Truyện Kiều: Có phải là Tuyệt Tác Văn Học Việt Nam “?”

1

Linh

Những ngày gần đây chúng tôi có đọc một số bài viết của các nhà phê bình, giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ từ trong nước lẫn hải ngoại. Chúng tôi có một số thắc mắc muốn góp chút thiển ý về truyện Kiều. Đây là ý muốn học hỏi và góp phần xây dựng nền văn học Việt Nam chứ không đả phá hay biện minh cho lý do nào khác. Chúng tôi không phải chuyên gia về văn học; không biện luận mà chỉ muốn đặt câu hỏi; rằng truyện Kiều có phải là một kiệt tác trong văn học Việt Nam không mà được nhiều học giả, bình luận gia ca tụng và tôn vinh đến tột đỉnh gần như tuyệt đối, chưa có một tác phẩm nào sánh bằng. Đó chính là thắc mắc và suy nghĩ của chúng tôi về tác phẩm Kiều với gần 300 năm trong nền văn học VN. Hôm nay, đọc lại truyện Kiều chúng tôi muốn đóng góp vài thiển ý về vấn đề này. Cho nên, tựa đề bài viết với dấu chấm hỏi “?” thật đậm và lớn hơn đề tựa.

Chúng tôi xin sơ lược ngắn gọn về “Truyện Kiều”: Truyện Kiều tên gốc là “Đoạn Trường Tân Thanh, là truyện thơ kinh điển trong nền văn học Việt Nam được viết bằng chữ nôm theo thể lục bát của Nguyễn Du, gồm 3254 câu, dựa trên cuốn tiểu thuyết “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân ở Trung Quốc soạn ra vào cuối thế kỷ XVI hoặc đầu thế kỷ thứ XVII . Đoạn Trường Tân Thanh là tiểu thuyết thời vua Gia Tĩnh đời nhà Minh (1521 – 1567).

Lược truyện: Truyền Kiều chia ra làm 6 đoạn không kể đoạn mở đầu và đoạn kết. Thúy Kiều là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn, sống êm ấm cùng cha mẹ và 2 em là Thúy Vân và Vương Quan. Nhân dịp du xuân, Kiều gặp Kim Trọng, một thanh niên hào hoa phong nhã; sau đó thề nguyền đính ước với nhau. Gia đình gặp nạn, Kim Trọng về quê chịu tang chú, Kiều phải bán mình chuộc cha. Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa đẩy vào lầu xanh nên Kiều định tự tử để thoát ô nhục nhưng không được. Sau lần mắc mưu Sở Khanh ít lâu sau, Thúc Sinh cứu Kiều khỏi lầu xanh để làm vợ nhưng bị Hoạn Thư ghen nên Kiều phải trốn đi nương náu ở chùa Giác Duyên. Vô tình Kiều lại rơi vào tay Bạc Hạnh, Bạc Bà nên phải vào lầu xanh lần thứ hai. Kiều gặp Từ Hải. Từ Hải lấy Kiều làm vợ, giúp Kiều báo ân, báo oán. Từ Hải bị Thúy Kiều dụ hàng, mắc lừa Hồ Tôn Hiến rồi sau đó bị giết. Kiều bị bắt ép gả cho tên thổ quan; vì tủi nhục nên trầm mình xuống sông Tiền Đường, Được sư Giác Duyên cứu, Kiều nương nhờ cửa Phật lần thứ hai. Kim Trọng trở lại đi tìm Kiều. Nhờ sư Giác Duyên, Kim-Kiều gặp nhau, gia đình đoàn tụ. Kim gặp Kiều đổi tình yêu thành tình bạn.

Tiểu sử: Truyện Kiều của Thi Hào Nguyễn Du hầu như ai cũng đọc qua một lần. Nguyễn Du tên chữ Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Lạp Hộ, Nam Hải Điều Đồ. Theo bản gia phả Nguyễn Du sinh ngày 23 tháng 11 năm Ất Dậu tức là ngày 3 tháng 1 năm 1766 Dương lịch, tại phường Bích Câu – Thăng Long. Quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông mất ngày 16 tháng 9 năm 1820 tại Huế. Nguyễn Du xuất thân trong một gia đình quý tộc, nhiều đời làm quan to dưới triều vua Lê, chúa Trịnh. Đó là một gia đình có truyền thống yêu chuộng văn chương và nghệ thuật.

Sự nghiệp văn chương:

-Về chữ Hán có ba tập thơ. -Thanh Hiên Thi Tập (tập thơ của Thanh Hiên) 1786-1804. -Nam Trung Tạp Ngâm: 1805-1812. -Bắc Hành Tạp Lục: 1813-1814.

-Về chữ Nôm có: -Ðoạn Trường Tân Thanh. -Văn Chiêu Hồn (còn gọi là Văn Tế thập loại chúng sinh). Sinh Tế Trường Lưu Nhị Nữ. -Thác Lời Trai Phường Nón.

A-Truyện Kiều có phải là một kiệt tác?

Trước khi đi vào một số vấn đề, chúng tôi nêu lên một số định nghĩa trong tự điển và trên Google để chúng ta có một ít khái niệm về nó.

-Tuyệt tác đồng nghĩa với Kiệt tác. Theo tự điển trích dẫn: Là tác phẩm xuất sắc… Phiếm chỉ đồ vật làm ra rất hay, rất tốt… đồng nghĩa với tuyệt tác. Theo tự điển Nguyễn Quốc Hùng là công trình cực kỳ giá trị, chỉ cho bài thơ, tập văn, bức hoạ cực hay, cực đẹp…. là tác phẩm văn học, nghệ thuật hay, đẹp đến mức không còn có thể có cái hơn được như: Bức tranh tuyệt tác, một tuyệt tác văn học đặc sắc và đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật. Kiệt tác, chữ “tác” ở đây là tác phẩm do chính tác giả sáng tác, không phóng tác từ một tác phẩm khác, không phỏng dịch hay lấy ý tưởng, câu chuyện của tác phẩm người khác.

-Phóng tác: Động từ nghĩa là phỏng theo nội dung của tác phẩm mà viết lại thành một tác phẩm khác theo một hình thức khác.

-Sáng tác: Viết ra, làm ra tác phẩm văn học, nghệ thuật

-Phỏng dịch: Lấy ý chính, ý chủ yếu, lược bỏ những phần, những ý không quan trọng.

-Chuyển ngữ: Là ngôn ngữ được dùng để truyền thụ kiến thức như chuyển dịch bài thơ sang tiếng Pháp, tiếng Anh.v.v..

-Dịch thuật là một hoạt động bao gồm việc luận giải ý nghĩa của một đoạn văn trong một ngôn ngữ nào đó – văn nguồn – và chuyển sang một ngôn ngữ khác thành một đoạn văn mới và tương đương,

Đó là một số định nghĩa lấy từ trong tự điển và trên diễn đàn Google. Như vậy chúng ta xác định truyện Kiều thuộc về dạng nào? Theo nhận xét của quý vị thì truyện Kiều thuộc loại sáng tác, phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải hay dịch thuật?

Trước khi trả lời, chúng tôi xin đưa ra một ví dụ và đặt câu hỏi, rằng nếu có một người Trung Quốc hay Đài Loan đoc truyện Kiều thì họ sẽ nghĩ gì? Họ có cho đó là tác phẩm của Nguyễn Du hay họ nghĩ rằng của Thanh Tâm Tài Nhân hay Dư Hoài? Chúng tôi tin chắc không phải của Nguyễn Du, vì Nguyễn Du không phải là người sáng tạo (creator) mà bản gốc từ Thanh Tâm Tài Nhân. Thậm chí có nhiều người Trung hoa không biết tác phẩm này, không đọc nó bao giờ. Lý do, đó là loại tiểu thuyết thuộc hạng bình dân, giống như chuyện viết của bà Tùng Long thuở xưa trên báo Phụ Nữ Sài Gòn hay trong mục “Gỡ rối tơ lòng” trên báo SG mới. Nguyên tác truyện Kiều là của Thanh Tâm Tài Nhân, cho nên bản quyền thuộc về TTTN, Nguyễn Du không sở hữu trí tuệ ((intellectual property) với truyện Kiều. Rất tiếc thời đó chưa có luật bản quyền (copyright) cho nên Nguyễn Du không bị kiện ra tòa. Vì ông đã phóng tác hay dịch thuật mà chưa có sự đồng ý của tác giả. Nếu chúng ta đem so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy, đại cương tình tiết hai quyển gần giống nhau.

Chúng tôi đọc qua một số bản truyện Kiều của vài tác giả như: “Tình Sử Vương Thúy Kiều” do Mộng Bình Sơn dịch, Truyện Kiều của Phạm Đan Quế, tham khảo các bản Truyện Kiều của Bùi Kỷ, Phan Sĩ Bàng và Lê Thước, Truyện Cụ Nguyễn Du, Phạm Quỳnh, Truyện Kiều, Đồ Nam, Nghiên cứu và phán đoán về Truyện Kiều, Trần Trọng Kim, Lý thuyết Phật học trong Truyện Kiều và Đào Duy Anh khảo luận.v.v. Và nhiều bản văn xuôi của nhiều dịch giả thì nội dung vẫn không có gì khác biệt mấy, ngoại trừ vài đoạn bị bỏ đi vì ngôn ngữ không thích hợp, hay vài đoạn dài dòng bị cắt bỏ hay vài đoạn tự ông thêm vào cho thích hợp với hoàn cảnh xã hội VN, hay thay đổi một vài tình huống nhân vật. Tuy là có vài thêm bớt nhưng nội dung và hình thức đều giống “Đoạn Trường Tân Thanh” đến tám chín chục phần trăm. Sự khác biệt là dạng văn xuôi và dạng thơ vần điệu. Như vậy, đây là thể loại gì, là phóng tác, phỏng dịch, chuyển ngữ hay dịch thuật? Phần này dành cho các thức giả xác định. Chúng tôi chưa tìm được chữ chính xác, chỉ nghĩ rằng Nguyễn Du là người dịch từ bản chữ Hán và chuyển thể từ văn xuôi sang thể thơ từ một hình thức của văn bản Kim Vân Kiều rồi thêm bớt tùy ý, giống như một hình thể của đạo văn hay lấy cắp ý tưởng người khác. Thêm: Thời của Nguyễn Du chưa có chữ Quốc ngữ thì ai là người viết chữ Quốc ngữ với những vần thơ lục bát? Cho nên:

-Thứ nhất: Theo chúng tôi nghĩ, Nguyễn Du không thể là tác giả của truyện Kiều được vì nội dung ý tưởng, bố cục không phải do ông sáng tạo.

-Thứ hai: Nếu là kiệt tác thì đây không phải là kiệt tác của văn hóa VN mà là của người Trung Quốc, chúng ta chỉ chấp nhận một Nguyễn Du qua cách dịch thuật và sử dụng ngôn ngữ đẹp cho thi ca và cách xào trộn ý tưởng cho thích hợp với hoàn cảnh VN.

-Thứ ba: Với hai lý do nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng truyện Kiều không thể là một kiệt tác về bộ môn thơ hay nhất của nền văn học VN từ cổ đại, Trung đại và hiện nay. Khi nói Kiều là kiệt tác hóa ra tự nhận mình là kẻ đạo văn, lấy ý tưởng của người khác thành thơ truyện của mình và vô tình sỉ nhục chính mình và văn hóa Việt.

-Thứ tư: Truyện Kiều là loại thơ rất khó hiểu, mặc dù có một số từ bình dân, nhưng không đủ để trở thành một bài thơ hay. Đọc thơ người ta có thể thấm thấu ngay chứ không cần phải đi tra cứu lịch sử Trung Quốc hay điển từ Hán Nôm. Chuyện này chỉ đúng với thời xa xưa, vì nhiều người quan niệm một bài viết có nhiều điển tích mới là bài viết giá trị và hay. Luận điệu đó ngày hôm nay không còn thích hợp nữa. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng quá nhiều điển tích Trung Quốc, dùng nhiều từ Hán Nôm cần trích dẫn mới hiểu được như: giải cấu, trần cấu, bố kinh, Đồng tước, Tư khấu cẩm tâm, Hồ cầm,Chiêu quân, Lam kiều, Quỳnh tương, Nàng ban, Ả tam Bội ngọc, Kim môn, Trướng huỳnh, Giấc hòe,Tư mã phượng cầu, Kê khang, Quảng lăng, Hàn thực, Nguyên tiêu, Sân Hòe, Cù mộc, Liễu chương, Đài cát lũy Tào khang, sông Tần, Dương quan .v.v. nhiều và còn nhiều nữa. Có lẽ ngôn ngữ Việt chúng ta thời đó chưa có đủ “từ ngữ” cho nên phải vay mượn Hán Nôm và điển tích để giải thích.

-Thứ năm: Trong 3254 câu thơ, ông đã dùng nhiều từ lập lại trong một câu thơ hay trong một đoạn mà nhiều nhà phê bình, học giả uyên thâm cho rằng rất hay, rất cần thiết. Thật ra những điệp ngữ đó có thể sửa lại ít hơn, gọn hơn nhưng không mất ý hay chủ đích mà tác giả muốn nhấn mạnh. (nếu có dịp tôi sẽ có bài viết riêng nói về thể thơ lục bát của Nguyễn Du sau này)

Tóm lại, đối với thiển ý của chúng tôi, thì truyện Kiều chưa có điều kiện ắt có và đủ để đánh giá là một kiệt tác theo tiêu chuẩn những tác phẩm của các quốc gia phương tây. Một kiệt tác hay phải có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, đời sống, đạo đức, tinh thần, giáo dục, truyền thống, tình thương, tư tưởng, triết lý, lịch sử hay tiêu biểu cho một thời đại nào đó.v.v. Và nhất là tác phẩm đó phải do tác giả đó sáng tạo (creator) thay vì chỉ dịch, phóng tác hay vay mượn ý tưởng trong tác phẩm của người khác. Một tác phẩm giá trị phải có sức ảnh hưởng của quần chúng (ảnh hưởng này không có nghĩa là dùng để ngâm nga, để ru con ngủ) một dân tộc, cho nhân loại hay có thể thay đổi một thể chế chính trị.v.v… Truyện Kiều chưa đủ điều kiện như nói trên. Nếu đem so sánh thì Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi, là “thiên cổ hùng văn”, là một bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của người Việt, sau bài “Nam Quốc Sơn Hà Nam Đế Cư” thời nhà Lý mới có thể được gọi là kiệt tác! Nếu đem so sánh Kiều với BNĐC ở thời điểm hôm nay thì BNĐC còn tốt hơn nhiều, còn tạo được tinh thần yêu nước chống giặc Tàu xâm lăng; còn hơn là ý tưởng nô lệ, phục tùng trong truyện Kiều. Hay thực tế nhất, nếu chúng ta so sánh Kiều với các bức “tâm thư” hiện nay kêu gọi toàn dân đứng lên đáp lời sông núi của các nhà tranh đấu trong nước còn bổ ích hơn truyện Kiều nhiều. Mặc dù không phải là một tác phẩm đồ sộ, nhưng các Tâm Thư ấy sẽ mang đến dân chủ, độc lập, giải thoát, quyền lợi cho dân tộc VN nhiều hơn trước sự xâm lăng của giặc Tàu phương bắc hiện nay.

Như vậy một tác phẩm được gọi kiệt tác là gì? Là tác phẩm đó tham gia gián tiếp hay trực tiếp vào sự biến đổi xã hội, biến đổi thế giới quan, nhân sinh quan của con người. Nếu cho là tác phẩm lớn thì trong đó phải chứa một tư tưởng lớn, một nghệ thuật cao. Một tác phẩm văn học vĩ đại phải có sự tồn tại của con người, của một dân tộc hoặc của cả nhân loại với những khát vọng mà con người mong muốn. Truyện Kiều chưa đủ những yếu tố đó. Chúng ta chỉ tâng bốc, vuốt đuôi nhau những điều không thực tế, vay mượn của kẻ khác, hãnh diện những điều không cần thiết, không hợp thời, không hợp lý, không chấp nhận sự thật. Cho nên đến thế kỷ 21 rồi, quốc gia chúng ta vẫn là nước lạc hậu, nghèo đói, kém văn minh thua cả một quốc gia nhỏ bé láng giềng. Chẳng lẽ quốc gia chúng ta không còn gì khác hơn để hãnh diện, tự hào hay sao? Có thể truyện Kiều có giá trị ở thời điểm hai, ba trăm năm trước chứ không phải là hôm nay.

Tác phẩm gọi là kiệt tác của văn học, nghệ thuật phải thật hay, thật hoàn mỹ đến mức không còn có thể có tác phẩm nào hơn được. Điều gì quyết định giá trị của một kiệt tác? –Phải có giá trị sáng tạo, -Những ý tưởng hiếm có, – Giá trị và kỹ năng ở mức cao, -Sự lâu dài, -Lịch sử, -Chủ đề, -Không có sự chống đối, -Có sự độc đáo. Đối với chúng tôi, một tác phẩm kiệt xuất là một “thành tựu trí tuệ và nghệ thuật tối thượng.” (supreme intellectual or artistic achievement).

Một kiệt tác phải siêu việt về vấn đề chủ đề, triển khai khái niệm về nghệ thuật của khách thưởng lãm, trở nên điểm mốc, điểm tựa, điểm chứng cứ. Một kiệt tác sẽ truyền thụ trong chúng ta cảm giác của sự vô hạn, cảm tưởng rằng cái gì cũng khả dĩ. Chúng ta lý tưởng hóa những thiên tài qua sự khó nhọc, phấn đấu, khắc khoải và hứng thú của họ. Họ đã xoay sở để sáng tác; là những thiên tài mà chúng ta muốn tin rằng hiện hữu trong mọi người chúng ta. Và vì sự tưởng tượng vốn không giới hạn, nghệ thuật cho phép sinh vật hữu tử cơ hội để trở nên bất tử. Chúng tôi xin đưa ra một số tác phẩm mà nhân loại cho là kiệt tác hay gọi là bất tử sau đây:

Binh Pháp Tôn Tử được tôn xưng là tuyệt tác binh thư hàng đầu của thế giới cổ đại; giới hạn trong lĩnh vực quân sự, mà còn có thể áp dụng vào những lĩnh vực khác như kinh tế học, thể dục, thể thao, khoa học.

Tứ Đại Kỳ Thư gồm: Tam Quốc Diễn Nghĩa- La Quán Trung – Tây Du Ký – Ngô Thừa Ân, Thủy Hử – Thi Nại Am.v.v. Bốn tác phẩm văn học với bốn phong cách thể hiện riêng đã đem lại cho độc giả một cái nhìn tổng quát về xã hội Trung Hoa trải qua các biến cố lịch sử. Với giá trị lịch sử và những ý nghĩa cao cả để lại. Đó là những bộ sách truyện binh thư của Trung Quốc. Tây phương cũng có rất nhiều tác phẩm gọi là tuyệt tác chúng tôi sẽ nói sau.

-Bộ môn hội họa: Thiên tài hội họa Leonardo da Vinci với nụ cười bí ẩn của nàng “Mona Lisa” và những mật mã khó đoán trong bức bích họa. “Bữa Ăn Tối Cuối Cùng”, và “Người Vitruvius” là ba trong những kiệt tác hội họa sống mãi với hậu thế vì nét vẽ đầy tính khoa học và bí ẩn. Còn nhiều danh họa nữa: Pablo Picasso, Paul Cezanne, Gustav Klimt, Claude Monet, Jackson Pollock.v.v.

-Về âm nhạc: Johann Sebastian Bach, Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Richard Wagner, Franz Joseph Haydn, Johannes Brahms, Franz Schubert, Frédéric Chopin.v.v. Ví dụ rất nhỏ thôi: Giao hưởng Mi thứ của Johannes Brahms còn thấm đẫm trong bản giao hưởng cuối cùng của ông tâm hồn suy tưởng sâu xa về sự phong phú đến vô vàn của cuộc sống con người: Từ sự nồng cháy yêu thương, sự vui nhộn trẻ trung, những biến cố, những định mệnh nghiệt ngã.v.v.

Những tác phẩm văn chương kiệt tác như:

Anna Karenina của Lev Tolstoy là tuyệt phẩm đỉnh cao của tiểu thuyết lãng mạn.

War and Peace (Chiến tranh và Hòa bình – Lev Tolstoy). Tuyệt phẩm phản ánh một giai đoạn bi tráng của toàn xã hội Nga, từ giới quý tộc đến nông dân, trong cuộc chiến Pháp – Nga của thời đại Napoléon.

Madame Bovary (Quý bà Bovary – Gustave Flaubert). Cuốn tiểu thuyết kể về số phận một người phụ nữ nông thôn trưởng giả vì chán chồng một thầy thuốc làng mà đi ngoại tình với một chàng luật sư trẻ tuổi nhưng không thành….

– Lolita của Vladimir Nabokov khiến tất cả chúng ta những người làm cha mẹ, những nhà hoạt động xã hội, những nhà giáo dục phải dốc sức, với tinh thần cảnh giác cao hơn nữa và sáng suốt hơn nữa, vào nhiệm vụ nuôi dạy một thế hệ tốt hơn trong một thế giới an toàn hơn.

The Great Gatsby của Scott Fitzgerald: Sự vĩ đại của một tuyệt tác văn chương, là một kiệt tác đỉnh cao của nhà văn người Mỹ.

Hamlet của William Shakespeare: Trong sự bát nháo của một xã hội với nhà tù, sự bẩn thỉu, phải hàng vạn người mới nhặt ra được một kẻ lương thiện, ta vẫn thấy lóe sáng những hạt vàng của chủ nghĩa nhân văn.

– Tập truyện ngắn The Stories of Anton Chekhov, In Search of Lost Time (Đi tìm thời gian đã mất)Marcel Proust, George Eliot với “Middlemarch” nói về tình trạng của phụ nữ, bản chất của hôn nhân, chủ nghĩa lý tưởng, tư lợi, tôn giáo, đạo đức giả, cải cách chính trị và giáo dục.

Jane Eyre của Charlotte Bronte xuất bản năm 1847; quyển tiểu thuyết làm chấn động văn đàn nước Anh và nhanh chóng được yêu thích trên toàn thế giới.

-Wuthering Heights (Đồi Gió Hú) của Emily Bronte: Tình yêu hoang dại, cũng giống như chính vùng đất đã nuôi dưỡng con người họ, hoang dại và mãnh liệt. Mặc dù cuộc đời của họ tràn ngập những bi kịch, những ghen tuông, những đau khổ giằng xé nhưng kết cục họ vẫn được chôn cất bên nhau. Còn nhiều nữa nhưng chúng tôi chỉ muốn đưa ra một số tác phẩm điển hình thôi vì bài viết có giới hạn.

Nếu đem so sánh với một số tác phẩm trên thì truyện Kiều có đủ mọi giá trị hay đủ điều kiện để trở thành một tuyệt tác của văn học VN không? Chúng tôi nghĩ là chưa đủ. Tuy nhiên chúng ta không thể phủ nhận ở góc cạnh khác như văn chương chữ nghĩa của thời đó, cách tả cảnh, tả người rất tuyệt vời. Như vậy, chính xác công việc của Nguyễn Du là gì? Ông đã dịch và chuyển thể từ dạng văn xuôi của tác phẩm gốc bằng chữ Hán sang chữ Nôm dưới dạng thơ lục bát. Đây là quyển tiểu thuyết hạng bình dân của Trung Quốc ít ai biết đến. Thế mà chúng ta cứ nhắm mắt tôn vinh là tuyệt tác của văn học VN thì thật đau lòng! Ông Phạm Quỳnh đã đọc tại Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1924 ở Hà Nội rằng: “Truyện Kiều không chỉ đối với văn hóa nước nhà mà đối với văn học thế giới cũng chiếm được một địa vị cao quý… Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn…”. Quý vị nghĩ sao về câu nói này? Thực tế, thời đó thế giới chả ai biết truyện Kiều là gì, không ai tò mò tìm đọc, may ra có một vài quyển được học giả người Việt chuyển dịch ra Pháp ngữ, nhưng cũng chỉ nằm yên trong ngăn tủ. Cái khen của một nhà trí thức Phạm Quỳnh hơi quá đà.

Chúng tôi đồng ý truyện Kiều có giá trị về phương diện thơ văn, cách sử dụng ngôn ngữ xuất sắc chứ không phải đó là tác phẩm đại diện cho nền văn học muôn đời của VN; hay nói một cách khác, không phải truyện Kiều mất là VN sẽ không còn, hay VN không có nhân tài nào khác ngoài Nguyễn Du. Đây có thể là một câu tiên đoán cho sự hiện thực của xã hội hôm nay.

Chúng tôi không phủ nhận Phạm Quỳnh là một người có tài, học cao hiểu rộng; nhưng với lối phê bình đó, chúng tôi khó chấp nhận được, mặc dù nhiều nhà trí thức sau này cứ a dua, tâng bốc theo câu nói của ông; vì họ sợ khi nói khác đi sẽ bị người khác chê là mình dốt. Điều đó lây lan đến thời đại hôm nay: liệu đó có phải là bẩm sinh của dân tộc, không dám nói, không dám ý kiến, sợ sệt trình bày ý tưởng của mình, sợ người khác khen chê? Cho nên đất nước không có cơ hội vươn lên, không có ý kiến ưu việt hay học hỏi để sửa sai, để giữ lại những điều tốt đẹp. Chúng ta hãy nhìn lại thói quen của người Việt trong nhiều năm qua. Nếu có một người nổi tiếng hay một ông có học vị cao phê bình một tác phẩm nào đó là hay, là tuyệt vời, thì sau đó có hàng chục, hàng trăm người vuốt đuôi theo mà khen không tiếc lời, không cần suy nghĩ, hay phân tích đúng sai. Như có một vài thi sĩ ở hải ngoại hiện nay, in nhiều thi tập ra mắt sách khắp nơi, nhưng tất cả thi phẩm của họ đều rỗng tuếch, không có tư tưởng, không luân lý, không triết lý gì cả, chỉ là sự thu gồm mớ ngôn từ rồi xáo nấu thành những bài thơ tình vớ vẩn, thế mà không biết bao nhiêu người viết bài ca tụng in thành sách. Thật tội nghiệp cho nền văn chương hải ngoại.

Truyện Kiều là một nguyên tác của người Tàu mà lấy nó làm tiêu biểu cực cao cho nền văn học nước nhà thì thật là buồn cho đất nước VN quá. Thậm chí, chúng ta thử hỏi người Tàu hay người Đài Loan họ có biết “Kim Vân Kiều” là tác phẩm gì không, chắc chắn họ sẽ lắc đầu. Trước đây chính Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích, một nhà Nho học, cũng lên tiếng phản đối việc đưa truyện Kiều vào chương trình giáo dục. Có lẽ, ông có lý do chính đáng về sự nhận xét truyện Kiều của ông và tương lai của đất nước “Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh…” Đây là chuyện phong tình. Chúng tôi cũng đồng ý với quan điểm của vị LM này và tôi cũng không hiểu tại sao Bộ giáo dục lại đưa truyện Kiều vào chương trình giảng dạy? Lợi ích gì, giáo dục điều gì cho học sinh, sinh viên. Lòng yêu nước ư, tinh thần dân tộc, đạo đức hay niềm tự hào bốn ngàn năm dựng nước giữ nước, hay sự đồi trị luân lý, khiêu khích tình dục hay xem Tàu là mẫu quốc? Truyện Kiều là quyển tiểu thuyết đồi trụy, phong kiến của xã hội Trung Quốc, xứng đáng để chúng ta học hỏi sao? Đối với người Tàu, tiểu thuyết chỉ để làm kịch, làm phim hay chỉ để đọc giải trí mà thôi không thể là một thứ kinh điển ghê gớm gì cả; đôi khi còn làm băng hoại xã hội nữa.

Việt Nam chúng ta có nhiều bộ sách rất bổ ích cần phổ biến để khuyến khích tuổi trẻ nghiên cứu học hỏi, để phát triển đất nước, để lành mạnh hóa xã hội hơn truyện Kiều nhiều. Tại sao chúng ta không đem những bộ sách khoa học, kinh tế, nhân văn hay nhất của thế giới dạy trong học đường ví dụ như bộ sách khoa học của Khoa học gia Nguyễn Xuân Vinh, của Giáo sư toán học Ngô Bửu Châu, Tiến sĩ vật lý thiên văn Trịnh Hữu Châu (Eugene H. Trinh), tài liệu khoa học của tiến sĩ Nguyễn Thành Tiến, trong chương trình Galileo đưa phi thuyền thám hiểm sao Mộc, khoa học gia Đinh Bá Tiến của Đại học Huddersfield ở Anh chế tạo các phần mềm điều khiển robot, phi thuyền tự hành, Tiến sỹ tại Đại học Princeton Nguyễn Trọng Hiền chuyên ngành nghiên cứu bức xạ nền vũ trụ, GS Nguyễn Thục Quyên với khoa Hóa và hóa sinh, Trường ĐH California Santa Barbara (Mỹ), Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh trong Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, các Giáo sư khác như Gs Võ Văn Ánh, Gs Nguyễn Sơn Bình, Gs Nguyễn Xuân Hùng hay tiến sĩ vật lý Võ Đình Tuấn.v.v. Về tiểu thuyết hiện nay cũng có nhiều người trẻ viết bằng tiếng Anh như Linh Đinh, Lan Cao, Kiên Nguyễn, Angie Châu, Monique Trương…. về thơ, có thiếu nữ ở tuổi 15, Aline Dolinh đã trở thành một trong năm Thi Sứ (Poetry Ambassador) trung học trên toàn quốc Hoa Kỳ.v.v. Chúng ta có nhiều nhân tài nhưng không ai giới thiệu, khuyến khích hay phổ biến thiên tài của họ trong xã hội VN để tuổi trẻ học hỏi; dùng sách vở đó, tài liệu đó, kiến thức đó để phát triển đất nước nhanh theo kịp đà tiến hóa của nhân loại. Tại sao lại chúng ta cứ loanh quanh ở truyện Kiều? Truyện Kiều không thể là một thứ kinh điển ghê gớm gì cả; đôi khi còn làm băng hoại xã hội nữa.

Nói như thế, không có nghĩa là chúng tôi chê hay không thích truyện Kiều mà chúng tôi muốn góp ý về sự tâng bốc quá đáng làm giới trẻ xem thường chúng ta, vì truyện Kiều đến hôm nay có bao nhiêu giới trẻ biết đến nó; mà biết để làm gì, học hỏi điều gì, ích lợi gì trong việc tạo nền giáo dục mới để canh tân đất nước? Truyện Kiều đã hơn 200 năm, chữ Hán là của Tàu, chữ Nôm ít ai hiểu, chúng ta nên bỏ vào ngăn tủ của quá khứ, của kỷ niệm có lẽ hay hơn. Chúng tôi không phải có “mới” quên “cũ”, nhưng có những thứ không còn bổ ích nữa trên một vài lĩnh vực hiện nay, nhất là trên đà tiến hóa văn minh của nhân loại. Hơn nữa truyện Kiều không phải là ý tưởng, triết lý chính thống của xã hội và dân tộc Việt. Sở dĩ chúng tôi muốn nói như thế là vì có nhiều nhà trí thức, nhiều học giả chỉ muốn bám vào cái xưa cũ để ca tụng, không chịu tìm tòi, nghiên cứu những gì mới hơn để học hỏi hay phổ biến có ích lợi cho dân tộc, cho nhân loại mà chỉ quanh quẩn, tâng bốc, tôn vinh quá đáng những điều cũ rích làm cho thế hệ sau này không học hỏi được điều gì mới từ chúng ta.

Chính vì thế mà tà quyền CS dễ áp đặt chương trình giáo dục phi đạo đức như hiện nay, xóa bỏ mọi luân lý, đạo nghĩa làm người để đẻ ra toàn một lũ côn đồ, ăn cướp, vơ vét, lưu manh, bán nước, phản dân. “Kiều” trong Văn hóa Cộng Sản Việt Nam không còn bán thân cứu cha, mà đã đẻ ra nhiều “Thúy Kiều CS” đấu tố cha mẹ, giết ân nhân, giết bằng hữu như trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Đây là loại văn hóa đã hấp thụ từ đâu? Mỗi thời đại có nền văn hóa khác nhau, suy nghĩ khác nhau, tư tưởng thích ứng, hợp lý với trào lưu tiến hóa của nhân loại. Việt Nam cần tuổi trẻ mở cánh cửa mới của thế kỷ 21 để phát triển đất nước. Nếu cần, nên khuyến khích tuổi trẻ hôm nay học sử Việt, hiểu biết những anh hùng có công dựng nước và giữ nước để noi theo; chứ không cần, lẩy Kiều, bói kiều, ngâm Kiều, nhạc Kiều hay thương tiếc thân phận Kiều bán mình cứu cha.

Quý vị thử nghĩ xem, con em chúng ta hiện nay có bao nhiêu người biết về Kiều, trường Trung học, Đại học đã dạy bao nhiêu giờ về Kiều? Chúng đã thu lượm và học hỏi được điều gì, đạo đức có tốt hơn không, đất nước có dân chủ, tự do hơn không, có bình đẳng hơn thời phong kiến không? Truyện Kiều áp dụng được điều gì trong xã hội văn minh hôm nay, có dạy con em chúng ta làm tốt hơn không, hay còn tệ hơn như hiện nay ở Việt Nam: bán dâm, ăn chơi trác táng, buôn người, lập động chứa gái, bán trinh, hà hiếp, lừa đảo, cướp bóc, trụy lạc, hút xách, chính quyền đàn áp dân lành.v.v. Như vậy Kiều đã ảnh hưởng đến điều gì, Kiều có đưa VN tiến gần với nền văn minh hiện nay của nhân loại? Chắc chắn là không!

Theo chúng tôi thì Phạm Quỳnh đã như nói lên lời “tiên tri”: “Truyện Kiều còn, Tiếng ta còn, Tiếng ta còn, Nước ta còn”:  Bây giờ truyện Kiều không ai đọc, ngôn ngữ Việt bị thay đổi đọc ngược, đọc tắt, đọc vuông tròn, ghép chữ mà tự điển chưa bao giờ có, dùng từ hay nói chuyện bằng ngôn ngữ Việt mà chính người Việt cũng không hiểu nổi của (TS Bùi Hiền). Hơn thế nữa, thế hệ trẻ hôm nay đua nhau học tiếng Tàu để sau này làm việc cho Tàu kiếm sống, chúng thuộc sử Tàu hơn sử Việt, đổi sách giáo khoa, chính quyền thì bỏ tiền để xây cất nhiều viện Khổng Tử khắp đất nước, bây giờ tôn vinh truyện Kiều, xây đài tưởng niệm Nguyễn Du (đây không phải để nhớ đến Nguyễn Du mà là dùng làm biểu tượng nhớ đến văn hóa Tàu). Đây là chủ đích chính trị của nền giáo dục CS hiện nay. Thời gian trước đây CS đã lập viện Khổng Tử, đã khuyến khích đọc Kiều cũng chỉ muốn tuổi trẻ VN đến văn hóa Trung Quốc mà thôi. Hôm nay một Bùi Hiền, một Hồ Ngọc Đại đã tiếp nối âm mưu đó để Hán hóa dân tộc Việt. Nếu cứ cái đà này, không lâu nữa VN sẽ bị xóa tên trên bản đồ thế giới và sẽ bị Trung Quốc thống trị mà thôi.

B-Truyện Kiều đã ảnh hưởng gì với xã hội Việt Nam sau gần 300 năm?

Trước khi chúng tôi nói đến ảnh hưởng của truyện Kiều đối với xã hội VN, chúng tôi xin nói đến một vài nhân vật trong Kiều:

a-Nhân vật Thúy Kiều. Nhiều người phê bình Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”, bị các thế lực phong kiến dày xéo. Bán mình lấy tiền cứu cha, hành động được nhiều người tán dương mà sau này Kim Trọng đã ca ngợi nàng bằng câu “ Chữ trinh lấy hiếu làm đầu”. Trong trường hợp này chúng ta thử đặt câu hỏi cho chính bản thân, hay con cháu chúng ta, hay những thiếu nữ hiện nay nghĩ gì? Nếu họ là Thúy Kiều, họ sẽ hành động ra sao trong hoàn cảnh đó? Tôi tin chắc là 99% sẽ trả lời không bán thân để giải oan cho cha mà phải suy nghĩ tìm giải pháp tốt nhất, thực tế nhất để hành động. Theo chúng tôi, hành động của Thúy Kiều quá vội vã, nông nổi thiếu suy nghĩ, nếu không nói là ngu xuẩn, nhu nhược. Thúy Kiều là người có ăn học, biết thơ văn, biết đàn ca, có sắc đẹp trời cho, nhưng không thông minh biết phán đoán điều đúng sai, tìm cơ hội hay hoàn cảnh khác để xoay xở hợp lý hơn, cho dù thời đó là phong kiến, thực dân, đế quốc hay cộng sản.

b- Bậc làm cho mẹ lẽ ra phải hy sinh cho con cái thì mới đúng. Thời đó Vương Ngoại gia cảnh bậc trung, thuộc giai cấp địa chủ hoặc cường hào. Thế mà, không biết tìm cách xoay sở khiến phải đẩy con mình vào đường trầm luân khổ ải; xem như cha mẹ đã bán con để được tự do hạnh phúc: Cha mẹ thiếu tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh cao cả. Nếu cha mẹ có chút lương tâm thì không bao giờ để con mình phải hy sinh như vậy vì đó là điều bất công. Thà cha mẹ hy sinh cho con chứ không nên bắt con phải hy sinh cho cha mẹ. Chúng ta hãy nhìn lại sự hy sinh của cha mẹ VN trong cuộc đi tìm tự do năm 1975 để suy ngẫm về tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái như thế nào, có giống như gia đình Vương Ngoại bên Tàu không?

c- Thúy Vân và em trai Vương Quan vô trách nhiệm: Thúy Vân chỉ biết hưởng thụ sống hạnh phúc bên người tình của chị mình mà không quan tâm đến hoàn cảnh bất hạnh hay chia xẻ nỗi khổ đau của người chị. Vương Quan được gia đình cho ăn học, thi đỗ, được bổ làm quan lúc đó mới đi tìm chị. Tóm lại, ngoài chữ Hiếu ra, người đàn bà VN học được gì nơi Thúy Kiều và Thúy Vân? Chữ Hiếu trong truyền thống dân tộc Việt đã có hàng ngàn năm trước chứ không phải từ khi có truyện Kiều. Như vậy truyện Kiều đã ảnh hưởng điều gì với xã hội VN? Ngoài việc bán thân, rồi làm thiếp Thúc Sinh, chẳng ai ép Kiều phải làm việc đó, tiếp theo bị Hoạn Thư đánh ghen, sau đó không lo được bản thân lại vào chốn lầu xanh, rồi Kiều bị Sở Khanh lừa tình, Kiều bị ép gả cho viên thổ quan.v.v. Thế mà chẳng khôn ra tí nào! Lẽ ra Kiều phải biết khôn ngoan để tìm cách thoát ly cuộc sống, có thể xin việc làm, có thể tìm cách quay về nhà, hay làm bất kỳ việc gì ngoài việc vào thanh lâu bán thân nuôi sống. Một con người thiếu lòng tự trọng, không tự ái, cả tin, không biết xấu hổ, không có sự cố gắng và ý chí cương quyết tự đứng lên để giải quyết vấn đề khó khăn. Chúng tôi xin dùng lời của triết gia Hy Lạp Socrate để bảo rằng Kiều là một mỹ nhân “tóc dài mà trí ngắn”. Nàng tin vào những lời lẽ đầy dối trá của Hồ Tôn Hiến mà khuyên Từ Hải quy hàng chỉ vì lòng ích kỷ muốn gặp lại cha mẹ nơi quê nhà của mình, muốn hưởng thụ cuộc sống sung sướng sau này theo lời hứa của HTH. Nàng là hung thủ gián tiếp gây nên cái chết của Từ Hải. Đọc Truyện Kiều, chúng ta không tìm thấy một chút nào đạo đức như trong Lục Vân Tiên hay Hoa Tiên hay một vài tác phẩm khác. Như vậy, người phụ nữ VN học hỏi những gì từ người đàn bà như Thúy Kiều. Đó là ý nghĩ bình thường không biện bạch vì định mệnh hay nhân quả gì cả.

d- Thúy Kiều và Thúy Vân chỉ ảnh hưởng xấu đến phụ nữ Việt nhiều hơn là tốt. Thúy Vân là thiếu nữ lười biếng, vô trách nhiệm, vô tâm và ham hưởng thụ. Chúng tôi đồng ý Kiều có hiếu với cha mẹ, nhưng là mẫu người quá lãng mạn. “Tan sương đã thấy bóng người. Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ. Sinh đà có ý đợi chờ. Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng. Với sự đa tình lãng mạn của Thúy Kiều, chỉ một lần gặp gỡ mà đêm nhớ ngày mong thì đây có phải là tiếng sét ái tình chăng? Chỉ một buổi sáng, một đêm bỏ nhà lén lút gặp Kim Trọng, sao có thể ghi tạc đá vàng nhanh như thế? Đúng là “vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề.”. Đó không phải là loại con gái ngoan hiền, đức hạnh là mẫu mực nền luân lý Việt vào thời kỳ đó. Nhất là Kiều mới chừng 14-15 tuổi đời làm sao có thể đảm đang việc nhà. Như vậy học hỏi được gì từ Thúy Kiều, Thúy Vân? Nếu nói về chữ tình của Kiều thì thua cả truyện “Trà Hoa Nữ” (La Dame Aux Camelias của Alexandre Dumas fils), một câu chuyện rất sâu sắc về tình yêu, tình đời, tình người và nhất là sự hy sinh cao thượng và đạo đức của nàng kỹ nữ yêu hoa trà Marguerite. Hay Lục Vân Tiên đã được trời chữa khỏi mù, đi thi đậu trạng nguyên, làm quan đại thần. Kiều Nguyệt Nga cũng gặp trăm ngàn nguy khốn, bị người ta ghen ghét “bắt đem cống Hồ” (cống sang Tàu): cô đã gieo mình xuống sông tự vẫn, để giữ tròn trinh tiết, được trời cứu sống, và sau đó được đoàn tụ với Lục Vân Tiên trong hạnh phúc vinh quang.v.v.

C-Những học giả phê bình Kiều.

-Đứng trên lý lẽ, chúng tôi đồng ý sự đánh giá của Nguyễn Công Trứ cùng thời với Nguyễn Du, mặc dù lời lẽ có chút khắt khe vào thời đó so với một số các nhà Nho khác. Ông cho Kiều bán mình đi làm “vợ” khắp người ta là tính cách “tà dâm” không đánh lừa được người đời dù biện bạch bằng các lý do này hay lý do khác. Hay “đoạn trường” là “đáng kiếp”! Ông còn mỉa mai” .Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa. Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm. Bán mình trong bấy nhiêu năm. Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai. Nghĩ đời mà ngán cho đời”. Hay dư luận một thời có câu “Đàn ông chớ kể Phan Trần/Đàn bà chớ kể Thúy Vân Thúy Kiều”. Hay “Đoạn trường cho đáng kiếp tà “dâm”, hay “Bốn bể anh hùng còn dại gái/Thập thành con đĩ mắc mưu quan”.v.v. Hay không khiêu dâm sao có những câu như: Buồng the phải buổi thong dong, Thang lan rủ bức trướng hồng tắm hoa. Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, Rành rành sẵn đúc một tòa thiên nhiên! (khi Kiều tắm) Hay một đoạn khác tả đêm động phòng với Mã Giám Sinh: “…Tiếc thay một đóa trà mi, Con ong đã tỏ đường đi lối về. Một cơn mưa gió nặng nề, Thương gì đến ngọc, tiếc gì đến hương…” Mặc dù văn chương tao nhã nhưng không giấu được sự tục tằng đó cũng là điều phản nền luân lý. Hay một số các học giả khác đã nhận định truyện Kiều như sau đây:

– Theo ông Đào Duy Anh: “Chúng ta sở dĩ yêu chuộng Truyện Kiều không phải vì nó có thể làm quyển sách luân lý cho đời, mà chỉ vì trong sách ấy Nguyễn Du đã dùng những lời văn thần diệu để rung động tâm hồn ta”. Hay trong lời mở đầu từ điển Truyện Kiều (1974) cũng đã viết: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc Âm Thi Tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”.

-Trên tờ Hữu Thanh số 21, ra ngày 1.9.1924, Ngô Đức Kế đã phê bình và công kích Truyện Kiều, qua bài “Luận về chánh học cùng tà thuyết, Quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du”. Ngô Đức Kế cho rằng đạo đức và tà thuyết có một mối liên hệ chặt chẽ với vận mệnh dân tộc, và phong trào sùng bái Truyện Kiều là sự xuất hiện của tà thuyết, báo hiệu vận nước đã suy. Theo ông, dân tình nước ta bấy giờ đang sa vào vòng tà thuyết, vì di sản đạo đức tốt đẹp đã mất, chưa có cái mới thay vào, ngược lại, có “bọn đạo đức giả” (chỉ cánh Phạm Quỳnh) tuyên truyền cho tà thuyết. Hay ông còn phê bình thêm rằng: Truyện Kiều không có giá trị, vì “tên sách vớ vẩn”. Ông lý luận: “Chỉ nhắc đến tên sách thì nghe đã không thể nào ngửi được. Vì sao thế? Phàm bộ truyện nào, dầu có bao nhiêu nhân vật mặc lòng, chỉ là một người làm chủ nhân; sự tích, là sự tích một người chủ nhân ấy, thì tên sách cũng theo đó mà gọi. Nay sự tích ấy là cô Vương Thuý Kiều, mà tên sách đặt ba người (Kim Vân Kiều): một người thì lấy chữ họ mà mất tên, hai người lấy chữ tên thì mất họ, thì thật là dốt vô cùng.” Tóm lại ông cho rằng “truyện Kiều không đủ làm gương tốt cho đời.” Ngô Đức Kế còn tố cáo Phạm Quỳnh là văn sĩ giả dối đã biểu dương bộ “dâm thư” làm sách giáo khoa quốc văn, sư phạm giảng nghĩa. Ông cho rằng học Kiều là thoái hoá, sa vào cái lầm lỗi cũ, suy tôn một cuốn tiểu thuyết làm chính kinh, chính sử là điều sỉ nhục. Truyện Kiều không thể là “quốc hồn quốc túy”. Về điểm này, Ngô Đức Kế cho rằng: “Nguyễn Du dịch Kiều từ thời Gia Long; thế thì từ Gia Long về trước, khi chưa có Truyện Kiều thì nước ta không quốc hoa, không quốc tuý, không quốc hồn; thế thì cái văn tự vũ công sáng chói từ trào đinh, Lê, Lý, Trần ở đâu đem đến?”

-Ông Phan Khôi công kích Phạm Quỳnh là “học phiệt”, ông Huỳnh Thúc Kháng cũng không tiếc lời phản đối Phạm Quỳnh trên tờ Tiếng Dân, hô hào tẩy chay Truyện Kiều. Ông cho rằng phong trào tán dương Truyện Kiều đã khiến nhiều lớp thanh niên vì say mê tình ái mà dứt bỏ cả nền nếp gia đình lẫn trật tự xã hội. Có lẽ thời đó chỉ có Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Trần Trọng Kim thì cố tán dương truyện Kiều lên cao vì các ông ảnh hưởng tân học, cố đưa văn chương Kiều làm cái mẫu tốt cho văn chương quốc ngữ mà không nghĩ đến điều lợi ích đến con người và xã hội.

Chế Lan Viên thì khẳng định: “Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn”

Tản Đà  Nguyễn Khắc Hiếu tiếc thương: “…Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan. Trơ trơ nắm đất bờ sông nọ. Hồn có xa nghe mấy tiếng đàn”.

Nguyễn Khuyến dè bỉu: “…Không trách chàng Kim đeo đẳng mãi. Khăng khăng vớt lấy một phần đuôi”.

Chu Mạnh Trinh cho rằng Kiều là kẻ đa tình….hay Doãn Quốc Sĩ cho rằng hành động của Kiều quá nông nổi nên thông cảm cho nàng…Còn Dương Quảng Hàm cho là hành động với lòng nhân nhưng Kiều là người quá nông nổi .v.v.

Còn nhiều nhà phê bình về truyện Kiều khen chê nhiều lĩnh vực khác nhau, mỗi người có một lý lẽ riêng, một quan niệm riêng tùy theo cảm nhận và sự thẩm thấu qua bức màn kiến thức của họ. Chúng tôi chỉ nêu một vài nhân vật tượng trưng để chúng ta có khái niệm và nhận xét về tác phẩm truyện Kiều trước đây và thế hệ hôm nay sau vài thế kỷ.

Cách đây không lâu, chúng tôi có đọc vài bài báo trong nước nhắc đến Tổng Thống Hoa Kỳ Bill Clinton và Bộ Trưởng Ngoại Giao John Kerry. Họ dùng một câu Kiều gọi là xã giao khi tiếp xúc với một số nhân vật trong chính quyền nước sở tại. Chỉ chừng ấy mà bài báo đã kết luận rằng truyện Kiều là một tuyệt tác đến độ các nhà lãnh đạo trên thế giới cũng thuộc. Hay gần đây nhất Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình khi đến thăm VN cũng đọc Kiều trong buổi tiếp tân. Báo chí VC cũng khen lẩy, khen để truyện Kiều là tuyệt tác, nhưng không ai nghĩ rằng đó là lời cảnh báo cho nhân dân VN: Đất nước này trưởng thành với văn hóa Trung Quốc, VN là một phần của mẫu quốc! Hay ông Bill Clinton và ông Kerry đọc Kiều là muốn dạy khéo chúng ta về sự nô lệ Tàu đã quá lâu; hãy thoát Trung đi! Cũng chỉ là mục đích chính trị.

D-Các nhân vật trong Kiều:

  1. Nhân vật Kim Trọng. Mặc dù thời đại phong kiến người đàn ông có thể cưới nhiều vợ, nhưng Kim Trọng không thể lấy lại Thúy Kiều dù là thương yêu cách mấy, hay ngược lại Thúy Kiều không thể lấy chồng của em mình trong thời gian dài em mình có cuộc sống hạnh phúc. Sự chung thủy, chung tình ở đây là một sự ngụy biện phạm luân thường đạo lý. “Chữ Trinh còn một chút này, Chẳng cầm cho vững, lại giày cho tan!”… Kim Trọng đã ngon ngọt với Kiều “Thương nhau sinh tử đã liều, Gặp nhau còn chút bấy nhiêu là tình….Kim Trọng là người đọc nhiều sách, có học vấn và văn bằng cao, vượt lên tất cả các nhân vật khác về tầm vóc và trí tuệ. Nguyễn Du đã tả Kim Trọng: Dùng dằng nửa ở nửa về, Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần. Trông chừng thấy một văn nhân. Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng. Đề huề lưng túi gió trăng, Sau chân theo một vài thằng con con…… Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. Nền phú hậu bậc tài danh, Văn chương nết đất thông minh tính trời. Phong tư tài mạo tót vời, Vào trong phong nhã ra ngoài hào hoa…..Người quốc sắc kẻ thiên tài, Tình trong như đã mặt ngoài còn e…

Nguyễn Du đã dùng nhiều từ ngữ để diễn tả rất hay một thư sinh Kim Trọng. Nhưng không che giấu được Kim Trọng là người ích kỷ không biết hy sinh hay đứng đắn trong tình yêu, luôn tránh được những tình huống khó xử, những hoàn cảnh có thể làm ông ta mất mặt. Ông ta chỉ là một người học trò con nhà giàu không có gì đặc biệt. Chúng ta có cảm giác ông ta là người hèn, mê gái, mới gặp hai chị em Thúy Kiều thì trong lòng muốn lấy cả hai. Hay khi biết không lấy được Kiều thì chộp ngay người em, thế mà gọi là yêu, là thủy chung được sao, hay sau 15 năm gặp lại Kiều, Kim Trọng đã nài ép muốn lấy lại Thúy Kiều. Chúng ta nghĩ sao về hành động đó? Không có đạo lý tí nào! Hay khi gặp Kiều lần đầu: “Chút chi gắn bó một hai, Cho đành, rồi sẽ liệu bài mối manh.” Quá tham lam!

Còn nữa, Kim Trọng đóng kịch cũng hay: Khi trở lại, biết Kiều phải bán mình, KT tỏ vẻ đau khổ (Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê). Kim Trọng sau những ngày dài mơ tưởng, đến khi gặp Thúy Kiều lần thứ hai, KT hấp tấp chui qua lỗ hổng để sang nhà nàng. Kim Trọng đã vội“bước lại ôm chầm lấy Thúy Kiều” (chi tiết này trong bản văn xuôi bị Nguyễn Du cắt bỏ) hành vi này không xứng đáng là người đàn ông đàng hoàng thời đó. Nhưng đoạn cuối Nguyễn Du cố tạo Kim Trọng thành một chàng trai đầy phong độ, tao nhã, khiêm cung, Dù Nguyễn Du cố tạo sự xuất hiện của Kim Trọng nhiều hơn trong phần cuối. Nhưng dù có đến bao nhiêu câu đi nữa, chúng ta cũng không tìm thấy có điều gì để học nơi Kim Trọng, ngoài việc mê gái. Có nhiều người cho rằng Kim Trọng là hiện thân của Nguyễn Du muốn gởi thân phận mình vào đó. Nhận xét như thế thật tội nghiệp cho Thi hào Nguyễn Du của chúng ta!

2-Vương Ông bị thằng bán tơ vu oan. Đây chỉ là cái nguyên nhân để tạo dựng câu chuyện của thời phong kiến, nhưng vẫn cho thấy hình ảnh của một người cha vô trách nhiệm, không có trái tim, mặc dù đã tiễn Kiều ra đi một khoảng đường dài khóc lóc ủ ê.

3-Mã Giám Sinh là tên nói dối, mua Kiều làm thiếp; thực ra, hắn chỉ là tay sai của Tú bà ở thanh lâu. Mã Giám Sinh xuất hiện cùng với người đưa mối với tư cách là khách phương xa. Đặt điều nói dối, tránh né cho biết tên tuổi đến quê quán. Đây là một kẻ ăn chơi, tư cách đáng nghi ngờ “Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”. Nguyễn Du đã giới thiệu Mã Giám Sinh “một đứa phong tình đã quen. Quá chơi lại gặp hồi đen. Quen mồi lại kiếm ăn miền nguyệt hoa”).

4-Thúc Sinh cũng không phải là người đàn ông tốt lành; là hạng người thích tìm hương hoa lạ để thỏa mãn lòng ham muốn của mình. Thúc Sinh là thế giới của đam mê, phong lưu, Rõ màu trong ngọc trắng ngà! Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên….Là một tên sợ vợ, nhút nhát, bất lực chỉ biết miệt mài trong truy hoan, trác táng. Sau đây tôi xin ghi lại lời phê bình của Hà Như Chi Trong “Việt Nam Thi Văn Giảng Luận”: “Thúc sinh có thương Kiều nhưng hành vi cử chỉ của chàng chỉ cho ta nhận thấy ở chàng một kẻ mê gái tầm thường; đến lúc không có cách gì gần người đẹp nữa thì chỉ còn biết “nuốt nước bọt” trông theo mà không làm gì hơn nữa”. Hay lời phê bình của Nhà thơ Vũ Hân trong cuốn “Đoạn Trường Tân Thanh Khái Luận” lại kết án chàng với những lời lẽ chua cay hơn : “Cho đến khi Hoạn thư hành hạ Kiều trước mặt, bắt chàng tự tay hành hạ Kiều nữa, mà chàng vẫn câm miệng, cũng như khi chàng khuyên Kiều nên đi trốn, thì thật rõ chàng là đứa hèn nhát vô tình. Chàng ham mê sắc đẹp chứ không bao giờ thực tình yêu Thúy Kiều”. Và Phạm Thế Ngũ trong “Việt Nam Văn Học Giảng Ước Tân Biên” tập II cũng đồng một quan điểm với hai người trên, ông đã cho Thúc Sinh là “một người trai tầm thường, vô tư cách”.

5-Hoạn Thư là con gái của quan Thượng Thư Bộ Lại, dưới Triều Minh, đứng đầu tất cả các quân hàm tương đương chức Tể Tướng. Hoạn Thư là nhân vật tiêu biểu cho sự tàn bạo độc ác. Ai cũng nhìn nhận Hoạn Thư là con người có tính ghen tuông cay nghiệt. Tuy nhiên nếu so sánh Kiều với Hoạn Thư thì Kiều thua xa từ địa vị, gia thế, học vấn, xử thế cho nên nhà phê bình Vũ Trinh cùng thời với Nguyễn Du đã phê bình là: lời Hoạn Thư nói “Cú cú hữu lý trực.” có nghĩa là câu nào cũng có lý cả nên Thuý Kiều cứng họng phải tha Hoạn Thư mà chỉ giết bọn Khuyển, Ưng (Hoạn Khuyển – Hoạn Ưng) lúc Kiều trả oán. (còn Trạc Tuyền là tên do Thúc Sinh đặt cho Thuý Kiều theo yêu cầu của Hoạn Thư).

6- Từ Hải: Nguyễn Du đã thay đổi Từ Hải thành một trang hảo hán, tâm tình khoáng đạt, độ lượng lớn lao, coi phú quý tựa lông hồng, nhìn người đời tựa cỏ rác, vả lại anh hùng rất mực, lược thao tinh thông (TTTN). So với Thanh Tâm Tài Nhân và Dư Hoài có một vài điểm khác biệt: Dư Hoài tạo cái chết của Từ Hải thảm hại “hoảng hốt đâm đầu xuống sông, quan quân vớt lên chém lấy đầu” của Từ Hải. Còn Thanh Tâm Tài Nhân trong “Kim Vân Kiều” truyện thì hình ảnh chết đứng của Từ Hải đó là một sự sáng tạo độc đáo. Còn Nguyễn Du thì lấy những trận chiến với quan quân triều đình, để tôn vinh sức mạnh, lòng dũng cảm đó là bậc anh hùng cho nên ông đã dùng nhiều chữ anh hùng trong đoạn tả Từ Hải. Tuy nhiên, cốt lõi Từ Hải vẫn là tên cướp gặp thời nhưng dại gái bị Thúy Kiều dụ hàng để cuối cùng phải ngậm ngùi than rằng… “Một tay gây dựng cơ đồ. Bấy lâu bể Sở sông Ngô tung hoành. Bó thân về với triều đình. Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”

7-Vãi Giác Duyên. (ni cô Quan Âm Các) Không ai biết vãi hình dáng ra sao, không có câu nào nói về vãi, cho nên không có gì đặc biệt. Vãi Giác Duyên chỉ nói lên sự tình cờ trên đường vô định Kiều gặp vãi Giác-Duyên là sư trưởng của một ngôi chùa Chiêu-Ẩn-Am; trong câu chuyện đã gặp Thúy-Kiều ba lần. Là nơi thờ phượng Phật nhưng sau chùa vẫn còn người mẹ nuôi thuộc loại ma đầu.

8-Bạc Bà là mẹ nuôi của Giác Duyên và được giới thiệu thẳng là một tay côn đồ trong hạng đàn bà, thấy nhan sắc Thúy Kiều và nghe được là người lánh nạn cho nên trong lòng nghĩ ra những điều bất lương tìm cách bán lại cho Bạc Hạnh. Sau đó BH bán Kiều vô hàng thanh lâu ở Châu Thai. Cả hai đều là thứ côn đồ bất lương.

9-Hồ Tôn Hiến: Nguyễn Du giới thiệu về HTH: “Có quan tổng đốc trọng thần/ Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài/ Đẩy xe vâng chỉ đặc sai/ Tiện nghi bát tiễu việc ngoài đổng nhung”. Là nhân vật của Truyện Kiều nhưng lại là một trọng thần có thật ở đời Minh của Trung Quốc. Chính Hồ Tôn Hiến là người đầu tiên cho quan thuộc cấp ghi chép lại việc đánh dẹp Từ Hải. Hồ Tôn Hiến từng đỗ tiến sĩ đời Minh Thế Tông, là nhà quân sự có tài đã bình định được nhiều cuộc nổi loạn, đặc biệt đã đánh dẹp được Oa khấu (quân cướp biển người Nhật) thường quấy nhiễu vùng biển đông-nam Trung Quốc, được thăng Thái tử thái bảo, giữ chức Đô Sát Viện Tả Đô Ngự Sử kiêm Thượng thư bộ Binh. Hồ Tôn Hiến còn là nhà viết văn, sử đời Minh; về sau vì liên kết bè cánh với Nghiêm Tung (1) là người tạo biến cố Canh Tuất (1550), Tôn Hiến bị bắt giam rồi tự tử, chết trong ngục. (theo Nguyễn Cẩm Xuyên).v.v. Nhưng hắn vẫn là tên lừa đảo, mưu lược nhưng cũng mê gái không ít “mặt sắt cũng ngây vì tình” .

Tóm lại, chúng tôi không thể viết nhiều về chi tiết từng nhân vật, chỉ nêu lên một cách ngắn gọn để kết luận về các nhân vật trong truyện Kiều không ảnh hưởng tốt cho xã hội VN như: Vương Ông, người cha vô trách nhiệm không có lòng yêu thương hay hy sinh cho con cái, Mã Giám Sinh ma cô tay sai cho tú bà. Thúc Sinh người thích tìm hương hoa lạ để thỏa mãn lòng ham muốn của mình, là một tên sợ vợ, nhút nhát, bất lực chỉ biết miệt mài trong những cuộc truy hoan. Hoạn Thư con người có tính ghen tuông cay nghiệt. Từ Hải anh hùng một cõi, nhưng thiếu suy nghĩ chết oan dưới lời đường mật của Thúy Kiều dụ hàng. Vãi Giác Duyên không biết có phải là người tu hành hay không nên không thấy lòng từ bi thương xót gì cả. Bạc Bà, Bạc Hạnh là mụ đàn bà côn đồ, còn tên Sở Khanh thì hết chỗ chê, đúng như tên đặt .v.v. Như vậy các nhân vật nói trên đã ảnh hưởng gì, hay có bài học nào cho xã hội VN trước đây và bây giờ? Chẳng lẽ lại học lấy những bản tính thấp hèn và lối sống dơ bẩn, côn đồ của những tên ấy?

E-Truyện Kiều ảnh hưởng đến tôn giáo như thế nào?

Nhiều nhà phê bình cho rằng truyện Kiều mang màu sắc Tam giáo đồng nguyên là nét đặc trưng điển hình trong tư tưởng Nguyễn Du. Trong kinh điển Nho gia, có năm quan hệ lớn bao quát gọi là “ngũ luân” được khái quát là: vua/tôi, cha/con, chồng/vợ, huynh/đệ, bằng hữu. Hay trong “ngũ thường”: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Tất cả đều là sản phẩm của ý thức hệ phong kiến. Nguyễn Du sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học. Dĩ nhiên, Nguyễn Du không thể không ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo không nhiều thì ít. Như vậy có bao nhiêu câu, đoạn trong Kiều được nhiều người cho là thấm đượm nội dung Nho giáo?

Cuộc đời Thúy Kiều được lồng vào bằng thuyết thiên mệnh, được Nguyễn Du thể hiện dưới dạng “tài mệnh tương đố”, “hồng nhan bạc mệnh”. Mọi khổ đau tủi nhục của Kiều đều do trời định. “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao” hay “Nghĩ đời mà chán cho đời. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!”.

Trong triết học, Nho giáo thường nói đến mệnh trời, ông trời, đạo trời. Thật ra con người ngày xưa không biết tin vào đâu cho nên bất kỳ xảy ra điều gì kém may mắn hay bất hạnh đều gán cho ông “Trời”. Ngay cả vấp té cũng kêu ông trời, mất mát thứ gì đó cũng kêu than ông trời, ăn không được cũng kêu trời, vui quá cũng kêu trời… kiểu như Tây phương kêu “Oh my God”.v.v. Ông trời thành người che chở trong cuộc sống con người, xử dụng lâu ngày thành thói quen trong quần chúng. Cũng như trong thơ văn đã không biết bao nhiêu tác phẩm đã dùng quyền lực ông trời làm người để trừng phạt, đổ lỗi và van xin. Ông trời của Nguyễn Du cũng vậy, khi gặp số phận hẩm hiu cứ lấy trời ra mà đổ tội, không cần phải uyên thâm Nho học mới biết ông trời, mới là biết đạo trời. Như vậy ông trời của Nguyễn Du ở đâu?

“Nghĩ đời mà chán cho đời. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!”. -“Lạ gì bỉ, sắc, tư, phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. -“Sư rằng: phúc họa đạo trời, Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có trời mà cũng có ta, Tu là cội phúc, tình là dây oan”. Hay Ngẫm hay muôn sự tại trời. Trời kia đã bắt làm người có thân. Bắt phong trần phải phong trần, Cho thanh cao, mới được phần thanh cao… Biết thân tránh chẳng khỏi trời… Oan này còn một kêu trời nhưng xa… Đã mang lấy nghiệp vào thân. Cũng đừng trách lẫn trời gần, trời xa. Trăm năm trong cõi người ta. Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. Chẳng lẽ chỉ chừng ấy câu trong Kiều đủ để ta kết luận Nguyễn Du đã áp dụng triết lý Nho giáo vào Kiều? Chúng tôi nghĩ, không chỉ Nguyễn Du mà hầu hết trong văn chương thơ phú VN có đầy dẫy những điều nói về Trời, về Phật, về Chúa mà nhiều tác giả dù chưa bao giờ đọc “Tứ thư ngũ kinh, Kinh Kim Cang, Thiền học hay Kinh Thánh gì cả mà vẫn dùng nhiều từ ngữ về Phật về Chúa về Nho một cách tuyệt vời.

Chúng tôi nhớ lại ngày xưa khi còn đi học, ông thầy lấy một đoạn trong bài thơ của ông, làm luận văn để học trò bình giải. Sau khi chấm bài, ông thấy cả lớp mỗi người đều có một nhận xét lý luận khác nhau rất hay mà chính ông không bao giờ nghĩ tới những điều đó, những ý tưởng từ tôn giáo lẫn triết lý sống luận giải khá hay mà khi làm bài thơ đó ông chưa bao giờ thoáng nghĩ qua dù chỉ một lần. Cũng như Nguyễn Du, khi ông dịch lại Đoan Trường Tân Thanh chưa chắc ông đã nghĩ những điều mà sau này nhiều người đã suy luận, bình phẩm gán ghép cho tác phẩm của ông đủ loại hoa lá cành để trở thành kiệt tác. Chúng tôi nghĩ nếu ông còn sống đến hôm nay ông sẽ ngạc nhiên rất nhiều và ông sẽ mỉm cười nói rằng tác phẩm này ông đâu phải là người sáng tạo ra câu chuyện Kim Vân Kiều mà chỉ thấy sự đau khổ của người con gái, nhân lúc đi sứ, nhàn rỗi dịch ra cho đời mua vui một vài trống canh.

1-Chữ hiếu hay đạo nghĩa làm người khi chúng ta vừa cắp sách đến trường ai cũng đều thấy trên tường treo câu tục ngữ “Tiên học lễ hậu học văn”. Khi về nhà bố mẹ thường dạy “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” hay Lên non mới biết non cao, Nuôi con mới biết công lao mẫu từ. Nhạc sĩ Y Vân đã viết bài ca rất cảm động về Lòng Mẹ: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào, Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào… Hay Cây khô chưa dễ mọc chồi, Mẹ già chưa dễ ở đời với ta .v.v. Còn rất nhiều ca dao tục ngữ VN đã có từ ngàn đời trước dùng để giáo dục con cái hay xã hội, chứ thiết gì phải uyên thâm Nho giáo, hay Phật giáo mới biết được hiếu thảo với cha mẹ. Nếu nói về triết lý Nho giáo, chẳng lẽ chỉ một hai câu sơ sài như thế đủ đế kết luận là người Nho học uyên thâm dùng sở học để áp dụng cho tác phẩm của mình. Nếu dùng truyện Kiều là tác phẩm giáo dục đạo lý làm người, để dạy trung hiếu với cha mẹ thì thật là còn nhiều thiếu sót. Việt Nam còn rất nhiều thơ, văn, nhiều tác phẩm rất giá trị cho đất nước, xã hội và con người chứ không phải chỉ có truyện Kiều.

Khi con người sinh ra đã có khái niệm về chữ Hiếu do sự dạy dỗ của cha mẹ trong luật tự nhiên. Hiếu đạo trong Nho giáo chính là nền tảng siêu hình đã nằm ẩn trong đạo thờ kính tổ tiên. “Đạo Hiếu diễn tả một lối sống, một cách xử thế, mục đích của cuộc sống và một nguyên lý sống. Nói một cách cụ thể hơn, đạo Hiếu là một kiểu diễn tả sự quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa con người với tổ tông của họ. Đạo Hiếu cũng phản ánh cái thế sinh và lối nhìn của người Việt về thế sinh đó. Và sau cùng, đạo Hiếu nói lên chính cái nguyên lý sống, tức cái mục đích tối hậu của cuộc sống: đó là chính sự sống qua nguyên lý truyền sinh.” (Trần Văn Đoàn). Cho nên chữ Hiếu trong Kiều không có gì cao thâm hay gương mẫu cho cả xã hội VN thời đó.

2-Còn về Phật giáo trong truyện Kiều, rất nhiều người bình luận, gán ghép và cho rằng tác phẩm truyện Kiều chịu ảnh hưởng Phật giáo. Nguyễn Du mang hình thức ngôn từ Nho giáo nhưng thấm đượm nội dung Phật giáo và dân gian, nhưng đọc đi đọc lại cũng chỉ loanh quanh “Bắt phong trần phải phong trần. Cho thanh cao mới được phần thanh cao” …“Có tài mà cậy chi tài….Chữ tài liền với chữ tai một vần”….“Nghĩ đời mà chán cho đời. Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!”. Đạo Phật thực chất là một học thuyết về nỗi khổ và sự giải thoát. Trong truyện Kiều chỉ có nỗi khổ chứ không có giải thoát, chỉ có chấp nhận chứ không sửa đổi ăn năn, chỉ có trả thù chứ không tha thứ, chỉ có ích kỷ tham lam chứ không buông tha. Phần lớn là sự vay trả của nhân quả, số phận và duyên nghiệp: “Kiếp xưa đã vụng đường tu. Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi”. “Đã mang lấy nghiệp vào thân. Thì đừng trách lẫn trời gần trời xa” Hay “Kiếp này trả nợ chưa xong. Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau”. Hay “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.

Nhiều người cho rằng Nguyễn Du đã trộn lẫn Nho giáo lẫn triết lý Phật học trong tác phẩm Kiều, nhưng nếu ông muốn áp đặt triết lý Phật giáo thì tại sao lại có chuyện thần thoại ma quỷ trước ngôi mộ Đạm Tiên. Theo lời Vương Quan dẫn giải về cô gái ca nhi tên là Đạm Tiên, xinh đẹp, tài hoa nhưng yểu mệnh; cô là người nổi danh một thời, nhưng bây giờ thì lạnh lẽo mồ hoang không người thăm viếng. Thúy Kiều nghe xong đem lòng trắc ẩn, khóc than, thắp nhang cúng vái rồi đề thơ tặng người nơi gốc cây. Trong lòng Kiều cứ nghĩ mình là người đồng điệu với Đạm Tiên cho nên có sự hiển linh ngay tức khắc báo cho Kiều biết về cuộc đời trầm luân của Kiều sau này. Nếu Nguyễn Du là người uyên thâm triết lý Phật giáo thì tại sao lại tin dị đoan, tin linh hồn Đạm Tiên còn tồn tại quanh quẩn đâu đó. Chúng tôi nghĩ đây là sự mê tín có sẵn trong “Đoạn Trường Tân Thanh” của thời phong kiến Trung Hoa mà Nguyễn Du chỉ sang dịch lại chứ không phải ông đã sáng tạo ra cho câu chuyện: Mà đây hương khói vắng tanh thế mà? Vương Quan mới dẫn gần xa. Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi. Nổi danh tài sắc một thì, Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh... Kiếp hồng nhan có mong manh, Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương….. Khóc than khôn xiết sự tình, Khéo vô duyên ấy là mình với ta….. Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa. Đau đớn thay phận đàn bà! Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung…. Dễ hay tình lại gặp tình, Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ. Một lời nói chửa kịp thưa,..Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay……

Theo chúng tôi nghĩ không biết TTTN hay Nguyễn Du đã cố tình lồng tài mệnh của Nho giáo vào thân nghiệp của đạo Phật và khai triển chữ Tâm có thể cãi được mệnh trời, cãi được thân nghiệp. Đối với truyện Kiều thì chữ “Thân” quan trọng hơn chữ Tài vì Thân chính là thân mệnh, mà thân mệnh thì tùy vào nhân và duyên, và tài tùy vào nghiệp. Mà chính thân với nghiệp đó là định luật nhân quả. Tuy nhiên, con người có thể thoát nghiệp trong sự chọn lựa tự do và tâm là điểm tựa cần thiết. Hoạn nạn trong cuộc sống con người phải biết hồi tâm, tu tỉnh để hối cải. Cho nên có hoạn nạn, có khổ đau, tâm thức mới khai sáng. Bởi thế, truyện Kiều được Nguyễn Du kết thúc bằng chữ tâm “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Mặc dù, ai cũng cho rằng cụ Nguyễn Du đã dùng triết lý Phật giáo trong truyện Kiều nhưng trong suốt 3254 câu, cụ Nguyễn Du chưa đưa ra tư tưởng Phật giáo về thân nghiệp, giải thoát và ngộ. Hai tư tưởng nòng cốt của Phật giáo: “Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa”, bởi vì “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”. Hay “Ngẫm hay muôn sự tại trời…” “chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai” Cụ đã giải quyết cuộc đời Kiều bằng chữ Tâm và chữ Tài không thể nào hóa giải được mệnh; hãy tự mình sám hối.

Tuy nhiên với chữ Tâm có thể là thiên đàng, cũng có thể là địa ngục. Chúng tôi không phải là chuyên gia về triết lý Phật giáo hay Nho giáo, cho nên chỉ dùng những ý nghĩ bình dân đời thường để suy nghĩ; có thể làm nhiều người không hài lòng. Chúng tôi đọc nhiều lần Kiều nhưng không tìm thấy sự sám hối của Kiều, sự diệt dục và làm công đức gì cho cuộc đời, ân oán còn đầy mà Kiều đã giải nghiệp đoạn trường thì thật là khó hiểu. Với niềm tin bình dị, chúng tôi nghĩ rằng đối với đạo Nho cho rằng “sinh ký tử quy”, chết xuống âm phủ sống với tổ tiên, còn Lão giáo thì người hiền đức chết sẽ lên tiên cảnh, Bồng lai; đạo Phật khi con người chết sẽ đầu thai luân hồi, nếu được thành Phật thì vào Niết Bàn.v.v. Cao xa quá, cho nên với chúng tôi chỉ biết chủ trưởng ăn ở hiền lành, làm việc phúc đức thì sẽ có cuộc sống tốt hơn. Chúng tôi vẫn không hiểu thi hào Nguyễn Du đã đưa triết lý Phật giáo vào truyện Kiều như thế nào, ở chỗ nào?

Chúng tôi không hiểu nhiều về triết lý đạo Phật nhưng qua nhiều bài bình luận của nhiều học giả mỗi người có một cách hiểu khác nhau về đạo Phật. Kiều ảnh hưởng triết lý Phật giáo, đôi lúc nghĩ cũng nực cười: cứ mỗi lần tìm thấy chữ Ðoạn trường, Trạc tuyền, Am mây, Phiến mây, Nhồi tâm hương, Giọt nước cành hương, Quan phòng .v.v. thì cứ lấy triết lý Phật giáo ra mà bình cho đến hàng chục trang mà không giải thích ảnh hưởng đến các nhân vật và họ đã làm gì để giải thoát, để ngộ, để sám hối mà chỉ mỗi Kiều đoàn tụ khi trả hết nghiệp, đúng là Kiều còn tài giỏi hơn Phật Thích Ca nữa; chỉ 15 năm đã tự mình giải thoát cảnh khổ đau để về đoàn tụ với gia đình! “Thực ra tư tưởng nhờ thiện tâm mà giảm nhẹ bớt được nghiệp chướng để hưởng thụ ngay ở kiếp này thì không đúng hẳn với quan niệm nhân quả thuần túy của nhà Phật, nhưng thiện tâm của Kiều là gì? Thật tình tôi chẳng hiểu Kiều đã bị nhân quả gì nữa. Nhân quả theo chúng tôi hiểu một cách khoa học là gieo hạt nào thì sẽ mọc lên cây ấy chứ không thể khác hơn được. Chẳng lẽ gieo hạt đậu mọc lên cây dừa, như vậy Thúy Kiều đã gieo hạt giống loại nào mà mới 14-15 tuổi phải trầm luân trong thanh lâu suốt 15 năm? Vậy ta nên nói rõ rằng tư tưởng Phật giáo của Nguyễn Du ở đây là theo tín ngưỡng thông thường của dân gian. Theo như triết lý nhân quả của đạo Phật cho rằng muốn biết cái nhân đã gây ở đời trước, hãy xem kết quả đang thọ nhận ở đời này, muốn biết cái quả trong đời sau, hãy nhìn hiện tại đã làm gì. Bây giờ chúng ta xét Kiều xem có trả hết nghiệp đời trước chưa, hiện tại đã tạo nhân gì và kiếp sau sẽ ra sao? Mà Kiều đoàn tụ với gia đình xem như đã trả hết nghiệp kiếp trước.

Chữ tâm có nghĩa là tu tâm chỉ tránh được phần nào tai họa hay sự khổ đau, tránh không gieo mầm dữ chứ không phải đã ngộ, đã toàn mỹ. “Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”…“chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai”… Hay thậm chí Nguyễn Du còn cho rằng “Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. Hay “Nghĩ đời mà ngán cho đời, Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Nếu mà nói Kiều ảnh hưởng sâu xa với triết lý Phật giáo thì thật khó nghĩ. Trời không bao giờ ghen tuông với con người, với tài sắc, hạnh phúc của ai cả. Không biết khi Nguyễn Du dịch ra truyện Kiều, ông có nghĩ đến tạo tác của ba nghiệp là thân, miệng và ý con người đều tạo thành những Nghiệp nhân và Nghiệp nhân đó sẽ thành Nghiệp quả báo ứng ở quá khứ, hiện tại, vị lai. Thử hỏi trong suốt 15 năm lưu lạc, Kiều có vướng thêm vào những nghiệp do bản thân tạo nên không? Theo như cụ Trần Trọng Kim viết, “cứ như ý tôi thì Truyện Kiều bày tỏ một cách rất rõ ràng cái lý thuyết nhân quả của nhà Phật.”. Nói thì ai cũng nói được, nhưng ít ai phân tích nhân quả của Thúy Kiều hay của từng nhân vật một trong truyện để mọi người biết được sự uyên thâm Phật giáo của các nhà phê bình.

Khi hỏi đến thuyết nhân quả thì nhiều nhà phê bình lại cho rằng triết lý Nhân Quả trong truyện Kiều của Nguyễn Du là triết lý Nhân Quả phổ thông, mang tính đại chúng, nhiều hơn là triết lý thâm sâu của đạo Phật. Như vậy là sao, có hai loại nhân quả ư? Theo như nhân quả của nhà Phật thì do một túc duyên tiền định, hay nói đúng theo danh từ Phật học là ‘luật nhân quả’ tức là gây nhân gì thì phải chịu quả ấy. Có nghĩa là trước đây Thúy Kiều là một tay tú bà khét tiếng, đã từng giựt chồng người, hành hạ người khác không nương tay cho nên kiếp này phải trả. Hơn nữa Kiều vì hiếu bán mình cũng để trả nghiệp đời trước với cha nàng mà thôi. Phải thế không? “Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta, Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài. Lời quê chắp nhặt dông dài, Mua vui cũng được một vài trống canh”. Bốn câu kết của cả câu chuyện ông kết luận bằng chữ Tâm, như vậy tâm thành sẽ cãi được mệnh chăng? Chúng tôi đồng ý với quan niệm Phật giáo là Tâm do ‘Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức’. Vì thế nên theo đạo Phật thì Tâm là chủ tể của muôn sự muôn vật. Tâm là động cơ chính thúc đẩy ta đến hành động, mà hành động ấy thiện hay ác, tốt hay xấu, một phần lớn cũng phải căn cứ vào Tâm. Như vậy Kiều có loại Tâm gì ác hay thiện trong suốt 15 năm lưu lạc?

‘Xưa nay trong đục đàn bà. Chữ ‘trinh’ kia cũng có ba bảy đường. Có khi biến có khi thường. Có quyền nào phải một đường chấp kinh. Như nàng lấy ‘hiếu’ làm trinh. Bụi nào cho đục được đường ấy vay ?’ hay ‘Sư rằng : phúc họa đạo Trời. Cội nguồn cũng ở lòng người mà ra. Có Trời mà lại có ta. Tu là cõi phúc tình là dây oan’. Tâm tạo thiên đường địa ngục, tâm tạo Niết Bàn sanh tử, tâm tạo Phật chúng sanh, hạnh phúc hay đau khổ. Nhưng sự đau khổ của cuộc đời Kiều đều do Kiều quyết định và một phần khác do xã hội bên ngoài tạo nên. Như vậy sức mạnh Tâm của Kiều là gì? Chẳng lẽ chữ Tâm khiến nàng thương khóc Đạm Tiên, nể lời Kim Trọng, chữ Tâm khiến nàng bán mình chuộc cha, cậy em thay lời, chữ Tâm khiến nàng chịu nhẫn nhục, Kiếp này nợ trả chưa xong.v.v. Có đủ để chuyển hóa cuộc đời không? Làm chi thêm một nợ chồng kiếp sau? Chúng tôi không thể lấy từng chữ từng câu để giải đáp hết được. Chúng tôi cũng không bắt chước những nhà phê bình cứ tiếp tục vuốt đuôi nhau phê bình khen hay, khen tuyệt tác, khen là uyên thâm Phật học.

Mặc dù cụ Nguyễn Du đọc nhiều sách vở Phật giáo như đọc kinh Kim Cương cả hơn ngàn lần “Ngã độc Kim Cương thiên biến linh”, nhưng chưa bao giờ ông là một Phật tử thuần thành. Nếu chúng ta chỉ căn cứ qua những bài thơ chữ Hán của ông thì đúng là ông có thấm nhuần tư tưởng Phật giáo. Nhưng chưa chắc ông đã áp dụng cho thi phẩm truyện Kiều. Trong truyện Kiều của ông có quan niệm Phật giáo như: nghiệp, kiếp, luân hồi v.v…Nhưng không thấy những lời cầu khấn Đức Phật, hoặc những lời biểu lộ cái tâm Phật của cụ như trong bài văn tế. “Thập loại chúng sinh” của cụ. hay bài “Lương Chiêu Minh thái-tử phân kinh thạch-đài”. Truyện Kiều chỉ nói nhiều nhất là sự khổ đau của Kiều giống như tiếng than dài đến hết truyện, cho nên tìm hiểu ảnh hưởng tư tưởng đạo Phật trong Kiều có thể nói là mơ hồ không đơn giản. Ngay cả nhiều nhà phê bình nói về chữ Khổ trong truyện Kiều sao thấy xa vời vợi giống như cả ngàn bộ kinh. Nào “Ái biệt ly khổ” “Khổ Đế” của giáo lý “Tứ đế” là một trong bốn Thánh Đế Khổ, Tập, Diệt, Đạo được Đức Thế Tôn tuyên thuyết, nào là thuyết vô thường, nào là Nhân quả Nghiệp báo, nào là hiếu, tình, trinh, tâm.v.v. Chỉ một đôi ba chữ trong vài đoạn thơ mà các nhà bình luận tạo Kiều như là một kho kinh điển Phật giáo vô biên mà nhà bình luận nào cũng muốn mình là một nhà uyên thâm Phật pháp mới hiểu nổi truyện Kiều. Thật đáng buồn!

F, So sánh truyện Kiều với xã hội của chế độ Cộng Sản hiện nay.

Trước đây đảng Cộng sản xây học viện Khổng Tử và hôm nay lại khuyến khích xây tượng Nguyễn Du và làm lễ tưởng niệm ông một cách trân trọng mà điều đó ít thấy trong nhiều năm qua. Mục đích của họ chỉ là mưu đồ chính trị chứ không phải vì dân vì nước hay đề cao nền văn học nước nhà. Khổng Tử là Tàu, Truyện Kiều cũng là chuyện Tàu, họ muốn mang lại ảnh hưởng và sự đô hộ của người Tàu để người dân hôm nay quen dần rồi chấp nhận tội bán nước của họ là hợp lý và người bạn láng giềng vĩ đại là nguồn gốc tổ tiên của mình.

-Toàn thể truyện Kiều chỉ có chữ “Hiếu” của Thúy Kiều được Nguyễn Du đề cao và được nhiều người chấp nhận, còn 90 phần trăm còn lại của sự việc chỉ là những thứ xảo quyệt, hạ cấp, đĩ điếm, lừa đảo, vô trách nhiệm của xã hội phong kiến Trung Quốc mà thôi. Đối với chúng tôi thì chữ “Hiếu” của Nguyễn Du là loại “Hiếu của Tàu” chứ không phải Hiếu của dân tộc VN. Quí vị còn nhớ không, vào thời kỳ trước và sau các cuộc thế chiến, người Tàu vẫn còn công khai đem con mình ra chợ bán với bảng giá treo trước ngực. Hay hiện nay trên đường phố họ vứt xác các em bé gái trên đường mà không một ai thương tiếc, hay hằng chục người đánh một người đến chết mà mọi người đứng nhìn một cách vô cảm. Cho nên việc Thúy Kiều bán mình chuộc cha cũng không có gì đáng ca ngợi, làm gương. Chúng ta hãy nhìn xã hội Cộng sản bây giờ cha mẹ đem con đi bán, không có mảnh áo che thân, đứng sắp hàng cho người nước ngoài sờ mó khám xét trước khi mua. Trong thời phong kiến của Tàu, nạn bán con chỉ là tự phát và không ồ ạt, không có tính cách phong trào hay hiện tượng ở địa phương. Nhưng ở VN hôm nay, nạn bán con trên khắp mọi miền đất nước xảy ra ở tầm vóc quốc gia, có hệ thống, có quảng bá, có bàn tay kinh doanh của cán bộ nhà nước và có chính sách dù không chính thức của nhà cầm quyền; một hiện tượng không xuất hiện trên bất cứ quốc gia nào khác. Đây có phải là chữ Hiếu của truyện Kiều phát triển đến cấp số nhân cho thế hệ hôm nay? Đồng thời xã hội CSVN cũng sinh sản nhiều nàng “Kiều chân dài” phẫu thuật toàn vẹn, bôi son trát phấn để tự bán mình vào lầu xanh, lấy tiền mà đút lót cho lũ tham quan vô lại CS. Kiều thời phong kiến thua xa “Kiều chân dài” hôm nay, khôn ngoan đáo để, trăm kế ngàn mưu, kể lể chữ Hiếu làm ai cũng rơi nước mắt mà chi tiền. Kiều ngày hôm nay được công an, cảnh sát cộng sản bao che hành nghề tự do từ những ngã 3, ngã 4 đường phố. Thậm chí hành nghề ngay tại công viên, gốc cây, bờ sông, bờ suối, sườn đồi như chỗ không người!

Tuy nhiên hiện tượng đó không phải lỗi ở những người phụ nữ mà do xã hội CS, do tà quyền thối nát CS tạo ra: đất nước không công ăn việc làm, toàn dân thất nghiệp, không thể kiếm tiền đủ để sống cho chính bản thân mình, nói chi đến gia đình, cha mẹ. Chúng ta suy nghĩ xem “hiếu” của VC và hiếu của Kiều như thế nào? “Hiếu CSVN” được chủ tịch nước ca tụng và quảng bá rộng rãi khắp năm châu: Chúng tôi còn nhớ khoảng tháng 9/2009, chủ tịch Nguyễn Minh Triết của CSVN đã đến viếng thăm Hoa Kỳ nhân dịp đến đọc bài diễn văn tại Đại hội đồng LHQ kêu gọi đầu tư ở VN, trong đó có đoạn “…nước chúng tôi có nhiều gái đẹp, nhân công rẻ…v.v. mời quý vị đến đầu tư…” (xin tìm trong youtube để nghe lại). Theo chúng tôi nghĩ, có lẽ chủ tịch nước VC đã am tường tuyệt tác truyện Kiều, nhất là chữ Hiếu cho nên không tiếc lời giới thiệu gái đẹp chân dài ở VN để họ có cơ hội trả hiếu cho cha mẹ và cho đảng CSVN.

-Lời khuyến khích của chủ tịch CSVN đã được các tú bà học tập tốt, phát triển nhanh dưới sự hỗ trợ của cán bộ đảng. Đây là cách phát triển nhanh để đất nước mau phồn thịnh? Cho nên hiện nay có quá nhiều tụ điểm hoạt động công khai, thành lập nhiều động mãi dâm, có hàng ngàn quán hát Karaoke trá hình, nhiều quán cà phê dùng để bán cần sa ma túy, nhiều khách sạn buôn bán trẻ em, phụ nữ.v.v.

-Còn “Mã Giám Sinh VC” thì không làm sao đếm hết, hoạt động ngày đêm 24/24. Đây không chỉ có những bọn côn đồ mà còn có nhân viên của cơ quan chính phủ đứng ra tổ chức và điều hành nữa. Lối làm ăn này còn siêu hơn tú bà, MGS ngày xưa. Hoạn Thư hay Tú bà thời phong kiến chỉ hành hạ Kiều, làm nhục Kiều, sai khiến Kiều, bắt ngủ với khách.v.v. Cho dù là thế, nhưng Kiều vẫn giữ được tính mạng, còn hy vọng trốn thoát. Nhưng “tú bà”, “Mã Giám Sinh” thời nay dưới chế độ CS ác hơn nhiều. Chúng phỉnh gạt thanh niên, thiếu nữ nghèo đói, nhẹ dạ để bán ra ngoại quốc trồng cần sa, sau đó giết họ chết rồi thủ tiêu mất xác (vụ trong khu rừng bên Pháp). Chúng không dừng lại cách làm ăn đó mà còn thiết lập đường dây bí mật bán thiếu nữ qua Trung Quốc để giết mổ lấy nội tạng.v.v. Và còn làm nhiều tội ác nữa kể không hết. Rất tiếc truyện Kiều không có nhiều câu dạy đạo đức, tam cang ngũ thường như Nho giáo hay tu tâm dưỡng tánh, làm lành, buông bỏ như Phật pháp để người ta sửa đổi, làm theo như các nhà phê bình khen tặng đủ điều khi nói về Kiều. Xin các thức giả chỉ rõ chỗ nào, câu nào, luận cứ nào trong truyện Kiều hướng dẫn con người và xã hội làm tốt hơn, thay vì vuốt đuôi nói phét, khoe tài học của mình?

-Tham nhũng ngày xưa với chế độ phong kiến chỉ có vài thằng bán tơ làm tay sai bọn quan lại, nhưng ngày hôm nay VNCS có tới hàng ngàn, hàng vạn thằng “bán tơ” còn gian ác, thâm độc, xảo quyệt, mưu mô hơn thằng bán tơ thời phong kiến gấp bội. Tham nhũng thời nào cũng có, như trước đây thời VNCH thì tham nhũng ở cấp số nhỏ bởi sự lén lút của cá nhân mà thôi. Ngày hôm nay dưới chế độ CS thì tham nhũng theo hệ thống từ trên xuống dưới, từ hạ tầng đến thượng tầng cơ sở với số lượng lớn gấp trăm ngàn lần trước đây, thậm chí phải giao nộp đúng ngày, giờ không thì vào tù rục xương.

– Quan chức mỗi địa phương đúng là vua một cõi, muốn gì được nấy, muốn nhà, muốn đất của dân cứ tự tiện chiếm đoạt, muốn bỏ tù ai thì cứ vu oan giá hoạ là bắt ngay. Giống như vụ luật sư Cù Huy Hà Vũ; chỉ cần dùng hai bao “cao su” tang vật giả tạo là đủ lý do để vào tù. Hay bọn quan cao chức trọng ở bộ chính trị như chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư, chủ tịch quốc hội.v.v. thì bán chủ quyền quốc gia, bán Tổ Quốc để kiếm bạc tỉ, nuôi chế độ cha truyền con nối để tiếp tục thống trị lương dân.

-Còn học hành như Kim Trọng hay Vương Quan ngày nay không còn quan trọng nữa, Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh. Nền phú hậu bậc tài danh, Văn chương nết đất thông minh tính trời. Chuyện học hành thông minh hôm nay xưa như trái đất, học làm gì cho mất thì giờ, tốn công tốn của, hay có dùi mài kinh sử tới đâu khi ra trường cũng không tìm được việc làm; may ra có việc bồi bàn, làm bếp. Chỉ có tiền mua bằng gì chả được. Hãy nhìn đám lãnh đạo đất nước hiện nay từ trong rừng bước ra cắn không bể một chữ, thế mà có đủ thứ bằng cấp, cử nhân, tiến sĩ, thạc sĩ treo đầy nhà!

-Tôn giáo thì mỗi năm số thầy tu, Hòa Thượng, Thích này Thích nọ, Giáo sĩ, Mục sư, Linh mục đầy dẫy. Còn chùa chiền, nhà thờ, am miểu thì mọc lên như nấm, nhưng tất cả đều là của quốc doanh dưới sự chỉ thị của Đảng. Thời thế tạo nhiều loại sư, loại vãi như Bạc Bà, Bạc Hạnh. Phong trào tôn giáo quốc doanh ngày càng phát triển đã lây lan ra đến ngoại quốc núp bóng sau lưng từ bi, thần thánh để kiếm tiền. Tôi còn nhớ ngày xưa thời VNCH có Linh Mục Phan Khắc Từ là CS nằm vùng với biệt danh là “Linh Mục quét rác”, vẫn có nhà thờ, thuộc kinh đủ loại. Sau này Phan Khắc Từ làm dân biểu cho Quốc Hội CS. Đứa con được đảng bộ tổ chức mừng sinh nhật “hoành tráng”! Chế độ núp bóng từ bi mà đảng CS đã thực hiện trước năm 1975 và hiện nay còn hiệu quả, khá thành công. Chúng tôi không biết chùa chiền, triết lý Phật giáo trong Kiều mà các nhà phê bình thường nêu lên có giống như tôn giáo quốc doanh hiện nay không? Nhiều Bạc bà, Bạc Hạnh trong Kiều có dùng tôn giáo bao che những điều vô đạo đức, vô nhân bản như hiện nay không?

-Hàng tướng tá thì có đôi chút giống “Hồ Tôn Hiến VC”, mang lon sáng rực vai áo, nhưng lòng lại điêu ngoa, gian ác, hèn với giặc ác với dân, chỉ sợ mỗi “tàu lạ”, mọi việc để đảng lo. Chiến trận thì không cần phải đánh đông, dẹp tây, tốn người, tốn của, vì đảng CS đã tự hào chúng ta từng chiến thắng hai đại cường quốc Pháp Mỹ cho nên thế giới sợ chúng ta lắm, không ai dám xâm chiếm đất nước VN đâu!? Chúng ta là người anh hùng, chỉ muốn tặng biển, tặng đất cho bạn láng giềng mà thôi! Hãy nghe chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong bài diễn văn khi thăm Cu Ba thì biết “…Cu Ba ngủ thì VN thức, VN ngủ thì Cu Ba thức để canh chừng hòa bình thế giới….”. Ôi chao! một đất nước VN hùng mạnh vĩ đại với đỉnh cao trí tuệ hiện nay!

Tóm lại, chúng tôi không dám mạo phạm đến tiền nhân, đến đại thi hào Nguyễn Du hay dám quay mặt với văn hóa Việt, nhưng vì nhìn sự đau thương của đất nước, sự tôn vinh quá đáng, sự tự hào không chính xác, sự tâng bốc không cơ sở chỉ làm cho quê hương càng thêm nghèo đói, lạc hậu, tuổi trẻ lạc phương hướng, mất niềm tin và tương lai đất nước càng ngày càng thụt lùi. Cho nên chúng tôi chỉ muốn góp chút thiển ý. Thử hỏi, chúng ta tự hào về điều gì mà đến thế kỷ 21 rồi đất nước có nhiều tiến sĩ, kỹ sư từ trên xuống dưới mà không chế nổi một con vít để dùng, thua cả các nước láng giềng Lào, Cam Bốt, Thái Lan, Hàn quốc, Mã lai, Singapore, Miến Điện, Phi Luật Tân? Đã vậy mà không biết nhục còn dấy lên phong trào xây tượng Nguyễn Du, Khổng Tử, rồi khuyến khích Nho học, ca tụng truyện Kiều là tuyệt tác để làm gì? Hay để tôn vinh đảng CS, để làm băng hoại xã hội trẻ hôm nay hay sao?

 Hãy nghe Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phỏng vấn với báo chí về sự tham gia của tuổi trẻ vào chính quyền hôm nay như thế nào thì TBT trả lời một cách ngon ơ…. “Giờ tài năng trẻ nhiều lắm, chúng ta được đào tạo cơ bản nhiều lắm. Trong BCH Trung ương, tỉ lệ tốt nghiệp đại học, trên đại học gần 100%. Nhân tài không thiếu. lớp trẻ của chúng ta được tiếp xúc với nhiều thông tin hiện đại thì có nhiều kiến thức hơn lớp chúng tôi ngày xưa…..Còn bạn hỏi kế hoạch bao giờ xong thì khó trả lời. Vì có kế hoạch, cần sự chuẩn bị để làm bài bản từng bước. Bây giờ mà hứa 5 năm 3 năm thì tôi sợ như thế nó không khả thi, có gì đó ảo tưởng. Tôi xin trả lời như vậy ”. Đúng là một lũ tham quyền cố vị, ngu ngốc thì làm sao đất nước tiến lên được!

Chúng tôi không có ý đả kích truyện Kiều. Về phương diện văn chương thì ai cũng công nhận Truyện Kiều là hay, nhưng về đường luân lý, theo các cụ ngày xưa và hôm nay đều có nhận xét là truyện Kiều không mang lợi ích về luân lý và không thích ứng với xã hội văn minh hôm nay. Nếu nói Truyện Kiều đã phản ảnh xã hội thời đại phong kiến của tác giả, đó là chế độ mục nát, suy thoái, đàn áp. Như vậy thì chế độ CS hôm nay đâu có khác gì: đạo đức băng hoại, giáo dục suy đồi đã đẩy người dân đến bước đường cùng.

Các nhân vật trong truyện Kiều đều là những người bất hạnh, nhưng sự bất hạnh đó chỉ là một phần nhỏ so với chế độ CS hiện nay vốn nhiều hơn gấp ngàn lần. Rất tiếc Nguyễn Du chỉ xây nên hình tượng đau thương trong một xã hội không lương thiện, không tạo nên sự kiện sám hối, ngộ, buông xả, ăn năn, thiện tâm như Phật giáo. Ngay cả lời cầu nguyện cũng không có, chỉ có than thân trách phận một cách vu vơ rồi nhân cách hóa thành cuộc đời là vô thường. Nếu nói là định mệnh thì đây là loại định mệnh gì mà chỉ trách trời gần trời xa và tài là tài lấy từ đâu mà lại “chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”? Chúng tôi mong rằng quý vị học thức uyên thâm hãy nhìn sự việc chính xác hơn để con cháu chúng ta không cảm thấy thùng rỗng kêu to, áo thụng vái nhau. Chúng ta hãy nhìn các “đỉnh cao trí tuệ” hôm nay: họ đã ra sức nhồi nhét vào đầu của tuổi trẻ là nhờ Bác, Đảng con người mới có cơm ăn, áo mặc, nhờ đảng làm mưa, làm gió “biến sỏi đá thành cơm”. Họ phủ nhận công ơn nuôi dưỡng của các bậc sinh thành. Họ chà đạp lên nhau để sống. Đó có phải là niềm hãnh diện 4.000 năm văn hiến của chúng ta?

Trong truyện Kiều, chúng tôi không tìm thấy có nhân vật nào học cách tu để giải thoát duyên nghiệp hay làm điều thiện để giảm bớt tội lỗi, tu tâm, dưỡng tính để hoàn thiện. Như vậy truyện Kiều ảnh hưởng Phật giáo để dạy đời, răn đời, để tu thân ở chỗ nào? Kiều là kiệt tác cho nền văn học VN? Kiều ảnh hưởng đến mức độ nào mà ông Việt-Phương nói rằng: “trăng Trung quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”? Khủng khiếp thật! Văn hóa là nét đẹp của một dân tộc, một phong cách thể hiện tri thức, đạo đức của một con người sống trên trái đất này. Như vậy truyện Kiều đã đem lại ảnh hưởng và ích lợi gì cho xã hội con người trước đây và đương thời? Đó là dấu chấm hỏi mà chúng tôi đã lấy làm tựa đề cho bài viết này vậy.

LINH VŨ

Tài liệu tham khảo:

-Dương Quảng Hàm, “VN Văn Học Sử Yếu” 1968, Nguyễn Lộc, mục từ “Truyện Kiều 2004, Nguyễn Thạch Giang, Văn Học Thế Kỷ 18- 2004, Thanh Lãng- Bảng lược đồ văn học Việt Nam (quyển thượng) 1967, Poème Kim Vân Kiều truyện: do Trương Vĩnh Ký phiên âm, in ở Sài Gòn năm 1875. Kim Vân Kiều tân truyện: do Edmond Nordemann phiên âm, in ở Hà Nội năm 1897. Đoạn trường tân thanh: của Kiều Oánh Mậu chú thích, khắc in ở Hà Nội năm 1902. Kim Vân Kiều quảng tập truyện: Liễu Văn Đường tàng bản, (1914). Kim Vân Kiều tân truyện: Phúc Văn đường tàng bản, (1918). Bản Phường, tượng truyền- Phạm Quý Thích (1759-1825) in từ sinh thời Nguyễn Du, bản Kinh, tương truyền vua Tự Đức (1848-1883) đích thân sửa chữa, in tại Kinh đô Huế. Học giả Hoàng Xuân Hãn nói về Truyện Kiều, Nguyễn Quảng Tuân: nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều, ông Đào Thái Tôn với bài nhận xét về việc nghiên cứu Truyện Kiều.v.v.

1 COMMENT

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here