Một cảm nghĩ về nhạc phẩm “Còn Đâu Tuổi Thơ”

0

Linh Vũ

Giọng hát của Đồng Thảo vừa ngân lời cuối trong nhạc phẩm “ Còn Đâu Tuổi Thơ ” của nhạc sĩ  Đào Nguyên, tự dưng nước mắt tôi cũng ứa trào trên khóe mắt. Chẳng nhẽ tôi là người đàn ông mau nước mắt đến thế!. Đúng như vậy, vì trong tôi đã bị ám ảnh bởi một niềm đau trong ngày về thăm lại quê hương. Chính tôi đã nghe, đã thấy bao thảm cảnh xảy ra trên mọi miền đất nước, trong xã hội của tầng lớp dân nghèo. Tôi nói thế, có lẽ nhiều người không bằng lòng, họ sẽ nói Việt Nam đã đổi mới, phố xá thênh thang, nhà hàng sạn trọng, khách sạn nhiều tầng. Tôi không phủ nhận về điều đó, nhưng đó chỉ là bề mặt hào nhoáng, là tài sản của tầng lớp giàu có, quyền thế. Nhưng muốn biết bề trái của xã hội, chúng ta hãy đi sâu vào hẻm hóc, đến những vùng quê hẻo lánh, vô thăm những khu lao động đói cơm rách áo. Tôi cam chắc rằng quí vị sẽ không thể cầm được giọt nước mắt. Đó là xã hội thật của Việt Nam hiện nay, nếu về mà cứ ăn chơi, vung vít thì sẽ không bao giờ thấy một Việt Nam thật sự. Tôi về chỉ mang theo những vết đau của xứ sở, những tội tình của quê hương. Cho nên hôm nay khi nghe Ca Sĩ Đồng Thảo ca nhạc phẩm “Còn đâu tuổi thơ” đã khơi lại trong tôi một bầu trời Việt Nam đầy khốn khổ, con tim tôi như co thắt lại. Ca Sĩ Đồng Thảo đã trải một dòng âm thanh thật nhẹ và buồn từ trái tim đầy nhân hậu của mình để nói lên lòng thương cảm những mảnh đời bất hạnh của những cô gái Việt hôm nay. Bản nhạc tuy đơn sơ với một thứ loại âm vực bình thường, nghe nhẹ nhàng nhưng đầy những giọt buồn thắm tận tim người. Có lẽ tâm trạng ray rứt của Nhạc Sĩ Đào Nguyên đã thấm vào những dòng thơ xót đau của Phạm Ngọc tạo nên một ca khúc quá tuyệt vời đến độ làm tim tôi đau nhói.

Em lớn lên không bằng câu hát

Không nụ cười hay tiếng mẹ ru

Em lớn lên chỉ bằng nước mắt

Trong đêm đen bốn phía ngục tù

Tuổi của em chưa tròn mười ba

Em chẳng tròn mười sáu thơ ngây….

Tuổi trẻ Việt Nam sau ngày chấm dứt chiến tranh là thế đấy. Niềm hy vọng đã vụt cánh bay xa, tiếng Mẹ ru ầu ơ không còn đong đưa theo tiếng võng và ngày em chào đời đã khát sữa đói cơm. Tương lai em đâu! sao chẳng còn manh áo, không một mái nhà che nắng đụt mưa. Mẹ em đâu! sao chẳng còn vòng tay bế. Cha em đâu! sao không chẳng thấy trở về. Tôi thông cảm hoàn cảnh em, tôi hiểu được quê hương em, tôi nhìn thấy Tổ Quốc điêu linh đang đè nặng trên 80 triệu dân lành thoai thóp. Một quốc gia độc lập xây nhà tù nhiều hơn trường học, cán bộ nhiều hơn thầy giáo, đói nghèo đầy ấp xuống quê hương. Em nhỏ bé quá, em làm được gì trong hoàn cảnh này, ngay cả mảnh áo che thân cũng không đủ ấm cho mùa đông gió rét. Gia tài và tương lai em chỉ là xác thịt ốm gầy. Em đánh đổi sự sinh tồn bằng xác thân tuổi dại. Tôi cảm thông em, mọi người yêu thương em, Thi Sĩ Phạm Ngọc hiểu được em, ông viết:

Em lớn lên đời dài bão tố

Khi sa chân giữa chốn đọa đày

Tuổi thơ em bây giờ đã mất

Bước chân em trăm đường lưu lạc

Giữa quê người ai khóc thương em

Quê hương nào em giữ mãi trông tôi….

Quê hương này không chỉ của riêng em, của tôi, của Phạm Ngọc, của Đào Nguyên hay Đồng Thảo mà của mọi người dân Việt. Nỗi đau của đất nước đã len lỏi trong từng trái tim mọi người, đã hối thúc, đã kêu gọi lòng từ tâm của nhân loại. Nhạc Sĩ Đào Nguyên đã khóc giùm em, đã lấy những giọt lệ của mình viết thành ca khúc, đã tạo những dòng âm thanh thành hồi chuông cảnh tỉnh cho thế gian, con người. Cho bạo quyền hãy dừng tay đao phủ để có một Việt Nam no cơm ấm áo. Thế giới đang lắng nghe em, mọi người trong và ngoài nước đang thương xót số phận da vàng của em. Họ đang tranh đấu, đang mở rộng vòng tay đón nhận các em từ mọi nơi khốn khó. Tôi cũng như em vẫn mang hoài một khắc khoải. Đất nước sau bao năm hòa bình sao vẫn còn đau khổ, hai tiếng độc lập tự do nghe như nghẹn đắng giữa tim người. Em thiếu ăn, đồng bào thiếu ăn, tuổi trẻ đang đứng trên bờ vực thẳm. Xã hội lừa đảo tham ô, cán bộ lộng hành áp bức, chiếm đoạt tài sản của người dân nghèo khổ. Lấy mồ hôi nước mắt của của đồng bào để cá độ đỏ đen vài ba triệu bạc. Họ có nhiều tiền, họ có thể mua em một ngày, một giờ để vui chơi trong cuối tuần thư giãn. Em ơi! Em là món đồ chơi của những tay trọc phú giữa lòng quê mẹ.

Tuổi thơ em một đời khốn khó

Ai bán thân em trên xứ người tủi nhục

Sao loài người quá đỗi vô tâm

Thượng Đế ơi ! Thượng Đế ơi !

Dù Ca Sĩ Đồng Thảo có kêu gào thế cho em, dù Nhạc Sĩ Đào Nguyên có đổ hết nước mắt trong nốt nhạc để đánh động lương tâm thế giới, thì những kẻ vô tâm không bao giờ muốn nghe. Thương Đế thì ở xa em quá làm sao cứu được em đây. Em chỉ là một cô bé yếu gầy trong một xứ sở nghèo nàn nhiều bạo lực. Nước mắt em không đủ nóng để làm loãng tan những độc ác của thế gian, bàn tay em quá nhỏ, không đủ móng sắt để cào xé một chế độ độc tài, vô nhân. Người ta chỉ thương em qua nguồn rạo rực bẩn thỉu của xác thân. Họ bán em cho ác quỷ vì lòng tham tiền của kẻ vô lương.

 Đã nhiều năm tôi đã khóc giùm em, khi nghe một số người lắm tiền nhiều bạc, khi trở về quê hương họ đã dùng đồng tiền may mắn để mua đứt số phận các em, để trút hết nhục dục lên thân xác đói cơm, rách áo của các em, mà họ gọi là tình thương đồng loại. Đồng loại nào!? Tôi nghe thấy mà lòng mình ngao ngán, chẳng nhẽ các em ở đồng quê tay lấm chân bùn có tội tình sao! Tôi thương các em mang cuộc đời bất hạnh, không phải chỉ ngay trên quê hương mình mà còn bất hạnh nơi xứ lạ quê người. Em hãy lắng nghe Ca Sĩ Đồng Thảo cầu nguyện giùm em đây:

Thượng Đế ơi! Thương Đế ơi!

Em lớn lên nô lệ ngàn năm

Em bỏ lại vòng tay Mẹ yêu

Tuổi hồn nhiên nụ cười năm xưa

Bao ngây thơ em trả lại đời.

Thương cho em mùa thu buồn lệ tuôn…

Các em gái Việt Nam thân thương ơi! Thượng Đế không bỏ các em đâu, những trái tim nhân hậu trên thế giới sẽ lau khô nước mắt cho em, những bàn tay nhân ái sẽ ở sát bên em, sẽ kéo em ra khỏi bờ vực thẩm. Tôi được may mắn hơn em có cuộc đời bình an nơi xứ lạ. Tôi hạnh phúc hơn em vì có tuổi thơ để nâng niu hồi tưởng. Tội nghiệp cho em một đời không còn gì để nhớ, không có một nụ cười để cất dành làm duyên thời con gái, hay một chút má hồng cho tình yêu thuở mới lên ngôi. Em không có gì cả cho dù chỉ một chút dĩ vãng mong manh, bởi vì em là đứa con gái Việt Nam dưới màu cờ đỏ. Em ơi! chỉ một khúc nhạc của Đào Nguyên thôi, đã xoáy vào tim tôi những xót xa dân tộc. Tôi xấu hổ khi nhắc đến bốn ngàn năm văn hiến, tôi nôn mửa khi nói đến hai tiếng độc lập tư do, nhân quyền hạnh phúc. Tôi đọc báo mỗi ngày, tôi thấy số phận đất nước mình buồn thảm quá. Số phận và danh dự người đàn bà Việt Nam thật tôi nghiệp. Tôi thấy đau lòng quá, vì những người đàn bà Việt Nam đau thương trong đó có Mẹ, chị, em và những đứa con gái của tôi. Làm sao tôi không đau được, làm sao nước mắt tôi không rơi xuống khi đọc hết những bản tin viết về những người đàn bà Việt Nam đang bị đọa đày khắp nơi trên thế giới. Tôi đau thắt lòng khi nghe bản tin đài VOA tường thuật: “Cảnh sát Kampuchia cho hay họ đã giải thoát được 11 phụ nữ Việt Nam bị ép buộc hành nghề mại dâm tại nhà chứa ở thủ đô Phnom Penh…” Hay một vài bản tin khác cũng tương tự như vậy ở thành phố du lịch Siem Reap hay ở thắng cảnh nổi tiếng Angkor Wat, ở Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Malaysia, Úc, Đài Loan, Macao, Miến Điện, Hồng Kong, Hoa Kỳ ,Canada, Lybia và Âu Châu nữa. Tôi đã nghe mọi tiếng kêu than của các em từ trong trại tù, từ những động mãi dâm, tôi đã nhìn thấy từng giọt nước mắt của các em rơi xuống âm thầm trong những nhọc nhằn đói cơm nô lệ. Có em đã nói:

“Quê em ở Việt Trì…..làng em nghèo lắm khó kiếm được công ăn việc làm….Em sang Đài Loan ngày 18 tháng Giêng năm 2005.   Theo hợp đồng của công ty môi giới tại Việt Nam, em sẽ chăm sóc một ông già bị liệt toàn thân. Khi đi em đã vay gần 20 triệu tiền VN để giao cho công ty môi giới…..Em bị cưỡng hiếp nhiều lần trong suốt thời gian bị cầm giữ trong nhà chủ môi giới này…”.

Hay một em khác đã kể sụt sùi trong tiếng khóc:

“…Làng quê của em ở Tây Ninh, nghèo lắm. Bọn em chưa hề biết Sài Gòn là gì, vậy mà bây giờ luân lạc sang tận Đài Loan. Lúc ra đi, bọn em chỉ mong lấy được tấm chồng, rối kiếm việc làm để gởi tiền về giúp cha mẹ cất mái nhà ở. Không ngờ thân bọn em bị ô nhục đến thế”. Nhiều và còn nhiều hoàn cảnh giống như hai em trên đây biết làm sao kể xiết. Những tiếng kêu cứu của các em nghe đến xé lòng, nhưng những giới chức Việt Nam có thèm nghe thấy đâu, họ không cần biết sự khổ đau của một con người, một vinh nhục của cả một dân tộc. Họ cần có nhiều tiền và chiếc ghế quyền lực để cai trị dân trong bàn tay khát máu. Tệ nạn này không phải lỗi tại em, mà do một chính quyền quá tham nhũng không bao giờ chịu nghĩ đến an nguy và đời sống của người dân. Một năm trước đây trong sự tình cờ tôi đã nhận biết được một địa ngục trần gian trên quê hương mình, một nơi chốn mà chính phủ VN gọi là trung tâm du lịch quốc gia. Tôi biết Đồ Sơn với một ngạc nhiên đến rơi nước mắt. Nơi đây phong cảnh hữu tình với một bờ biển dài lộng gió, một Casino sang trọng. Sau một bữa cơm trưa tại nhà hàng, tôi và một người bạn thả bộ tìm chút gió biển quê hương, có một cảnh tượng làm chúng tôi thắc mắc là trên con đường ven biển có hằng chục các em bé tuổi từ 13 đến 19 đạp xe đạp chạy lòng vòng. Chúng tôi thấy lạ, gọi một em đến hỏi. Em bé 13 tuổi tâm sự với tôi như sau:

Hỏi. Tại sao lại có nhiều trẻ con đạp xe trên con đường này vậy?

Đáp. Chúng nó đâu phải trẻ con, đã 13, 14 tuổi rồi đó, tụi nó đi tìm hàng đó.

Hỏi. Hàng gì?

Đáp. Mấy ông cán bộ từ Hải Phòng xuống

Tôi chợt hiểu ngay ý các cô bé muốn nói gì, tôi hỏi thêm

Hỏi. Các cháu nhỏ quá mà…  Cô bé vội ngắt lời tôi

Đáp. Các ông cán bộ chỉ thích các đứa con nít thôi….

Hỏi. Gia đình các cháu ở đâu? tại sao các cháu lại tụ về đây

Đáp. Các cháu ở Hài Phòng gia đình quá nghèo Mẹ cháu đã bán cháu cho bà chủ nhà trọ 200,000 đồng VN, mỗi lần đi khách tụi cháu được 80 ngàn khi chia ra mọi chi phí tụi cháu được hưởng 30 ngàn…..

Trong cuộc đối thoại ngắn với các cô bé tuổi bằng các cháu nội ngoại của tôi đã làm tôi không cầm được nước mắt và cũng chính hình ảnh đó đã cột chặt niềm đau trong tôi đến mãi bây giờ. Hai trăm ngàn VN chưa đến hai chục đô đã mua được cuộc đời một cô bé Việt Nam. Thượng Đế ơi! sao con gái, đàn bà Việt Nam rẽ như bèo vậy. Mẹ của Tổ Quốc VN đâu! Mẹ của Bộ Đội giải phóng đâu! Những bà Mẹ VN đã bị bắn gục trước họng súng sau ngày độc lập. Tôi không trách gì các em đâu. vì hoàn cảnh các em nghèo đói quá, không có cơ hội đến trường, không có công ăn việc làm, các em bị bạo lực và phân biệt đối xử phụ nữ và trẻ em trong xã hội bất công, không luật lệ bảo vệ. Xã hội đã đẩy các em vào bước đường cùng ngay trên chính quê hương đất nước mình. Các em đã phải tha phương cầu thực, nhưng đã bị đọa đày thành người nô lệ từ thân xác đến tinh thần

Tổ Quốc Việt Nam ơi! chính quyền VN ơi! đã 30 năm độc lập hòa bình sao lại có những con gái đàn bà VN lộng trong lồng kính rao bán giữa chợ Tân Gia Ba hay trên E-Bay ở Đài Loan tháng 3/2004. ” Mua hai người giảm giá 40%”. Còn gì đau thương, xót xa cho bằng khi một cô gái Việt Nam rao bán với giá thấp hơn một con vật, như một vật phẩm. Một cô dâu Việt Nam chỉ với giá 18 vạn Đài tệ (gần 90 triệu đồng VN) “Thương Đế ơi có thấu cho Việt Nam này…”.

Thế kỷ 21 này tưởng chừng nhân loại đã thoát khỏi thảm cảnh người làm nô lệ, nhưng vấn nạn lại càng tiếp diễn nhiều hơn hằng năm qua nhiều hình thức khác nhau. Mặc dù nhiều cơ quan trên thế giới như: Chid Wise, ECPAT, UNESCO, UNICEF, ILO, UNIAP đã góp phần đáng kể trong công việc này, nhưng không làm sao triệt tiêu hết được các tôi phạm ngày càng gia tăng. Thế giới hiện nay có hơn 400 ngàn phụ nữ và trẻ em đang bị buôn bán lậu ra nước ngoài. Loại kỹ nghệ tội ác này trên thế giới đang có số thu trên 20 tỷ mỗi năm, chỉ kém nạn buôn ma túy.

 Con người phải chăng đã gắng liền với một số mệnh, một oan khiên trên từng mảnh đất, trên từng giống nòi. Hôm nay tôi ngồi nghe một khúc nhạc của Nhạc Sĩ Đào Nguyên qua tiếng hát Đồng Thảo tự dưng lòng tôi lại khóc. Tôi khóc cho tôi, cho em, cho đồng bào Việt Nam mình sao mãi đọa đày trên bao thế kỷ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here