C Ộ I   N G U Ồ N

0

C Ộ I   N G U Ồ N

Phan Đông Thức

Từ ngày chồng mất, Diệp đi về một bóng riêng tư cho dù chung quanh nàng có rất nhiều người theo đuổi. Diệp còn khá xinh dù nàng đang ở tuổi trung niên. Sáng nay, sau khi tan cuộc họp với các bạn đồng khoa để quyết định một ca mổ cho một người đàn bà chửa gần đến ngày sinh nhưng vì bị té sấp nên cần giải phẩu gấp để cứu mẹ và con. Sau đó, Diệp về văn phòng mình và nhẹ nhàng khóa cửa lại. Ngồi trên chiếc ghế đệm nàng nghĩ, hôm nay phải làm một quyết định dứt khoát là có nên trao bức thư tuyệt mệnh của chồng nàng cho đứa con gái đầu lòng của nàng hay không vì nàng đã cất giữ lá thư này hơn bốn năm nay.

Là một bác sĩ sản khoa, nàng đã trải qua những quyết định thật khó khăn trong y học nhưng đối với Diệp lần quyết định này khó gấp vạn lần so với nghề nghiệp chuyên môn của nàng. Ngồi thừ người trên ghế, hai tay nàng chống dưới cằm, đôi mắt nàng như nhắm sầm lại, Diệp hồi tưởng lại một khoảng thời gian khá dài đi qua đời nàng mà nàng cứ ngỡ như mới chỉ hôm qua.

Sau ngày miền Nam mất, gia đình nàng tất cả mười ba người theo chân đoàn người di tản ra khỏi Sài Gòn và đến Hoa Kỳ rất sớm. Sau đó, gia đình nàng được chuyển đến trại Fort Indianatown Gap, một căn cứ huấn luyện vệ binh quốc gia trong tiểu bang Pennsylvania. Căn cứ huấn luyện quân sự nay biến thành trại tạm cư cho những người di tản từ Việt Nam đến. Ðã bốn tháng trôi qua, gia đình nàng ngày nào cũng chứng kiến từng gia đình đi định cư khắp các tiểu bang do các hội nhà thờ bảo trợ hay những gia đình người Mỹ tình nguyện vì lúc này họ đã hiểu được ý nghĩa đích thực của chiến tranh Việt Nam. Vì gia đình nàng quá đông nên không ai dám cưu mang bảo trợ cùng một lúc. Bố nàng cảm thấy bực mình lại pha trộn một ít dị đoan, ông thường lầm bầm trách cứ con số 13 sao xui đến thế. Ðời ông sao lận đận quá, mới chừng tuổi này mà đã hai lần lìa bỏ quê hương.

Các đứa em của Diệp cũng thấy nôn nao và mong cho đến ngày thoát ra trại này và bằng lòng định cư bất cứ nơi đâu vì không còn chọn lựa nào khác hơn. Và mãi đến tháng thứ sáu, khi trại tạm cư này hình như gần vắng người tị nạn, gia đình nàng mới quyết định chia nhau ra từng nhóm nhỏ nhưng xin định cư cùng một tiểu bang với hy vọng có ngày gặp lại vì lúc đó có mấy ai biết được rằng tại Hoa Kỳ muốn sinh sống chỗ nào cũng được. Vả lại, các em của Diệp lúc ấy phần lớn đều ở tuổi vị thành niên. Cuối cùng, gia đình nàng cũng được mãn nguyện vì cùng về tiểu bang Michigan trong vùng Ngũ Ðại Hồ.

Diệp thay mặt bố mẹ nàng đưa bốn cô em gái cùng đi định cư ở một thành phố nhỏ cách thủ phủ Lansing gần mười dặm đường do một hội thiện nguyện Thiên Chúa giáo bảo trợ. Bấy giờ tiết trời đang độ cuối thu, những cánh hoa tuyết đầu mùa bắt đầu lất phất bay và đây cũng là mùa tuyết đầu tiên các chị em nàng thấy tuyết rơi trong đời. Những ngày đi học mấy chị em nàng co ro trong chiếc áo lạnh kềnh càng nhưng thích thú.

Vì là chị cả trong gia đình, Diệp tự đặt cho mình một trách nhiệm là phải chu toàn lời hứa với bố mẹ nàng lo chăm sóc những đứa em gái nhỏ nhất. Sau mấy tháng đi học được một số vốn tiếng Anh căn bản, và nàng cũng dành dụm được một số tiền nhỏ, nàng mua lại một chiếc xe của một người láng giềng chuyên bán thức ăn nhanh cho sinh viên tại một trường đại học Y khoa cạnh nhà nàng. Trước khi di tản sang Hoa Kỳ, Diệp là một sinh viên Y khoa năm thứ ba tại Việt Nam và chính trường Y khoa cạnh nhà nàng đã thôi thúc nàng trở lại với nghề nghiệp mà nàng đã chọn và thực tâm theo đuổi đến cùng.

Lúc bấy giờ một ý nghĩ chợt đến với nàng là liệu nàng có đủ khả năng tiếp tục con đường y học mà nàng đã từng ấp ủ bấy lâu nay hay không? Ðây cũng là một cố gắng vượt bực có thể ngoài tầm tay với nhưng chín năm sau đó nàng đạt được mảnh bằng Y khoa, khoa phụ sản.

Nàng còn nhớ rất rõ, những ngày đứng bán thức ăn nhanh cho sinh viên, Diệp gặp lại Huân, một người bạn cũ mà trước kia anh là một sinh viên trường Bách Khoa Phú Thọ. Nàng và Huân lúc còn ở Việt Nam đã quen thân với nhau và hai gia đình cũng đồng ý để Diệp lấy Huân sau khi cả hai đều tốt nghiệp, nhưng biến cố tháng Tư năm 1975 đã làm hai người xa nhau tưởng chừng không còn gặp lại. Gia đình Huân còn kẹt lại Việt Nam, chỉ có chàng là người duy nhất di tản đến Hoa Kỳ. Huân gặp lại Diệp lần này trong một hoàn cảnh thật éo le.

Chàng thấy người yêu của mình vào mỗi buổi sáng phải đứng bán thức ăn cho sinh viên và thì giờ còn lại của ngày, nàng vào thư viện trường Y khoa ngồi đọc sách y học; có khi lệ khệ khuân một chồng sách mượn về nhà, chàng thấy tim mình đau nhói. Rồi đến một hôm, Huân đến thư viện đón nàng và cũng ngày hôm ấy chàng đề nghị với Diệp rằng chàng muốn giúp nàng hằng tháng một số tiền để nàng có đủ thì giờ ôn bài chờ ngày thi vào Y khoa. Thực ra, Huân đang là một người thợ sửa xe hơi chuyên nghiệp của một hãng xe có tiếng trong vùng nên vấn đề giúp Diệp không đến nỗi khó khăn về mặt tài chính.

Lúc ban đầu Diệp cảm thấy ngần ngại trước đề nghị của Huân nhưng vì yêu nghề cho nên nàng chấp nhận cho dù trong đời nàng chưa bao giờ muốn thụ ân ai cả. Hơn nữa, Diệp vẫn còn dành nhiều cảm tình đối với chàng. Những ngày cuối tuần, Huân đưa Diệp đi mua sắm hay ra công viên tản bộ cho nàng thư giãn sau một tuần miệt mài với sách vở. Vào một ngày cuối thu, Diệp và Huân ngồi bên nhau dưới một gốc sồi già trong công viên trên một đỉnh đồi, nàng nằm trên cỏ đầu tựa vào đùi Huân, hai người im lặng đưa mắt nhìn xuống phía dưới chân đồi. Một hồ nước trong vắt tĩnh lặng dưới bầu trời xanh. Xa xa ở phía cuối hồ, đàn sâm cầm nhỏ chợt bay đến rồi bay đi làm nước một góc hồ lăn tăn gợn sóng. Trong không gian tĩnh mịch này hai người ngồi bên nhau tưởng tượng và vẽ ra một tương lai cho gia đình mình. Diệp âu yếm nhìn Huân và hỏi:

– Anh đang nghĩ gì thế?

Huân cúi xuống và đặt cái hôn nhẹ trên trán nàng và bảo:

– Anh đang nghĩ về em và tương lai cho gia đình chúng ta sau ngày em tốt nghiệp là một bác sĩ.

Nghe Huân nói, nàng cảm động sung sướng và nàng ghì cổ chàng xuống để một cái hôn thật nhẹ trên môi. Một lúc sau, Diệp ngồi dậy và tựa lưng mình vào vai Huân. Chàng đưa tay ra phía sau và ôm Diệp vào lòng. Nũng nịu bên người yêu trên đồi vắng chiều nay, nàng cảm thấy ấm áp, một cảm giác lâng lâng, thanh thoát chưa từng có trong đời nàng. Mông lung nghĩ đến tương lai, bỗng dưng Diệp hỏi Huân:

– Anh Huân này, nếu chúng ta sau này có con thì anh sẽ đặt cho con tên gì?

Trong lúc đang suy nghĩ, chàng nhìn xa xa về phía chân trời một làn mây trắng nhẹ bay qua bầu trời xanh và phía dưới chân đồi là một con đường rộng với hàng cây bạch dương chạy quanh bờ hồ làm chàng nhớ đến một câu thơ trong truyện Kiều mà chàng đã đọc đâu đó thời còn học ở trung học:

Thênh thênh đường cái, thanh vân hẹp gì và chàng bảo với Diệp rằng chàng sẽ đặt tên con mình là Thanh Vân. Chàng say sưa giải thích cho Diệp nghe cái tên vừa rồi để đặt cho đứa con đầu lòng của mình. Thanh Vân ngoài cái nghĩa là mây xanh, nhưng cũng còn có nghĩa là con đường công danh hiển lộng. Chàng muốn con mình sau này sẽ thành đạt cũng như Kiều khuyên Từ Hải ra hàng với triều đình rồi sẽ được trọng dụng và hưởng ơn vua lộc nước. Con đường công danh rộng mở thênh thang của Từ công sẽ không ai sánh bằng và bấy giờ Kiều cũng đã đường đường là một đấng mệnh phụ; nàng đắc hiếu với gia đình mà Từ Hải cũng đắc trung với vua.

Nghe đến đây Diệp mỉm cười mắng yêu Huân và nàng bảo:

– Anh thì lúc nào cũng nho chùm với điển tích như ông cụ non ấy! Em chịu anh rồi đấy, anh Huân ạ!

Cầm lấy tay Diệp chàng hỏi:

– Còn em thì sao nào?

Lúc này nàng nguýt yêu Huân và trong tay đang vân vê cọng cỏ khô. Diệp mơ màng đưa mắt nhìn xuống chân đồi và chỉ cho Huân hàng trúc thưa xơ xác lá và bảo:

– Em thì không hoa hòe, hoa sói như anh. Em học Y khoa rất thực tế, giản dị và em sẽ đặt tên cho con mình là Thu Trúc, vì trước mặt chúng ta là hàng trúc trong tiết thu. Ngày xưa Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không viết:

               Thu ăn măng trúc đông ăn giá

               Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao

là gì nào. Cả hai cùng cười và dắt tay nhau chạy xuống đồi.

Sau khi tốt nghiệp, Huân và Diệp dọn về vùng Thung Lũng Hoa Vàng, tiểu bang California đầy nắng ấm vì hai người muốn trốn chạy cái giá lạnh của miền Bắc. Nơi đây Huân mở một tiệm chuyên sửa xe và Diệp cũng được một bệnh viện trong vùng tuyển dụng. Có tiếng gõ cửa bên ngoài, những hoài niệm về một dĩ vãng vội tan biến như bóng một chiếc xe chạy vụt nhanh qua khung cửa sổ văn phòng nàng.

…..Trong căn phòng khá ngăn nắp, sau khi dỗ con ngủ xong, dù đôi mắt cay xè vì đêm qua con nàng quấy mãi, Thanh Vân rón rén đến bàn trang điểm của mình lấy bức thư mà mẹ nàng trao cho nàng cuối tuần qua. Vì quá bận rộn với đứa con đầu lòng nên nàng vẫn để lá thư nằm trong ngăn kéo khá lâu cho dù Mẹ nàng giục nàng đọc càng sớm càng tốt. Cầm lá thư trong tay, nàng từ từ rút hai tờ giấy ghép một cách thận trọng và bắt đầu đọc.

Hai con yêu thương của Bố,

Ðây là lá thư đầu tiên và cũng là lá thư cuối cùng Bố viết cho hai con. Có lẽ khi hai con đọc lá thư này thì Bố đã ra người thiên cổ. Sở dĩ mãi đến giờ này thư mới đến tay hai con vì có lẽ Mẹ của các con đã giữ được lời hứa với Bố rằng khi hai con thực sự lớn khôn, thành đạt Mẹ mới trao lá thư tuyệt mệnh này. Bố chọn ngày sinh nhật thứ hai mươi mốt của hai con để Bố kết liễu đời mình vì Bố nghĩ rằng ở tuổi này các con đã khôn lớn và trưởng thành. Bố biết ngày Bố mất gia đình ta không vui mà cũng không buồn vì Bố nghĩ sự hiện diện của Bố chỉ là cái bóng mờ của Mẹ con và cái gai thật nhọn của hai con. Cái chết của Bố thật tiêu cực; thay vì Bố bỏ nhà để đi một nơi khác hay về Việt Nam sống với ông bà nội nhưng Bố nghĩ Bố còn sống trên cõi đời này là một bất hạnh cho gia đình chúng ta. Bố chết đi để Mẹ và hai con thảnh thơi trong suy nghĩ vì không còn bóng người đàn ông trong gia đình để hai con ghét bỏ và khinh thường… 

Ðọc đến đây những giọt nước mắt lăn tròn trên đôi gò má nhạt màu phấn son từ bấy lâu nay và hình như nàng không còn để ý đến nhan sắc của mình nữa cho dù chính cái nhan sắc này đã làm mê mệt không biết bao nhiêu chàng trai từng theo đuổi nàng. Thanh Vân không thể đọc thêm nữa vì nước mắt ràng rụa làm mờ nhạt những giòng chữ kế tiếp. Nàng vật vã và gục đầu xuống bàn, hai tay bưng mặt khóc nức thành tiếng và nàng gọi từng hồi… Bố ơi! Bố ơi! Con đang khổ lắm Bố ơi!!!

Nắng bên ngoài đã lên cao. Cơn gió nhẹ lay động cành hoa đào đang nẩy lộc sau một mùa đông trụi lá đánh nhẹ vào khung cửa kính làm nàng tỉnh lại. Nàng lau mắt và ngồi thu người trong chiếc ghế bọc vải nay đã bạc màu. Nhìn qua khung cửa kính, nàng thấy mấy chú ong con đang bay lượn quanh mấy nụ hoa cam ở một góc vườn và nàng đứng dậy kéo chiếc mành cửa lại. Bên trong căn phòng gần như tối sầm lại. Nàng rón rén đến bên con, thằng bé đang ngủ say và nhẹ nhàng nằm xuống. Nàng lấy chiếc chăn bông mỏng đặt lên bụng, hai tay đan lại đặt dưới đầu làm gối, đôi mắt còn đọng vài giọt nước mắt còn sót lại, im lặng nhìn lên trần nhà và suy nghĩ mông lung.

Cũng như mẹ nàng, Thanh Vân cũng có một quá khứ riêng tư. Một dĩ vãng hiển hiện chạy dài trong tâm hồn nàng. Nàng hồi tưởng những gì mẹ nàng kể cho hai chị em nàng nghe trong tuổi ấu thơ. Thanh Vân và Thu Trúc là hai chị em song sinh. Bố mẹ nàng rất sung sướng và mãn nguyện về hai cái tên mà hai người đã chọn trên đồi vắng vào một buổi chiều thu nọ để đặt cho con mình. Thuở bé, hai chị em nàng được bố mẹ kể cho nghe những chặng đường gian khổ sau khi đặt chân đến Hoa Kỳ. Lúc ấy hai chị em không có một ý niệm gì về thời gian và không gian; chỉ biết học hành, vui chơi với bạn bè cùng lớp và với mấy đứa con cùng lứa tuổi của người láng giềng. Khi lớn lên, hai chị em Thanh Vân và Thu Trúc mới hiểu thế nào là giá trị về con người, cuộc sống, đẳng cấp trong xã hội. Càng lớn lên, cái nhìn về giá trị của con người của hai chị em nàng càng gay gắt hơn.

Hai chị em nàng thường theo chân bố mẹ tham dự những tiệc cưới, sinh nhật, lễ ra trường của con cái bạn bè hay những buổi tiệc tất niên của bệnh viện mẹ nàng tổ chức. Trong những dịp này, Thanh Vân và Thu Trúc đều chứng kiến ai cũng đến bắt tay, ân cần chào hỏi và gọi mẹ nàng là bà bác sĩ Phùng mà không ai đoái hoài đến bố nàng cả. Hai chị em nàng hãnh diện trước danh xưng mà mọi người dành cho Mẹ nàng. Sự phân chia giai cấp lếu láo của tiền nhân chúng ta mà mãi đến hôm nay vẫn còn ăn sâu trong đầu óc trẻ thơ ở đất nước xa lạ này.

Hai chị Em nàng hằng ngày phải chứng kiến đôi bàn tay dính dầu nhớt của người bố; ý niệm này đã đưa đẩy hai đứa nhỏ mới lớn đến một cái nhìn rất khó chịu về người đã sinh ra mình. Những lời giảng giải về đạo đức, cuộc sống và tư cách làm người của người cha đều bị gạt bỏ ngoài tai vì nó không còn hợp với lối sống mà hai chị em nàng cho là văn minh của xã hội Mỹ.

Đêm nay, Thanh Vân không sao ngủ được và nàng bước nhẹ nhàng đến tủ lạnh lấy nước uống. Nàng không trở về giường nằm. Nàng bước lại gần cạnh một chiếc bàn nhỏ nơi đây có một bức ảnh chụp chung với các bạn cùng lớp lúc nàng và Thu Trúc tốt nghiệp trung học. Nhìn bức ảnh nàng nhớ lại lúc hai chị em nàng đang học lớp 11, nhà trường tổ chức cắm trại trước khi nghỉ hè. Ðêm hôm ấy, hai chị em nàng và các bạn quây quần chung quanh đống lửa trại và kể nhiều chuyện vui. Những câu chuyện vui giòn nối tiếp nhau. Ðến phiên một người bạn gái, cô này là người quậy phá nhất lớp đứng lên đưa mắt nhìn hai chị em nàng và nói cho cả bọn cùng nghe. Cô gái nói:

– Thay vì tôi kể cho các bạn nghe một câu chuyện vui hay một chuyện tiếu lâm, tôi xin đưa ra một câu đố.

Tôi đố các bạn bố của Thanh Vân và Thu Trúc làm nghề gì và nhà có bao nhiêu chiếc xe hơi? Tất cả mọi người trong nhóm ai cũng chú ý đến một đề tài mới như thế và mọi người đều nhìn nhau nhưng chẳng tìm được câu giải đáp cho câu đố hóc búa này vì trong đám bạn bè dù thân thiết đến mấy có ai để ý đến nghề nghiệp của cha mẹ hay tài sản riêng từng gia đình bao giờ.

Thấy không ai trả lời được, cô bạn ấy bảo bố của hai chị em song sinh này làm nghề tài xế và gia đình của hai người bạn chúng ta có mười hai chiếc xe. Ðến lúc này mọi người lao nhao và đòi cô bạn gái ấy giải thích thêm. Cô bạn gái này không ngại ngùng và nói tiếp:

– Này nhé, nếu bố của hai người bạn chúng ta không là tài xế thì tại sao đặt tên con mình là Thanh Vân (ten vans) và Thu Trúc (two trucks). Nói đến đây tất cả mọi người đều vỗ tay và cười rộ lên, chỉ có hai chị em nàng đứng dậy và bỏ về lều nằm chờ sáng. Cũng chính câu chuyện vui vô tình này đã đẩy chị em nàng xa lánh người bố ngày càng xa hơn và thù ghét ra mặt.

Có những buổi cơm chiều hai chị em không bao giờ ăn cùng với bố mẹ và cứ viện cớ nào là bận làm bài vở hay đang tiếp tục xem một phim truyện hay. Dần dà, Huân cũng hiểu được thái độ của hai đứa con gái đối với mình. Anh có đem nhận xét này ra bàn với Diệp nhưng nàng chỉ ậm ừ chiếu lệ và tảng lờ đi vì chính Diệp cũng thấy mình khác hẳn đi. Nàng hình dung rằng nàng đang thuộc về một đẳng cấp mới. Về sau này, khi tham dự tiệc tùng với bạn bè, Diệp thường đưa hai con đi với mình hơn mà không có Huân. Nàng viện lẽ đi thăm một người bạn thân vừa mới sinh, hay một bệnh nhân vừa hồi phục sức khỏe do nàng chữa trị, dự tiệc thôi nôi con của một người bạn… Nói tóm lại, nàng viện những lý do có liên quan đến nghề nghiệp nàng và đàn bà.

Cũng như mẹ, mộng ước của Thanh Vân là muốn trở thành một bác sĩ Y khoa vì nàng cho rằng phải là bác sĩ mới được người đời nể phục và trọng vọng. Sau khi học xong trung học được sự khuyến khích của bố mẹ và các cô chú, nàng cũng bỏ ra nhiều thì giờ đầu tư cho danh vọng này nhưng đám bạn bè chung quanh nàng đã đưa nàng xa rời ước vọng ấy.

Thời gian ở trung học cũng như đại học, Thanh Vân chỉ chơi thân với các bạn người Mỹ. Nàng hình như có rất ít bạn gái người Việt Nam, còn con trai Việt thì chẳng bao giờ nàng để ý đến; nếu có chăng thì cũng chỉ lụy mình để quay cóp bài vở rồi tảng lờ luôn như chẳng nợ nần hay quen biết. Nàng cho rằng làm bạn với các bạn người Mỹ vẫn oai hơn, chơi với người Mỹ vẫn sang hơn chơi với đám Giao chỉ da vàng, mũi tẹt. Có lúc nàng tâm sự với một cô bạn gái Việt Nam duy nhất, nàng bảo:

– Mình thấy con trai Việt Nam đã lùn, tóc rễ tre, chẳng biết ga-lăng hay chi địa cho con gái mà đòi hỏi đủ thứ. Bồ thấy không, con trai Mỹ lúc nào cũng lịch sự, thực tế và chịu chơi lắm!

Sở dĩ nàng có cái quan niệm lệch lạc này vì nàng có đến năm người dì đều lấy chồng người Mỹ. Có gia đình khá hạnh phúc nhưng cũng có gia đình đổ vỡ vì dị biệt chủng tộc và văn hóa. Mỗi lần các dì về thăm gia đình nàng, các bà thường khuyến khích nàng nên lấy chồng người Mỹ cho dù các bà vẫn biết mình muốn khác với cội nguồn của chính mình là một việc không dễ. Từ đó, Thanh Vân vẫn sống mãi với những lời khuyên mang âm hưởng của sự bội phản giống nòi này.

Thực tế cho nàng thấy rằng nàng đã hai lần thi trượt vào dự bị Y khoa vì nàng lúc nào cũng lo chăm sóc cái dung nhan, diện mạo bên ngoài hơn là bồi dưỡng cái kiến thức bên trong của mình. Lái chiếc xe BMW bóng loáng, nhiều lúc nàng đi về thâu đêm. Nàng không bao giờ để ý đến lời khuyên của bố mẹ vì lúc nào nàng cũng cho rằng mình đã đủ kinh nghiệm và trưởng thành. Thậm chí khi xe nàng hư hay cần thay dầu nhớt định kỳ, nàng không bao giờ đem đến tiệm sửa xe của bố nàng mà đến một tiệm khác để sửa vì nàng không muốn thấy người bố mình dầu nhớt dính đầy tay. Tiến là người thường xuyên sửa xe cho nàng, và một hôm anh chợt hỏi:

– Ủa, sao cô không đem xe đến tiệm bố cô để ông ta sửa không tiện sao mà đem đến đây?

Nàng lạnh lùng đáp:

– Ông chủ tiệm ấy đâu phải bố tôi, anh nhầm đấy.

Từ ngày sửa xe cho Thanh Vân đến giờ, bao giờ Tiến cũng rất chu đáo và chàng không tính một đồng nào cho dù nàng rất sòng phẳng trong vấn đề tiền bạc. Mỗi lần sửa xong, chàng luôn luôn bảo:

– Sửa xe cho người đẹp như cô mà lấy tiền thì mang tội chết.

Thanh Vân cho đó là một lời khen chân thành của Tiến dành cho nàng. Thực ra, trong thâm tâm của Tiến, chàng đã nuôi dưỡng một mối tình câm không thể nói ra được, vì nếu thổ lộ cho nàng biết, chàng sẽ nhận một lời từ chối không thương tiếc. Thà đành vậy, chàng vẫn cứ nuôi dưỡng một mối tình tuyệt vọng với hy vọng một ngày nào đó sẽ thành sự thật hơn là không có tình yêu.

Rồi đến một buổi sáng, Thanh Vân vẫn còn nằm vật vã trên chiếc giường nệm với chiếc chăn bông sau mấy hôm đi chơi với các bạn tại Cancun, tận xứ Mễ Tây Cơ nhân dịp nhà trường cho nghỉ khóa Mùa Xuân. Nàng cảm thấy khó chịu trong người và muốn nằm thêm cho đến trưa, nhưng hình như có một cái gì ngờn ngợn trong cổ gần như muốn nôn nên nàng bước ra khỏi giường và đi vào phòng tắm. Nhìn mình trong gương, Thanh Vân giật mình khi thấy mình có một cái gì khác lạ hơn lúc bình thường dù chỉ mới ngày hôm qua. Vừa cúi xuống lấy ống kem đánh răng, bỗng nhiên nàng nôn ọe vào bồn rửa mặt nhưng chỉ có một ít nước trong miệng nàng theo ra… nàng ôm bụng và ngồi xuống sàn nhà một hồi lâu. Nàng trở lại giường và nằm đến chiều. Khi nghe tiếng chân mẹ về, nàng rón rén bước ra và nói cho mẹ nàng biết triệu chứng của nàng sáng nay. Là một bác sĩ sản khoa, Diệp có rất nhiều kinh nghiệm trong khoa phụ nữ này.

Sau khi nói chuyện xong, mẹ nàng kết luận một câu chắc nịch rằng nàng đang có thai. Nghe đến đây, Thanh Vân cảm thấy trời đất như tối sầm lại và cái mộng ước trở thành bác sĩ kia của nàng giờ tựa như bọt biển gặp mùa gió động. Trở lại phòng nằm, nàng ôm bụng một lúc thật lâu và cố moi trong trí nhớ của nàng ai là chủ cái bào thai này, nhưng nàng không tài nào nhớ ra. Xã hội Mỹ ngày nay cũng dễ làm cho một thanh niên mới lớn có đủ tự tin rằng mình có thể cặp bồ với nhiều người cùng một lúc mà bất chấp hậu quả. Trường hợp cuả Thanh Vân cũng không ra ngoài ý niệm này. Cái bào thai trong bụng giờ này, nàng không biết thằng John đúc cốt hay thằng Jack tráng men vì cùng một lúc nàng có rất nhiều bạn trai mà người nào Thanh Vân cũng dễ dàng trong vấn đề luyến ái.

Biết được đứa con gái đầu lòng của mình chẳng may có thai, Diệp thuê một căn phòng cho Thanh Vân ở một thị trấn khá xa nơi nàng cư ngụ. Thật ra cái xã hội vật chất Mỹ này, người đàn bà không chồng mà có con thì đầy nhan nhản, thậm chí đây còn là một khuyến khích trong giới phụ nữ vì họ không muốn có bóng dáng người đàn ông trong gia đình có thể làm họ bận tâm trong cuộc sống. Nhưng đối với Diệp, nàng vẫn còn có một cái gì rất Á đông vì sợ tai tiếng với bạn bè và bà con của nàng. Diệp không khuyến khích con mình phá thai vì nàng không muốn con cái mình phạm tội giết người; vả lại, nàng cũng muốn có một đứa cháu ngoại để bồng thay cho sự trống vắng của gia đình nàng từ bấy lâu nay.

Tiếng chuông vang lanh lảnh một góc phòng đưa Thanh Vân trở về với thực tại. Nàng uể oải xuống giường và nhè nhẹ bước đến cửa. Nàng đưa tay vặn chiếc khóa và mở hé cửa chỉ đủ trông thấy người bên ngoài; hơn nữa, nàng không muốn ai thấy vẻ tiều tụy của nàng sau khi đọc xong bức thư tuyệt mệnh của bố nàng viết cho. Vừa mở cửa, Thanh Vân nhận ra người vừa mới bấm chuông là Tiến. Chàng đến đây để trao cho Thanh Vân chiếc chìa khóa xe mà nàng đã bỏ xe để sửa cách đây mấy hôm.

Tiến đặt gọn chiếc chìa khóa trong tay nàng trong khi ấy đôi mắt chàng vẫn đăm đăm trìu mến nhìn nàng. Biết Tiến đang nhìn mình, nàng quay mặt vào bên trong và nói vọng ra như một lời cám ơn. Tiến chào nàng ra về. Nàng khép cửa lại và đứng bên trong nghe rõ từng bước chân của Tiến đi xuống cầu thang và từ từ xa dần. Nàng thư thả trở về giường nằm nghiêng về phía con và hình như nghe văng vẳng đâu đây lời nói vọng của bố nàng:

 “Con ạ! con người chúng ta hơn nhau không luận trên nghề nghiệp, địa vị hay tiền bạc mà hơn nhau ở tư cách và đạo đức làm người.” 

Nghĩ đến đây, Thanh Vân cảm thấy hình như có một tình yêu đâu đây vừa mới ẩn hiện trong tâm hồn nàng… và nàng thiếp đi lúc nào không hay bên cạnh đứa con vừa mới tròn.

Phan Đông Thức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here