Khai bút đầu năm Giáp Thìn

0

Linh Vũ

Cứ mỗi lần Tết đến tôi luôn có bài khai bút đầu năm với một vài đề tài đặc biệt để chia sẻ với bằng hữu. Năm nay năm con rồng “Giáp thìn” rồng là một giống vật tốt lành trong truyền thuyết cổ xưa của Trung Quốc, Việt Nam và một số Quốc gia Châu Á. Con rồng thường đại diện cho uy quyền, sự cao quý, vinh quang, sự may mắn, giàu có, hạnh phúc và đau khổ. Hôm nay tôi xin khai bút một đề tài được nhiều người nói đến là sự đau khổ và hạnh phúc.

Đau khổ và hạnh phúc hay nói một cách khác là niềm vui và nỗi buồn, đây là hai khái niệm trái ngược nhau. Có người cho rằng hạnh phúc không bằng nỗi đau và nỗi đau không bằng hạnh phúc. Tuy nhiên, dù có suy nghĩ thế nào thì cả hai luôn phụ thuộc lẫn nhau, nếu không có đau khổ thì làm sao biết được hạnh phúc là gì? Mặt khác, nếu không có hạnh phúc thì làm sao chúng ta biết được đau khổ ra sao? Vì vậy, nỗi đau và hạnh phúc vừa đối lập vừa bổ sung cho nhau. Vì vậy, khổ đau và hạnh phúc mới nhìn vô có vẻ đối lập nhau nhưng thực chất nó chỉ là sự nhìn thấy bề ngoài do tâm ta suy diễn. Tại sao gọi là hạnh phúc vì chúng ta so sánh với đau khổ, ngược lại nếu giảm bớt đau khổ thì chúng ta gọi nó là hạnh phúc. Nói chung, là do có được hay mất đi do tâm ta suy nghĩ hay tự mãn.

  Như vậy khổ đau và hạnh phúc là gì? Thật ra đó là cảm giác vui sướng về thể chất và tinh thần mà con người cho đó là hạnh phúc, nếu những thứ đó không có thì cho là đau khổ. Tất cả nỗi đau và niềm vui chỉ là cảm xúc chủ quan mà không có tiêu chuẩn khách quan. Hoàn cảnh sống rất quan trọng, ví dụ một gia đình nghèo quanh năm không ăn được miếng thịt, nếu một ngày nào đó có bữa ăn thịt cá đầy đủ thì trong giây phút đó họ có cảm giác sung sướng. Ví dụ khác, một em bé sống ở Hoa kỳ một bữa ăn gần cả chục món khác nhau nó lại cảm thấy khó chịu không muốn ăn, nhưng đối với nhưng em bé nghèo khổ thì họ suy nghĩ khác, họ sung sướng mừng rỡ. Cho nên điều thích hay không thích đó là cảm giác. Một ví dụ khác nếu có một công nhân sửa đường, làm việc dưới ánh nắng như thiêu đốt, nếu họ được nghỉ năm mười phút trong bóng mát, uống một ly nước lạnh thì lúc đó cảm giác của họ ra sao, sung sướng hay khổ đau! Nói tóm lại, cảm giác đau khổ và vui sướng khác nhau ở mỗi người, theo từng thời điểm, tùy nơi chốn hay môi trường khác nhau mà thôi.

Đức Phật đã nhận ra chân lý đó, dựa trên những quan sát của chính bản thân mình, cho nên Ngài cho rằng cuộc đời là bể khổ và có nhiều loại khổ khác nhau như đau đớn, thống khổ, bất mãn, khiếm khuyết, vô thường, hư ảo, chia ly, buồn phiền.v.v. Nếu nói như vậy, hóa ra Phật giáo là một tôn giáo bi quan không? Thực ra, Phật giáo không bi quan cũng không lạc quan, theo quan niệm và sự hiểu biết của tôi thì Phật giáo có góc nhìn rất thực tế. Đức Phật đã quan sát sự thật của cuộc sống trên thế gian có đầy rẫy những rắc rối và khuyết điểm. Ngài đã thấy một sự thật mà con người trên thế giới chưa hiểu được. Ngài giống như một bác sĩ khám bệnh cho bệnh nhân, Ngài không phóng đại, không che giấu tình trạng của bệnh nhân mà phải nói lên sự thật, cho nên Đức Phật đã nói và chỉ cho nhân loại sự khổ đau trên thế gian này.

Khổ chính là hiện thực của cuộc sống, có hai loại khổ mà chúng ta phải đối diện mỗi ngày đó là thân khổ, tâm khổ hay nói rõ hơn là sự “đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần”. Ngoài hai khổ đau đó còn một loại khổ đau mà chúng ta không nhận ra, đó là nỗi khổ “thói quen mà con người không để ý đến” đó chính là nỗi khổ vô thường. Nói như thế không có nghĩa là không có hạnh phúc ở đời, ví dụ như hạnh phúc mối quan hệ gia đình, hạnh phúc của ngũ dục, hạnh phúc của sự toại nguyện, hạnh phúc vì không dính mắc.v.v.. Nhưng mọi hạnh phúc đó đều nằm trong đau khổ. Tại sao tôi lại nói như thế nghe rất nghịch lý, vì theo học thuyết duyên khởi, hạnh phúc là do nhân duyên tạo nên và không phải là bất biến. Hạnh phúc luôn thay đổi theo nguyên nhân và điều kiện, những đau khổ về thể chất và tinh thần rất rõ ràng để chúng ta nhận biết, duy nhất chỉ có loại đau khổ bởi sự vô thường thì rất khó nhận ra mà thôi.

Khi đề cập đến đau khổ, thì bản chất và cách phân loại của chúng cũng khác nhau. Con người có những loại khổ đau về thân xác là sinh lão bệnh tử và ba loại về tinh thần là tham, sân, si. Những loại đau khổ này đại diện của mọi loại đau khổ của con người. Tóm lại, nỗi đau vì đói, của bệnh tật, của thời tiết gió mưa, lạnh nóng, hay của chiến tranh dao gươm súng đạn, gậy gộc gây ra đó là loại đau đớn về thể xác nó thay đổi tùy theo mức độ nhạy cảm hay u ám trong cảm xúc của mỗi người.

 Bây giờ chúng ta nói đau khổ về tâm lý tức là về mặc tinh thần. Ví dụ cái chết của người thân, danh tiếng bị tổn hại, mất tiền, tan vỡ mối quan hệ vợ chồng.v.v., sẽ gây ra đau khổ về tinh thần. Một ví dụ khác, khi những đôi tình nhân trẻ đi thưởng ngoạn một danh lam thắng cảnh với bầu không khí trong lành, phong cảnh đẹp thì họ cảm thấy hài lòng và hạnh phúc. Nhưng nếu họ đi quá nhiều giờ hoặc phải leo đèo xuống dốc, qua sông lội suối thì cơ thể tay chân trở nên mệt mỏi, khát nước môi lưỡi khô, cảm giác đờ đẫn.v.v. thì cảnh đẹp bây giờ sẽ ra sao, có còn ưa thích phấn khởi như lúc ban đầu không? Lúc này họ thích điều gì ! Cảm giác ra sao, họ muốn được điều gì? Một quán nước giải khát, một chỗ ngồi nghĩ chân.v.v. Lúc này tâm trạng của họ đã thay đổi từ hạnh phúc, vui vẻ sang khổ đau khó chịu. Đây là sự sinh khởi và tồn tại của thế giới hiện tượng tất cả đều phụ thuộc và liên quan với nhau, đây là duyên khởi. Hay có người cho rằng hiện tượng hay hành động này là sự “khổ đau vô thường”.

Nói xa hơn trong lĩnh vực vũ trụ thì quá trình sinh ra, tồn tại, biến đổi và mất đi của vạn vật đều do sự kết hợp của nhiều duyên khác nhau, bổ sung cho nhau ở giai đoạn đầu nhưng lại đẩy lùi và đối kháng nhau ở giai đoạn cuối. Từ việc bổ sung cho đến loại trừ lẫn nhau hay hủy diệt của chính nó, yếu tố này không đến từ thế giới bên ngoài mà vẫn là bản thân của sự vật.

Dựa trên sự hiểu biết nói trên thì hạnh phúc, niềm vui hay đau khổ đều không thể tồn tại mãi mãi theo quy luật vô thường. Tuy nhiên, khi Phật giáo nói đến khổ đau thường được tượng trưng bằng những loại khổ sau đây: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ. Rồi Ái biệt ly khổ, Sở cầu bất đắc khổ, Oán tằng hội khổ, Ngũ uẩn khổ. Hầu hết những khổ đau đó tất cả chúng sinh trong cõi này không ai tránh khỏi.

Tóm lại, đau khổ của con người cho dù là loại khổ đau nào cũng có phúc có niềm vui trong đó, như quá trình sinh, lão, bệnh, tử đều có phúc. Ví dụ mừng ngày sinh nhật, mừng sinh con trai hay gái, mừng chữa được lành bệnh, mừng cha mẹ tuổi trường thọ.v.v. Nói chung con người ai cũng có hạnh phúc và đau khổ, sinh và tử không ai tránh khỏi, cho nên khi sống nên làm việc thiện hoặc giữ tâm luôn bình an, không hề hối hận thì tâm sẽ được an lạc, bình yên, còn ngược lại làm việc ác hoặc làm tổn hại đến quy luật tự nhiên thì lòng họ sẽ cảm thấy sợ hãi và đau đớn.

Sau khi nhìn thấy tất cả những đau khổ nói trên, chúng ta không thể chối cãi đời người là một bể khổ bao la không bến bờ. Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận sự hạnh phúc, nhưng dưới sự chi phối của quy luật vô thường, mọi hạnh phúc đều ngắn ngủi và mọi hạnh phúc đều chứa đựng những yếu tố đau khổ và nó để lại cho con người những khiếm khuyết, trống rỗng và do dự. “Hạnh phúc” và “đau khổ” là hai trạng thái cảm xúc đối lập mà con người trải qua trong cuộc sống. Đây là những khái niệm trừu tượng và phức tạp, thường được hiểu và trải nghiệm theo cách riêng của mỗi người. Để kết luận tôi xin đưa ra một câu nói của Drummond: “Niềm vui ngọt ngào nhất trên đời chỉ là sự ngụy trang cho nỗi đau.”

Linh Vũ

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here