Cuộc sống là gì ?

0

Tiếp theo kỳ trước..trong sách “Tâm an giữa đời thường” của Tuệ Quảng

Cuộc sống là gì ?

Nói đến con người và sự sống có nhiều vấn đề liên quan như năng lượng, sinh học, chuyển hóa vật chất, tế bào, vòng đời, sinh sản, tăng trưởng, tiến hóa, lão hóa, di truyền, môi trường.v.v. rất khó để định nghĩa chính xác cuộc sống? Ngay cả hiện tại làm thế nào chúng ta biết được một thứ còn sống và thứ khác thì không? Hay đi xa hơn thời nguyên thủy của loài người. Khoa học và những bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại, từ Aristotle đến Carl Sagan, đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này, nhưng đến nay vẫn chưa có sự đồng thuận về nó. Điều này có nghĩa là, về mặt định nghĩa theo nghĩa đen, chúng ta vẫn chưa có một định nghĩa chung về cuộc sống. Hoa Kỳ định nghĩa sự sống là “một hệ thống hóa học có khả năng tự duy trì và tiến hóa theo thuyết Darwin”. Ngay cả trong cuốn sách “Sự sống là gì”, của Schrödinger đã giải thích bản chất của sự sống thông qua lý thuyết nhiệt, động lực học và cơ học lượng tử, nhưng vẫn còn là một câu hỏi lớn. Nhất là sự sống ngoài trái đất khoa học vẫn chưa tìm thấy. Tóm lại, đừng suy nghĩ quá xa về nguồn gốc của sự sống ví dụ trái đất xuất hiện lần đầu tiên và hình thành cách đây hơn 4 tỷ năm, và sau đó là đại dương…Sự sống vẫn chưa được biết và chưa có định nghĩa được chấp nhận rộng rãi về nó. Hãy suy nghĩ của một người bình thường là mọi người đều có ưu tiên một kiểu sống riêng trong số nhiều kiểu sống khác, thế là đủ.

1- Ý nghĩa cuộc sống. Đây là một chủ đề được quan tâm thường xuyên trong triết học, khoa học, siêu hình học và thần học/tôn giáo trong suốt lịch sử của loài người. Tất cả đã đưa ra nhiều suy luận đa dạng trong nhiều môi trường văn hóa và nền tảng tư tưởng khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên vẫn chưa có kết luận chính xác vì có quá nhiều tranh cãi và quan điểm khác nhau. Mọi khám phá về sự tồn tại và sự kết nối giữa cá nhân, ý thức về đau khổ và hạnh phúc, ý chí tự do, thiện ác, đạo đức, giá trị, khái niệm niềm tin trong tôn giáo, về linh hồn và sự sống sau khi chết.v.v. Trước tiên chúng tôi muốn nói đến những khái niệm của một số tôn giáo trên thế giới:

-Do Thái giáo tin rằng con người khi chết sẽ quay trở lại địa ngục, vì vậy họ nên trân trọng thời gian, tuân thủ các điều răn và làm việc chăm chỉ.

-Hồi giáo tin rằng mọi vật trên thế giới đều do Chúa tạo ra, và mọi sự sống của con người đều bắt nguồn từ Chúa. Họ cho rằng Đức Chúa Trời không tạo con người một cách tùy tiện, mà mục đích là để thờ phượng Ngài. 

-Kitô giáo theo nghĩa thần học, “sự sống được Thiên Chúa tạo dựng” Tuy nhiên, trong số rất nhiều sinh vật sống, chỉ có con người mới có thể tương tác với Chúa, bởi vì Chúa không ban trí tuệ cho động vật. Vì vậy, Cơ đốc giáo tin rằng giá trị cao nhất của con người là được tương tác với Chúa. Tận hưởng tình yêu của Thiên Chúa và lòng tốt giữa mọi người.

-Đạo giáo Trung quốc cho rằng bản chất, tinh thần và sức sống thực sự không thể tách rời khỏi cơ thể đó được gọi là sự sống. Đạo giáo đã đấu tranh chống lại “vận mệnh” và “tự nhiên”, phá bỏ quy luật sinh tử, không bị trời chi phối. Kéo dài tối đa sự sống phàm trần cho đến cuộc sống vĩnh cửu.

-Ấn Độ giáo tin rằng tất cả chúng sinh đều có nguồn gốc từ thực tại tối thượng (Brahma) chúng sinh nên tìm cách quay trở lại vương quốc của Brahma/ “Đấng sáng tạo” Brahma thường được đồng nhất với thần Vệ Đà Prajapati nhiều người cho rằng như một hình thức đại ngã, vô hình. Tuy nhiên cũng có một số giáo phái tin rằng tất cả chúng sinh nên cống hiến cuộc đời mình cho Bhagavan/Phật thế tôn/bậc giác ngộ để nhận được sự cứu rỗi.

-Phật giáo. Mục tiêu của cuộc sống là trau dồi lòng từ bi không phân biệt đối với mọi sinh vật và chúng sinh, luôn nỗ lực vì lợi ích, hạnh phúc và hòa bình của tất cả chúng sinh, trau dồi trí tuệ dẫn đến chân lý tối thượng. Tuy nhiên, cuộc sống đầy rẫy đau khổ, Phật giáo giải thích rõ ràng điều này trong Tứ Diệu Đế. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cuộc sống vô nghĩa mà khuyên chúng ta nên cố gắng thực hành lời dạy của Đức Phật và tuân theo “Tri thức”. Phải cố gắng tu luyện mới có thể giải thoát bản thân khỏi vòng luân hồi sinh tử để đạt được Niết bàn. Đây là ý nghĩa của cuộc sống.

Nói cho cùng sự sống là một hiện tượng phức tạp và bí ẩn liên quan đến nhiều lĩnh vực như sinh học, triết học và tâm lý học. Do sự phức tạp của cuộc sống nên không có định nghĩa chính xác về cuộc sống. Ý nghĩa của nó mỗi người điều có những quan điểm, cách hiểu và chia xẻ ở những mức độ tư duy khác nhau.

Sau đây là một số câu trả lời của nhiều tầng lớp khác nhau về ý nghĩa và mục đích của cuộc sống trong nhiều cuộc phỏng vấn. Ý nghĩa cuộc sống là một câu hỏi chủ quan đòi hỏi mỗi người có câu trả lời dựa trên kinh nghiệm và niềm tin của chính mình. Sau đây là những câu trả lời của một số người mà tôi đã tìm hiểu.

*Thông thường nhiều người trả lời rằng, sự ham muốn của con người là vô tận, ai cũng muốn đạt được điều mình mong muốn, phấn đấu vì mục tiêu của riêng mình và phải bận rộn suốt ngày. Mỗi người đều theo đuổi một cuộc sống để có nhiều chất lượng cao, để thỏa mãn những ham muốn của bản thân. Nhiều người phải làm việc suốt ngày đêm, mất cả thời gian cho đời sống riêng mình. Nhưng cuối cùng kết quả đạt được cũng chỉ là hạnh phúc nhất thời, hay đôi khi mong muốn đó không đạt được nó trở thành nỗi đau khổ suốt đời.

*Một người khác thì cho rằng, dù có cố gắng đến thế nào thì kết quả đó cũng không quan trọng lắm, điều quan trọng là quá trình khi còn sống, chúng ta đã thăng hoa được tâm hồn mình chưa? Trí tuệ có phát triển không? Đó là mục đích là hoài bảo họ mong muốn.

*Hay có người nói có vẽ bi quan hơn. Cuộc sống rất dễ hiểu, cũng không có ý nghĩa gì nhiều, mỗi người đều sinh ra ở cùng một điểm xuất phát, nhưng thời điểm chết lại khác nhau, có người sống đến 80/100 tuổi, có người chỉ đến 20/60 tuổi hay trẻ hơn. Điều tuyệt đối là sớm hay muộn họ cũng phải đối mặt với cái chết thì cuộc đời này không có gì quan trọng cả, thản nhiên mà sống.

* Có người quan niệm rất thực tế là cuộc đời hữu hạn, chúng ta không có nhiều thời gian để theo đuổi ý nghĩa cuộc sống mà phần lớn thời gian đều dành cho công việc. Ví dụ, từ ngày bước chân vào tiểu học…Trung học…Đại học, ra trường tìm việc làm, mua nhà, cưới vợ, sinh con.v.v. Đến khi tuổi già mới thấy thời gian không còn nữa, chuẩn bị cho bệnh tật và cái chết kết thúc một đời người. Cát bụi trở về với cát bụi.  Họ kết luận “thời gian hiện tại là quan trọng nhất, là quý giá nhất”. Cho nên nhiều người nói rằng chỉ có một đời để sống. Người Mỹ cũng có câu như vậy “One life to live”.

2-Mục đích của cuộc sống là gì.

*Mục đích sống không có gì quan trọng sinh ra lớn lên kiếm tiền, lập gia đình chỉ đơn giản thế thôi, đó chính là đích đến trong cuộc đời. Nếu nghĩ xa hơn thì nên làm những điều cho cuộc đời của mình cảm thấy ý nghĩa, không cảm thấy tiếc nuối khi về già. Không quan tâm nhiều đến những mục tiêu ngắn hạn…

*Một người khác thì cho rằng, dù có cố gắng đến thế nào thì kết quả đó cũng không quan trọng lắm, điều quan trọng là quá trình khi còn sống, chúng ta đã thăng hoa được tâm hồn mình chưa? Trí tuệ có phát triển không? Đó là mục đích là hoài bảo họ mong muốn.

*Có người quan niệm rằng, những người sống xung quanh chúng ta, dù là người thân hay bạn bè, rồi đến lúc cũng ra đi, quy luật của thế gian là vô thường và không ngừng thay đổi trong chốc lát. Cho nên, trong Phật giáo có nói “Cuộc sống ở trong hơi thở”. Sau cùng mọi sự sẽ bỏ lại thế gian ra đi với hai bàn tay trắng.

3-Giá trị của cuộc sống là gì.

*Chúng ta đến với thế giới này không theo ý muốn của mình mà vẫn phải tồn tại với tấm vải cuộc sống đan xen bởi quy luật số phận và nghiệp báo. Như vậy, mục đích của cuộc sống phải chăng để rèn luyện tâm hồn và tạo ra một trái tim nhân hậu, yêu thương và tốt đẹp.

*Cho nên con người khi sống cần tu luyện tâm hồn. Hay nói cách khác, là cải thiện tính cách của mình, làm phong phú bản chất và tạo nên một nhân cách đẹp trong cuộc sống. Nhiều người nghĩ rằng khi chết đi, tâm hồn sẽ tốt đẹp hơn lúc mới sinh ra và có được một trái tim trong sáng đầy nhân ái.

*Nhiều người nói rằng, muốn mài giũa trí óc và có được trái tim thánh thiện không dễ chút nào. Vì bản chất của con người khi sinh ra đã có chứa tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ. Dù gì đi nữa, sự cố gắng để cải thiện nhân cách không nhiều thì ít cũng có thể làm cho trái tim và tâm hồn của bạn mạnh mẽ và bản thân mình có giá trị hơn. Thật ra khi tham khảo ý kiến một số người đều có suy nghĩ khác nhau. Theo suy nghĩ của riêng tôi thì trong cuộc sống hồng trần này tốt nhất nên chăm chỉ rèn luyện tâm, hướng thượng, luôn nghĩ về điều thiện và lòng bác ái thì ít nhất chúng ta cũng có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

4- Vì sao tôi phải sống.

*Có rất nhiều người không có mục tiêu trong cuộc sống và chỉ sống qua ngày, bởi vậy loại người này thường bị rơi trong hoàn cảnh sống không chủ đích, vô vị, đôi khi sa ngã vào những việc không tốt cho bản thân và xã hội, ví dụ như: Cờ bạc, rượu chè, chơi game, thậm chí trộm cướp, hưởng thụ, ham mê nhục dục, trác táng.v.v. Họ đam mê trong những trò giải trí để giết thời gian, vì họ cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán với tinh thần trống rỗng. Thực tế, họ không cần hiểu về giá trị cuộc sống hay sự cống hiến mà chỉ biết sự hưởng thụ nhất thời để giết thời gian. Tuy nhiên, những loại người này có thể đã bị ảnh hưởng từ trong gia đình, sự giáo dục, bạn bè, xã hội.v.v. và câu kết luận của họ là cuối cùng mọi người sẽ trở về với cát bụi… chấp hết và chấm hết…

*Tuy nhiên cũng có nhiều người đưa ra ý kiến. Dù biết rằng cuộc đời con người không dài lắm, nếu chúng ta buông thả theo những điều vô nghĩa, tức là tự chuốc lấy phiền phức và đau khổ do hành vi của mình tạo ra. Có người đưa ra lời khuyên, chúng ta nên suy ngẫm về bản thân và tự hỏi, thời gian có giới hạn tại sao chúng ta không cống hiến một công việc gì đó của cuộc đời mình cho con người và xã hội thì cuộc sống mình có giá trị hơn không!.

*Nhiều người lại cho rằng. Cuộc đời luôn có đau khổ và hạnh phúc, cho nên không ai có thể từ chối đau khổ và chỉ chọn hạnh phúc, cho nên trong cuộc sống chúng ta phải luôn chuẩn bị đối mặt với cả hai. Đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Nhất là loại đau khổ khi già, đau bệnh và chết. Những nỗi đau này luôn theo bên cạnh chúng ta hàng ngày. Tất cả con người đều nhìn thấy những đau khổ đó luôn bám sát bên mình, thậm chí chính họ còn tìm kiếm thêm những loại đau khổ khác nữa. Cho dù, chúng ta có sống đúng đắn với cuộc sống gia đình, xã hội, hay với bằng hữu thì điều đó không kéo dài được lâu, ngay cả những gì gọi là hạnh phúc cũng không thể bền lâu mãi. Cuối cùng, không ai thoát khỏi nỗi đau, bởi sự sống, sự chia ly và cái chết. Dù con người không muốn đối mặt với nó nhưng đó là sự thật của cuộc sống. Vì vậy, chúng ta muốn sống hạnh phúc phải biết chịu đựng và chấp nhận nỗi đau rồi tìm cách loại trừ nó.

*Có nhiều người lý luận rằng, dù có làm điều thiện hay điều ác rồi cuối cùng cũng chết; kẻ lười biếng, kẻ làm việc chăm chỉ; kẻ thông minh, kẻ ngu ngốc; người quyền lực; người ăn xin; kẻ giàu sang tất cả mọi người đều sẽ chết! Như vậy cái chết có phải là mục đích cuối cùng của cuộc sống chăng! Thực ra, khi chúng ta sinh ra, cái chết đang chờ đợi chúng ta mỗi ngày. Đây là quy luật của tự nhiên. Sự sống của chúng ta chỉ khoảng cách bằng những hơi thở và chúng ta phải đối mặt với sự đe dọa của cái chết mọi lúc mọi nơi. Để hiểu được cuộc sống và “giá trị” của nó là gì? Nhiều người cho rằng hãy nhìn thẳng vào bản thân mình. Vì trong xã hội không ai sinh ra có những đặc điểm giống nhau, có người sinh ra trong sự giàu có, lớn lên trong môi trường được bảo vệ tốt và có thể sống một cuộc sống hoàn hảo mà không cần bất kỳ nỗ lực nào. Có người sinh ra trong nghèo khổ thiếu thốn, đau khổ thất học.v.v. Những người này xem cuộc sống không có “có giá trị” chút nào. Có người thì đủ ăn, đủ mặc, có đầy đủ vợ con đời sống đơn giản và bình thường nhưng họ vẫn nghĩ rằng đó không phải là giá trị tốt đẹp nhất của cuộc sống. Và đôi khi khiến họ cảm thấy cuộc sống vô giá trị, và họ tự hỏi tại sao tôi phải sống.

*Một điều quan trọng khác là cuộc sống bị giới hạn. Bản chất hữu hạn của sự sống là đặc tính thiết yếu của đời người. Tuổi thọ mỗi người chỉ có mấy chục năm, cho nên sự hữu hạn của nó cũng là ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Điều quan trọng là không ai chứng minh được con người sẽ quay trở lại trên địa cầu này lần thứ hai, mỗi người chỉ sống một lần. Bởi vậy, nhiều người cho rằng sự sống hiện tại vô cùng quý giá, Phải biết trân trọng khoảng thời gian hiện tại. Điều chúng ta nên biết là hàng ngàn sinh vật sống trên trái đất này không ai giống ai cả, ngay cả những cặp sinh đôi hay thực vật cũng vậy, những chiếc lá trông giống nhau trên cùng một cành cây, nhưng không giống hệt nhau từ những đường gân và kết cấu của chúng. Cho nên, họ kết luận rằng mỗi người đều khác nhau, duy nhất và không thể thay thế. Số phận của mỗi người cũng là duy nhất và khác nhau. Chúng ta không thể so sánh bản thân mình với người khác. Hãy chấp nhận sự không hoàn hảo của chính mình, nắm bắt từng khoảnh khắc, hiểu rõ bản thân và vượt qua chính mình. Vì vậy, cái ăn, cái mặc, nhà ở, phương tiện đi lại, đồ ăn, thức uống, bệnh tật, sinh, lão, bệnh, tử là những thứ mà ai cũng phải có và không thể tránh khỏi. Cho nên, chúng ta phải sống thuận theo tự nhiên. Để kết thúc câu trả lời. Tại sao con người phải sống? Nhiều người đã tự hỏi từ tận đáy lòng. Phải chăng vì tiền bạc, địa vị, danh tiếng, gia đình, họ hàng, con cái.v.v. Câu trả lời chung chung là mọi người đều phải sống vì những mục đích khác nhau, và hỏi ngược lại nếu họ không có mục đích nào để tồn tại thì sao? Quý vị có thể tự trả lời với suy nghĩ của riêng mình.

Đối với quan niệm của cá nhân tôi, điều quan trọng là làm sao chúng ta giảm sự đau khổ, sống trong tốt đẹp và hạnh phúc trong cuộc sống hiện tại. Chúng tôi khám phá điều này bằng chữ “TÂM” trong Phật giáo. Như vậy nó quan trọng như thế nào và ảnh hưởng đến tâm trí con người ra sao? Và cũng là nơi có thể trả lời bốn câu hỏi nêu trên.

Tóm lại, có nhiều câu trả lời và suy nghĩ khác nhau trong đời sống, nhưng không có câu trả lời nào tuyệt đối đúng hay chính xác cho những câu nêu trên. Cho dù, bạn có bất kể câu trả lời nào về “ý nghĩa cuộc sống” thì cũng chỉ áp dụng cho bản thân người đó. Cho nên, bốn câu hỏi trên vẫn chưa có đáp số nào hoàn hảo. Với ý nghĩ chủ quan của chúng tôi, thời gian hiện tại đang sống là quan trọng nhất, thực tế nhất, cần thiết nhất để sống đẹp, sống vui, sống bình an, thương yêu và biết tha thứ là đủ, đừng suy nghĩ quá xa. Chẳng lẽ con người sinh ra để tìm cái chết!

Cho nên, hãy vui vẻ sống với thực tại, phải chấp nhận tất cả, phải nhìn lại tâm của mình để giải quyết những khổ đau, ưu phiền trong cuộc sống, phải tìm đến con đường giải thoát những suy nghĩ đó. Sau cùng, những suy nghĩ của riêng tôi để chọn lựa là con người chỉ có một lần sống và thời gian sống rất ngắn, cuộc đời là vô thường khi chết là mất tất cả. Nói như thế, có lẽ nhiều người cho rằng tôi quên mất là sự tái sinh trong Phật giáo. Thật ra điều này không chỉ trong lý thuyết Phật giáo mà nhiều tôn giáo khác cũng đề cập đến. Tôi thật tình không dám phản bác đúng sai, có hay không vì đó là niềm tin của mỗi người. Riêng có nhân tôi suy nghĩ một cách chủ quan, có thể đây là những huyền thoại không có chứng minh cụ thể, ngay cả khoa học cũng chưa tìm thấy được con người có tái sinh hay không! Hay có một đấng Thần linh hay Thượng đế nào phán xét cho con người trở lại địa cầu này. Cho nên, con người đừng suy nghĩ quá nhiều mà rời xa thực tế. Chúng ta muốn sống có hạnh phúc, vui vẻ và an lạc, chỉ cần tu sửa “Tâm” theo lời Phật dạy mỗi ngày trong cuộc sống, không nhiều thì ít, chúng ta sẽ giảm phần nào sự đau khổ và nhìn thấy được Niết bàn. Và nếu có luân hồi thật sự thì chúng ta cũng không mất gì cả và cuộc sống sẽ tốt hơn.

(còn tiếp kỳ tới)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here