CÔNG VIÊN QUỐC GIA ĐẢO EO BIỂN CALIFORNIA

0

 (CALIFORNIA CHANNEL ISLANDS NATIONAL PARK).

MƯƠI ĐIỀU VỀ CÔNG VIÊN QUỐC GIA ĐẢO EO BIỂN CALIFORNIA (California Channel Islands National Park).

Nguyễn Xuân Quang.
Tổng Quát.
Tại sao gọi là Channel Islands? Chuỗi đảo nằm dọc theo bờ biển Nam California từ Mũi Conception (Conception Point) ở Tây Nam Quận Hạt Santa Barbara tới biên giới Mexico hợp với bờ biển tạo thành một thứ eo biển nên có tên là Đảo Eo Biển.|

(nguồn: Wikimedia Commons).
Chuỗi đảo này gồm 8 đảo: sáu đảo du khách có thể thăm viếng còn hai đảo San Nicolas và San Clemente dùng làm căn cứ Hải Quân. Trong sáu đảo thì Đảo Catalina gần Long Beach là nơi có dân cư sinh sống, còn lại năm đảo nằm gần Santa Barbara và Ventura dùng làm Công Viên Quốc Gia. Theo thứ tự từ bắc xuống nam đó là San Miguel, Santa Rosa, Santa Cruz, Anacapa và Santa Barbara.
Hoa Kỳ có tất cả 63 Công Viên Quốc Gia. Chúng tôi mới chỉ đi thăm viếng được gần một nửa, trong số đó có công viên được bầu đứng đầu vì được nhiều người ưa thích nhất là Công Viên Quốc Gia Yosemite. Tôi đã dùng công viên này làm bối cảnh viết truyện ngắn Món Quà Giáng Sinh (xem truyện này ở Thể Loại Truyện Ngắn và Tạp Văn).
ĐẢO ANACAPA.
Vì mùa dịch Covid-19 hãy còn dây dưa chúng tôi chưa muốn đi chơi xa nhà lâu ngày. Vả lại ở Công Viên Quốc Gia Đảo Eo Biển Anacapa này chưa có các cơ sở ngủ qua đêm, muốn ở lại phải cắm trại ngoài trời. Vì chỉ muốn đi chơi trong một ngày nên chúng tôi chỉ đi thăm Đảo Anacapa, một đảo có nhiều điểm đặc biệt đáng xem và gần bờ nhất trong nhóm các đảo này.

Nơi tiếp cận Công Viên Quốc Gia Đảo Eo Biển Anacapa là Hải Cảng Ventura cách Quận Cam trên dưới ba tiếng đồng hồ lái xe.
Hải cảng ở trong Làng Hải Cảng Ventura.
Trước tiên nên ghé vào Trung Tậm Khách Viếng Thăm để tìm hiểu sơ qua về Công Viên này.
Nếu chưa biết gì về công viên thì trước tiên nên xem chiếu cuốn phim về đảo này. Phim tóm tắt những khía cạnh chính của chuỗi đảo eo biển, nhất là các đảo công viên.
.Khảo cổ học
Tại các Đảo Eo Biển này các nhà khảo cổ học đã tim thấy xương người cổ nhất Bắc Mỹ và một bộ xương loài mammoth có lông lùn (pygmy) đã sống vào thời Băng Đá 11.000 năm trước.

.Sinh học
Có khoảng 2000 cây cỏ và động vật trong đó có 150 giống không thấy ở bất cứ một nơi nào khác. Vì là nơi gặp gỡ của hai dòng nước ấm từ dưới đi lên và dòng nước lạnh từ trên xuống nên sinh vật biển rất phong phú và đa dạng.  Động vật có từ loài vi sinh phiêu sinh vật (planktons) cho tới loài khổng lồ cá voi. Nhờ dùng làm công viên quốc gia nên các sinh vật, thiên nhiên, môi trường được bảo vệ, chăm sóc tối đa. Các sinh vật ở đây sống tự nhiên, an cư, hồn nhiên, thân thiện, sống hòa bình với con người vì thế được mênh danh là một thứ “Galapagos của Bắc Mỹ”.
.Thổ Dân Bản Địa.
Đây là đất của Thổ Dân Cổ Đại (Paleo-Indian) đã sống ở đây ít nhất 13.000 năm trước. Các nhà khảo cổ học tìm thấy ít nhất 148 di chỉ làng cổ trong đó 11 làng ở Đảo Santa Cruz, 8 ở Santa Rosa và 2 ở San Muigel…
Trong nhóm thổ dân có tộc Chumash là tiến bộ nhất, họ làm được thuyền lớn giao thương với người ở đất liền.

Vật dụng của thổ dân Chumash. Cây gậy chẻ hai một đầu dùng làm phách gõ nhịp nhẩy múa thay cho trống (ảnh của tác giả).
Năm 1542 người Tây Ban Nha tới đây mang theo bệnh từ Âu châu như bệnh sởi, đậu mùa tới làm tuyệt chủng dân bản địa. Năm 1.800 nhóm Chumash cuối cùng phải dời vào sống ở Giáo Khu Santa Barbara.
Viếng thăm Làng Hải Cảng Ventura.
Làng Hải Cảng Ventura là một trung tâm thương mại vùng biển có tất cả các dịch vụ về du lịch. Ngay ở cầu tầu đã thấy hải cẩu sủa vang trời như chó sủa.

Hải cầu sủa ầm vang ở ngay cầu tầu (ảnh của tác giả).
Trước khi đi ra đảo, chúng tôi ăn trưa ở một tiệm ăn đồ biển được cho là số một ở đây và ăn tráng miệng ở tiệm kem được ưa chuộng nhất Coastal Cone.
Vào khoảng ba giờ chiều chúng tôi lên tầu đi thăm Đảo Anacapa.
Tiếng thổ dân Chumash là Anyapakh có nghĩa là Ảo Ảnh (Mirage), là một đảo nhỏ áp chót, chỉ cách bờ có 12 miles. Đảo chia ra làm ba nhóm nhỏ: nhóm Tây, Giữa và Đông Anacapa.
Lối ra khơi hai bên có hai tượng nữ nhân ngư.

Tượng nàng tiên cá thổi sáo (ảnh của tác giả).

Tượng nàng tiên cá kéo hồ cầm (cello) (ảnh của tác giả).
Tượng do một cặp vợ chồng người Nga gốc Kazakhstan tặng.
Cây thông Torrey, một loài thông bản địa Nam Cali đang có nguy cơ tuyệt chủng:

Thông Torrey (ảnh của tác giả).
Cây có tán rộng thường gọi là “chổi phù thủy” hay “tổ đười ươi” khi lá dầy đặc dính chùm lại.
Những loài chim biển hải âu, cốc nghỉ chân trên kè đá.

Những con chim cốc (cormorants) trên kè đá (ảnh của tác giả).
Hải cẩu phơi nắng trên phao hướng dẫn thuyền tầu:

Hôm nay biển khá động, không biết có phải ngày nào cũng như thế này hay không. Ngất ngư còn tầu đi. Ngồi trên sân thượng lộng gió, nước biển bắn lên ướt cả người. Cuối cùng để tránh bị cảm lạnh tôi phải xuống tìm chỗ ngồi trong phòng ở tầng dưới.
Khoảng một giờ đồng hồ chúng tôi tới đảo.
Ở phần đầu phía Đông của đảo là phần thú vị có nhiều điểm kỳ thú nhất:

Ở đây có thể chèo kayak xuyên qua các hang động tuyệt đẹp như Hang Giáo Đường (Cathedral Cave), Vòm Cung (Arch), lặn ống thở, đi “bụi” (hiking) (Di Bụi là danh từ của người Úc). Thắng cảnh có hoa dại về mùa xuân, hải âu sinh nở về mùa hè, các sinh vật biển… có một trung tâm du khách nhỏ, có hải đăng và các cấu tạo địa hình thiên nhiên tuyệt đẹp.
-Vòm Cung.
Vòm Cung nằm gần một mỏm đá nhỏ, nhìn từ xa trông giống như một Người Mẹ Bồng Con nên tôi đặt tên là Đá Mẹ Bồng Con.

Mặt trước Vòm Cung (lấy mỏm Đả Mẹ Ngồi Bồng Con ở bên phải lảm mốc) (ảnh của tác giả).

Đá Mẹ Ngồi Bồng Con nhìn qua Vòm Cung (ảnh của tác giả).
-Hải Đăng.
Trên đỉnh núi kế cận Cổng Vòm có ngọn hải đăng xây dựng năm 1932:

Mặt sau Vòm Cung (lấy Đả Mẹ Ngồi Bồng Con ở bên trái làm mốc) với ngọn hải đăng trên đỉnh núi kế cận Vòm Cung (ảnh của tác giả).

Hải đăng nhìn gần (ảnh của tác giả).
-Bến Vũng Lên Bờ (Landing Cove):
Bến lên đảo có cầu thang rất tiện nghi.

Bến Vũng Lên Bờ (ảnh của tác giả).
-Nơi Sinh Địa, Nương Náu của chim biển (bird sanctuary).
Quanh đỉnh núi hải đăng là nơi sinh địa, đất sống, nương náu của những loài chim biển.

Chim biển bay rợp trời (ảnh của tác giả).
Những con chim biển bay lượn rợp trời, phần lớn là loài chim nông nâu California (California Brown Pelican).
Chim liệng giống như những con chim nông trên trống Ngọc Lũ I:

Hàng ngàn chim biển những lúc buồn lòng ngồi sơn trắng các đỉnh núi khiến chúng trông như những chỏm núi tuyết vạn niên Nam Cực ở ngay vùng nắng ấm Nam Cali này.
-Bãi Đá Sinh Địa của Hải Sư.

Một bộ tộc (colony) hải sư (ảnh của tác giả).
Ở đây có cả hải sư (sea lions) và hải cẩu (seals). Hải cẩu có loài thông thường và loài mũi như vòi voi gọi là hải cẩu voi (elephant seals).
-Cá Voi
Nếu tới các đảo này vào mùa cá voi, cá ông thiên di từ tháng 12 tới tháng 4 ta có thể gặp nhiều loài cá voi về đây nương náu. Nhiều nhất là Ông Gù (Humpback), Ông Lam (Blue Whales), loài lớn nhất, phun nước lên trời cao tới 30 bộ (feet).
-Cá chuồn (Flying fishes).
Vào mùa cá chuồn ‘chạy” có thể thấy từng đàn hàng ngàn cá chuồn đua bay trên mặt nước đầy ngoạn mục.
-Cá Heo
Trên đường về được xem một màn biểu diễn nhào lộn tuyệt vời của vài chục con cá heo. Cá bơi sát bên mạn tầu vui đùa, nhào lộn, chưa bao giờ thấy ở bất cứ nơi nào khác, ngay cả trong các trung tâm nuôi cá heo.

Cá heo loài thông thường (common dolphins) có sọc vàng ở cạnh sườn và vi lưng hình tam giác (ảnh của Amy Nguyễn).
Đàn cá heo vài chục con bơi theo sát tầu trình diễn màn nhào lộn đầy ngoạn mục chưa từng thấy (ảnh của Amy Nguyễn).

Cá heo ở đây thường thấy là loài loài thông thường (common dolphins) có sọc vàng ở cạnh sườn và vi lưng hình tam giác trong khi loài có mũi nhô ra hình chai (bottlenose dolphins) to con hơn, mầu xám, bụng trắng hơn và có vi lưng hình móc lưỡi liềm.
….
Trên đường về trong cái đong đưa của con tầu vỗ giấc ngủ, trong mơ màng nhớ tới một câu chuyện lịch sử hãy còn như một hoang thoại của một người đàn bà thổ dân sống còn một mình 18 năm trong một hang ở Đảo San Nicolas. Một “Nàng Robinson Crusoe” sống một mình ngoài hoang đảo. Nàng là người cuối cùng sống còn của bộ tộc mình, hậu quả của sự buôn bán lông rái cá quốc tế, chính sách tiêu diệt và xua đuổi dân bản địa, đem họ đi nơi khác để chiếm đất… Người đàn bà đã mất tiếng nói, không còn nhớ tên tuổi. Khi được tìm thấy, đem về Santa Barbara nuôi. Người đàn bà lìa đời bẩy tuần ngay sau đó vì không thích hợp với đời sống và xã hội ô trọc của con người đất liền. Khi chết nàng được mang tên rửa tội là Juana Maria và chôn trong nghĩa trang của giáo khu Santa Barbara.
Nàng muốn trở về với thiên nhiên, với tổ tiên, với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn thần tiên của mình…
Hôm nay một ngày An Vui sống với thế giới còn gìn giữ được an bình, với muôn sinh sống tự nhiên, an nhiên, thản nhiên, hồn nhiên cùng đất, cùng trời, cùng biển không sợ loài ác thú người làm hại…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here