NGÀY XƯA HOÀNG ĐẠO

0

Cao Hoàng
Máy bay hạ cánh xuống phi trường Liên Khương, cửa mở ra, khí lạnh ùa vào là tôi biết ngay da thịt mình đã chạm vào một thành phố đặc biệt. Những con đường trải nhựa sạch sẽ, ngôi nhà phi cảng lớn với cửa kính sáng sủa chung quanh trồng toàn hoa mầu xinh tươi; nhưng người lớn bảo tôi rằng: “chưa phải Kontum đâu! Thế rồi máy bay Air Việt Nam lại tiếp tục bay đi và hạ cánh xuống phi trường Ban Mê Thuột, Pleiku . “Càng lúc càng xa Saigon hoa lệ!” đó là câu than thở của bà chị thứ tư chứ nhóc tì như tôi chưa biết gì là hoa với lệ. Lúc ấy trong không gian của một ngày nắng chan hoà tôi chỉ thấy vui thấy lạ với các bảng quảng cáo du lịch: hình ảnh nhà làng cao vút, những con voi tím và người đàn ông nâu nâu đang uống rượu cần. Nhưng phi trường Kontum thì đúng là “phi cảng não nề”, chữ của Cao thị Vạn Giả: Mù sương phi cảng não nề, thôi anh ở lại buồn về em mang. Tất nhiên chữ “não nề’ gợi một tình cảm khác chứ không phải cái thất vọng của lũ chúng tôi: con cái của ngài tân trưởng ty học chánh một tỉnh rông lớn! Mẹ thì bình tĩnh hơn chẳng nói năng gì hết, chỉ đưa mắt nhìn cái nhà tôn đã cũ đến cái phi đạo bằng vỉ sắt mà cỏ đã nhô lên ở những lỗ tròn. Mẹ nhỏ con nhưng gan lì, xưa nay theo bố băng băng lên núi vượt rừng, áo rách vá vai, trong cuộc tình khoai sắn ngô ấy có than thở chi đâu.

Ty Học Chánh nằm ở phía Nam cuối đường Trình Minh Thế, rất khiêm tốn, chỉ chiếm một trong ba căn giống nhau của một cái nhà lớn có vườn rộng. Dưới mái hiên là cái bảng quay thường có trong lớp học, chỉ vỏn vẹn mấy chữ TY HỌC CHÁNH KONTUM. Trưởng ty là ông Đào Trinh Cự lúc đó đã nghỉ hưu. Thuở bé tôi ít nói cười chỉ vểnh tai dương mắt ra hóng chuyện người lớn nên biết ông Đào Trinh Cự có liên quan máu mủ gì đó với danh sĩ, nhà báo lẫy lừng Đào Trinh Nhất. Sau cha tôi cho sửa lại cái bảng ngoài với mấy chữ khác TY TIỂU HỌC KONTUM như thế chính danh hơn vì lúc đó Kontum chưa có trường trung học công lập. Hai trung học công giáo Lasan Kim Phước và trường Nữ Tê Rê Xa {Theresa} tuy có liên hệ nhưng không nằm trong sự quản trị của Ty Tiểu Học.

Kontum ngày ấy phố xá vắng hiu hiu, đêm đêm không ánh đèn đường, me dại, hoa muồn vàng rực chen lẫn với nhữ cây keo có trái xanh xanh hồng hồng, lòng khòng như những trái me. Hè đến ve sầu kêu ran ngay trong phố. Nhạc sĩ Trần Đình Quân khoe nơi anh ta ở có nắng hạ giữa mùa thu; còn tôi thấy một ngày nơi đây có đủ bốn mùa, mà cái cảm giác ‘một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh” là ấn tượng nhất. Trong sương mai lạnh giá những cô gái Ba Na đi chân đất hàng một từng nhóm vào thành phố. Họ mặc áo váy màu đen có hoa văn tuyệt đẹp, lưng đeo gùi chất đầy củi, thường có cả măng tươi và mật ong rừng để bán cho dân phố.

Nhưng phố nhỏ không buồn quá như vậy. Từ từ tôi khám phá ra rạp ciné Đồng Hoà chiếu các phim ngoại quốc và một rạp xập xệ hơn chuyên trị cải lương. Tôi hay đến chiêm ngưỡng cây cọ trên tay người họa sĩ già thoăn thoắt bay lượn trên những bảng quảng cáo đầy màu sắc, bảng sẽ dựng lên trước rạp ciné. Rạp cải lương có một lối quảng cáo khác với xe ngựa băng rôn màu mè và trống kèn inh ỏi chạy rong khắp phố. Thỉnh thoảng có các đoàn văn nghê đến lưu diễn. Tôi mê mẩn với tiếng Mandoline, Vĩ cầm hay phong cầm của anh Quốc Thậm, người nhạc sị địa phương đa tài của ty Thông Tin.

Ngày nọ, tôi thấy người ta dựng một cái thùng rượu khổng lồ trên đường ra chợ, cờ quạt muôn màu và máy phóng thanh phát ra giọng hát “véo von” của cặp song ca tiền phong Ngọc Cẩm – Nguyễn hữu Thiết. Những bài như Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng rụng xuốn cầu, mà bài sau tôi vẫn cho là một tuyệt phẩm của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Một cầu thang cho mọi người có thể leo lên chỗ cao nhất ngó xuống bên trong cái thùng rỗng ấy. Tôi cũng được tiền để mua vé lên xem. Và cũng là lần lưu giữ mãi hình ảnh Bạch Yến lái mô tô bay, nghệ sĩ chỉ lớn hơn tôi vài tuợi, tươi đẹp và can đảm, tiếng hát tuyệt vời vẫn còn bay lượn mãi tới hôm nay.

Một buổi sáng còn sương đọng trên cành lá. Tôi đi đến trường một mình, tay cầm phong thư của cha gửi cho thầy hiệu trưởng trường tiểu học Kontum Trần Xuân Hà, và tôi được vào học lớp nhất của chính thầy hiệu trưởng đang dậy. … Đây là vị thầy đầu tiên dậy tôi hát đàng hoàng. Ngoại trừ bài quốc ca mà đứa nào cũng tự nghe rồi hát được. Thầy Hà có cây đàn guitar và đêm cho chúng tôi hát Ca khúc mùa hè, Trưng Vương hành khúc …vv… Phải nói rằng trong tất cả các lớp học đã đi qua, tôi chưa yêu thương lớp nào bằng lớp này. Ngồi chưa yên vị, Huỳnh Phú đã quay xuống cho tôi một ngòi bút lá tre. Đỗ Thuận bên cạnh dụ tôi chơi bói tình duyên và tôi học ngay được cách làm lé mắt của Lê quang Châu. Từ đó tôi đến trường ôm mộng tuổi thơ… Năm đó cũng là năm đầu tiên không phải thi tiểu học. May quá! tôi vẫn tự hỏi bây giờ phải thi lại bằng tiểu học: những bài toán đông tử kinh hoàng chắc gì mình đã nuốt trôi! Rồi lại có cái may tiếp theo:

vì sĩ số quá ít nên cả lớp nhất ấy không phải thi cử gì cả mà cứ đựơc ngồi ngay vào lớp đâu tiên của Trường Trung Học Kontum. Sau trường lấy tên mới là Hoàng Đạo. Các bạn Hoàng Đạo về sau rất hãnh diên được là học sinh Hoàng Đạo! và tôi cũng nhắc các bạn rằng: lớp nhất yêu thương ấy của tôi chính là Hoàng Đạo tiền phong….

NGÀY XƯA HOÀNG ĐẠO (phần 2)

Đó là lần đầu tiên tôi được học trong một lớp có trai có gái. Lớp chỉ có năm mươi trò, chia làm hai dẫy. Con trai ngồi bên phía cửa ra vào, con gái ngồi ngồi phía trong. Thời gian vừa tàn cuộc chiến tranh Việt Pháp nên nhân sự còn nhiều lộn xộn. Tôi phải học chung với những đứa nhỏ hơn một hai tuổi như Lê Đông Hải, Nguyễn Quang Thụy, Tôn nữ Thu Hà …và những đứa lớn hơn bốn năm tuổi như Nguyễn Thiên, Huỳnh Văn Em, Đặng thị Lợi, chị Sum, chị Thành …là những trò học lớp nhứt nhưng có thể lấy vợ gả chồng được rồi! Ngày 8 tháng 3 năm sau, là ngày Quốc Tế phụ nữ cũng là ngày tưởng niệm Hai Bà Trưng, hai chị Sum và Thành rất đẹp gái được đóng vai hai bà, ngồi trên mình voi cao ngất ngưởng, còn lũ chúng tôi đi bộ làm lính. Vào khoảng năm 1960 những cái cao thấp lộn xộn đó được chính quyền giải quyết bằng cách cho khai tên tuổi mới với giấy Thế Vì Khai Sinh; thế là những đứa có tên Phan Xiếu, Diêu đức Cu, Nguyễn quang Ổn ……biến thành những đứa tên đẹp như tài tử, lại còn tha hồ rút tuổi xuống.

Học chung với con gái tôi mới phát hiện rằng lũ này rất tình cảm và mít ướt. Mới học được hai tháng thầy Nguyễn Hữu Nghĩa của chúng tôi nhận lệnh động viên. Thầy còn rất trẻ, da trắng hồng, rất đẹp trai, buổi chia tay lũ trò gái rơi bao nhiêu là nước mắt. Nhưng xe phát thanh của ty thông tin cả ngày chạy lòng vòng từ Tân Hương qua Phương Nghĩa, Từ Phương Quý đến Phương Hoà ra rả vang lên bài hát nỉ non:

Vài hàng gửi anh trìu mến
Vừa rồi làng có truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Đi quân dịch là thương nòi giống
Lạy trời tròn năm trọn tháng
Nợ làng ơn nước anh đền xong
Mái nhà chốn quê thanh bình
Chờ anh bước về vui bên em

Năm sau thầy về trong đoàn quân diễn hành đều bước ngoài đường phố. Thầy không trắng trẻo đẹp trai như hồi dậy học, nhưng thầy đi ngoài bìa nên có những đứa trò gái nhận ra chạy theo níu áo khóc như mưa … Mà khóc là phải, từ đó chẳng bao gờ tôi gặp lại thầy. Cuộc chiến hung tàn ngu xuẩn ấy chắc đã nghiền nát những người thanh niên tươi trẻ trong đoàn quân năm ấy, dễ gì mà chừa ra người nào!

Năm lớp nhất tôi được học thêm với hai thầy nữa là thầy Phạm văn Nhàn, dạy ngắn hạn và thầy hiệu trưởng Trần Xuân Hà dạy cho hết năm lớp nhất. Giáo viên tiểu học hồi đó thường phụ trách tất cả các môn, kể cả những môn liên quan đến nghệ thuật như vẽ và thủ công, mặc dù hầu hết các thầy không được đào tạo chuyên môn ấy.

Thở bé đi học tôi chỉ mê vẽ và cứ hở ra một chút là đã có tôi hí hoáy vẽ rồi. Tôi vẽ Ngô Quyền với trận Bạch Đằng Giang, những cọc nhọn chĩa lên trời tua tủa đâm nát thuyền quân Nam Hán. Tôi vẽ Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận; ở một góc tranh không quên cái đuôi con trâu bị làm thịt để khao quân cắm xuống bùn. Tôi vẽ Hưng Đạo Đại Vương chỉ tay xuống dòng sông Hoá, vĩnh biệt con voi trận bị lún sình với lời thề không về nữa nếu không diệt được giặc Nguyên-Mông. Nói chung tôi chỉ vẽ những gì mà các sử gia Việt Nam nhồi nhét vào cái đầu non nớt này, còn có đúng hệt như thế không thì có trời mới biết. Cho nên đến giờ vẽ nếu thầy mượn đôi guốc của Lê Thị Hoà hay cái nón lá của Nguyễn thị Thiệt cho chúng tôi làm mẫu vẽ, thì đối với tôi đó là những giây phút thần tiên. Tôi vẽ tranh lich sử trong trí nhớ hay vẽ theo kiểu của những đồ vật đặt trước mắt không có gì gọi là sáng tạo cả; Có vẽ đến mòn giấy bút lũ chúng tôi cũng không bao giờ thành hoạ sĩ nhỏ được!

Cơ hội đã đến, một hôm giờ vẽ thầy bảo: Hôm nay vẽ tự do, trò nào muốn vẽ gì cũng được. Vẽ đẹp và sớm có điểm tốt. Tôi nghe khoái quá, sau một hồi suy nghĩ lung lao, tôi lấy ngón trỏ thọc vô lọ mực tím và bôi kín tờ giấy vẽ một màu tím đâm. Với cây bút chì có một đầu gôm, tôi bắt đầu chà vào tờ giấy vẽ. Mực tím theo gôm bung ra những nét dài ngắn màu trắng nghiêng nghiêng lả lướt. Huỳnh Phú cao kều chồm xuống hỏi:
– Mày vẽ cái giống gì vậy?
– Tao vẽ mưa đêm.
– Đêm tối thui làm sao thấy được giọt nước!

À há, may quá có nó nhắc nếu không là tiêu bức tranh rồi. Tôi lấy cái ngòi bút lá tre nó cho hồi mới tới lớp còn trong cặp ra cạo những đường zic zac liên tiếp, nhỏ mà sắc nét. Huỳnh Phú lại chồm xuống coi, lần này nó gật gù:

– Đúng rồi phải có sấm chớp mới thấy mưa chứ! Hoàng thế Nào khôn thiệc!

Từ đó cái tên của tôi được đám Hoa Kiều bán thuốc Bắc mà bố hay dẫn tôi đến mua thuốc đều tấm tắc khen; ông thầy già nhất tay chắp sau lưng đi qua đi lại nhìn tôi: “Woòng Xây Hầu hẩu,hẩu lớ… thế mà nay bị nhiều đứa trong lớp sửa đổi thành ra kỳ cục. Không sao! Tuý, Ngân Hạnh, Thu Hà, Mỹ Lan vẫn nhỏ nhẹ gọi tôi là trò Hào cũng được mà.

Rồi tôi nhanh chân lên nạp bức tranh để kiếm điểm tốt. Cả lớp vẫn còn lui cui, nhiều đứa vẫn loay hoay chưa biết vẽ cái gì! Tôi trịnh trọng giải thích với thầy đây là bức tranh mưa đêm. Thầy ngắm tranh kỹ lưỡng xong thầy ngắm tôi từ đầu xuống chân. Rồi thầy bảo:”xoè tay ra”, lấy cây thước kẻ thầy khẻ vào cái bàn tay dính đầy mực tím hai cái đau điếng với tội ở dơ!

Đau lắm vì cái thước kẻ ấy không bằng gỗ tạp mà bằng thứ gỗ gì đen thui nặng lắm. Đau mấy tôi cũng chịu đươc, nhưng tôi cứ nhớ mãi roi đòn vô lý ấy. Ông họa sĩ vẽ bảng quảng cho rạp hát bóng có lúc quên cũng lấy cây cọ sơn quẹt lên mặt cho đã ngứa là thường mà, có sao đâu. Tôi lủi thủi về chỗ ngồi không dám khoe ai kiệt tác đầu đời nữa. Cũng may đứa bạn nào cũng đang nghiêng đầu, ngoẹo cổ, méo mồm vẽ, không để ý gì.

Ba mươi năm sau khi đã định cư ở thành phố Tây Bắc Mỹ, một hôm tôi nhận được thư của một nhà xuất bản nhỏ. Họ xin phép được dùng bức tranh của bé Lam Giang, cô con gái út 8 tuổi của tôi để in thành postcard lưu hành khắp nước. Tranh với đề tài Mom đang triển lãm tại tháp Space Needle. Họ mong tôi trả lời sớm để họ có thể phát hành trước Mother ‘s day. Dĩ nhiên là tôi đồng ý.

Không biết nhà xuất bản có thấu được cái ý tưởng của con bé 8 tuổi trong bức tranh, hay chỉ nhìn thấy mầu sắc tươi đẹp, hài hoà và một đống lộn xộn rất lạ mắt. Cô giáo dậy vẽ Joann Seeler và người trong nhà thì hiểu ngay bé đang ca tụng bà mẹ, cũng giống như thi sĩ Trần Tế Xương làm bài thơ xót thương người vợ hiền vô cùng cảm động:

Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông
………..
Có lẽ cũng vất vả như những bà mẹ khác thôi; Lam Giang vẽ nó, đưá con cưng mà mẹ phải lo toan nhiều nhất đứng giữa, chung quanh đó: con mèo Maxim luôn luôn đòi ăn uống và đi chơi. Buổi sáng khi em đi học bằng xe bus nhà trường đậu trước nhà, mẹ thường không cho chó Fido gậm cái back pack lôi kéo em ở lại chơi với nó. Nếu mẹ quên thì có bà lái xe bước xuống can thiệp, nhưng Fido giận, sủa ầm ỹ. Mẹ còn phải lau chùi cái xe hơi màu xanh, cho con blue jay từ trên cây thông bay xuống ít củ hạt khi nó dạn dĩ đến trước cửa kính gõ lạch cạch. Nghĩa là mẹ bận lắm, thế mà khi đêm về vẫn muốn ôm bé vào lòng kể chuyện cổ tích, đôi khi là chuyện vượt biển oai hùng với con thuyền nhỏ xíu của bố trong đại dương bao la. … Còn thiếu gì nữa không trên vành nón của mẹ? … Có người hỏi: “hai cái vòng tròn ở trên má, dưới mắt, có phải cặp kính không? Năm ấy mẹ bé còn trẻ lắm chưa phải đeo kính; Xin giải thích: đó là bé còn ngây thơ tô hồng đôi má của mẹ nhưng giới hạn mầu hồng trong hai khoanh tròn đó thôi! Ôi sao con bé lucky thế chẳng bù cho bố nó.

Những ngày tháng qua thật nhanh, chúng tôi đang học lớp chin, đệ tứ niên, là đàn anh đàn chị trong trường rồi. Vào dịp tết năm ấy lớp chín tôi đi cắm trại một ngày. Địa điểm cắm trại dĩ nhiên phải ở gần sông để có nước cho các nàng trong lớp trổ tài nấu ăn. Trên cánh đồng rộng thầy Phương tổ chức các trò chơi, thầy Chút lo văn nghệ, có Huỳnh Văn Em với cây đàn guitar, Vương Đình Thanh đánh mandoline xập xình ríu rít tiếng nhạc. Một dẫy lều dựng lên đơn sơ nhưng đúng kiểu cách dây nút hướng đạo dưới tàn cây thưa lá. Mới sớm mà lửa khói đã chập chờn nơi các mái lều thân thương quá. Các thầy bảo :” chiều mới văn nghệ, giờ chơi tìm mật thư, có giải thưởng lớn”. Tôi không thích chơi tìm mật thư nên một mình trốn ra bên sông Dakbla. Mùa này sông thật đẹp. Nước êm êm trôi theo dòng cát trắng, lâu lâu gặp chỗ nhiều sỏi đá sông reo lên vui vẻ, bên kia sông có nhiều chim rừng và cò trắng bay lượn, đúng là một ngày đẹp thanh bình. Có lúc tôi cởi quần áo xuống sông không bơi mà thả ngửa yên lặng nhìn trời mây non nước. Đến gần trưa tôi trở về trại.

Khi đi ngang qua một cái lều, tôi nghe một giọng con gái gọi nhỏ: “Thế nào, Hoàng thế nào có muốn ăn chè không”. Tôi dừng lại ghé mắt nhìn vào trong thì thấy một trong tứ đại mỹ nhân của lớp, tay bưng chén chè đậu đen, mắt cười long lanh mời mọc. Tôi đỡ lấy chén chè từ từ đứng ăn, mà làm gì có ghế để ngồi. Hắn ta mặc áo dài đen, một mầu đen ngà voi kênh kiệu, da trắng hồng, tóc nâu sợi nhỏ thướt tha. Tôi thầm nghĩ: cám trại mà mang áo dài theo, và cả guốc cao gót nữa, hắn muốn khoe hay nhát ai đây!. Ăn xong tôi để bát với muỗng xuống đất và dợm bước đi, nhưng hắn ngăn lại: “từ từ đợi chút, có nước trà cho uống nè”. Tôi đành nán lại. Bỗng hắn ranh mãnh hỏi:

– Còn đau không?
– Cái gì đau?
– Thì bàn tay đó!
– Bàn tay nào cơ?
– Thì bàn tay có ngón thọc vào lọ mực đó.

Lúc này tôi mới hiểu ra giật mình thót người. Hình như trong lớp chỉ có mình hắn biết tôi bị đòn; mà sao nhà hắn nhớ dai thế để chọc ghẹo mình cho được! Bỗng hắn nói như ra lệnh: “đưa tay đây coi”. Tôi chưa phản ứng ra làn sao thì hai tay hắn chụp lấy bàn tay tôi, mắt cứ nhìn đăm đăm. Thật tình mà nói mấy năm liền chưa bao giờ tôi dám nhìn thẳng vào hai con mắt đẹp ấy… và như một chú ngỗng đực dại khờ, tôi dựt tay ra, bước nhanh khỏi lều, lại còn mừng thầm vì các bạn tôi chơi mật thư đang lũ lượt kéo về. Nhưng cũng từ buổi ấy bàn tay trái hết đau. Tôi không còn giận thầy nữa. (còn tiếp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here