CHIỀU HÈ SEATTLE

0

LINH VŨ

Lâu quá, hình như tôi đã quên hết những dòng nhạc, mà mười năm trước đây tôi thường song tấu với cô con gái lên bảy của tôi, trong những ngày cuối tuần. Thời gian qua nhanh quá, thắm thoát đã hơn mười năm, hôm nay tóc cũng vừa xen nhiều sợi trắng, những nốt nhạc, những âm hưởng uyên ảo ngày xưa đã sánh đặc theo tháng ngày cơm áo. Lâu lắm, tôi cũng không có dịp sinh hoạt liên quan đến âm nhạc, cho nên dù cố nhớ lạị, hay muốn thổi lại một đoạn nhạc nào đó, sao nó khó khăn vô cùng. Có lẽ tôi đã mất hết những cảm hứng, hay đã quên đi những dòng âm thanh trầm bổng thuở nào, những kỷ niệm làm lòng mình quặn đau. Tôi thật sự đã quên hết âm sắc tuyệt vời của âm nhạc, kể từ ngày xa rời con tôi. Những nốt nhạc hồn nhiên của tuổi thơ, tôi không còn thấy nhảy múa, một cách huyền hoặc trên bàn tay dịu mềm ngày nọ. Mười năm, bây giờ chỉ còn lại, những giọt nước mắt khô lăng mòn trong trái tim tôi. Trong khoảng đời xa cách. Hôm nay, rất hân hạnh, tôi được đến dự một Party vào hạ, trong khu vườn nhà anh chị GS dương cầm Liên Tâm với nhà báo Nguyễn Tấn Lai. Anh đã dành cho tôi một bất ngờ thích thú, không báo trước nội dung buổi họp mặt với chương trình biểu diễn độc tấu Dương Cầm của các em nhạc sinh  lớp Dương Cầm Liên Tâm. Buổi hợp tấu hôm nay chỉ dành riêng cho các phụ huynh và bạn hữu thân thiết thưởng thức.

Trên sân cỏ khu vườn ngập đầy bóng mát, các nhạc sinh trẻ, đùa giỡn tung tăng quên cả mồ hôi đã ướt đầm trên áo, có em ngồi thì thầm bên vai mẹ như mong được sự che chở trước giờ trình diễn. Những nét mặt âu lo trong đôi mắt đen ngời tuổi nhỏ, một hình ảnh quen thuộc bất chợt làm lòng tôi chùng lại. Tuổi thơ, và tiếng đàn chợt rộn ràng giữa cảnh đẹp của mùa hè. Tôi im lặng đưa mắt nhìn theo những bàn tay vuốt nhẹ những nốt trầm bỗng trên cung bậc phím đàn một cách mềm mại, đam mê, bỗng dưng làm lòng tôi hụt hẫng. Tôi nhớ đến một kỷ niệm đầy ấp ngậm ngùi. Những giọt nước mắt tuổi thơ của con tôi mười năm trước giờ này như lạnh ướt, loãng tan theo những tia nắng chiều nay. Buồn! Tôi nghĩ đến tiếng đàn con tôi mười năm về trước trong ngày chia tay, với bài “Got To See You Again” (Jesse Harris viết) huyền hoặc, nhẹ, buồn và trầm lặng có đầy lá vàng, có ánh đèn lờ mờ của một căn nhà và bên ngoài ngập đầy bông tuyết.

Hôm nay, Seattle chỉ có cây xanh, bóng mát, chỉ có nắng vàng và gió. Trước cửa nhà anh chị GS Liên Tâm là những hàng thông cao ngất, ngập đầy con bóng, nối dài với sân cỏ xanh mượt, bên trên là bầu trời trong xanh, giữa sân có tiếng dương cầm trầm bổng. Buổi tiệc hôm nay thật nên thơ và hửu tình. Tôi cám ơn anh chị GS dương cầm Liên Tâm đã cho tôi một ngày tuyệt vời, một bữa ăn thật ngon với chiều âm nhạc khó quên. Và một ngạc nhiên nữa, là những người bạn phụ huynh mới quen, tất cả đều vui tính, cởi mở và đầy tình đồng hương đã cho tôi những trận cười thỏa thích.

Buổi tiệc hôm nay được tổ chức tại sân nhà GS dương cầm Liên Tâm, Tôi hỏi chị, tạị sao lại không chọn một nơi khác đầy đủ tiện nghi hơn để trình diễn. Chị cho tôi biết, buổi tiệc hôm nay chỉ mục đích họp mặt phụ huynh và các nhạc sinh trong những ngày hè vui chơi, tạo hoàn cảnh để gần gũi các em hơn. Một điều nữa, tôi nghe từ nhiều phụ huynh của các nhạc sinh ca tụng tấm lòng của GS Liên Tâm là có một trái tim nhân hậu, rất yêu thương trẻ con, chị đem hết nhiệt huyết để dạy dỗ và chăm sóc các em trong nhiều năm qua. Chị xem các em nhạc sinh như những đứa con ruột thịt của chị.

Quả thật như thế. Buổi tổ chức mãn khóa và biểu diễn dương cầm trường Liên Tâm, đã được nhiều người ủng hộ đông đảo. Buổi hòa nhạc được tổ chức hôm Chủ nhật 22/ 05/2005 tại Đại Thính Đường Bellevue (BCC-) Wa. Với đông đảo đồng hương từ nhiều thành phố đến tham dự. Hôm nay chỉ là ngày họp mặt phụ huynh và các em vui chơi, đồng thời để khuyến khích các em chăm chỉ học trong niên khóa tới. Tuy là buổi tiệc tại gia, nhưng rất tươm tất, bia rượu, thức ăn không thiếu thứ gì. Bầu không khí ấm áp và đầy chân tình dưới những hàng cây rợp bóng. Tôi thầm cám ơn Thượng Đế, có một ngày đầy tình người và ngập tràn niềm vui.

Chương trình vui hè hôm nay được các em thi nhau lả lướt những nốt nhạc trên hai chiếc Key board được đặt giữa sân cỏ xanh. Tôi, các phụ huynh và khách mời là khán giả thượng hạng chiều nay, các em vừa vui mừng, vừa đua nhau thi tố tài năng. Đặc biệt buổi hòa nhạc hôm nay của các em làm tôi nhớ lại cô con gái út của tôi trước đây, khi lần đầu tiên cô bước lên sân khấu lớn ở New York trình diễn với tuổi vừa lên bảy với nỗi sợ sệt trước đám đông. Tôi hiểu tâm trạng các em bây giờ. Dù là trước mặt cha mẹ, bạn bè nhưng các em vẫn có chút ái ngại. Tuy nhiên tài năng và lòng tự tin của các em đã làm cho mọi người không ít ngạc nhiên. Các em bắt đầu chương trình với phần song tấu Key Board với nhạc phẩm ‘Ly rượu mừng’ của Cố Nhạc Sĩ Phạm Đình Chương. Tuy hôm nay không là mùa xuân, nhưng tiếng nhạc cũng rộn ràng từng nhịp trên bàn tay nhỏ bé của các em, như là những cánh hoa xuân chợt nở giữa hè. Điều làm tôi ngạc nhiên hơn nữa, là các em không chỉ biểu diễn nhạc Mỹ, nhạc Pháp hay Tây Ban Nha mà các em cũng trình diễn những ca khúc Việt  rất nổi tiếng như: ‘Bài Dừng Bước Giang Hồ’ với ngón đàn em Kenny trên chiếc Key Board kê thấp trước mặt, làm tôi cứ tưởng đang ngồi nghe một Beethoven với nhạc phẩm “The Moment” mà ông ta đã viết cho chính tuổi thơ của ông… Không….Không phải nhạc bản tuổi thơ mà bản nhạc của tuổi già.  Có lẽ Kenny chỉ dành cho riêng tôi, một thính giả xa lạ vừa đến Seattle. Có thể đây là lời nhắn khéo. “Ông khách lạ ơi, hãy dừng bước giang hồ” nơi thung lũng tình xanh này đi… Em Gia Huy với chiếc áo thun ngắn tay màu đỏ, đôi mắt chăm chú trên phím đàn hao hao giống Monique Duphil thời tuổi trẻ. Rất tiếc, khung cảnh hôm nay không phải là một Lincoln Center, hay một phòng hòa nhạc nổi tiếng Camegie Recital New York để nghe những nhạc phẩm bất hủ của Bedrich Smectana, Fre’derick Chopin, Tchaikowski.v.v. Nhưng đây chỉ là tiếng đàn tuổi thơ, âm thanh lóng ngóng mơ hồ của đoạn đường bước vào vườn hoa âm nhạc. Một phút trôi qua lòng tôi xúc động. Tôi thấy buổi hòa nhạc ngoài trời của các em trong buổi trưa hè đã tô thêm trong tôi một ngày đáng nhớ. Tuy là mới quen, nhưng tôi thầm cảm ơn anh chị Gíáo Sư dương cầm Liên Tâm đã cho tôi một ngày hè tuyệt vời, những hình ảnh nhẹ nhàng trong những ngày đầu đến thành phố Seattle.

Giáo sư Liên Tâm đã dành quá nhiều thì giờ cho các em, đã bỏ hết tâm huyết của mình trong những tháng ngày qua, để các em có những ngón đàn mượt mà, có những âm thanh nhảy múa tung tăng trong lòng những người mẹ với niềm hy vọng trong tháng ngày buồn vui xứ lạ. Dưới bầu trời nóng của chiều hè, trên trán chị lấm tấm những giọt mồ hôi, nhưng chị vẫn không dừng tay lật từng trang nhạc cho các em với những lời thì thầm nhắc nhỡ. Chị GS Liên Tâm đã làm tôi nhớ lại cô giáo Lesly Clair của con tôi mười năm về trước, khi bà ta đưa con gái tôi lên trình diễn trên đài truyền hình 12 ở New York. Trong lúc trình diễn, Bà ta cứ ngoái cổ lên sân khấu với đôi mắt như chạy theo từng nốt nhạc trên bàn tay của con tôi, tôi có cảm giác hình như bà đã nín thở nhiều lần. Đúng là Giáo Sư như Từ Mẫu.

Nhìn các phụ huynh của các em vui mừng, ôm các em vào lòng như khen thưởng, đã làm lòng tôi rơi lệ. Mười năm trước, tôi cũng ôm con trong lòng với những dòng nước mắt nóng vui mừng. Hôm đó, sau lần biểu diễn nhạc bản thượng lưu của Beethoven “Sonata Op.110” “The Moonlight”. Tôi nghe thấy, một âm thanh như đơn độc, thề thốt, rồi thoát nhanh như bay bổng theo sau một tràn vỗ tay của khán giả. Tôi đã la lớn lên. “Con tôi là một thiên tài”. Nhưng rồi tội nghiệp con tôi. Thiên tài vì ba mẹ của nó đã làm gãy cánh trong bước đi đầu tiên. Sau giây phút rực rỡ đó con tôi không còn cơ hội theo con đường âm nhạc như ước mơ, vì hoàn cảnh oan nghiệt của bố mẹ nó phải chia tay. Sau ngày tôi bỏ lại thành phố quen thương, con tôi cũng không còn chút đam mê nào về âm nhạc. Một tháng trước đây khi trở về thành phố cũ, để dự lễ ra trường của con tôi. Dip này, tôi có ý định muốn nghe lại những nhạc phẩm mà ngày xưa hai Bố con tôi ưa thích, nhưng khi nhìn quanh căn nhà không thấy chiếc dương cầm đâu cả, còn cây Key Board điện thì nằm lăn lóc, bám đầy bụi, phía sau hóc tủ.  Lòng tôi co cụm lại một cách đau nhói. Chiếc Key board bây giờ chỉ như một miếng gỗ mục, không khua nỗi một tiếng động nhỏ, dù chỉ là những âm thanh hời hợt, mông lung. Trong lòng tôi lúc bây giờ như có trăm ngàn mũi kim đau nhói. Nhân tài, nhưng không có tình yêu thương nuôi dưỡng, không hoàn cảnh, không khuyến khích thì thiên tài cũng chỉ là một người thường có một vài năng khiếu vặt. Tôi nhìn các em hôm nay có đầy ấp những tình yêu thương, các em có hoàn cảnh tốt, tôi hy vọng các em sẽ thành công trong đời sống nghệ thuật của góc trời âm nhạc.

Tôi xin được kể lại cho các em nghe một câu chuyện có thật, để các em làm chút hành trang vào ngõ đời âm nhạc. Một nữ nghệ sĩ Dương Cầm, chỉ có bốn ngón tay và hai chân khuyết tật. Cô Lee Hee-Ah (Hàn Quốc). Người ta có bao giờ nghĩ rằng cô là một người sử dụng Dương Cầm chuyên nghiệp. Có ai trong giới nghệ sĩ Dương Cầm tin rằng, cô trình tấu được bản nhạc “Fantasie Impromptu” của Chopin rất tuyệt vời ít ai sánh được, và đồng thời cô đã từng đoạt giải trong cuộc thi âm nhạc quốc gia Hàn Quốc năm 1999. Cho nên thiên tài cũng có thể đạt được từ tập luyện. Hy vọng các em nhạc sinh của GS Dương Cầm Liên Tâm sau này cũng là những thiên tài Dương Cầm nổi tiếng trên thế giới. Các em được cha mẹ yêu thương, được cô thầy lo lắng, các em có nhiều hoàn cảnh thuận lợi, các em có tâm hồn Việt Nam, thì khó gì không đạt được những điều các em mong muốn. Các em hãy cố gắng, sự thành công luôn luôn đãi ngộ những người có ý chí, có quyết tâm. Các em hãy có thấy không, mới đây trong cộng đồng người Việt chúng ta đã có một thiên tài âm nhạc, anh Văn Hùng Cường đã đoạt giải nhất cuộc thi Dương Cầm quốc tế tổ chức tại New York (The World Piano Competition -WPC) do American Music Scholarship Association(AMSA) tổ chức năm 2001. Với một nghệ thuật trình tấu tác phẩm “Concerto No. 5 Op 73” của Beethoven đã loại trên 130 danh cầm thủ trên toàn thế giới. Các em hãy cố noi gương các anh chị, để chiếm một chỗ đứng riêng tư trong góc trời âm nhạc. Bộ môn âm nhạc hôm nay, có thể các em học khó khăn hơn, có thể bị thầy cô rầy la nhiều, nhưng với đà tiến hóa của điện toán thế kỷ 21th, môn âm nhạc sẽ dễ dàng với những siêu nhạc cụ điện tử trên máy tính, các em có thể dễ dàng tiếp cận những kiến thức cơ bản về giáo dục âm nhạc, các em có thể thay đổi nội dung hòa nhạc và thậm chí cả những nốt nhạc của những tác phẩm quen thuộc. Tôi hy vọng trong tương lai, với đà phát triển khoa học vi tính các em sẽ có nhiều cơ hội để trở thành Dương Cầm thủ tên tuổi.

Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Mặt trời xuống thật thấp, mặc dù tôi rất quyến luyến các em, tôi không muốn xa các em, cũng giống như sự bịn rịn của hơn mười năm trước đây, ngày tôi chia tay đứa con gái út để lên đường. Các em là mầm non của thế hệ, là những đứa con yêu trong vòng tay ấm áp của những người mẹ nuông chìu, là những nhạc sinh đầy hy vọng của GS dương cầm Liên Tâm. Cuộc vui chấm dứt, tôi chia tay ra về, mùa hè trên vùng Tây Bắc như theo tôi từng bước, những nốt nhạc như trải dài theo bước chân tôi trong chiều tắt nắng. Tôi cũng cám ơn Anh chị Dược Sĩ Xuân Yến, anh chị Nha Sĩ Phạm Ngọc Trung, Giáo sư Bích Ngân, Giáo sư Trần Đình Mậu, Chị Ngọc Thủy, chị Kim Chi, Cô Hương Lan, anh Thành video đã cho tôi thêm một niềm vui giữ lại. Một mùa hè với những đóa hoa xuân. Tôi cũng cảm ơn các em đã cho tôi những giây phút nhớ về kỷ niệm, những nốt nhạc thật trẻ trung, tuyệt vời, một ánh mắt tuổi thơ để tôi sống lại những giây phút kỷ niệm bên con gái tôi ở cõi lòng, chứa đầy yêu thương và nuối tiếc. Chiếc xe lăng bánh, một luồng gió nhẹ, mát của một buổi chiều hè Seattle, như len lén một thứ gì nghe rất lạ, như một sự tĩnh lặng, như một linh hồn, như bản giao hưởng số 10 của Beethoven, nơi đó có một ngày buồn vui, mà không cần biết sự tồn tại của nó có đến được một ngày nào đó trong tương lai.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here