Tiền bạc có phải cội rễ của mọi thứ xấu xa và đau khổ?

0

Hôm trước Linh Vũ có viết một bài về quan niệm sống ở đời vá ý nghĩa của sống là gì. Hôm nay xin gởi đến các bằng hữu xa gần một đề tài khác: Tiền bạc có phải là gốc rễ của mọi tôi lỗi và đau khổ không? Tôi xin dùng câu nói sau đây của Paul Tripp để bắt đầu câu chuyện “The love of money sits right in the middle of a lifestyle that forgets eternity, lives selfishly, prioritizes the present, and is more focused on physical comfort than on eternal destiny”. Thật ra, mỗi người trong chúng ta ai cũng có khái niệm về tiền bạc khác nhau trong đời sống. Cho nên, chúng tôi không thể nói ai đúng, ai sai. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nêu lên một vài góc cạnh chủ quan và một số ý kiến được nhiều người quan niệm về tiền bạc trong cuộc sống. Nhiều người nói rằng tiền là một phương tiện tốt, nhưng cũng là một vị thần xấu trong cuộc đời con người, nếu xử dụng không đúng hòan cảnh, thời điểm hay cân nhắc thế nào là cần thiết, là đủ và loại bỏ lòng ham muốn.
Dĩ nhiên, bản chất của tiền không có gì xấu cả, nhưng chúng ta phải biết xử dụng một cách khôn ngoan, tiền sẽ là trọng tâm chính trong cuộc sống và tạo nên hạnh phúc cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, một mặt khác tiền cũng là cánh cửa đưa đến sự tan vỡ gia đình và làm sức khỏe bị suy nhược do làm việc quá sức. Cho nên, có người nói đồng tiền có hai mặt là vậy, nếu chúng ta quá tham lam hay xem trọng đồng tiền mà quên những điều quan trọng khác thì chúng ta sẽ rơi vào một thảm cảnh khác, sự đau khổ và ảnh hưởng đến những người thân xung quanh chúng ta. Nếu chúng ta được may mắn có nhiều tiền thì phải nên biết cách xử dụng tốt số tiền đó cho hợp lý.
Nhưng có những người khao khát làm giàu thường rơi vào cám dỗ, vào bẫy, hay rơi vào nhiều ham muốn vô nghĩa hại đến chính bản thân mình, khiến họ rơi vào sự hủy hoại và đau khổ. Vì tham muốn tiền là gốc rễ của mọi loại tệ nạn. Chính vì sự khao khát này mà một số người đã quên cả đức tin và tự gây cho bản thân nhiều vết thương khó lành. Chúng ta nên nhớ rằng, khao khát tiền bạc là một ham muốn nguy hiểm gây nhiều tổn thương. Có một điều ai cũng biết là khi con người chết đi họ sẽ không mang theo bất cứ thứ gì và cũng không thể lấy bất cứ thứ gì ra khỏi thế giới này. Tốt nhất, chúng ta phải suy nghĩ một cách thực tế trong cuộc sống hiện tại những gì chúng ta đang có như: Thức ăn, quần áo, nhà cửa, công việc, chăm sóc sức khỏe, gia đình.v.v. Những thứ này, chỉ cần vừa đủ cho cuộc sống hằng ngày thì chúng ta nên hài lòng và chấp nhận hạnh phúc với những gì đang có.
Dĩ nhiên, người làm công ăn lương phải kiếm tiền để sống. Chúng ta thường gọi nó là “kiếm sống.” Điều này là sự sinh tồn của con người không có gì sai cả. Nhưng nếu có sự ham muốn tiền bạc quá khả năng mình đó chính là điều mà chúng ta cần xem xét lại.
Giàu có không có gì sai cả, nó hiện diện trên toàn cầu, trên mọi sắc tộc. Nếu nhìn về mặt đạo đức thì không có gì sai trái với tiền, hoặc việc sở hữu tiền. Tuy nhiên, khi tiền bắt đầu kiểm soát chúng ta, thì đó là nguyên nhân khởi đầu cho mọi rắc rối, mọi tội lỗi. Lòng ham muốn tiền bạc liên quan đến việc chúng ta quên mất ta là ai và cuộc sống của chúng ta là gì. Nên nhớ “tham lam tiền bạc là một tham lam thế tục”. Một người giàu có họ luôn cảm thấy vượt trội hơn những người phải kiếm sống hằng ngày. Họ sống một cuộc sống xa hoa mà người dân bình thường không thể có được. Khi có tiền họ có được một sức mạnh to lớn, có thể sử dụng tiền của họ để kiểm soát và thống trị người khác. Chính vì thế, tiền đối với họ đã tạo nên sự nói dối, lừa gạt, mua chuộc, phỉ báng và thậm chí làm nên tội ác. Nhiều nhà tỷ phú họ đã biến họ thành thần tượng của mọi người, họ là người tốt bụng, là người đạo đức, là nhà từ thiện đầy tình người, nhưng hành động sau lưng họ có rất nhiều sự tàn ác một cách âm thầm vô nhân đạo. Lòng tham lam tiền bạc và lợi dụng sự giàu có khiến họ mù quán thực hiện những lợi ích của riêng họ mà quên đi sự đạo đức của một con người. Đôi khi người giàu có đã dùng tiền để hỗ trợ cho những kẻ độc tài mua vũ khí giết người tạo chiến tranh, tạo vũ khí sinh học để hủy diệt nhân loại.v.v. Đó là lý do tại sao ” tham muốn tiền bạc là nguồn gốc của mọi thứ xấu xa, tôi lỗi”.
Đồng thời cũng có một số câu hỏi được nhiều người đặt ra là: Bạn có thể tin vào lòng đạo đức của họ đã kiếm được số tiền to lớn từ nó không? Hay những nhà kinh doanh, những kẻ vô thần họ đã theo đuổi sự giàu có theo ý muốn họ không giới hạn vượt cả đạo đức không? Tất nhiên, tiền là huyết mạch của kinh doanh, mặc dù người ta căn cứ tiền và sử dụng tiền để đo lường sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Tuy nhiên trong thực tế, các yếu tố đo lường thành công hay thất bại rất phức tạp mỗi người có quan điểm và cái nhìn khác nhau. Tiền là một động lực rất lớn, cho phép mọi người tạo ra các sản phẩm và dịch vụ mà con người mong muốn, nhất là sự cải thiện chất lượng cuộc sống một cách toàn diện. Tuy nhiên trong Ngạn ngữ phương Tây có câu nói rằng: “Người giàu lên thiên đàng khó hơn lạc đà đi qua lỗ kim may” Không biết điều đó có đúng không, nhưng theo chúng tôi thấy trong cuộc sống hôm nay người giàu có thể biến màu đen thành màu trắng, xấu xí thành sắc đẹp, sai thành đúng, ý nghĩa thấp kém thành cao thượng, người già thành niên thiếu, hèn nhát thành anh hùng, khủng bố thành chính nghĩa, yêu nước thành bán nước….
Tóm lại, theo quan niệm của chúng tôi sự giàu có không phải là mục đích của cuộc sống, nó chỉ là một công cụ của cuộc sống. Chúng ta thường thấy trong xã hội này có nhiều điều trái ngược nhau như: Ví dụ như, những người không có tiền muốn kết hôn và những người có tiền muốn ly hôn. Hay một người đàn ông trở nên tồi tệ hơn khi họ có nhiều tiền và người phụ nữ trở nên tồi tệ khi họ giàu có.v.v. Còn rất nhiều điều nghịch lý nữa nhưng chúng tôi không thể nêu lên hết được. Cho nên, trên đời này không có sự công bằng tuyệt đối, không có sự giàu có vĩnh viễn. Người nghèo và người giàu đều thông suốt họ thường tự hỏi: Điều quan trọng nhất là chúng ta mong muốn gì trong cuộc sống? chúng ta có một cuộc sống tốt hơn. Ý nghĩa tối thượng trong cuộc đời là làm sao có một cuộc sống thoải mái và tươi đẹp hơn, con cái được giáo dục tốt.v.v. Và đến buổi xế chiều tận hưởng một cuộc sống bình an, sức khỏe trong tuổi già là hạnh phúc nhất. Chúng tôi không phủ nhận tiền là mạch sống của nhiều người đã quan niệm, có người nói rằng tiền không phải là thuốc chữa bệnh, nhưng trên thực tế đôi khi không có tiền là không có thể. Tuy nhiên mỗi gia đình đều có sự hạnh phúc và bất hạnh khác nhau, nhưng điểm cuối cùng được kết thúc giống nhau.
Có nhiều người đặt câu hỏi Tiền là cái gì? Thực tế tiền chỉ là một miếng giấy trong tay để làm đơn vị đổi chát, nó là thẻ ngân hàng trong túi của người khác, như chiếc xe chạy trên đường, thực phẩm trong tủ lạnh. Dường như mọi thứ xung quanh chúng ta đều liên quan mật thiết đến tiền bạc. Tiền ở khắp mọi nơi. Nó bao quanh chúng ta. Tiền giống như một đại dương mà mỗi ngày chúng ta là một con cá bơi trong biển. Cho nên, nhiều người luôn nói rằng tiền rất quan trọng đối với chúng ta. Cũng có người nói rằng tiền có thể mua được đạo đức, tình yêu, thời gian và sức khỏe. Thật ra lời nói này không hẳn là sai chúng tôi ví dụ nếu chúng ta có mối quan hệ xấu với bạn bè, nếu chúng ta chịu chi tiền để mua chuôt bạn bè của mình … Cuối cùng, mối quan hệ đó dần dần sẽ ổn. Điều này cho chúng ta thấy gì? Trong xã hội này, nhiều thứ có thể được mua bằng tiền. Hay một ví dụ khác người ta thường nói. Nếu không mua được bằng ít tiền chúng ta có thể mua được thật thật nhiều tiền. Chứng minh rõ ràng nhất của hiện trạng hôm nay là Trung Quốc đã bỏ tiền ra mua rất nhiều nhà trí thức, những kẻ giàu có, những nhà chính tri, những lãnh đạo của Quốc gia trên toàn thế giới…Cho nên, chúng tôi quan niệm rằng. Thiện và ác chỉ là tương đối, tiền, sử dụng tốt là tốt, sử dụng xấu là xấu. Tiền không hoàn toàn là nguồn gốc của mọi tội lỗi mà chỉ có lòng tham muốn của con người gây ra mà thôi. Trong mỗi con người đều có ba loại chất độc là sự tham lam, ác cảm và mê đắm. Đó chính là những khủng hoảng ẩn giấu trong cuộc sống của chúng ta, ví dụ khi có cuộc khủng hoảng tài chính trong gia đình, bạn sẽ cảm thấy khó chịu và bị nhiều áp lực tâm lý điều này sẽ đi đến sự hủy diệt nhiều thứ. Nếu chúng ta biết tích lũy của cải được coi là mục tiêu duy nhất của cuộc sống, khi sự giàu có bị mất đi, điều này không thể đánh gục bạn ngay và yếu tố tinh thần không làm bạn suy sụp. Cũng như khi con người tích lũy lòng đạo đức và diệt bỏ lòng tham lam thì sự sai trái và tội ác sẽ giảm đi. Tuy nhiên nói cho cùng cuộc sống vẫn là con đường quá buồn và vô lý vì nó chỉ là một chuổi của vô thường.
“Nước có thể mang thuyền đi và nó cũng có thể lật thuyền.” Bản thân sự giàu có không có thiện hay ác, mà phụ thuộc vào mục đích và thái độ của chúng ta đối với tiền bạc. Xử dụng nó làm sao hợp lý đừng qua tham lam, tiền dùng để bảo vệ sự sinh tồn của con người nếu dùng nó với lòng từ bi, đạo đức thì tiền không phải là nguồn gốc của mọi tệ nạn hay tôi lỗi.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here