Sự sống, Con người và Tôn giáo (kỳ 6)

0

F – Nền tản của Phật giáo có thể được tóm tắt như sau

  1. 1. Sống một cuộc sống đạo đức.

Cuộc sống là quá trình tự duy trì để tồn tại gồm những hành động và những sinh hoạt của chính mình hằng ngày. Cuộc sống luôn đòi hỏi phải hành động để đáp ứng mọi sự việc mang đến cho bản thân mình. Hành động này phải luôn chú trọng đến giá trị đạo đức của nó. Dù là trên phương diện triết học nói chung hay đạo đức nói riêng, chúng ta phải biết nhìn lại những hành động của chính mình, khi phải làm điều gì và tại sao phải hành động. Cuộc sống là của chính bạn, nếu những hành động sai trái thiếu đạo đức sẽ mang đến đời sống của bạn thành công hay thất bại, hạnh phúc hay khổ đau. Nếu biết được giá trị của đạo đức, phải cố gắng rèn luyện tâm hồn mình mỗi ngày trong cuộc sống. Phải lấy tiêu chuẩn đạo đức làm hàng đầu để kiểm soát mọi hành vi của mình, để thúc đẩy và giữ lại tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn.

  1. Phải lưu tâm và nhận thức được những suy nghĩ và hành động của bản thân.

Trong xã hội hiện nay con người khó tránh khỏi những hành động vô đạo đức, có thể của cá nhân hay một nhóm người nào đó gây nên sẽ làm tổn thương đến người khác. Thông thường do bản tính thẳng thắng, trung trực không tự chế sẽ làm tổn thương đến người khác. Hành động khó chịu, nóng nảy, hung bạo làm cho người khác sợ hãi, ghê tởm tránh xa chúng ta, hay những mánh khóe lừa đảo, cướp của, giết người, hãm hiếp… Tất cả những hành vi đó chúng ta phải biết kiểm soát và nhận thức được sự đúng sai hay tội ác để tránh xa. Một nhận thức sai lạc sẽ làm cuộc đời mình rơi vào con đường không lối thoát, làm cuộc sống không có ý nghĩa và tương lai mỗi ngày mỗi tồi tệ hơn. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không có những hành động vô đạo đức, vì họ sợ bị luật pháp trừng phạt, hoặc sự lên án của dư luận xã hội, sẽ dẫn đến hậu quả bị tẩy chay bởi những người chung quanh họ đang sống. Cũng có người kiềm chế được hành động của mình vì sự ảnh hưởng của tín ngưỡng tôn giáo, sợ bị trả báo, trừng phạt bởi thần linh hay cuộc sống đời sau nếu có tái sinh. Cho nên con đường Phật dạy là phải sống đạo đức, từ bi và yêu thương.

  1. 3. Phát triển trí tuệ và hiểu biết.

Trí tuệ rất quan trọng đối với con người, cho nên phát triển trí tuệ rất cần thiết, vì nó là kết quả của hoạt động trí thức (intellect), dựa lên lý trí (raison), dùng đến lý luận, khái niệm, ngôn từ, và chủ yếu gồm những sự hiểu biết, những kiến thức đã được gom góp lại. Hay nói đơn giản hơn, tri thức, là thứ được tích luỹ từ sách vở, tích luỹ từ trường lớp. Nhưng chung qui quan trọng nhất là phát triển trí tuệ. Vì con người vốn có năng lực tự giải thoát khỏi mọi ràng buộc bằng trí tuệ và nỗ lực của chính mình. Theo Phật giáo, trí tuệ trong từ ngữ nguyên. Bát Nhã thường được dịch là “trí tuệ“, nhưng rõ ràng hơn với nghĩa là “cái nhìn sâu sắc”, “phân biệt tri thức “, hoặc ” trực quan lo âu”, có thể được dịch là “ý thức”, “kiến thức”, hoặc “hiểu biết.”.

Người có Trí tuệ cao nhất có thể nhìn thấy trong thực tế tất cả các hiện tượng đều không đầy đủ, vô thường và vô ngã. Sự hiểu biết này chính là trí tuệ giúp chúng ta giải thoát và dẫn đến sự an toàn, một cuộc sống tuyệt vời hạnh phúc mà trong Phật giáo gọi là “Niết Bàn”. Tuy nhiên, Đức Phật không nói quá nhiều về mức độ trí tuệ. Vì trí tuệ không phải là sự khôn ngoan, hay chỉ đơn giản để chúng ta tin vào những gì chúng ta đang nói. Sự khôn ngoan là để trực tiếp nhìn thấy và hiểu được cho chính mình. Sự khôn ngoan luôn giữ tâm trí cởi mở hơn là khép kín, biết lắng nghe các quan điểm khác hơn là tin một cách mù quáng. Con đường Phật giáo đòi hỏi lòng can đảm, kiên nhẫn, linh hoạt và thông minh. Trong Phật giáo chữ tuệ được dùng nhiều trong: Tuệ căn, tuệ giác, tuệ kiếm, tuệ lực, tuệ nhãn, tuệ tâm, tuệ tánh.

G – Mê tín trong đạo Phật

“Mê tín” thường được hiểu là “tin vào những gì mê hoặc, sai lầm”. Chữ mê tín được định nghĩa từng chữ : ‘Mê’ là mờ mịt, sai lầm, ‘Tín’ là tin. Tin một cách mù quán sai lầm, tin những điều không có thật gọi là mê tín. Hay nói một cách khác, đó là những niềm tin hay ý niệm phát xuất từ lòng dễ tin không dựa trên lý lẽ, kiến thức hay khoa học. Nhiều người chưa hiểu rõ, Phật giáo Dharma/ Pháp là một đại dương to lớn mà chúng ta bước vào bởi đức tin và đi qua bởi sức mạnh của trí tuệ. (Mahaprajnaparamita Shastra). Như chúng ta đã thấy, Phật giáo là một tôn giáo có thể giống như một đồng xu hai mặt. Một mặt, chúng ta thấy nó như là triết học cổ đại bắt nguồn từ tâm và thực tế trong cuộc sống để theo đuổi, mà không có một vị thần linh nào hổ trợ. Còn mặt khác như chúng ta thấy có vô số các nghi lễ, nghi thức, hình ảnh siêu nhiên và cầu nguyện, cúng bái khác nhau. Điều gì đã xảy ra ở đây? Phật giáo có phải thực sự là “mê tín” và họ tin vào “siêu nhiên”? Có rất nhiều điều có vẻ xa lạ đối với chúng ta khi chúng ta không hiểu về nó. Thay vì để mọi chuyện trở nên kỳ lạ, chúng ta nên cố gắng tìm hiểu ý nghĩa của chúng. Tuy nhiên, việc thực hành Phật giáo đôi khi có nguồn gốc trong sự mê tín dị đoan và hiểu lầm hơn là những lời dạy của Đức Phật. Và những hiểu lầm như vậy không chỉ tìm thấy trong Phật giáo mà nó cũng xuất hiện trong nhiều tôn giáo khác nữa.

Ví dụ như Phật giáo Nguyên Thủy (Theravada Buddhism) Phật giáo Đại Thừa ở Thái Lan, Miến Điện, Campuchia, Việt Nam và một vài Quốc gia khác đang tràn ngập niềm tin trong thế giới tâm linh và vạn vật hữu linh. Điều này đã đưa đến hậu quả là có rất nhiều mê tín dị đoan. Hầu hết các ngôi nhà của thường dân, những cơ sỡ thương mại, cũng như những tòa nhà có tính cách quan trọng đều có một chỗ thờ thần linh. Họ tin rằng, nơi nhà cửa họ sinh sống luôn có thần linh đất đai mà chúng ta thường gọi là thần thổ địa, cơ sỡ thương mại có Thần tài.v.v. Hay những câu chuyện về bóng ma trong nhiều đền thờ Phật giáo rất phổ biến hiện nay… Đặc biệt là các ngôi đền trong hang động. Việt Nam chúng ta cũng thế, sự mê tín đã ăn sâu trong máu huyết người Việt từ ngàn đời vì bị ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Cũng vậy, ở một số vùng của Châu Á, khi Phật giáo được truyền sang, điều này đã kết hợp với tập quán địa phương của tầng lớp không phải phật tử vào trong triết lý phật pháp. Mặc dù có những điều không đúng với đạo Phật, nhưng vì lợi ích lớn hơn cho việc truyền đạo nên được phép dùng đến để quảng bá chánh pháp. Họ quan niệm rằng, việc giảng dạy những phiên bản được pha trộn của pháp và tập tục dân gian sẽ giúp cho việc truyền giáo được tiếp nhận tốt hơn là không có nó. Bất cứ điều gì cần đến, để có thể đạt được sự cải đạo là hợp lý. Điều này Đức Phật có thể không đồng ý theo cách này nếu ông còn sống. Người phương Tây thì khác, họ không dễ dàng chấp nhận những gì họ không nhìn thấy hay hiểu biết sâu rộng những yếu tố “không quan hệ” trong các truyền thống khác nhau của Phật giáo và sự tuân theo các giáo lý căn bản của nó. Đối với người Á châu thì niềm tin của họ bị nhầm lẫn rất nhiều giữa triết lý Phật giáo và truyền thống tập tục dân gian cũng như những huyền thoại lâu đời của địa phương.

Nhiều bậc thầy xem Phong thủy ở khắp Á Châu họ tự xưng là Phật tử, nhưng phong thủy lại là niềm tin cốt lõi của họ. Điều này, trong triết lý Phật giáo gọi là mê tín dị đoan vì nó không gắn liền với Phật giáo. Nhưng tại sao lại có nhiều phật tử tin vào điều đó? Đây chính do di sản văn hóa của họ. Người dân ở khu vực Châu Á, đặc biệt có nguồn gốc từ Trung Quốc, đều có xu hướng rất mê tín. Việt Nam đã bị ảnh hưởng lâu đời với nền văn hóa Trung Quốc cho nên vẫn có nhiều thầy phong thủy, địa lý, bói toán, cúng sao giải hạn, cầu vong, cầu siêu, cầu phước, xin xâm, xin keo, chuộc giải bùa ngải, coi ngày tốt xấu, xem tử vi, cúng đốt vàng mã.v.v. Hiện nay xã hội chúng ta có nhiều Đại sư, Cao tăng, Hòa Thượng hay Thích.. gì đó đang hành nghề. Thật là một điều khó tin, lẽ ra họ phải biết đó là sự mê tín của con người, chứ không phải là học thuyết, là lời Phật dạy. Tôi biết, khi nói lên điều này có nhiều người cho rằng tôi chưa thông suốt về triết lý cao thâm của Phật giáo, tuy nhiên đó cũng là những sự kiện và hiện tượng mà tôi thấy về Phật Giáo hiện nay khác với lý thuyết nguyên thủy của Phật Thích Ca. Họ đã hành động và bóp méo lý thuyết Phật pháp cơ bản, như tổ chức những buổi đại nhạc hội gây quỹ để tranh nhau xây cất chùa lộng lẫy huy hoàng, dựng tượng Phật to lớn vĩ đại.v.v. Hay kêu gọi hiến dâng tài vật, cúng dường với mục đích sau cùng là mưu lợi, cầu danh. Tệ hại hơn nữa, chính mắt tôi thấy, tai tôi nghe, một vị thầy tu trong đám táng của người thân gia đình. Chủ nhà muốn thực hiện lời di chúc của người chết để lại, là không tụng kinh nhiều, không dủng nghi thức rờm rà, chỉ làm sơ sài thôi. Khi di chúc được đọc lên thì một trong những vị sư đó liền nói “sợ tốn tiền sao, không tụng kinh thì làm sao linh hồn siêu thoát được”… Quý vị nghĩ sao về điều này? Chính các Sư sãi, Cao Tăng đã lợi dụng lòng tin, sự mê tín của con người đã làm sai ý nghĩa của cao đẹp của Phật pháp. Cho nên, trường hợp tụng kinh nhiều hay ít không thể giải thoát hay đưa con người đến niết bàn được. Thậm chí, có nhiều người quan niệm là “cúng dường” càng nhiều cho các thầy tụng kinh, họ sẽ hưởng được nhiều ơn phước giống như tự họ tụng kinh vậy. Hình thức này cũng giống như bên Thiên Chúa Giáo dâng tiền xin lễ, để các Linh Mục xin tội và cầu nguyện giùm cho linh hồn người chết mau lên Thiên Đàng và người sống được bình an vậy.

Việt Nam là một Quốc gia ảnh hưởng đạo Phật khá lâu, nhưng không phải là sớm nhất trong vùng bán đảo Trung Ấn và khu vực Đông Nam Á. Đạo Phật du nhập vào Việt Nam ban đầu do người Ấn Độ theo đường biển ghé vào Việt Nam truyền đạo. Cũng có sách viết rằng đạo Phật vào VN qua hai con đường chính là Bắc truyền từ Trung Quốc bằng đường bộ, và Nam truyền bằng đường biển từ các nước Thái Lan, Miến Điện, Cambốt… Mặc dù ở bất kỳ con đường nào thì đạo phật VN trong thời kỳ phôi thai vẫn còn thiếu soát, chưa có sách vở, kinh điển và không có các bậc Cao tăng hướng dẫn để thấu đáo kinh điển và giáo lý Phật pháp. Cho nên niềm tin đã lẫn lộn với truyền thống tập tục dân gian, đã nhuộm đủ màu mê tín như, những chuyện thờ cúng rườm rà, lọng đón, chuông đưa, khẩn cầu Trời Phật, bái lạy tăng sư, đúc tượng, phóng sinh.v.v. Điều này thường thấy ở các chùa chiềng từ trong nước lẫn hải ngoại hiện nay. Chúng ta thường thấy niềm tin mê tín, dị đoan đã được dàn dựng trong các nghi lễ hay trang trí cho một tôn giáo để thu hút mọi người. Chính những trang trí này chỉ làm đẹp, làm rạng rỡ cho ngôi đền mà thôi. Nhưng, những nghi lễ đã chiếm ưu thế, đã tạo ra kết quả làm cho con người càng mê tín dị đoan nhiều hơn và lu mờ đi niểm tin và nguyên lý của tôn giáo. Những hình thức mê tín đó đã làm nghẹn lại sự phát triển lành mạnh của tôn giáo.

Ở Trung Quốc ngoài 5 tôn giáo chính, người Trung Quốc có một số tín ngưỡng dân gian truyền thống khác. Theo thống kê thì có hơn 200 triệu người tin rằng sự tồn tại linh hồn của tổ tiên với sự cúng bái thờ lạy; có khoảng 700 triệu người đã tham gia vào các hoạt động thờ tổ tiên của họ. Người Trung Quốc tin rằng, nếu người đó đã sống một cuộc sống tốt đẹp, thì khi chết họ sẽ đến sống với các vị thần linh. Khoảng 150 triệu người tin vào thuyết phong thủy và 140 triệu người tin vào Thiên Chúa toàn năng. Một số khác tin vào Chiêm Tinh Học, hiện nay bộ môn này rất phổ biến ở Trung Quốc và được nhiều người nghĩ là một dấu hiệu có thể quyết định số mệnh của một người trong hiện tại và tương lai. Như vậy, rõ ràng là các tín ngưỡng dân gian truyền thống đã có một nền tảng rộng lớn trong dân gian trên mọi địa phương. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ vì chúng ta bị ảnh hưởng lâu đời nền văn hóa của Trung Quốc.

Đức tin của chúng ta tin tưởng và những điều mê tín cả hai luôn đi đôi với nhau, điều này không thể chấp nhận được. Một điều mà chúng ta đã thấy được từ thời Trung cổ: Những cuộc thâu tóm quyền lực, những vụ giết người độc ác, bạo lực, tội lỗi, tra tấn và thiêu đốt những người vô tội. Hay thời của cuộc thập tự chinh dã man và tàn nhẫn… Tất cả những sự kiện này đều được kích thích bởi niềm tin độc đoán của tôn giáo và các giới có thẩm quyền của đạo giáo đó tạo nên. Thật là một điều vô cùng khó khăn cho chúng ta xóa bỏ những cảm giác đã gắn liền với mê tín dị đoan hay niềm tin giáo điều của tôn giáo. Ngay cả ánh sáng của kiến thức khoa học vẫn không đủ mạnh để thuyết phục chúng ta từ bỏ quan niệm sai lầm đó.

Chúng ta phải hiểu rằng chủ nghĩa giáo điều và mê tín dị đoan đi liền với tôn giáo. Đã đến lúc chúng ta phải khôn ngoan để tách riêng giáo điều ra khỏi mê tín. Nếu không, thì những triết lý cao siêu, tốt đẹp của tôn giáo sẽ bị ô nhiễm và đẩy con người đi lạc hướng. Đồng thời số tín đồ sẽ mỗi ngày mỗi giảm đi. Hôm nay trước sự phát triển của kiến ​​thức khoa học, nhưng vẫn có nhiều người dốt nát đã tin vào mê tín. Ví dụ như rất nhiều người tin rằng nhật thực của mặt trời và mặt trăng đã mang lại điều không may mắn và bệnh dịch cho con người. Hôm nay chúng ta biết rằng niềm tin như vậy là không đúng. Điều này do một số nhà tôn giáo vô đạo đức khuyến khích mọi người tin vào mê tín dị đoan, để họ có thể tận dụng các tín đồ của họ vì lợi ích riêng tư. Khi mọi người đã thực sự sáng suốt tâm trí, họ hiểu được mọi nguyên lý của khoa học vũ trụ thì họ sẽ nhìn thấy hiện tượng đó là sự tự nhiên mà khoa học có thể tính toán được chính xác ngày giờ xảy ra. Khi đó, họ sẽ không còn bị mê tín dị đoan hay bất kỳ giáo điều nào mê hoặc nữa. Đây chính là ‘sự cứu rỗi’ mà các Phật tử cũng như các tín đồ tôn giáo khác cần có. Con người từ thời xa xưa, khi đối mặt với những sức mạnh thiên nhiên như mưa, gió, sấm, sét hay thiên tai như động đất, núi lửa phun trào, hoặc các bệnh nan y thì họ tin rằng do thần thánh tạo nên để trừng phạt con người. Trong nỗi lo sợ đó con người thường quì lạy cầu xin sự tha thứ và bảo vệ từ các bậc thần thánh đầy uy lực đó. Mặc dù họ không rõ, không biết các vị thần đó đang ở đâu. Đó là niềm tin dân gian có từ thời cổ đại. Đối với Phật tử thì không nên tin vào những điều mê tín đó.

Tóm lại, bất kỳ chứng bệnh nào cũng có thuốc, có Bác Sĩ giỏi hay phương pháp tân tiến để chữa trị, nhưng chỉ có chứng bệnh mê tín thì vô phương cứu chũa. Nếu chẳng may mê tín dị đoan đã trờ thành như một tôn giáo thì thật là điều vô phúc cho con người. Họ luôn bị u mê, hoang tưởng làm chủ tâm hồn và trong cuộc sống của họ.  Họ sẽ bị những bậc thầy, các chủ chiên đó khống chế, hù dọa làm cuộc sống mất đi niềm vui và hạnh phúc. Trong Phật pháp họ mất đi chức năng để thực hiện con đường giải thoát, một cuộc sống an lạc. Đứng trên phương diện giáo dục, sự hiểu biết và phẩm giá con người của họ sẽ trờ thành một người lố bịch nhất, họ chỉ bước đi trong bóng tối, trong tín ngưỡng của mê tín.

H – Làm thế nào Phật giáo có thể giúp chúng ta?

Phật giáo giải thích về mục đích của cuộc sống, nó giải thích rõ ràng sự bất công và bất bình đẳng trên thế giới và nó cung cấp một quy tắc thực hành hoặc lối sống dẫn đến hạnh phúc thật sự. Đức Phật dạy phương pháp để khắc phục tâm trí tiêu cực của chúng ta như giận dữ, ghen tuông và làm những điều thiếu hiểu biết. Phật giáo giúp chúng ta phát triển tư duy tích cực như tình yêu, lòng từ bi và trí tuệ. Những phương pháp Phật dạy không chỉ cho riêng ai mà cho cả mọi tầng lớp của nhân loại. Con đường Phật dạy, nếu đạt được thì chúng ta có thể vượt qua được khổ đau, ưu phiền trong cuộc sống và có thể giúp cho người khác.

Thiền là một cách giúp chúng ta cách sống của Phật giáo. Nó chính là phương pháp luyện tập tâm trí chúng ta có thể nhìn xa hơn trong cuộc sống. Thiền là phương pháp giúp chúng ta loại trừ tinh thần tiêu cực, những ảo tưởng, để nhìn thấy chính ta trong ta. Thiền cũng là phương pháp giữ cho tâm đạo đức. Nhất là làm cho chúng ta phát triển và sử dụng trí tuệ để giải quyết các vấn đề của cuộc sống hàng ngày.

Trong Phật giáo có nhiều cách khai tâm trí của chúng ta trở nên tích cực hơn, hành động tốt hơn, có tính cách xây dựng hơn. Và cuộc sống trở nên có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho chính mình và người khác. Trong Phật giáo (Four noble truths) “Tứ Diệu Đếlà bốn sự thật mà bất kỳ ai cũng có, cũng đối mặt, cũng gặp phải. Tứ Diệu Đế là bản chất của Phật Pháp, mặc dù trong đó có nhiều điều không giải thích được. Đó là những sự thật của khổ đau, nguyên nhân của sự đau khổ, tất cả những khổ đau đó cũng có một con đường có thể chấm dứt được. Đó là con đường của Phật pháp. Khái niệm về đau khổ không nhằm mục đích truyền đạt cho quan điểm một thế giới tiêu cực, mà đây là một quan điểm thực dụng, một con đường có thể khắc phục nó. Tứ Diệu Đế là một kế hoạch dự phòng để đối phó với những đau khổ của nhân loại từ vật chất lẫn tinh thần. Tứ Diệu Đế còn gọi là Tứ thánh đế (zh.) là bốn chân lý cao cả, là gốc rễ cơ bản của Phật giáo. Trong đó hướng dẫn phương pháp gồm cả “lý thuyết và thực hành”, với mục đích đưa con người tới giác ngộ giải thoát.

*Thứ nhất là “Khổ đế” (duhka-Suffering) đó là những nguyên nhân thật sự gây ra cho chúng ta. Chân lý thứ nhất cho rằng đời sống con người thực tại đều mang tính chất khổ đau, không có gì là trọn vẹn. Đời người không ai tránh khỏi Sinh, lão, bệnh, tử. Con người đau khổ vì không đạt được những gì mình mong ước, không tìm thấy nguồn vui hay hạnh phúc lâu dài, không thỏa mãn những nhu cầu trong đời sống thực tại của mình. Tất cả những nguyên nhân đó là cốt lõi đưa đến khổ đau. Những phiền não khổ đau đều xuất phát từ tâm mà ra, đó chính là bản chất của năm nhóm thân tâm về “Ngũ uẩn” (Skandhas aggregates/material form). Cho nên con người thường than trách “Đời là bể khổ” là vậy. Đó là chân lý thứ nhất. Sự thật đầu tiên của đời sống là đau khổ, cuộc sống bao gồm sự khổ đau, già yếu, bệnh tật và cuối cùng là cái chết. Chúng ta phải chịu đựng đau khổ tâm lý như:  Cô đơn, thất vọng, sợ hãi, bối rối, thất vọng và tức giận. Đây là một thực tế không thể chối cãi và không thể phủ nhận được. Đó là thực tế chứ không phải là bi quan, vì bi quan là sự chờ đợi những điều xấu. Phật giáo giải thích thế nào là đau khổ có thể tránh được và làm thế nào để chúng ta có thể thực sự hạnh phúc.

*Thứ hai là “Tập Đế” (Cause of suffering) có nghĩa là nơi tập hợp mọi sự đau khổ, phiền não của con người. Đó cũng là chân lý phát sinh của khổ, là nguyên nhân của sự tham lam, sự thỏa mãn dục vọng. Muốn hết khổ, phải biết kiểm soát, đè nén hay tận diệt nó. Nhưng làm sao mà có thể diệt trừ chúng, nếu chúng ta không hiểu rõ nguyên nhân nào sinh ra cái khổ. Đây chính là giai đoạn thứ hai mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng sinh tìm nguyên nhân phát sinh ra sự khổ đau. Chính những vọng tưởng này đã gieo vào tâm ta không biết bao nhiêu là phiền não như: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biến kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến. Thật ra có nhiều sách vỡ giải thích về điều này, chúng tôi chỉ muốn cô động một phần trong việc học đạo mà thôi. Hay gọi là chân lý thứ hai.

Sự thật chân lý thứ hai là đau khổ là do tham ái và sân hận. Chúng ta sẽ đau khổ nếu chúng ta mong đợi một cái gì đó hay người khác phải đáp ứng hay phù hợp với kỳ vọng của chúng ta. Nếu chúng ta muốn mọi người giống chúng ta, nếu không có được những gì mà ta mong muốn đó chính là sự đau khổ. Nói cách khác, nhận được những gì bạn mong muốn chúng ta cho là hạnh phúc, thật ra cái đó không bảo đảm nó là hạnh phúc mãi mãi. Thay vì, liên tục đấu tranh để có được những gì bạn muốn, hãy cố gắng bớt lòng ham muốn của bạn. Vì lòng ham muốn sẽ làm mất đi sự mãn nguyện và hạnh phúc của chúng ta. Một đời chỉ đeo đuổi tham muốn, tham dục và nhất là sự tham ái luôn tiếp tục tồn tại trong ta, thì cuộc đời sẽ gặp nhiều đau khổ. Đồng thời lòng tham muốn đó sẽ tạo ra một năng lượng mạnh mẽ đôi khi che lấp bớt phần lý trí trong ta. Tuy nhiên điều đó không hoàn toàn xấu, có khi phần năng lượng đó cũng có giúp cho việc truyền sinh hay nói một cách khác là sự tái sinh của con người. Vì vậy, tham ái thường dẫn đến nỗi đau thể xác.

*Thứ ba là “Diệt đế” (Cessation of suffering). Diệt tức là tiêu diệt, trừ diệt, diệt ở đây tức là diệt lòng tham muốn của mình và diệt các ác pháp. Đế có nghĩa là lý lẽ chắc thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu một cách rõ ràng không có mờ mịt, trừu tượng, ảo tưởng bằng tưởng tri. Diệt Đế là một chân lý thật sự, có thật, mà con người thực hiện được, làm được, sống được chứ không phải là một lý luận suông, Diệt đế là loại bỏ lòng tham muốn của chúng ta để cuộc sống được  thân tâm thanh thản, an vui. Diệt đế làm cho cuộc sống của con người bớt nỗi khổ đau, tạo cuộc đời chân thiện mỹ. Diệt đế giúp chúng ta soi thấu nội tâm và sống với chính mình. Diệt Đế là một trạng thái tâm đã đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp, người sống trong trạng thái này được xem là đã giải thoát hoàn toàn tức là người đã làm chủ sự sống chết của mình. Diệt đế còn gọi là chân lý thứ ba.

Sự thật chân lý thứ ba là đau khổ có thể được khắc phục và hạnh phúc có thể đạt được. Đúng vậy, hạnh phúc và sự mãn nguyện có thể đạt được. Nếu chúng ta từ bỏ ham muốn vô ích và học cách sống mới mỗi ngày một ít (không nên sống trong quá khứ hay tưởng tượng quá nhiều cho tương lai) Nếu được thế, chúng ta có thể trở nên hạnh phúc và tự do. Đồng thời chúng ta có nhiều thời gian và năng lượng để giúp đỡ người khác.

*Thứ tư “Đạo đế” (Eight fold path to cessation of suffering) chân lý về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chánh đạo. “Bát Thánh đạo là giáo lý căn bản của đạo đế (trong Tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Phần này liên quan đến “chính kiến”, “chính tư duy”, “Chính ngữ”, Chính nghiệp”, “Chính mạng”, “Chính tinh tấn”, “Chính niệm”, “Chính định”. Còn gọi là chân lý thứ tư. Chân lý thứ tư là con đường cao nhất dẫn đến sự chấm dứt khổ đau. Đạo đế là Bát Thánh đạo là giáo lý căn bản của đạo đế (trong Tứ đế) gồm ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Bát Thánh đạo, Bát chi Thánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát trực hành, Bát đạo hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, Bát lộ.

Tóm lại, con đường Bát Thánh đạo là con đường đạo đức cao nhất (thông qua những gì chúng ta nói, làm và sinh kế của chúng ta), tập trung tâm trí vào nhận thức đầy đủ về những suy nghĩ và hành động của chúng ta và phát triển trí tuệ bằng sự hiểu biết Tứ Diệu Đế và lòng từ bi phát triển cho người khác. Trên con đường học đạo chúng tôi cũng không dám đi xa hơn, phần này dành cho các bậc hành giả. Nói chung, Tứ Diệu Đế là bốn nguyên tắc cơ bản của thiên nhiên (Pháp) từ việc đánh giá sự trung thực và sâu sắc của Đức Phật về tình trạng của con người. Ngài dạy những chân lý không phải là lý thuyết siêu hình hay những bài viết của đức tin. Tứ Diệu Đế là những điều mà chúng ta lấy ra để làm nền móng, trung thực sâu sắc của Đức Phật về thân phận con người phục vụ và xác định toàn bộ thực hành Phật pháp. Giúp cho con người tìm thấy kinh nghiệm sống trực tiếp của bản thân để theo một phương thức dẫn tới sự giác ngộ (Awakening).

Đức Phật đã nói các Tỳ kheo: Tất cà những lời giảng dạy, những quan niệm, những điều minh bạch và rõ ràng như thế, nhưng nếu các ông bám chặt vào đó, nếu các ông quý chuộng nó, nếu các ông cất giữ nó, nếu các ông ràng buộc vào nó, như vậy là các ông đã không hiểu rằng giáo lý chỉ như một chiếc bè, cốt dùng để qua sông chứ không phải để mà ôm giữ lấy.

Nói tóm lại, con người sinh ra là nằm trong bể khổ rồi, cho dù người đó là nghèo hèn, giàu có sang trọng, tài đức, quyền cao chức trọng, tuyệt sắc giai nhân hay bác học uyên thâm thì không thể nào tránh được bể khổ trần gian. Có thể mỗi người đều có sự khổ đau khác nhau, không có gì trọn vẹn, dù là nỗi khổ nào vẫn là “khổ đau” của kiếp người. Một con đường “tuyệt đối” mà con người không thể tránh được là cái chết. Đời người không ai tránh khỏi Sinh, lão, bệnh, tử đó là điều hiển nhiên. Khi tôi nói về điều này có nhiều người không đồng ý vì quan niệm của họ nhìn đời người qua lăng kính tôn giáo. Đối với tôi có cái nhìn khác hơn là cuộc sống thực tế và khoa học. Đó chính là điều tôi sẽ trình bày sau đây, tại sao con người thường thấy đau khổ nhiều hơn là niềm vui và hạnh phúc. Nguyên nhân nào gây ra khổ đau? Mọi người đều cho là từ “tâm” mà ra, ở tâm có những điều gì làm con người khổ đau? Tâm nhận những điều khổ đau đó ở đâu? Đức Phật thường đề cập đến “ngũ uẩn” chính là năm sự ràng buộc tượng trưng cho năm yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp lại tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”. Ngũ uẩn gồm có: Sắc uẩn, Thọ uẩn, Tưởng uẩn, Hành uẩn, Thức uẩn. (uẩn/tụ tập/Khandha) ngũ uẩn là gì (tiếng Phạn sanskrit: pañca-skandha, tiếng pali: pañca-khandha, tiếng Hán: wǔyùn 五蘊) Chúng tôi xin tóm lược như sau: 

-Sắc là thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý).

-Thọ hay thụ tức là toàn bộ các cảm giác.

-Tưởng là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị …

-Hành là những hoạt động tâm lý sau khi có tưởng.

-Thức bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.

Tất cả những giải thích trên theo kinh điển Phật giáo nói chung, nhưng riêng tôi có cái nhìn có chút khác biệt với tích cách riêng tư và thực tiển đời sống hiện hữu. Các uẩn là các thành phần của một con người: Hình thể, giác quan, ý tưởng, lòng yêu thích, ý thức và hành động.v.v. Nói cách khác, khi con người cho rằng cuộc sống là đau khổ điều có liên quan đến mọi hoạt động của bản thân như nói trên và từ đó mình xác định đời người là bể khổ. Tất cả những khổ đau đó trong đạo Phật cho là vô thường và cuối cùng sẽ bị biến mất. Trước khi chúng ta bước vào chi tiết thế nào gọi là cuộc đời đau khổ, chúng tôi nêu lên sự thật của đau khổ (dukkha) là gì? và nguyên nhân của nó. Theo như trong triết lý Phật học thì có ba điểmn chính yếu mà con người cần thực hiện để giải thoát nó đó là:

1-Phải tìm hiểu nguyên nhân thật sự của đau khổ (Samudaya)

2-Phương pháp nào để chấm dứt hay giảm bớt sự đau khổ (nirhodha)

3-Con đường nào thật sự có thể bước ra khỏi khỏi đau khổ (magga) của đời người

Chúng tôi xin dùng một biểu đồ phân tích trong website Phật học với lối giải thích về ngũ uẩn như sau: Thân thể (vật chất) gồm sáu giác quan và Tâm thức (tinh thần) gồm thức, tưởng, thọ , hành. Sự cấu tạo của con người, được phân ra thành năm yếu tố, gọi là ngũ uẩn.

Tất cả 5 thứ đó đều nằm trong thân thể và não bộ của một con người, cho dù có dùng bất kỳ ngôn ngữ nào để phân tích. Trước khi giải thích chúng tôi muốn nêu lên định nghĩa của chữ “life is suffering.” Trong First Noble Truth là “Cuộc sống là đau khổ” với bản dịch tiếng Anh là không chính xác lắm. Theo như học giả Ven. Ajahn Sumedho thì ngôn từ tiếng Pali / Sanskrit dukkha dịch là “suffering.”/đau khổ như cách nói trên nghe có vẽ khủng khiếp quá. Nó có nghĩa gần chính xác hơn là “không có khả năng thỏa mãn”/ “incapable of satisfying” hoặc không có khả năng chịu đựng hay chấp nhận bất cứ điều gì.”… Nhiều học giả đã thay thế chữ “đau khổ” “suffering” bằng từ “căng thẳng” /”stressful.” Theo tôi nghĩ trong cuộc sống con người không chỉ có sự đau khổ mà cũng có niềm vui và hạnh phúc. Mỗi người mỗi hoàn cảnh và cách giải quyết khác nhau, biến đổi từ trạng thái đau buồn thành niểm vui, hay từ hạnh phúc sang tình trạng đau khổ. Cuộc đời không hẳn là bể khổ trần gian.

1-Thân (vật chất), đối với chúng tôi một con người không có một cơ thể khỏe mạnh thì làm sao cuộc sống vui vẻ hạnh phúc được. Tục ngữ có câu: “Một tinh thần minh mẫn trong một cơ thể tráng kiện”. Cho nên cơ thể và tinh thần luôn gắn bó với nhau một cách mật thiết, không thể có hạnh phúc trong một thân thể bệnh hoạn được. Ví dụ như tập thiền để tâm hồn tĩnh lặng, bình an, nhưng thân thể bệnh đau thường xuyên thì dù có thiền đến đâu kết quả cũng không làm sao đạt được, tinh thần cũng không có gì thay đổi vì bệnh tật là nguồn gốc của khổ đau. Chúng ta không thể ngồi thiền khi cơ thể chúng ta đau nhức, tinh thần chúng ta không thể không chi phối khi chứng bệnh hoành hành…  

2-Mắt dùng để nhìn, để thấy những gì trước mắt ta, tất cả những hình ảnh đó sẽ chuyển về hệ thần kinh não bộ để nhận biết. Nếu mắt cứ nhìn những thứ thô tục, sai trái, hung bạo thì tâm hồn làm sao trong sáng được.

3-Tai dùng để nghe những âm thanh chung quanh khi chúng ta hiện diện, tất cả những âm thanh đó có muốn nghe hay không đều chuyển về thần kinh não bộ. Tai cũng như mắt, chúng ta cần chọn lựa để tiếp nhận nó tạo cho tinh thần sảng khoái.

4-Mũi dùng để thở, ngữi được tất cả mùi vị khi bay đến gần chúng ta và cũng được thần kinh não bộ tiếp nhận.

5-Lưỡi dùng để nếm hương vị khi chúng ta ăn uống tất cả những cảm giác mặn ngọt chua cay đều đưa về thần kinh não bộ phân tích. Điều này cũng không kém phần quan trọng, hương vị thơm ngon hợp với khứu giác và vị giác khiến chúng ta không kiểm soát được việc ăn uống. Thực phẩm là chất nuôi dưỡng cơ thể và ngược lại cũng có thể là chất độc giết chết chúng ta nếu không cẩn thận chọn lựa.

6-Sau cùng là “ý” đây là điểm chúng tôi muốn nói đến trong ngũ uẩn.

Có nhiều từ người ta thường dùng như:  ý tưởng, ý thức, tư tưởng, ý niệm, hoài niệm, vô thức, nhận thức, trí thức, kiến thức, học thức, tuệ thức.v.v.

Tóm lại, chữ “thức” là phần nằm trong não bộ, nó chính nguyên nhân và nguồn gốc của sự khổ, hạnh phúc. Nó đến từ sự “nhận thức” của chúng ta. Nhận thức là gì? Theo khoa tâm lý học, nhận thức liên quan đến việc nghiên cứu các quá trình của tất cả những sự việc liên quan đến tinh thần, những gì mà chúng ta tiếp nhận được đưa vào bên trong não bộ của chúng ta bao gồm: Nhận thức, tư duy, ý thức, trí nhớ, sự chú ý, ngôn ngữ, giải quyết vấn đề và sự học tập… Nhiều nhà tâm lý học đã sử dụng các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm để nghiên cứu về những hành vi theo phương cách tiếp cận khoa học. Phần lớn con người không hài lòng với cách tiếp cận (Behaviorism) còn gọi là tâm lý học hành vi, nhấn mạnh đến phương pháp khoa học và khách quan. Cách tiếp cận này chỉ quan tâm đến hành vi, kích thích phản ứng quan sát được và khẳng định tất cả các hành vi được thông qua và tương tác với môi trường. Tất cả là do sự tiếp cận hành động bên ngoài chứ không phải là quy trình trong não bộ.

Ví dụ có một chiếc xe đang chạy ngược đâm thẳng vào chúng ta, dĩ nhiên là tai ta nghe âm thanh chiếc xe, mắt ta thấy chiếc xe đang chạy đến, tất cả hình ảnh và tiếng động đó đều chuyền về thần kinh não bộ một cách nhanh chóng. Đầu tiên, não bộ con người xuất phát một phản ứng tự nhiên do sự nguy hiểm phải tránh xa tức khắc, giống như hành động của con mắt khi bị một vật gì chạm đến nó tức khắc nhắm lại. Đó chính là quá trình (mediational) nó làm trung gian để kích thích và phản ứng. Hầu hết các nghiên cứu khoa học về các quá trình vô thức là nhằm mục đích chứng tỏ rằng mọi người không cần ý thức cho các quá trình tâm lý hoặc hành vi. Chỉ đơn thuần là nhận thức một kích thích lặp đi lặp lại, chẳng hạn như một thương hiệu trên một bản quảng cáo (billboard) chúng ta nhìn thấy mỗi ngày hoặc một bài hát được phát trên đài phát thanh thường xuyên, điều này được ghi lại trong tâm thức chúng ta. Cái đó chính là kinh nghiệm được ghi lại trong bộ nhớ mà chúng ta chỉ tiếp xúc, nhận thấy mà không cần đòi hỏi phải nhận thức, ý thức phân tích hay thái độ của đối tượng mới biết được. Nói về cảm giác, đó là một quá trình kích thích bởi hệ thống thần kinh cảm giác, tạo ra những kích thích truyền đến não bộ, từ đó mới giải thích các cảm nhận từ những hình ảnh, âm thanh, vị giác, mùi vị, xúc giác, hoặc sự đau đớn.v.v. Kích thích vật lý hiện diện trong môi trường phát ra năng lượng bị hấp thụ bởi một cơ quan dẫn truyền cảm giác để kích động thành cảm giác. Sau đó chúng ta có được một nhận thức.

Nhận thức được đề cập đến sự xuất hiện của cơ quan não bộ, thực hiện công việc sắp xếp các thông tin nhận được từ sự kích thích của thần kinh. Sau đó bắt đầu một quá trình chuyển dịch và phân tích. Đó là một quá trình quan trọng giúp chúng ta hợp lý hóa hoặc hiểu được thông tin liên quan đến những kích thích vật lý. Nhận thức xảy ra khi não bộ thực hiện các thông tin nhận được phân tích để mang lại ý nghĩa của nó, bằng cảm xúc hay ký ức. Giữa cảm giác và nhận thức có những yếu tố cân bằng và bổ sung cho nhau. Cả hai làm việc cùng nhau để có thể xác định và tạo ra ý nghĩa từ các thông tin liên quan đến kích thích. Nếu không có cảm giác, sự nhận thức sẽ không thể thực hiện, ngoại trừ những người tin tưởng vào nhận thức của khả năng ngoại cảm mà không cần dùng đến giác quan (ESP/Extra-sensory-perception). Nếu không có nhận thức, những cảm giác của chúng ta sẽ “không biết” nếu không có sự hoạt động của thần kinh (nõa bộ) với những gì chúng ta cảm nhận được. Nói tóm lại Sắc, Thức, Tưởng, Thọ, Hành đều phải lệ thuộc vào hệ thống thần kinh não bộ và thân thể vật lý, cho nên dù lý giải cách nào nó cũng không thoát khỏi thực tế khoa học rất bình thường đó. Cho nên muốn giải quyết mọi lo âu phiền muộn hay muốn tìm thấy một cuộc sống vui tươi hạnh phúc thật không khó, nếu chúng ta đừng nghĩ đến chuyện xa vời, không tưởng làm mất thời gian và niềm vui trong đời sống thực tế của chúng ta. Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy tốt xấu, khôn ngu, sang hèn, phải trái đều là do chúng ta cảm nhận nó mà thôi. Mỗi người đều là một tuyệt tác, có một cuộc sống khi sinh ra đừng nên hoang tưởng luân hồi, kiếp sau, kiếp trước mà phung phí đi sự sống hiện thực của mình (xin lỗi tôi không dám mạo phạm đến niềm tin tôn giáo) đây cũng là một ý nghĩ riêng tư của cá nhân tôi xin các bậc cao minh thông cảm. Có nhiều người trong chúng ta luôn tự hỏi, có kiếp trước, kiếp sau không? Tại sao chúng ta lại muốn biết có kiếp trước, kiếp sau, để làm gì? chỉ làm mất thời gian và cơ hội sống mà thôi. Con người đau khổ là vì ý niệm và hiểu biết sai lầm mà thôi.

Sau đây chúng tôi nêu lên một ví dụ trong một câu chuyện đọc được trên Internet rất thú vị nói về thời gian và cơ hội. Có một người chồng mở ngăn tủ của vợ mình trong ngày tẩm liệm đã tìm thấy một gói nhỏ được gói kỹ càng trong lớp giấy lụa. Anh mở ra trong đó là một chiếc áo mịn màng, anh nói: Tôi mua chiếc áo này tặng cô ấy, lần đầu tiên chúng tôi sang New York, cách đây 8 – 9 năm, nhưng cô ấy chưa bao giờ mặc! Cô ấy muốn dành cho một dịp nào đặc biệt để mặc nó. Nhưng hôm nay người vợ đã qua đời bà ta sẽ không còn dịp nào đặc biệt để mặc nó. Điều này muốn nói lên, đừng bao giờ giữ lại một cái gì mà chờ cơ hội đặc biệt cả. Mỗi ngày là một cơ hội đặc biệt, đừng phung phí thời gian đang có của chúng ta rồi đến một ngày sẽ hối hận là không làm được gì tốt đẹp cho người thân, gia đình, bằng hữu, xã hội và cũng không cần kiếp trước kiếp sau gì cả “One life to live”. Hạnh phúc chính là lúc chúng ta được quan tâm, chăm sóc và yêu thương. Hiện tại là thực tế, chúng ta cố gắng làm trọn vẹn cho ngày hôm nay, không nên nghĩ quá xa vời với những gì chúng ta mãi mãi sẽ không bao giờ biết, không bao giờ thấy hay chạm tới nó. Mỗi ngày sống đã là một cơ hội đặc biệt rồi! Hãy trân quí nó, thực hiện nó tốt đẹp mỗi ngày đó là nguồn vui và hạnh phúc. Hãy làm những chuyện vặt vãnh mỗi ngày cũng đủ làm cho cuộc sống chúng ta nhiều ý nghĩa. Thương vợ, thương con, chăm sóc gia đình, thăm hỏi bằng hữu, giúp đỡ người nghèo khó, tha thứ được cứ tha thứ, hoạt động giúp đỡ cho xã hội.v.v. Chỉ cần ngần ấy, thì Thiên đàng cũng đang chờ sẵn chúng ta rồi. Đừng nghĩ quá xa vời, đừng phung phí quá nhiều của cãi tài sản, thời gian vào những việc không thực để cầu xin, để nhờ ban ơn, cứu rổi. Hãy sống bình thường như cỏ cây, cổng Thiên đàng sẽ mở cửa, bánh xe luân hồi không quay nữa. Và mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút đều là đặc biệt của hạnh phúc tươi vui. 

Tóm lại, nguyên nhân đau khổ là vì chúng ta đi tìm những việc quá xa mà con người không thể biết. Phung phí thời gian của hiện thực, quên bổn phận và trách nhiệm của bản thân, đặt niềm tin vào vọng tưởng. Thứ hai muốn chấm dứt hay giảm bớt sự đau khổ phải thực tập mỗi ngày trong cuộc sống của mình, giống như mình đi học vậy thì sau một hai năm…ít ra mình cũng thu thập được phần nào tốt đẹp, hữu ích cho cuộc sống hiện thực. Những kinh nghiệm đó sẽ mang đến cho chúng ta sự kiểm soát chính mình, kiểm soát được hành động và từ bỏ phần nào những tham sân si để tâm chúng ta bình thản. Chúng ta vì quá quan tâm đến những sự việc không bao giờ thấy hay nắm bắt được, tại sao chúng ta không theo lời phật dạy tất cả là không sinh cũng không diệt, hiện hữu hay không hiện hữu, có duyên thì đến không duyên thì đi… Chỉ cần hiểu được bao nhiểu điều đó, cũng đủ mang đến cho chúng ta một cuộc sống bình an, tự taị. Hãy chấp nhận những gì đến với chúng ta như một sự tự nhiên, không phí mất thời gian mỗi ngày trong cuộc sống để tìm kiếm hay lo lắng, không van xin cầu khẩn, không tìm ân phúc từ Thánh thần, Thượng đế, Trời Phật. Hãy tự mình bồi đắp, nuôi dưỡng bản thân và tinh thần bởi chính mình với đạo lý làm người cũng quá đủ. Hãy sống vô tư để lòng thanh thản, hãy chấp nhận cuộc sống hiện tại cho dù tốt hay xấu, đè nén những tham vọng, mưu toan để bản thân bớt lo lắng, thì lo gì không có một cuộc sống hạnh phúc, vui tươi.

Tóm lại, tất cả mọi sự việc tốt xâu, đau khổ hay hạnh phúc đều xuất phát từ não bộ mà nhiều người gọi là (Tâm) mà thôi. Sau đây là những điều tôi học hỏi và thực tập chính bản thân mình đã đạt được nhiều kết quả không thể ngờ được đó là: -Tạo sự thanh tịnh bình an mỗi ngày trong cuộc sống, – Tự đè nén mọi cơn giận dữ cho bất kỳ trường hợp nào xảy ra từ trong gia đình hay ngoài xã hội. – Suy nghĩ nhiều lần trước khi phát biểu hay hành động, – Tập yêu thương, ngưỡng mộ và chia sẻ với mọi người với bất kỳ hoàn cảnh nào, – Nhắc nhỡ lòng mình sự từ bi, hỷ xả và sau cùng là -Tùy duyên, chấp nhận vô điều kiện mọi sự việc đến và đi như một sự tự nhiên. Có lẽ chỉ chừng ấy, chúng ta sẽ cảm thấy đời sống thật sự quá hạnh phúc và tươi vui mỗi ngày, chứ không cần phải cầu khẩn ban ơn hay phù trợ từ Thánh thần nào cả. Đó cũng chính là lời Phật dạy.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here