Ngày Xuân Đợi Chờ

0

Ngày xuân đợi chờ 
Phan Đông Thức

Thật ra Báu là đứa con trai duy nhất với người vợ kế của ông Cửu Chín ở thôn Đại Điền Đông thuộc huyện Diên Khánh. Trước năm 1975, ông Cửu Chín vốn là một người có máu mặt trong làng, trong xã vì ông ta có phẩm hàm lại vừa thừa hưởng cái gia tài kếch xù của cha mẹ ông để lại. Hơn hai mươi mẫu ruộng ở thôn Phú Lộc ông cho tá điền làm thuê và hằng năm ông chỉ ngồi vắt chân chữ ngũ mà tính lúa đem về đổ vào đầy bồ, đầy cót. Thêm vào đó ông còn có mấy lò gạch ở thôn Đại Điền Trung với một số nhân công cũng trên vài chục người do đứa con gái đầu lòng của ông trông coi.
Vì bà vợ trước của ông không cho ông một đứa con trai nào để nối dõi tông đường nên bà ta bằng lòng để ông Cửu Chín lấy vợ lẽ và Báu mới thực sự là quí tử của ông. Cái tên Báu cũng từ ấy mà ra. Sinh ra trong một ra đình giàu có, của ăn, của để dư thừa nên Báu không để tâm đến việc học hành mà chỉ biết ăn chơi, quần tam tụ ngũ. Trầy trụa lắm anh mới học xong mảnh bằng Tú tài phần một và sau đó anh bị động viên sau biến cố Mậu thân. Cuối cùng, anh theo học trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức cho dù ông Cửu Chín cũng đã gõ nhiều cửa quan. Sau bốn năm làm ở Ban Quân Số tại Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng vì bản tính ham chơi nên anh bị thuyên chuyển làm huấn luyện viên tại Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn, Dục Mỹ.
Khi về công tác tại trung tâm này, những ngày cuối tuần anh không về Diên Khánh để thăm gia đình mà trái lại anh thường lái chiếc xe Vespa Sprint màu xám nhạt mà cha anh đã tặng cho anh, xuống thăm nhà Lài, người yêu và cũng là người vợ sau này của anh. Lài là một cô gái khá xinh và nghe đâu cô ta là hoa khôi của lớp Đệ Nhị C của trường trung học Trần Bình Trọng. Lài có vóc dáng cao thon, mái tóc thề óng mượt xõa xuống bờ vai và lúc nào nàng cũng đội chiếc nón lá với quai màu tím, có lẽ đó là màu chờ đợi của những cô gái đang độ xuân thì. Thật ra, Báu quen Lài trong một dịp thật tình cờ. Về Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn gần nửa năm, vào một buổi sáng Thứ Hai, Trung Tâm khai mạc Câu Lạc Bộ Sĩ Quan, nhưng trước đó một tuần vị Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm có gửi giấy mời đến ông Hiệu trưởng Trần Bình Trọng và nhân tiện ông cũng xin ông Hiệu trưởng tuyển chọn mười nữ sinh đến dự lễ cắt băng khánh thành và Lài là một trong mười nữ sinh được tuyển chọn ấy. Lài là một cô gái con nhà nghèo nhưng lại có nhan sắc trời ban mà lại ham học nên được thầy thương bạn mến. Có nhiều chàng sĩ quan ở các trung tâm quân sự Dục Mỹ, anh nào cũng muốn giương cung bắn sẻ nhưng Báu lại là người may mắn chiếm được quả tim nàng.
Cuộc hôn nhân của Báu và Lài đã làm ông Cửu Chín bực mình không ít vì nó không môn đăng hộ đối chút nào cả. Ông đã tìm người vợ tương lai cho Báu, cô con gái rượu của ông Xã Bốn ở thôn Phú Vang; nhưng vì Báu và Lài hai người đã ăn cơm trước kẻng nên sự việc lỡ làng và ông bà Cửu Chín đành ngậm bồ hòn làm ngọt mà lo đi cưới vợ cho chàng. Thấm nhuần Nho giáo, ông Cửu Chín không bao giờ chấp nhận việc tiền dâm hậu thú đối với lớp hậu duệ của ông.
Theo ông, việc dựng vợ, gả chồng phải thật môn đăng hộ đối. Có như thế ông mới có dịp lên mặt với đời, xum xoe với cái hão danh cửu phẩm mà thực sự phẩm hàm này là do ông nội của Báu mua cho ông chứ ông làm gì có khả năng để được vua ban cờ biển. Có nhiều người trong làng truyền miệng nhau nghe, họ bảo: Ông Cửu Chín không biết được một chữ Nho để bẻ làm đôi mà cũng được hàm cửu phẩm. Nghe câu nói này ông giận lắm nhưng ông chẳng làm gì được họ cả.
… Trưa nay, Báu nhờ một người bạn đưa anh ra phi trường Kansas City để về Việt Nam. Không như những lần về trước đây, chuyến đi này anh chuẩn bị khá kỹ lưỡng và có vẻ bí mật lắm ngay cả đứa con trai duy nhất của anh trong nhà cũng không biết được ý định và mục đích của anh. Sau khi bắt tay chào tạm biệt người bạn thân tại phi trường, Báu đi thẳng vào quầy vé và lấy vé lên máy bay trước khi đi qua hàng rào kiểm soát an ninh chiếu lệ tại phi trường. Ngồi cạnh cửa sổ máy bay, anh nhìn ra ngoài thấy những hoa tuyết trắng xóa đang rơi dưới bầu trời xám đục.
Đối với anh, cảnh tuyết rơi nơi anh cư ngụ chẳng có gì khác lạ, nhưng lần này anh cảm thấy một cái gì thật khó diễn tả. Khi máy bay ở độ bình phi, anh nhẹ nhàng kéo bật chiếc ghế ra phía sau một ít để ngồi thoải mái hơn. Mắt Báu lim dim như ngái ngủ vì đêm qua anh thức rất khuya chơi bài xập xám với mấy người bạn thân. Cũng trong lúc ấy, cô chiêu đãi viên đánh thức anh dậy để chuẩn bị cho bữa ăn chiều. Cô chiêu đãi viên dọn ra cho anh một khay thức ăn với cái đùi gà quay béo ngậy, bánh mì và bơ, cà-rốt luộc, một ly kem tráng miệng và một ly nước cam. Báu chưa ăn vội vì khi anh nhìn những thức ăn này anh nghĩ đến những năm kham khổ trong những trại cải tạo mà anh đã đi qua. Ngày ấy anh làm gì có người dọn cho anh những thứ cao lương mỹ vị này mà nay thì ê hề đến phát ngán.
Sau tháng Tư năm 1975, cũng như mọi người, anh khăn gói quả mướp lên đường trình diện học tập mười ngày như chính quyền mới qui định nhưng anh đâu có ngờ anh phải tốn đến chín năm cho một đời người trong các trại cải tạo. Cuộc đời cải tạo của anh không được may mắn như các bạn của anh. Đáng lẽ anh được tha về ở năm thứ sáu nhưng hai sự cố của cá nhân anh đã làm cho anh bị giam thêm ba năm nữa và sau này ra tù anh mới biết lý do tại sao. Báu nhớ lại đơn vị cuối cùng trước ngày 30/4/1975 của anh là giữ an ninh đường xe lửa từ tỉnh Khánh Hòa đến tỉnh Phú Yên. Nhưng khi anh trình diện anh lại khai cấp bậc và chức vụ là Đại úy An ninh Thiết lộ. Bạn anh cũng cùng cấp bậc với anh và cùng công tác như anh nhưng lại cho về sau sáu năm cải tạo vì anh ta khai mình chỉ là Đại úy Bảo vệ Đường sắt. Thật ra chức vụ và công tác của hai người có khác gì cho cam! Chế độc cộng sản rất dị ứng và đa nghi những ai làm công tác an ninh, tình báo. Họ phải điều tra rất kỹ lưỡng trước khi thả về. Đúng thật, họa vô đơn chí đối với anh. Lại nữa, trước tháng anh được Bộ Nội vụ duyệt xét cho anh ra trại, anh phải làm bản tự khai cuối cùng. Trong phần lý lịch tại ngũ anh khai rằng anh là Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức; thay vì anh viết bằng chữ tất cả nhưng anh lại viết tắt bốn chữ SQTB. Sau khi nộp lên ban quản trị trại duyệt xét thì họ nghi anh ta là Sĩ Quan Tình Báo. Sự kiện này anh phải đổi lấy thêm một năm nữa sau khi họ điều tra phần lý lịch của anh. Anh căm tức lắm nhưng chẳng làm gì được.
Đặt hai cánh tay sau gáy, anh ngã người ra phía sau và đôi mắt nhắm nghiền lại. Anh hồi tưởng những chặng đường khổ nhọc anh đã trải qua trong cuộc đời cải tạo của anh. Ngày ấy cũng may anh còn có thân hình lực lưỡng, vả lại, Báu cũng mồm miệng đỡ tay chân nên anh được cán bộ quản giáo đề bạt anh với ban quản tri trại bố trí cho anh một chân làm vệ sinh trại. Danh xưng thì nghe có vẻ nhàn hạ nhưng thực chất công việc của anh là dọn gánh phân người. Công việc này đối với anh rất cực nhưng khá nhàn vì làm hết việc chỉ cần năm hay sáu tiếng đồng hồ mỗi ngày thay vì phải lao động tám tiếng như các bạn cải tạo khác. Báu cũng biết dùng thì giờ thừa này để chăm sóc luống rau hay mấy cây cà anh trồng ngoài phạm vi trại để cải thiện và có chất tươi bồi dưỡng cơ thể vì anh không được thăm nuôi thường xuyên. Cái công việc đổ phân này nó cũng nhiêu khê và vất vả lắm. Anh còn nhớ thật rõ những ngày đầu tiên làm công tác này anh không nuốt trôi cơm được vì nghĩ đến đám ruồi nhặng làm anh tởn đến gáy. Nhưng dần dần anh cũng thấy quen. Cứ mỗi buổi sáng, sau khi các bạn tù ra hiện trường làm việc, anh được một cán bộ trực trại hướng dẫn đến từng láng trại để xem anh ta lấy một que sắt nhọn dài hơn một thước tây xăm từng thùng phân để xem có cải tạo viên nào trốn trại qua ngã này hay không vì trước đây cũng đã có hiện tượng này xảy ra rồi, nên họ rất cảnh giác. Công việc tuy hôi hám nhưng Báu rất bằng lòng vì được đi ra ngoài phạm vi của trại. Anh có thể giúp mua được lọ mắm, cân đường cho các bạn cùng láng trại với anh.
Tuy đôi mắt nhắm nghiền nhưng anh cũng nở một nụ cười khi anh còn nhớ rõ mồn một bài thơ chui mà các bạn anh trong láng làm tặng anh để vinh danh anh trong công tác khốn khổ, hôi hám này. Bài thơ chui Gánh Phân này phỏng theo âm điệu của bài Bán Than vẫn tương truyền là của Trần Khánh Dư, một vị danh tướng dưới đời vua Trần Nhân Tôn, thơ rằng:
Một gánh càn khôn quảy đến gần
Hỏi rằng chi đó dạ: rằng phân
Cục kia đâu biết bao nhiêu lượng
Bãi nọ làm sao biết mấy cân
Sống với anh em cho vẹn nghĩa
Duyên cơ trời đất sẽ xoay vần
Nghĩ mình hôi hám toan nghề khác
Nhưng sợ anh em thiếu khẩu phần

Đúng như thế, Báu cũng lo sợ anh em cải tạo viên của mình thiếu chất tươi; đó là các loại rau. Trong trại phần nhiều là rau muống phải bón bằng phân người. Và một kỷ niệm thật khó quên trong đời cải tạo của anh khi làm công tác này. Anh nhớ lại một buổi sáng khi đi vào láng trại nữ để đổ phân, đây là giang sơn mà anh rất ngại vì trong từng thùng phân của chị em phụ nữ có nhiều thứ lỉnh kỉnh vứt vào đấy nhưng anh phải cố gắng làm cho xong việc. Khi gánh phân qua giữa sân, bỗng nhiên anh nghe có một giọng nữ cất tiếng đọc hai câu thơ mà anh cho là dễ thương và rất an ủi đối với việc làm của mình:
Suốt đời em chẳng yêu ai
Yêu anh trực trại gánh hai cái thùng
Nghe câu thơ ấy anh tự nhiên đặt gánh phân xuống và cầm chiếc nón rách vành làm quạt. Đứng giữa sân đang phe phẩy mấy cái và nhìn vào bên trong khung cửa sổ để may ra thấy được cô nào vừa ngâm hai câu thơ não ruột ấy thì một cán bộ trực trại tiến đến gần và cất tiếng hỏi:
– Anh Báu, anh đang liên hệ với các trại viên nữ phải không?
– Thưa cán bộ, không ạ! Báu ấp úng trả lời.
Viên cán bộ hỏi tới:
– Anh không liên hệ sao tôi nghe có tiếng nói giữa hai người. Báu đáp:
– Thưa cán bộ khi tôi gánh phân qua sân, tôi có nghe hai câu thơ của một cô gái phía trong cửa sổ hát vọng ra thấy hay hay nên đặt gánh xuống nghỉ mệt.
– Viên cán bộ vẫn chưa tha Báu, bèn hỏi: Cô ta ngâm câu gì mà anh cho là hay, chắc những câu thơ phản động chứ gì? Lúc này Báu cũng nhanh trí và mặt cúi xuống đáp:
-Thưa cán bộ cô ấy ngâm rằng:
Suốt đời em chẳng yêu ai
Yêu anh cán bộ có hai quả mìn
Viên cán bộ không giấu được nụ cười và quay lưng đi chỗ khác. Thế là Báu thoát được cái tội liên hệ nam nữ bất chính. Đang sống lại với những năm tháng khốn khổ trong trại cải tạo mà anh đã kinh qua, lúc này một cô chiêu đãi viên tiến đến gần và báo cho anh nên thắt dây an toàn lại vì phi cơ sắp đáp xuống phi trường Los Angeles và anh sẽ chuyển qua một chuyến bay khác về Việt Nam.
… Sau tháng Tư năm 1975, gia đình cha mẹ anh sa sút vì bị đánh tư sản mại bản bởi thế cho nên hai mươi mấy mẫu ruộng cũng như mấy lò gạch của cha anh đã bị nhà nước tịch thu, quản lý và đưa vào hợp tác xã để làm ăn tập thể. Và cũng kể từ ngày anh đi cải tạo, gia đình vợ con anh cũng lâm vào cảnh bần hàn cơ cực. Mặc dù ông Cửu Chín cũng còn một số của chìm nhưng ông ta không giúp gì vợ anh và đám cháu nội của ông vì mãi đến tận giờ này ông ta cũng còn giận Lài về cái tội ăn cơm trước kẻng với con ông. Bởi thế cho nên suốt thời gian cải tạo của chồng, chị Lài chỉ thăm anh được hai lần.
Cuộc đời anh lúc này lại chuyển qua một khúc quanh mới. Từ ngày có chương trình HO dành cho những tù nhân chính trị, gia đình anh vẫn sống trong tình trạng tay làm hàm nhai nên làm gì có tiền bạc để lo thủ tục giấy tờ, chưa kể đến những lần ra vô Sài Gòn thật tốn kém. Báu cứ than vắn thở dài với vợ cùng con và chị Lài thì chẳng biết xoay xở vào đâu. Trong lúc hai vợ chồng Báu quẩn trí như thế thì một người đàn bà, tuổi trạc năm mươi đến nhà bàn chuyện ra đi trong chương trình HO với vợ chồng anh. Người đàn bà tên Thu, cư ngụ tại Cam Ranh; chị không chồng nhưng có bốn đứa con ở tuổi vị thành niên. Trước 1975, chị Thu là chủ một quán ba ở Động Bà Thìn chuyên phục vụ lính Mỹ và nhân viên các hãng thầu của Mỹ tại vịnh Cam Ranh nên chị cũng còn có của chìm. Chị đề nghị với vợ chồng Báu rằng chị sẽ lo hết mọi thủ tục giấy tờ xuất cảnh kể cả giấy hôn thú giữa chị và Báu. Báu ra đi một mình với người con trai út cùng gia đình năm người của chị. Đề nghị của chị Thu đã làm vợ chồng Báu thức trắng mấy đêm liền và cuối cùng gia đình anh cũng đành chịu với giải pháp ấy. Tuy nhiên, trước ngày ra đi chị Thu cũng tìm gặp riêng chị Lài và tặng chị năm lạng vàng ở lại nuôi các cháu. Việc này Báu không bao giờ hay biết. Ngày chia tay, Báu bùi ngùi nắm lấy tay vợ và các con nhưng không dám bật khóc vì sợ bị phát hiện vào phút chót tại phi trường thì nguy, Báu nghĩ thế. Ngồi trong lòng máy bay, Báu nghĩ đến vợ, đến con và chàng biết rằng chẳng bao giờ có ngày đoàn tụ. Bởi thế cho nên, cứ hai hay ba năm anh lại về Việt Nam thăm vợ con một lần và hằng năm mỗi độ Xuân về anh cũng chắt chiu một số tiền gửi về vợ con anh vui Xuân đón Tết.
Cuối cùng, gia đình anh định cư tại thành phố Newton tại tiểu bang Kansas, miền trung tây Hoa Kỳ. Anh chọn thành phố này để định cư vì được một người bạn cũng qua diện HO đi trước bảo trợ. Theo lời người bạn bảo rằng thành phố Newton cũng gần thành phố Wichita, nơi kỹ nghệ thịt bò rất phát đạt và công ăn việc làm cũng dễ xin đối với người nửa thầy nửa thợ như Báu. Đúng như thế, sau khi định cư được bốn tháng tại thành phố vắng vẻ này, sau cùng Báu cũng xin được một chân trong hãng thịt bò ở Wichita. Lúc ban đầu anh cứ tưởng công việc không có gì khó nhọc, nhưng khi vào việc thì anh mới giật mình thấy không dễ như anh đã nghĩ. Cố gắng và chịu đựng làm việc ở khâu chuyển thịt từ phòng lạnh này qua phòng lạnh khác đã làm anh đuối sức và cuối cùng anh xin thôi việc vì cái lạnh thời tiết anh còn chịu được nhưng cái lạnh của các phòng thịt đông lạnh thì anh không thể nào chịu nỗi và về nhà anh tiếp tục sống nhờ trợ cấp tiểu bang.
Sau đó mấy tháng, mẹ con chị Thu cũng dọn ra riêng vì đâu có vợ chồng gì với Báu mà ở cho cực thân, vả lại, đứa con trai của Báu lúc nào cũng căm ghét chị vì chị mà mẹ và anh chị nó mãi mãi còn kẹt tại Việt Nam. Hai năm sau chị Thu tiến hành thủ tục ly dị Báu và cuối cùng anh với đứa con trai duy nhất anh đem theo dọn đến một căn hộ một phòng cũng trong thành phố này. Nằm trong căn phòng trống vắng, nhiều đêm Báu không ngủ được vì lòng anh lúc nào cũng hướng về vợ con bên kia bờ đại dương và ngày đoàn tụ thì hình như vô vọng. Những người bạn qua trước cũng giải thích cho anh biết về việc bảo lãnh vơ con qua ngã ODP nhưng anh đã làm thủ tục li dị với Lài trước khi qua Hoa Kỳ định cư. Nếu biết anh lâm vào cảnh này thì anh sẽ không đi cho dù anh ở lại sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng bù lại anh còn có vợ, có con. Dần dần thành phố anh cư ngụ cũng có mười mấy gia đình HO đến định cư. Báu nghĩ mình là người đến trước nên anh cũng đưa ra một bàn tay giúp đỡ người đến sau. Và ý nghĩ xây dựng một cộng đồng người Việt tỵ nạn cũng đang nhen nhúm trong anh. Anh và các bạn đến trước cũng muốn có một cộng đồng nhỏ để sánh với các cộng đồng lớn người Việt ở khắp tiểu bang mà Kansas City là một điển hình. Những năm tháng sau đó Báu cũng tích cực tham gia tổ chức ngày Quốc hận, ngày Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, phát quà cho các em thiếu nhi nhân dịp tế Trung thu và Tết Nguyên đán…. Thật ra công việc này không khó khăn gì đối với Báu vì thành phố này chẳng ai muốn cạnh tranh với chức vụ của anh: Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Nhiều khi Báu nghĩ đến tình trạng độc thân tại chỗ của anh nên anh cũng hăng hái đến giúp những gia đình mẹ góa con côi trong vùng nhưng sau đó họ biết được hậu ý của anh nên trong số họ đều tỏ ra không còn thân thiện với anh nữa.
Thế rồi, vào một buổi chiều ngày nọ, Báu được Bằng, người bạn thân và cũng là người bảo trợ gia đình anh đến định cư tại thành phố này cách đây mấy năm mời đến dự buổi tiệc ăn mừng đứa con gái duy nhất của anh vừa mới ra trường. Sau khi chén chú chén anh, Bằng đề nghị với Báu và nhờ Báu về Việt Nam cưới giùm cô Em vợ đem qua Hoa kỳ đoàn tụ với gia đình anh và dĩ nhiên Bằng sẽ trả công cho Báu bằng một số tiền khá hậu hĩ. Lúc đầu Báu từ chối lời đề nghị của Bằng vì anh nghĩ rằng anh không muốn làm những việc phi pháp như thế. Anh nghĩ đến Mỹ quốc đã và đang cưu mang cha con anh nên anh chẳng đành lòng làm việc này. Nhưng Bằng cứ nài nĩ mãi và cuối cùng Báu cũng đành nhắm mắt đưa chân. Lý do rất thực dụng thôi thúc để anh nhận công tác này là vì anh nghĩ đến cái thâm tình của gia đình Bằng đã bảo trợ cha con anh trong những ngày tháng đầu tiên tại Hoa kỳ, hơn nữa, anh cũng muốn có một số tiền để mua cho đứa con trai duy nhất của anh một chiếc xe hơi chuẩn bị cho nó tháng tới vào đại học và sau cùng anh cũng cần có một số tiền để gửi về cho vợ con anh sửa lại căn nhà ở thôn Đại Điền Đông vốn đã xiêu vẹo và mục nát tự bấy lâu nay. Và cái hy vọng mơ hồ cuối cùng của Báu trong việc làm này là vì anh nghĩ đến chuyện may đâu cuộc hôn nhân này lộng giả thành chân thì sao; vì dù sao em vợ của Bằng cũng chỉ kém hơn anh mười tuổi.
Hôm gặp lại Báu tại quán cà-phê, Bằng liền hỏi:
– Sao? ông đã suy nghĩ kỹ chưa và trả lời cho tôi biết chứ, nếu tôi nhờ người khác thì ông đừng có trách tôi đấy nhé! Nghe đến đây, Báu ra chiều đạo đức bảo Bằng:
– Nghĩ lại, việc ông bà nhờ thì tôi làm sao từ chối được vì dù sao ông bà cũng là ân nhân của tôi từ giây phút đầu tiên mà. Nghe Báu nói Bằng liền rút điếu thuốc Dunhill mời bạn và nói:
– Ông Báu ạ! việc ông giúp tôi vợ chồng tôi không bao giờ quên ơn ông đâu. Báu xua tay và nói:
– Ơn với nghĩa gì. Nói thật với ông chứ lúc này tôi cũng cần có một số tiền để giúp gia đình; chứông thấy tôi có làm ra đồng nào mấy năm nay, chỉ sống nhờ trợ cấp, nghĩ đến mà xấu hổ.
Trước ngày lên đường về Việt Nam cưới vợ, Bằng có đưa trước cho Báu năm nghìn đồng, không kể tiền vé máy bay. Cầm năm nghìn đồng trong tay, anh đến nơi gửi tiền và gửi cho vợ con anh hai nghìn và số tiền còn lại anh sẽ làm lộ phí đường xa. Báu cũng không quên ghé lại một công ty bảo hiểm của người bạn để mua bảo hiểm nhân thọ cho mình vì anh nghĩ rằng nếu mai ngày anh có chết thì vợ con anh ở Việt Nam cũng có một số tiền để sinh sống.
Mọi việc xảy ra với Báu thật suôn sẻ như dự tính. Một năm sau ngày cưới, người vợ pháp lý của anh đoàn tụ với anh tại Hoa Kỳ và dĩ nhiên chị không ở cùng nhà với anh. Phần tiền còn lại Bằng cũng thanh toán nốt cho Báu. Được một số tiền khá lớn trong tay mà anh nghĩ rằng anh chưa bao giờ có được trong cả cuộc đời anh. Báu bắt đầu rủng rỉnh và bù khú với bạn bè. Thêm vào đó anh cũng thường xuyên lên thăm bạn bè của anh ở thủ phủ Topeka và ăn thua trong những trận cờ canh bạc…
Lầm lũi trở về căn hộ trống vắng sau những ngày tháng vui chơi với bạn bè, một buổi sáng thức giấc anh thấy mình khó thở và anh lấy tay sờ lên bụng mình thấy đầy hơi và cứng hơn thường lệ. Kể từ ngày định cư đến nay, Báu rất lười đi khám sức khỏe định kỳ cho mình vì anh nghĩ anh chẳng có bệnh gì cả. Nhưng sau khi con anh đưa anh vào bệnh viện, các bác sĩ mới khám phá ra và cho đứa con trai anh biết rằng anh bị bệnh viêm gan ở thời kỳ cuối cùng và anh chỉ còn có hai tháng nữa để sống.
Việc gì đến đã đến. Báu trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện thành phố Newton nơi anh cư ngụ lúc ban đầu bên cạnh đứa con trai duy nhất của anh. Ngoài ra, trước khi vĩnh viễn ra đi trong những tháng ngày cận Tết, anh cũng quên nói cho đứa con trai mình biết về bảo hiểm nhân thọ mà anh đã mua cách đây hơn một năm và khi anh nằm dưới huyệt lạnh xứ người, anh đâu có biết vợ con anh đang chờ đợi số tiền mà anh thường gửi về hằng năm để vợ con anh vui Tết hưởng
xuân….

Phan Đông Thức
Những ngày cuối hè

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here