100 NĂM SOPRANO MARIA CALLAS

0

(1923-2023)
(Maria Callas 1 tuổi với cha mẹ và chị Jackie tại NYC chụp năm 1924)

Tên khai sinh của cô là Sophie Cecilia Kalos nhưng tên trong sổ baptême lại là Maria Anna Cecilia Sofia Kalogeropoulos (Μαρία Άννα Καικιλία Σοφία Καλογεροπούλου Hy ngữ). Cô sanh tại Flower Fifth Avenue Hospital (nay là Terence Cardinal Cooke Health Care Center), 1249 Fifth Ave, Manhattan, NYC. Cha George Kalogeropoulos (1881–1972), mẹ Elmina Evangelia “Litsa” dòng họ Demes, gốc Dimitriadou (1894–1982). Tên cha Kalogeropoulos được tóm gọn thành “Kalos” rồi được Latin hóa thành “Callas” cho dễ đọc. Cô trở về Hy-lạp sống tại thủ đô Athens từ 1937 đến 1945. Maria Callas là ca sĩ soprano trên các sân khấu opera nổi tiếng và khuynh đảo nhất thế kỷ XX. Các tiết mục trình diễn rộng rãi gồm loạt opera cổ điển, các tuồng “bel canto” operas của Donizetti, Bellini, Rossini, Verdi, Puccini, bi ca Wagner; đặc biệt hát với giọng đa âm vực, diễn đạt bi thống; tất cả khiến cô được ca tụng là “siêu phàm” (la divina)!

Mẹ con cô xung khắc ngay từ khi cô còn nhỏ vì không phải con trai như ước vọng của bà. Cô học nhạc ở Hy-lạp ở tuổi 13 rồi đặt nền sự nghiệp tại Ý. Cuối đời, cô định cư hẳn tại cơ sở Georges Mandel ở Paris. Vì thiếu yếu tố “địa lợi” bởi WW2 hồi thập niên 1940s, scandal nặng và sự giảm cân, sự nghiệp “opera” của cô không suông sẻ và phải kết thúc ngoài dự tính. Dự tính của cô là phải hoàn thành vở “Maria Madalena”, đề tài kinh thánh hay chưa ai soạn cho opera (về phụ nữ xém bị ném đá chết oan nếu không có Chúa Jesus bênh vực). Cô đã mơ đạt được dự tính này như một tác giả thay vì ca sĩ mà hiện có muốn hát cũng chưa ai viết tuồng.  Cô kêu gọi công chúng hãy xem cô như một nhạc sĩ, một tác giả tương lai vốn cống hiến trọn đời cho âm nhạc: “je vous demande de me voir comme une musicienne qui a consacré sa vie à la musique”. Giới truyền thông giúp cô thì ít, hại cô thì nhiều khi họ thổi phồng hoặc bịa đặt ra tin vịt. Tuy nhiên họ không thể hạ bệ được địa vị vững vàng kết tinh bởi những thành tựu lẫy lừng vốn khiến bình luận gia Leonard Bernstein gọi cô là “kinh thánh của opera“.

Cuộc hôn nhân của cha mẹ George, Evangelia (gọi tắt Litsa) Callas không thuận lợi do cá tánh khác biệt. George bình dị và mộc mạc; Litsa ngược lại lanh lợi và có tham vọng cao về nghệ thuật. Bố Petros Dimitriadis (1852–1916) của Litsa từng cảnh cáo về hậu quả do sự cá biệt ấy. Họ đã có con gái Yakinthi hồi 1917 và con trai Vassili (Vasily) nhưng cái chết vì dịch thương hàn của con trai 2 tuổi này hồi 1922 khiến hôn nhân lạnh nhạt. Hồi 1923, khi biết Litsa lại có thai, George quyết định dời đến New York tháng 7/1923; cư ngụ trong khu chung cư phức tạp ở Astoria, Queens. Litsa đinh ninh đứa thứ ba sẽ là con trai nhưng lại là gái khiến bà thất vọng đến độ 4 hôm sau mới nhìn mặt con gái Maria cân 12.5 pounds. Bà muốn đặt tên “Soplia” nhưng chồng muốn “Cecilia”; thế là cô bé mang tên tổng hợp “Celilia Sophia Anna Maria Callas”. Nàng ca sĩ tương lai nhận phép baptême ba năm sau tại thánh đường TGP Holy Trinity hồi 1926; cũng là thời điểm năng khiếu hát tự phát. Bố George Callas mở pharmacy năm sau và cư ngụ tại 192nd Street, Washington Heights ở Manhattan, nơi Maria 4 tuổi lớn lên. Litsa ép con hát nhưng cô không thích. Cô muốn trở thành nha sĩ.

Hồi 1930 khi 7 tuổi, cô chơi piano trên gác; hát lớn “La Paloma” và hay đến độ bộ hành đông đảo dưới đường phải dừng lại nghe cho đến hết bài. Khi lên 11 tuổi hồi 1937, cô thi hát do Mutual Radio tổ chức thắng giải nhất chiếc đồng hồ Bulova mà cô đeo nhiều năm sau đó. Ba bài “tủ” cô thường hát là “La Paloma, Ave Maria và Habanera”. Cô ký tên “Maria Anna Callas” trong sổ tốt nghiệp lớp 8 trường công lập, 189 Amsterdam Ave năm 13 tuổi rồi lên tàu Ý Saturnia đi Hy-lạp. Từ khi về quê nội, cô luôn khẳng định “huyết thống tôi thuần Hy-lạp … tôi cảm thấy hoàn toàn Hy-lạp”. Liên quân Nazi-Ý chiếm Hy-lạp hôm 27/4/1941; ra lệnh giới nghiêm sớm nhưng ở tuổi 17, cô bất chấp; vẫn đến nhà Hidalgo học nhạc rồi đi bộ về nhà sau 8PM giờ giới nghiêm. Cô đàn piano trên lầu và hát lớn như hồi 7 tuổi khiến đông đảo bộ hành phía dưới; kể cả lính Ý và Đức dừng lại nghe và vỗ tay tán thưởng. Chính giọng ca đã cứu cô và gia đình khi lính Ý vào nhà tìm bắt 2 phi công Anh trốn tù; tình nghi được sĩ quan Hy dẫn vào đây ẩn náu. Lính Ý bị mê hoặc đến độ quên cả thi hành nhiệm vụ khám xét khi cô hát “Tosca”; thậm chí hôm sau còn trở lại đặt trên piano tặng chiếc bánh Pizza vốn là đồ xa sỉ trong thời chiến.

Hôm 3/12/1944, sau khi liên quân Đức-Ý rút đi, bọn cộng sản Hy gây ra nội chiến khiến hàng ngàn người chết. Cô lúc ấy 21 tuổi và mẹ bị cấm cung trong nhà suốt 3 tuần không điện và food. Giữa tình huống sắp chết đói, họ nhận được thư của Tòa Đại sứ Anh ở Athens mời đến nghe diễn văn của PM Winston Churchill đến thăm dịp Christmas năm ấy; có lẽ để “đền ơn đáp nghĩa” công chứa chấp 2 phi công Anh thời chiến. “Hữu duyên thiên lý” thay, Maria lại gặp vị PM này do ông bồ Onassis giới thiệu khi cả hai có mặt trên du thuyền Christina của nhà tỷ phú hôm 23/7/1958. Cũng như tại các hàng ghế đầu của các đại hý viện mà Maria hát, khách mời của du thuyền này gồm toàn “tai to mặt lớn” như Greta Garbo, Ava Gardner, Marlene Dietrich, Cary Grant, Winston Churchill, Cựu hoàng Peter của Nam Tư, cựu hoàng Farouk của Ai-cập, Begum Aga Khan và nhiều nam tước, chủ ngân hàng ..vv..

Cô học nhạc tại Athens. Ban đầu mẹ cô ghi danh cho cô học tại Athens Conservatoire nhưng không được nhận. Đến hè 1937, Maria Trivella của Greek National Conservatoire đã nhận cô vào học miễn phí vì bà khám phá ra giọng của cô ấm, trữ tình, vang vọng tựa tiếng chuông. Trivella có cảm tưởng đây là giọng “dramatic soprano” thay vì “contralto” như đã tưởng ban đầu. Cô được bà giáo Trivella đánh giá là học trò gương mẫu nên bà giáo đã tận lực tận tâm huấn luyện cô mỗi ngày 5-6 giờ trong 2 năm theo phương pháp hát giọng mũi của Pháp. Chỉ trong nửa năm, cô đã hát được các giai điệu khó nhất trong kho tàng opera quốc tế bằng tột cùng giới hạn của năng khiếu âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp National Conservatoire, cô ghi danh học hát giọng “coloratura soprano” từ bà giáo Elvira de Hidalgo người Spanish của Athens Conservatoire; dạy lấy giọng từ ngực.

Hồi 1968 trong cuộc phỏng vấn của Lord Harewood, cô cho biết mình là học trò của bà De Hildalgo và khám phá được bí mật của môn “bel canto”: Giữ giọng nhẹ một cách uyển chuyển, đẩy nhạc cụ vào âm vực nhất định để âm thanh xuyên thấu thay vì quá rộng. Cô cũng học chia thang âm, rung láy và tất cả những thêm thắt trang điểm của môn “bel canto” vốn là một ngôn ngữ bạt ngàn của chính bộ môn. Tiến bộ vượt bậc của cô học trò khiến bà De Hidalgo phải thốt lên rằng “Callas là một hiện tượng … cô có thể phân biệt sopranos, mezzos, tenors… từ mọi học trò và hát được tất cả các giọng ấy“.

De Hidalgo cho phép cô đóng vai trong các vở tuồng trên sân khấu Greek National Opera để có chút lương trong thời chiến. Hồi tháng 2/1941, vai đầu tiên trong sự nghiệp ca nhạc opera của cô là vai Beatrice trong tuồng “Boccaccio” của Franz von Suppé. Đồng nghiệp Soprano Galatea Amaxopoulou sau này có nhận xét “mới diễn tập thôi mà khả năng diễn thuần thục của Maria đã lộ rõ khiến từ bấy giờ, các diễn viên khác đã tìm mọi cách để gạt cô ra ngoài“. Đồng nghiệp Maria Alkeou còn nêu bật sự tỵ hiềm nội bộ khi thấy hai sopranos “chánh ngạch” Nafsika Galanou và Anna (Zozó) Remmoundou đã đứng ở cánh sân khấu “chỉ tay về phía cô đang hát, cười chế nhạo Callas”. Sau nhiều màn trình diễn, ngay cả phía hay nói xấu cô cũng phải liệt cô như một kẻ “tài năng trời cho”. Sau màn xem Callas diễn Fidelio của Beethoven, đối thủ Anna Remoundou trước kia đã từng hỏi một đồng nghiệp “liệu rằng có gì đó siêu việt mà chúng ta không nhận ra?“. Thành ngữ “gà ghen nhau tiếng gáy” thật không sai!

(Maria Callas nhận hoa của khán giả hâm mộ)

Thế nhưng “vàng không sợ lửa”, cô thăng tiến từng bước trong sự nghiệp với vai chánh “Tosca” hồi tháng 8/1942; rồi vai “Marta” trong tuồng “Tiefland” của Eugen d’Albert vốn được nhiệt liệt tán thưởng trên sân khấu Olympia Theatre. Nhà phê bình Spanoudi tuyên bố Callas là “một nghệ sĩ cực xung động; sở hữu những thiên phú hiếm có về âm nhạc và bi kịch”. Còn Vangelis Mangliveras của Radiophonon đã đánh giá diễn xuất của cô qua vai Marta là “ngôi sao mới trong bầu trời Hy-lạp; với đáy xúc cảm vô song đã thể hiện được trên sân khấu kịch nghệ tiêu chuẩn cao của một diễn viên bi kịch. Về giọng ca ngoại hạng thuần thiên phú đáng kinh ngạc, tôi không muốn thêm bớt lời của Alexandra Lalaouni (về Callas): ‘Kalogeropoulou là một trong số tài năng thiên phú mà chỉ có một Callas mới sánh kịp”.

Sau tuồng Tiefland, cô diễn vai Santuzza trong tuồng Cavalleria; rồi O Protomastoras (Manolis Kalomiris) tại hý viện cổ “Odeon of Herodes Atticus” dưới chân núi Acropolis. Cũng tại đây, giữa tháng 8-9/1944, cô diễn Leonore bằng Hy ngữ cho Fidelio Production. Nhà phê bình Đức Friedrich Herzog từng xem tuồng đã tuyên bố đây là “khải hoàn lớn nhất” của Callas trong tuồng Leonore của Maria Kaloyeropoulou. Kaloyeropoulou nói rằng Leonore đã để giọng soprano của cô vút bay cao chói lọi trong niềm hân hoan dâng trào của màn song ca; khiến cô nổi lên tầm cao hùng vĩ … tại đây, cô cho đâm chồi, nở hoa và kết trái cho âm thanh hòa điệu ấy; biến nghệ thuật “prima donna” trở nên quý phái.

Sau khi Hy-lạp được giải phóng, de Hidalgo khuyên Callas nên lập nghiệp ở Ý. Thế nhưng sau chuỗi 56 trình diễn tại 7 sân khấu và 20 đơn tấu ở quê nội, Callas rời đi hôm 14/9/1945 trở về Mỹ một mình để thăm bố và theo đuổi sự nghiệp tại đây ở tuổi 22. Chỉ có Hidalgo đến bến tàu tiễn chân. Cô được bố bất ngờ ra đón nhờ ông đọc list hành khách đăng trên báo NY phiên bản Hy ngữ. Ông cũng cho cô một căn trong chung cư ở NY để sống riêng vì nay ông đã có vợ hai Alexandra Papajohn dịp Christmas 1946.

Tháng 12 năm ấy, cô gặp Edward Johnson, giám đốc Metropolitan Opera để thử giọng và được khen “giọng xuất sắc; phải sớm được nghe trên sân khấu“. Callas từ chối đề nghị của Metropolitan Opera hát Madama Butterfly và Fidelio tại Philadelphia vì hát bằng Anh ngữ thiếu tính truyền thống và không thể đóng vai cô gái mảnh khảnh khi cô nặng 180 pounds. Hôm 13/6/1947; cũng là ngày khởi hành của tàu S.S. Rossia đi Ý, cô ký hợp đồng với Ed R. Bagaraza cùng tenor Nicola Rossi-Lemani đi hát ở Ý; muộn 18 tháng theo lời khuyên của bà thầy Hidalgo. Tàu cập bến Naples hôm 27/6/1947. Sau đó họ bắt xe lửa đi Verona. Xe đông đến độ 3 người phải thay nhau ngồi 1 ghế!

Cô đến đúng lúc khi Tullio Serafin đang tìm một “dramatic soprano” để đóng vai La Gioconda tại sân khấu Arena di Verona; đúng theo lời đồn của Basso Nicola Rossi-Lemeni vốn bản thân là ngôi sao opera. Ông nhớ lại Callas lúc ấy thật “đáng kinh ngạc thay; rất mạnh cả thể thất lẫn tinh thần; tương lai thật chắc chắn. Tôi biết cô gái này, với lòng can đảm và giọng sang sảng sẽ gây chấn động lớn trên một sân khấu lộ thiên như Verona”. Ông giới thiệu cô với ông bầu kiêm ca sĩ tenor Giovanni Zenatello. Sau khi thử giọng, Zenatello liền mời cô cùng trình diễn màn duet trong cảnh IV của tuồng này. Chính nhờ vai trò này mà cô bước vào sân khấu Ý. Vừa đến Verona, cô gặp ngay Giovanni Battista Meneghini, kỹ nghệ gia giàu có đeo đuổi cô. Họ thành hôn năm 1949; đến 1959 thì ly dị. Chính nhờ Meneghini hỗ trợ mà cô có thì giờ ổn định đời sống ở Ý với tên “Maria Meneghini Callas”. Sau tuồng La Gioconda, cô được Serafin mời hát tuồng Isolde và là người hỗ trợ, chỉ dẫn riêng cho cô.  Theo Lord Harewood, “rất ít nhạc trưởng Ý có sự nghiệp nổi bật như Tullio Serafin; và có lẽ lại càng không có ai ngoài Toscanini có nhiều ảnh hưởng hơn ông ta“. Hồi 1968, cô từng tự cho là thật may mắn khi được cơ hội làm việc với Serafin, người đã “dạy tôi phải có sự diễn đạt, chứng minh. Ông dạy tôi chiều sâu và lý lẽ của âm nhạc”.

Và cũng nhờ ông mà cô có dịp chỉnh đốn cân nặng của mình: Callas thú nhận mình “nặng ký 200 pounds (91kg); nhưng cũng cao 5′ 8+1⁄2 (1.74 mét)” nên cân đối. Tito Gobbi kể có lần nghỉ để ăn trong khi thâu dĩa với Lucia ở Florence, Serafin lưu ý Callas rằng cô đã để cân nặng trở thành vấn đề gây trở ngại cho công việc. Từ đó, cô giảm ăn để có khuôn mặt ít mỡ hơn hầu đóng vai cho thích hợp hơn. Suốt 1953 đến đầu 1954, cô diet còn 80 pounds (36 kg); được Rescigno mô tả là “đẹp nhất trên sân khấu“. Sir Rudolf Bing nhớ lại hồi 1951, Callas “monstrously fat”; thế nhưng sau diet, Callas trông “thon thả cứ như từ thuở thơ ấu đến nay vậy”. Có công ty Panatella “thấy sang bắt quàng làm họ” bèn “nổ fake news” rằng nhờ cô ăn sản phẩm của hãng mới được thế … thế là bị cô kiện!

Nguyên nhân vụ kiện nảy sinh khi cô đến Milan để hát tại đại hý viện La Scala vốn chính thức mở lại hôm 7/12/1955 kể từ khi đóng cửa hồi 1908. Tại Grand Hotel, cô thấy quảng cáo trên báo rằng cô sụt cân nhờ món “macaroni tâm lý” do Dr Giovanni Cazzanoti của hãng Pastificio Pantanella sáng chế. Thấy mình bị lợi dụng vô cớ, cô nộp đơn kiện. Vụ kiện được báo chí đặt tên là “the battle of the spaghetti” kéo dài gần 4 năm; xử hồi tháng 8/1959 bởi tòa Roma cho cô thắng kiện. Vụ kiện bị báo chí khai thác do cả nguyên và bị cáo đều nổi tiếng; nhưng chóng đi vào quên lãng: Bên thắng là ngôi sao soprano ai cũng biết; bên thua là hoàng tử Marcantonio Pacalli, anh em họ của Pope Pius XII, chỉ được biết ở Ý. Callas thú thực giảm cân chỉ bằng rau và gà “low-calorie diet food”.  Từ tháng 12/1952 hát Gioconda đến 1954 hát Don Carlo, cô sụt 62 pounds (28kg). Tito Gobbi cho rằng từ đó, chẳng những cô vẫn giữ địa vị thiên tài về opera và bi kịch mà cô còn đẹp ra.

Sự nghiệp của cô gặp ngã rẽ hồi 1949 ở Venice khi cô bất ngờ được hát với vai Brünnhilde trong vở Die Walküre của Wagner tại hý viện Teatro la Fenice; thay thế Margherita Carosio dự trù hát Elvira của Bellini tại đó bỗng ngã bệnh. Do xa lạ với vai này vốn sẽ kéo dài 6 ngày; lại chưa diễn xong Brünnhilde khiến cô định từ chối. Chỉ đến khi Serafin “cam đoan cô diễn được” cô mới thử. Nói như kiểu Michael Scott rằng ca sĩ nào cùng trường phái mà nhận hát 2 tuồng khác nhau về thanh âm này thì cũng đủ khiến gây ngạc nhiên; huống hồ thử hát 2 tuồng khác cốt truyện như Brünnhilde của Wagner và Elvira của Bellini trong cùng một mùa thì có mà “folie de grandeur” (điên hết cỡ). Thế mà “folie de grandeur” Maria Callas đã thành công đúng như “thầy … bói” Serafin đã quả quyết. Bình luận gia Michael Scott đã chả nhận định “cần phải quen thuộc với opera mới nhận chân được tầm vóc thành quả của cô”. Tầm vóc này là bước tắt xâm nhập kho tàng trình diễn “bel canto” vốn đã đổi hướng sự nghiệp của cô; dẫn cô đến với những “Lucia di Lammermoor, La Traviata, Armida, La Sonnambula, Il Pirata, Il Turco in Italia, Medea, và Anna Bolena”; tái dựng lại các vở operas của Cherubini, Bellini, Donizetti và Rossini vốn bị xao lãng từ lâu.

Cô hát  Norma 90 lần tại 8 quốc gia; thuộc lòng vì tuồng “giống mình như một nhân vật trong đó” như cô nói hồi 1961. Tuy nhiên cô có thể thuộc lòng từng nốt nhạc nhưng có lần quên chữ khi hát I Puritani hôm 19/1/1949. Cô hát lộn “son vergin vezzosa” (tôi trinh nữ quyến rũ) thành “son vergin viziosa” (tôi trinh nữ đồi bại). Theo nhạc trưởng Nicola Reseigno, “Maria có giác quan kiến trúc huyền bí; mach bảo cô biết vận dụng năng khiếu về ngôn ngữ; nốt nào trong câu để nhấn giọng, tiết tấu nào mà nốt ấy cần lọc ra để thể hiện”. Hơn nữa, không bộ môn nào mà năng khiếu diễn xuất lại cũng quan trọng không kém chất giọng như opera. Nicola Rescigno mô tả năng khiếu này của cô: “… tay của Maria cử động như không xương; thường đi nhẹ như bước chân cọp …”. Sandro Sequi kể: “cô không bao giờ vội vã … không làm quá 20 cử chỉ mỗi tuồng … có thể đứng bất động suốt 10 phút gây chú ý…”. Edward Downes kể Callas xem việc yên lặng chăm chú nghe đồng nghiệp diễn cũng là một dạng của diễn xuất trên sân khấu. Theo Sir Rudolf Bing nhận xét về một tuồng ở Chicago rằng “chính sự yên lặng lắng nghe của Callas hơn là việc hát của Björling đã tạo nên chấn động của bi kịch”.

Đêm tân hôn với chồng Meneghini, từ Verona, họ đáp tàu đến Argentina; rồi từ đây cô một mình đi Genoa để hát tại Teatro Colón ở Buenos Aires hôm 20/5/1949. Vai trò Aida, Turandot và Norma đều do Serafin dàn xếp đóng bởi Mario Del Monaco, Fedora Barbieri và Nicola Rossi-Lemeni. Tại đây cô đánh điện tín về NY cho mẹ bằng tiếng Ý “Siamo sposati e felici” khiến bà mẹ hiểu mang máng là “chúng con đã thành hôn và hạnh phúc”. Bà mẹ liền gởi hoa cưới trắng và thư để chúc mừng. Trong thư có câu “Maria ạ, con nên nhớ con thuộc về quần chúng trước hết chứ không phải chồng con đâu”. Rồi cô trình diễn buổi nhạc giã biệt hôm 9/7/1949, ngày quốc khánh thứ 133 của Argentina để về Ý và về NY lần hai hôm 13/5/1950 để mời mẹ đi Mexico. Tại đây, khi bà mẹ nằm chung giường khó ngủ đã thì thào chê Maria về tuồng Aida và được con gái trả lời “con muốn có con cái, sanh đôi hay càng nhiều con càng tốt quanh mình”. Sau này cô cũng gởi thư mời bố qua Mexico dự buổi trình diễn hồi tháng 7/1951. Bố không thích opera nhưng chịu sưu tầm từng trang báo có nhắc đến tên con gái mình; gìn giữ kỹ hơn những dĩa opera của con gởi về. Và ông luôn sằn sàng đi bất cứ đâu để chỉ lặng lẽ nghe “như vịt nghe sấm” cô con hát rồi vỗ tay.

Sau một loạt trình diễn ở châu Âu; kết thúc tại Amsterdam năm 1973 và Mỹ, Korea; kết thúc hôm 11/11/1974 tại Tosca ở Nhật, Callas bị mất giọng và phải hủy hẹn diễn nhiều nơi. Theo Franco Zeffirelli, khi được hỏi tại sao cô không luyện giọng nữa, cô trả lời “tôi đang cố hoàn tất cuộc đời của một phụ nữ”. Còn theo nhà viết tiểu sử Nicholas Gage, Callas có một con trai với tỷ phú Hy-lạp Aristotle Onassis nhưng chết yểu lúc sơ sinh hôm 30/3/1960. Riêng chính Giovanni Battista Meneghini chồng cô; trong sách viết về Callas đã liệt kê vợ mình vào loại không thể có con bình thường.

(báo Time năm 1956 đăng 4 trang tin về Maria)

Tại Mỹ, nơi “bụt nhà không thiêng” nên khi đến Chicago hồi 1954 để mở ra “Callas Norma, Lyric Opera of Chicago“; chuẩn bị hát mùa thứ 72 tại Metropolitan Opera hôm 29/10/1956, báo Time đã tung ra chủ đề về đời tư của cô. Time đăng tranh bìa vẽ chân dung cô và 4 trang nội dung xấu; nào là tánh nóng nảy, tỵ hiềm với đối thủ Ý Renata Tebaldi, và đặc biệt là quan hệ xung khắc với bà mẹ. Time nhận định Callas là “diva bị nhiều đồng nghiệp rộng lớn ganh ghét nhất; và cũng được rộng lớn công chúng yêu mến hơn bất cứ diva nào tại thế”. Điều này có thể không sai vì theo New York Times, nhiều người Mỹ mua vé để xem thần tượng Callas hơn là để nghe vở tuồng. Chỉ “thần tượng” mới được vỗ tay dài 20 phút ở Vienna; lúc đó TT Áo Theodor Korner vỗ lớn nhất! Chỉ “thần tượng” mới được trả bằng tiền dollars vàng đặc; được mặc trang phục nữ hoàng Ai-cập Hatshepshut gắn đá quý lục bảo trị giá 3 triệu USD trên sân khấu NY hôm 11/1/1957!

Hồi đầu thập niên 1950s, báo chí đã thổi phồng sự tỵ hiềm giữa Callas và Renata Tebaldi, một “lyrico spinto soprano” người Ý nổi tiếng cùng thời. Ban đầu Tebaldi và Maria Callas hồi 1951 đã cùng đi hát ở Rio de Janeiro, Brazil. Cả hai đồng ý không hát trùng bài, thế mà Tebaldi hát trùng 2 bài khiến Callas nổi giận. Sự tỵ hiềm càng tăng hồi giữa thập niên 1950s mà nhiều lúc như “đổ dầu vào lửa” bởi fans cuồng nhiệt. Tebaldi được kể đã nói “tôi có cái mà Callas không có; đó là trái tim“. Về phần Callas được báo Time kể đã nói nguyên văn rằng so sánh mình với Tebaldi chẳng khác nào “Champagne với Cognacà không, với Coca Cola“. Tuy nhiên các nhân chứng có mặt trong cuộc phỏng vấn kể rằng Callas chỉ nói “champagne với cognac”. Câu thòng “…No…with Coca-Cola” do một kẻ qua đường mớm thêm không rõ chủ ý. Thế nhưng ký giả của Time đã đăng luôn phần này và cho là của Callas.

Theo John Ardoin, cả hai chưa hề được so sánh. Tebaldi là học trò của Carmen Melis, chuyên gia về verismo. Cô xuất thân từ trường dạy hát ở Ý hồi đầu thế kỷ XX; trong khi Callas xuất thân hồi Tk XIX về bel canto. Callas là giọng dramatic soprano, còn Tebaldi tự xưng là giọng lyric soprano. Callas và Tebaldi hát khác tuồng. Trong cuộc phỏng vấn với Norman Ross Jr. ở Chicago, Callas nói “tôi khâm phục giọng của Tebaldi; giọng đẹp và một số tiết tấu cũng đẹp. Nhiều lúc tôi thực sự muốn được có giọng như cô ấy“. Francis Robinson từng chứng kiến Tebaldi nghe dĩa Callas hát La Gioconda rồi hỏi ông “tại sao ông không bảo tôi rằng Maria là hay nhất?”. Callas đã thăm Tebaldi sau màn diễn Adriana Lecouvreur tại Met hồi 1968. Hồi 1978, Tebaldi đã nói tốt về người đồng nghiệp quá cố; cho rằng “sự tỵ hiềm này [sic] thực ra được tạo bởi giới báo chí và fans … tôi không biết sao họ lại đặt điều hiềm khích [sic] như thế; vì giọng hát rất khác nhau”.

Sau khi hát Ballo ở Milan, cô đến Rome hát Norma hôm 2/1/1958, ngày hý viện tái mở cửa; có cả TT Ý và phu nhân đến dự và trực tiếp truyền thanh. Đột nhiên bị mất giọng khiến cô phải xịt thuốc cổ họng, đắp khăn nóng lên ngực, uống mọi thuốc theo toa và làm dấu thánh giá trước tượng Madonna. Tất cả đều vô hiệu lực khiến cô phải hủy hẹn. BTC hoảng loạn báo cho vị tổng thống Ý mấy phút trước khi báo cho cử tọa. Vợ chồng TT Ý không thấy xe và tài xế đâu bèn vào rạp ciné để giết thì giờ; chờ tài xế đón theo hẹn cũ. Hôm sau báo chí Rome đăng tít chửi rủa “Scandalo! Disgrazia! Insulta!”. Đây là scandal đầu tiên về sự nghiệp liên quan sức khỏe của cô. Hồi 1960 cô từng nói “chỉ có con chim yêu đời mới có thể hót” để giải thích các vụ hủy hẹn xảy ra. Khi bị mất giọng, cô giải thích “giọng tôi không mất; chỉ có thần kinh bị đau”. Cùng thời gian này, bà mẹ bỏ job bán nữ trang ở tiệm Gabor để viết hồi ký “My Daughter Maria Callas”; trong đó mô tả mình bị con bỏ rơi, và lý do con gái nóng tính do hậu quả tai nạn xe lúc 5 tuổi.

Callas lần đầu hát tại Royal Opera House ở London với mezzo-soprano Ebe Stignani vai Adalgisa và Joan Sutherland vai Clotilde vốn có dĩa lưu trữ đến nay từ 1952. Callas có duyên với dân London mà cô mô tả là một “love affair“; chả thế mà cô đã trở lại hát nhiều lần sau này tại Royal Opera House những năm 1953, 1957, 1958, 1959, 1964 và 1965. Lần cô hát Puritani hôm 10/6/1958 tại Covent Garden, London, có độ 200 stars đến dự.  Tuy nhiên cũng chính tại Royal Opera House hôm 5/7/1965, Callas đã kết thúc sự nghiệp của mình ở London sau khi đóng vai Tosca trong một tuồng được soạn cho riêng cô bởi Franco Zeffirelli; có bạn và đồng nghiệp Tito Gobbi tham gia. Cô cũng dự trù hát tại hý viện Midland ở Kansas City; có cựu TT Truman tham dự nhưng buổi hát bị bãi bỏ do có tin đồn đặt bom! Hôm 19/5/1962 tại Madison Square, cô hát Carmen trước đám đông 18,000 nhân birthday 46 của TT Kennedy.

Hôm 24/8 cô trở lại Hy-lạp hát Norma và tặng $10,000 tiền hát cho quỹ học bổng giúp nhạc sĩ trẻ ở đây. Đối với Maria, “nhất cử nhất động” dù bất ngờ nhất cũng đều thuộc về vở tuồng trình diễn: Hôm 4/11/1962, khi chiếc xuyến kim cương bỗng rơi khỏi cổ tay lúc đang hát ở Covent Garden, London, cô vẫn tiếp tục hát; chờ thời điểm thích hợp mới cúi xuống sàn nhặt đeo lại khiến khán giả tưởng động tác diễn là một phần của vở tuồng. Cô hát hôm 19/12/1958 tại Paris l’Opéra để gây quỹ cho Légion d’Honneur. Vé đắt nhất chưa từng có. Trong số 450 khán giả có các “tai to mặt lớn” như Charlie Chaplin, Brigitte Bardot, Emile de Rothschild, Juliette Greco, Francoise Sagan, Windsors, Jean Cocteau, và Aristotle S. Onassis. Báo Pháp gọi cô là “l’Impératrice du bel canto”. Buổi trình diễn hôm 29/5/1966 còn có quốc vương Shah của Iran tham dự.

Theo AP, Aristotle Socrates Onassis (gọi tắt Ari) từng mua vé 800 bảng Anh để ủng hộ. Ari không chỉ đam mê kinh doanh, ông từng đam mê nhạc hồi WW2. Dù không đọc được nốt nhạc, sau khi nhờ bạn chỉ bấm phím đàn piano, Ari đã tập suốt 6 tháng; đánh được một số bản nhạc classic của Bach! Ari có cá tính mạnh: Ông có 400 bộ veston nhưng chỉ mặc cố định bộ màu xám ở NY, màu blue ở Paris và màu nâu ở London. Hôm 8/8/1963 Jackie Kennedy sanh thiếu tháng con trai Patrick khiến nó chết yểu 2 hôm sau. Ari bèn lấy cơ hội bay đến an ủi đệ nhất phu nhân Mỹ và mời vợ chồng bà du lịch Hy-lạp bằng du thuyền của mình. TT Kennedy bận nên từ chối nhưng bà Jackie nhận lời ngay. Sau chuyến đi, bà về lại nhà hôm 17/10 với quà của Ari: Chiếc dây chuyền kim cương nặng cân! Khi Ari đang ở Hamburg thì nghe tin TT Mỹ bị ám sát chết hôm 22/11/1963. Ông liền bay đến thủ đô Mỹ để dự tang lễ. Sau này Jackie có lần báo cho Bobby Kennedy biết bà muốn thành hôn với Ari. Thư ký Tuckerman của Jackie hôm 17/10/1968 loan báo hôn lễ nhằm ngày 20/10/1968. Khi Bobby bị ám sát chết, Ari cũng bay qua Mỹ để chia buồn.

Trong thánh lễ hôn phối hôm ấy, hai con Caroline và John Jr của Jackie trông sửng sốt. Ngược lại, hai con Alex và Christina của Ari trông hầm hầm bực bội. Sau đám cưới của Ari với Jackie, nhiều thư và điện tín gởi Maria để chia buồn; trong đó có hoàng tử Rainier và công chúa Grace gốc Mỹ của Monaco. Để cho bớt xốc, Maria lăn xả vào công việc. Hôm 28/1/1970 cô hát tại Paris l’Opéra; có phu nhân TT Pompidou tham dự. Ari cố gọi để làm lành với Maria nhiều lần nhưng đều bị phụ tá Bruna trả lời “Non, Madame n’est pas ici”. Nhưng lỳ và “dai như đỉa” vốn là sở trường của Ari nên dịp may đã đến để thắng lợi hoàn toàn: Báo chí Mỹ đăng nhiều thư tình của Jackie; Ari đọc hết nhưng chiếu cố nhất thư bà gởi cận vệ Roswell Gilpatric. Thư này khiến vợ ông ta nộp đơn ly dị. Jackie gọi chồng Ari để xin lỗi và “thanh minh thanh nga” nhưng Ari không thể bỏ qua dịp may để trở lại với Maria. Hôm 21/5/1970 ông cho đăng ảnh chụp chung thắm thiết với Maria ở Maxim Paris. Jackie thấy thế lồng lộn gọi Ari từ NY báo sẽ bay ngay đến tận nơi và mở cuộc họp báo tại Maxim.

Nhưng bà không cản được Ari quấn quít bên Maria suốt 4 đêm liền sau 2 năm trường xa vắng. Đúng là “tình củ hổng rủ cũng đến!”. Thức quá khiến Maria mất ngủ phải uống thuốc an thần hơi quá liều và phải vào bệnh viện Mỹ ở Paris để trị theo kiểu “nhà giàu đứt tay hơn ăn mày đổ ruột!”. Thế là giới truyền thông tung tin cô toan tự sát và đổ tội “tại Ari chứ còn ai trồng khoai đất này!”. Maria bênh Ari bèn nhờ luật sư riêng Yves Cournot kiện Radio Luxembourg và Noir et Blanc về tội tung tin vịt; thắng kiện được bồi thường 20,000 Francs. Lần đầu không hát mà vẫn được lãnh tiền khiến cô hết bệnh ngay. Vận “hên” chưa hết: Hôm 15/8/1970, Ari bay trực thăng đến bãi biển thăm cô đang tắm nắng; tặng cô nụ hôn môi trong lều vải và gắn vào đôi tai cô vặp bông tai cổ 100 tuổi; chắc mua từ cuộc đấu giá của quý tộc ở lâu đài sơn son thiếp vàng nào đó! Vận hên khiến cô nhớ lại hôm 31/10/1964 với sự hỗ trợ của Ari, lần đầu cô được làm chủ chiếc du thuyền 27,000 tấn tên Artemission II giá 3.9 triệu.

Maria thường nhận được nhiều hoa hồng đỏ tại hotels; trong đó có hoa của Ari với chữ ký và lời chúc; ngoại trừ bó hoa không chữ ký mà cô nhận ra là của chồng. Lần thứ nhì sau cuộc nội chiến 1945 ở Hy-lạp, cô gặp Sir Winston Churchill trên du thuyền Christina của Ari cùng phu nhân Clementine và con gái Diana hôm 23/7/1958. Cô vui bao nhiêu thì ông chồng Meneghini cùng đi rầu bấy nhiêu. Ông chồng Ý già lụm khụm dù chỉ hơn Ari 9 tuổi; hay càu nhàu vì mù tịt Anh ngữ, nghèo Pháp ngữ; đã không biết bơi lại còn dễ say sóng khiến phải “cho chó ăn chè”! Vì sóng lớn, đa số khách vào phòng riêng; chỉ có cô và Ari bên ngoài tâm sự phần lớn bằng Hy ngữ. Ari cho tàu ghé Smyrna thăm nơi sinh quán. Tại Istanbul, vị thượng phụ giáo chủ Orthodox đã ban phép lành cho hai người mà báo chí gọi là “hai người Hy nổi tiếng nhất thế giới”. Cả Ari và cô quỳ bên nhau cứ như thể là đám cưới khiến chồng già Ý càng cay cú. Ông chồng già sau đó càng hậm hực vì tại London, Ari phục vụ cô suốt 6 giờ; lại còn bỏ ra 50 bảng Anh hối lộ ban nhạc ở Dorchester chơi toàn điệu Tango suốt đêm cho cô vui!

Các sự kiện trên du thuyền ấy là bước đầu rạn nứt trong hôn nhân của cô sau này: Hôm 3/9/1959 cô tuyên bố quan hệ hôn nhân với chồng đã chấm dứt. Vì thế chồng Meneghini nộp đơn xin chính thức ly dị hôm 14/11/1964. Quan tòa Cesare Andreotto xử chia tài sản hợp lý; quyền quản lý tài chính 12 năm nay của chồng cũng chấm dứt sau màn diễn Medeas ở Dallas hồi 1964. Từ ngày tỷ phú đến với Callas, cô chăm đi lễ Orthodox hơn; thường thắp nến tại đền Madonna. Dù Ari không muốn, cô cũng đã có thai ở tuổi 43 và có lẽ đã sảy hoặc phá thai. Maria biết Ari rất thương con nên ráng lấy lòng chúng nhưng thất bại ngay từ đầu: Con trai duy nhất với quyền thừa kế của Ari là Alexander chống cô ra mặt. Có lần cô mua tặng nó và em gái (mang tên du thuyền) áo khoác nhưng chúng không thèm mở quà! Chúng có ác cảm vì cho rằng cô đang “cướp” bố chúng từ tay chúng và mẹ chúng! Chính ác cảm này của chúng khiến Ari không có ý định cưới Maria! Về phần Tina Onassis, nghi khó tránh nạn “tan cửa nát nhà” nên hôm 25/11, Tina đã nộp đơn ly dị lên tòa tối cao NY State; tố chồng tội dâm ô. Hôm 23/10/1961, Tina lên xe hoa với một hầu tước. Hôn lễ cử hành tại nhà thờ Orthodox ở Paris.

Ari đang gặp nhiều sóng gió nội bộ gia đình và thường hành động quyết liệt khi nóng giận. Ông cắt quỹ tín dụng khi hay tin con gái Christina 6 tháng trước đã lén thành hôn với Joseph Bolker, nhà kinh doanh bất động sản ở Las Vegas mà ông không muốn gả; cho đến khi nó phải ly dị anh ta. Vợ cũ Tina hôm 22/10/1971 đã thành hôn với đối thủ cũ Stavos Niarchos sau khi ly dị chồng hầu tước Blandford. Niarchos từng bị bắt điều tra về cái chết bí ẩn của vợ vốn là chị em ruột của Tina. Tuy nhiên Ari không còn hơi sức đâu để can thiệp mọi việc khi chính bản thân đã tạo ra sóng gió: Ari thú nhận “sai lầm tai hại” khi cưới cựu đệ I phu nhân Mỹ, kẻ mà ông mô tả là “lạnh lùng và hời hợt”; và sau này cũng như con gái, ông tin bà ta là “điềm gở”, một loại femme fatale! Tai họa lớn nhất xảy ra cho Ari khi con trai độc nhất Alexander bị tử thương tai nạn máy bay hôm 22/1/1973 ở Athens. Chiếc Piaggio trong khi bay thử cùng phi công mới bị trục trặc; lết 460 feet trên phi đạo trước khi lật. Alex bị thương nặng nơi đầu và chết trong phòng cấp cứu. Ari đau đớn tột cùng; định ướp xác con, rồi lại xin chôn trong nghĩa trang của nhà nguyện Skorpios; không được vì đây là nơi chôn các vị tử đạo vị bọn Hồi giáo Ottoman tàn sát. Cuối cùng Ari thương lượng được chôn cạnh đó rồi tính sau. Cái đau của Ari cũng gây chấn thương nhiều nhất cho Maria.

Ari nay bị bệnh myasthenia gravis khiến ông nói lắp và sụp mí mắt. Ý định ly dị Jackie từ hồi 1972 chưa kịp thực hiện. Gia tài từ 1973 đến nay suy sụp đến 1 tỷ. Hôm 15/1/1975, Ari phải ký văn bản chuyển giao Olympic Airways cho chính phủ Hy-lạp vì không còn điều hành được phương tiện này. Vài tuần sau, Ari ngất xỉu ở Athens; được đưa đi Paris trị sạn thận. Ông không quên đem theo hành trình cuối là chiếc mền len màu đỏ của Maria tặng birthday. Cuộc giải phẫu hôm 10/2/1975 không làm ông hồi tỉnh; rồi ông qua đời hôm 15/3/1975. Maria vì không có tư cách pháp nhân để chăm sóc ông nên đã rời Paris hôm 10/3/1975 đi Mỹ; mướn nhà ở Palm Beach.

Về phần Maria, cô không chịu nổi sự cô quạnh đến nỗi có lần phải kêu phụ tá Bruna đem 2 con chó đến ngay vì chúng nó “trung thành nhất” với cô. Trước các cuộc họp báo, cô luôn giới thiệu 2 con chó Djedda nâu và Pixie trắng, quà tặng của Ari. Ngoại trừ Ari, cô thường không gọi ai đích danh mà chỉ gọi gián tiếp “mon ange, mon grand diable” (nàng tiên, đồ quỷ sứ). Cô từng trả lời Barbara Walters rằng “Aristotle là tình yêu lớn nhất đời tôi!”. Hôm 4/12/1972 khi đang thu băng với Stefano, cô hay tin bố mất ở Athens ở tuổi 86 và mù lòa. Cái tang lớn khiến hát không hay và cuộn băng không được phổ biến. Hôm birthday thứ 50, cô hát ở London. Cử tọa và đồng nghiệp tán thưởng vì yêu thương hơn là chất lượng giọng ca của cô. Mùa thu 1974, cô cùng Stefano đi hát ở châu Á gồm Seoul và 5 thành phố ở Nhật hôm 11/11; cũng là lần chót khán giả nghe cô hát trên sân khấu. Trong tháng 10/1974 khi đang ở Nhật, cô hay tin Tina chết trong Hotel de Chanaleilles ở Paris. Con gái Christina vẫn nghi chồng mới của mẹ là thủ phạm dù y khoa kết luận là bệnh phổi. Christina là người đã nghi mẹ ghẻ Jackie là “điềm gở” khiến dì, anh và mẹ đều chết sau khi bà ta xâm nhập gia đình này. Từ Nhật, bất ngờ Maria bị xuất huyết hernia nặng phải bay về Paris gấp và ngất xỉu khi đến nơi.

Maria nay trông gập lưng, quầng mắt nhiều vết nhăn và mập hơn. Hôm 21/2/1977, cô viết thư lần chót cho godfather Dr. Leonidas (gọi tắt Leo); than thở áp suất máu thấp nhưng hy vọng trở lại bình thường trong một tuần như mọi khi. Nhưng điều đó không bao giờ đến nữa. Đầu năm 1977, cô bảo phụ tá Vasso soạn di chúc để lại gia tài cho Bruna và Ferruccio nhưng lại chưa ký tên. Chuyến du hành chót của cô là đi Hy-lạp; quỳ cầu nguyện nhiều giờ trước mộ của Aristotle Onassis ở Skorpios rồi về lại Paris. Theo phụ tá Bruna, hôm 16/9/1977, cô ngủ dậy trễ, ăn sáng trên giường, té ngã sau vài bước ngắn định vào washroom. Bruna vài lần gọi cho bác sĩ của cô và bệnh viện Mỹ không được. Rồi bác sĩ của Ferruccio nói sẽ đến ngay nhưng chưa đến nơi thì Maria đã tắt thở. Mắt cô nhắm thanh thản, cặp môi hơi hé mở như nói gì đó chưa hết câu, ngực có chiếc thánh giá và một bông hồng. Báo chí Paris sáng hôm sau đăng tin nữ hoàng opera của thế kỷ đã băng hà vì đột quỵ; titre trang nhất viết đậm: “La prima donna du siècle: La cantatrice Maria Callas est mort hier à 13h30 par suite d’un accident cardiaque!”.

Nhà phê bình Ý Rodolfo Celletti chê giọng cô là đậm, khô và thô. Còn Nicola Rossi-Lemeni kể rằng thầy Serafin của cô đánh giá giọng cô là “Una grande vociaccia” (khỏe và vĩ đại), hợp với bất cứ bài nào viết dành cho giọng nữ”. Carlo Maria Giulini nhận xét giọng Callas nếu nghe quen sẽ thấy đó là một “magical quality” mà chỉ cô có được. Michael Scott cho rằng giọng Callas là “natural high soprano”. John Ardoin tuyên bố Callas là hiện thân của “soprano sfogato” (soprano vô giới hạn), một mezzo-soprano thiên bẩm hồi thế kỷ XIX.

Trên đây là phê bình về thể loại giọng; còn về chất lượng thì không nhà phê bình nào phủ nhận được âm vực của giọng Callas rất rộng: Từ notes cao nhất đến thấp nhất (in màu đỏ); từ (F♯3)  dưới C4 (màu green) đến E6 trên C6 (màu blue). Rodolfo Celletti viết rằng giọng cô là “una voce voluminosa, squillante e di timbro scuro” (khỏe, xuyên thấu, đậm). Trong cuộc phỏng vấn Richard Bonynge của Opera News hồi 1982, ông nói cô có chất giọng “colossal” (sang sảng). Michael Scott phân biệt chất giọng cô trước 1954 là “dramatic soprano cực đỉnh”; sau diet thành “soprano leggiero” (kim nữ linh hoạt). Ngay cả “đối thủ” (báo chí thổi phồng) soprano Renata Tebaldi người Ý cũng phải khen cô là “giọng soprano coloratura khỏe, thật đặc biệt” và “tuyệt đối lạ lùng!”. Tóm lại, cô hát notes trầm bằng lồng ngực nên rất đậm và mạnh; notes trung bằng vòm miệng tựa như thổi vào miệng chai; và notes cao bằng tổng lực mãnh liệt tựa như vận dụng thêm cùng lúc mà Rodolfo Celletti miêu tả là một giọng phụ trợ nào đó từ bên ngoài, từ trên cao song hành. Soprano chuyên nghiệp Ewa Podleś hồi 2005 nhận xét có lẽ Callas có “3 voices, 3 ranges” chăng!

Callas được tán thưởng hồi 1959 tại Royal Concertgebouw ở Amsterdam nhờ đã thể hiện năng khiếu thổi sức sống vào nhân vật và cô đóng; mà theo Matthew Gurewitsch: “một trong những bí mật lớn của Callas là chuyển dịch giây phút đặc thù của nhân vật thành giọng nói”. Nhà phê bình Ý Eugenio Gara bổ sung thêm: “Cô biết biến thành nhạc tiết cái đau của nhân vật mình đóng, nỗi hoài vọng của hạnh phúc đã mất; nỗi khắc khoải bập bềnh giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự kiêu hãnh và sự van xin, giữa sự mỉa mai và sự rộng lượng vốn rốt cuộc hòa tan vào nỗi đau nội tâm của một siêu nhân. Những cảm tính đa dạng và đối nghịch nhất, những dối trá, những tham vọng, cảm tính mãnh liệt, những hy sinh tột cùng; mọi dằn vặt trong tim, đạt được từ giọng hát của cô cái thực bí ẩn ấy mà tôi có thể nói rằng chính là tiếng kêu tâm lý vốn là sự thu hút sơ đẳng của opera”. Antonino Votto còn cho rằng Callas là “nghệ sĩ vĩ đại nhất cuối cùng”. Cô không chỉ là một giọng hát mà còn là một “nghệ sĩ toàn diện, một hiện tượng siêu nghệ nhân”.  Tờ Opera News hồi 2006 đã khẳng định “gần 30 năm sau khi qua đời, cô vẫn được định nghĩa như một nghệ nhân và một trong số ca sĩ nhạc cổ điển có đĩa bán chạy nhất”.


(Tang lễ Maria Callas tại nhà thờ Orthodox St Stephen ở Paris 20/9/1977)

Callas trả quốc tịch Mỹ tại Tòa Đại sứ Mỹ ở Paris hồi 1966 để dễ dàng kết thúc hôn nhân với chồng vốn được chứng nhận với thủ tục của GHCG Roma thay vì GH Orthodox Hy-lạp; và cũng  không còn phải đóng thuế cho Mỹ. Callas từ đó sống cô lập, bất hạnh và khó khăn ở Paris. Callas mất ngày 16/9/1977 tại đây ở tuổi 53. Tang lễ được cử hành tại thánh đường Greek Orthodox St Stephen trên Rue Georges-Bizet ở Paris hôm 20/9; sau đó được hỏa táng tại nghĩa trang Père Lachaise. Hũ tro nghi bị chồng cũ trộm rồi lại tìm được. Tro cuối cùng được trải xuống biển Aegean của vùng duyên hải Hy-lạp hồi mùa xuân 1979 theo di chúc của người quá cố.

(BT Văn Hóa Hy-lạp Nianias trải tro Maria Callas xuống Aegean Sea hồi 1979 theo di chúc)

Để vinh danh thiên tài soprano Maria Callas 100 tuổi năm nay (1923-2023), giới ái mộ đã lập nhiều dự án quan trọng; trong đó một viện bảo tàng lớn tại Athens được xây cất, một cuộc triển lãm lưu động tại nhiều nước trên thế giới được tổ chức, và một bộ phim của Hollywood về sự nghiệp của danh ca gốc Hy Lạp được đóng. Diapason Magazine của Pháp, chuyên về nhạc cổ điển và sân khấu kịch opera cho biết đây không phải là lần đầu thủ đô Athens tôn vinh một ”vĩ nhân” gốc Hy-lạp nổi tiếng toàn cầu. Cách đây hai thập niên, viện bảo tàng đầu tiên dự trù dành cho Maria Callas đã được xây ở thủ đô Athens nhưng vì hụt vốn vận hành, bảo tàng này buộc phải đóng cửa sau hơn 7 năm hoạt động (2002-2008). Athens City Committee thông báo hồi cuối năm 2022 sẽ thành lập một viện bảo tàng mới để thay thế. Viện bảo tàng thứ nhì này ở Athens dự trù sẽ mở cửa đón khách vào mùa hè năm 2023. Tuy nhiên, đúng ngày sinh lần thứ 100 của Maria Callas hôm 2/12/2023 sẽ có các chương trình đặc biệt để kỷ niệm.

Athens City Hall sau đó đã quyên đủ tài lực và được cung cấp thêm nhiều tài liệu phong phú, đa dạng hơn trước chưa từng phổ biến để trang bị cho viện bảo tàng thứ nhì này. Ngoài ra, viện bảo tàng mới còn có các tư liệu, thủ bút của Maria Callas từ hồi cô còn học ở trường Quốc Gia Âm Nhạc với ảnh chụp, băng ghi âm, chữ ký, vật dụng cá nhân, nữ trang, trang phục sân khấu …vv… Quỹ “Maria Callas Foundation” do ông Tom Volf điều hành được thành lập năm 2017 theo đề xướng của Georges Prêtre người Pháp, nhạc trưởng và bạn đồng hành sát cánh bền bỉ với cô từ thập niên 1950s đến khi cô qua đời. Quỹ này sẽ phối hợp với các viện bảo tàng và phòng triển lãm để trưng bày những tài liệu chưa từng được phổ biến này. Cuộc triển lãm lưu động thứ nhì này sẽ đến các quốc gia Hy-lạp, Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Điển và Hoa Kỳ; là những nơi Maria Callas đã từng trình diễn.

Nhiều hiệp hội văn hóa ở Hy-lạp và các nhà sưu tầm tư nhân cũng đóng góp tư liệu dồi dào.  Diapason Magazine cũng cho biết vị thị trưởng đương nhiệm Kostas Bakoyannis của Athens đã góp công không nhỏ trong nỗ lực ngoại giao để quyên góp; bao gồm hầu hết các đại hý viện trên thế giới, nơi Maria Callas từng đến trình diễn lúc sinh thời; kể cả Metropolitan Opera và Carnegie Hall ở New York; La Scala ở Milano, La Fenice ở Venice và Arena di Verona, nơi Maria khởi nghiệp tại Ý hồi 1947. Thân nhân của một số nghệ sĩ quá cố vốn từng là bạn của cô ở Hy-lạp như Alekos Fassianos, Dimitris Mytaras, Panagiotis Tetsis đã tặng viện bảo tàng nhiều tư liệu liên quan đến Maria Callas.

Các tuồng “Carmen” của Bizet, “Tosca” của Puccini, các dĩa opera trứ danh của hãng EMI (Warner Classics sau này) là di sản của họ. Theo tờ hữu khuynh “La Croix”, sau ngày Maria Callas qua đời, nhạc trưởng Georges Prêtre cùng một số bạn thân lập hội fans “La Callas”, tiền thân của qũy tài trợ hiện nay có mục tiêu bảo vệ di sản nghệ thuật của danh ca Hy-lạp. Quỹ đã mua lại nhiều tư liệu liên hệ từ các cuộc bán đấu giá bao gồm cả thư từ, nhật ký, bản thảo viết tay, hình ảnh gốc và phim âm bản. Các tư liệu này đã giúp các nhà sưu tầm, nghiên cứu sinh và du khách tiện việc tham khảo, hội thảo chuyên đề, biên kịch hoặc tạo các cuộc triển lãm lưu động; chẳng hạn chương trình ”Maria by Callas” hồi 2017 tại hý viện “La Seine Musicale” ở Paris, cung triển lãm “Grimaldi” ở Monaco hồi 2018. Hý viện Châtelet ở Paris năm 2022 đã giới thiệu lại vở kịch của tác giả Tom Volf với nữ tài tử điện ảnh Monica Bellucci trong vai danh ca Maria Callas; dựa trên quyển ”Lettres & Mémoires” của Maria Callas do nhà xuất bản Albin Michel phát hành. Cuộc trình diễn bắt đầu hôm 14/11/2022 tại thủ đô Paris; mở màn các chương trình kỷ niệm về Maria Callas trên toàn nước Pháp trong năm 2023.

Nhật báo Greek Herald đưa tin, tại thủ đô điện ảnh Hollywood, một bộ phim với tựa đề ” Maria” do Steven Knight viết kịch bản và tài tử điện ảnh Angelina Jolie đóng vai Maria Callas; phác họa lại sự nghiệp của Maria Callas và đoạn cuối cuộc đời; từ thập niên 1970s giữa lòng kinh đô ánh sáng Paris chạnh lòng hồi tưởng kiếp “cầm ca” đầy thử thách và vinh quang; quá khứ vàng son và tương lai đen bạc. Phim “Maria” được đạo diễn trứ danh Pablo Larraín 46 tuổi người Chilé thực hiện. Pablo Larraín từng nhận đề cử Oscar; từng đoạt giải tại nhiều liên hoan lớn kể cả Cannes (2012), Berlin (2015) và Toronto (2016). Ông chuyên về thể loại phim tiểu sử; từng quay phim về cuộc đời của tác giả Pablo Neruda, phu nhân Jackie Kennedy, công nương Diana Spencer. Cả hai bộ phim tiểu sử Jackie (2016) và Spencer (2021) do Kristen Stewart và Natalie Portman đóng vai chính đều được đề cử giải Oscar về “diễn viên nữ xuất sắc nhất”.

Maria Callas hồi sinh thời từng được Leonard Bernestein mệnh danh là “Bible of Opera“. Nhờ  giọng cao thuần “dramatic coloratura” đầy màu sắc, kịch tính và tài trình diễn xuất chúng, Maria đã trở thành một trong các giọng ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX nói riêng; trong lịch sử nhạc cổ điển nói chung. Cô “bất tử” theo chính định nghĩa về sân khấu opera của mình: “Nó bắt đầu lâu trước khi màn sân khấu mở; chấm dứt lâu sau khi màn đóng; nó bắt đầu với trí tưởng tượng của tôi; trở thành đời tôi và giữ một phần đời tôi lâu sau khi tôi rời sân khấu. Cử tọa chỉ thấy một đoạn trích”! Gần nửa thế kỷ sau ngày từ giã sân khấu và cõi đời, Maria Callas vẫn giữ vị thế của một trong các giọng ca soprano được sủng ái nhất trong làng ca kịch opera. Giọng soprano hay nhất thế kỷ XX ấy để lại hậu thế một huyền thoại mà cuộc đời của chính thiên tài Maria Callas cũng mang yếu tố bi kịch bên ngoài sân khấu opera vậy.

HÀ BẮC

(tham khảo tài liệu “Maria Callas, The Woman Behind The Legend” của Arianna Stassinopoulos và các tài liệu cập nhật khác)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here