CHÚ  ĐƯỢC !

0
Chú Được !
letamanh
Tôi sinh năm Quí Mùi, 1943, thế mà mãi đến năm sau, ba tôi mới làm giấy khai sanh cho tôi. Đã thế, theo lời kể của má tôi, thì tôi sinh nhằm tháng 11 âm lịch, đúng nửa đêm ngày 30! Nếu nói nửa đêm, có nghĩa là ngày hôm sau rồi, chứ đâu còn là ngày ba mươi. Vậy thì tôi được chào đời, có thể là giờ sửu, mồng một tháng chạp. Chính cái điểm thời gian không chính xác này, nên mấy ông thầy chấm tử vi cho tôi luôn luôn đoán sai thân thế sự nghiệp của tôi. Mỗi ông đoán mỗi khác, ông thì đoán, cuộc đời của tôi rất ư là thành đạt, nhà cửa ruộng vườn ông cha để lại, nằm ngửa ăn cả đời không hết, có ông thì đoán tôi phải tha phương cầu thực, vất vả lắm, về già mới có cơ thanh nhàn…!
Má tôi nhớ giờ sanh ra tôi không chính xác, nên tôi cũng ú ớ khi nhờ ông bạn cùng trại coi giúp xem chừng nào thì được ra khỏi tù. Ông bạn tù này nổi tiếng là tay tướng số chuyên đoán cho các mệnh phụ phu nhân của Tổng thống và Tướng tá miền Nam ngày chưa đứt bóng. Lúc đầu, tôi nói ngày giờ trong tháng chạp. Ông bạn bấm tay theo các cung tử vi và nói:
“… Mầy nói sai rồi, nếu mầy sanh ngày 30 tháng 11, giờ tý thì mầy cao lớn, to con chứ đâu có lùn xủn như vầy! Lại nữa, nếu sanh giờ này thì răng cỏ của mầy bị sâu ăn không còn một cái, nhưng hiện giờ răng của mầy đều tốt. Có lẽ má mầy nhớ sai rồi…” – “Má em nói, lúc em khóc oa oa thì bà mụ tuyên bố đúng giờ tý mà!”
“Ừ! mà cũng không trách mấy bà già này được. Hồi mầy sanh ra là những năm miền Bắc đói khát, tụi Nhật nó khống chế tụi Tây, Đồng minh đánh nhau với Nhật. Tao sanh ra ở miền Bắc, U già nói với tao ngày sanh giờ sanh còn trật nữa là má mầy. Tao coi cho người ta thì trúng mà cho tao thì trật lất vì không biết được giờ sanh giống như mầy…Vả lại, mấy bà mụ vườn nhai trầu, làm sao đoán giờ giấc chính xác, trong thời trước năm 1945, dân ta còn lạc hậu lắm chứ đâu như bây giờ… !”

Ba tôi cũng thuộc vào hạng bất thường, chẳng thế sao khi khai sanh cho tôi theo ngày tháng Dương lịch thì phóng bút nhằm vào ngày 4 tháng 7 năm 1944! Sau này qua định cư ở Hoa Kỳ, tôi bỗng nhiên thành người tốt số. Đúng là cả nước Mỹ ăn mừng sinh nhật của tôi. Hàng năm, bao nhiêu triệu người ngước nhìn lên bầu trời đêm để thưởng thức pháo bông, nghỉ lễ mừng ngày Độc lập và sinh nhật của tôi! Hồi ở Việt Nam, có bao giờ ai nhắc đến sinh nhật của tôi và thậm chí các con tôi sinh ra cũng chẳng bao giờ được nhớ ngày, để “happy birhday” cho chúng! Thế mà sau khi được sang Mỹ, sinh nhật nào của “Ba, Má”, mấy đứa con đều có quà và chúng tề tựu đông đủ. Có khi cả nhà kéo nhau đi nhà hàng, người quê tôi hay gọi là dẫn nhau đi “kéo ghế”… Thế là ngày sanh trong khai sinh của tôi coi bộ ăn khách, nên tôi cũng dễ dãi chấp nhận thành ngày sinh nhật của mình.
Vậy là ông thầy bói, lúc tôi còn nhỏ, chấm tử vi sai bét về cái mục tôi sẽ hưởng được của phụ ấm, giàu sang phú quí ở quê nhà. Có lẽ ông ta thấy cơ ngơi nhà cửa ruộng vườn của ông nội tôi bề thế, nên đoán mò cho xong chuyện. Hơn nữa, ông bà nội tôi chỉ sanh ra được có một mụn nối dõi tông đường là ba tôi, nên ai dám vào tranh chấp ngôi vị cháu đích tôn là tôi! Ông thầy bói cũng không thể nào sờ mu rùa linh đến độ đoán biết được rằng, nhà cửa ruộng vườn của ông bà tôi sẽ bị tịch thu trong thời gian Việt Minh “phóng tay phát động quần chúng” ! Trong những năm phát động giai cấp đấu tranh, Cố Bần Trung nông đoàn kết tiêu diệt Địa Chủ. Phú Hào, Ông Nội tôi suýt nữa thì bị đem ra đấu tố. Có ai từng sinh ra và lớn lên, hay sống trong vùng “liên khu 5”, thì hẳn sẽ phải kinh qua thời gian chẳng bao giờ có thể quên nầy. Cao điểm của chiến dịch đấu tố mà “đảng và Bác” đưa ra phải được toàn thể nhân dân học tập và thi hành triệt để. Hồi ấy, tôi đã được tám tuổi, năm 1950 đến 1952 là thời gian toàn thể nhân dân đấu tranh với bọn cường hào ác bá, lấy lại của cải vật chất cho dân nghèo vốn bị thiểu số Địa Chủ Phú Hào tước đoạt! Ông thầy bói xem quẻ cho tôi lúc chào đời đã bị sai lạc không thể nào phân giải. Nhưng anh thầy tử vi sau, có lý hơn vì sờ trúng mu rùa, cho nên, theo đó tôi bị tha phương hàng mấy nghìn dặm, cầu thực ở một xứ sở đầy mùi hamburger!
Ông nội tôi là một tay buôn cừ khôi. Ông có chiếc ghe bầu trọng tải trăm tấn, chạy dọc theo ven biển, chở dừa, dây dừa, cá khô, muối ra bán ngoài Bắc. Các hải cảng và cửa sông dọc theo bờ biển ông đều thuộc lòng. Ông tôi, lúc có bạn bè đến thăm, thường kể lại, khi ra bán buôn ngoài Bắc cũng có lúc đi “Cô Đầu, chầu văn”. Ông tôi cũng “linh tinh” nhiều khoản lắm. Ví dụ như thời gian cho ghe bầu buôn bán ở Sài gòn Nam Vang thì đèo bòng thêm một phòng nhì. Bà “Nội Nhỏ” người Nam của tôi có lúc vì mê cái mã đẹp trai của ông tôi nên tự nguyện về quê chồng chịu phép với “Bà Lớn”. Nghe nói khi tôi sanh ra, Bà Nội Nhỏ của tôi có mua cho một cái nôi thật đep, từ Sải Gòn chở xe lửa ra Tam Quan. Món quà ấy các em tôi sau nầy thay phiên nhau xử dụng… Bà Nội Nhỏ, một thời gian ngắn, chịu không nổi Bà Nội Lớn nên tìm cách chuồn trở lại Sài Gòn. Cũng may Bà đi sớm mấy tháng trước khi “Cách Mạng mùa Thu”. Nếu bà không “dứt tình” tháo chạy thì không biết thân phận sẽ ra sao khi cùng chúng tôi sống trong vùng “kháng chiến”! Sau khi Bà Nội Nhỏ về lại Sài Gòn, ông tôi chuẩn bị hàng hóa chuyến thường xuyên Tam Quan – Sài Gòn. Ghe chưa kịp ra cửa biển, thì “Tổng khởi nghĩa mùa Thu” Thế là Ông tôi và Bà Nội Nhỏ đôi ngã chia ly! Sau năm 1954, ông nội tôi lại sắm ghe bầu đi buôn. Vào Sài Gòn, việc đầu tiên là, ông đi tìm bà Nội Nhỏ của tôi. Người thì tìm ra, nhưng đã là của người khác. Bà Nội Nhỏ tôi đã có một ông chồng người Tàu.
Khi tôi biết nhận thức sự việc chung quanh, lúc nào cũng có hai người chơi với tôi, bồng bế, tắm rửa, thậm chí giành tôi đến đánh nhau. Người thứ nhất tôi gọi bằng cô, người thứ hai gọi bằng chú. Cô tôi lớn hơn tôi ba tuổi còn ông chú thì những tám tuổi. Có một điều lạ là chú tôi nói tiếng Bắc, răng đen thui. Cho nên khi nào cô tôi và chú tôi cải nhau, cô tôi thường chọc tức chú một câu: “thằng Bắc Kỳ răng đen” thế là chú nổi cộc rượt đánh cô tôi. Có khi vừa rượt, chú vừa la to: ” đồ thứ con lượm nhà thương thí”! Thế là cuộc đọ sức nổ lớn, cô tôi thì bầm mặt còn chú thì bị phạt quì.
Lúc nào Bà Nội tôi cũng bênh cô tôi và xỉa xói chú tôi là ăn hiếp con gái, là thứ trâu nước không biết lễ nghĩa… Ông nội tôi lúc còn thông đường, buôn bán được, ít khi ở nhà, nên không ai che chở cho chú răng đen. Vì những trận cãi nhau như thế cho nên tôi thắc mắc về thân thế của cô tôi và chú tôi khi tôi lớn lên sau này. Thỉnh thoảng, có ông tôi ở nhà, ông tôi luôn bênh vực chú tôi và lúc nào cũng che chở, lúc nào cũng tỏ vẻ ngọt ngào với chú. Ở Tam Quan, ai cũng nói tiếng “nẩu” chỉ trừ một mình chú nói tiếng trọ trẹ Bắc Kỳ! Mà cũng lạ, ai ai ở xứ tôi cũng có hàm răng trắng mướt, chỉ có một mình chú tôi có hàm răng đen bóng một cách lạ kỳ.
Lúc nhỏ, tôi thường nhõng nhẽo đòi chú cõng trên vai lội qua sông, trèo lên tận cồn cát trắng phía Chồm Rừng để hái trái nhãn, trái sim cho tôi. Nhãn rừng và sim rừng, từng chùm nhỏ xíu ăn chát ngắt, nhưng ở cái xứ toàn dừa thì trẻ con như tôi hay thích ăn của lạ…
– Chú Được! gánh nước xong chưa đi chơi với cháu!
– Chú mầy vào xin phép bà Nội đi, không thì chú đâu dám đi chơi …
– Bà Nội đi ăn giỗ rồi, chú dẫn cháu qua nhà ông Dân Biểu Tr. chơi với con Tranh đi. Hôm qua chơi trò đám cưới vui quá.
– Thôi đi! Vào nhà kiếm Cô Đào, bảo cô dẫn đi chơi, chú bận lắm!
Thế là tôi phải chạy vào nhà năn nỉ cô Đào dẫn tôi qua nhà ông Dân Biểu chơi với Tranh, đứa con gái trạc tuổi tôi, có nước da trắng nõn và hai lúm đồng tiền xinh xinh. Lúc ấy tôi mới có sáu tuổi mà đã xem mòi mê gái. Tôi ít khi thích đi chơi với lũ bạn con trai trong làng. Thỉnh thoảng những trò tắm sông, đá banh hay quây quần vòng tròn chơi bịt mắt bắt dê không làm tôi thích thú bằng ngồi ngắm con Tranh chơi trò bán hàng xén. Tranh bán hàng mà tôi là khách hàng, thỉnh thoảng tôi đòi mua hết không chừa một thứ gì trong cái hàng xén mà phần nhiều đều từ các bông dừa cùng những trái dừa con! Con Tranh nhõng nghẽo khi tôi ngắm nó và đòi chơi trò bác sĩ chữa bệnh.
– Tranh có thích chơi trò đám cưới nữa không hay chơi trò bác sĩ?
– Thôi đi, bữa trước D. làm bác sĩ, chích cây gai nhọn vào mông đau thí bà!
– Thì bữa nay D. chích nhẹ hơn, êm hơn…
– Muốn chơi trò đó thì phải có y viện. D. kiếm thêm mấy đứa nữa làm bệnh nhân, để Tranh làm y tá phụ với D.!
– Không, D. chỉ muốn Tranh làm bệnh nhân thôi hà!
– Thôi đi, D. chích lâu thí mồ, cứ ngồi nhìn không…!
Tôi đỏ mặt vì bất ngờ bị con Tranh biết rõ ý đồ không lấy gì tốt đẹp của tôi. Thật ra mấy hôm trước, tôi cầm cái “sa ranh” tự chế và cây gai nhọn làm kim chích cho bệnh nhân sốt rét rừng tên là Tranh, trong căn nhà làm bằng lá dừa do chú Được tạo dựng ở góc vườn. Tôi bảo Tranh trịch quần xuống, để lòi mông cho tôi thoa ” alcool” trước khi chích thuốc. Màu trắng da thịt ấy, không biết sao nó làm tôi thẩn thờ, lâu lắm tôi mới làm bổn phận bác sĩ được khi con Tranh ngó tôi hỏi sao thừ người ra vậy…!
Cái tuổi con nít của tôi và con Tranh quấn quít nhau không được bao lâu thì gia can sự nghiệp của ông Nội tôi bị máy bay Pháp tưởng kho xưởng của Việt Minh, thả xuống mấy trái bom xăng cháy rụi. Mấy năm sau nữa thì hiệp định Genève chia đôi đất nước. Con Tranh phải theo cha mẹ đi tập kết ra Bắc. Sau năm 75, khi tôi ở tù về, hỏi thăm những người tập kết có ai biết con Tranh giờ làm gì, thì được trả lời: Tranh tốt nghiệp Bác Sĩ ở Nga, sau nầy về làm tại bệnh viện Bạch Mai, chưa có chồng, bị bệnh thương hàn chết năm 1966… Một Bác Sĩ thật bị chết vì bệnh thương hàn, còn Bác Sĩ dõm thời để chỏm thì vẫn còn, vẫn nhớ đến làn da trắng của nàng lúc còn con nít…
Một hôm, khi tôi đi học về, thấy cả nhà, kẻ ngồi người đứng trước cái sân lót đá hoa cương, xầm xì to nhỏ trông có vẻ bí mật lắm. Tôi lân la đến gần thì ông nội tôi bảo đem vở sách cất đi rồi ăn cơm. Tôi vừa bước đi vừa lắng tai nghe, tiếng Bà tôi nói nhỏ:
– Chắc có ai xúi nó cho nên nó mới dám trốn đi, chứ nó có bà con thân thích nào nữa mà tìm…Hồi tôi gặp nó ở chân núi Thần Phù ngoài Thanh Hóa, nó ốm như cây củi khô, gần chết đói, hỏi cha mẹ thì nó nói cha mẹ nó vừa chết hai hôm trước, không còn anh em bà con gì. Họ đều chết đói và trôi giạt nơi nầy nơi nọ. Làng của nó sanh ra hoang vắng không còn ai… Nó lạy xin cứu mạng, tôi thấy gia đình mình chỉ có một mụn con nên đem nó về nhận làm con nuôi. Nó tên Đước, khi tôi nhận nó làm con, tôi đặt lại thành chữ Được, có nghĩa là mình được con. Mà từ đó đến giờ gia đình mình ăn ở với nó đâu có gì để nó oán trách mà trốn đi!
Tiếp theo tiếng kể lể của ông nội tôi, Ba tôi nói:
– Hay là nó với con Đào ngày tối cãi vả không hợp. Mẹ thì hay binh con Đào nên nó buồn nó trốn…
– Mẹ nào có binh vực gì, nhưng con Đào nhỏ tuổi hơn nó. Khi mẹ vào nhà thương khám bệnh bứu dạ con thì cô y tá nói có một bé gái, mẹ nó sinh rồi bỏ trốn. Mẹ thấy nó nằm đỏ hỏn ngậm ngón tay mút mà không khóc… Mẹ xin về làm con. Tuy nó không do mẹ sinh ra nhưng thương như con ruột. Mà thằng Được là con của gia đình ta giống như mầy và con Đào. Cha mẹ đâu có phân biệt gì!
Ông tôi thở dài:
– Chắc là có một cái gì ghê gớm hơn việc nó trốn khỏi nhà mình. Phải cẩn thận tìm hiểu thử coi. Tình hình bây giờ khác trước, Họ đang động viên những gia nhân trong các nhà Địa chủ phú hào đứng ra tố khổ chủ của mình. Có thể thằng Được không ngoài kế hoạch này. Nhưng tại sao sau khi nó đi học tập chính sách của Đảng và Chính phủ gần một tháng, đêm nào về nó cũng ngồi bó gối một góc, ít khi tao thấy nó ngủ. Tao hỏi nó thì nó chỉ khóc và ậm ừ không chịu nói…
Bà Nội tôi tiếp:
-Nó không đem theo cái gì cả ngoài những quần áo chăn mền của nó. Phải biết nó nhất định không muốn ở với mình nữa thì tôi đã cho nó ít tiền…
– Bà nói tức cười, đã trốn đi mà còn để cho bà biết. Thôi cứ để xem nó có trở về không, tôi chắc nó bị ai rù quến. Có thể cái thằng cha X. lãnh canh ruộng của mình ở Trung Lương xúi nó! Thằng cha X là Bí thư Đảng, thường la cà chuyện trò với thằng Được nhiều lần. Không biết nó xúi trốn đi theo nó hay làm gì, chỉ tội là thằng Được khờ quá, dễ tin…
Tôi chạy một mạch vào chỗ giường ngủ của chú Được. Trên giường tre còn trơ chiếc chiếu, tủ quần áo và đồ ngủ trống không. Phía đầu giường, trên tường vôi, chỉ còn trơ lại một tấm ảnh “Hồ Chí Minh” cắt từ tờ báo Nhân Dân, dán không được ngay lắm! Tôi ngồi xuống chiếc giường và ôm mặt khóc. Mới ngày hôm qua, chú Được dẫn tôi qua nhà ông Dân Biểu Tr. chơi với con Tranh. Ông Dân Biểu vừa ở “Trung ương” về. Nghe nói ông phải đi bộ vượt qua núi rừng từ Bình Định ra họp quốc hội trong chiến khu Việt Bắc! Ông dân biểu Tr. rất ân cần thăm hỏi chú Được khi ông thấy chú dắt tôi qua chơi. Hai người dẫn nhau ra đứng ngoài hàng hiên, ông mời chú tôi điếu thuốc lá “Trường Xuân” và bật quẹt, hai người nhỏ to chuyện gì trông có vẻ bí mật lắm…
Khi tôi và con Tranh đang chơi trò nhảy giây thì tôi nghe tiếng chú Được tôi khóc. Tôi ngừng chơi, ngước sang thấy ông dân biểu đang choàng tay qua vai chú tôi. Còn chú thì cúi đầu, hai tay ôm mặt khóc thành tiếng. Ông Dân biểu vẫn bình tỉnh thì thầm bên tai chú và chú thỉnh thoảng lại lắc lắc cái đầu. Trong tất cả cuộc đối thoại ấy, tôi chỉ nghe được tiếng chú tôi:
– Ông ta thương tôi như con ruột, ông đã cứu tôi thoát chết đói, tôi không thể là người phản bội…
——
-…… Tôi đã nhận ông ấy là cha thì làm sao đứng ra tố khổ!
…..
…-Tôi đã được học tập chính sách… Nhưng làm sao tôi có thể tàn nhẫn như thế!
…..
– Thôi được rồi! “Đồng Chí” cho tôi suy nghĩ thêm, ngày mai tôi sẽ trả lời dứt khoát trong cuộc họp Chi Bộ!
….
Chú Được đã ra đi trước khi cuộc họp Chi Bộ Đảng bắt đầu ngày hôm sau. Hồi ấy, tôi còn nhỏ quá để có thể hiểu và thông cảm với chú Được của tôi về hành động bỏ nhà ra đi. Nhưng tôi cũng mơ hồ nhận thức được rằng, chú tôi cố tình trốn chạy một mệnh lệnh được “trên giao” cho chú là phải đứng ra trực tiếp kể tội trạng và tố khổ ông Nội tôi. Tôi có kể lại chuyện nầy cho cả nhà nghe sau khi tôi ngồi hàng giờ trên chiếc giường tre trống không còn mùi mồ hôi của chú. Ông nội tôi và Ba tôi dặn tôi không được nói với ai về những gì tôi nghe thấy ở nhà ông Dân Biểu Tr.! Cả nhà bắt đầu có những hành động cẩn thận trong giao tiếp với mọi người kể cả lúc ăn uống trong nhà.
Thời kỳ đó mọi người dân trong vùng “tự do” đều phải tiết kiệm từng hạt gạo để đem ra nuôi “bộ đội” ở chiến trường. Cho nên phải ăn độn tỷ lệ 1/3. Có nghĩa là ăn độn một phần gạo và ba phần khoai khô, khoai lang hay khoai mì xắc lát phơi khô trộn với gạo! Mỗi đêm có người rình mò nghe ngóng xem trong nhà có hội họp nhau nói xấu Đảng, hay không thi hành chính sách ăn độn… Cho nên tất cả chó đều bị ra lệnh giết ăn thịt hết, không nhà nào được nuôi chó. Lý do duy nhất để giết chó là bảo mật khi Pháp đổ bộ… Nhưng việc chính yếu là dễ bề theo dỏi tư tưởng và hành động của toàn dân.
Chú tôi trốn đi được ba ngày thì ông nội tôi bị bắt đi “cải tạo”. Họ nói với gia đình là ông tôi sẽ được về nếu thành thật khai báo của cải vật chất đã bóc lột nhân dân. Ba tôi là con một nên không đi bộ đội, nhưng phải xung vào đoàn dân công gánh gạo ra tiền tuyến nuôi quân. Thế là gia đình tôi lâm vào cơn khủng hoảng về tâm lý rất phẫn uất trong âm thầm. Tôi bắt đầu bị bạn bè cùng lớp kỳ thị vì đã cứng đầu không chịu gia nhập vào hàng ngũ “cháu ngoan” để tố khổ địa chủ.
Ông tôi đã bị đem đi “cải tạo” đến khi gần có hiệp định chia đôi đất nước mới được cho về trong tình trạng bệnh hoạn. Có thể chú Được đã trốn đi, Đảng và chính quyền địa phương bị bể kế hoạch, nên việc đưa ông tôi ra tòa án nhân dân cứ bị đình lại hoài cho đến ngày ông lê cái thân bệnh tật về nhà! Ông tôi bị bắt sau khi Pháp thả bom cháy rụi gia cang. “Đảng và chính quyền” nói rằng: “nát vỏ còn bờ tre” có nghĩa là của nổi bị cháy, nhưng của chìm thì cất giấu ở đâu phải khai ra chứ! Địa chủ phú hào thì ruộng vườn là sản phẩm bóc lột… Ông tôi làm đơn dâng hiến hết cả những ruộng vườn, nhưng nhà nước nói rằng trước khi nhà nước lấy lại ruộng vườn ấy, ông tôi phải đóng thuế nông nghiệp và phải nạp hết của chìm đang còn chôn giấu…
Sự mất tích nhiều ý nghĩa của chú Được làm cho cả nhà chúng tôi cũng bị điều tra một thời gian. Có lẽ họ nghi là ông nội tôi đem gởi chú tôi ở đâu đó. Nhưng sự vắng mặt của chú Được cũng là một niềm hãnh diện riêng của chú. Chú không được học chữ nghĩa, nhưng hành động rất nhân nghĩa…!
Sau nầy, (sau 30 tháng tư năm 1975) trong đoàn quân “chiến thắng” trở về, có một người cháu phía bà nội tôi, là Thượng Tá Đức đến thăm ông bà tôi. Gia đình ông bà ba má tôi lúc sau này dời vào Sài Gòn, lánh xa vùng lửa đạn Tam Quan, chẳng còn lưu luyến ruộng vườn như xưa. Người Thượng Tá gọi Bà nội tôi bằng cô, đã gia nhập “giải phóng quân” từ khi “Cách mạng mùa Thu”. Ông ta cho biết là năm 1954, tình cờ ông có gặp chú Được, hồi đó đang là Tiểu Đoàn Trưởng trong chiến trường Điện Biên Phủ. Chú tôi được “báo cáo” sau đó là đã bị thương cụt hai tay, máu ra nhiều quá mà không có phương tiện chữa trị nên đã chết sau một giờ tại ngay chiến hào! Thế là Ông Tiểu Đoàn Trưởng Lê Văn Được, con nuôi của ông nội tôi đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Chú tôi đã trốn tránh làm “bổn phận” đứng ra đấu tố cha nuôi của mình, để rồi gánh vác một “bổn phận khác”!
Chú tôi là người không biết một chữ i tờ, thế mà đã làm đến chức Tiểu Đoàn Trưởng một Tiểu Đoàn ngoài mặt trận chỉ trong vòng mấy năm trốn khỏi nhà! Nếu chú tôi không chết, có thể ông sẽ trở thành Tướng chỉ huy cuộc xâm nhập vào Nam. Cũng có thể, nếu là như thế, biết đâu chú cháu đã bắn nhau trên chiến trường… Mà chú Được sẽ chẳng bao giờ biết rằng, vì sao chú cháu mình bắn nhau!
letamanh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here