Không Em Mất Cả Mùa Xuân

0

Linh Vũ

Ai đã từng sống vùng quê hương nghèo nàn trong quãng đời tuổi thơ, ít nhất cũng có một lần rong chơi trên những cánh đồng lộng gió với đám bạn bè, hay đua nhau thả bay những cánh diều cao ngất trời xanh với lũ con trai cùng xóm, hay suốt ngày đá banh bưởi trên ruộng khô vừa gặt xong còn thơm mùi rạ. Những ngày trời trong gió mát, tụ năm, tụ bảy rủ nhau đi câu cá, tắm sông, đi tát mương bắt cá rô, cá lóc, mò tôm, bắn chim, bẩy thỏ.v.v. Hay những buổi trưa hè kéo nhau ra đồng khô, đốt lửa nướng cá, nướng tôm, ca hát nghêu ngao. Kỷ niệm tuổi thơ chỉ có vậy.

Thú chơi tuy dân giả, quê mùa nhưng đầy hồn nhiên trong sáng. Tuổi thơ của tôi chỉ là một bức tranh mộc mạc bình dị như cỏ cây, nhưng tất cả là khung trời thơ mộng đã thấm sâu trong tim óc, đã trở thành nét văn hoá đẹp nhất trong ký ức tôi mà suốt đời không bao giờ phai nhạt…. Tuổi hoa niên của tôi mộc mạc hồn nhiên, chẳng có điều gì quí hiếm để ca tụng, hồi tưởng. Những lúc chạnh lòng, tôi mang một chút ước mơ nhỏ nhoi thả bay theo cánh diều no gió trong những chiều vàng rực rỡ. Cho nên cứ mỗi lần nhìn thấy những cánh diều lướt gió trên trời cao, lòng tôi không khỏi bồi hồi nhớ về tuổi thơ, nhớ những ước mơ, hy vọng, nhớ đám bạn năm xưa ở quê ngoại trong những tháng hè theo bọn nó vui đùa, đá banh, bắt dế.

Nghĩ lại, đến bây giờ đã hơn năm mươi mùa xuân trôi qua trên cánh đồng tuổi dại, nay tóc đã bạc, kỷ niệm cũng lu mờ theo thời gian. Nhiều lúc buồn, lật ngữa đôi bàn tay nhìn đường chỉ số mệnh, chỉ thấy toàn những vết chai sạm của kiếp người cơm áo. Lúc trở trời, đổi gió thấy sức khoẻ của mình yếu dần, đi đứng chậm chạp, đôi mắt không còn thấy rỏ, tai cũng lãng đi nhiều. Hôm nay, dù cố giữ laị những điều mong muốn hay nuối tiếc một thời xa xưa, tất cả cũng chỉ là vô vọng, vì con đường trước mặt mỗi ngày càng thâu ngắn hơn, lắm lúc thật buồn! Cuộc đời hẳn là như thế, có ai không qua những khúc quanh số mệnh. Dù biết vậy, nhưng vẫn hoài mong. Cũng may, trong tận cùng ký ức vẫn còn cất giữ chút kỷ niệm của tuổi thơ. Cho nên, lúc cô đơn hay những đêm buồn chùng xuống, tôi thường moi lại trong trí nhớ vùng trời xưa cũ, để an ủi chính mình, để xua đuổi chuyện đời âu lo tan mau trong giấc ngủ.

Thỉnh thoảng tôi vẫn mơ về cánh đồng mênh mông của thời nhỏ dại, có con trâu, đàn cò trắng bay về cuối chân trời. Ðôi lúc thèm lang thang một mình dưới nắng vàng trong công viên, để nhớ về mùa thu trên con phố nhỏ. Hay những lúc ngồi trầm ngâm một mình trước hiên nhà, nghe gió thoảng bay qua chợt nhớ lại mùi hương của tóc, hay một chiếc nón bài thơ, một vạt nắng hè…. Nhiều khi nghĩ lại cứ trách mình, già rồi sao vẫn còn lãng mạng, vẫn vơ. Ừ nhỉ! Cũng lạ. Tóc nay đã bạc, niềm hy vọng cũng không còn gì, nhưng không hiểu tại sao, cứ mỗi lần nghe những khúc nhạc hè lòng lại cảm thấy nhẹ bổng, như có một dòng suối mát len giữa trái tim, như đâu đó có tiếng ve sầu, với cành phượng đỏ trước sân trường thủa nọ.

Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn
chín mươi ngày qua chứa chan tình thương….

Càng nghe, càng thấy lòng nao nao nỗi nhớ đến những mái trường ngày xưa đã một thời vui buồn sách vở. Tôi nhớ đến trường trung học Võ Tánh Nha Trang, trung học Trần Bình Trọng Ninh Hòa, trung học Banmêthuột, trường Đại Học Luật Khoa Sài Gòn, trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt.v.v Thế rồi, lòng buồn quay quắt vì tất cả đã tan biến theo thời gian chẳng còn gì giữ lại, ngay cả những mảnh giấy goị là quan trọng nhất cho cuộc đời cơm áo, là thước đo điạ vị, danh dự, bây giờ cũng chỉ là những tờ giấy lộn vô nghĩa nằm yên trong ngăn tủ. Nghĩ đến thân phận, dĩ vãng càng thấy nỗi buồn đau nhói trong từng tế bào da thịt, còn kỷ niệm tuổi thơ bây giờ chỉ là những hạt giống xanh không thể nẩy mầm. Nghĩ đến thời đi học, còn mặc quần đùi đi chân đất thấy thương mình quá đổi. Nhiều lúc chỉ an ủi chính mình bằng vài khúc nhạc vu vơ thuở nọ:

Còn buổi học cuối cùng này thôi
Mai chúng ta giả biệt người ơi…
Tâm sự đi những gì chưa nói….

Chỉ có vậy thôi thế mà nhớ, mà thương. Có lẽ, thời đó không một ai cảm nhận sự chia ly là đau buồn như thế nào giống như bây giờ, ba tháng hè chỉ là sự xa cách ngắn ngủi trong tình nghĩa thầy trò, lưu luyến vì không còn bạn bè đùa giỡn mỗi ngày, điều lo âu, bịn rịn vì sợ niên học mới không còn gặp lại nhau. Ba tháng hè mỗi đứa đi một nơi, đứa theo gia đình du lịch phương xa, đứa phụ giúp công việc cho gia đình, đứa về quê hưởng thú ruộng đồng…… Trong những năm tháng đó, không những tôi chia tay đám bạn sau một niên học dài, mà tôi còn chia tay với bọn nhóc ở quê ngoại tôi sau ba tháng hè rong chơi, đầy ấp những kỷ niệm đầy thương, đầy nhớ….

Năm đó, tôi học lớp Ðệ Tam A trung học Võ Tánh, cứ đến kỳ nghỉ hè tôi thường về quê ngoại để rong chơi cùng đám nhóc trong làng. Tôi nghĩ, thành phố sống riết rồi đâm ra chán, không có nhiều thú vui như ở thôn quê, loanh quanh chỉ biết rủ nhau đi xem xinê, tắm biển hay cùng lắm la cà các quán cà phê, là hết. Còn thôn quê tuy không có phương tiện văn minh, nhưng có hằng trăm thú vui chơi hồn nhiên, trong sáng, đùa giỡn suốt ngày không biết chán. Bởi thế, hè năm nào tôi cũng về quê vui chơi với đám bạn.

Năm đầu tiên trở về, tôi được bọn nó đón tiếp khá nồng hậu bằng một chầu BBQ thỏ rừng ngon tuyệt. Trong nhóm gồm năm đứa: thằng Giao xóm trên, thằng Nhạc xóm dưới, thằng Kỉnh con ông cậu tôi, thằng Xẹ xóm giữa, thằng “Được Sún” ở cuối sông và con Xuyến nhà gần lộ. Chỉ sau một ngày gặp nhau, bọn tôi đã nhanh chóng kết thành đám quỉ đồng quê bắt đầu phá làng, phá xóm và cũng từ ngày đó con Xuyến có thêm biệt danh là tiểu yêu nữ “Xuyến xí xọn”.

Ngày đầu nhập cuộc, tôi theo thằng Giao đi chăn trâu để đá banh với nhóm nhóc làng bên. Tôi và thằng Kỉnh con của ông cậu được bọn nó giao trách nhiệm mang theo hai trái bưởi làm banh đá. Sáng hôm đó, thằng Kỉnh và tôi thức dậy thật sớm, trốn ra vườn hái trộm hai trái bưởi rồi chạy một mạch đến nhà thằng Giao cùng nó lùa trâu ra đồng.
Đến khoảng trưa, đám con nít làng bên kéo đến thách đố cuộc đấu. Hai bên bàn thảo đồng thuận một thỏa ước, nếu bên nào thua thì phải đi bắt chuột đồng nướng đãi bên chiến thắng. Cuộc họp xong xuôi, bọn tôi năm đứa chụm đầu vào nhau bàn kế hoạch, phân chia đội hình thành 3-1-1 (một Thủ Mộn, một Hậu Vệ, một Tiền Vệ và hai Tiền Ðạo) chỗ khuyết thì tự động mỗi đứa đảm nhận khi cần thiết. Thằng Giao dắt trâu buộc vào cành cây lớn sát mé rừng, Cả bọn cởi bỏ áo trên bờ ruộng, để lộ bộ xương sườn dẹp lép nhô ra trên làn da đen kịt. Một thằng nhỏ nhất trong bọn làm trọng tài, hắn chu miệng huýt sáo một hơi dài…suýt…suýt…suýt. Trận đấu bắt đầu diễn ra khá hấp dẫn, sau một tiếng đồng hồ cả hai bên tranh nhau trong từng gang tấc nhưng chưa bên nào dành được bàn thắng, hai trái bưởi gần như mềm nhủn. Cầu thủ hai đội đều mệt lả, mồ hôi nhễ nhại. Thằng nhóc con trọng tài bèn huýt sáo một hơi dài…suýt ..suýt.. te…te.. ra lệnh cho bọn tôi chấm dứt trận đấu nghỉ xả hơi chuẩn bị cho hiệp nhì.

Cả đám nhóc tuột bỏ áo quần, nhòng nhọng nhảy bổ xuống sông vừa tắm, vừa uống nước cho đở mệt. Lúc này tôi thấy cuộc đời thật tuyệt vời, cả bọn thi nhau ngụp lặn trong dòng nước mát, đứa bơi ngữa, đứa bơi chó, đứa lặn sâu dưới sông, đứa rượt bắt, la hét vang trời. Trên cao bầu trời trong vắt với những cụm mây trắng bay lững lờ, những luồng gió từ mé rừng thổi lại lướt nhẹ trên mặt nước mát lạnh. Tôi thả người trôi bềnh bồng, đưa mắt nhìn trời xanh mây trắng, thấy lòng mình hoà lẫn giữa thiên nhiên với tuổi thơ trong trẻo, thật không còn gì sung sướng, tuyệt vời cho bằng. Bọn chúng tôi đang vui đùa, bỗng dưng có tiếng gọi ơi ới của con nhỏ “Xuyến xí xọn” vọng laị từ phía xa cánh đồng ruộng. Nó vừa chạy vừa giơ tay vẩy như có điều gì quan trọng lắm. Xuyến xí xọn la lớn.

– Các anh ơi! em mang thức ăn cho các anh đây, đồ ăn ngon lắm nè…

Nghe tiếng gọi the thé của con tiểu yêu “Xuyến xí xọn”, bọn tôi giật mình, vội vã leo lên bờ mặc vội áo quần rồi đưa mắt nhìn về phía con Xuyến đang hối hả chạy đến. Thật tội nghiệp “Xuyến xí xọn”, từ ngày ba má nó bắt phải nghỉ học, nó không còn bạn bè, lúc buồn thường tìm đến bọn tôi vui đùa, tâm sự. Năm nay nó cũng mười lăm, mươi sáu tuổi rồi còn gì. Bọn con trai đứa nào cũng thích con “Xuyến xí xọn”, nó có chiếc răng khểnh dễ thương, mặc dù nghỉ học nhưng tóc nó vẫn để dài chấm ngang vai trông rất bắt mắt. Tôi thích con “Xuyến xí xọn” vì mỗi lần bọn tôi đói bụng, nó lại xuất hiện với một vài món đồ ăn, nhất là trong những trận đá banh nó đều tiếp tế lương thực. Con “Xuyến xí xọn” không những tốt bụng mà nó còn có số hên nữa, trận đấu banh nào có mặt nó thì trước sau gì bọn tôi cũng thắng. Từ đó “Xuyến xí xọn” được bọn tôi đăt thêm biệt danh thứ hai “nữ thần bóng đá”, mặc dù nó chả biết tí gì về đá banh.
Xuyến chạy đến gần bọn tôi hí ha, hí hững mừng rở, rồi đưa cho bọn tôi một bọc đồ gói bằng giấy nhật trình, bên trong được bọc lớp lá chuối xanh, Xuyến tươi cười nói.

– Nhà em hôm nay có giỗ, em biết các anh có trận đấu với mấy thằng làng bên, cho nên em xin mẹ một ít xôi và bánh ích nhân đậu, mang đến cho các anh ăn, thêm sức đây…. Cả bọn thúc cùi chỏ với nhau cười khúc khích, nhưng không thằng nào dám đưa tay cầm lấy gói đồ, trong nhóm có thằng Giao nhanh mồm nhất liền xía vô.

– Con Xuyến cho mày đó, mày nhận đi, chứ bọn tao đâu có may mắn như thế đâu, cứ mỗi lần mày nghĩ hè về đây là tụi tao có dịp được ăn đủ thứ…nhận đi cho nó vui, bọn tao cũng đang đói bụng đây…. rồi cả đám con trai đẩy tôi đến gần Xuyến. Tôi không cần biết dụng ý bọn nó muốn gì, tôi đưa tay đở lấy gói đồ ăn trên tay Xuyến rồi lí nhí vài câu cám ơn, sau đó cả bọn cùng ngồi xuống sân cỏ, tôi mở gói bánh chia cho mỗi đứa cùng ăn.

Ăn xong, trận bóng đá bắt đầu trở lại, con nhỏ Xuyến ngồi trên bờ ruộng cổ động, lúc này bọn tôi đá hăng hơn, chưa đến mười lăm phút của hiệp nhì, phía tôi đã làm bàn thắng 1- 0. Mừng quá tôi bèn chạy lại gần Xuyến ôm nó thật chặt rồi xoay một vòng tròn, “Xuyến xí xọn” không tỏ vẻ phản ứng, nó mềm mại trong vòng tay ôm của tôi, khi tiếng reo mừng vừa chấm dứt, tất cả những con mắt chăm chú nhìn tôi, thấy mình hố, ngượng quá, tôi liền buông con Xuyến ra khỏi tầm tay và lúc đó tôi thấy đôi mắt Xuyến mở to nhìn tôi sửng sốt. Tôi không biết phải nói gì cho đỡ ngượng, chỉ ấm ớ vài câu không ra lời rồi chạy vội ra ruộng tiếp tục trận đấu…… cuối cùng kết quả bàn thắng vẫn giữ 1-0. Buổi chiều xuống chậm, cuộc vui cũng tàn theo ráng mây trên đỉnh núi. Bọn tôi mỗi đứa ngồi trên lưng trâu ca hát nghêu ngao thư thả về nhà. Cứ mỗi ngày như thế, tôi sống trọn ba tháng hè nơi quê ngọai với đám bạn bè chân chất.

Thời gian trôi qua mau, đến ngày tựu trường tôi phải trở về đi học, nhưng lòng vẫn bịn rịn muốn ở laị nơi này. Ngày trở về thành phố tôi mang theo đầy ắp những cánh diều, con sông, hàng tre, những cây bưởi, cây xoài, con cá rô, cá chép. Hình ảnh hồn nhiên đầy thân thương cứ theo tôi từng giờ trong lớp học, những trò chơi đánh bi, đánh đáo, săn thỏ, bắn chim hiện về trong giấc ngủ. Tôi yêu ruộng đồng, tôi yêu sông nước quê tôi, mặc dù chỉ là những bữa cơm gạo lức, những bát canh đọt bí, đọt bầu hay những bữa ăn đạm bạc với cá rô chiên dầm nước mắm ớt cay. Những thằng bạn nghèo nàn của tôi chỉ có mỗi cái quần đùi vải ta hay đôi dép cao su sứt quai cột chồng chéo toàn dây kẽm, hay con nhỏ Xuyến mặt mủi lem luốt, nhưng tốt bụng thường mang cho tôi những trái ổi, trái xoài. Tất cả tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng một đời tôi nhớ mãi. Hình ảnh thân thương đó nằm yên trong ký ức tôi cho đến hết những niên học.

Hai năm sau, tức là năm Ðệ Nhất, lần này nhìn tôi có vẻ người lớn hơn một chút, dáng vóc như đang bắt đầu trổ mã, giọng nói rè rè không mấy trong trẻo, mẹ tôi thường mắng yêu “Thằng nhỏ… này… dạo này phát mã quá hà nhen…” Tuy là thế, nhưng trong tâm hồn tôi chẳng có gì là người lớn cả, vẫn như là đứa con nít mười hai, mười ba, chỉ thích rong chơi hơn là học hành. Năm nay là năm cuối bậc trung học nếu thi rớt thì ước mơ theo cánh diều no gió của tôi sẽ sứt chỉ bay mất. Tuy biết thế, nhưng hè năm nay tôi lại xin mẹ về quê. Tôi nhớ bọn nhóc trong làng, tôi thích những trò chơi dân giả lấm đầy bùn đất, hay những lúc đói bụng ăn củ khoai, củ sắn rồi nằm lăn ra ngủ trên sàn đất không cần mền, cần chiếu… Tôi quyết định lên đường.

Tôi gặp lại đám bạn cũ, đứa nào cũng cao lớn. Nhìn con “Xuyến xí xọn” suýt nữa tôi nhận không ra, nó trổ mã nhìn lạ quá, tiếng nói, điệu bộ của nó đã trở thành thiếu nữ. Thằng Nhạc lần này trông có vẻ bảnh bao hơn, nghe đâu cha nó được bầu làm thôn trưởng, nên nó sửa soạn cho ra người của gia đình chức sắc. Hơn nữa, hiện nay nó đang trông nom xưởng nung gạch của ba nó, nên cuộc sống cũng khấm khá hơn nhiều. Thằng Kỉnh con ông cậu tôi đang muốn đôn tuổi để đi lính Bảo An Đoàn, còn thằng Giao nghe lũ bạn kể lại, nó bị nước cuốn chết trong kỳ lủ lụt năm rồi, tin thằng Giao chết lòng tôi buồn rũ rượi mấy ngày không ăn ưống. Thằng Xẹ không tìm được việc làm phải theo người anh họ ra tỉnh làm lơ xe, thằng “Được Sún” thì bỏ làng đi làm ăn nơi khác.

Năm nay trở về quê chỉ còn laị thằng Nhạc, thằng Kỉnh, tôi và con Xuyến. Cuộc chơi cũng đổi thay, bọn tôi không còn theo trâu ra đồng, không còn thả diều hay đá banh như năm trước. Lần này, thằng Nhạc rủ bọn tôi ban đêm đi soi đèn bắt ếch, ban ngày đến lò gạch của nó nhồi đất, nặn bình, lọ hoa, nặn con voi, con ngựa, nặn xe tăng, đại bác, ông Địa, Thần Tài.v.v kể ra trò chơi này cũng thú vị lắm. Sáng sớm, bọn tôi theo chân các người con trai đi đào đất trên những ruộng khô, cả bọn đứng chờ khi nào có đất dẽo, nhuyễn thì xin một tảng lớn mang vô nhà kho, chia nhau nặn đủ các thứ hình tượng cho đến chiều tối mới kéo nhau về nhà.

Trong nhóm bạn, con “Xuyến xí xọn” là đứa nặn khéo tay nhất, một hôm nó nặn được một cặp trai gái trông rất đẹp, nó mừng rỡ đặt tên tác phẩm là “đôi bạn”. Xuyến cẩn thận đem phơi nắng cho khô, gần chiều nó mang đến nhờ thằng Nhạc cho vào lò nung, nhưng khi mang đến không hiểu Xuyến đã nói gì với thằng Nhạc, tôi thấy nét mặt nó lộ vẻ giận giữ, rồi dùng sức mạnh của đôi tay ném tượng “đôi bạn” của con Xuyến xuống đất vỡ ra từng mảnh. Xuyến quay đi với hai dòng lệ lăn tròn trên má, tôi đến hỏi Xuyến. Taị sao nó liệng tượng của em vậy. Xuyến im lặng không nói điều gì, tôi cũng không muốn hỏi thêm sợ nó buồn, sau đó cả bọn cùng nhau đi về.

Cuộc chơi có lúc vui, lúc buồn, có lúc giận hờn vu vơ. Tuổi trẻ mấy ai tránh khỏi, nhưng sau đó thì làm huề và cả bọn thân thiện vui chơi với nhau trở lại. Kỳ nghỉ hè năm nay không vui nhiều như năm trước, nhưng vẫn ghi lại những kỷ niệm khó quên. Lần này không thả diều, đá banh hay lưới cá, cứ tối đến bọn chúng tôi thường rủ nhau đến lò nung gạch để nghe các trai làng và các cô công nhân hát sáu câu vọng cổ, ăn đậu phụng rang, bắp nướng, khoai lùi tro, uống trà lá vối. Tuy những sinh hoạt đơn sơ của xóm nghèo, nhưng đã để lại trong tôi những giây phút thanh bình, ấm áp. Mỗi lần nhắc đến quê hương, trước mắt tôi như ẩn hiện một ánh lửa chập chùng của lò nung gạch, những loé sáng của mảnh than đỏ rực, với tiếng nổ lách tách của củi khô, hay nghe văng vẳng từ một nơi nào đó, tiếng trầm bỗng của sáu câu vọng cổ hòa lẫn chút an bình, hạnh phúc.

Ba tháng trôi qua mau, tôi từ giả lũ bạn trờ về tỉnh đi học lại, chia tay lần này đứa nào cũng bịn rịn, cả bọn tiển tôi ra đến đầu làng. Tôi nói với chúng nó “kỳ hè tới sẽ không về nữa, bây giờ tụi mình đứa nào cũng lớn, cũng có việc làm ăn bận rộn, tao phải đi học một nơi xa, nên tạm chia tay với bọn mày, nếu có dịp, vài ba năm sau sẽ ghé về thăm”.

Tôi vừa bước đi Xuyến nắm vội tay tôi nói nhỏ. “Anh không về thăm Xuyến nữa sao, Xuyến nhớ anh lắm đó, mùa ổi sắp chín rồi làm sao em gởi ổi cho anh ăn…và….nếu Xuyến khóc đâu có ai lau nước mắt cho Xuyến…… sao lần này anh đi lâu quá vậy….anh ghét Xuyến rồi hả….” Con Xuyến nói như thì thầm, nghẹn ngào từng tiếng, tôi nhìn trong đôi mắt Xuyến long lanh những giọt lệ. Lòng tôi cũng chùng xuống, tôi kéo Xuyến đến gần an ủi. “Khi học xong đôi ba năm anh sẽ về thăm… Xuyến, nhớ để dành ổi cho anh là được rồi…” Xuyến vẫn nắm chặt tay tôi nói giọng thểu não. “Tiếc quá… hôm trước Xuyến có nặn tượng “đôi bạn” định nung chín tặng anh ngày lên đường, nhưng bị anh Nhạc ném bể rồi…bây giờ không có gì tặng anh hết chỉ có mấy trái cam thôi, anh hãy cất vào túi, đi đường trời nóng nhớ lột ra ăn cho đở khát nước….” Cầm mấy trái cam trên tay với nỗi buồn chất ngất, tôi không biết phải nói gì hơn với Xuyến, chỉ vẫy chào rồi quay đi thật nhanh để dấu cơn xúc động. Tôi bước vội lên xe, ông phu xe kéo dây cương thúc ngựa bước nhanh và lúc đó giọt nước mắt tôi cũng tuôn trào trên đôi gò má mà lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu được nỗi buồn của sự chia ly.

Hai năm sau, từ Sài Gòn tôi trở về thăm gia đình, nhân tiện ghé về quê ngoại thăm bọn ngũ quỷ đồng quê xem bây giờ bọn nó sống ra sao. Thời gian trôi qua nhanh qúa, thắm thoát đã hai năm, nhưng hôm nay trong tôi như còn in những kỹ niệm, tôi phải về để thở lại bầu không khí trong lành nơi miệt vườn. Tôi muốn nhìn những con chim mỏ đỏ bay lượn trên đọt lựu trước nhà cậu tôi, tôi muốn ngửi mùi hoa bưởi vườn nhà con Xuyến, muốn đến lò gạch thằng Nhạc nặn lại tượng đất của tuổi thơ….

Ngày hôm đó tôi vui đùa, tung tăng trên khắp nẻo đường quê, tôi tìm đến từng nhà của bọn ngũ quỷ, nhưng có một điều tình cờ làm tôi sững sốt, hôm đó là ngày Xuyến đi lấy chồng. Giữa tôi và Xuyến chỉ là bạn bè của tuổi thơ, nhưng sao trong lòng thấy chút buồn vu vơ, mặc dù trong thâm tâm tôi rất mong Xuyến được hạnh phúc. Tôi tự thầm, thôi thì mừng cho Xuyến gặp được bến bình yên, chuyện ngày xưa của chúng mình chỉ là kỷ niệm ấu thơ, những gì mình có trong nhau cũng chỉ là hồn nhiên tuổi trẻ.

Tôi quyết định đến nhà thăm Xuyến để chúc phúc cho nó, nhưng không hiểu tại sao bước đi của tôi mỗi lúc càng trĩu nặng, cuối cùng tôi chỉ đứng từ xa để nhìn. Hai hàng dăm bụt trước nhà Xuyến được trang hoàng bằng tàu dừa cắt ngắn, thành một chiếc cổng cao, phía trên treo khung giấy màu đỏ sáng rực với hai chữ “VU QUY”. Trước sân che mát bằng vài tấm rạ khô, xen kẻ những bẹ dừa xanh, để làm nơi đãi khách. Bàn ghế bằng những tấm ván thô sơ không đều nhau, sắp hai hàng ngang dọc, hai bên thềm nhà để những chậu hoa vạn thọ, hoa cúc xen kẻ nhau trông rực rỡ.

Bầu không khí mỗi lúc mỗi nhộp nhịp kẻ ra người vô, tiếng nhạc mở lớn từ chiếc máy cassette kê giữa sân, với những bản nhạc vui tươi quen thuộc dành cho ngày cưới. Tôi đứng một hồi lâu, nhưng không thấy Xuyến đâu cả, định quay bước đi thì bên kia đường có đoàn người rước dâu đi đến, tôi tò mò đứng lại quan sát. Trên đường mòn cuối ngõ một đoàn người già trẻ xếp lẫn lộn thành một hàng dài, người mang tráp trầu cau, kẻ khiêng lợn quay, người bưng mâm lễ vật, nam nữ áo quần bảnh bao đủ màu sặc sỡ. Tôi đứng nép vào gốc cây để xem chú rể là ai. Bổng dưng tôi giật mình, đứng lặng yên trong chốc lát rồi cúi mặt bước đi. Và bây giờ tôi mới hiểu tại sao khi xưa thằng Nhạc đã ném hai bức tượng “đôi bạn” của con Xuyến bể nát. Tôi thì thầm, thôi anh chúc em hạnh phúc, vừa bước đi tôi vừa cất tiếng ca giữa bầu trời thơm mùi lúa chín.

Biết đến bao giờ
Gặp lại người em thời ấu thơ
Để đón tin mừng từ ngày em xa rời bến mơ
Thí phút giờ đây, gặp mùa pháo cưới nở hoa
Quà nghèo chỉ có bài ca
Tặng nàng trước khi lìa xa….

Tình cảm tuổi thơ thật trong sáng và đẹp biết bao. Thôi thì chúc phúc cho nhau, bọn chúng mình không còn trẻ thơ nữa, tháng ngày rồi cũng trôi qua, thời gian sẽ thay đổi tất cả, còn chăng chỉ là những ký ức êm đềm trong lòng mang theo cất giữ trong cõi tồn sinh đầy buồn đau hôm nay. Anh chúc em một tương lai màu hồng với hương đồng cỏ nội.

Hết ấu thơ rồi
Cửa đời mừng em đẹp lứa đôi
Gắng sức theo chồng
Vợ hiền là con trăng rằm sáng soi….

Từ hôm đó tuổi thơ cũng vội vã ra đi, dòng đời xoay một khúc quanh không định hướng, tương lai nổi trôi không ngừng nghỉ. Thời gian không quay lại bao giờ, tháng ngày đã mang dòng sông tuổi thơ của tôi đổ ra biển cả, mất hút giữa đại dương và cuộc đời càng chìm sâu trong hư vô, vở vụn. Dần…dần cái buổi ấy bên lũy tre xanh, những buổi trưa hè ngào ngạt gió, những con đường trải dài qua xóm nhỏ như mất hút trong ký ức già nua. Tưởng là quên tất cả, nhưng khi ăn bát canh bầu, uống trái dừa xiêm, hay tình cờ nghe tiếng võng trưa kẻo kẹt với những vần điệu ca dao, bỗng dưng thấy thương mẹ, thương em, nhiều khi thấy đám trẻ nô đùa thả diều, bắt bướm, đánh bi, thấy thương lủ bạn bè đến rơi nước mắt.

Tất cả đều bỏ laị sau lưng, những thằng bạn năm xưa, có đứa lập gia đình sớm ở tuổi mười bảy, mười tám, đứa lên đường xông pha vào chiến trận, đứa vào Đại Học ra trường Bác Sĩ Kỷ Sư, đứa từ giả sớm cuộc chơi trần thế. Đời người ai cũng trải qua những cửa ải buồn vui, những khổ đau cơm áo, những đổi thay không cưỡng được…

Đến Tết năm 2007 tự dưng tôi nhớ đến dòng sông tuổi thơ, đến quê Ngoại, đến lũ bạn bè năm xưa của một thời mặc quần đùi đi chân đất. Mỗi ngày tiếng thở tuổi thơ trong tôi như đang lắng nghe những dịu dàng quen thuộc ở một góc trời yêu dấu cũ. Tôi mong muốn có một chuyến về thăm lại quê Mẹ, thăm lại trường xưa, bạn cũ. Đã trên ba mươi năm, sau những tháng ngày bỏ nước ra đi, cả cuộc đời chẳng có gì giữ lại, hôm nay trở về cũng không có gì qúy giá mang theo ngoài sự chán chường, mỏi nản của một kiếp người. Giàu sang, danh vọng cũng chẳng thay đổi được gì trong kiếp sống, bánh xe nhân sinh vẫn xoay đều không ngừng nghỉ, mọi vật vẫn đổi thay theo nhịp bước thời gian.

Sau ba mươi năm trở lại, quê ngoại tôi năm xưa đã đổi thay, những người quen bây giờ không còn nữa, tôi bàng hoàng xa lạ giữa chốn thân quen. Con sông năm xưa tôi thường phơi mình trên sóng nước, bây giờ đã khô cằn lô nhô những cụm đá. Hàng tre ven sông không còn nữa, trốc gốc nằm chênh vênh giữa nắng hè thiêu đốt. Quê mẹ tôi nghèo hơn xưa, tiêu điều đến ngỡ ngàng và buồn đến đổi không cầm được nước mắt.

Tôi về thăm mộ mẹ trong ngày Tết, thắp một nén hương trên mộ Ngoại, cho ông Cậu bà Mợ rồi lang thang rảo bước quanh làng cố tìm những người thân quen còn ai sót lại. Mọi người nhìn tôi xa lạ, chẳng hiểu tôi từ đâu đến, trong lòng thấy buồn nhiều hơn, tôi lặng lẽ tìm đến nhà của Xuyến và Nhạc, tôi nghĩ bụng, chắc bây giờ bọn nó già lắm, có cháu nội ngoại đầy đàn.

Lần này tôi đến thăm nhà Xuyến chắc chắn sẽ không có cảm giác sợ sệt như năm mươi năm về trước. Bây giờ tất cả đã già. Tôi sẽ mạnh dạn vô nhà thăm hỏi, sẽ đưa nhau xuống phố ăn uống, sẽ ở lại nhà tụi nó ngủ một đêm để hàn huyên tâm sự.

Nhưng cuộc đời thật oan nghiệt, khi tôi tìm đến trước cửa nhà Xuyến, thì thấy nhiều người tụ tập đông đúc, có tiếng kèn, tiếng trống đánh từng hồi ảo não. Tôi đến gần hơn, đó là một đám tang, một chiếc quan tài màu đỏ kê giữa nhà, bên trên để bức ảnh của Xuyến thời còn trẻ. Tôi bàng hoàng, đôi chân như không còn đứng vững, tôi đến bên quan tài đưa tay vuốt tấm ảnh, thắp một nén nhang với đôi lời cầu nguyện. Tôi nói với Xuyến hôm nay anh về để cám ơn em cho anh mấy trái cam thuở nọ, để hai đứa cùng đứng trong vườn ngửi lại mùi hương bưởi năm xưa. Nhưng Xuyến ơi! hôm nay chỉ có mùi hương trầm để tiển đưa em lần cuối. Ngày xưa em khóc, em nói không có anh lau nước mắt cho em, bây giờ anh khóc một mình đây, khóc như ngày xưa anh từ giã em ra đi, vẫn giọt nước mắt buồn đau dấu kín.

Mọi người nhìn tôi trân tráo như muốn hỏi điều gì, tôi im lặng đến sát bên quan tài, đưa tay vuốt nhẹ tấm ảnh Xuyến lần cuối rồi lặng lẽ bước đi với hai dòng nước mắt. Mọi người nhìn tôi ngạc nhiên tự hỏi, không biết ông gìa này từ đâu đến, có liên hệ gì?  Xuyến ơi! anh không cần phải giải thích ra sao, anh biết chỉ một mình em biết. Sau đó tôi viết một bài thơ tặng Xuyến

Không em. Mất cả mùa xuân (thể loại tân hình thức)

Mồng một. Tôi mặc áo màu xanh
cầu mong mùa xuân nhiều hy vọng
nhìn trẻ đùa rộn ràng như nắng
nâng ly rượu, mừng nhau thêm tuổi

Mồng hai. Tôi mặc áo màu đen
đọc kinh tiễn nhau trong lần cuối
em ra đi. Mùa xuân cúc trắng
đám tang buồn. Em tuổi sáu mươi

Tôi khóc. Tiếng bàng hoàng giữa ngực
em chẳng còn ngoái cổ bình yên
kinh Lạy Cha trắng vành nước bọt
trả ơn trời một tạ ơn em

mùa xuân đời lê mòn chân đất
em vĩnh hằng giọt nắng hôm qua
Mồng ba tôi mặc áo màu trắng
tiễn đưa em lần cuối bên nhau

chiếc áo quan gói đời em lại
tôi ngậm ngùi rớt xuống mênh mông
mùa xuân chẳng còn theo xuống phố
tôi chẳng còn một chổ thân quen

Mồng bốn tôi choàng thêm khăn ấm
thơ thẩn giáo đường tôi chờ em
có nắng xuân trắng dài trên tóc
em không về tôi chẳng còn ai

Mồng năm. Weston giày đen đánh bóng
tôi đứng trước nhà đợi bóng em
chiếc cổng xiêu ngang bốn mươi năm
chỉ già hơn màu buồn cây dâm bụt

em đi cây cỏ chẳng gọi tên
Mồng sáu tôi một mình uống rượu
chẳng biết khóc cười hay say tỉnh
nhưng có một điều tôi rất biết
mất em rồi tôi mất mùa xuân

 ………Trước khi lên đường trở về Mỹ, tôi ghé lại thăm trường cũ, chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, sau đó lang thang trên những con đường quen thuộc năm xưa, cố tìm lại những dấu vết thủa nào. Tôi đi ngang qua khu trường trung học Võ Tánh, chiếc cổng vẫn còn giữ nguyên của năm mươi về trước, chỉ khác tên trường đã đổi thành “Lý Tự Trọng” Tôi đứng lại đưa mắt quan sát tầng hai, cố tìm lại trong trí nhớ phòng nào là lớp học A1 năm xưa. Thời gian đã xóa đi tất cả, phấn bàn cũng lạ mặt người xưa, tôi nghẹn ngào, nghe trong từng hơi thở chút bùi ngùi xoáy ngang lòng ngực.

Trường xây thêm hai dãy bên hông trông dài và rộng hơn nhưng không khác lắm, vẫn hàng cây thông và cây muồng tây trước cửa, chỉ xác xơ cành lá dưới nắng hè. Trước cổng trường đám học trò mặc đồng phục quần xanh áo trắng lũ lượt kéo nhau vào lớp. Tôi đứng quan sát thật lâu, nhìn mãi đám học trò, nhưng không tìm thấy có tuổi thơ của mình quanh đó. Buồn! quay mặt bước đi và hình như tôi không còn nghe tiếng sóng êm đềm vọng lại phía sau như những ngày xưa thân ái.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here