Nỗi đau chiến tranh

0

Linh Vũ
Cuộc tháo chạy của Hoa kỳ tại Afghanistan vừa qua và trận chiến tại Ukraine do quân xâm lược Nga gây ra chết chóc, đau thương và đẫm máu đã làm lòng tôi chùng lại với nỗi đau như dao cắt. Có lẽ, hình ảnh này có nhiều điều quá giống với cuộc chiến của VN năm xưa. Trong chúng ta ai cũng có một quá khứ để nhớ, một vết thương không có thuốc chữa lành, nhất là những người lính VNCH. Càng nghĩ về quá khứ lòng càng đau nhói. Trong chúng ta ai cũng biết, cuộc đời này luôn có những điều không vừa ý, không mong muốn, nhưng chúng ta không thể chèo lái con thuyền của mình rời xa nơi đó. Hòa bình là thời gian tươi đẹp, là đóa hoa thanh tú, là khuôn mặt tươi cười đáng yêu, là bức tranh đẹp, là sự sống của vạn vật, nhưng đôi khi chúng ta bất lực, bị kẻ có quyền lực cướp đi, dẫm đạp và quyết định sự sống chết của chúng ta. Hôm nay tôi xin chia sẻ một vài cảm nghĩ riêng tư trong cuộc chiến đẫm máu tại Ukraine.

Chiến tranh, tình yêu và cái chết là đề tài muôn thuở của nhân loại và các nền văn học, lịch sử trên thế giới. Chiến tranh là điều mà con người không bao giờ mong đợi sẽ xảy ra. Nhưng điều đó dường như đã thường xuyên xuất hiện trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại từ thời cổ đại đến hôm nay. Ví dụ các cuộc chiến của Trung quốc từ thời vua Ngô với nhà Chu thời cổ đại. Đến cuộc nổi dậy của người Spartacian ở La Mã vào năm 73 trước công nguyên. Ở Việt Nam có chiến tranh Trung -Việt với hàng ngàn năm từ thời cổ đại. Sau đó đến các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và nhiều cuộc chiến khác trong nhiều năm qua cho đến hôm nay. Như Phát xít Đức, thảm sát hơn 7.000 người ở Krakuyeva, Chiến tranh Falklands 1982, chiến tranh vùng Vịnh 1990-1991, nội chiến Sierra Leone, 1991–2002, chiến tranh Bosnia 1992-1995, chiến tranh Kosovo 1998-1999, chiến tranh Afghanistan 2021-2014, chiến tranh Iraq 2003-2011, xung đột Libya 2011, xung đột Syria 2011…và liên minh toàn cầu đánh bại ISIS 2014.v.v. Hôm nay cuộc xâm lăng của TT Nga Putin ở Ukraine đã xảy ra quá tàn khốc đầy thương vong và tổn thất có thể dẫn đến thế chiến thứ 3. Và trong tương lai gần Tập Cận Bình Trung Quốc có thể múa gậy vườn hoang đem quân tấn công Đài Loan không chừng?.

Mặc dù, ai cũng biết chiến tranh luôn bùng phát liên tục trong mọi thời đại như một quá trình không thể tránh khỏi. Mỗi Quốc gia, mỗi triều đại đều có sự thay đổi khác biệt và sách lược của thế giới cũng vậy. Nhưng tất cả những khác biệt đó chính là một thứ công cụ dành cho những người có quyền lực với tham vọng chính trị muốn thống lĩnh thế giới. Thời gian đã trải qua quá lâu nhân loại càng văn minh nhưng con người càng bất lực trước mọi hiểm họa của chiến tranh cho nên hòa bình, ổn định chỉ là món hàng xa xỉ.

Như tôi đã nói trên chiến tranh là một đề tài hấp dẫn cho nên, có nhiều tác phẩm văn học và điện ảnh ra đời, đã phản ánh về chiến tranh trong cuộc sống chúng ta thường xuyên chưa bao giờ bị gián đoạn. Trong đó có bi hùng, nước mắt, máu, chết chóc, khổ đau và chia ly.

Có một số sách báo và nhiều người đã chia chiến tranh thành nhiều quan niệm khác nhau như là “chiến tranh chính nghĩa” , “chiến tranh phi chính nghĩa” hay gì gì đó…. Chúng tôi xin trở lại một ví dụ hơn nửa thế kỷ trước “Cuộc chiến tranh chống phát xít” với cả thế giới cùng tham gia chiến đấu, thì cuộc chiến tranh này được gọi là chính nghĩa và ngược lại những người đại diện cho chủ nghĩa phát xít/ Đức quốc xã, Ý thì họ có một suy nghĩ khác, cho nên họ đã khởi xướng cuộc chiến tranh xâm lược và diệt chủng. Hay cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản, Pháp và Việt Nam, Anh và Ấn độ.v.v. Họ cho là hợp lý, nhưng phía bên kia đã lên án là bất chính, tàn ác, xâm lăng và vô nhân đạo. Sự suy nghĩ và phán xét theo quan niệm ngược chiều nhau như vậy chúng ta khó có thể tìm ra câu trả lời, vì kẻ quyền lực và cây súng trên tay là luật pháp là kẻ phán xét. Họ không cần nghĩ đến hậu quả của chiến tranh là bi kịch là phẫn nộ. Những hiệp ước, những nghị định, những hứa hẹn chỉ là những lời nói dối được viết bằng mực, rốt cuộc cũng không thể che đậy những sự thật được viết bằng máu !!!

Nếu ở một góc độ khác, khi chúng ta nhìn chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa thì những người tham gia chiến tranh đều bị súng đạn, mìn bẫy và các loại công cụ giết người tối tân nhất sẽ giết chết họ. Tất cả họ đã bị bị lợi dụng để tàn sát lẫn nhau, cướp đi những mạng sống còn đang tươi trẻ yêu đời. Họ là những quân nhân, là những con người bằng da, bằng thịt có quyền sống của họ, nhưng quyền lực của kẻ trên buộc họ không có đường chọn lựa, họ phải chấp nhận đánh cược mạng sống của chính mình. Mạng sống là của cải quý giá nhất của một con người, lẽ ra họ có quyền được nâng niu và quý trọng. Nhưng phũ phàng thay quyền sinh sát đều nằm trong tay kẻ lãnh đạo và tập đoàn chính trị đầy tham vọng và khát máu. Tại sao? Họ dư biết thực chất của chiến tranh luôn là sự tàn khốc, sự chà đạp và hủy diệt sự sống. Mặc dù, chiến tranh có thể mang lại sức mạnh, sự tái sinh và phát triển mới, nhưng tất cả đều được xây dựng trên tàn tích của chiến tranh với cái giá phải trả của hàng chục triệu sinh mạng, tài sản, mồ hôi, máu, nước mắt, tương lai của một hai thế hệ và nỗi ám ảnh cả một quá khứ tàn khốc của nó.

Chiến tranh đã hủy diệt không biết bao nhiêu là sinh mạng và thay đổi số phận của rất nhiều người. Chiến tranh là sự xúi giục và lừa đảo của kẻ quyền lực với những tham vọng của các chính trị gia đã đẩy những người trẻ ra chiến trường, dùng máu xương của họ để củng cố chiếc ghế quyền lực và tham vọng của mình. Họ đã tạo những người lính hiền lành, đầy yêu thương thành ác quỷ, một ác quỷ tàn sát sự sống một cách tàn bạo. Điều này hiện giờ đang xảy ra trong cuộc chiến tại Ukraine, có lẽ trong chúng ta đều nghe và nhìn thấy nhiều hình ảnh qua những video và báo chí. Tuy nhiên, với những hình ảnh của những quân nhân đang chiến đấu của cả hai bên không phải tất cả là ác quỷ,  trong số đó cũng có những người thực tâm của họ không muốn bắn giết kẻ khác một cách vô lý, nhưng họ không có con đường chọn lựa khác. Bản chất con người vốn dĩ là tốt, nhưng chiến tranh đã thay đổi họ cho dù là ở bên nào. Họ là những người không có cơ hội để thay đổi, những kẻ cầm quyền đã nhẫn tâm biến họ thành tội đồ của lịch sử. Cho nên, sự tàn phá và biến dạng bản chất con người bởi chiến tranh là điều mà chúng ta đáng suy nghĩ. Có một số lãnh đạo chọn đúng hướng trong cuộc chiến, ví dụ như phải bảo vệ Tổ quốc và dân tộc mình với kẻ xâm lăng, thì chính nghĩa đó sẽ tồn tại mãi mãi. Dĩ nhiên, những người đi sai đường với những tham vọng và ý đồ đen tối muốn chiếm hữu quê hương đất nước của người khác thì ô danh đó lịch sử sẽ lưu lại nghìn năm. Mặc dù ai cũng biết, chiến tranh sẽ có kẻ thắng người thua, giống như một trò chơi vậy. Nhưng thắng thua trong chiến tranh sẽ là nước mắt, máu, xác chết, luân lạc, khổ đau và mất mát cả đôi bên. Chính những kẻ chủ mưu khơi mào cuộc chiến với tham vọng cuồng điên của họ “chính là những tên cướp không trái tim, là tội đồ của nhân loại”.

Chiến tranh đã mang nhiều tai họa đến con người, chiến tranh không chỉ lấy sinh mạng của những người lính có vũ khí mà còn cướp đi những sinh mạng rất nhiều thường dân vô tội không có vũ khí trên tay. Chiến tranh đã khiến cho nhiều gia đình tan nát, ly tán vợ con, phải sống cuộc đời ly hương, hoàn cảnh thoát ly có thể bị cái chết nhận chìm bất cứ lúc nào. Thực ra, người dân ở bất kỳ cuộc chiến nào họ đâu có yêu cầu gì quá đáng đâu, họ chỉ muốn một cuộc sống bình yên, một mái ấm gia đình. Càng suy nghĩ càng tội nghiệp và thương xót cho những người dân Ukraine, có lẽ sự đồng cảm này đến từ hồi ức trong trái tim tôi đang chứa đầy nước mắt của cuộc chiến tranh VN 50 năm trước. Một đất nước bị bỏ rơi, không một đồng minh, không viện trợ, không một viên đạn trên tay và một số lãnh đạo bất tài tháo chạy hỗn loạn và bỏ lại những thuộc hạ của họ bơ vơ giữa chiến trường. Nhìn hình ảnh người lính Ukraine và vị Tổng Thống anh hùng Volodymyr Oleksandrovych Zelenskyy mà thấy tủi thân, xấu hổ cho vận mệnh quê hương mình.

Với sự cảm kích những chiến sĩ anh hùng Ukraine, tôi xin gửi lời cầu nguyện cho người dân Ukraine được bình an và sớm có niềm hy vọng mới để tiếp tục cuộc sống. Và cũng xin các vị lãnh đạo nhiều tham vọng và con tim đầy bạo tàn nên suy nghĩ lại. Cho dù là chiến thắng hay thất bại thì sẽ có bao nhiêu sinh mạng đã mất trong trận chiến, bao nhiêu gia đình tan nát? Hãy nhìn những gì mà chiến tranh mang lại phải chăng chỉ là chiến trường đầy thuốc súng, là bi kịch, là phẫn nộ và xác người đẫm máu khắp nơi với bao vô vàn thương tiếc suy tư. Nên nhớ, chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa ly khai … đều là những yếu tố dẫn đến chiến tranh. Và một điều nữa cần nhớ, cho dù kết quả thắng thua, được mất trong chiến tranh tất cả đều là kẻ thua cuộc và kết quả cuối cùng đối với nhân loại sẽ là sự khốn cùng.
Linh Vũ

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here