Bạn bè – Bằng hữu – Tri âm & Tri kỷ.

2

Bạn bè – Bằng hữu – Tri âm & Tri kỷ.

Linh Vũ

Nhận email của một người bạn gửi đến về câu chuyện của một người ăn mày và ông phú hộ rất lý thú về tình bạn tri kỷ. Cho dù chuyện đó đúng hay sai nó cũng là một bài học cần thiết ở đời để chúng ta làm nền tảng cho cuộc sống khi chọn bằng hữu. Theo sự hiểu biết của chúng tôi thì câu chuyện người ăn mày và ông phú hộ không phải là đôi bạn tri kỷ. Vì chỉ trong khoảnh khắc cùng nhau uống trà, chưa biết rõ về nhau, chưa hiểu cá tính của nhau thì làm sao trở thành người bạn tri kỷ được. Nhất là sự bất kính của người ăn mày khi ông phú hộ lịch sự tiếp đãi mình chén trà, ông không nói tiếng cảm ơn mà còn buông lời khen chê. Thuật trà đạo đâu phải là chuyện lấp biển vá trời. Nó chỉ là một nghệ thuật pha trà, chỉ cần học hỏi, có người hướng dẫn cách chế biến thì ai cũng làm được một ly trà thơm ngon tuyệt vời. Vấn đề hướng dẫn cách pha trà ngon để thưởng thức, điều này chưa phải “ắt có và đủ” để kết luận là người bạn tri âm tri kỷ được.

Trước đây chúng tôi có đọc những câu chuyện như Chung Tử Kỳ và Bá Nha, Quản Trọng Thúc Nha, Lưu Bình Dương Lễ hay Hachiko là chú chó của giáo sư Hidesaburo Ueno Nhật Bản nói về tình bạn tri kỷ.v.v. Thật ra muốn có một người bạn tri kỷ không đơn giản như những chuyện kể đó. Một người bạn cho là tri kỷ có rất nhiều điều liên quan đến như bản chất cá nhân, kiến thức, địa vị, tính tình, quan niệm sống của đôi bên có đồng điệu với nhau hay không? v.v. Nhìn trên một vài quan điểm nào đó, thông thường người ta chỉ nói là bạn thân mà thôi, ít ai nói người đó là bạn tri âm tri kỷ cả, vì bạn tri kỷ rất hiếm hoi để có được, nhất là trong cuộc sống hôm nay.

Đây là một đề tài nhiều thú vị. Hôm nay tôi muốn góp một vài ý kiến thô thiển để chia sẻ cùng với các bằng hữu. Chúng tôi chỉ muốn góp ý chứ không phải là phê bình hay có dụng ý nào khác mong quý vị thông cảm. Bài viết này với mục đích chia sẻ với nhau để cuộc sống có nhiều niềm vui hơn là buồn phiền trách móc. Đồng thời giúp chúng ta có một khái niệm, một cái nhìn tương đối chính xác về tình bạn để khỏi nhầm lẫn khi kết bạn. Nếu chúng ta kết bạn với những người không ra gì, họ sẽ làm tổn hại đến danh dự, thân thế và cuộc sống của mình. Trước khi đi sâu vào vấn đề tôi xin định nghĩa các từ mà chúng ta thường nói.

Bằng hữu là từ Hán Việt(朋友)là một từ ghép Hán việt đẳng lập, gồm hai yếu tố có nghĩa tương đương nhau. Bằng(朋)có nghĩa là bạn bè và hữu(友)cũng có nghĩa là bạn bè. Tuy nhiên nói rõ hơn “bằng” dùng để chỉ những người bạn cùng môn, cùng trường, cùng thầy… Chữ “Hữu” dùng để chỉ những người có chung chí hướng, chung một đạo lý, chung một lý tưởng… gọi là hữu….

Còn “bạn bè” cũng có sự khác biệt. “Bạn thân” là những người bạn sẵn sàng đồng cam cộng khổ, sẵn sàng chìa tay vực dậy mỗi khi ta vấp ngã, họ không bao giờ quay lưng bỏ đi…”Bè” là những người bạn chỉ quan tâm đến tiền tài, danh vọng, địa vị, quyền lực, sắc đẹp, thời trang, rượu chè, ăn nhậu, nhục dục, không cùng chung lý tưởng.v.v. Cổ nhân có câu: “Tửu thực đệ huynh thiên cá hữu, cấp nạn chi thì nhất cá vô !” Anh em có ăn thịt uống rượu thì ngàn người cũng có, đến lúc hoạn nạn tìm một người cũng không thấy!

Tuy nhiên, nói chung nhiều người gọi người quen biết của mình là bạn thân của họ. Thật ra chữ bạn thân chưa có định nghĩa nào rõ ràng, chính xác cả, tuy nhiên chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản như thế này. Bạn thân là người mà bạn có thể tâm sự mọi điều với họ dù chuyện đó tốt hay xấu, thầm kín hay đã phơi bày trong xã hội, họ không ngần ngại nói ra với bạn hay có thể giúp đỡ bạn trong một vài trường hợp.

Chính vì thế mới có sự phân biệt rõ ràng giữa “bạn” và “bè”. Cho nên có nhiều người thường nói: Có “bạn thân” thì hạnh phúc, tốt đẹp hơn, ngược lại có nhiều “bè” thì cuộc sống nhiều phiền toái, giận hờn, than trách, thù nghịch nhiều hơn và đó chính là những điều bất hạnh. “Bè” là những người không giúp bạn tốt hơn trong cuộc sống, thực chất của họ dựa trên sự ích kỉ, chỉ muốn thỏa mãn mục đích cá nhân mà thôi.

Tóm lại, trong cuộc sống đời thường của chúng ta thường có nhiều bè hơn là bạn. Lý do tại sao? Là vì chúng ta thường nhìn thấy bề ngoài của một con người, không có nhận xét sâu sắc về họ, không thấy bề trái của họ ra sao. Cho nên gặp nhiều sai lầm khi kết bạn. Điều quan trọng nữa là chúng ta luôn kỳ vọng quá nhiều nơi người khác mà không bao giờ nhìn lại chính bản thân mình. Đồng thời, chúng ta ít khi chấp nhận một sự thật hay sự sai lầm của mình. Chúng ta không biết thông cảm hay tha thứ và bỏ qua những thiếu sót, những lỗi lầm của người bạn. Đôi khi chúng ta không có tình yêu thương đủ, không mở rộng lòng mình để nói lên những điều xây dựng tốt đẹp chân thành nhất của mình, hay luôn có lòng ganh tị, khoe khoang và ngay cả đối phương cũng vậy. Cho nên, những điều nêu trên chính là hạt giống giữa hai người bạn trong buổi ban đầu khi kết thân thành bằng hữu. Điều đó, nếu ngược lại nó là một động lực vô tình đẩy hai người mỗi lúc càng xa hơn trong tình bạn và không bao giờ trở thành một “tri kỷ” hay “bạn thân” được, đôi khi còn là kẻ thù của nhau.

Tóm lại, muốn có một người bạn thân, người ta chỉ nghĩ một cách đơn giản là, người đó phải là người bạn tâm đắc, hiểu rõ tâm tư tình cảm của mình; nhất là lúc làm bạn với nhau thì có phước cùng hưởng, họa cùng đau, biết thông cảm, tha thứ và đầy lòng thương yêu. Cổ nhân có câu: “Đắc nhân tri kỷ, khả dĩ bất hận”, cho nên sống ở đời tìm được một người tri kỷ rất ư là khó.

Bây giờ chúng tôi xin nói rõ hơn hai từ “tri âm, tri kỷ” là gì?

Trước khi chúng tôi định nghĩa từ tri âm, tri kỷ chúng tôi xin nêu lên một câu chuyện về Bá Nha-Tử Kỳ đời Xuân Thu, có lẽ chuyện này ai cũng biết. Bá Nha là người gảy đàn, Chung Tử Kỳ là người nghe gảy đàn. Cả cuộc đời của Bá Nha không có ai nghe thấu được tiếng đàn của ông và hiểu được nội tâm, cũng những suy nghĩ của ông như thế nào ngoài Chung Tử Kỳ. Cho nên khi Tử Kỳ chết Bá Nha đập vỡ cây đàn và không bao giờ đàn nữa. Tử Kỳ được gọi là bạn “tri âm” của Bá Nha, nhưng chưa chắc đã là tri kỷ. Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết hơn ở phần dưới.

Nghĩa chữ “tri” là gì? Tri có nghĩa là biết, là hiểu được. Ví  dụ như trong  bài thơ của nhà nho Nguyễn Công Trứ có hai câu: “Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc, Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn” Hay Lão tử có câu “nhân giã, nhân giã, bất tri giã đạo giã, đạo giã, bất tri tâm “.v.v. Còn chữ “kỷ” nghĩa là ta, là mình ví dụ như : Tự kỷ hay Kỷ sở bất dục… Nói tóm lại một cách ngắn gọn thì Tri kỷ : Tự biết mình. Tri âm: Biết rõ về người khác. Tri âm tri kỷ: Biết người biết mình.

Trở lại chuyện Bá Nha Chung Tử Kỳ, chúng tôi cho là chỉ có tri âm mà thôi, chứ chưa chắc hoàn toàn là tri âm tri kỷ, là vì tri kỷ nó gồm nhiều yếu tố khác để tạo thành. Thứ nhất là giữa Bá Nha Tử kỳ chưa biết rõ về tính tình của nhau, thói quen tật xấu, tham vọng, sự tha thứ, yêu thương hay lý tưởng của nhau. Khi gọi là tri kỷ thì chính người đó phải có lòng chân thật, chấp nhận sự bất đồng của nhau, phải thật sự có lòng yêu thương, biết quan tâm đến cảm xúc của nhau, chấp nhận những ưu khuyết điểm của nhau, phải biết chia sẻ, ủng hộ, xây dựng hay giúp đỡ họ bất kỳ trường hợp nào, không hiềm khích, tị hiềm, ganh ghét, nghi kỵ, biết hy sinh cho nhau.v.v. Thứ hai là thời gian, rất cần thiết để hiểu nhau hay hiểu tư duy của nhau và phải trải nghiệm qua nhiều thử thách trong cuộc sống thực tế… Tuy nhiên vẫn còn nhiều khía cạnh khác trong đời sống nữa để kết hợp lại cùng nhau mới trở thành một người bạn tri âm, tri kỷ được. Cho nên, một người bạn thân chưa chắc đã là một tri âm tri kỷ, Có người lý luận rằng tri kỷ là thứ tình cảm vô định hình…Ngay cả việc Tử kỳ hiểu được tiếng đàn của Bá Nha không hẳn trở thành tri kỷ vì còn có những yếu tố khác liên quan như: Ít nhất Tử Kỳ cũng có khả năng hiểu biết về âm nhạc sâu xa, biết sử dụng nhiều loại nhạc cụ, biết khúc nhạc đó của ai, muốn diễn tả điều gì. Nhất là thời gian và không gian được nghe khúc nhạc đó ở đâu, tâm trạng của Tử Kỳ lúc đó ra sao.v.v. Chứ không thể nghe được tiếng đàn mà trở thành tri kỷ được, có thể là tri âm mà thôi, tri âm thời nay rất nhiều. Chúng ta hãy thử nghĩ xem nếu một người không biết tí gì về âm nhạc thì làm sao hiểu được tiếng đàn đó muốn diễn đạt về điều gì? Sự quen biết nhất thời làm sao có thể kết luận là tri kỷ được. Hơn nữa hai người sống trong hai hoàn cảnh khác nhau, danh vọng, giàu sang, địa vị khác nhau chưa chắc có thể kết hợp thành một người bạn thân được. Trên thực tế đời sống sẽ làm thay đổi suy nghĩ và lòng dạ của con người. Ví dụ một người có gia đình sẽ suy nghĩ khác hơn một người độc thân, hay một người có trình độ hiểu biết, sự giáo dục cao, địa vị khác nhau, có quan niệm sống khác biệt, thì sự suy nghĩ và quan niệm sống cũng khác nhau, sự kết bạn cũng có những chọn lựa khác. Như vậy làm sao có thể trở thành người bạn tri kỷ nhanh chóng được. Thời gian, sự trải nghiệm và đời sống thực tế cũng quan trọng không kém.

Cho nên, đối với sự hiểu biết và phân tích của chúng tôi thì chuyện Bá Nha Tử Kỳ không thể là tri kỷ được, chỉ có tri âm mà thôi. Nếu đem so chuyện đó với câu chuyện Quản Di Ngô, có tên gọi khác là Trọng đời Xuân Thu, vốn người có tài kinh bang tế thế. Ông có người bạn là Bảo Thúc Nha đi buôn chung. Cuộc sống giữa hai người có nhiều gắn bó với nhau trong nhiều năm tháng. Họ trải qua bao thế sự thăng trầm, bao đổi thay cuộc thế, bao gian khổ đời thường, bao gian nan cơm áo, bao thăng trầm trong danh vọng, chức quyền. Nhưng tình bạn không hề thay đổi. Chính vì thế, sau cùng Quản Di Ngô nói một lời tận đáy lòng mình là chỉ có Bảo Thúc Nha là người tri kỷ của mình. Và ông thở dài nói: “Sinh ra ta là cha mẹ nhưng hiểu biết ta ở đời chỉ có một Bảo Thúc Nha mà thôi” (theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ). Với câu chuyện của Thúc Nha và Quản Trọng mà chúng tôi vừa nói, đây có thể cho là những người bạn tri kỷ được. Tóm lại, tri âm hiểu tiếng, tri kỷ hiểu lòng hay tri âm dễ kiếm, tri kỷ khó tìm.

Trở lại câu chuyện người ăn mày và ông phú hộ đây không phải là bạn tri kỷ lý do tại sao. Đây chỉ là nghệ thuật uống trà của người Trung Quốc từ ngàn xưa, kỹ thuật này ai cũng có thể học được cả. Không phải ở Trung Quốc thời đó chỉ có một ông ăn mày biết cách pha trà mà có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người có kỹ thuật pha trà còn cao hơn ông ăn mày đó nữa. Câu chuyện ông ăn mày và phú hộ thật sự không thể kết luận là tri kỷ được. Thứ nhất, ông phú hộ chưa học hay chưa biết về đỉnh cao nghệ thuật thưởng thức trà hay cách pha trà. Cho nên việc ông ăn mày pha chế trà chỉ là xảo thuật trong nghệ thuật uống trà mà ông phú hộ chưa biết mà thôi. Nếu ai đó có học qua cách pha trà thì việc tạo nên một ly trà thơm quá ư dễ dàng. Như vậy trong nghệ thuật pha trà có gì liên quan to lớn đến tính nhân bản và bản chất của một con người? Còn việc ông phú hộ nuôi ông ăn mày ở trong nhà, chỉ cũng là tôi tớ pha trà cho ông mỗi ngày mà thôi. Thật ra giữa hai người chưa có điểm tương quan nào hay đã hiểu biết nào về tính tình, cách đối xử, quan niệm sống, đạo đức, trình độ, tình thương và nhiều nhiều nữa trong đời sống thực tế trong buổi đầu gặp gỡ…thì không thể một sớm một chiều là tri kỷ được.

Hay câu chuyện Hachiko là chú chó của giáo sư Hidesaburo Ueno. Chúng tôi xin tóm gọn như sau: Hàng ngày, khi ông chủ ra nhà ga để lên tàu đi làm, chú cho Hachiko đều đi theo tiễn chủ và mỗi buổi chiều, chú chó đều ra nhà ga để chờ đón ông chủ trở về. Một hôm, ông Hidesaburo bị nhồi máu đột ngột rồi qua đời tại nơi làm việc. Ông mãi mãi không thể trở về. Thế nhưng, chú chó Hachiko vẫn kiên nhẫn ngồi đợi ông chủ mỗi ngày trong suốt 9 năm dài đằng đẵng….Sau đó chú cho Hachiko cũng chết. Có người cho câu chuyện này là chú chó Hachiko là tri kỷ của Hidesaburo. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó không đúng, mà phải nói rằng đó là một tình bạn đẹp, sự trung thành của con vật mà thôi. Hay nói đúng hơn chỉ là thói quen sau nhiều năm tháng của chú chó với người chủ, sự trung thành của chú chó có thể chỉ là một phản ứng tự nhiên của thói quen hay luyện tập mà thôi, vì tri kỷ không phải chỉ đơn giản có lòng trung thành mà thôi. Tri kỷ chỉ nói đến loài người mà thôi.

Trong cuộc sống có nhiều loại bạn mà nhiều người thường gọi nhau như: Bạn đời, bạn tình, bạn nối khố, bạn tri kỷ, bạn học, bạn cùng khóa, bạn đồng hương, bạn đồng lứa, bạn chiến đấu, bạn đồng nghiệp, bạn văn nghệ, bạn đồng chí, bạn nhậu.v.v. Và còn nhiều loại bạn nữa. Cho nên không dùng một vài trang giấy có thể nói hết về ý nghĩa trong tình bạn được. Có lẽ trong nhiều sách của Thánh hiền, hay nhiều tôn giáo cũng có lời dạy về tình người, tình bằng hữu, tình hiếu đạo, tình vợ chồng, lòng biết ơn, lòng trung thành, kẻ quân tử, người tiểu nhân rất là nhiều, đọc một đời không hết được. Con người là một sinh vật khó hiểu nhất trên vũ trụ. Lý thuyết thì nhiều nhưng thực hành lại ít, nói thì hay nghe hợp lý và êm tai, mật ngọt nhưng thực hiện theo lời nói thì khó. Cũng như một câu nói mà nhiều người thường than van mỗi ngày trong cuộc sống của mình “Đời là bể khổ” nhưng con người không ai chịu học “bơi” để thoát ra khỏi bể khổ đó. Tóm lại, con người là một sinh vật khó hiểu nhất, sống không thực với chính bản thân mình, cho nên tìm một tri kỷ giống như mò kim đáy biển.

Bây giờ chúng tôi nói thêm về đạo bằng hữu mà nhiều người thường nhắc nhỡ nhau. Nếu chúng ta muốn hiểu ai đó thì chỉ cần nhìn vào bạn bè của họ, bạn sẽ biết các giá trị và ưu tiên của người đó như thế nào. Phần này có nhiều điểm khá đúng vì ngưu tầm ngưu mã tầm mã thế thôi. Hãy kết giao với những người bạn biết sống hạnh phúc và vui vẻ trong cuộc đời của họ. Tình bạn là tình cảm của một người biết quan tâm, giúp đỡ, đồng cảm, một người mình có thể tin tưởng để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Một người bạn luôn ở bên cạnh, động viên và nhắc nhở, giúp đỡ những lúc mình sa cơ thất thế hay sai đường lạc lối. “Đạo bè bạn bất phân nhân với ngã”. không nên nhìn về lỗi lầm của bạn, mà nhìn về điểm tốt của bạn. Không xét điểm xấu của bạn, mà nên nhớ đến những điều ân đức của bạn, không để ý những khuyết điểm của bạn, mà phải nhớ ưu điểm của bạn. Cho nên việc tìm một người bạn thân rất khó, cần nhiều thời gian, người đời có câu: Thức khuya mới biết đêm dài. Ở lâu mới biết lòng người dở hay (có nhân). Hay “Đường dài mới biết sức ngựa, việc lâu mới thấy lòng người”.

Tóm lại, chúng tôi chỉ chia sẻ một vài cảm nghĩ về tình bạn, tri âm, tri kỷ, bằng hữu, bạn bè để chúng ta suy gẫm. Theo chúng tôi nghĩ, những người bạn gọi là bạn thân, thật sự sẽ luôn trở thành điểm tựa cho bạn, lắng nghe bạn, giúp đỡ bạn và đưa ra lời khuyên nhủ để bạn giải quyết mọi vấn đề khó khăn hay bất ổn. Những người bạn tốt luôn biết tôn trọng lẫn nhau, biết quan tâm cho nhau.  Họ luôn mong muốn bạn thành công trong công việc và hạnh phúc trong gia đình. Còn bạn “bè” thí lúc nào cũng có, chỉ cần một chai rượu, một thùng bia, một cân thịt sẽ có ngay. Một điều quan trọng nữa, chúng ta nên nhớ, ngày nay công nghệ internet rất phổ biến trên toàn cầu, đã mở ra một cánh cửa để giao lưu, một cơ hội kết bạn với hàng trăm, thậm chí hàng ngàn người “bạn” trên mạng xã hội toàn thế giới, như facebook, Google… chẳng hạn. Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn thận khi kết bạn, việc nào cũng có hai mặt của nó tốt và xấu. Chúng ta phải hiểu rằng những người bạn đó không phải là bạn thân, bạn tri âm, tri kỷ đâu, nên cẩn thận trong việc này khỏi bị gặp nhiều buồn phiền mang đến. Cầu chúc mọi người bình an hạnh phúc.

Linh Vũ

2 COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here