DÒNG BIỂN ĐỨC & ÂM NHẠC

0

HÀ BẮC
Thân tặng pianist Vũ Ngọc Hải (Portland, Oregon USA)

Cứ mỗi mùa Giáng Sinh về, thánh ca bất hủ và nhạc đời về Noel lại vang vọng khắp chốn; từ thánh đường trang nghiêm đến sân khấu tráng lệ và phòng trà ấm cúng; chuyển tải bởi các ca đoàn nhà thờ, các giọng sopranos, tenors chuyên nghiệp và nghệ sĩ mọi giới qua các hình thức âm nhạc cổ điển và tân nhạc. “Lai vãng” trong biển nhạc Christmas cổ điển lại có bài hát của một vở tuồng opera không liên quan; như thể nhắc nhở “ngôi vị” vốn “trị vì” hàng thiên niên kỷ vẫn tồn tại. Dù sao, khán thính giả mọi giới không thể không tri ân dòng Biển Đức (Benedictine) và nhạc sư Lm Guido d’Arezzo (990 – 992) thuộc giáo hội Công Giáo hoàn vũ vốn là các tác nhân đã sáng lập ra khoa kí‎-âm-pháp (notation); tạo thuận tiện cho việc xướng âm (solfège), lưu trữ và phổ biến các dòng nhạc đạo, đời từ đó đến nay.

(nhà dòng Biển Đức đầu tiên xây năm 529 tại Subiaco, Ý)

Dòng Benedictine được St Benedictus ở Nursia thành lập tại Cluny, phía bắc của Effide, Ý năm 510. Tu viện Cluny cũng được lập cùng năm bởi William I, Duke của Aquitaine. St Benedictus đã cho xây tu viện Benedictine đầu tiên tại Subiaco năm 529, một trong 12 tu viện. Ngài rời Subiaco ngay năm sau để xúc tiến việc xây 11 tu viện nữa mà mà vĩ đại nhất là tu viện trên đỉnh ngọn Monte Cassino nằm giữa Rome và Naples vốn bị dội bom phá hủy hồi thế chiến II. St Benedictus được GH Paul VI phong tước hiệu “Thánh của châu Âu” năm 1964. Hai dòng Franciscan và Dominican sau đó đã xuất hiện hồi cuối thế kỷ 12 với nội quy tu hành có phần khác với dòng Benedictine.

Dòng Benedictine ở Anh được Augustine ở Canterbury lập năm 597 nhưng bị triều đình đàn áp. Tu viện Prinknash bị vua Henry VIII dùng làm nhà trọ khu săn bắn; mãi đến 1928 mới được giao trả. Nhiều tu viện của dòng ở Pháp bị tàn phá trong cuộc “cách mạng” 1789; tu sĩ bị trục xuất từ 1880-1882; mãi đến triều Bourbon hồi Tk 19 mới được phục hồi phần nào. Nhưng đến đệ tam Republique của Pháp lại cấm trường đạo tư thục. Tại Đức, tu viện đầu tiên St Blaise ở Black Forest, Baden-Württemberg được lập cuối Tk X; tiếp theo là Muri Abbey (1082), Ochsenhausen Abbey (1093), Göttweig Abbey (1094), Alpirsbach (1099), Weitenau (1100), Stein am Rhein Abbey (1123), Ettenheimmünster (1124), Sulzburg (ca. 1125), Bürgel (1130), Sitzenkirch (ca. 1130) Prüm Abbey (1132). Thụy-sĩ có Our Lady of Angels lập hồi 1120.

Tại Mỹ, tu sĩ Pierre-Joseph Didier của dòng đến Mỹ hồi 1790 từ Paris; phục vụ tại Ohio và St. Louis cho đến khi qua đời. Mãi đến 1832, tu viện đầu tiên Saint Vincent Archabbey mới được lập tại Latrobe, Pennsylvania bởi linh mục Boniface Wimmer người Đức. Lm Wimmer cũng đặt viên đá đầu tiên cho tu viện St. John’s Abbey ở Minnesota năm 1856. Đến 1876, Herman Wolfe của Saint Vincent Archabbey lập ra Belmont Abbey ở North Carolina. Vào thời điểm mất năm 1887, Lm Wimmer đã gởi tu sĩ của dòng đến Kansas, New Jersey, North Carolina, Georgia, Florida, Alabama, Illinois, và Colorado. Lm Wimmer cũng xin gởi các nữ tu dòng Benedictine của St. Walburg Convent ở Eichstätt, Bavaria đến Mỹ để điều hành. Sơ Benedicta Riepp và 2 phụ tá đã lập St. Marys ở Pennsylvania hồi 1852. Các nữ tu khác được gởi đến Michigan, New Jersey, Minnesota. Đến 1854; các nữ tu Thụy-sĩ đã đến Indiana lập St. Meinrad Abbey rồi đến Arkansas, Louisiana. Nhờ thế đến nay đã có hơn 100 nhà dòng Benedictine khắp nước Mỹ.

(Nhà dòng Pomposa nơi nhạc sư Lm Guido nghiên cứu kí-âm-pháp và xướng âm)

Thánh nhạc và nhạc đời Noel trải qua thời đại Trung-cổ (Médiéval) trong thời kỳ Tiền-Phục-hưng (Prérenaissance) với vai trò quan trọng, thiết yếu của giáo hội Công Giáo (GHCG) trong việc hình thành và chuẩn hóa khoa âm nhạc này. Tất nhiên từ khi có nhân loại đã có âm nhạc, một phạm trù mênh mông không biên giới với các “nốt” thanh âm lơ lửng trong không trung. Chúng được mô tả căn cứ vào các nhạc cụ xuất hiện ở Trung-hoa, Ai-cập, Đan-mạch từ 2500 đến 4000 năm trước Thiên Chúa (BC); và được ghi nhận khi có chữ viết và phổ biến rộng khi có máy in. Chẳng hạn đàn guitar ngày nay có lịch sử 1500 BC; sáng chế bởi dân Hittites. “Medieval music” là âm nhạc vùng tây châu Âu thời Trung cổ Middle Ages (Tk VI – XV) mà điển hình là “nhạc tế lễ” (liturgical music) của GHCG vốn phần lớn được gọi là “Thánh ca Gregory” (Gregorian Chants).

(chân dung Boethius, thủy tổ nhạc opera)

Trong thời đại Trung-cổ, khi đế quốc Rome sụp đổ, GHCG đã can dự và can thiệp rộng vào lãnh vực âm nhạc khi Giáo hoàng Gregory (540-604) lập Schola Cantarum, trường dạy nhạc đầu tiên ở châu Âu hồi năm 600; cùng thời với sự phát triển âm nhạc ở Trung-hoa hồi năm 612 BC khi các triều đại phong kiến ở đấy lập ra dàn nhạc hàng trăm nhạc công để phục vụ hoàng gia. Sau Schola Cantarum, trường dạy hát đầu tiên đã được mở tại tu viện Fuda 144 năm sau đó. Thế là hàng loạt chi nhánh Schola Cantarum được lập ở Paris, Cologne và Metz hồi năm 790. Năm 800, hoàng đế Charlemagne (742-814) của Neustrie và Francs đã cho phép phổ nhạc thơ thế tục và thánh thư.

Hồi năm 850, các nhạc sư Catholic đã sáng chế ra “thức” (mode) dùng cho thánh nhạc; sau này biến hóa thành âm giai trưởng (major) và thứ (minor). Lần đầu có ca đoàn hát nhiều bè được thu âm hồi năm 855; đến năm 1056 thì “đa bè” trở nên phổ thông và thay thế “Gregorian chants” khi Vatican gỡ bỏ lệnh cấm bè. Đây cũng là bước đầu của giai đoạn chấm dứt thời kỳ độc quyền của Gregory Chants sau này khi quy tắc “kí âm pháp” sáng tạo bởi nhạc sư dòng Biển Đức Lm Guido d’Arezzo đã hoàn chỉnh hồi thế kỷ XI. Sử liệu ghi năm 1000 đánh dấu bước tiến triển vượt bậc về âm nhạc khi nhạc sư Lm Guido d’Arezzo của GHCG đã sáng tạo ra kí-âm-pháp (notation), xướng âm pháp (solfège) sau khi đã lập các định chế khác của âm nhạc học. Nhờ thế, mỗi âm đều có tên cố định tùy mức độ cao thấp của nó là “Do, Re, Mi, Fa, Sol, La, Si, Do”.

(Nhạc sư Lm Guido d’Arezzo sáng tạo ra notation cho solfege)

Linh mục dòng Benedictine Guido d’Arezzo người Ý là nhà lí luận và sư phạm về âm nhạc tựa Boethius và Johannes Tinctoris trước đó. Khoảng năm 1013, linh mục dạy học tại tu viện Pomposa Abbey rồi sau chuyển về Arezzo năm 1025 dạy hát tại nhà thờ chánh tòa do GM Tedald của Arezzo cai quản. Lm Guido dạy nổi tiếng nên được GH John XIX gọi về Roma. Lm Guido sinh khoảng 990 – 992. Sử liệu Micrologus ghi ngài 34 tuổi thời John XIX là Giáo Hoàng (1024–1033). Nhạc sử Hans Oesch ghi năm sinh của ngài là khoảng 1025–1026; được các nhà sử học Claude V. Palisca, Dolores Pesce và Angelo Mafucci chấp nhận. Thời đó ai nổi danh thường được nhiều địa phương nhận là “sinh quán” của người ấy; kiểu “thấy sang bắt quàng làm họ”. Do đó, chi tiết sinh quán cũng gây tranh cãi như năm sinh: “Guido của Tuscany” do ngài cư ngụ ở đây khá lâu, “Guido của Pomposa Abbey ở duyên hải Adriatic gần Ferrara” do ngài đi tu tại đây. Tuy nhiên theo khám phá mới hồi 2003, Guido chính là “Guido clerico filius Roze” của nhà thờ chánh tòa Arezzo, nơi ngài được học nhạc từ tu sĩ Sigizo, phụ trách ca trưởng rồi sau là nhạc sư.

(nhà thờ Arezzo nơi Lm Guido dạy hát hồi 1035)

Thánh đường Arezzo tọa lạc tại Arezzo City ở Tuscany, Italy; xây dựng trên nền cũ của một nhà thờ cổ. Trước đó là nhà thờ Arezzo xây hồi 363 trên khu mộ thánh tử đạo Donatus gần đồi Pionta. GH Innocent III hồi 1203 chỉ thị phải dời nhà thờ nằm trong nội ô Arezzo như hiện nay. Vì thế thánh tích của St Donatus được dời đến nhà thờ mang tên thánh nhân San Donato ở Castiglione Messer Raimondo (nay thuộc tỉnh Teramo). Tuy nhiên nhà thờ vẫn giữ sứ mạng vinh danh St Donatus qua bàn thờ cao hình cầu vồng Gothic hồi Tk XIV. Công trình xây cất bắt đầu từ 1278 đến 1511 mới xong. Mặt tiền dựng khoảng 1901-1914 để thay cho cái cũ còn làm dang dở hồi Tk XV. Kiến trúc trong, ngoài của nhà thờ đều có từ Tk XIII-XIV bởi các kiến trúc sư nổi tiếng thời đó như Dante Viviani, Giuseppe Cassioli, Enrico Quattrini, Guillaume de Marcillat, Marcillat, Salvi Castellucci. Các tượng đều làm bằng đá cẩm thạch. Vòng cung Gothic do các kiến trúc sư Tk XIV ở Florentine, Aretine, Sien thực hiện gồm Agnolo di Ventura, Agostino di Giovanni. Gác hát bằng gỗ do Giorgio Vasari vẽ kiểu năm 1554. Từ Tk III đến tận 1986, nhà thờ thuộc quyền cai quản của các GM địa phận Arezzo. Từ đó đến nay thì thuộc giám quản của vị GM liên vùng Arezzo-Cortona-Sansepolcro.

Khoảng 1013, Guido đi tu tại chủng viện dòng Benedictine “Pomposa Abbey”. Tại đây ngài cùng đồng môn Michael của Pomposa nghiên cứu về thanh âm và kí hiệu để chấm dứt trở ngại cho các ca viên phải tốn nhiều thời gian thuộc lòng âm thanh (son) vì chưa có âm-hiệu (figures des notes) để đọc. Bí quyết này khiến ngài nổi danh “mát tay” dạy giỏi vốn lan nhanh khắp nước Ý; gây đố kỵ với một số đồng nghiệp khác. Do đó ngài rời Pomposa trở lại Arezzo khoảng năm 1025. Vì ở đây không có dòng tu nên GM Tedald của Arezzo đã chỉ định Guido dạy hát cho ca đoàn nhà thờ Arezzo. Guido rút kinh nghiệm ở Pomposa đã rút ngắn niên học từ 10 năm xuống còn một vài năm để đào tạo ca trưởng. Danh tiếng vang đến Rome khiến ĐGH John XIX phải mời ngài về Roma năm 1028. Guido đến đó cùng với Dom Peter và Abbot Grimaldus đều từ Arezzo. Khí hậu nóng khiến ngài lâm bệnh phải rời Rome và chọn tu tại nhà dòng Avellana ở Camaldole gần Arezzo cho đến 20/5/1033, ngày được sử liệu ghi lại trước khi ngài qua đời không rõ năm.

Khi dạy hát bản thánh ca mở lễ “Ut Queant Laxis” để vinh danh thánh John Baptist, Guido phát minh ra kỹ thuật xướng âm (solmization) với quy chế “staff notation” gồm các thanh âm “ut–re–mi–fa–sol–la“. Nốt “Ut” lấy từ tên bản “Ut Queant Laxis” này; sau được Giovanni Battista Doni đổi ra nốt “Do” thành ra âm giai “do-re-mi-fa-sol-la” như hiện nay. Nốt thứ bảy “Si” lấy từ chữ tắt của “Sancte Iohannes” tiếng Latin để chỉ thánh John Baptist được thêm vào sau cho đủ bộ. Sau đó nốt “Si” được Sarah Glover đổi thành “Ti” hồi Tk XIX cho hợp với các xứ dùng Anglo-phone.

Khi đã có nốt âm giai của nhạc sư Guido d’Arezzo, thời kỳ Renaissance (1450 – 1600) cũng ra đời với kỹ thuật in ấn mới mẻ để các bản nhạc lần đầu được in ra giấy năm 1465. Và thế là sản phẩm “tuồng opera” của Boethius được xuất bản ra giấy hồi năm 1490 với ca từ tiếng Ý. Boethius là người đã giúp sự thăng tiến của âm nhạc lúc sinh thời khi ông đem hệ thống kí‎ hiệu Hy-lạp vào miền tây châu Âu hồi năm 521. Cũng trong thiên niên kỷ trước này, chính Boethius đã nêu sáng kiến về sân khấu ca nhạc “opera” – ngôi vườn “thượng uyển” mà Ý là thủ phủ – nơi ca khúc “O Mio Babbino Caro” thường lai vãng sau này mỗi mùa Giáng Sinh về; mặc dù nội dung chẳng liên quan gì về Noel cả. Có thể nói Boethius là thủy tổ của nhạc opera. Ông người Hy-lạp có tên thật dài “Anicius Manlius Severinus Boethius” sinh khoảng 477-480 ở Roma trong gia đình quí tộc.

Ông là một vĩ nhân đa tài, tác giả của nhiều bộ sách và luận án về nhiều bộ môn; kể cả triết, toán, thiên văn, thơ và âm nhạc. Thông thạo Hy ngữ, ông đã dịch sách của các triết gia Plato và Aristote sang La ngữ. Dòng họ Anicii của ông từng sản sinh các hoàng đế Petronius, Maximus, Olybrius và nhiều cố vấn triều đình; trong đó có cha ông là Manlius Boethius. Do cha mất sớm, ông được nhà quí tộc Quintus Symmachus nhận nuôi. Nhờ thông minh nên mới 25 tuổi đã là một nghị sĩ của Ý mà ông nội mình từng nắm giữ và được mời giữ nhiều chức vụ quan trọng; kể cả cố vấn của triều đình Theodoric hồi 510. Thường tình như ca dao Việt có câu “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”, ông bị kết án đồng lõa với Caecina Albinus đồng viện khi can đảm bênh vực người này và lãnh án tử hình năm 524 về tội đồng lõa âm mưu lật đổ nhà vua theo cáo buộc của nịnh thần Cyprianus.

Ông thất bại trong việc trung gian hòa giải giữa hai giáo hội Đông, Tây (Constantinope, Roma) khiến hai giáo hội này tách hẳn ra năm 1054 cho tới nay. Tác phẩm về nhạc “De Institutione Musica” của Boethius được xuất bản lần đầu ở Venice khoảng 1491 – 1492 và dịch ra Đức ngữ năm 1872; qua đó có đoạn viết “âm nhạc kết hợp với chúng ta thật tự nhiên khiến chúng ta không thể thoát khỏi nó dù rất muốn“. Sử gia R. W. Southern gọi ông là “hiệu trưởng của châu Âu thời kỳ Trung cổ“. Boethius cũng viết nhiều luận án; qua đó ông ủng hộ lí thuyết Công giáo (Catholicism); lên án Arianism và các chi nhánh TCG không chính thống khác qua luận án “De Trinitate” (Ba Ngôi Nhập Thể) để bênh vực hội đồng Chalcedon Trinitarian. Ông được chôn cất và tạc tượng tại San Pietro ở Ciel d’Oro, Pavia như một vị tử đạo được Vatican công nhận năm 1883 với 23/10 là ngày kính hàng năm tại giáo xứ Santa Maria của giáo phận Portico ở Roma. GH Benedict XVI đã giải thích rằng tín hữu TCG ngày nay hiểu rõ “Thượng Đế” hơn nhờ ông. Ngay cả giáo hội chính thống đông phương (Eastern Orthodox Church) cũng tôn kính Boethius.

Ca khúc “O Mio Babbino Caro” vốn là một bài thơ dùng trong một vở tuồng opera thuần hài có tên Gianni Schicchi. Ca khúc này nổi tiếng và trở thành bất hủ nhờ vị thầy đã phổ nhạc cho nó: Nhạc sư Giacomo Puccini [Jr] (1858-1924). Ông người Ý sinh ngày 22/12/1858 ở Lucca, Ý. Ông tên khai sinh “Giacomo Antonio Domenico Michele Secondo Maria Puccini”, con thứ 6 trong 9 con của ông Michele Puccini (1813–1864) và bà Albina Magi (1830–1884); và là “con dòng cháu giống” của nhiều thế hệ tên tuổi về âm nhạc “trị vì” suốt 124 năm (1740–1864) gồm: Giacomo [Sr] (1712-1781), Antonio (1747-1832), Domenico (1771-1815), và bố Michele (1813-1864); tất cả đều học nhạc tại Bologna. Thuở nhỏ ông không có dấu hiệu nào về năng khiếu gia truyền hay đặc biệt về nhạc. Tuy nhiên bà mẹ ông là yếu tố chính tạo nên một Puccini lưu danh hậu thế khi bà quyết định gởi con vào Istituto Musicale di Lucca để học nhạc với Carlo Angeloni (học trò giỏi của Michele Puccini bố ông) và Giovanni Paisiello. Năm 1875, ông phụ trách đàn phong cầm cho nhà thờ làng Muligliano kế bên và giáo xứ Pietro ở Somaldi. Puccini tham gia nhiều cuộc thi; thắng có, thua có nhưng không kiêu và nản chí.

Điều đáng ngạc nhiên: “O Mio Babbino Caro” là tác phẩm gốc thuần hài duy nhất mà ông phổ nhạc; được trình diễn tại Metropolitan Opera House hôm 14/12/1918. Tuồng cuối cùng “Turandot” viết dang dở có lẽ do bệnh phổi nan y cho nên 2 màn cuối của tuồng được viết thay bởi Franco Alfano và được trình diễn lần đầu tại La Scala ở Milan hôm 25/4/1926. Tác phẩm nổi tiếng nhất La Bohème (1896) đã được ông phổ nhạc từ bản thiên hùng ca “La Divine Comédie” của Alighieri Dante (1265-1321) và trình diễn tại Los Angeles USA hôm 18/10/1897. Các tuồng nổi tiếng kia gồm Tosca (1900), Madama Butterfly (1904), và Turandot (1924). Ông mất hôm 29/11/1924 tại Brussels hưởng thọ hơn 65 tuổi.

(Puccini, nhà soạn nhạc opera)

Ca khúc “O Mio Babbino Caro” được trình diễn trong vở tuồng một màn “Gianni Schicchi” hồi 1918. Vở tuồng kể lại câu chuyện nhân vật Gianni Schicchi sống ở Florence, Ý hồi thế kỷ XIII đã đóng vai giả làm kẻ giàu có và danh giá vừa qua đời –  đại gia Buoso Donati – để sửa di chúc. Thân nhân bu quanh giường “death bed” của Donati để tiếc thương ông thì ít mà để tìm hiểu di chúc của ông thì nhiều. Khi nghe tin đồn toàn bộ gia tài ông dành cho một nhà dòng CG, họ bèn nhốn nháo đi tìm tờ di chúc vốn bị Rinuccio giấu nhẹm.

Rinuccio (có mẹ là chị em họ của kẻ quá cố Buoso Donati) tin chắc mình được chia phần lớn gia tài nên đã xin dì hắn cho cưới cô bồ Laurette, con gái của Gianni Schicchi vì bà dì từng nói sẽ thuận nếu hắn nhận được thừa kế. Rinuccio hí hửng mời cha con Lauretta và Gianni Schicchi cùng đến nhà cụ quá cố Donati để nghe hắn đọc di chúc. Khi biết gia tài đâu có thuộc về mình, Rinuccio quẫn trí vì sẽ mất cả của lẫn người nên y năn nỉ Gianni giúp đảo ngược tình thế. Gianni Schicchi thấy anh ta không đáng để giúp nên từ chối khéo. Thấy thế, cô con gái Lauretta năn nỉ bố và dọa thà gieo mình chết đuối dưới dòng sông Arno còn hơn là không lấy được anh bồ Rinuccio. Lời lẽ thống thiết ấy chính là nội dung bản “O Mio Babbino Caro” tiếng Ý như sau:

O mio babbino caro, mi piace, è bello bello, vo’andare in Porta Rossa; a comperar l’anello! Si, si, ci voglio andare! E se l’amassi indarno, andrei sul Ponte Vecchio; ma per buttarmi in Arno! Mi struggo e mi tormento, O Dio! Vorrei morir! Babbo, pietà, pietà! Babbo, pietà, pietà!” (Oh mon cher papa; Il me plait, Il est si beau; Je veux aller à la Porta Rossa pour acheter ma bague de fiancailles; Oui, je veux y aller et si je devais l’aimer en vain, j’irais sur le Ponte Vecchio pour me jeter dans l’Arno; Je souffre mille tourments; Oh mon Dieu, je voudrais mourir; Papa, pitié, pitié!) (Ôi bố thương, con mến chàng ta đẹp trai; con muốn đi mua nhẫn ở Porta Rossa lắm lắm; cho nên nếu hôn nhân bất thành, con sẵn sàng tới cầu Vecchio trầm mình xuống dòng sông Arno. Con bị thất tình và đau xót. Trời ơi cho tôi chết quách cho xong; Bố ơi cứu con với! ).

 Sau khi nghe lời ca thống thiết này, ông Schicchi đã tương kế tựu kế giấu xác cụ Donati rồi đóng vai giả dạng kẻ còn đang hấp hối viết lại tờ di chúc; thay tên nhà dòng địa phương bằng tên của Rinuccio; bất chấp sự phản đối của thân nhân kẻ quá cố. Thế là anh “nhà giàu” Rinuccio ngang nhiên cưới được cô vợ Lauretta. Hồi kết “có hậu” của vở tuồng với cảnh đôi tân phu phụ sát cánh ôm ấp bên nhau lôi cuốn đến độ khiến Schicchi quay xuống trực tiếp ngỏ lời với cử tọa rằng dù mình có bị phạt xuống hỏa ngục thì cũng đáng vì ca khúc đã giúp đôi trẻ hạnh phúc bên nhau. Kết thúc tuồng opera, Schicchi xin cử tọa thứ lỗi vì tình huống ấy khiến mình đáng được “ân giảm”.

Thành công về nhạc opera không chỉ có “sopranos” người Âu Mỹ. Do đó không thể không kể đến danh ca “Sumi Jo” (tên thật Su-gyeong Jo sinh ngày 22/11/1962 tại thủ đô Seoul, Nam Hàn), một tấm gương xuất chúng. Kế thừa với sứ mệnh hoàn tất giấc mơ dang dở của bà mẹ (một pianist và ca sĩ tài tử không thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc vì cuộc chiến tranh xâm lược của Bắc Hàn và Tàu Cộng hồi thập niên 1950), cô đã từ bỏ Seoul National University (SNU) sau vài niên học hồi 1981, từ bỏ sân khấu Seoul Opera đi đường “tắt” đến thẳng Roma với chỉ có 300 USD trong túi để tạo sự nghiệp; bắt đầu việc học tại Accademia di Santa Cecilia. Ngoài âm nhạc, cô còn phải học tiếng Ý bản xứ để giao dịch và các ngôn ngữ khác như Pháp, Đức, Spanish, Nga để trình diễn. Cuộc sống đắt đỏ và xa lạ nơi xứ người khiến cô phải vừa học vừa lao động sinh nhai nên chỉ có 4 giờ mỗi ngày để ngủ nghỉ. Vì thế có lần cô bị ngất xỉu ngoài đường.

Tuy nhiên trời không phụ lòng kẻ có hiếu và chí lớn: Hai thầy Carlo Bergonzi và Giannella Borelli đã tận tình giúp cô cất giọng hát của mình tại các cuộc hòa nhạc và đài radio, TV địa phương. Vì thế cô phải đổi tên “Su-gyeong” thành “Sumi” cho dễ phát âm. Sau khi tốt nghiệp năm 1985, cô học luyện giọng với Elisabeth Schwarzkopf và đoạt một số giải quốc tế ở Naples, Enna, Barcelona, Pretoria và cả Seoul. Giải nhất cuộc thi Carlo Alberto Cappelli International ở Verona của cô hồi tháng 8/1986 đã được ban giám khảo đồng loạt chấm đậu. Cao điểm sự nghiệp vững chắc của Sumi; ngoài các dĩa nhạc và hợp đồng to tát, còn được đánh dấu bởi chuyến viếng thăm Seoul của ĐGH Francis hôm 15/8/2014. Trong thánh lễ đại trào tổ chức ngoài trời tại vận động trường Daejeon World Cup Stadium ở Seoul vĩ đại với hàng triệu người tham dự, giọng soprano đầu tiên của châu Á được quốc tế công nhận – cô Sumi Jo – đã thánh thót vang lên điệp khúc “Panis Angelicus“, “Ave Maria” và các bản thánh ca khác như một tiếng hát thiên thần.

Bản “O Mio Babbino Caro” là một trong số các bài hát được yêu chuộng nhất và thành công nhất trong lịch sử sân khấu opera. Hàng ngàn clips audio và video “O Mio Babbino Caro” được đưa lên internet với các giọng soprano thiên phú “world class” trình diễn bởi Sarah Brightman, Anna Netrebko, Kathleen Battle, Dame Joan Hammond, Montserrat Caballé, Angela Gheorghiu, Maria Callas. Dĩ nhiên bên cạnh ca khúc “nhạc đời” ấy là nhiều ca khúc “nhạc đạo” cho mùa Noel mỗi năm với các giọng nam tenor, baryton, basse của các danh ca quốc tế Luciano Pavarotti, Placido Domingo, José Carreras; các giọng nữ soprano, mezzo soprano, contralto của các danh ca quốc tế Renata Tebaldi, Elina Garanca, Francoise Pollet, Mirella Freni, Katia Ricciarelli, Diana Damrau, Rence Fleming, Laura Allrich, Lara Fabian, Deanna Durbin, Sumi Jo. Cùng trang lứa với Sumi Jo còn có Charlotte Church, Jackie Evancho nữa…

Một thế kỷ sau khi kí-âm-pháp đã hoàn chỉnh, một phong trào “tân folk music” ra đời đã thế tục hóa nghệ thuật âm nhạc TCG; chiếm dụng “tác quyền kí âm pháp” của GHCG, chấm dứt thời kỳ “nhạc Trung cổ” của giáo hội hồi năm 1100 để được tự do phát triển hoàn toàn cho đến nay. Các khuôn mặt Josquin des Prez, Palestrina, Thomas Tallis, William Byrd là bốn trong số các biểu tượng của phong trào. Phong trào này lúc đó bị miệt thị như “tà giáo” vốn giẫm chân vượt lằn ranh đỏ “báng bổ” tôn giáo. Do đó, với đà phát triển ngày càng lớn của phong trào cho đến nay, “Gregory Chants” chỉ còn là phần thuần túy tôn giáo cô đọng trong âm nhạc; nhất là khi khuynh hướng tách tôn giáo ra khỏi thế quyền ở châu Âu được khẳng định. Từ đó, GHCG không còn “kiểm duyệt” được âm nhạc như thời Trung cổ nữa; và trong giai đoạn Renaissance, thánh nhạc và nhạc đời cùng song hành để rồi không ai có thể tưởng tượng ra loại nhạc Noel sau này dưới dạng Rock, Jazz, New Way, Techno ..vv..

Có lẽ với từng nốt trong âm nhạc tây phương nói chung, nhạc Noel đạo đời nói riêng, mọi composers, nhạc sĩ và ca sĩ trình diễn, và khán thính giả thưởng thức không thể không tri ân dòng thánh Biển Đức và cách riêng nhạc sư Lm Guido d’Arezzo của GHCG vì đã giúp họ phương thức thiết yếu và trọng yếu nhất để sáng tác và trình diễn. Không có nhạc sư Lm Guido d’Arezzo với kí-âm-pháp và xướng âm pháp của ngài; cùng với tiến bộ kỹ thuật về in ấn, nhạc cụ và truyền thông, nhân loại chưa thể sáng tác, trình diễn và thưởng ngoạn như tầm vóc hiện nay. Tri ân nhạc sư Guido d’Arezzo, dòng Biển-Đức và giáo hội Công Gíáo để trong mỗi mùa Giáng Sinh hằng năm; tín đồ và cả nhân loại văn minh được ‘vinh danh Thiên Chúa trên trời’ qua tiếng hát thiên thần với điệp khúc “Gloria In Excelsis Deo” và lời chúc “Bình an dưới thế cho người thiện tâm“!

Riêng người Việt ái quốc trong và ngoài nước cũng không thể không tri ân Lm Đắc-lộ (Alexandre de Rhodes) và các linh mục dòng Thừa Sai Paris của GHCG; vì không có các ngài, chúng ta vẫn phải dùng mẫu tự của kẻ thù xâm lăng truyền kiếp phương bắc; mà với “thời kỳ Bắc thuộc lần 4” hiện nay càng dễ trở nên một yếu tố và cái cớ để sáp nhập đất biển và Hán hóa dân Việt “danh chính ngôn thuận “cụ thể hơn nữa.

HÀ BẮC

(tham khảo tài liệu của Aaron Green, Rev Carlo Rossini, Dr Justin Wildridge, André Hodeir, A. Danhauser, nhiều tài liệu khác và internet)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here