THẰNG CỰNG CHĂN TRÂU

0

     Như chúng ta đều biết trâu là một con vật đứng vị trí thứ hai của mười hai con giáp trong địa chí. Tháng Chạp là tháng Sửu và giờ Sửu từ 1-3 giờ. Đối với người Việt Nam, nhất là những người sống ở nông thôn, con trâu là con vật mà ai cũng quen, cũng biết vì trâu được xếp vào loại gia súc. Trâu là người bạn thân quen của mọi gia đình, thậm chí nó còn được coi như một thành viên trong gia đình nữa.
Mỗi độ xuân về, Tết đến, nếu năm ấy là năm Sửu thì đề tài về trâu sẽ không bao giờ thiếu trên mọi trang báo, sách vở viết về con vật thân thương này. “Năm Sửu Nói Chuyện Trâu” là một tiêu đề về trâu ở khắp mọi nơi.
Con trâu trong văn học dân gian:
Không biết con trâu đã đi vào dòng văn học dân gian tự lúc nào mà hình ảnh của trâu bao giờ cũng nói đến và được ca tụng nhiều nhất. Con trâu trở thành một thành viên không thể thiếu trong văn hóa Việt. Có lẽ trâu đã đóng góp rất nhiều trong cuộc sống của người nông dân và cũng là con vật thật gần gũi trong mọi sinh hoạt của gia đình. Nhà nào có được trâu bao giờ họ cũng muốn giữ trâu gần với họ; chẳng hạn họ làm chuồng trâu hay xây đống rơm cho trâu ăn cũng ở trong khuôn viên nhà họ. Người nông dân xem trâu là một sản nghiệp trong suốt cuộc đời và chỉ có trâu mới nói lên sự an cư lạc nghiệp nơi miền quê thôn dã.
Trong chúng ta ai cũng đã từng đọc “Con Trâu” của Trần Tiêu, em ruột của nhà văn Khái Hưng trong Tự Lực Văn Đoàn. Trong tác phẩm văn học này tác giả đã khá thành công trông việc vẽ lên một bức tranh sinh động của cuộc sống lam lũ, thiếu trước hụt sau của những gia đình tá điền vì sưu cao thuế nặng, vì hạn hán lũ lụt, có lúc được mùa, có lúc thất mùa… vì đất lề quê thói mà người nông dân suốt đời không thể thực hiện được giấc mơ thật đơn giản của mình: Tậu được một con trâu cái để nở mặt, nở mày với bà con xóm giềng, thiên hạ vì con trâu là đầu cơ nghiệp. Chúng ta hãy nghe tác giả tả về một con trâu trong ước mơ điền dã của Bác Chính, nhân vật trong truyện: “Con trâu nằm gấp lại hai chân trước, một chân sau hơi ruỗi để lộ bộ vú hồng phơn phớt lông tơ trắng. Nó không buồn để ý đến bác, tư lự như một nhà triết học, cặp mắt lờ đờ nhìn đâu đâu…”
Cuộc đời nông dân của Bác Chính chỉ mơ có được một con trâu cái vì bác nghĩ rằng chính con trâu cái này rồi ra sẽ sinh ra một đàn trâu và sẽ cho gia đình bác một sản nghiệp to lớn để thoát cảnh cày thuê, cấy mướn. Nhưng giấc mơ ấy bác không thể nào thực hiện được và ngay cả đến khi bác nhắm mắt lìa đời miệng bác còn lẩm bẩm “con trâu cái, con trâu c.. á..i…”
Dưới chế độ phong kiến, trâu bò là thước đo của sự giàu có của các phú hào, địa chủ ở nông thôn cũng như người Thượng lấy chiêng, cồng, hũ, ché làm bằng đồng. Ai trong chúng ta không biết Thằng Bờm:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Và hình ảnh con trâu vẫn sống thật đậm nét trong dòng văn học Việt Nam. Chúng ta hãy nghe thơ văn nói về người bạn muôn đời thủy chung với nông thôn Việt Nam:
Trâu ơi! Ta bảo trâu rày
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
hay
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.   Chính con trâu đã tạo cho bức tranh quê thêm phần sống động và nhiêm mầu. Trong những bức tranh tứ bình Ngư,Tiều,Canh, Mục, hình ảnh cậu bé ngồi trên lưng trâu với tiếng sáo thanh bình ngày ấy sẽ mãi mãi là một kiệt tác sống mãi nghìn đời trong văn hóa Việt. Còn nữa, con trâu trong Lục Súc Tranh Công. Sáu con vật, trâu,chó, gà, dê, heo, ngựa, anh nào cũng muốn kể công của mình cho chủ mình nghe để phán xét công trạng mà chúng đã cúc cung phục vụ suốt đời. Chúng ta thử nghe chàng Ngưu kể công trạng của mình:
….  Vừa đến buổi cày bừa bua việc
Trước cổ đã mang hai cái niệt
Sau lưng thêm kéo một cái cày
Miệng đã dàm, mũi lại dòng dây
Trên lưng ruồi bâu, dưới chân đỉa cắn
Trâu mệt mỏi thở dài thở ngắn
Người còn hầm hét, đánh ngược, đánh xuôi…
….Làm không kịp thở, ăn chẳng kịp nhai…
Chúng ta thường bảo làm thân trâu ngựa chẳng ngoa chút nào.
Bên cạnh những câu ca dao, hình ảnh con trâu cũng làm giàu kho tục ngữ dân gian:
– Trâu buộc ghét trâu ăn: nói lên tính ghen ăn tức ở của người đời.
– Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết: Kẻ mạnh hục hặc đánh nhau thì kẻ thấp yếu cũng bị vạ lây.
– Trâu kén cỏ trâu gầy, trò kén thầy trò dốt: Nên khiêm tốn học hỏi, yêu kính thầy mới được nên người.
– Sai con toán, bán con trâu: Phải tính toán thật kỹ càng chứ không thì bị tiêu tan cả sản nghiệp.
– Trâu ai nghé mình: Mình không tạo dựng nhưng bỗng nhiên lại có. Câu này thường ám chỉ những ông chồng phải nuôi con người khác chứ không phải con của mình.
– Ruông sâu trâu nái: Chỉ sự giàu có, phú quí ở nông thôn.
– Trâu chậm uống nước đục: Chỉ sự thua thiệt hơn kẻ khác.
–  Trâu già không sợ dao phay: Già rồi không sợ chết, không còn sợ nguy hiểm nữa.
– Trâu cưa sừng làm nghé: Già đời còn chơi trống bỏi: Người đã đứng tuổi mà làm những việc thiếu đứng đắn không phù hợp với tuổi tác của mình nhất là trong tình yêu trai gái.
– Trâu lành không ai mặc cả, trâu ngã lắm kẻ cầm dao: Nói về những người theo cơ hộ chủ nghĩa.
– Trâu ta ăn cỏ đồng ta: Chỉ làm trong phạm vi giới hạn, nội bộ mà thôi.
– Trâu tìm cọc chứ cọc không tìm trâu: Người con trai nên chủ động thổ lộ tình cảm với người con gái trước chứ con gái không thể chủ động.
– Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã: Đồng hội đồng thuyền thì hay kết bè phái với nhau….
Song song với những câu ca dao, tục ngữ nói trên,Năm Sửu nói chuyện trâu, hẳn chúng ta không quên một câu chuyện nói về một ông quan thanh liêm, Chuyện kể rằng:
“…Ngày xưa có một ông quan rất thanh liêm. Suốt cuộc đời làm quan, ông không bao giờ hà lạm hay tơ hào bất cứ ai mà chỉ biết phục vụ và giúp dân giúp nước. Bởi thế cho nên khi ông về hưu, ông sống một cuộc đời thanh bần bên người vợ hiền đoan thục, đảm đang. Trong thời gian hưu trí, vợ ông vẫn chăm lo cơm nưóc cho ông một cách chu đáo. Tuy không sơn hào hải vị nhưng cũng có miếng ngon vật lạ mà ông rất thích như thời ông còn làm quan. Rồi môt hôm ông hỏi bà vợ: “Bà này! từ ngày tôi nghỉ hưu đến nay, tiền bạc đâu có nhiều mà bà lúc nào cũng sửa soạn cho tôi những bữa ăn tươm tất thế?”
Sau khi nghe chồng hỏi, bà vợ giật mình và đành nói ra sự thật. Bà nói: “Thú thật với ông rằng, trong lúc ông làm quan, nhân dân ai cũng mến mộ đức tính thanh liêm của ông, nên dân làng có hỏi tôi ông tuổi gì và tôi bảo họ rằng ông tuổi Tý. Sau đó họ rón rén đến nhà tặng ông một con chuột bằng vàng và họ đưa cho tôi giữ vì họ không dám đưa cho ông. Sau khi ông về hưu nhà cũng đang lâm vào cảnh túng thiếu nên tôi lấy con chuột bằng vàng ra véo tuần này bán cái đuôi, tháng sau bán cái hai tai…nên cũng có đồng ra đồng vào cho việc chi tiêu cho gia đình.”  Nghe vợ kể ông rất cảm đông trước nghĩa tình của nhân dân đã dành cho mình nhưng cũng trong lúc ấy ông lại buộc miệng nói với vợ. Ông bảo: “Lúc ấy sao bà không nói với họ là tôi tuổi Sửu thì có hay hơn không.”
Những con trâu của gia đình tôi
   Tôi được sinh ra và lớn lên tại làng Phong Phú, một thôn làng nằm về phía đông huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thật ra tuổi thơ của tôi cũng giống như những đứa trẻ trâu khác trong làng. Cũng biết tắm sông, câu cá, hái củi, chăn trâu, nhử chim…và chơi những trò chơi dân gian khác…. Sau này lớn lên tôi cũng biết cày bừa và khá thạo việc đồng áng. Nôm na mà nói tôi là thằng nhà quê chay chánh hiệu con nai vàng; bởi thế cho nên ai nói đến chuyện cày bừa, trâu bò… là tôi rất khoái tai và tham gia một cách tích cực.
Cha tôi là một nông dân thứ thiệt và ông muốn nối tiếp cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” của nội tổ chúng tôi. Ngoài những ngày đi học ở trường làng, tôi thường theo anh tôi ra đồng chăn trâu và học việc đồng áng. Anh tôi chỉ dạy cho tôi công việc nhà nông nhưng bên cạnh ấy anh không quên khuyên tôi nên học hành tử tế chứ nghề nông rất cực nhọc. Tuy nhiên, anh ta cũng khoái cái nghề chân lấm tay bùn này vì đời anh không còn có lựa chọn nào khác hơn. Anh ta thường nói với tôi:                                                            Nhất sĩ nhì nông
nhưng hết gạo chạy rông thì
Nhất nông nhì sĩ.
Hiểu ra thì cơm gạo vẫn quí và thực tế hơn chữ nghĩa, cấp bằng. Gia đình tôi lúc ấy chỉ có ba con trâu. Hai con trâu đực và một con trâu cái. Cả ba đều cày bừa được. Anh tôi thường bảo cha tôi rằng nên mua thêm một con trâu nữa cho đủ hai đôi rất tiện việc cho việc cày cấy nhưng cha tôi không mua vì không đủ tiền và cha tôi cũng muốn chờ con trâu cái kia sẽ sinh thêm trâu con. Ở quê tôi khi cày bừa thì phải cần một cặp chứ không phải một con trâu như phần đông người miền Bắc. Đối với người nhà nông có ba con trâu là một vấn nạn vì chỉ có một đôi rưỡi trâu. Kinh nghiệm cho thấy một đôi trâu cày thì hai con trâu phải cùng giống thì thuận tiện hơn là một con đực và một con cái cùng kéo một cái cày; vì con trâu đực mạnh hơn nên lãnh phần kéo cày, kéo bừa mệt hơn. Hiểu như thế nên cha tôi đưa con trâu cái cho chú tôi cho đủ đôi với con trâu cái dư của chú ấy. Thế là việc vần công, đổi công đã được giải quyết.   Cũng như người, trâu bò cũng có tên riêng của chúng. Khi mới sinh trâu con được gọi là nghé. Chừng hai năm sau, con trâu đực nào mới bắt đầu mọc sừng non và dài chừng một tấc tây ta thường gọi là đực mụt. Những con trâu ở tuổi này vẫn chưa được đặt tên vì tên đặt cho trâu phải xem xét thật kỹ lưỡng về hình thể, hình dáng của sừng, màu da của trâu, tính nhanh nhẹn hay chậm chạp của trâu. Sau đây là những tên thường đặt cho trâu đực:
– Trâu tên Cộ hay Xe dành cho những con trâu to con, lớn xác, rất khỏe nhưng hơi chậm. Người ta sẽ dùng loại trâu này để kéo xe, kéo gỗ, kéo che mía ngoài việc đồng áng. (Cộ có nghĩa là xe kéo)
– Trâu tên Chảng dành cho những con trâu có sừng lớn và rộng. Loại trâu này rất dữ.
– Tên trâu Lướt hay Pháo dành cho loại trâu vừa to, cao và nhanh nhẹn rất tốt cho việc cày bừa.
Và tên trâu cái:
– Trâu cái tên Bầy dành cho trâu có thân hình tròn mập nhưng hơi chậm. Rất tốt cho việc sinh trâu con.
– Trâu tên Lũ dành cho trâu có thân hình thon gọn, dài đòn và rất nhanh.
– Trâu tên Bĩnh thường dành cho trâu hơi gầy, tiểu tiện bậy bạ không đúng chỗ qui định.
Trong vấn đề chọn trâu để mua, cha tôi thường truyền cho anh tôi những kinh nghiệm để áp dụng trước khi mua mà tôi nghe lõm được. Nên mua những loại trâu tai lá mít, đít lồng bàn; nghĩa là những con trâu có tai cứng vểnh lên như lá mít, đít căng tròn là loại trâu rất tốt.  Còn con trâu nào có da đen mồ hóng, cổ ngắn, sừng ngắn như trâu cui  cũng nên chọn. Ngược lại, không nên chọn những con trâu có mõm đen, cổ dài, trâu nghiêng hàm… là những loại trâu yếu; trâu hoa tai là loại trâu sắp già, mất sức kéo….
Ngoài ra, chúng ta cũng thấy loài trâu trắng, hay trâu cò nhưng rất hiếm. Ít người chịu tậu trâu trắng về nhà vì theo tính dị đoan không cơ sở: Trâu trắng đến đâu mất mùa đến đó.
Đối với tôi ba tháng hè của những năm tôi theo học lớp đệ thất, đệ lục, và đệ ngũ ở trường huyện là ba tháng thần tiên của một cậu học trò vì đây là thời gian tôi theo anh tôi ra đồng cày bừa và chăn trâu. Ở thôn quê, gà vừa gáy sáng, sau khi ăn cơm nguội, hay bắp rang và lùa trâu ra đồng, anh em tôi bắt tay ngay vào việc cày bừa. Người nông dân phải đi cày sớm vì muốn cho trâu nghỉ sớm trước khi mặt trời nắng gắt lên cao. Trâu khác bò ở chỗ trâu không giỏi chịu nắng như bò.
Tôi còn nhớ rất rõ vào một buổi sáng hôm nọ, anh tôi giao cho tôi đám ruộng nhỏ và phải cày cho xong vì ngày mai phải qua cày cánh đồng khác. Tôi cố gắng cày cho xong nhưng tôi không thể vì khi đến gần mười giờ sáng là lúc mặt trời lên cao và trâu không thể chịu nắng thêm nữa. Thế là một trong hai con trâu tôi đang cày bỗng nhiên nằm vạ và không muốn kéo cày nữa. Tôi vội bước đến và tát nước lên mình của nó cho bớt nóng da và nó đứng dậy cày tiếp. Cày chừng thêm gần nửa vạt ruộng nữa thì cũng con trâu này nằm vạ lần nữa. Tôi lại bước đến và làm như lần trước, con trâu lại đứng dậy, tôi mừng thầm, nhưng nó chỉ bước chừng ba bước thì nó không đi nữa. Tôi lấy roi cày đánh vào thân nó mấy roi để giục nó đi tới nhưng lúc ấy nó quay lại nhìn tôi với đôi mắt trắng toát như oán trách tôi đã hành hạ nó quá mức so với những buổi cày trước. Tôi nhìn con vật thân thương của gia đình tôi với lòng thương cảm, xót xa và tôi đành mở trâu ra và bỏ dỡ buổi cày cho mặc anh tôi có điều phiền trách.
Ở nông thôn, trâu chỉ cày bừa vào buổi sáng. Tuy nhiên, trâu cũng cày chiều để kịp thời vụ, nhưng việc này rất hiếm. Trâu thường trầm mình trong nước vào buổi trưa nơi dòng sông hay đầm lầy vì trâu không giỏi chịu nắng. Trâu ra đồng ăn cỏ vào buổi chiều cho đến mặt trời lặn mới cho trâu về chuồng. Cái thú khó quên của bọn chăn trâu chúng tôi là chứng kiến những trận trâu chọi lộn, mà chỉ dành cho trâu đực mà thôi. Trâu cái không có thói quen này. Những con trâu đực đầu đàn thường thay mặt đàn trâu của mình ra nghênh chiến với con trâu đực khác đàn. Sau trận ngưu chiến, con trâu nào thua thì bỏ chạy bạt mạng và thề tự hậu là không bao giờ dám đụng trận cùng con trâu chiến thắng trước đây. Khi hai con trâu đực lâm trận chiến chúng tôi thường lấy cây bọ xít bỏ vào giữa hai đầu trâu để tăng độ hăng cho hai con.
Ai đã từng ngâm nga “ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ…” Thật ra, chăn trâu không hoàn toàn sướng như người ta thường nghĩ. Chăn trâu có cái thú vui riêng của nó nhưng bên cạnh cũng có nhiều lo âu. Sung sướng khi trâu ăn no tắm mát trong mùa hè nắng ráo. Trái lại khi trâu đói vì trâu không còn tìm ra cỏ để ăn, mà phải ăm rơm khô, uống nước đục và nhất là về mùa đông mưa dầm gió bấc vì thường trâu không chịu được gió rét. Ban đêm phải un khói cho trâu để đuổi xua muỗi mòng đến hút máu trâu. Nhất là những ngày lụt lội, nước dâng cao và ngập cả cánh đồng. Thế là trâu không có nơi gặm cỏ mà kẻ chăn trâu phải lùa trâu đến những gò cao hay tận chân núi để trâu có cỏ mà ăn. Theo chân đàn trâu này có lần tôi suýt bị chết đuối cho dù tôi bơi cũng khá khi đưa mấy con trâu của gia đình tôi vào tận chân núi Hòn Sầm. Lúc ấy nước lụt chảy từ Cầu Trạm đến Bầu Ngói quê tôi; dòng nước lũ chảy thật xiết, tôi ngồi trên lưng trâu để bơi qua bờ bên kia nhưng khi đến giữa dòng bỗng dưng con trâu tôi đang cỡi nó ngụp lặn thật sâu làm tôi chới với và tôi liền nhảy tới phía trước nắm được đôi sừng của nó và cùng ngụp lặn theo trâu.
Như chúng ta đều biết, so với bò trâu khôn hơn. Người ta thường bảo: Ngu như bò chứ ít ai bảo ngu như trâu. Khi chiều đến đàn trâu tự động đi về chuồng của mình; chứ chăn bò phải gom đàn lại và lùa chúng về chuồng. Bởi thế cho nên chúng ta thường nói: “Lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu.”
Thông thường hằng năm vào tháng chạp, sau khi việc cấy cày đã xong, cha tôi và tôi lùa trâu dọc quốc lộ 21 lên cây số 12 hướng Dục Mỹ bên kia Núi Đeo để gửi trâu vì thời gian này ngoài đồng không còn chỗ cho trâu ăn cỏ nữa; vả lại, ngày Tết cũng đang đến cận kề. Cả thôn làng tôi đều nhất tề làm như thế vì đây là một thông lệ. Lúc bấy giờ, tại khu rừng núi này chưa được khai phá nên cọp rất nhiều và chúng thường vồ trâu để ăn thịt. Người giữ trâu thường được trả bằng lúa sau vụ mùa chứ ít khi được trả bằng tiền mặt. Mỗi lần có trâu bị cọp vồ, ông ta thường xuống nhà chủ con trâu báo cáo và xin lỗi vì chuyện đáng tiếc xảy ra. Có khi ông ta tìm được sừng hay xương trâu làm bằng chứng nên chủ trâu cũng cảm thông nghề nghiêp của ông. Những lúc như thế ông ta thường kể cho chúng tôi nghe chuyện cọp vồ trâu. Ông bảo có hai cảnh cọp vồ trâu:
– Khi thả trâu ra ven rừng ăn cỏ, con cọp thường núp sau những bụi cây rậm và sẳn sàng vồ lấy trâu. Trong trường hợp này nếu là con trâu đực thì con trâu này sẽ chạy đến một bụi cây thật rậm quanh đấy, thông thường chúng chọn bụi tre rừng để đối phó với cọp. Con trâu đưa phần đít nó hướng về bụi tre như một phần an toàn phía sau và chỉ còn phần trước trâu dùng sừng chống trả mãnh liệt. Nhiều chú cọp đành chịu thua trong hoàn cảnh này. Cọp thường vồ trâu cái hay trâu con mà thôi.
– Khi trâu nhốt trong chuồng ban đêm mà cọp lảng vảng định vồ, trâu rất thính hơi, thì tất cả con trâu đực trong chuồng xoay thành một vòng chung quanh chuồng để sẵn sàng nghênh chiến với cọp. Trâu cáí và trâu con thì xoay đứng vòng trong và ở giữa chuồng. Lúc này cọp cũng rất khó vồ và đành bỏ đi. Chúng ta cũng thường thấy những đoạn phim của nguyệt san Địa Dư Quốc gia (National Geographic) chiếu những cảnh trâu rừng ở những cánh đồng Phi Châu bị sư tử vồ. Trâu sống từng đàn và thường bảo vệ cho nhau khi gặp hiểm nguy.
Ngoài ra, hình ảnh của trâu cũng đi vào âm nhạc mà bàì “Nương Chiều” của nhạc sĩ Phạm Duy là một điển hình….. Chiều ơi! Lúc chiều về rợp bóng nương khoai; trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều…
Nghe hai câu nhạc này ai cũng thể tự vẽ cho mình một bức tranh quê khi chiều buông êm ả trên cánh đồng ngô khoai tại miền trung du Việt Bắc lúc bấy giờ. Chúng ta thấy trâu bò giục mõ đi về mà ảnh hình này hình như bị thiếu vắng trên cánh đồng lúa miền Trung và miền Nam. Sở dĩ trâu hay bò có đeo mõ là vì chúng được chăn nuôi ở miền núi. Thả chúng vào rừng thì chúng đi tìm ăn khắp mọi nơi nên nhờ cái mõ đeo trước cổ như một thứ lục lạc giúp người chăn trâu dễ tìm chúng đang ở đâu. Ở quê tôi, mõ chỉ dành cho những chú trâu nào bẻm ăn mà thôi.
Khi nói đến câu “ lạc ngõ nắm đuôi trâu” làm tôi nhớ đến một lần con trâu Chảng nhà tôi làm cho cả gia đình một phen ngạc nhiên, trừ cha tôi. Năm ấy, sau khi cha tôi gửi trâu tại cây số 12 nhưng khoảng chừng hai tháng sau, vào một buổi sáng anh tôi ra đống rơm cạnh nhà để tìm nấm rơm thì anh thấy con trâu Chảng đang nằm ung dung nhai rơm. Anh tôi rất đỗi ngạc nhiên và chạy vào gọi mọi người ra xem con trâu về nhà từ núi rừng Dục Mỹ cách nhà tôi chừng 15 cây số đường chim bay. Trước cảnh này cha tôi giải thích cho anh em chúng tôi hiểu về khả năng khôn ngoan của loài trâu. Ông nói: Trâu bảy năm còn nhớ chuồng là thế.
Trong những năm kế tiếp tôi đành phải bỏ lại đàn trâu phía sau lưng mình và từ ấy tôi xa và xa mãi. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh con trâu, cánh đồng cỏ, bờ mương, ruộng lúa lòng tôi se lại và một dĩ vãng của tuổi thơ điền dã của tôi như sống lại, nhưng ngày ấy nay còn đâu. Ngày nay, trên cánh đồng ruộng lúa quê hương Việt Nam đang vắng dần bóng dáng người bạn trung thành, thân thương của bác nông phu mà được thay bằng những tiếng nổ công nghiệp. Dù ở hoàn cảnh nào, hình ảnh con trâu, chú mục đồng, bác nông phu vẫn sống mãi trong dòng văn học dân gian và con trâu vẫn sống thật xứng đáng trong từng câu ca dao, tục ngữ ở mọi thời đại.
Phan Đông Thức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here