VŨNG LẦY

0

Linh Vũ

Hôm nay ngày đầu tiên Hiếu đi làm. Anh thức dậy sớm hơn mọi ngày, tự nấu nước pha cho mình ly cà phê, trong khi vợ anh vẫn còn ngủ. Ngồi nhâm nhi ly cà phê trong giây lát thì trời đã sáng. Anh đến ngăn tủ lấy chiếc áo veston còn mới toanh mặc vào rồi đến trước gương ngắm nghía. Hiếu gật gù tự mãn. Chiếc áo này là món quà sinh nhật mà vợ anh đã tặng trong kỳ sinh nhật năm ngoái. Tuy nó không đắt tiền, nhưng đó là cả tấm lòng yêu thương và sự lo lắng của vợ. Bộ đồ màu xám nhạt hợp thời trang trông Hiếu sang trọng hẳn lên và khác lạ hơn mọi ngày. Càng mân mê chiếc áo Hiếu càng thấy thương, và tội nghiệp cho vợ bấy nhiêu. Đã hơn sáu năm dài đăng đẳng, vợ anh đã cực khổ làm việc ngày đêm lo cho gia đình và dành dụm từng đồng bạc cho chồng ăn học. Tuy cuộc sống có nhiều cực nhọc nhưng vợ anh chưa một lần than van. Nhiều lúc, Hiếu thấy vợ gầy ốm, vóc dáng tiều tụy, anh cảm thấy xót xa trong lòng. Nhiều lần anh muốn bỏ học để đi làm giúp vợ, nhưng vợ anh luôn cản ngăn, nàng muốn anh phải tốt nghiệp đại học, muốn anh có chút danh phận như mọi người. Thế rồi ngày ấy cũng đến, Hiếu đã ra trường và hôm nay nhận được một công việc tốt. Nỗi vui mừng và niềm hãnh diện như ứa tràn trong ánh mắt. Anh tự hào sung sướng là từ nay có thể chia xẻ mọi việc trong gia đình để làm nhẹ bớt gánh nặng trên vai vợ. Một cảm giác hạnh phúc lâng lâng, anh thấy mọi vật xung quanh đều thay đổi, tất cả như bừng lên một sức sống. Ngay cả tên cúng cơm Trần Văn Hiếu chốc nữa đây cũng sẽ thay bằng Anthony Trần nghe rất lạ tai. Anh mỉm cười, nhìn đồng hồ, sửa lại chiếc cà vạt, bước vô phòng ngủ hôn vợ rồi khép nhẹ cánh cửa bước ra. Hiếu nhìn bầu trời hôm nay đẹp hơn mọi hôm, mọi vật như đang có niềm vui chung với anh. Hiếu leo lên xe đề máy, chiếc Mustang cũ đời 64, hôm nay cũng nổ máy nhẹ nhàng. Hiếu buộc dây an toàn, lấy lửa châm điếu thuốc rít một hơi dài, rồi nhấn ga cho xe lướt nhanh ra đầu ngõ.  Mặt trời cũng bắt đầu lên cao chiếu những tia sáng trong và nhẹ trải dài trên những đọt cây dọc hai bên đường như vẫy tay chào mừng anh buổi sáng

Xe lướt nhanh hơn nửa tiếng đồng hồ trên freeway, Hiếu đã đến sở đúng giờ, anh tìm chỗ đậu xe, sửa lại chiếc cà vạt ngay ngắn, vuốt lại mái tóc lòa xòa trên trán rồi đi thẳng vào bên trong Building.

Hiếu có chút cảm giác lo lắng, anh hít một hơi thở dài như cố đè nén sự hồi hộp rồi đi thẳng đến phòng điều hành của công ty. Trong phòng mọi người đã có mặt đầy đủ, Hiếu bước vô tươi cười bắt tay chào hỏi từng người, ai nấy đều vui vẻ, đón tiếp Hiếu với tình thân mật, cởi mở, nhờ thế anh cũng cảm thấy tự nhiên hơn. Sau vài phút chào hỏi xã giao, anh Bob Kaln trưởng phòng điều hành đưa Hiếu đến văn phòng riêng của anh, để hướng dẫn những công việc cần thiết trước khi bắt đầu vào việc. Hiếu và anh Bob Kahn vừa bước ra khỏi phòng điều hành, thì có người đàn bà bước vô từ cửa chính của Building, trên tay mang chiếc cặp da nhỏ. Dáng thanh tao, mái tóc cắt ngắn, để lộ chiếc cổ cao trông rất quí phái. Dáng đi dịu dàng trong bộ đồ vét màu hồng nhạt, nhìn sang trọng và tươi mát. Hiếu nhìn bà ta như bị thôi miên không chớp mắt và anh có cảm giác như nhận ra một điều gì rất quen thuộc. Trong giây phút bất chợt làm Hiếu khựng lại, anh đang phân vân thì anh Bob Kahn tiến đến bắt tay bà ta, chào hỏi trịnh trọng và quay sang phía Hiếu giới thiệu.

_ Đây, bà Lynn Long Beswick, phó Giám Đốc công ty và đây Anthony Tran ngày đầu tiên làm việc với công ty chúng ta. Hiếu vui vẻ bắt tay chào hỏi. Bà cũng tươi cười đáp lại vài câu xã giao rồi quay mặt bước đi. Cử chỉ của bà có vẻ nghiêm nghị, lạnh lùng. Hiếu nghĩ thầm, có lẽ những người đàn bà trẻ đẹp, có địa vị đều hách dịch và khó tính. Bà Lynn L. Beswick đã đi khuất, Hiếu vẫn tần ngần suy nghĩ vẩn vơ về người đàn xa lạ có nhiều nét thân quen.

Anh Bob Kahn đưa Hiếu đi tham quan các phòng ban rồi sắp xếp phòng làm việc riêng cho anh. Bob hướng dẫn tỉ mỉ từng công việc lớn nhỏ liên quan đến mọi dịch vụ hằng ngày. Hơn một tiếng đồng hồ trôi qua hình như đã thấy mệt. Hiếu ngồi vào bàn sắp xếp lại giấy tờ thì có điện thoại của bà Phó Giám Đốc muốn gặp anh. Hiếu gom vội tập hồ sơ trên mặt bàn rồi đi thẳng lên văn phòng lầu hai. Trên chiếc bàn lớn bà Lynn L. Beswick đang loay hoay sắp lại chồng hồ sơ để ngỗn ngang trên bàn. Hiếu đứng chần chừ trong giây phút rồi cất tiếng chào.

– Hi…Mrs.    Lynn

Bà Lynn ngẩng đầu nhìn Hiếu tươi cười thân mật rồi mời anh ngồi chiếc ghế kê sát cạnh bàn. Bà nói.

– Please seat down. How are you today Mr Tran?

Hiếu cám ơn ngắn gọn, ngồi xuống ghế. Tự dưng bà Lynn đưa mắt nhìn Hiếu một cách ngạc nhiên đầy sửng sốt. Hiếu cũng bất chợt bắt gặp một luồng cảm giác lạ quay cuồng trong đầu óc, miệng anh như muốn nói một điều gì đó nhưng cứ mãi ngập ngừng. Bà Lynn cúi xuống nâng ly cà phê còn bốc khói hớp một ngụm rồi nói.

– Anh ngạc nhiên, tôi là người Việt Nam chứ!

– Vâng, Tôi nghe anh Bob nói về bà

Trong khi chuyện trò, Hiếu cố tìm lại trong trí nhớ những nét đặc biệt quen thuộc trên khuôn mặt người đàn bà, Hiếu có cảm giác như đã từng gặp bà ta ở một nơi nào đó, trong khi Hiếu đang suy nghĩ vẩn vơ thì bà tươi cười hỏi tiếp.

– Anh sang Mỹ bao lâu rồi?

– Cuối tháng 08/ 1975.

– Gia đình anh đi đầy đủ cả chứ.

– Tôi mang được vợ và ba con, còn cha mẹ anh em không có ai đi được.

Bà Phó Giám Đốc nhìn Hiếu với ánh mắt đầy cảm thông, bà hiểu được nỗi khổ đau của những người phải bỏ nước ra đi. Trong giây phút im lặng, bà nói giọng buồn bã.

– Cũng may gia đình tôi không lâm vào cảnh bất hạnh này, tuy nhiên tôi cũng có một số họ hàng còn kẹt bên đó vẫn chưa liên lạc được.

Hiếu nhìn bà Lynn với ánh mắt thân thiện hơn, anh nói như chia xẻ.

– Bà thật may mắn, không phải trải qua cơn biến loạn quá kinh hoàng của đất nước và tôi cũng không ngờ có ngày mình phải bỏ nước ra đi.

Bà ta trầm ngâm trong giây lát, nâng ly cà phê uống một ngụm nhỏ, đưa mắt nhìn Hiếu từ tốn nói.

– Vâng. Tôi cũng cám ơn Thương Đế đã ban cho mình nhiều may mắn, nhưng được chuyện này thì mất chuyện khác anh ạ. Tôi cũng có nhiều buồn vui nơi quê hương lắm, cũng nhớ nơi mình sinh ra, lớn lên, nhưng lâu rồi chưa có dịp về thăm….

Bà Lynn bỏ lửng câu chuyện không nói tiếp. Hiếu nhìn bà ta chăm chú quan sát từ lời nói, cử chỉ, nụ cười, anh cảm thấy rất ư là thân quen. Anh nhìn lơ đãng lên trần nhà cố moi lại trong trí nhớ những hình ảnh đang lơ mơ trước mặt. Trong lúc Hiếu đang suy nghĩ, Bà Lynn như sực nhớ ra điều gì, bà trố mắt nhìn Hiếu, rồi vội vã hỏi.

– Trước đây chắc anh cũng trong quân đội, anh có khi nào đống quân ở quận lỵ Hoài Ân không? Tôi có người bạn …

Nghe Bà Lynn nhắc đến Hoài Ân làm Hiếu giật mình như có luồng điện chạm. Hiếu nghĩ ngay đến một trường Trung Học với ba gian mái dột với nhóm học trò hiền từ của vùng quê hẻo lánh. Hình ảnh cô học trò bé nhỏ năm xưa như đang đứng trước mặt. Hiếu giật mình, mồ hôi như tóat ra, anh lẩm bẩm không ra lời. Chẳng nhẽ bà là cô học trò năm xưa ở Quận lỵ Hoài Ân. Hiếu như bị một luồng điện giật mạnh, Anh mở tròn đôi mắt quan sát bà Giám Đốc sửng sốt. Anh lẩm bẩm…Phạm Thị Kim Long…Phạm Thị K….   chẳng nhẽ… Lúc này Bà Lynn cũng bắt gặp một thứ cảm giác lạ xuất hiện, bà hỏi Hiếu thật nhanh.

– Anh vừa nhắc đến tên ai vậy? Hiếu lập lại tên người học trò năm xưa và từ giờ phút này hai người đã nhận ra nhau.

Cuốn phim hai mươi năm chất đầy kỷ niệm ở quận lỵ Hoài Ân bắt đầu quay lại trong tim óc hai người. Hiếu như nghe thấy cô học trò miền lửa đạn đang kêu gào trong không gian mà từ lâu Hiếu tưởng chừng như đã biến mất và ông thầy bất dĩ như đang quỵ ngã trước những nghịch cảnh éo le của cuộc đời.

Năm đó, khoảng cuối năm 1968 Hiếu ra trường sĩ quan Pháo Binh. Anh thuyên chuyển về phục vụ ở Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Vừa trình diện đơn vị, anh nhận lệnh khẩn cấp thay thế cho Trung úy Nguyễn Văn H. vừa tử trận ở ngọn đồi Hoài Ân.

Ngọn đồi này nằm sát với một triền núi lớn, phía bên trái chạy dọc theo thung lũng gần đầu làng, bên phải là cánh đồng lúa mênh mông. Ngọn đồi nằm cheo leo giữa khoảng trống, không thuận lơi cho địa thế chiến thuật. Hiếu được trực thăng vận đưa xuống khẩn cấp vào một chiều trời sụp tối, hình ảnh đầu tiên chỉ nhìn thấy được cảnh ảm đạm của một ngọn đồi trọc giữa ruộng đồng, những hầm hố ngang dọc, các ụ súng bao bọc bởi những bao cát và những người lính gác với đôi mắt nhìn xa xăm. Nơi đây chỉ có một đại đội Địa Phương Quân trấn giữ, hai khẩu đại pháo, và văn phòng làm việc của ông Quận Trưởng. Hiếu cảm thấy quá chán nản, ban ngày trốn pháo kích, ban đêm bắn quấy rối, nhiều bữa phải thức trắng đêm yểm trợ cho những cánh quân chạm địch. Thời điểm Hiếu đến ngọn đồi này là lúc áp lực địch đang ở thế mạnh. Ban ngày pháo kích không ngừng, ban đêm địch về làng tịch thu lương thực, cướp bóc đồ đạc dân chúng, tấn công một vài chốt quân đóng ven làng. Tuy thế, nhưng sống hoài trong nguy hiểm riết rồi cũng quen.

Sau một năm Hiếu trấn thủ trên ngọn đồi lửa đạn, tình thế mỗi ngày mỗi khá hơn, tiếng pháo kích cũng thưa dần, người dân sống ven đồi cũng bắt đầu có những tháng ngày an ninh và bình an hơn. Địch không còn đánh phá mỗi ngày, người dân an tâm làm ăn, trường học mở cửa lại và lính tráng có nhiều cơ hội giúp đỡ dân làng. Hiếu còn nhớ, một buổi sáng đẹp trời, anh thả bộ xuống làng dạo chơi, tình cờ đi ngang qua một trường trung học, thấy hoa phượng nở đỏ trong sân trường. Anh dừng lại đứng ngắm nhớ lại một thời tuổi thơ. Tình cờ Hiếu gặp lại người bạn học cũ đang dạy học ở đây. Giang là người bạn thân nhiều năm ở sân trường Đại Học, hai đứa cùng một thời mọt sách, cùng một thuở rong chơi khắp phố Sài Gòn. Hôm nay không ngờ lại gặp nhau nơi quận lỵ hẻo lánh này.

Trong phút giây tâm sự Giang có ngỏ ý nhờ Hiếu phụ trách giùm bộ môn Anh ngữ vì trường đang thiếu một giáo sư. Sẵn có khả năng Anh Ngữ Hiếu bằng lòng mỗi tuần dạy ba ngày, mỗi ngày hai tiếng vì thời gian này đơn vị Phái Binh của anh chỉ có nhiệm vụ bắn quấy rối về ban đêm, ban ngày có nhiều thời gian rảnh rỗi, nên anh nhắm mắt nhận lời, từ đó Hiếu trở thành thầy giáo Anh Văn bất đắc dĩ, nhưng rất nổi tiếng của trường Trung Học Hoài Ân.

Thời gian tuy ngắn ngủi nhưng đầy thắm thiết. Anh thấy yêu sân trường, yêu làng quê mộc mạc, yêu những người chân quê chất phác mà quên mình là một quân nhân đang ở chiến trường. Tất cả những hình ảnh mến thương nơi đây đã êm đềm đi sâu vào tâm hồn Hiếu. Mặc dù chỉ là một mái trường nhỏ bé nghèo nàn, nhưng anh cảm thấy nơi đây như có cả quãng đời tuổi thơ của mình. Và cũng chính nơi đây, Hiếu đón nhận một mối tình thầy trò đầy thơ mộng. Cuộc tình đến trong tình cờ với cô nữ sinh quận Hoài Ân. Hiếu yêu cô học trò, lớp Hiếu phụ trách. Tình cảm giữa nàng và Hiếu đến quá nhanh trong những giờ dạy học, những lá thư chép vội trong tập vở và những ngày cuối tuần trong khu vườn nhiều cây trái ở nhà nàng. Cô học trò năm xưa Hiếu yêu tha thiết có tên tuyệt đẹp Phạm Thị Kim Long. Một mối tình nở hoa trên tuyến đầu hỏa tuyến, những kỷ niệm khó quên trong những đêm ngồi bên nhau trên pháo đài để nhìn sao đêm lấp lánh, những ngày đùa vui bên ruộng lúa ngất ngây trong hương đồng cỏ nội. Thời gian hạnh phúc của hai người đến chẳng được bao lâu thì ngọn lửa chiến tranh lại ùa dập tới ngọn đồi. Một đêm súng nổ vang trời, đạn pháo vang rền như long trời lở đất, địch tấn công tứ phía. Đại đội phòng thủ gần như tan rã, quân tiếp viện và máy bay yểm trợ không còn đủ thời gian tiếp cứu. Trong tình thế bắt buộc Thiếu Tá Quận Trưởng đã ra lệnh cho Hiếu phải bắn tiêu hủy khu làng phía dưới chân đồi. Một tin sét đánh, mắt Hiếu hoa lên, mồ hôi nhỏ ra từng giọt, anh ôm mặt nức nở kêu lên giữa trời đêm: Dưới đó là đám học trò của tôi, là nhà người yêu của tôi…Tôi phải làm sao ! Cuối cùng những quả pháo chính anh ra lệnh được rơi đều đặn, cày nát xóm làng phía dưới. Mỗi quả pháo bắn đi là mỗi dòng nước mắt Hiếu tuôn trào. Mỗi phút trôi qua như những nhát dao chém sâu vào tim, như những quả tạc đạn nổ giữa lồng ngực. Một đêm khói lửa ngập trời, Hiếu đã gọi tên cô học trò Phạm Thị Kim Long trong xót xa tuyệt vọng. Hiếu gào thét trong đêm khói lửa là chính anh đã giết chết người yêu mình và đám học trò nhỏ thơ ngây.

Đêm hãi hùng trôi qua mau, địch quân rút đi, chỉ còn lại những xác chết nằm ngổn ngang. Xác bạn lẫn xác thù nằm rải rác trên đồng ruộng đến cuối làng, từ trong nhà đến đầu ngõ. Hiếu theo đoàn quân thu dọn chiến trường tìm đến nhà người yêu, khu làng bây giờ chỉ còn lại một đống tro tàn và những thân xác cháy đen. Hiếu lật tìm từng xác chết, moi kiếm từng căn hầm nhưng không tìm ra được xác cô học trò yêu quí. Anh ôm mặt khóc trong niềm thất vọng, đớn đau. Một vết thương chiến tranh mà mãi đến ngày hôm nay vẫn còn ám ảnh.

Hiếu đang nhớ lại đoạn đường quá khứ, nét mặt ngẩn ngơ đầy vẻ u buồn, thì bà giám đốc cũng đưa tay lau những giọt nước mắt trên má mình. Bà đến bên cạnh Hiếu, nắm chặt lấy bàn tay nghẹn ngào không nói nên lời. Hiếu như từ trên cao rơi xuống, nét mặt anh biến sắc. Anh không thể tin lại có một ngày hôm nay.  Hiếu nhìn bà ta chăm chú hơn, anh quan sát từ đầu đến chân, đầu óc như bị chao đảo. Hiếu kêu tên cô học trò Phạm Thị Kim Long và lẩm bẩm không ra lời…. Phạm Thị Kim Long đã chết rồi…đã chết rồi… chính tôi là thủ phạm. Tôi đã nhìn thấy khu làng cháy thành tro bụi không một ai sống sót …. nhất định không,..nhất định không… Bà không phải là Phạm Thị Kim Long….

Lúc đó bà phó giám đốc ôm Hiếu thật chặt trong vòng tay với giọng đầy tha thiết.

– Cám ơn Thượng Đế mình còn có cơ hội gặp lại nhau

Hiếu cúi đầu như cố che dấu nỗi xúc động, anh cảm thấy trong lòng như tê cứng. Hiếu nhìn kỹ nàng một lần nữa rồi ôm mặt nghẹn ngào như cố che giấu tiếng nấc bộc phát từ trái tim, Hiếu như người mất hồn, anh ngồi nhanh xuống ghế. Hai dòng nước mắt ứa trào. Anh hỏi nàng với giọng đầy run run.

Em thật sự là Phạm Thị Kim Long sao?! Em đã chết trong đêm khói lửa đó, chính anh đã ra lệnh bắn tiêu hủy cả khu làng! Tại sao em lại ở đây?

Nàng nhìn Hiếu với ánh mắt trìu mến như thủa nào bên sân trường Trung Học Hoài Ân, nàng nói giọng buồn bã.

– Hôm đó ba em nhận được tin tình báo ở Tỉnh, cho nên đã đưa gia đình ra đi trước một ngày, em không kịp báo tin cho anh biết. Sau ngày đó gia đình em tạm trú ở Qui Nhơn một vài tuần rồi thuyên chuyển về Sài Gòn. Em tiếp tục đi học trở lại cho đến ngày em được du học sang Mỹ. Thời gian ở Sài Gòn em có về lại Hoài Ân tìm anh nhưng đơn vị anh đã di chuyển đi nơi khác, em hỏi thăm nhiều người nhưng không ai biết đơn vị anh đóng ở đâu.

Nàng kể với hai dòng lệ tuôn tràn trên khóe mắt, giọng nói như xót xa. đau đớn. Lòng Hiếu bây giờ cũng chìm vào những bàng hoàng, nuối tiếc. Chân tay như rã rời, đầu óc như đang có trái phá nổ tung. Trước mắt Hiếu như có một đống tro tàn bốc cháy với những quả đạn pháo đầu nổ VT. Và bên tai văng vẳng tiếng kêu khóc của đám học trò nghèo, xứ Hoài Ân hẻo lánh.

Hiếu im lặng đứng lên đẩy cánh cửa văn phòng bước ra. Nước mắt anh rơi xuống, tay ôm tập hồ sơ mà cứ ngỡ như đang ôm trong lòng những cành hoa phượng đỏ rực màu máu và sau lưng như đang có những em học trò thơ ngây đang réo gọi, đang níu kéo anh trong vũng lầy oan khiên của cuộc chiến.

Cánh cửa văn phòng bà phó giám đốc khép lại, Hiếu chao đảo bước đi, như kẻ không hồn trên bờ cao đá dựng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here