THIÊN HÀ

0

“Thân tặng Giáo Sư Tiến Sĩ Jane Lưu”

Linh Vũ

 Sau khi đọc bài viết của Nguyễn Ninh Hòa nói về một Thiên Thể mang tên người con gái Việt Nam đăng trên Web Calitoday. Tôi cảm thấy như mình đang trẻ lại, đang sống với những kỷ niệm tuổi thơ. Chuyện kể chỉ là những công việc thường ngày của những người tuổi trẻ hôm nay trên con đường nghiên cứu, học hỏi và phát minh. Có người cho đó là những việc bình thường, nhưng với tôi là một việc làm ngoài sức tưởng tượng. Việc làm của một Thiên Tài, và nhất là Thiên Tài đó là một ngưởi Việt Nam, có vóc dáng nhỏ bé yếu mềm nhưng đầy tự tin và cương quyết. Cô đã mang một khám phá mới, ghép thêm một trang sữ Thiên Văn cho nhân loại. Công việc nghiên cứu một Thiên Thể trong Tinh Vân, hay tìm hiểu sự hình thành vũ trụ, ắt người đó phải có một bộ ốc hơn người. Từ lâu những nhà khoa học, Thiên Văn học đã chứng minh và đưa ra nhiều kết quả tìm kiếm cũng như những giả thuyết để suy luận. Einstein đã xây dựng thuyết tương đối, cũng minh định rằng vũ trụ phải là tỉnh và đã có phương trình “hằng số vũ trụ” một Hubble thì ngược lại vũ trụ không tĩnh và nó giãn nở. Cũng tương tự lý thuyết trên lẽ ra nhà Bác Học Newton phải tiên đoán sớm hơn ở thế kỷ 16 hoặc 18. Nhà khoa học Nga Ông Friedmann, Ông Evgenii Lifshitz và Ông Isaac Khalatnikov đã tránh có một kết luận cần phải có vụ nổ lớn ‘Big bang’. Mô hình của Ông Friedmann đã xây dựng trên lý thuyết tất cả những Thiên Hà đều chuyển động thẳng ra xa nhau và cũng có thể chúng ở cùng với nhau một thời điểm trong quá khứ. Vũ trụ vô hạn trong không gian, những hạt nhân cơ bản, năng lượng cao thấp, những Electron, Pozitron, Neutrino, Photon v.v và v.v. đối với tôi hoàn toàn mù tịt.. Những việc tôi vừa nêu lên là việc làm khó và rất hiếm hoi trên hoàn vũ, chỉ có những Thiên Tài mới làm nỗi. Cô Jane Lưu đã khám phá sự mới lạ làm ngạc nhiên các nhà Thiên Văn trên thế giới. Cô đã tìm ra một Thiên Thạch trên dãy Kuiper Bell mà từ trước mọi người thường cho là đi tìm những điều không tưởng (Hokey Idea) Cô Jane Lưu đã chứng minh cho thế giới thấy rằng “Hokey Idea” có thật và bây giờ một Thiên Thạch có tên rất Việt Nam mà cả thế giới đang biết đến (The Asteroid 5430 Lưu). Đất nước, quê hương chúng ta đang hãnh diện về điều cô Jane Lưu đã làm. Tôi xin tạm dừng lại nơi đây, không dám nói nhiều đến những khảo trình Thiên Văn e rằng lòi cái dốt của tôi ra. Điều tôi muốn nói hôm nay là những vì sao, một góc cạnh phụ trong bài viết, nhưng đã mang tôi trở về với trăm ngàn kỷ niệm trong lứa tuổi học trò. Đã cho tôi nhìn thấy một ý niệm về thời gian và không gian trong cuộc đời thường.

Có lẽ trong chúng ta không có ai là không từng một lần nhìn lên bầu trời để ngắm sao đêm với muôn ngàn thích thú, hay đọc một đôi lần vài quyển sách giáo khoa nói về những chuyện huyền thoại của những vì sao. Đối với tôi, những vì sao mãi là những điều kỳ lạ, quyến rũ, những lấp lánh huyền hoặc đã làm tôi say mê cũng như đã làm cho nhiều người thắc mắc. Những năm thât xa xưa, khi còn tuổi cắp sách đến trường. tôi thường lang thang trên biển vắng ngồi một mình để đếm những chòm sao trên trời và tưởng tượng đến tương lai xa gần. Những mùa trăng sáng thì mơ về thế giới Cung Hằng, một tình yêu tuyệt vời lãng mạn. Đôi khi cũng thấy mình như đang nhập chung cùng vũ trụ, chung quanh chỉ có Sao và Sao, thế giới ngập tràn âm thanh và màu sắc. Những lãng mạn của một thời thơ ấu đã cho tôi một tình yêu lớn vội theo màu sách vở, sau đó tôi biết yêu, tôi có tình nhân với cô bé cùng trường, dĩ nhiên với tâm hồn lãng mạn, tôi cũng có nhiều cuộc hẹn hò trên phố, trên biển, ban ngày lẫn ban đêm. Nhất là quê tôi miền cát trắng, có biển dài sông rộng cho nên trăng sao đêm nào cũng sáng lung linh vằng vặc, khung cảnh lúc nào cũng lãng mạn, nên thơ. Những ngày hè, thường là thời gian đẹp nhất về đêm để đưa người tình lang thang trên cát trắng nhìn ra Đại Dương, rồi cùng nhau đếm những vì sao trên trời, với những lời thề non hẹn biển, thật không còn gì tình tứ cho bằng. Tôi nhớ, năm ấy vào một đêm trời trong, gió mát. Tôi và cô bạn học cùng lớp, đang ngồi sát bên nhau cùng ngắm sao trên trời, bất chợt nàng ôm tôi thật chặt và chỉ cho tôi vì sao băng trước mặt và hối thúc tôi ‘Anh hãy cầu nguyện thât nhiều đi anh, cầu nguyện cho tình yêu chúng mình mãi bên nhau…’ Tôi quá đổi ngạc nhiên tại, sao lại cầu nguyện khi thấy sao băng, nàng giải thích: Khi thấy sao Băng thì phải ước thật nhanh để điều ước trở thành hiện thực. Sao Băng là niềm vui, là niềm tin cho những cặp tình nhân víu lấy để hy vọng cho những mơ ước chưa thành hiện thực. Đêm đó tôi thấy tình yêu tôi càng lớn mạnh, tôi hiểu được phần nào trong trái tim nàng. Nhưng tôi cũng đau đớn khi nghĩ đến số phận những vì sao đó, sáng chói trong khoảnh khắc rồi lụi tàn trong lặng lẽ, cô đơn. Cuộc sống cũng vậy, bên cạnh những huy hoàng sáng chói, cũng có những vũng tối âm thầm, tuyệt vọng. Trong tình yêu cũng thế. Ai sẽ là người xấu số làm vì sao Băng, và ai là người nhận phần may mắn của sao Băng đem lại. Sau đêm đó, hiện tượng may mắn của sao băng không phải là phần của tôi. Sao Băng băng mãi trong cuộc tình. Những ước mơ hạnh phúc nơi đâu chẳng thấy. Đêm nguyện cầu, ước mơ nhỏ bé của chúng tôi không bao giờ hiện thực, tình yêu bắt đầu mang nhiều trái đắng. Sau đó cuộc tình cũng chia tay âm thầm lặng lẽ, và mãi mãi không một lần nắm lại đôi bàn tay dịu mềm đêm nọ, không được một lần đối diện để kêu lại tên người con gái mang tên một Thiên Thạch. Không một lần hôn lại đôi mắt long lanh như hai vì sao trong đêm biển lặng. Thiên Thạch Venus có tên (Thiên Hà) đã rời xa tôi hơn bốn mươi năm tôi chưa một lần gặp lại, có thể vì sao Thiên Hà đang mọc sáng chói mỗi đêm ở một phương trời nào đó, hay bị gió mưa mờ khuất không chừng, hay cũng có thể ‘Thiên Hà’ đang làm vợ, làm Mẹ với hạnh phúc của thế gian. Dù thời gian đã không còn nữa, nhưng vì sao Thiên Hà vẫn sáng chói trong tôi cho dù đất trời nơi tôi có đầy cuồng phong bão táp. Tôi hứa với lòng, sẽ về lại biển xưa, tìm lại ánh sao Băng thủa nọ để đọc lên lời ước mơ cuối, mặc dù bây giờ tóc tôi đã bạc và những âm thanh yêu dấu ngày xưa đã rã rời đau buốt.

Hôm nay đọc những khám phá của thiên tài Jane Lưu tìm thấy một Thiên Thạch trong vòm trời Thái Dương Hệ. Tự dưng trong lòng tôi có sự cồn cào đau nhói. Tôi đau vì sự bất lực, vô tình của mình. Thật tình, thế giới địa cầu còn quá nhỏ so với vũ trụ bao la thế mà tôi không đi hết được. Loài người chỉ hơn vài tỷ, nếu dùng một bài toán để tính, dùng phương tiện văn minh hiện đại để liên lạc, thì hơn bốn mươi năm qua làm gì tôi không tìm được một vì sao ‘Thiên Hà” bằng xương bằng thịt. Thế giới nơi tôi thì quá nhỏ, vũ trụ của cô Jane Lưu thì vô tận, thế mà với thân liễu yếu, đào tơ cô đã tìm thấy một Thiên Thạch trong vô tận của Thái Dương hệ. Một vũ trụ có số Thiên Thạch còn nhiều hơn số cát trên sa mạc của quả đất này, có hằng trăm tỷ ngôi sao trong dãy Ngân Hà (Milky Way) với hằng trăm tỷ Thiên Hà trong vũ trụ. Thế mà cô Jane đã tìm ra một Thiên Thạch trên mép bìa Thái Dương hệ một cách dễ dàng. Còn tôi, chỉ tìm một người đàn bà, một vì sao của quả địa cầu nhỏ bé này, mà đã hơn bốn mươi năm rồi vẫn chưa tìm ra được nàng. Hôm nay, thời gian đã quá xưa, trên đầu tôi đã dài thêm những sợi bạc, mắt tôi đã mờ dù có cho tôi kính thiên văn của Hubble hay một loại kính của nhà vật lý học Carl Sagan thế kỷ 20 cũng không tài nào tìm được nữa. Tất cả đã xưa cũ, đã lu mờ theo lớp bụi cuộc đời. Thời gian thì dài ra vô tận, trí nhớ thì co dúm trong vùng trời kỷ niệm của một đời thường ngắn ngủi.

Vũ trụ luôn theo đúng một qui luật, con người thì đổi thay từng giây phút, thế giới con người luôn tò mò cứ muốn vén lên bức màn bí mật của vũ trụ. Nếu không có các nhà Thiên Văn, không có những Bác học, không có Thiên Tài của nhân loại với bao khám phá mới, thì biết đâu loài người sẽ hạnh phúc êm ấm và thế giới nhiều mơ mộng hơn không. Ngày xưa loài người cái gì cũng sợ, cái gì cũng ưu tư, Ông Trời, chị Hằng,sao rơi, núi non hùng vĩ, biển cả mênh mông đều là huyền thoại. Sấm, sét, gió, bão là thần linh giáng thế để phán xét. Nhưng thời đó, tôi tin con người rất an bình trong thế giới mê tín, mù mờ với vũ tru bao la. Tuy cuộc sống có những tháng ngày sợ hãi vu vơ, nhưng tôi tin cuộc sống đó có nhiều lãng mạn, êm đẹp hơn hôm nay. Thế giới con người đã thay đổi quá nhiều, nền văn minh nhân loại đã đưa con người bước sang một kỷ nguyên mới, những ý nghĩ mới, cái nhìn mới về nhân sinh và tư duy, không biết loài người có còn an toàn và hạnh phúc hơn hay không? Với chương trình thám hiểm Hỏa Tinh do cơ quan NASA thực hiện, con người đang đi sâu vào vũ trụ, đang tìm tòi sự sống nơi đó. Ông Gtrigoryev đã khẳng định, đây là chuyến bay lịch sữ của con người trong chương trình thám hiểm không gian, nếu giả dụ một ngày nào đó con người khám phá ra một thế giới khác trong vũ trụ có sự sống như chúng ta thì đời sống địa cầu sẽ như thế nào, có ai nghĩ đến và lường được hậu quả ra sao không?? Sự sụp đổ hay sự thăng hoa của loài người! Một thí dụ rất đơn giản trong đời sống hiện tại của chúng ta, nền văn minh điện toán đã đến mức độ cao, phụng sự cho con người gần như tuyệt hảo, nhưng hậu quả của văn minh cũng tệ hại không kém. Cho nên Học Viện Kỹ Thuật Massachusetts (MIT) đã cho tiến hành dự án mang tên Oxygen với tổng kinh phí trên 50 triệu dollars để giản dị hóa hệ thống điện toán, làm dễ dàng hơn cho con người sử dụng những phương tiện máy móc hiện đại. Với đà tiến hóa của khoa học hôm nay, nhiều nhà khoa học đã phát minh ra nhiều loại máy tinh khôn để phục vụ con người, trong đó có chương trình của công ty Úc có tên Seeing Machines đang hấp dẫn trí tưởng tượng của tôi. Họ đang chế tạo một hệ thống có tính năng tự đông phát giác và dò xét mặt người, thậm chí máy còn xác định được người đó là ai, đang nghĩ gì, nhìn về hướng nào.v.v Hy vọng đôi năm nữa đây, tôi sẽ mua một loại máy nhỏ bỏ túi rồi đi du lịch khắp địa cầu biết đâu tôi tìm lại được người bạn học trò nhỏ năm xưa có tên vì sao Thiên Hà. Xin ghi lại đây một cảm nghĩ sau cùng với bài thơ.

MỘT VÌ SAO RƠI

Tôi trở về quê hương

Tìm em vùng sao rơi

Hỏi thăm từng cơn sóng

Đuối mắt cuối chân trời

Em nơi đâu chẳng thấy

Đất trời nghe bơ vơ

Tôi trở về tìm em

Hỏi thăm từng lời gió

Có thấy loài sao nhỏ

Đêm nào trên biển khơi

Tôi trở về tìm em

Nơi hằng hà thiên thể

Có một vì sao buồn

‘Thiên Hà’ nay nơi đâu

Tôi trở về tìm em

Giữa tinh cầu khờ dại

Một lần đã xót xa

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here