Tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến

0

Tiếp theo kỳ trước trong ” Tâm an giữa đời thường” của Tuệ Quảng

III-Tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến

Ám chỉ những phiền não cơ bản của con người là do tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ và tà kiến. Đây là những loại đầu độc thân tâm của mọi chúng sinh và cản trở việc tu Đạo. Nó có thể gây mê lầm và tạo nghiệp, làm cho mọi người cảm thấy áp lực, nóng giận, khó chịu về thể xác và tinh thần khiến con người đau khổ.

1-Tham gây ra phiền não trong cõi dục vọng, bản chất của nó là không tốt. Tham lam không chỉ khiến tâm trí chúng ta suốt ngày bám víu vào hoàn cảnh bên ngoài gây ra nhiều đau khổ. Họ luôn ham muốn về ngũ dục mà không cần suy nghĩ. Theo cách nói của người thường, là tham danh lợi, tài sản, danh vọng, quyền lực tất cả những thứ đó đều ở thế giới bên ngoài, bị thân ngũ uẩn ham muốn đuổi bắt vô độ, đó chính là lòng tham lam.

2-Tức giận còn gọi là giận dữ, ghen tị và hành động hung bạo. Đó là một hiệu ứng tinh thần khơi dậy sự căm ghét giữa con người với nhau khi họ không tuân theo ý của mình khiến cho tâm trí tức giận. Đây là đặc trưng duy nhất của cõi dục vọng. Cho nên có câu: “Lửa sân hận đốt cháy cả rừng công đức”. Nó còn là những hành vi như vu khống, bôi nhọ người khác.v.v. Sân hận là bản chất của sự căm ghét, khổ đau và lạc thú. Sự phát sinh và ảnh hưởng của sân hận hoàn toàn trái ngược với tham lam. Phật giáo tin rằng bất cứ tình huống oán giận nào đều đi ngược lại sự mong muốn của một người bình thường và sẽ ảnh hưởng về mặt tinh thần. Hận thù hay giận dữ sẽ dẫn đến những hành động không tốt như đánh nhau hoặc giết hại lẫn nhau, nhiều khi còn ảnh hưởng đến nhiều người khác, xã hội hay trong gia đình. Muốn khuất phục cơn giận, phải thực hành sự khoan dung và lòng từ bi.

3-Si mê thường gọi là vô minh…vô minh ngu si, tối tăm thiếu hiểu biết. Muốn chữa loại bệnh này phải biết quan sát nhân duyên và thực hành trí tuệ. Si là kết quả của sự chấp ngã và chấp thủ của con người phát sinh ra. Hầu như mọi loại rắc rối của cuộc sống hay những xáo trộn trong công việc hàng ngày đều phát sinh từ những lý do này. Vì thế, si mê là nền tảng của mọi phiền não. Khi con người bị nhầm lẫn về bản chất của sự vật, nó thường bắt nguồn bởi sự si mê và mọi phiền não. Tuy nhiên, có người cho rằng nó đều dựa trên nghiệp của mình.

4-Kiêu mạn. Là sự ngu ngốc của con người bị ám ảnh bởi sự hiểu biết hạn hẹp của bản thân và tự cho mình là đúng. Họ không chỉ thiếu kiến ​​thức và hiểu biết về đời sống xã hội và các nguyên lý của thế giới, mà còn xem thường chân lý và con đường tu tập để giải thoát. Người kiêu ngạo, họ luôn tự đề cao bản thân quá mức và coi thường người khác. Ba điểm chính yếu: Thứ nhất là thiếu hiểu biết, thứ hai tự cho mình là đúng, và thứ ba nội tâm trống rỗng, sợ người khác xem thường nên dùng sự kiêu ngạo để cải trang, che đậy yếu kém của mình. Kiêu ngạo là một loại ám ảnh về bản thân, quá quan tâm đến cảm xúc của mình và xem thường ý kiến ​​của người khác. Hay một hình thức kiêu ngạo khác của những người tài năng, có năng lực. họ hãnh diện về điều đó nên xem thường người khác và luôn cảm thấy vượt trội không ai hơn mình.

5-Nghi ngờ. Ám chỉ tâm lý tiêu cực, hoài nghi, thường tự cho mình là đúng, coi mọi việc là điều hiển nhiên và nghi ngờ mọi thứ nhưng không có cơ sở nào chứng minh. Họ thường không phân biệt được thiện ác, nhất là làm bất cứ việc gì cũng do dự, thiếu quyết đoán. Mặc dù, điều đó không hẳn là sai, nhưng sự cảnh giác với người khác cũng phải biết phân biệt được sự vật, hay đối tượng cụ thể ra sao.v.v. Hai loại chất độc này là nguyên nhân chính gây ra sự thay đổi tâm trạng rất lớn ở con người. Tóm lại, Tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ đều do sự ích kỷ và sự ám ảnh của chính mình gây ra. Khi có chấp trước trong lòng, thì hành động chắc chắn sẽ dẫn đến sai lầm. Một người mang bản chất kiêu mạn và nghi ngờ thì trong cuộc sống, khó tránh khỏi xảy ra cãi vã, xích mích với những người xung quanh, thậm chí dẫn đến nhiều bi kịch. Ngoài sự gây hại cho người khác mà chính bản thân họ cũng rơi vào trạng thái tiêu cực, khiến họ chìm trong bóng tối và mất đi nguồn hy vọng.

Tóm lại, trong ngũ độc tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ là do sự chấp ngã và chấp thủ phát sinh, hầu như mọi loại rắc rối trong cuộc sống và những xáo trộn trong công việc thế gian đều phát sinh từ những yếu tố đó. Muốn kiểm soát năm yếu tố trên chúng ta phải thấy được “tâm và bản ngã” của chính mình, sau đó mới tu tập mỗi ngày theo con đường của Phật thì mới hy vọng có ánh sáng cuối đường hầm để tự mình giải thoát khỏi sự khổ đau. Hay nói một cách khác, tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ là giới định và tuệ. Ngoài ra nó còn tạo cho con người những cảm xúc tiêu cực cực độ và có thể trở thành nguyên nhân gây ra những căn bệnh ác tính. Vì vậy, nếu bị mắc kẹt trong ngũ độc lâu ngày mà không nhận ra, nó dễ dẫn đến mất cân bằng thể chất, tinh thần và sinh ra nhiều bệnh tật. Thật ra, còn nhiều điều trong Phật giáo chúng ta cần học hỏi và tu luyện, nhưng Phật giáo không đơn giản chỉ đọc hay nghe vài lần thuyết pháp là hiểu được tất cả. Thế gian mỗi người đều có sự thẩm thấu khác nhau tùy khả năng, trình độ kiến thức và hoàn cảnh hay cơ duyên. Thậm chí có người nói rằng con đường tu luyện đôi khi làm họ bối rối, suy nghĩ trăm điều, mất niềm tin và không tìm thấy ánh sáng cuối con đường tu tập để tìm đến giải thoát và giác ngộ.

Chúng sinh đa số là người bình thường, họ khó nắm bắt những triết lý cao siêu, những bài kinh khó hiểu, những ngôn ngữ xa lạ đã làm họ thành một cỗ máy tự động chỉ biết đọc. Nếu họ có cố gắng thì con đường thành công cũng không hoàn mỹ, nhất là trên con đường tu tập. Hơn nữa, đời người quá ngắn ngủi, thời gian bận rộn suốt ngày vì kế sinh nhai, ăn ngủ, gia đình, bổn phận, trách nhiệm, học hành, xã hội.v.v và v.v. Họ luôn quanh quẩn trong vòng nhọc nhằn, với buồn vui lẫn lộn, với hạnh phúc khổ đau. Những điều tôi nói trên rất khó để thu nhập, am tường tạo cuộc sống bình an hoàn mỹ. Bởi thế, sau nhiều lần suy nghĩ và kinh nghiệm bản thân với đời sống thực tế, tôi gom lại những điều cốt lõi nhất của triết lý Phật giáo như nói trên để tâm niệm và thực hiện mỗi ngày, sau cùng tôi đã gặt hái được một số hương hoa tốt đẹp trong cuộc sống thường ngày.

Đời này không có gì là không thể, nếu chúng ta muốn tiêu trừ hoặc kiểm soát năm độc cũng không phải là quá khó khăn. Chúng ta cứ xem nó là một căn bệnh có thuốc chữa. Mỗi ngày phải luôn quan tâm điều trị nó bằng cách làm ngược lại với tham, sân, si, kiêu mạn và nghi ngờ. Chẳng hạn, chúng ta chống lại lòng tham bằng sự cho đi và sự cống hiến; chống lại sự thù hận bằng lòng từ bi và lòng biết ơn; loại bỏ sự thiếu hiểu biết bằng hành vi tìm kiếm kiến ​​thức, học hỏi và khám phá sự thật với một tâm hồn cởi mở và khiêm tốn bằng cách chấp nhận và lắng nghe người khác, Chuyển ngu si thành trí tuệ, chuyển tâm hành động đối nghịch với năm độc, từ đó mỗi ngày chúng ta sẽ loại bỏ những thói quen, chấp trước cố hữu tác động đến đời sống.v.v.

Phương pháp thứ hai chúng ta tập Thiền với mục đích là để thanh lọc tâm trí và cơ thể loại bỏ sự giả dối và giữ lại sự thật. Khi bạn rời bỏ mọi ảo tưởng thông qua thiền định, và thực hành lời dạy của Đức Phật bạn sẽ đạt được thành công. Tất cả những gì gắn liền với những ảo ảnh sẽ không còn tồn tại, bằng cách này chúng ta mới có thể trở về với bản chất thanh tịnh và tự do thực sự của mình. Đã là con người ai cũng có tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ, nhưng sự khác biệt ở mức độ của mỗi người mà thôi. Điều quan trọng nhất là phải hiểu rõ bản chất của mình. Khi chúng ta hiểu được nó thì dễ dàng loại bỏ và không dựa vào hoàn cảnh bên ngoài thì tham, sân, si, kiêu mạn, nghi ngờ sẽ tự nhiên biến mất.

Tiếp kỳ tới “Thực tập Bồ Đề Tâm qua sáu thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý”

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here