Nhật Bản có gì lạ?

0

Linh Vũ 

Đây là chuyến du lịch đầy thú vị đã để lại trong trí nhớ tôi những điều mới lạ, khó quên. Lần đầu tiên đến Nhật Bản một nước được nhiều người trên thế giới nói đến với những lời khen tặng đầy thiện cảm. Đó là sự tò mà tôi muốn tìm hiểu về đất nước này trong nhiều năm tháng qua. Hôm nay tôi rất hạnh phúc để viết lại những gì tận mắt thấy tai nghe từ đất nước có mỹ danh là xứ “Anh Đào”.
Ngày đầu tiên chuyến bay cất cánh từ phi trường Seatac Seattle lúc 2 giờ 30 của hãng Ana bay thẳng đến Tokyo. Dĩ nhiên là chúng tôi được ăn nhẹ sau khi máy bay cất cánh và khoảng 6-7 giờ tối được tiếp đãi buổi ăn tối và nghỉ đêm trên máy bay.
Đến khoảng 11 giờ 30 sáng giờ địa phương, máy bay đáp xuống phi trường Narita Airport Tokyo. Chúng tôi được xe bus đưa về khách sạn “Hilton Narita Hotel” check in và ăn tối.Khoảng 8 giờ sáng ngáy hôm sau, người hướng dẫn viên (tour guide) và xe bus đến đón chúng tôi đi thăm viếng một số địa điểm đã liệt kê trong chương trình. Nơi đầu tiên chúng tôi thăm viếng là Tokyo City (Tōkyō-shi). Thành phố Tokyo theo lịch sử lâu đời cho thấy gồm có 9 quận hạt, 35 phường khác nhau kết hợp lại gồm 26 đô thị ở phía tây. Cho đến tháng 7 năm 1932 và hiện nay gọi là thủ đô Tokyo. Phạm vi của tỉnh Tokyo ban đầu chỉ giới hạn ở thành phố Edo trước đây, sau khi Shogun Tokugawa chiếm giữ năm 1603. Sau đó Hoàng Đế Meiji di chuyển về thành phố Kyoto thì thời điểm đó Edo đổi thành Tokyo.  Và hôm nay là Tokyo Metropolis. Khu vực đô thị này có trụ sở của Hoàng Đế Nhật và chính phủ Nhật Bản. Tokyo ngày nay trở thành là một thành phố đông dân nhất trên thế giới, sau khi nối rộng thêm nhiều quận, phường khác trong thời gian gần đây (dân số 38 triệu người/bản liệt kê của LHQ)
Nơi chúng tôi thăm viếng thuộc hướng Nam của thành phố Tokyo trên đường đi đến thành phố lớn thứ 2 của Nhật là Osaka.
-Chúng tôi ghé thăm tòa nhà Meiji Jingu. Đây là một ngôi đền thờ nổi tiếng của Nhật dành riêng cho các linh hồn thần thánh của Hoàng đế Meiji và người phối ngẫu của ông, Hoàng hậu Shoken vào năm 1920. Hoàng đế Meiji là Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản. Ông sinh năm 1852 và lên ngôi năm 1867 tại thời điểm của cuộc Duy Tân Minh Trị, cũng là lúc thời kỳ phong kiến của Nhật Bản chấm dứt và chủ trương Tây phương hóa Nhật Bản. Ngôi đền đã bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai, nhưng được xây dựng lại ngay sau đó, nằm ngay bên cạnh ga xe Harajuku sầm uất của tuyến JR Yamanote. Đền Meiji và Công viên Yoyogi liền kề nhau tạo nên một khu vực rừng thiên nhiên rộng lớn trong thành phố. Tòa nhà của đền thờ nằm cách lối vào phía nam gần ga Harajuku và lối vào phía bắc gần ga Yoyogi khoảng mười phút đi bộ. Khuôn viên đền thờ rộng rãi có lối đi bộ rất phù hợp để dạo chơi, hít thở bầu không khí trong lành. Du khách đến đền thờ có thể tham gia vào các hoạt động Thần đạo điển hình, chẳng hạn như cúng dường tại sảnh chính, mua bùa hộ mệnh, xin xăm hoặc viết lời cầu nguyện chúc phúc cho ai đó treo lên một khung tròn lớn ở góc sân bên phải (Hatsumode), (ema).
Ngoài ra du khách có thể đến phía bắc của khu đền, để nhìn kho báu Meiji Jingu, được xây dựng một năm sau khi ngôi đền được mở cửa. Nhà kho báu trưng bày nhiều đồ dùng cá nhân của Hoàng đế và Hoàng hậu rất thú vị, bao gồm cả cỗ xe mà Hoàng đế sử dụng để đi trong lễ tuyên bố chính thức của Hiến pháp Meiji năm 1889. Ngoài ra còn nhiều nơi khác khá thú vị nữa quý vị đừng bỏ qua.
Ngoài ra trước cổng đền còn có một cái giếng nhỏ nằm bên trái khu vườn, Giếng của Kiyomasa, được đặt theo tên của một vị chỉ huy quân đội đã đào nó khoảng 400 năm trước. Giếng được Hoàng đế và Hoàng hậu ghé thăm khi họ còn sống và đã trở thành một “điểm quan trọng” cho tâm linh.

            

 -Cung điện Hoàng Gia – Nơi ở và làm việc của gia đình Hoàng Gia Nhật Bản. Vào mùa xuân, đường dẫn tới cung điện có hàng trăm cây hoa anh đào khoe sắc. Các hoàng đế Nhật Bản là người đứng đầu của gia đình Hoàng gia và các nguyên thủ Quốc gia. Theo Hiến pháp Nhật Bản hiện nay, Hoàng đế là “biểu tượng của Nhà nước và sự thống nhất của nhân dân” Còn các thành viên khác của Hoàng gia chuyên thực hiện các nhiệm vụ nghi lễ và xã hội, nhưng không có vai trò quan trọng trong các vấn đề của chính phủ. Hoàng đế (gọi là Tenno) được xem như là “biểu tượng của Nhà nước và sự đoàn kết của nhân dân” Hoàng đế được truyền lại cho con cái của họ. Tuy nhiên Hoàng đế Nhật Bản gần như bị kiểm soát bởi các lực lượng chính trị với nhiều mức độ khác nhau.
Trước kia, Hoàng đế cư trú tại Kyoto (cố đô) trong gần mười một thế kỷ. Hoàng gia có khoản 125 vị vua bắt đầu với Hoàng đế huyền thoại Jimmu 660 trước Công nguyên.
Trên đường đi chúng tôi được vòng qua khu vực Tokyo Skytree. Đây là một tháp phát sóng truyền hình nằm trong trung tâm thành phố Tokyo thuộc phường Sumida cách Asakusa không xa lắm. Chiều cao tháp khoản 634 mét, đây là cấu trúc cao nhất ở Nhật Bản và cao thứ hai trên thế giới trong thời điểm hoàn thành trước đây. Nơi đây có khu mua sắm rất lớn. Điểm nổi bật của Tokyo Skytree là có hai tầng quan sát với tầm nhìn rất ngoạn mục cả thành phố Tokyo. Hai tầng được đặt ở độ cao là 350 và 450 mét. Nhiều người cho rằng, đây là nơi quan sát thành phố cao nhất Nhật Bản và cũng có thể cao nhất trên thế giới.

Đền Sensoji

Đền Sensoji hàng năm có khoảng 30 triệu du khách đến thăm viếng. Đền này có niên đại từ năm 630. Theo như tour guide giải thích thì đền này trong khoảng thời gian Thế chiến II, gần như toàn bộ ngôi đền bị san bằng. Các cấu trúc hiện nay là công trình tái tạo tương đối mới bằng mái ngói titan, các tòa nhà của Đền Sensoji dành riêng cho Asakusa Kannon. Đó là tên một vị thần của lòng thương xót và hạnh phúc. Ngôi đền Sensoji Kannon dành riêng cho Kannon Bosatsu. Kannon nhân cách hóa lòng trắc ẩn và là một trong những vị thần được tôn sùng nhất ở châu Á và Nhật Bản trong thời cổ đại và hiện nay. Một vị thần Bồ tát từ bi và là địa điểm tâm linh được truy cập rộng rãi nhất trên thế giới. Đây là điểm thu hút của khách du lịch với hy vọng sự linh thiên của đền này có năng lực chữa bệnh hay ban phước lành. Đây là ngôi đền cổ nhất của Tokyo và là một trong những ngôi đền quan trọng nhất. Trước đây đền thờ này được gắn liền với Giáo phái Tendai của Phật giáo (Tendai hoặc Tendai-shu tôn giáo (Trường phái Thiên Thai) là một mô hình được sửa đổi của các hình thức Thiên Thai Trung Quốc) và sau thế chiến thứ II nó trở nên độc lập. Kế với ngôi đền này là một ngôi chùa năm tầng của đền thờ Thần đạo thuộc quân Asakusa. Trên đường đi trong khu vực chung quanh đền có nhiều cửa hàng bán những món hàng truyền thống ở Nakamise-dōri, tha hồ quý vị chọn lựa để làm quà lưu niệm.  

Ngôi chùa Phật giáo. Đây là nơi thờ cúng dành cho những người theo đạo Phật, ngôi chùa này được cấu trúc theo phong cách như các tu viện, giống như các đền thờ ở Ấn Độ Thái Lan, Miến Điện.v.v. Đền thờ Phật giáo này xem như là ngôi chùa Phật giáo truyền thống được thiết kế để truyền cảm hứng cho hòa bình từ bên trong lẫn bên ngoài. Tuy nhiên chùa ở Nhật Bản được cấu trúc và kiến ​​trúc của nó thay đổi theo từng mỗi vùng khác nhau. Hầu như các ngôi chùa Phật giáo ở đây được thiết kế với mục đích tượng trưng cho 5 yếu tố: Lửa, Không khí, đất, nước và Trí tuệ.

Tham quan cây cầu Nijubashi nổi tiếng

Đánh giá về Hoàng cung. Từ lối vào phía nam, mất 15 phút đi bộ đến cây cầu Nijubashi mang tính biểu tượng, liên kết với lối vào bên trong cung điện. Thực tế có 2 cây cầu, một cây cầu phía sau là cây cầu gỗ có tên là Nijubashi và cây cầu đá ở phía trước với vòm đôi trong thanh lịch và hấp dẫn. Cây cầu đá phía trước được gọi là Meganebashi hay còn gọi là (Cầu mắt) vì vẻ bề ngoài của nó. Đây là một điểm gây nhiều ấn tượng cho khách du lịch. Bên bờ hồ đi vào khu vực Hoàng gia có cổng sắt và nhân viên bảo vệ canh giữ. Sau khi ngắm cảnh và chụp hình du khách có thể tiếp tục đi bộ trong công viên rộng lớn East Gardens của Cung điện Hoàng gia. Công viên này được bao quanh bởi những con hào và những bức tường đá lớn.

Edo Castle từng là trụ sở của Tokugawa Shogun cai trị Nhật Bản từ năm 1603 đến năm 1867. Năm 1868, Mạc phủ bị lật đổ, nơi cư trú của Hoàng gia được chuyển từ Kyoto đến Tokyo. Năm 1888, việc xây dựng Cung điện Hoàng gia mới được hoàn thành. Cung điện đã từng bị phá hủy trong Thế chiến thứ hai và được xây dựng lại theo cùng một kiểu cách sau đó.
Các khu vực bên trong của cung điện thường không mở cửa cho công chúng. Chỉ vào ngày 2 tháng 1 (Lời chúc mừng năm mới) và ngày 23 tháng 12 (Sinh nhật của Hoàng đế), du khách mới có thể vào bên trong cung điện và nhìn thấy các thành viên của Hoàng gia xuất hiện công khai trên ban công.

Tokyo Tower

Chúng tôi lần lượt đến thăm tòa Tháp Tokyo, tháp này còn có tên chính thức là Nippon denpatō hay còn gọi là “Tháp phát thanh Nhật Bản”) Tháp này giống hình thù cấu trúc của Tháp Eiffel. Tháp này sử dụng cho truyền thông và quan sát ở quận Shiba-koen của thành phố Minato, Tokyo. Tháp có độ cao 332,9 mét (1.092 ft), đây là cấu trúc cao thứ hai tại Nhật Bản. Ngày chúng tôi thăm viếng tháp đang có kế hoạch sơn sửa lại với màu cam và màu trắng theo quy định quốc tế an toàn hàng không. Theo công nhân làm việc ở đó cho biết, có lẽ việc sơn sửa này phải mất một năm mới hoàn tất.

Tháp này được xây dựng vào năm 1958, nguồn thu nhập chính của tòa tháp này là cho thuê du lịch và ăng ten phát sóng cho đài phát thanh và truyền hình như: NHK, TBS và Fuji TV. Hơn 150 triệu người đã đến thăm tòa tháp này hàng năm. Dưới chân tòa tháp (FootTown) là một tòa nhà bốn tầng, có viện bảo tàng, nhà hàng và cửa hàng bán đồ lưu niệm. Khách du lịch có thể mua vé để ghé thăm hai tầng của tháp và quan sát toàn thể thành phố. Tầng chính (trước đây gọi là Đài quan sát) ở độ cao 150 mét (490 ft), Tầng trên nhỏ hơn (trước đây gọi là Đài quan sát đặc biệt) đạt tới độ cao 249,6 mét (819 ft). Tuy nhiên vẫn không cao bằng tháp Tokyo Skytree. 

Ginza
Chúng tôi được dừng lại Ginza đây là một quận của Chūō Tokyo, nằm ở phía nam Yaesu và Kyōbashi, phía tây Tsukiji, phía đông của Yūrakuchō và Uchisaiwaichō và phía bắc Shinbashi. Đây là một khu vực mua sắm cao cấp nổi tiếng của Tokyo, với nhiều cửa hàng bách hóa, nhà hàng ăn và nhiều quán cà phê nổi tiếng quốc tế nằm quanh khu vực lân cận. Đây được coi là một trong những con phố buôn bán đắt đỏ, thanh lịch và sang trọng nhất thế giới. Sau đó chúng tôi ngủ lại đêm ở Daiwa Roynet Hotels Tokyo

          

 Núi Phú Sĩ – Nếu điều kiện thời tiết tốt, du khách có thể tham quan nhiều điểm của núi Phú sĩ, rất tiếc tuần lễ chúng tôi thăm viếng rơi vào trường hợp thời tiết xấu, cho nên có một số đường lên núi Phú sĩ bị đóng lại. Chúng tôi được đưa đến tham quan khu hồ phía nam của núi và ăn trưa tại đây. Tuy nhiên, sau đó xe bus cũng đưa chúng tôi đến gần núi Phú Sĩ để mọi người tham quan và chụp hình dưới chân núi, cũng như xem video nói về lịch sử núi (Mount Fuji) Phú sĩ. Mùa này thời tiết còn lạnh cho nên hoa anh đào chưa kịp nở cho nên mất đi phần nào vẻ đẹp nơi đây.

                    

Núi Phú sĩ (Mt Fuji) nằm trên đảo Honshu là ngọn núi cao nhất Nhật Bản với 3.776,24 mét, là đỉnh núi cao thứ 2 trên một hòn đảo tại châu Á và thứ 7 trên thế giới. Núi lửa này đã ngưng hoạt động với lần phun trào lần cuối vào năm 1707-1708. Núi Phú Sĩ nằm cách Tokyo khoảng 100 km về phía tây nam. Ngọn núi có cấu trúc hình nón đối xứng đặc biệt và được phủ tuyết khoảng 5 tháng mỗi năm, là biểu tượng của đất nước Nhật Bản thường được mô tả trong các sáng tác nghệ thuật. Núi Phú Sĩ là một trong ” Ba ngọn núi thánh ” của Nhật Bản (Sanreizan), Núi Tate và Núi Haku). Oshino Hakkai là ngôi làng cổ bình yên dưới chân núi Phú Sĩ với nhiều nét kiến trúc truyền thống Nhật Bản xưa. Tới Oshino, du khách không chỉ được hòa mình vào không khí thanh bình ở đây, mà còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh núi Phú Sĩ tuyệt đẹp. Bên cạnh đó, Oshino còn nổi tiếng bởi tám hồ nước đặc biệt có cấu tạo phần đáy toàn là nham thạch do quá trình kiến tạo địa chất và được nuôi dưỡng nhờ nguồn nước băng tuyết tan chảy từ đỉnh Phú Sĩ.

Hồ “Lake Ashi”.

Sau khi mua sắm ở khu thương mại Ginza và ngủ đêm ở thị trấn này. Sáng hôm sau chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến hồ Lake Ashi, hồ này còn gọi là hồ Hakone hoặc hồ Ashinoko. Hồ này còn có nghĩa là “hồ lau sậy” trong tiếng Nhật “Ashi” là sậy và “ko” là hồ. Đây là 1 trong ngũ hồ đẹp nhất khu vực. Hồ Ashi có quan cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của tỉnh Kanagawa ở Honshũ Nhật Bản. Hồ này là một miệng núi lửa nằm dọc theo bức tường phía Tây nam của núi Hakone. Khu vực này có nhiều suối nước nóng. Hồ nằm trên con đường Tokaido, liên kết giữa Kyoto và Tokyo. Cũng từ nơi đây chúng ta có thể nhìn về hướng núi Mount Fuji. có nhiều thuyền và phà vui chơi trên hồ này vì đây là nơi có cảnh quan tuyệt đẹp cho khách du lịch. Ngoài ra còn có một khu cắm trại ở cuối phía bắc của hồ và đền thờ thần bởi shougun, samurai đã được nhiều khách du lịch thăm viếng trong nhiều thế kỷ qua. Đồng thời Onshi Park cũng là nơi nghỉ hè cho gia đình Hoàng gia trước đây mà bây giờ là công viên công cộng cũng được nhiều du khách tham quan vì nơi đây có quan cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.

Tiếp theo chúng tôi được đưa đến công viên Bussharito Heiwa Park, sau đó đến thăm đền thờ Phật gọi là tháp trắng Hakone có tên gọi là “Công viên Hòa bình” hay Công viên Hòa bình Phật giáo núi Fuji. Bên trái có tượng người sáng lập Soka Gakkai Nichiren daishonin của Nhật Bản, Nikko Shonin. Đây là một ngôi đền Phật giáo với tượng sư tử từ các nước châu Á hiến tặng. Đó là Okinawa, Shiba Inu của Hồng Kông, Thái Lan, Shiba Inu của Ấn Độ. Có bức tượng Phật bằng vàng được hiển thị trên tất cả các mặt của tháp. Đền thờ này cũng là điểm thu hút du khách viếng thăm khá đông đa số là người Á châu. Phía trước có đài chuông lớn (đại hồng chung) nếu ai muốn đánh chuông phải cúng dường 50 cents cho mỗi lần gõ. Tiếng chuông được sử dụng thay cho lời cầu nguyện. Nơi đây có nhiều khu vực chụp hình đẹp có thể nhìn thấy núi Phú sĩ (Mt Fuji) từ xa làm nền. Tuy nhiên nơi này còn nhiều nơi để khách du lịch thăm viếng tùy mỗi tour khác nhau. Rất tiếc lần này chúng tôi đến sớm hơn hai tuần cho nên hoa anh đào chỉ vừa chớm nở thôi.

                                   

Cuộc thăm viếng được tiếp tục cho đến tối, sau đó chúng tôi về khách sạn Hamanako ở vùng Hamamatsu nghỉ lại đêm. Nếu có thì giờ quý vị có thể Tham quan Thung lũng Owakudani. Nơi đó là vết tích miệng núi lửa còn hoạt động. Tại đây, quý khách có cơ hội thưởng thức loại trứng luộc bằng nước nóng từ trong mạch núi lửa, vỏ màu đen và hơi có mùi lưu huỳnh. Truyền thuyết cho rằng ăn 1 quả có thể tăng tuổi thọ lên 7 năm.

             

Ngày tiếp theo cuộc hành trình bắt đầu từ Hamamatsu sau bữa ăn sáng, sau đó xe chở đến Nagoya – Kyoto. Địa điểm đầu tiên ghé đến là Nagoya City

Nagoya đây là thành phố lớn nhất ở vùng Chubu, cũng là thành phố lớn thứ 4 ở Nhật Bản, là khu vực đô thị đông dân hàng thứ ba. Nó nằm trên bờ biển Thái Bình Dương thuộc trung tâm Honshu. Đây là thủ phủ của tỉnh Aichi là một trong những cảng lớn của Nhật Bản như các cảng Tokyo, Osaka, Kobe, Yokohama, Chiba và Kitakyushu. Nagoya còn gọi là đô thị Chukyo. Dĩ nhiên là chúng tôi được 90 phút dạo phố, tham quan, ăn uống, mua sắm thỏai mái. Sau đó tiếp tục đến tỉnh Aichi. Đây chỉ là một quận nằm ở vùng Chubu miền trung Nhật Bản thuộc tỉnh Aichi, nó còn có tên gọi khác là vùng Tokai thuộc thủ đô Nagoya. Đây là trọng tâm của đô thị Chukyo. Aichi là một quận công nghiệp và nông nghiệp đông dân cư, hỗn hợp với thủ phủ tỉnh Nagoya. Thành phố lớn thứ 4 của Nhật Bản sau Tokyo, Yokohama và Osaka.
17% tổng diện tích đất của tỉnh Aichi đã được chỉ định là Công viên thiên nhiên. Những công trình này bao gồm Aichi Kogen, Hida-Kisogawa, Mikawa Wan và Tenryu-Okumikawa Quasi-National Park cùng với bảy Công viên thiên nhiên khác của tỉnh. Tỉnh Aichi đã đô thị hóa gồm các thành phố và thị trấn chính bao gồm thủ đô Nagoya, với dân số hiện nay khoảng 2.283.000 người. Sau đó chúng tôi tiếp tục đến Osaka.

Osaka là thành phố ở vùng Kansai, đây là thành phố thủ phủ của tỉnh Osaka là khu vực lớn nhất vùng đô thị Keihanshin, cũng là đô thị lớn thứ 2 của Nhật Bản sau Tokyo với dân số 19 triệu dân. Người hướng dẫn viên cho biết là năm 2025 Osaka sẽ tổ chức Hội chợ triển lãm thế giới.
Osaka là một thành phố cảng, theo như trong lịch sử cho biết đó là thủ đô thương mại tầm vóc lớn của Nhật Bản. Đồng thời lịch sử cũng nói rằng truyền thống các công dân của thành phố này làm việc chăm chỉ, nhiều tiệc tùng, thân thiện, không phô trương… Du khách sẽ đánh giá cao các đặc điểm của Osaka, trái ngược với những nhà kinh doanh ở Tokyo. Một điều đặc biệt nữa khi bạn đến Osaka đừng quên ăn bánh pancake mặn okonomiyaki và nhiều món ăn lạ miệng khác nữa.
Nếu muốn đi thăm viếng các thành phố khác như Kyoto, Nara và Kobe khoảng chừng một giờ bằng tàu tốc hành từ thành phố Osaka. Một điều chúng tôi khá ngạc nhiên là Nhật bản là một Quốc gia cường quốc về kinh tế, nhưng hiện nay khu vực Kansai và Osaka không theo kịp với các thành phố khác như Thượng hải, Thâm Quyến, Thiên Tân của Trung Quốc. Osaka là nơi cung cấp hàng hóa như gạo, rượu sake, gốm sứ và tài chính từ Kyoto đến thủ đô Edo (Tokyo).
Osaka, giống như Tokyo, được chia thành nhiều khu vực riêng biệt, mỗi khu vực có đặc điểm riêng không thể lầm lẫn được như: Nakanoshima là trung tâm văn hóa và hành chính của Osaka nằm trên một hòn đảo ở sông Yodogawa, thị trấn Den-Den (một khu mua sắm điện tử ở Daikokucho và Osaka tương đương với Akihabara của Tokyo), Umeda , Shinsaibashi và Namba là những nơi mua sắm và giải trí về đêm.
Nếu có nhiều thì giờ các bạn có thể đến “Thế giới Spa” gần ga Dobutsuen-mae, “Sở thú Osaka”. Thế giới Spa ở quận Tennoji là một siêu năng lực với sức chứa 5.000 người tắm.  Chúng ta có thể đi dạo trong các khu vực tắm, nơi đây được thiết trí theo các mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Rome, Trung Quốc và các quốc gia khác.v.v.rất đẹp và lạ mắt. Osaka được chia Kita (phía bắc) và Minami (phía nam). Kita là khu vực kinh doanh chính của thành phố nằm xung quanh các ga JR Osaka và Umeda, trong khi đó, Minami là khu mua sắm và giải trí tập trung ở Namba và Shinsaibashi với Dotombori. Một đặc điểm ở Osaka mà chúng ta không thể quên được là hầu như các con đường giao thông đều có những con sông hay hồ chạy dọc theo trong rất đẹp mắt, hữu tình. Mặc dù chung quanh đều là những tòa nhà cao ốc. Ví dụ như Dojima-gawa và Tosabori-gawa là hai con sông chia cắt Kita và Minami và khu vực hành chính của Nakanoshima bị kẹp giữa hai bên nhìn rất đẹp mắt với sông nước hữu tình.

Lâu đài Osaka-jo (gần ga Kyobashi) là một trong những điểm thu hút chính của Osaka và Osaka-jo Koen (Công viên lâu đài Osaka) có các ban nhạc trình diễn cuối tuần và nhiều sự kiện văn hóa khác. Nếu còn sức lực nên đi tiếp đến một số viện bảo tàng tuyệt vời của Osaka bao gồm Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Osaka, bảo tàng Hòa bình Osaka để thấy lại hình ảnh trong Thế chiến II của Nhật Bản, Bảo tàng Gốm sứ Phương Đông, Bảo tàng Suntory (nay là Phòng trưng bày Nghệ thuật Đặc biệt Osaka Tempozan), Bảo tàng Lịch sử Osaka, Bảo tàng tự do Osaka ( Bảo tàng Nhân quyền Osaka), Bảo tàng này sẽ mô tả nhiều chi tiết với những chủ đề cấm kỵ như Burakumin của Nhật Bản, người nước ngoài và môi trường, Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia ở Nakanoshima và Bảo tàng Instant Ramen.

Ở Osaka chúng ta có thể đi thăm viếng nhiều đền thờ như: Đền Shitennoji cổ ở Tennoji, Đền Isshinji, Đền Sumiyoshi Taisha và Đền Imamiya Ebisu.v.v.

Lâu đài Kumamoto là một lâu đài lâu năm của Nhật Bản nằm trên đỉnh đồi Chuo-ku, Kumamoto thuộc tỉnh Kumamoto, đó là lâu đài lớn và kiên cố. Đây là một loại tái kiến trúc được xây dựng vào năm 1960. Tuy nhiên nơi đây vẫn còn một số tòa nhà gỗ phụ trợ của lâu đài buổi ban đầu vẫn còn. Lâu đài Kumamoto được coi là một trong ba lâu đài hàng đầu tại Nhật Bản, cùng với lâu đài Himeji và lâu đài Matsumoto. Có 13 cấu trúc trong quần thể lâu đài được chấp nhận là tài sản văn hóa quan trọng của Nhật và thế giới.

 

 Trước khi ăn trưa chúng tôi được ghé vào cửa hàng bán đồ trang sức với nhiều món đồ rất đắt tiền, những hột hạt trai (pearl) lâu đời với giá hàng triệu “Yen” Những hạt trân châu nếu chiếu đèn vô nó sẽ nhìn thấy đổi nhiều màu khác nhau.v.v. Thật tình tôi không rành mấy về những món hàng trang sức, cho nên không biết giới thiệu ra sao với quý vị. Sau đó, chúng tôi ghé rất nhiều khu thương mại khác nhau, nhất là các khu phố với lượng người Nhật quá đông trong giờ tan sở hay những tour dạo phố của du khách. Đoàn người di chuyển đông gắp hai, gắp ba lần của thành phố New York. Một ngày vừa lạnh lại đi bộ nhiều nên sức lực cũng yếu dần, nhiều khi phải ngồi trên xe Bus chờ đợi.

Hanamachi là một quận geisha của Nhật Bản. Nghĩa đen của từ này là “thị trấn hoa”. Những quận hạt ở đây chứa nhiều okiya (nhà trọ geisha) và ochaya (quán trà). Trong nhà trọ Geisha có maiko hoặc geisha sống trong suốt thời gian nenki của cô ấy (hợp đồng hoặc sự nghiệp cho một geisha) Tất cả các geisha đều theo học một trường đặc biệt trong suốt sự nghiệp của họ, nơi họ trải qua được đào tạo nghiêm ngặt về nghệ thuật truyền thống Nhật Bản, như trà đạo, cắm hoa và các nhạc cụ khác nhau. Nhưng một người học việc maiko cần phải học ít nhất 5 năm trước khi cô ấy được coi là có kỹ năng và đủ trưởng thành để trở thành một geiko chính thức. Có hai cách dễ dàng để phân biệt giữa maiko và geisha. Theo như người hướng dẫn viên giải thích thì Maiko có những vật trang trí như cài hoa trên tóc, còn geiko không cài hoa. Còn nhìn về phía sau, obko của maiko (có thắt lưng kimono) dài và kéo thòng xuống sàn, trong khi obi của geiko được gấp thành hình vuông trên lưng.v.v. Hướng dẫn viên còn nói thêm rằng maiko đôi khi mang okobo (dép bằng gỗ cao cấp) trong khi geiko luôn mặc đồ phẳng, được gọi là zori.

Chuyến du lịch chúng tôi đúng vào những ngày đầu của lễ hội hoa anh đào ở Kyoto cho nên có nhiều cô cậu trẻ mặc quần áo theo phong cách truyền thống của Nhật Bản nhìn thật đẹp mắt, quyến rũ và vui vui. Hôm đó chúng tôi có gặp một số các cô gái Việt Nam du lịch, các cô từ Hồng Kông, Tokyo hoặc Đài Loan cũng mặc bộ áo quần kimono truyền thống Nhật đi trên đường phố Gion. Người hướng dẫn viên cho chúng tôi biết, ở đây có vài studio sẽ cung cấp cho khách du lịch đầy đủ đồ trang điểm geisha và maiko với giá bắt đầu từ 12.340 yên (Yen) (tương đương112 đô la). Đồng thời nếu không muốn đi bộ họ có thể mướn xe kéo theo kiểu thời xa xưa. Làm sao phân biệt geisha hoặc maiko giả hay thật, người Nhật nói rằng khi những người đó có cữ chỉ quá thân thiện và tạo dáng trên đường, rất có thể cô ấy không phải là người Nhật thực sự.

    

 Tối hôm đó, chúng tôi được ăn tối trong một nhà hàng truyền thống Nhật là ngồi xuống sàn để ăn. Riêng chúng tôi đều là người có bụng hơi phệ, cho nên được ngồi trên bàn cao để ăn. Bữa ăn hôm nay chúng tôi đã gọi trước (order) món thịt bò nổi tiếng của Nhật là Kobe (món Kobe này chúng tôi phải trả tiền riêng của mình, không tính vào phần ăn thông thường của tour). Tôi xin phép nói qua về món thịt bò Kobe một chút, để chúng ta có thêm một khái niệm về nó. Món thịt bò này chúng tôi phải order trước một ngày do người tour guide gọi đặt hàng. Thật tình mà nói Kobe là tên của thành phố lớn thứ sáu của Nhật Bản là thủ phù của tỉnh Hyogo. Nó nằm ở phía nam của đảo chính Honshu, phía bắc của vịnh Osaka khoảng 30 km (19 mil) về phía tây của Osaka. Thịt bò Kobe chính là thịt bò Wagyu từ giống bò Tajima của Nhật, được nuôi ở tỉnh Hyogo. Theo các quy định của Hiệp hội và Tiếp thị Phân phối thì Thịt bò Kobe có giá trị về hương vị, sự mềm mại và kết cấu lớp mỡ có vân trong thịt béo mịn của nó. Thịt bò Kobe có thể được chế biến thành bít tết, sukiyaki, shabu-shabu, sashimi và teppanyaki. Thịt bò Kobe thường được coi là một trong ba thương hiệu hàng đầu được gọi là Sandai Wagyu, cùng với thịt bò Matsusaka và thịt bò Omi hoặc thịt bò Yonezawa. 

Thịt bò Kobe còn được gọi là Kobe niku, Kobe-gyu hoặc Kobe-ushi. Thật tình mà nói vì tính hiếu kỳ để ăn thử xem có giống những lời đồn đại của nhiều người đã từng ăn qua: Nào là mềm, là tan biến trong miệng, nào là giống nụ hôn mềm mại.v.v. Theo chúng tôi thấy, ẩm thực luôn tùy thuộc vào khẩu vị của mỗi người nhận xét. Đối với khẩu vị của chúng tôi thịt bò Kobe nói chung chung cũng giống như nhiều loại thịt bò của nhiều quốc gia khác. Theo khẩu vị của riêng chúng tôi thì có thể không bằng thịt bò Ribeye steak, Round steak, Flank Steak hay Tenderloi steak…ở Hoa kỳ. Tuy nhiên ăn để thưởng thức món ngon vật lạ, mà người Nhật Bản rất hãnh diện về loại thịt bò đặc biệt này, nhưng giá cả khá mắc, mỗi 6 ounces trị giá $100.00.

  

Sau buổi ăn tối chúng tôi được đi tham quan một vài địa điểm nữa sau khi trở về khách sạn Royal Oak Hotel Spa ngũ lại đêm.

 Ngày kế tiếp. Sau khi ăn sáng xong khoảng 8 giờ sáng chúng tôi được đi tham quan nhiều địa điểm như: World Cultural Heritage in Osaka. Ở đây có khoản 22 di sản thế giới của UNESCO tại Nhật Bản, tính đến năm 2018. 21 địa điểm được liệt kê bao gồm 18 địa điểm văn hóa và 4 địa điểm thiên nhiên.

Kiyomizu-dera temple ở Otowa-san Kiyomizu-dera là một đền thờ Phật giáo thuộc miền đông Kyoto. Ngôi đền này là một phần di tích lịch sử cổ của Kyoto. Uji và thành phố Otsu được liệt kê trong di sản Thế giới UNESCO. Nên nhớ đừng nhầm lẫn với Kiyomizu-dera ở Yasugi Shimane, nằm trên tuyến đường 33 với ngôi đền Chugoku 33 Kannon Pilgrimage là tuyến đường hành hương với 33 địa điểm linh thiêng của Bồ tát Kinnon xuyên qua miền tây Nhật Bản, hoặc ngôi đền Kiyozumi-dera. Đền Kiyozumi-dera là một ngôi đền Nichiren Shu, vào thời điểm đó, ngôi đền này được dành riêng cho giáo phái Tịnh độ, trước đây là một ngôi đền Tendai, sau đó đổi thành Shingon và bây giờ được chỉ định là một ngôi đền của Nichiren Shu theo giáo phái Nichiren

  

 Odaiji (Tōdaiji “Great East Temple”) là một trong những ngôi đền nổi tiếng mang ý nghĩa lịch sử nhất của Nhật Bản, là một địa danh của Nara. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 752 với tư cách là ngôi chùa đầu tiên của tất cả các ngôi chùa Phật giáo của Nhật Bản. Ngôi chùa này thu hút nhiều du khách và phát triển mạnh mẽ đến mức thủ đô của tình từ Nara phải dời đến Nagaoka vào năm 784 để giảm sức ảnh hưởng của chùa đối với các vấn đề của chính phủ.

Hội trường chính của Todaiji, Daibutsuden (Hội trường có tượng Phật lớn) là tòa nhà bằng gỗ lớn nhất thế giới. Mặc dù, thực tế chùa này được tái thiết năm 1692 chỉ bằng 2/3 kích thước của hội trường chùa ban đầu. Tòa nhà khổng lồ chứa một trong những bức tượng bằng đồng lớn nhất của Nhật Bản (Daibutsu). Đức Phật cao 15 mét, ngồi tượng trưng cho Vairocana và được hai vị Bồ tát vây quanh.

   

 Trên thực tế, đây là nơi mà bạn có thể tưởng tượng được Kyoto trông như thế nào. Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều nhà hàng và quán trà để thưởng thức lối trà đạo của Nhật, bao gồm cả quán trà sữa độc đáo nhất trong thành phố Kasagiya. Trong mùa hoa anh đào, hai ngọn đồi này là nơi du khách đến đông nhất và nhiều người đi dạo vào buổi tối.

Chùa Asakusa Kannon. Đây là ngôi chùa cổ và linh thiêng nhất Tokyo. Bạn có thể tự do ghé mua đồ lưu niệm ở khu Nakamise cạnh chùa với nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, và mang ý nghĩa tâm linh.

  

Đền Kinkakuji hay còn gọi là “Ngôi đền vàng” ban đầu là một khu nhà nghỉ của tướng Ashikaga, tổng tư lệnh dưới thời Muromachi (1336 – 1573). Sau khi ông chết, ngôi nhà này trở thành một ngôi đền được dát toàn vàng 18k (tour guide cho biết như vậy). Ngôi đền bị phá hủy vào năm 1950 và được khôi phục lại vào năm 1955. Du khách sẽ có dịp tìm hiểu về nền văn hóa rực rỡ thời Muromachi, cùng với những thiết kế kiến trúc rất độc đáo của người Nhật. Đền Kinkakuji còn có một tên gọi khác là đền ROKUONJI nằm ở miền bắc Kyoto. Đền này được xây dựng trên một cái hồ lớn và được tu sửa lại lần cuối vào năm 1987. Theo lời của người hướng dẫn viên cho biết là bên trong có tượng phật Shaka và Yoshimitsu ở tầng đầu tiên, tượng Bồ Tát Kannon và các bức tượng của 4 vị vua trên thiên đình. Rất tiếc du khách không được chiêm ngưỡng bên trong mà chỉ đứng xa nhìn vào để chụp hình.

    

Hai trong số những con đường hấp dẫn nhất của Kyoto là Sannen-zakaNinen-zaka, một đôi đường dốc nhỏ lót đá dẫn xuống từ đền Kiyomizu về phía Nene-no-Michi Lane. Đặc biệt là những con đường này hoàn toàn không có các đường dây điện trên cao, nhiều người nói rằng đây là phần còn lại nguyên thủy của Kyoto, Sannen-zaka và Ninen-zaka là một làn đường dành riêng cho người đi bộ tạo ra một số lối đi thoải mái trong bầu không khí trong lành, bạn có thể thấy được phong cảnh cổ xưa và thơ mộng này. Nơi đây bạn sẽ tìm thấy rất nhiều nhà hàng và quán trà độc đáo nhất trong thành phố Kasagiya và các nhà trọ truyền thống của Nhật Bản.

  

 Fushimi Inari Taisha là đền thờ vị thần Inari thần thoại Nhật Bản. Vị thần này được biết đến như người bảo vệ nghề trồng lúa, ban phúc lành, thần thịnh vượng. Rất nhiều thương nhân tôn sùng vị thần này. Ngoài ra vị thần này còn phù hộ cho các kiếm sĩ, điền thổ, giải trí.v.v. Ngôi đền nằm dưới chân một ngọn núi có tên Inari cao 233 mét (764 ft) so với mực nước biển và bao gồm những con đường mòn lên núi đến nhiều ngôi đền nhỏ hơn trải dài 4 km (2,5 dặm) và mất khoảng 2 giờ để đi bộ. 

  

Công viên Nara para là một công viên công cộng nằm ở thành phố Nara dưới chân núi Wakakusa. Được thành lập vào năm 1880, đây là một trong những công viên lâu đời nhất ở Nhật Bản. Về mặt hành chính, công viên nằm dưới sự kiểm soát của tỉnh Nara. Có hơn 1.200 con hươu sao hoang dã được thả đi tự do trong công viên. Khu vực này được bao gồm cả khuôn viên của Todai-Ji, Kofuku-Ij, và đền Kasuga nằm xung quanh hoặc bao quanh bởi Công viên Nara, rộng bằng 660 ha (1.600 mẫu Anh).

Công viên này là nhà Bảo tàng Quốc gia Nara Todai-ji, nơi có đền thờ Phật làm bằng gỗ lớn nhất thế giới, chứa một bức tượng Phật cao 15 mét (50 ft).

  

 Công viên Nara Park

Theo văn hóa dân gian địa phương, và nhiều người cho biết loại hươu Sika ở khu vực này được coi là linh thiêng, nó được các nhà sư tụng khinh cho hươu nghe mỗi ngày cho nên các con hươu này rất hiền lành, thân thiện với con người và không biết sợ sệt.   

Shinsaibashi là một quận thuộc phường Chuo-ku của Osaka, đây là khu vực mua sắm lớn của thành phố. Tại trung tâm của nó là Shinsaibashi-suji, một khu phố mua sắm có mái che, nằm ở phía bắc Dotonbori và song song về phía đông đường Mido-Suji là Amerika-Mura. Đây là một biểu tượng lâu đời của thành phố với lịch sử 380 năm trong thời kỳ Edo và cũng là khu vực mua sắm theo phương cách của Mỹ và cũng là trung tâm văn hóa giới trẻ của Osaka. Các cửa hàng lớn và cửa hàng tập trung được tìm thấy xung quanh khu vực. Chúng tôi đi dạo khu phố này từ chiều cho đến 8 giờ tối rất thích thú, thưởng thức nhiều món ăn từ trong tiệm sang trọng lẫn các món ăn trên đường phố và mua sắm vài món đồ lưu niệm. Khu phố này đa số là người trẻ sinh hoạt, rất ít người già từ tuổi 45 trờ lên, đây chính là hiện tượng hiện nay của Nhật Bản. Khu phố này du khách và người mua sắm khỏang 60.000 người vào các ngày trong tuần và khoảng 120.000 vào cuối tuần và ngày lễ. Hàng ngàn người qua lại rất nhộn nhịp cho đến 11 giờ đêm mới chấm dứt.

  

Oshino Hakkai

Bạn đã bao giờ nghe nói về Fuji Five Lakes chưa? Đây là khu vực xung quanh núi Phú Sĩ, có nhiều địa điểm thiên nhiên tuyệt đẹp như Oshino Hakkai ở Yamanashi. Nước trong các hồ trực tiếp đến từ núi Phú Sĩ, các hồ nước tự nhiên này khá sâu, có nhiều cá lớn sống trong hồ, loại cá này giống như cá trê màu đen của Việt nam, chúng bơi xung quanh hồ tạo cảm giác như một hồ cá. Theo như sự giải thích của tour guide thì nước ở Oshino Hakkai rất có chất lượng, an toàn, đã được Cơ quan Môi trường (Bộ Môi trường hiện tại) đưa vào danh sách 100 nước suối hàng đầu Quốc gia. Nó được công nhận trên toàn quốc vào năm 1985 như một di tích tự nhiên. Đây là một điểm rất phổ biến cho những người yêu thiên nhiên và nét xinh đẹp mỗi mùa. Lẽ ra chúng tôi được thưởng thức mùa hoa anh đào tại nơi đây, nhưng chúng tôi đến đây khi hoa anh đào vừa chớm nở.

 

                                  NHÌN RA 8 AO ĐẸP TẠI OSHINO HAKKAI

 

Ngày cuối trở về Mỹ. Chúng tôi ngủ lại Hyatt Regency Tokyo Hotel. Khoảng 8 giờ sáng chúng tôi được xe đưa ra tận phi trường Kansai bay sang phi trường Narita Airport Tokyo để trở về Mỹ. Thật ra còn nhiều nơi thăm viếng khác nữa, nhưng chúng tôi không thể nói hết được. Để chấm dứt bài viết này chúng tôi xin nói vài điểm đặc biệt mà quí vị sẽ tìm thấy hay nghe được khi quý vị đến thăm viếng Nhật Bản, có thể đây là nhận xét của mỗi cá nhân và được giải thích tùy từng người. Cho nên đúng hay sai cũng chỉ là tương đối, nếu có gì sai sót mong quý vị thông cảm.

1-Lễ hội hoa anh đào.

 Đây là lễ hội truyền thống của Nhật Bản thường diễn ra vào cuối tháng 3 đầu tháng 4 và hoa thường nở rộ vào tháng Năm. Lễ hội hoa anh đào còn có tên gọi là Hanami đó là từ ghép bởi “Hana” có nghĩa là hoa và “mi” có nghĩa là ngắm nhìn. Như vậy Hanami có nghĩa là ngắm, thưởng lãm hoa. Lễ hội này lâu đời nhất ở Nhật Bản có truyền thống hàng ngàn năm nay và là một nét đẹp không thể thiếu trong văn hóa Nhật. Hoa anh đào tượng trưng cho sự thanh khiết, mỏng manh và trong trắng. Ở Nhật có rất nhiều nơi để ngắm hoa anh đào như: Tokyo, Osaka, Yokohama, Ueno, Naritansa, Kudanshita, Shibuya …Riêng Tokyo có đến 21 nơi khác nhau để tổ chức lễ hội hoa anh đào. Hoa anh đào là loại hoa chóng nở, chóng tàn. Thời gian từ lúc hoa nở cho đến khi tàn chỉ khoảng 10 ngày đến 2 tuần. Hoa anh đào gọi tiếng Nhật là “sakura”. Đối với người dân xứ sở Phù Tang, sự nở rộ của những cây hoa anh đào tượng trưng cho cuộc sống của con người, sự nhất thời và sự cao quý.

Đặc biệt lễ hội hoa anh đào người Nhật Bản hiện đại thường tổ chức những bữa tiệc ngoài trời bên dưới sakura vào ban ngày hoặc ban đêm. (Hanami vào ban đêm được gọi là yozakura). Nhất là nhiều lồng đèn giấy màu đỏ được trang trí trước cổng chùa hay trên những cây cao để thưởng thức vào buổi tối. Cây anh đào không chỉ trồng ở các cơ sở chính phủ, trong các công viên và còn khắp vùng nông thôn ở Nhật Bản. Người ta nói rằng nguồn gốc của hanami có từ hơn 1.000 năm trước khi giới quý tộc thích ngắm hoa anh đào xinh đẹp và viết những bài thơ lấy cảm hứng từ hoa. Hoa anh đào còn trở thành biểu tượng cho sự vô thường của cái đẹp với nhận thức sâu sắc rằng “không có gì tồn tại mãi mãi.” Hoa anh đào thường được đặc trưng trong các tác phẩm văn chương hoặc nghệ thuật và thậm chí cả hình xăm để mô tả khái niệm “mono” của Nhật Bản. Công viên Hirosaki được coi là một trong những địa điểm ngắm hoa anh đào tốt nhất trong cả nước. Hơn một triệu du khách thăm viếng vào mùa xuân.

Ở Hoa kỳ cũng có lễ hội hoa anh đào lớn nhất ở Mỹ thủ đô Washington, DC có tầm vóc lễ hội Quốc gia.

  

2-Phong tục tập quán Nhật Bản

-Chữ viết đầu năm. Người Nhật Bản quan niệm chữ đầu tiên được viết bằng bút lông trên giấy vào đầu năm mới (được gọi là kakizome) sẽ đem lại may mắn cho cả năm, cũng như những việc quan trọng trong chính quyền để thực hiện.

-Lễ hội gieo quẻ. Chúng tôi thấy các chùa chiền, mỗi người thường rút một quẻ xăm, tức OMIKUJI, được đặt trên những chiếc bàn nhỏ ở hai bên sân chùa. Sau khi có quẻ xăm, họ sẽ đến mua tờ giấy bàn về quẻ xăm đó ngay tại quay hàng kế bên. Hầu hết khắp các đền chùa ở Nhật đều trưng bày chỗ xin xăm. Họ tin về sự may mắn, phù trợ, đại cát và mọi việc sẽ suôn sẻ tốt đẹp nơi Phật và thần thánh.

-Cúi chào

Ở Nhật Bản, mọi người chào hỏi bằng cách cúi chào nhau với độ cong giống như một cây cung. Đôi khi họ có thể dùng một cái gật đầu nhẹ. Điều này cho thấy sự tôn trọng chân thành, nhưng cái gật đầu nhẹ chúng tôi thấy giản dị và thân mật hơn. Ngoài ra, cúi đầu với hai lòng bàn tay úp ngang ngực, có lẽ không phải là thông lệ ở Nhật Bản. Nếu quý vị nhìn thấy trên các phim ảnh có thể không giống lắm như trong đời thường ở Nhật, có thể đây là phong tục hàng ngàn năm không chừng.  Mọi người quỳ gối cúi đầu không chỉ được sử dụng để chào hỏi, mà còn để cảm ơn, xin lỗi, đưa ra yêu cầu hoặc nhờ ai đó giúp đỡ.v.v. Hầu hết người Nhật không mong đợi người nước ngoài biết nghi thức cúi đầu khi thích hợp của họ. Có lẽ cách bắt tay thường được mong đợi từ người nước ngoài.

-Cách cư xử

Theo truyền thống các nghi thức quan trọng nhất ở Nhật Bản là nói các cụm từ thông thường trước và sau bữa ăn “itadaki-masu” và “gochisou-sama” sau bữa ăn (điều này chỉ sử dụng khi ăn uống cùng với người Nhật mà thôi). Trong thời gian một tuần lễ ở Nhật, những bữa ăn của chúng tôi hầu như không thể thiếu món cá. Theo lời giải thích của người hướng dẫn viên cho biết là đũa không được gấp thức ăn từ đũa của bạn đưa sang chén của người khác hoặc ngược lại. Điều quan trọng nữa là không được cắm đũa thẳng đứng vào thức ăn, nhất là vào bát cơm. Hoặc sử dụng đũa của bạn để chỉ vào ai đó. Nếu trên bàn không có muổng súp để múc thì bạn phải nâng bát cơm lên tận miệng để và, nhất là tránh làm rơi thức ăn. Một điều lạ nữa mà quý vị thường thấy trong phim Hàn Quốc hay Nhật là khi ăn mì người ta thường tạo ra một số tiếng ồn khi ăn mì, chẳng hạn như mì ramen và soba. Khi ăn tạo ra tiếng ồn để chứng tỏ là rất ngon miệng. 

  

-Giày dép

Cũng từ hướng dẫn viên cho biết. Giày dép không bao giờ được mang vào trong nhà của ai đó hoặc trên sàn trải chiếu của Nhật Bản. Tháo giày của bạn trước khi vào nhà và đi dép để bước vô cửa. Trong bữa ăn trưa, chúng tôi phải cởi giày rồi ngồi xếp bằng để ăn, mặc dù có chút khó khăn nhưng mình không thể làm khác hơn được khi nhà hàng đó không có bàn cao. Chẳng những thế mà trong khách sạn, khu nghỉ dưỡng, suối nước nóng.v.v. Đều có một nơi để đặt giày của bạn. Ngoài ra, bạn sẽ được tặng dép để mang. Thường có dép khác nhau cho phòng tắm, phòng ngủ. Bạn không bao giờ mang dép bình thường vào phòng tắm và ngược lại.

3-Những điều tìm hiểu thêm

-Người Nhật không có những cuộc trò chuyện công khai trên điện thoại di động. Mọi người không bao giờ nói chuyện điện thoại trên xe, trên tàu hoặc trong cửa hàng. Họ luôn giữ cho điện thoại của họ ở vị thế rung (vibrating). 

-Người Nhật Bản rất bảo thủ không phải là một Quốc gia nói tiếng Anh, cho nên khi giao tiếp chúng ta nên nói chậm và kiên nhẫn khi nói tiếng Anh với họ. Tốt nhất chúng ta nên học một vài từ cơ bản của tiếng Nhật như: cám ơn, không có gì, xin lỗi.v.v. (arigatou gozaimasu)/ Cảm ơn nhiều, (dou ita shimashite)/ Không có gì, (sumimasen)/ Tôi xin lỗi… Mặc dù chỉ vài từ nhưng rất cần khi giao tiếp với người Nhật.

 -Thang máy cuộn Tokyo trái thành bên phải, Osaka bên phải qua trái hay đường thang máy đi nhanh trong phi trường luôn nằm bên trái. Do truyền thống của Nhật thường trái ngược nhau hầu như mọi thứ.

-Tôn giáo & tín ngưỡng.

Người Nhật có hai tôn giáo là Thần đạo và Phật giáo có 84% và các tôn giáo khác khoảng 16% (bao gồm Christian 0,7%).

-Thần đạo có từ thời cổ đại khi mọi người tin vào thế giới thiên nhiên với thần Kami (là linh hồn) Trong Thần đạo, kami không tách rời khỏi thiên nhiên, mà thuộc về thiên nhiên, sở hữu những đặc điểm tích cực và tiêu cực, cũng như những đặc tính tốt và xấu. Hoặc hiện tượng được tôn thờ trong tôn giáo của Thần đạo, một vị thần Shinto hoặc thần linh. Phật giáo đến từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 6 và hai tôn giáo đã cùng tồn tại ở Nhật Bản từ thời điểm đó.

-Gia đình.

-Theo như người hướng dẫn viên và một vài người Nhật chúng tôi tiếp xúc, họ cho biết mô hình gia đình người Nhật đã thay đổi qua nhiều thập kỷ với cha mẹ và con cái của họ, cũng như đời sống các khu vực đô thị và nông thôn khác biệt nhau khá nhiều. Trong nửa sau của thế kỷ 20 các luật mới đã đưa ra nhằm giảm bớt quyền lực gia trưởng và trao quyền pháp lý nhiều hơn cho giới phụ nữ.

-Hôn nhân được chấp nhận trong sự hiểu biết và yêu thương nhau riêng tư giữa hai người chứ không theo sự sắp đặt bởi cha mẹ theo truyền thống.

4-Sự phân biệt của tầng xã hội:

Trong thời đại Meiji, chính phủ đã đặt mục tiêu biến Nhật Bản thành một quốc gia dân chủ, bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội. Mặc dù, đã bị phá vỡ ở một mức độ nào đó, những dấu tích phong kiến vẫn tiếp tục với một số ảnh hưởng đến thái độ, vị trí xã hội và quyền lợi.

Ở cả khu vực nông thôn và thành thị, có sự khác biệt về thành phần gia đình, thành tích giáo dục và bao gồm cả lực lượng lao động. Nếu nhìn cho kỷ hay trò chuyện với những người trong thành thị, chúng ta có thể thấy sự khác biệt về mặt xã hội giữa tầng lớp trung lưu và lao động.

-Vai trò giới tính.

Chúng tôi thăm viếng nhiều chùa chiền thì có nhiều người nói rằng người phụ nữ bị loại khỏi các khu vực thiêng liêng, cũng như phân cấp trong cả lời nói và hành vi. Trong lịch sử, phụ nữ ở Nhật Bản được cho là phụ thuộc vào đàn ông và bị giới hạn trong trong nhiều vấn đề. Năm 1947, một khung pháp lý mới đã được thiết lập liên quan đến sự bình đẳng cho cả hai giới, do đó giúp phụ nữ tiếp cận nhiều hơn với giáo dục, cơ hội việc làm và thăng tiến nghề nghiệp.

5-Thức ăn

Nhật Bản có bản sắc riêng về ẩm thực truyền thống, Tuy nhiên có nhiều ảnh hưởng từ xa xưa của Hàn Quốc, Trung Quốc và Đông Nam Á. Gạo trắng là một thành phần chính của hầu hết các bữa ăn và các loại khác bao gồm các sản phẩm đậu nành, cá nướng hoặc cá sống, thịt lợn xào cắt lát mỏng với giá chua, hạt đậu và rau.

-Súp miso là một món ăn phổ biến được làm từ tương miso (đậu nành lên men và lúa mạch). Sushi cũng là một bữa ăn phổ biến của Nhật Bản bao gồm cơm giấm với hải sản, cá sống hoặc rau. Trong suốt thời gian chúng tôi thăm viếng Nhật, chưa có bữa ăn nào được đãi có món Sushi, rất tiếc chúng tôi không có dịp để hỏi về vấn đề này là lý do tại sao? Vì nước Nhật ẩm thực đặc biệt nhất là Suihi.

Một bữa ăn điển hình của người Nhật thường liên quan đến một số món ăn trong những chén nhỏ được chế biến bày trên bàn cùng với món chính.

-Vị khách danh dự hoặc người lớn tuổi nhất sẽ ngồi ở giữa bàn xa nhất từ ​​cửa ra vào. Vị khách danh dự hoặc người lớn tuổi nhất là người đầu tiên bắt đầu ăn trước.

Trộn thức ăn khác với cơm, thông thường không nên làm như thế. Bạn ăn mỗi thứ một chút, nhưng không bao giờ được trộn lẫn với nhau như chúng ta ăn ở nhiều nước phương Tây. Khi bạn ăn xong, đặt đũa lên chỗ để đũa, hoặc trên bàn. Không nên đặt đũa lên trên đầu (miệng) bát của bạn.

6-Nền kinh tế

Nhật Bản là một Quốc gia có công ty hàng đầu trong thị trường tài chính toàn cầu và là thành viên của G7. Giữa thế kỷ 20, nền kinh tế Nhật Bản tập trung vào nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp, nhưng sau kỳ khủng hoảng kinh tế bị suy giảm trong lĩnh vực này, sau đó Nhật đã có động thái hướng tới sản xuất, bán lẻ và ngành dịch vụ. Đây là một trong những nhà sản xuất xe hơi và hàng điện tử lớn nhất thế giới, xuất khẩu trên toàn cầu.

Nhật Bản bị suy giảm kinh tế đáng kể trong những năm 1990 mặc dù họ có thể duy trì sức mạnh kinh tế của mình trên phạm vi quốc tế. Trận động đất kinh hoàng năm 2011 đã ảnh hưởng thảm khốc đến cơ sở hạ tầng và nền kinh tế. Thủ tướng Shinzo Abe đã bắt đầu một chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng và trong quý đầu tiên của năm 2017 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản đã tăng lên.

7-Cách ăn mặc. 

-Đàn ông nên mặc một bộ đồ có màu tối trong những tháng mùa đông với áo sơ mi trắng và cà vạt không có màu sắc rực rỡ.

những tháng mùa hè có thể rất nóng, nên mặc áo sơ mi tay dài và áo màu xám nhạt.

-Phụ nữ nên ăn mặc kín đáo, để tóc ngắn hoặc buộc lại. Đồ trang sức có tính cách phô trương hoặc váy ngắn không được coi là phù hợp.v.v. 

8-Những lý do tại sao Nhật Bản rất sạch sẽ

Mặc dù Nhật Bản có một số vấn đề về môi trường vẫn chưa giải quyết triệt để, chẳng hạn như rác ở Biển nội địa Seto. Nói chung, thì đây là một quốc gia khá sạch sẽ. Các thành phố đặc biệt được chăm sóc rất tốt. Như ở Graffiti rất sạch sẽ, mọi người hiếm khi ném rác xuống đất và không có dấu hiệu cảnh báo về một khoản tiền phạt, nếu bạn vứt rác. Tóm lại người dân Nhật Bản đều quan tâm đến cuộc sống sạch sẽ, nhất là sự sạch sẽ công cộng. Các thành phố Nhật Bản hầu như đều nhìn thấy sạch sẽ đó là nét đẹp tỏa sáng của Nhật Bản. Có lẽ ở Nhật có sự giáo dục quần chúng rất kỷ cho nên, từ những đứa trẻ phải tự dọn dẹp trường học của mình trước khi rời khỏi trường.  Đó là những điều chúng tôi thấy ở những khu phố lớn sang trọng, tuy nhiên ở nhiều vùng ngoại ô và dưới các gầm cầu hay bờ sông hồ vẫn có nhiều chỗ rác vứt bừa bãi.

Sau đây là một vài hiểu biết về văn hóa sạch sẽ của xứ Phù tang.

*Không có thùng rác công cộng 

-Một trong những điều đầu tiên bạn có thể nhận thấy khi đặt chân đến Nhật là có rất ít thùng rác công cộng. Ví dụ như khi bạn rời khỏi phi trường hay ga tàu không tìm thấy thùng rác, nó không giống như ở Hoa Kỳ và nhiều Quốc gia khác sẽ có nhiều thùng rác công cộng ở khắp nơi. Với chủ đích là để ngăn cản mọi người ném rác xuống đất. Người Nhật không mong muốn người khác xả rác. Có hôm chúng tôi thăm viếng một khu chùa và công viên, trên tay tôi có một lon nước đã uống xong, tôi rất ngạc nhiên là không có bất kỳ thùng rác ở nơi nào để bỏ nó. Tôi hỏi người hướng dẫn viên lý do tại sao. Anh cho biết là mình có thể mang rác về nhà mình để bỏ hay chờ đến siêu thị thì sẽ có thùng rác, ở Nhật không có thùng rác công cộng. “Họ dạy rằng bạn phải luôn chịu trách nhiệm về mớ hỗn độn của mình, rác thải của bạn hãy mang nó về nhà để bỏ”.

-Khi mua sắm thông thường họ đều cho chúng ta một chiếc túi để bỏ đồ đạc tại cửa hàng. Chiếc túi này rất tiện lợi là có thể sử dụng nó trở thành túi rác của riêng mình cho đến khi có thể tìm thấy thùng rác. Trong các xe buýt đường dài, hộp túi rác nhỏ được để sẳn lối bước lên xe hoặc ở mỗi ghế, với mục đích khuyến khích mọi người sử dụng nó như thùng rác của riêng mình (có thể mang nó về nhà) thay vì ném nó xuống sàn hoặc để lại trên ghế của họ.

Nhà riêng và doanh nghiệp luôn giữ cho khu vực của họ sạch sẽ

Mỗi buổi sáng, bạn sẽ nhìn thấy nhiều người ở Nhật quét dọn xung quanh nhà hoặc nơi làm việc của họ. Đây không phải là nhân viên bảo trì hay người phụ trách vệ sinh, mà là nhân viên cửa hàng, nhân viên văn phòng, y tá, v.v. Hôm ăn sáng tại khách sạn tôi nhìn thấy có một người đàn ông ăn mặc chỉnh tề, áo veston, thắc cà vạt, tay cầm cây gấp rác, tôi ngạc nhiên hỏi người bạn. Họ là ai ăn mặc đẹp thế mà lại đi nhặc rác? Người bạn tôi nói đó là nhân viên làm việc tại đây. Có nghĩa là mọi người đều tự động làm sạch sẽ khu làm việc của mình.

Sạch sẽ cho các xe cộ

Một trong những điều làm tôi ngạc nhiên, khi lần đầu tiên đến Nhật Bản được nhìn thấy là những chiếc xe tải thương mại, hay những chiếc xe được sử dụng trong việc xây dựng, làm xi măng, chở bụi bẩn và đồ phế thải, đều được giữ sạch sẽ một cách tỉ mỉ. Tôi có hỏi người hướng dẫn viên là tại sao xe nào cũng đẹp và sạch sẽ quá. Anh cho biết là mỗi đêm sau ca làm việc của họ, các tài xế xe tải đều phải rửa xe. Họ đánh bóng các chỗ chrome, bởi vì các tài xế họ luôn tự hào có những chiếc xe đẹp lấp lánh. Tuy nhiên, cũng không hoàn toán thế, có một số xe quá củ và dơ chạy trên đường phố mỗi ngày.

Và một ngạc nhiên khác là các tài xế taxi mang găng tay trắng, khi chưa có khách họ luôn đánh bóng xe của họ trong thời gian chờ hành khách tiếp theo. Một điểm đặc biệt khác nữa là người Nhật rất ít sử dụng xe ngoại quốc.

Dọn dẹp khu phố

Người hướng dẫn viên còn cho chúng tôi biết là hầu như những người sống ở Nhật, chắc chắn sẽ được yêu cầu tham gia các hoạt động dọn dẹp cộng đồng theo lịch trình trong khu phố của họ. Vào những thời điểm định sẵn, sớm nhất là 7 giờ sáng để mọi người có thể tham gia trước khi họ phải đi làm. Hàng xóm tặng găng tay, mang xẻng, lưỡi hái, cây cào và kéo cắt cây, cỏ dại.v.v. Họ thường dọn dẹp khu vực xung quanh khu vực nơi họ sinh sống, bao gồm các công viên nhỏ và nhà vệ sinh công cộng. Họ có thể tự hào về khu phố của họ. Đó chỉ là một phần của văn hóa sạch sẽ, gọn gàng và cũng giúp hàng xóm gắn kết với nhau trong một cộng đồng. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là tuyệt đối hoàn toàn sạch sẽ ở mọi nơi. Nếu có cơ hội chúng ta ra khỏi đường phố chính, thường có rác bị vứt bừa bãi, với bao bì rỗng nhét vào bụi rậm. Hay một lý do khác người hướng dẫn viên cũng cho biết là, có rất ít thùng rác không phải vì mọi người ở đây rất sạch sẽ, mà bởi vì hầu hết các thùng rác đã được gỡ bỏ như một “biện pháp phòng chống khủng bố” và một số lý do khác nữa.

Hút thuốc ở Nhật Bản

Mặc dù trong lịch sử của Nhật ít bị hạn chế bởi luật pháp hơn nhiều quốc gia khác về hút thuốc lá. Nhưng trong những năm gần đây hút thuốc lá ở Nhật đã giảm liên tục kể từ năm 1996. Tiêu thụ bình quân trên đầu người năm 2015 là 1.618 điếu, khoảng 46% so với con số cao nhất năm 1977. Năm 2015, tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành là 19,3%, 29,7% nam giới Nhật Bản và 9,7 % phụ nữ Nhật Bản. Đây là con số thấp nhất được ghi nhận năm 1965. Tính đến tháng 7 năm 2016, chỉ có hơn 20.000.000 người hút thuốc ở Nhật Bản, mặc dù quốc gia này vẫn là một trong những thị trường thuốc lá lớn nhất thế giới. Một điều ngạc nhiên nữa là không có một người nào hút thuốc lá trên đường phố hay trong nhà hàng hoặc công viên công cộng. Họ có thể hút ở những nơi cho phép, hay có phòng riêng kín như ở phi trường.v.v.

9-Thưởng thức Trà đạo.

Trà đạo được biết đến như một loại nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật. Đây là một nét truyền thống văn hóa đặc sắc của đất nước Phù tang. Với công dụng giúp thư giãn tinh thần và sự hấp dẫn đặc biệt của hương vị trà đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà này. Họ đã kết hợp thú uống trà của tinh thần Thiền Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà.

Nghệ thuật pha trà và thưởng thức trà đã trở thành một văn hóa đặc sắc của người Nhật Bản. Rất tiếc tôi có ghé đến quán trà nhưng không có dịp thưởng thức. Nhưng tôi có quan sát một quán trà trong một khu phố, thông thường gọi là Trà thất đó là một căn phòng nhỏ dành riêng cho việc uống trà, nó còn được gọi là “nhà không”. Thật ra cũng không có gì cầu kỳ lắm, bên trong được sắp xếp những chiếc bàn và ghế nhỏ với những tấm đệm để ngồi. Khi khách vô thì người hầu bàn đến hỏi và giải thích các loại trà mà họ muốn thưởng thức, sau đó họ mang ra một ấm trà và vật liệu, đồng thời họ sẽ pha chế nếu khách muốn.v.v. Cách pha trà thường chú ý đến những điều căn bản sau đây như: Nước pha trà, Làm ấm dụng cụ, Pha trà, Cách rót trà và Cách uống trà. Bốn nguyên tắc cơ bản trong trà đạo: Hòa – kính – Thanh – Tịch. “Hòa” Hy vọng quý vị có dịp thăm viếng Nhật Bản sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị khác nữa.

  

          

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here