờ Hoa cho ba con trâu để đánh đập chửi mắng… Nhưng chúng đâu có biết gì. Số kiếp tù của tù kéo dài đến tháng Mười Hai giá rét năm một nghìn chín trăm bảy mươi tám. Vừa đói triền miên vừa bị cơn rét kéo dài, con Johnson không chịu nổi đành phải qui tiên. Còn lại Nixon và Kennedy buồn xo đứng trong chuồng đầy phân giá rét ngó bạn mình nằm xuống!
Cái tin con Johnson chết được loan truyền rất nhanh trong trại. Không một anh tù nào mà không “hồ hởi phấn khởi” vì biết chắc rằng thịt Johnson sẽ được chia mỗi người ít lắm là một cục bằng ngón tay và một ít nước dùng. “Lâu quá mới được chất” đây là câu nói của thằng Bính, nó vừa rít thuốc lào vừa tuyên bố. “Prô-tê-in đấy quí vị ạ! Bố khỉ.”
Con Johnson đáng thương bị xẻ thịt và chặt ra hầm trên chảo. Buổi chiều chúng tôi đi lao động về được chia mỗi đứa đúng một cục thịt to bằng ngón chân cái và nửa chén nước dùng. Có lẽ con trâu tù của tù nầy đã “phấn đấu” bao nhiêu năm nay để “phục vụ” cho tù, khi chết, nó vẫn có công làm thực phẩm bổ dưỡng cho tù; thịt của nó dai không chê vào đâu được.
Sau khi chia phần thức ăn theo kiểu bốc thăm quay số, tôi ngồi ăn chung với anh Lộc Thầy Bói. Cục thịt trâu tương đối to hơn cuống họng của tôi một chút. Thịt dai quá nhai hoài không còn gì, nuốt hết nước bổ trong cục thịt, nhưng không thể nào xé nhỏ ra hay nuốt trôi. Tôi cằn nhằn nhã ra phân bua, “Thịt gì mà dai quá không nuốt được đành bỏ thôi, tiếc quá!”
Vừa nói tôi vừa bỏ miếng thịt trong miệng ra thì anh Lộc chụp lại. Một cử chỉ thật nhanh, anh cho ngay vào miệng nhai. Nhưng cũng như tôi, anh ráng nuốt mà vẫn không tài nào nuốt trôi. Cuối cùng anh cũng cố gắng cho nó yên bề xuống dạ dày mà mắt trợn ngược. Tôi tưởng anh bị nghẹt thở, nhưng rồi cũng qua! Ôi một kỷ niệm về trâu lắm ưu phiền! Anh Lộc Thầy Bói nay đã ra người thiên cổ sau khi dẫn vợ con qua xứ Hoa Kỳ. Xin tưởng niệm đến anh về một giai đoạn chúng mình đói khát có nhau!
Năm Tân Sửu lại về, đã qua cơn bỉ cực; khi ra khỏi trại tù, có ai biết mình được diễm phúc trời ban, là gia đình được định cư trên đất nước tự do Hoa Kỳ nầy! Hồi còn ở Việt Nam, con cái không có cơ hội tiến thân, gia đình túng bấn, không có việc làm, bị trù dập. Hình ảnh con trâu cũng có thể là hình ảnh những tù nhân chính trị trong các trại tập trung sau 1975.
Riêng số phận những Tù Chính Trị Việt Nam, sau khi định cư trên đất Cờ Hoa, đã 30 năm an lành lạc nghiệp, con cháu thành đạt. Tết Tân Sửu này xin có lời cám ơn nước Hoa Kỳ đã là nơi dung thân và hạnh phúc nhất cho chúng tôi! Đón Xuân Tân Sửu trong mùa đại dịch, chúng ta cùng chúc nhau hãy giữ gìn sức khỏe, cẩn thận mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên, mặc dù được tiêm chủng vaccine cũng nên cẩn thận. Không ai thương ta bằng chính ta thương bản thân mình!
LeTamAnh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here