Hai thi tập “Bạch Hoa” và “Bách Linh Nhất Điểu” được chào đón ngoài sự mong đợi

0

Chiều Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11/19 tại nhà hàng Ban Mê tọa lạc trên đường Renton thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Đã tổ chức buổi giới thiệu hai thi tập “Bách Linh Nhất Điểu” và “Bạch Hoa” của hai thi sĩ Kiến Hoa Võ Thành Đông và Tuyết Sơn Nguyễn Văn Thu với đông đảo khách tham dự gồm nhiều văn thi sĩ, các bằng hữu xa gần, các bạn trẻ sinh viên học sinh, thân hữu gia đình Phương Đông, với 3 Hoa Hậu, 2 Ảnh Hậu Phu Nhân, báo chí, văn nghệ sĩ địa phương cùng nghị viên thành phố Renton, chủ tịch & phó chủ tịch Cộng đồng SnoKing – Seattle & nhiều thành viên của Hội Đồng Đại Diện NVQG/WA đã đến tham dự.

Chương trình bắt đầu lúc 6 giờ chiều với nghi thức chào Quốc kỳ Việt Mỹ và phút mặc niệm. Sau đó Mc Linh Vũ thay mặt Ban tổ chức chào mừng quan khách và mở đầu chương trình với nhạc phẩm “Khúc Thụy Du” thơ Du Tử Lê do Nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc với giọng ca ngọt ngào truyền cảm của Ca sĩ Hồng Trang. Ca khúc mở đầu này với mục đích chia xẻ nỗi mất mát trong tình bằng hữu văn nghệ sĩ, đồng thời để tưởng niệm và cầu nguyện cho linh hồn cố thi sĩ Du Tử Lê sớm siêu thoát về cõi bình an. Lẽ ra ông là một trong những diễn giả sẽ có mặt trong đêm giới thiệu hai thi phẩm này, nhưng bất ngờ ông đã ra đi vĩnh viễn.

Mở đầu chương trình Mc Linh Vũ trả lời một câu hỏi của khán giả. Thơ là gì sao có nhiều người yêu thích thơ quá vậy? Linh Vũ đã trả lời một cách ngắn gọn:
– Thơ không phải chỉ là những vần điệu, âm tiết, nhịp điệu là những nhóm ngôn từ, là thủ pháp nghệ thuật kết nối với nhau trong các thể loại dài ngắn như: Lục bát, thất ngôn, thất ngôn bát cú hay tứ tuyệt, v.v… Thơ không đơn giản như thế, mà yếu tố quan trọng là tâm hồn, tinh thần, trí tuệ của người thi sĩ nữa.

– Thứ hai là thơ phải xuất phát từ trái tim của người thi sĩ, nó phải mang một ý tưởng, một triết lý, một thân phận, một phản ảnh của cuộc sống hay một thông điệp để gởi đến mọi người. Thơ còn là sự chia xẻ, một chân lý nào đó để mọi người cùng suy ngẫm.

– Thơ có thể là một bức họa bằng những màu sắc chọn lọc; Thơ là bản nhạc dệt bằng những âm thanh tinh tế, v.v… Cho nên thưởng thức thơ phải lấy con tim của chính mình để thẩm thấu những cái hay cái đẹp của thơ.

– Thơ xuất phát từ cảm xúc, sự rung động của trái tim, cho nên nó ẩn chứa sự buồn vui, yêu thương, khổ đau, tuyệt vọng, khát vọng, giận hờn, ước mơ, hy vọng, v.v… Cho nên một bài thơ hay có thể đưa tâm hồn người đọc vươn lên chỗ Chân-Thiện- Mỹ.
Linh Vũ kết luận bằng lời nói của nhà thơ lãng mạn Pháp A. Musset cho rằng thơ là cảm xúc: “Hãy đập vào trái tim, thiên tài là ở đó” hay nhà thơ Paul. Valéry nó rằng thơ là “sự nở hoa của trí tuệ”…

Tiếp tục chương trình MC giới thiệu diễn giả Trần Nguyên Sơn, ông hiện là một trong số ít người “rất nghiêm túc” trong giới phê bình văn học ở hải ngoại. Ông nói về một số cảm nghĩ về hai nhà thơ Tuyết Sơn và Kiến Hoa, như sau:

Nhà phê bình văn học Trần Nguyên Sơn

“… Tôi là Trần Nguyên Sơn, được hân hạnh giới thiệu 2 tác phẩm của Seattle vừa phát hành vào cuối năm 2019 tại Washington:

1-Tập thơ Bạch Hoa của tác giả Tuyết Sơn Nguyễn Văn Thu

2- Tập thơ Bách Linh Nhất Điểu của Kiến Hoa Võ Thành Đông

Chúng tôi hy vọng rằng hai thi phẩm trên sẽ được toàn thể quý vị đón nhận với cảm tình nồng ấm qua nội dung tác phẩm. Cả hai thi phẩm trên đã được hai nhà thơ Tuyết Sơn và Kiến Hoa sáng tác cẩn trọng, lời thơ trau chuốt, dựa trên nguồn cảm xúc thực tế. Với những rung cảm nội tâm đầy thi vị, đưa quý vị trở lại với cõi thơ của thi nhân.

* Phần I: Chúng tôi muốn giới thiệu thi tập Bạch Hoa của Tuyết Sơn nguyên văn bằng Hán tự sáng tác suốt trong thời gian nhà thơ bị lao tù tại Vĩnh Phú. Nội dung đơn giản nhưng đầy kỳ lạ cây Hoa Trắng đó bông rất lớn, gieo trong lòng nhà thơ một ám ảnh, mỗi khi hoa rụng là có một tù nhân sẽ vĩnh biệt cõi nhân sinh hệ lụy.
Và phần thứ hai là phần dịch Đường Thi của vài tác giả danh tiếng thi ca Trung Hoa. Tuy nhiên dịch thuật này chúng tôi nhường cho quý vị thưởng ngoạn tự khám phá để so sánh với các dịch giả đã có trước đây. Chúng ta cùng nhau hồi tưởng và thưởng thức bài thơ tù đày bi thương qua sáng tác tiêu biểu bằng Hán văn và bản dịch Việt văn:

Bạch Hoa
Nhất xuân thiên hướng tịch
Đình trung lạc bạch hoa
Quy đồ chân nan mịch
Phách cầm ngã cuồng ca
Dịch
Ngày xuân bóng ngả nghiêng chiều
Sân tù hoa trắng tiêu điều rụng rơi
Về quê đường quá xa xôi
Vỗ đàn mà hát những lời ngang ngang.
Ngoài bài thơ trên, Tuyết Sơn còn qua bài Bạch Hoa Hựu Lạc mà ông dịch là

Hoa Trắng Lại Rơi:
Tiểu trì tử thủy ngã tư dương
Xuân ý tiêu vong trường hận chung
Y sắc cố nhân kim mại liễu
Bạch hoa hựu lạc mãn đình trung
Dịch
Ao nhỏ nước tù xui nhớ biển
Xuân tàn tình hận có tan chưa
Áo xưa màu cũ người rao bán
Hoa trắng sân ngoài lại đổ mưa

* Phần II: Chúng tôi xin được chuyển qua thi tập của tác giả Kiến Hoa Võ Thành Đông. Một tác giả quen thuộc với giới Văn Học Nghệ Thuật tiểu bang Washington. Đây là tác phẩm thứ 2 của Kiến Hoa. Ngay đề tài của thi tập đã gây chú ý rất lớn: Bách Linh Nhất Điểu. Theo tác giả gợi hứng từ thuật ngữ Bách Điểu Triều Phụng, và cũng theo điển chim Phụng là chúa của các loài chim. Biểu tượng Phụng tiên đoán được tương lai, biểu thị cho nhiều đức tính của Quân vương góp lại. Trong khi hạn hán, loài Phụng đã giúp cho các loại chim khác lương thực, nước uống duy trì sự sống. Chính vậy các loài chim muông khác thọ ơn và tỏ lòng tôn kính đã dâng tặng chiếc lông đẹp nhất và tôn thờ Phụng là chúa tể của chúng. Từ đón Phụng là chúa của các loài chim với bộ lông rực rỡ nhất. Theo điển có điểm đặc biệt hơn cả hàng năm các loài chim bách điểu phải về triều phục chim Phụng. Gợi hứng tư tưởng trên, tác giả Kiến Hoa đã sáng tác ra tập Bách Linh Nhất Điểu với 404 câu lục bát phải chăng tác giả phản ánh nỗi ước mơ thời đại thịnh trị lý tưởng Nghiêu Thuấn cổ đại “Bách tính & Quân vương”. Một trong số các bài tiêu biểu như:
39.
Khiếu cất lời gọi chiêu âm
Nghe trong hoài niệm nhang trầm mắt cay
Đưa người ra biển chiều nay
Thấy trong bọt sóng hồn ai về tìm
53.
Cao Cát nghĩa trọng hèn khinh
Gặp cảnh bất bình góp sức cứu nguy
Chẳng lo tử biệt phân ly
Miễn là bằng hữu ngại gì xả thân

Một xã hội lý tưởng của loài người được sống trong thời đại hòa bình, hạnh phúc ước mơ trái ngược với thời đại đầy rẫy bất công, bạo lực diễn ra khắp nơi hiện nay. Phải chăng đó là cõi mơ ước của Kiến Hoa, cũng người của loài người. Chính đó tư tưởng chủ đạo để Kiến Hoa xây dựng tác phẩm. Cũng như lồng trong đề tài ngâm vịnh đó tác giả tá ý nhiều tứ thơ rung động người yêu mến thi ca mà chúng ta đã tìm thấy yêu mến qua thơ của ông…(Trần Nguyên Sơn)
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm

Tiếp theo là diễn giả Giáo sư Nguyễn Văn Sâm nhận định về hai thi tập. Với cung cách, dáng dấp và giọng nói của một người cả đời hành nghề “gỏ đầu trẻ”, giáo sư Sâm ôn tồn nói:

“… Người Âu Châu thường kháo nhau rằng mỗi người Ý là một họa sĩ. Không phải chỉ vì người Ý vẽ tranh tuyệt vời đã để lại nhiều danh họa mà còn vì người dân Ý thích vẽ tranh và treo tranh trong nhà. Bắt chước ý đó, tôi nói người Việt Nam yêu thơ và thích làm thơ, hoàn cảnh nào cũng có thể làm thơ được. Đó là một đặc tính quí giá của người mình. Đó là một đặc tính văn hóa đáng gìn giữ, trân trọng.
Thơ có thể hay dỡ nhưng cốt yếu là đã để lại cho đời sau điều cần biết gì đó của một người, một thời đại, một xã hội.

Thơ tù cho biết về những đối xử độc ác của phe thắng trận cuộc chiến 54-75, những đối xử đáng lý không nên có đã làm hao tốn bao nhiêu tài nguyên nhân sự của quốc gia và tạo sự vỡ tan đáng tiếc của lòng yêu thương từ người dân hai phía.

Thơ tỵ nạn cho biết những bỡ ngỡ những ngày đầu của người tỵ nạn và những cố gắng vương lên đáng quí trên quê hương thứ hai.

Thơ ưu thời mẫn thế cho thấy những ưu tư và phản ứng của người viết đối với những gì xảy ra trong thời đại của mình. Những bài thơ như đất nước ta bây giờ lạ quá. Những bài thơ ủng hộ sự tranh đấu của Tuổi Trẻ Hồng Kong là thí dụ về loại nầy.
Thơ nhiều người làm được, nhưng Thơ mang được bản sắc riêng của người sáng tác là chuyện khác. Không dễ. Tôi vui khi đọc hai thi phẩm của dân kỳ cựu Seattle. Và hân hạnh đứng trước những nhân sĩ tham dự hôm nay.

  • Bách Linh Nhứt Điểu

Một trăm lẻ một con chim với nhiều người đề tựa. Nhiều, có nghĩa là được sự ủng hộ phong phú của bạn bè (nhờ tánh tình sảng khoái và quảng giao của tác giả). Nhiều, có nghĩa là nội dung gợi sự chú ý cho người giới thiệu. Bách Linh Nhứt Điểu nói đặc tính từng loài chim nhưng ẩn dụ về tình đời, về thái độ con người đối xử với đồng loại. Đó là chỉ trăng nói mây, là cách không đả ngưu, là chỉ a nhưng nói b, là nói vậy mà không phải chỉ có vậy. Người xấu lòng, kẻ ti tiện, người bao dung, kẻ từ tâm được nhắc đến khéo léo qua tánh xấu – tốt, với đồng loại của một thứ chim nào đó. Tập thơ thật đặc biệt về đề tài với nhiều tên chim lạ đại diện cho nhiều mặt của tình đời nhân thế.

Một trăm lẻ một nghĩa là 404 câu thơ liên tiếp một dòng, không đứt đoạn, liền vần. Công phu và tài tình ở đó.

Độc giả còn được thích thú với kỷ thuật dùng vần ở chữ thứ sáu phải cần chữ thứ bảy mới rõ nghĩa, kỹ thuật này đem đến sự ngạc nhiên và ngẩn ngơ cho người đọc.
Thí dụ:
Hải Âu về đảo ngủ say,
Quên tình biển bạc đổi thay ba đào.
Bỏ thuyền lặng lẽ trăng sao,
Tìm về điểm hẹn nỗi xao xuyến còn.
(Bài 56: Hải Âu)
Để ý câu 3 chữ trăng sao, và câu 4, chữ xao xuyến còn.
Ý như là sự trách cứ về bạc bẽo của con người quên tình xưa, quên lối cũ.
Hay, một bài khác:
Bồng Chanh đậu nhánh đong đưa,
Hát câu ca cũ thuở chưa xa chàng.
Lời ru nghe ra muộn màng,
Khúc bên nhau ấy giờ sang trang tình.
(Bài 29: Bồng Chanh)
Để ý câu 3 chữ muộn màng và câu 4, chữ sang trang tình. Ý như là tiếng than cuộc tình đã bay xa.

Kiến Hoa không phải chỉ làm thơ về Chim. Như trên đã nói, cả trăm con chim kia chỉ là mượn, chỉ là cái áo, là tấm khăn để anh bao bọc, gói ghém điều cần nói về tình đời. Quan trọng là đây. Hiểu hơn về tài thơ, về tâm hồn của Võ Thành Đông khi ta đọc vài bài – ngoài tập thơ nầy- những bài tình cảm vừa hào hùng, vừa man mác buồn, thường thấy trong thơ Tô Thùy Yên:

Đêm nghe vó ngựa lướt sau lưng
Có kẻ lưu linh lạc giữa rừng
Bình vốc lên trời không giọt rượu
Giấc mơ mạc vận tận anh hùng
Sáng ra nghe tiếng quen quen gọi
Hẹn cuộc tương phùng dăm cố nhân
Bằng hữu như tân tương kính hội
Chuyện trò tựa pháo đón chờ lân
Chuyện mới chuyện xưa thời trẻ dại
Trời trăng mây nước nhạc thơ văn
Mỗi kẻ mỗi đời ngồi nhớ lại
Kể ra cùng một nỗi bâng khuâng
Một nhóm vong niên ngồi nhớ nước
Mịt mùng sông núi tóc màu phai
Điếu thuốc trên tay người bỏ cuộc
Đã tàn sao mắt khói vương cay.

  • Bạch Hoa

Người bạn thơ bóng hình của Kiến Hoa Võ Thành Đông là nhà thơ Tuyết Sơn Nguyễn Văn Thu với tập thơ Bạch Hoa. Tập thơ ít lời nhiều ý ít thấy trong dòng thơ tỵ nạn, hay thơ lao tù của người Việt ở ngoài quê hương. Tuyết Sơn viết thơ mình theo thể thất ngôn bằng chữ Hán nói về tâm trạng của người ‘tù cải tạo’ sau sáu năm bị lao động cưỡng bức. Thơ khá tròn trịa, đúng luật, nhiều bài có khả năng kéo người đọc miên man đi xa hơn những gì tác giả đề ra.
Tại sao lại làm thơ chữ Hán?

Không thể làm thơ bằng Quốc Ngữ vì sẽ là nguy hiểm chết người. Dấu dạng hình thức của chữ, Tuyết Sơn còn dấu điều mình diễn tả một cách kín đáo trong từng chữ, từng câu, từng bài. Nên nhớ anh đương làm thơ trong những trại tù không luật lệ và không có tình người.

Bài thơ Bạch hoa hựu lạc:
Tiểu trì tử thuỷ ngã tư dương,
Xuân ý tiêu vong trường hận chung,
Y sắc cố nhân kim mại liễu,
Bạch hoa hựu lạc mãn đình trung.
Tác giả tự dịch: Hoa Trắng lại rơi
Ao nhỏ nước tù xui nhớ biển,
Xuân tàn tình hận có tan chưa.
Áo xưa màu cũ người rao bán,
Hoa trắng sân ngoài lại đổ mưa.

Bài thơ ta đọc chậm chậm sẽ thấy thấm thía nhiều điều. Ao nhỏ nước tù đọng quanh năm khiến người của biển nhiều năm như anh (Đại Úy Hải Quân) nhớ lúc mình lênh đênh trên trùng dương và thấm thía sự bó rọ của vũng nước tù đọng cũng như sự chật hẹp trong chốn lao tù. Xuân tàn, cuối năm như mình bị cướp đi tuổi thanh niên vốn là mùa Xuân của đời người. Bây giờ cỡi lớp phong sương phiêu bồng chí trai để về với rách rưới còm cõi. Và thiên nhiên vô tình trước gió táp mưa sa (đánh đập, đối xử tàn bào vô tình cảm…) tù nhân sẽ như những bông hoa trắng kia, rơi rụng. Hai câu, một chữ Hán: Bạch hoa hựu lạc mãn đình trung. = Hoa trắng lại rơi rụng đầy sân (tù). Và Hoa trắng sân ngoài lại đổ mưa bổ túc cho nhau. Câu chữ Hán không nói đến mưa mà nói đến sự rơi rụng. Câu chữ Việt nói mưa gợi đến tình trạng bi thảm sẽ tới của hoa trắng bằng cách gợi ý cho người đọc…

Và còn biết bao nhiêu ẩn dụ khác, xin không kể hết vô bài nói chuyện này. Tâm sự với người viết, tác giả khẳng định rằng bài đề từ Ngôn Chí là sự xác quyết trong bất cứ hoàn cảnh nào mình cũng là người của phe Miền Nam (Ôn chính ngạn Nam phương). Và cả tập thơ của mình tóm lại là tiếng nói của người bị trả thù bởi chánh sách tàn độc của một guồng máy.

Gía sư Nguyễn Sỹ Tế cũng đã sáng tác thơ trong tù. Sáng tác trong trí, không viết ra. Ông học thuộc lòng, thỉnh thoảng ôn lại khi có chút rảnh rang ít ỏi. Sau khi ra khỏi chốn địa ngục trần gian đỏ, ông hồi ức và gom thành một tập thơ đặc biệt của người tù. Tập thơ in ở Đức hơn hai mươi năm trước đã là chứng cớ hùng hồn tố cáo một chế độ đáng tố cáo.

Seattle ngày trước có thi sĩ Thanh Nam làm tờ báo đầu tiên nhiều tính văn nghệ và nổi tiếng với tập thơ Đất Khách. Seattle những năm đầu của Việt tỵ nạn đã dung nạp nhà văn Mai Thảo một thời gian dài để sau đó văn chương hải ngoại khởi sắc với tạp chí Văn. Seattle nay có nhiều người viết sách làm thơ, nhưng tôi chỉ biết và nhớ được tên của vài vị, như nhà thơ nữ Trần Mộng Tú, văn thi sĩ Linh Vũ, nhà báo Phạm Kim, nhà thơ Hoàng Hà, nhà thơ Song Xuyên (một người tinh thông Hán học)…
Thế giới cuộc đời là vậy. Tre tàn măng mọc. Cảnh già buồn, cảnh trẻ vui với những tính toán đoán trước thị trường để thành công nơi xứ người. Văn học nói chung hay truyện ngắn, thi ca, bài khảo luận, tờ báo… là biểu trưng cho văn hóa của một sắc dân trong một giai đoạn nào đó. Lớp U90 không viết nữa được thì có những lớp trẻ hơn nối tiếp. Nối tiếp bằng cách sẵn sàng ngồi vô máy gõ bài. Nối tiếp bằng cách diễn tả theo lối mới, có sáng tạo, về những vấn đề của người Việt nói chung và của người Việt ở địa phương nói riêng.

Tôi chắc chắn như vậy khi thấy những người tha thiết đến văn chương ở đây nhiều, họ hăm hở trước những công trình đương thai nghén. Cũng là điều đáng mừng. Mừng vì viết lách không vì chút tiếng tăm hay tiền bạc mà vì những thúc hối đêm ngày bên trong lòng mình để dàn trải tâm tư đánh dấu thời đại chúng ta đang sống. Họ, những người làm thơ, viết văn, soạn nhạc, vẽ tranh, nặn tượng, họ ở ngoài quê hương nhưng sáng tác vì tiếng gọi trực tiếp của lòng mình vì quê hương một phần lớn. Họ, vô hình trung đã để lại vết tích của người tỵ nạn, người di dân trên đất nước mới về lý do tại sao phải lưu vong. Đó là điều không đáng quí sao?…”

(Giáo sư Nguyễn Văn Sâm)

Sau cùng là diễn giả nhà văn, nhà báo Du Miên phát biểu cảm tưởng của mình qua hai thi tập, ông nói:

“… Tui ở nơi được mệnh danh là thủ đô của người Việt tị nạn, tối nay hân hạnh dự buổi ra mắt hai tập thơ của Seattle mà hết hồn! Vì sao mà hết hồn? Dưới quê tui, ra mắt sách không đông được như vầy. Phải chăng như giáo sư Nguyễn Văn Sâm vừa nói, nơi đây là đất lành văn học. Của những Thanh Nam, Túy Hồng, Mai Thảo và nhiều văn nhân nghệ sĩ chọn để dừng chân. Seattle mưa nhiều. Có lẽ mưa triền miên gợi nguồn sáng tác cho thi sĩ chăng? Như nữ sĩ Tuệ Nga của tiểu bang này từng viết như vậy. Đêm nay tui có 2 điều muốn nói.

Thứ nhứt: Hai tác giả ra mắt thơ hôm nay, một ông là mùa Thu (Tuyết Sơn Nguyễn Văn Thu), Thu rồi tới Đông (Kiến Hoa Võ Thành Đông). Cả hai ông nếu mà sinh vào thời triều Nguyễn thì có lẽ đã phải bị tội tru di. Vì sao phải tru di? Bởi vì vợ vua là hoàng hậu có tên là Hoa nên triều đình bắt thần dân hổng được dùng chữ “Hoa”. Ông Kiến Hoa Võ Thành Đông. Ông Tuyết Sơn Nguyễn Văn Thu đặt tên tập thơ là “Bạch Hoa”.

Kiêng kỵ, tránh chữ Hoa thì gọi bằng “Bông” nghe cũng dễ thương chớ ai như ở quê xưa tui: Xứ quế danh tiếng nhứt thế giới. Bông quế màu xanh nên xứ ấy có tên là Thanh Hoa. Do dziên lạ! Kiêng kỵ tên hoàng hậu, các quan triều đình đổi tên Thanh Hoa thành Thanh Hóa! Hỏi rứa có dzô dziên không?

Thứ hai: Cám ơn ban tổ chức và ca sĩ Hồng Trang đã tạo không khí trầm ấm nghĩa tình đã thêm phần dành riêng sau phút tưởng niệm để nhớ đến một người bạn chung của chúng tôi, khiến mọi người có cảm giác rất gần với nhà thơ Du Tử Lê, người vừa mới bỏ đi xa tận cõi mịt mùng…

Tui không ngờ và rất ngạc nhiên là (hai cha này) làm thơ và ra mắt thơ, lúc này…
Với “Nhất Linh Bách Điểu” tui cho là cảm hoài của tác giả dùng các loài chim để gởi trao tâm sự, đã đưa tâm hồn mình và đời sống thật của nhân sinh vào những loài chim vùng đồng bằng sông Cửu Long, Lục tỉnh Nam Kỳ.

Thi sĩ Kiến Hoa cảm nhận các loài chim giống như nhà văn Sơn Nam viết về “Tháng Chạp Chim Về”. Có lẽ những người miền Tây mang tâm hồn thiên nhiên với mênh mông ruộng nước, với hoa điêng điểng, với phù sa, với đàn cò mõi cánh đậu trên ngọn trâm bầu. Với những hình ảnh đó làm sao tâm hồn nghệ sĩ không dệt ngôn ngữ thành thơ. Như chim sáo, chim bói cá,… Kiến Hoa đã viết:

Sáo đưa phụ rẫy sang bờ
Thuyền đi bỏ bến bơ vơ sông buồn
Sóng sầu theo áng mây buông
Nghe bên ngực trái nhịp cuồng si gieo
Hay
Bói Cá chờ vực nước treo
Thấy trong tâm cá buồn neo phận đời
Soi hình trên nét môi cười
Có dung nhan cũ một thời ái ân

Tóm lại Kiến Hoa đã dùng thơ ghi lại quãng đời bồng bềnh thơ và mộng của mình, có một chút nhớ, chút thương, chút buồn. Đôi khi Kiến Hoa vuốt tóc mình bằng năm ngón tay suông để suy gẩm về cuộc đời về thân phận hôm nay… tóc bạc.
Còn về tập thơ “Bạch Hoa” bằng chữ Hán của Tuyết Sơn, tui không dám lạm bàn vì tui không rành chữ Hán, phần này, xin dành cho người đọc khám phá nó….(Du Miên)

Suốt chương trình, mỗi tiết mục đều được xen phần phụ diễn văn nghệ rất hài hòa với đa phần là ca khúc của Nhạc sĩ Hoàng Mị phổ từ thơ của hai tác giả Kiến Hoa và Tuyết Sơn với tiếng hát của ca sĩ địa phương trình bày như: Ca sĩ Lâm Mai Hương, Kim Ngân, Minh Phụng, Hồng Trang, Nguyển Huy, Đặng Quang Vinh…Cùng ban nhạc “Heart Beat” tạo một đêm nhạc rất ý nghĩa thật tuyệt vời.

Ngoài các anh chị em trong Ban tổ chức và bằng hữu Phương Đông, còn có sự góp mặt của ba Hoa hậu Hana Hạnh Trần, Hoa hậu Kelly Ngô, Hoa hậu phu nhân Trương Kim Chi, Ảnh Hậu Trương Bích Thủy và Ảnh hậu Kim Tuyền đến tham dự và góp một bàn tay trong đêm ra mắt sách. Nhân dịp này hai Hoa hậu Hana Hạnh Trần và Kelly Ngô cũng chào mừng quan khách và làm quen với Cộng đồng người Việt Seattle. Và trong tương lai nếu có dịp hai cô sẽ sẵn sàng tham gia vào những sinh hoạt mang tính văn hóa và tiện ích của cộng đồng.

Sau hết là cuộc đàm thoại để trả lời các câu hỏi của khán giả về hai thi tập (thời gian có hạn, rất tiếc có nhiều câu hỏi khác nhưng MC Linh Vũ không thể thực hiện hết được). Tiếp theo là các người đẹp trong Ban tổ chức tặng hoa cho tất cả các diễn giả và hai thi sĩ. Đồng thời thi sĩ Kiến Hoa và Tuyết Sơn cũng gởi lời cám ơn quan khách tham dự. Kết thúc đêm giới thiệu sách bằng một slice show về hai thi tập “Nhất Linh Bách Điểu” và “Bạch Hoa” do Nguyễn Dương đến từ Spokane trình chiếu với giọng đọc của nhà văn “Ngày Tháng Buồn Hiu” Ngọc Ánh.

Chương trình giới thiệu hai thi tập chấm dứt lúc 8 giờ tối và sau đó chương trình dạ vũ tiếp tục đến 1 giờ 30 sáng.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here