Chúng tôi chỉ trích từng phần quyển trong sách “Con đường tôi chọn” của Tuệ Quảng
–Trí tuệ Bát nhã. (Prajna)
Người ta thường nói đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Ý nghĩa của trí tuệ rất rộng, có nhiều cách hiểu khác nhau. Với người bình thường thì khái niệm trí tuệ còn mơ hồ, khó giải thích, khó định nghĩa và khó theo đuổi. Đối với trí tuệ theo nghĩa thế tục là sự tích lũy kiến thức, sự uyên bác, các kỹ năng khác nhau, sự thông thạo và làm chủ các kỹ năng. Hay nói một cách khác trí tuệ là kết quả của hoạt động trí thức (intellect), dựa trên lý trí (raison), dùng đến lý luận, khái niệm, ngôn từ, và chủ yếu gồm những sự hiểu biết, những kiến thức đã được gom góp lại. Trong giáo lý Phật giáo đó là chánh kiến và chánh tư duy của Bát Thánh Đạo.
Hay nói một cách nôm na dễ hiểu, Trí tuệ là người biết những điều mà tình huống của nó không thể thay đổi và những điều có thể thay đổi trong cuộc sống của một đời người. Trí tuệ ngoài sự sáng suốt về cuộc sống nó còn hiểu biết về vũ trụ và thế giới quanh ta.Trí tuệ là trí thông minh là khả năng vượt bật có thể áp dụng vào khoa học như hiện nay mang lại sự tiện lợi và cải thiện mức sống con người. Ví dụ như điện thoại, tivi, máy tính, phim ảnh, máy bay và nhiều thứ hữu ích khác.v.v. Nhưng trí tuệ cũng đã mang lại những khủng hoảng cho nhân loại, chẳng hạn như việc phát minh ra súng đạn, bom, hỏa tiễn, vũ khí hạt nhân, bom nguyên tử… đó là mối đe dọa rất lớn cho sự tồn tại của con người. Hôm nay kỷ thuật “Ai” còn khủng khiếp hơn nữa nhiều nhà khoa học cho rằng có thể đây là vũ khí có thể tiêu diệt cả hành tinh. Đó là định nghĩa của đời thường, tuy nhiên, có những định nghĩa khác về trí tuệ và sự thông minh uyên bác trong Phật giáo có những điểm khác biệt.
Theo kinh sách Phật giáo đã phân tích sự khác biệt giữa trí tuệ và trí thông minh trên phương diện đời sống và tôn giáo. Đối với Phật giáo trí tuệ ám chỉ sự phá tan mê lầm, loại trừ đúng sai, tham, sân, si, ngã mạn và xác minh chân lý. Cũng như sự hiểu biết vạn vật một cách chân thực, và mọi thứ đều vô thường, có nghĩa là sự giác ngộ viên mãn, là trí tuệ tối hậu và hoàn hảo… Nó khác với trí tuệ của thế gian thông minh, khôn ngoan, thông thường có nghĩa là giỏi về kiến thức thế gian. Nhưng có người cho rằng, nhiều kiến thức thì càng có nhiều trí tuệ. Vì thế trong Phật giáo đã phân biệt rõ ràng sự khác biệt đó với tên gọi là “trí tuệ bát nhã”. Một điểm đặc biệt nữa là trí tuệ trong Phật giáo không thể tách rời “từ bi” tức là có bồ đề tâm, thì chúng ta mới có được trí tuệ. Giáo lý do Đức Phật sáng lập bằng trí tuệ “Giác ngộ Tối thượng” là một hệ thống rộng mở và vô biên, với giác ngộ vô thủy, vô chung, vô cùng bao quát và dễ thích nghi trong mọi thời đại.
Trí tuệ là mục đích của Phật giáo, và lòng từ bi là điểm khởi đầu. Trí tuệ và lòng từ bi thể hiện tinh thần tích cực hòa nhập với thế giới của Phật giáo. Chúng ta phải phát huy tinh thần “từ bi, trí tuệ và hành động” Trí tuệ là một thuật ngữ rất quan trọng, đó cũng là điểm phân biệt của Phật giáo với các tôn giáo khác.
Như đã nói trên, trí tuệ “Bát nhã” ám chỉ trái tim của chúng ta, Bát nhã được gọi là tâm của sự bình thản. Để kết luận hai từ “trí tuệ” chúng tôi nêu lên một ví dụ về câu chuyện của thầy Huệ Năng để chúng ta hiểu thế nào là trí tuệ. Ngày xưa ở thời Trung Quốc cổ đại có một bậc thầy Huệ Năng, tuy ông không biết chữ nhưng có sự hiểu biết sâu sắc về Phật giáo, thậm chí ông còn được chọn làm người kế thừa Thiền tông. Mặc dù, theo tiêu chuẩn thế gian thời đó không mấy ai chấp nhận và Huệ Năng không được coi là người tốt. Nhưng ông đã sở hữu điều mà Phật giáo gọi là trí tuệ. Ông thể hiện sự hiểu biết thấu đáo về vũ trụ và cuộc sống, vượt xa những điều trần tục. Và chỉ ra rằng nhờ trí tuệ của Phật giáo mới có thể giải quyết một cách toàn diện, căn bản và thỏa đáng mọi vấn đề trong cuộc sống.
Có nhiều người cho rằng hiểu biết được vạn vật gọi là “trí tuệ”. Phật giáo thì đề cập đến khả năng vượt qua kiến thức của thế gian và đạt được khả năng có thể nắm bắt được sự thật, đó là trí tuệ. Cũng yếu tố này tạo cho con người có khả năng đưa ra quyết định về thiện, ác và hành động của mình. Khi con người có trí tuệ, họ sẽ biết cách đưa ra quyết định và lựa chọn khi gặp bất kỳ vấn đề nào.
Con người có trí tuệ có thể làm cho tâm của họ rộng lớn, sâu sắc, hòa hợp và linh hoạt hơn. Tâm càng lớn thì trí tuệ càng cao sâu. Khi con người có trí tuệ thì họ biết lắng nghe, suy nghĩ và tu tập nhiều hơn. Người có trí tuệ cao họ có thể hiểu về nhân quả, buông bỏ, chấp trước, nhìn xa và thấy được duyên khởi. Khi có trí tuệ tâm của họ có thể nhìn thấy nhiều góc độ khác nhau, họ biết cách lựa chọn và quyết định. Trí tuệ là sự định hướng của cuộc sống.
Khi con người có trí tuệ họ không sợ những nghịch cảnh, sẽ giúp tâm hồn họ sáng suốt, khôn ngoan có kiến thức và sự hiểu biết đúng đắn trong mọi trường hợp. Trí tuệ giúp con người sửa những lỗi lầm và đoạn trừ được khổ đau, sân hận và tham si. Tầm ảnh hưởng đến con người trên nhiều phương diện trong cuộc sống đời thường. Cho nên, nhiều người đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân họ, điều gì của tâm có liên quan mật thiết trong đời sống. Như vậy, tâm đã chi phối ý nghĩa, mục đích, giá trị của cuộc sống là gì, và tại sao họ phải sống? (còn tiếp kỳ tới)