SỰ SỐNG, CON NGƯỜI VÀ TÔN GIÁO tiếp theo……

0

1 -Tia sáng điện từ. Sấm sét có thể cung cấp các tia lửa cần thiết cho sự sống để bắt đầu. Tia lửa điện có thể tạo ra các axit amino và chất đường từ bầu khí quyển với nước, methane, ammonia và hydrogen. Miller-Urey cho biết trong kết quả thí nghiệm của vào năm 1953, cho thấy sấm sét có thể giúp tạo ra các khối quan trọng để xây dựng sự sống trên trái đất trong những ngày đầu.

2 -Nhóm đất sét. Các phân tử đầu tiên của sự sống có thể đã có trên đất sét, theo ý tưởng nhà hóa học hữu cơ Alexander Graham Cairns-Smith tại Đại học Glasgow ở Scotland. Thì bề mặt đất sét không chỉ có tập trung các hợp chất hữu cơ với nhau, nhưng nó cũng giúp sắp xếp chúng vào mô hình giống như gen của chúng ta bây giờ.

3 -Lỗ thông hơi dưới đáy biển. Lý thuyết thông gió dưới biển sâu, cho thấy sự sống có thể đã bắt đầu tại lỗ thông ngầm thủy nhiệt đã phun phân tử chủ chốt phì nhiêu hydrogen. Sau đó trong các ngách đá ở đó có thể tập trung các phân tử với nhau và được cung cấp các chất xúc tác cho các phản ứng khoáng sản quan trọng. Ngay cả bây giờ, các lỗ thông hơi đó rất giàu năng lượng hóa học và nhiệt, duy trì hệ sinh thái.

4 -Băng đá có thể bao phủ đại dương đã 3 tỷ năm trước đây, thời gian đó ánh sáng mặt trời chỉ bằng 1/3 như bây giờ. Các nhà khoa học cho rằng đây là lớp băng, có thể rất sâu, điều này có thể bảo vệ được các hợp chất hữu cơ dễ vỡ trong nước dưới ánh sáng cực tím và sự hủy diệt từ tác động của vũ trụ. Cái lạnh có thể cũng đã giúp các phân tử để tồn tại lâu hơn.

5 -RNA world

DNA cần protein để tạo thành và ngược lại AND cũng cần protein để tạo nên. Như vậy sự hình thành đó cần có sự tương tác lẫn nhau. Có thể RNA đã lưu trữ những phân tử như DNA, phục vụ như một loại enzyme giống như protein và giúp tạo ra cả ADN và protein. (DNA -Deoxyribo Nucleic Acid, RNA -Ribo Nucleic Acid).
DNA cung cấp các sinh vật sống với những dữ kiện di truyền trong nhiễm sắc thể AND, giúp xác định các tính chất sinh học của một sinh vật, có chức năng dựa trên những dữ kiện di truyền từ thế hệ cũ thông qua sinh sản. Các thay đổi chậm, ổn định được tìm thấy trong DNA theo thời gian, được gọi là đột biến, nó có thể phá hoại, trung lập, hoặc có lợi cho sinh vật, đó chính là cốt lõi của thuyết tiến hóa.

Như đề xuất đầu tiên của Francis Crick, sự sống đầu tiên được dựa trên RNA trong đó có các tính chất giống như các dữ kiện lưu trữ của ADN và đặc tính sự xúc tác của một số protein. Đây được gọi là giả thuyết “RNA world”, được hỗ trợ bởi việc quan sát tìm thấy có nhiều các thành phần quan trọng của các tế bào được cấu tạo là phần chủ yếu, hoặc hoàn toàn có thể là của RNA. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố quan trọng nữa như ATP, Acetyl-CoA, NADH.v.v. Tuy nhiên, tính chất xúc tác của RNA vẫn chưa được chứng minh rõ ràng, khi giả thuyết này được đề xuất lần đầu tiên với sự xác nhận của Thomas Cech vào năm 1986.

RNA vẫn còn tồn tại và thực hiện một số chức năng trong cơ thể, bao gồm cả hoạt động on/off như một công tắc cho một số gen. Một số nhà khoa học cho rằng các phân tử có thể tự phát sinh trên trái đất, nhưng có người lại cho rằng rất khó có thể xảy ra. Vai trò chính của DNA là để lưu trữ dữ kiện về cách phân tử khác được sắp xếp.

Sau những năm 1960, các nhà khoa học vào cuộc tìm kiếm để hiểu nguồn gốc của cuộc sống chia thành ba nhóm. Một số đã được thuyết phục rằng, sự sống bắt đầu với sự hình thành từ các phiên bản nguyên thủy của các tế bào sinh học. Những người khác nghĩ rằng, bước đầu tiên chính là một hệ thống biến chất và một số người khác nữa tập trung vào tầm quan trọng của di truyền và sự biến đổi. Nhóm cuối cùng đã cố gắng tìm ra những thành phần tạo điều kiện tự sao chép trong buổi đầu tiên có thể nhìn thấy và từ đó tập trung vào ý tưởng là nó đã được thực hiện bởi RNA.

Tóm lại, nguồn gốc của sự sống là một trong những bí ẩn lớn nhất trong vũ trụ. Để xác định nguồn gốc của sự sống, các nhà khoa học đang nghiên cứu nhiều vấn đề trong nhiều cách khác nhau: Một số nhà khoa học đang nghiên cứu sự sống trên hành tinh của chúng ta. Một số nghiên cứu sự sống qua quá trình hóa thạch trên các hành tinh khác như mặt trăng trong hệ mặt trời. Một số nhà khoa học đang cố gắng phát hiện sự sống trong hệ thống năng lượng mặt trời. Hoặc bằng cách đo hiệu ứng của sự sống trên bầu khí quyển của nhiều hành tinh xa xôi, hoặc bằng cách đo bức xạ nhân tạo, như tín hiệu vô tuyến bởi cuộc sống văn minh hôm nay….

Như vậy, hiện nay đã có những kết quả thí nghiệm tốt nhất trên hành tinh của chúng ta, khả dĩ đã được nhiều nhà khoa học chấp nhận. Tuy nhiên, điều này vẫn còn rất khó để xác định nguồn gốc của sự sống, bởi vì hành tinh này đã có ít nhất 3,5 tỷ năm trước. Mặc dù, các nhà khoa học đã tìm thấy số tuổi những tảng đá hóa thạch của sự sống trên trái đất, điều này đã chứng minh phần nào tuổi của địa cầu. Những tảng đá này rất hiếm và chính những tảng đá đó trải qua quá trình địa chất tái tạo và định hình lại bề mặt của hành tinh chúng ta. 3,5 tỷ năm tuổi đá đó với các tiến trình hóa thạch đã được tìm thấy ở châu Phi và Australia. Theo thí nghiệm những tảng đá đó thường là một hỗn hợp của dung nham núi lửa đã co cứng lại.

Dù là chứng minh bởi thí nghiệm nào, nếu có sự sống thì không thể không có nước. Chứng minh rõ ràng nhất là trái đất của chúng ta hay bất kỳ ở nơi khác trong hệ mặt trời đều lấy nước để chứng minh là nơi đó có sự sống. Hiện nay, sự sống đang được tìm kiếm trên sao Hỏa, những nơi nước có thể đã từng chảy qua trên bề mặt đó. Hay Europa nơi một biển ngầm của nước có thể tồn tại dưới bề mặt băng giá của nó.

Tóm lại chúng tôi không thể nói hết được trong một vài trang giấy, đây chỉ là một vài tổng hợp trên các tạp chí khoa học để làm chìa khóa mở đầu cho quyển sách nói về con người, cuộc đời và các triết lý về tôn giáo. Chúng tôi không muốn đi sâu vào lảnh vực khoa học hay sinh học vì đây là một lĩnh vực quá lớn đối với sự hiểu biết của chúng tôi. Thật ra con người không có đấng nào tạo ra cả nếu nhìn trên góc cạnh khoa học, các sinh vật trên quả đất này đều do luật tự nhiên tạo thành và biến đổi theo thời gian và môi trường sống, từ trạng thái này sang trạng thái khác cho đến ngày hôm nay. Tôn giáo do con người lập ra và tạo nên kinh kệ sau khi có chữ viết. Không có gì chứng minh là do Thượng Đế, Phật hay Thần thánh viết để lại từ hàng tỷ năm năm trước. Cho nên đối với chúng tôi tôn giáo chỉ là bức màng che sự sợ hãi và yếu đuối của con người mà thôi.

 Chương II

A – Đời người.

Ý nghĩa cuộc đời là gì? Có lẽ hằng bao thế kỷ qua nhiều người thường tự đặt câu hỏi cho chính mình “ý nghĩa của cuộc đời là gì ?” Dĩ nhiên, có nhiều câu trả lời khác nhau về câu hỏi này vì nó ảnh hưởng khác nhau về văn hóa và tư tưởng. Khi nói về ý nghĩa của cuộc sống không chỉ đơn giản là sự tồn tại, mà trong đó có niềm ước mơ, hy vọng, lý tưởng, cách sống, quan niệm sống, gia đình, tình dục, giải trí, nghề nghiệp, hạnh phúc, xã hội, tiền bạc, đạo đức.v.v. Ý nghĩa cuộc đời không chỉ là những vấn đề nói trên mà còn là một câu hỏi có tính cách triết học, khoa học, tôn giáo và siêu hình nữa. Như vậy, thế nào mới là một cuộc sống có ý nghĩa? Đó là một câu hỏi lớn ảnh hưởng đến luật tự nhiên sinh diệt của con người là tuyệt đối. Câu hỏi lớn hơn nữa là con người từ đâu đến và khi chết đi về đâu? Chính câu hỏi này đã làm con người phân vân sự tồn tại của mình trên vũ trụ. Điều này làm cho nhiều người đang sống hay sắp bước vào cõi chết thường nhìn thấy một khoảng trống thật sâu bên trong tâm hồn, một cảm giác trống vắng mà dường như không thể hiểu nổi và không có gì có thể thay thế vào đó.

“Vì sao ta ở đây?” “Cuộc sống là gì?” “Tại sao chúng ta phải sống?” “Ý nghĩa cuộc sống là gì?…Đó là những câu hỏi khó có câu trả lời thích đáng, thông thường người ta thường lấy triết lý tôn giáo để trả lời thay cho những nghi vấn của chúng ta, hầu xoa dịu những thắc mắc về cuộc đời mình.

1-Câu hỏi “vì sao ta ở đây” có lẽ chưa ai hiểu nổi lý do chính xác của nó. Như khoa học đã chứng minh là hầu hết sự sống trên trái đất do các thành tố và các phản ứng của tế bào tiến hóa đã xuất hiện độc lập ở nhiều nơi khác nhau trong vũ trụ, hay những nguyên tố căn bản làm tiền đề cho sự sống như : Carbon, Oxy, Hydro và Nito. Thuyết Big Bang, Thuyết tiến hóa Darwin và nhiều tư tưởng, nhiều lý thuyết phổ quát khác được áp dụng và nghiên cứu khắp mọi nơi. Hôm nay khoa học tiến xa hơn đã đi tìm sự sống trên những hành tinh khác Có những chứng minh con người được cấy từ một hành tinh khác ngoài trái đất. Với tôn giáo như Phật giáo cho là “nghiệp lực” dẫn dắt con người trong sáu nẻo luân hồi. Con người đến đây để trả nợ đã vay từ nhiều kiếp trước. Hay Thiên Chúa giáo thì cho rằng con người do Thượng Đế sinh ra để thưởng phạt, để sai khiến, để thương yêu, để thờ phượng. Tóm lại, vẫn không có câu trả lời chính xác.

2-Câu hỏi thứ hai “cuộc sống là gì?” Có người cho rằng cuộc sống là một tặng phẩm không cần biết ai đã ban cho, cứ cho đó là từ một sự tự nhiên, hay thực tế nhất là từ cha mẹ mình sinh ra. Hay nghĩ một cách đơn giản là con người được sinh ra rồi lớn lên, đi học, đỗ đạt, có trí tuệ, lăn lộn trong cuộc sống, kiếm tiền, lập gia đình, sinh con, mua nhà, mua xe, hòa đồng vào xã hội, giúp đỡ mọi người… Đó chính là sự sinh tồn, sự hiện hữu có thật trên vũ trụ.

Nếu cuộc đời cứ như thế không biết mình là ai cứ bám víu vào các niềm tin không thật, không biết, cả cuộc đời chỉ biết sợ hãi cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, từ giã cuộc đời. Hóa ra đời người thật là vô vị, vô nghĩa biết chừng nào. Như vậy con người cố gắng tồn tại để làm gì? Khi mọi khổ đau, phiền toái thường gặp mỗi ngày trong cuộc sống mà chỉ biết cúi đầu lăn lộn trong cuộc sống mà không tìm ra lối thoát. Sở dĩ điều này xảy ra là vì con người sống không thực tế với chính mình.

Như vậy sự sống qua quan niệm tôn giáo và khoa học có những điểm khác và giống nhau ở chỗ nào? Cuộc đời quả thực là vô nghĩa! Hàng triệu triệu người, từ hàng muôn muôn thế kỷ, cứ sinh ra, lớn lên, lăn lộn trong cuộc sống, không biết mình là ai. Khi khổ đau thì cầu trời khấn Phật, khi vui vẻ thì quên hết mọi sự, cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay, từ giã cuộc đời, như thế là xong một kiếp người! Thái Tử Tất Đạt Đa không chấp nhận định mạng như vậy, cho nên Ngài quyết tâm đi tu tập, đắc đạo thành Phật, rồi đem những điều giác ngộ truyền bá, giảng giải, thuyết pháp, để giúp con người giải thoát khỏi phiền não khổ đau và sanh tử luân hồi. Hay Thiên Chúa giáng trần để cứu rỗi con người và mang họ trở về lại cõi Thiên đàng…Dù là con người luôn bám víu vào niềm tin tôn giáo để hy vọng, để tiếp tục sống, nhưng con người luôn bất mãn với đời sống của họ. Họ nghĩ rằng đời sống quá trống rỗng, quá rẻ mạt, quá nhàm chán, cứ làm đi làm lại, lặp đi lặp lại bao nhiêu việc như cũ. Cho nên, con người luôn mong muốn có một cái gì hơn thế nữa, khác đi, hay một cái gì vượt hẳn lên trên những việc làm thông thường của họ hiện nay. Bởi vì, đời sống thường nhật của chúng ta quá rỗng tuếch, quá đần độn, quá vô nghĩa, quá chán chường, ngu xuẩn đến độ không thể chịu đựng nổi, cho nên chúng ta cho rằng cuộc đời phải có một ý nghĩa trọn vẹn hơn và đó là lý do tại sao bạn đặt câu hỏi này.

Mỗi chúng ta ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống. Điều quan trọng là, trong thực tế chúng ta không có sự lựa chọn phải sống hay không sống, mà chỉ có sự lựa chọn sống như thế nào. Theo khoa học chứng minh, những nguyên tố căn bản làm tiền đề cho sự sống là: Carbon, Oxy, Hydro và Nito. Hay nói một cách khác ba đặc tính cơ bản của sinh vật là 1- Được cấu tạo tử các tế bào, 2- Có nucleic acid/vật liệu duy truyền, 3- Các khả năng thực hiện các phản ứng trao đổi về chất và năng lượng. (Sự sống, hay Cuộc sống là một khái niệm phức tạp được định nghĩa theo nhiều cách khác nhau tuỳ thuộc phương diện tiếp cận. Sống là một quá trình diễn ra từ lúc sinh vật được tạo thành (sinh ra) cho đến lúc nó phân rã (chết đi). Ngoài ra, sự sống có thể hiểu là một điều kiện cho phép một hệ thống (thực thể) nào đó được sinh ra, tồn tại với những đặc tính sống và phải chết đi tại một thời điểm xác định.

Tuy nhiên, ngoài những nguyên tố đó ra, sự sống của chúng ta còn nguồn gốc triết học, tôn giáo, khoa học, sự tồn tại, mối liên quan đến xã hội, ý thức, hạnh phúc và những vấn đề liên quan khác như: Bản thể, giá trị, mục đích, đạo đức, thiện và ác, ý chí tự do, linh hồn, sự sống đời sau…

Trong nền văn hóa nhân bản của chúng ta hiện nay, con người theo đuổi nhiều thứ họ đã nghĩ rằng sẽ tìm thấy được ý nghĩa của cuộc đời. Một trong số mà họ cho là có ý nghĩa như: Sự thành công trong kinh doanh; giàu có, các mối quan hệ tốt, quan hệ tình dục, giải trí, hay một vài việc làm tốt giúp cho người khác… Người ta chứng minh rằng, khi họ đã đạt được các mục tiêu của một số sự việc nói trên, nhưng họ vẫn cảm thấy như có một khoảng trống sâu bên trong tâm hồn, một cảm giác trống vắng mà dường như không có một thứ gì có thể thay thế vào được.

Con người vẫn mãi đặt ra một câu hỏi, ý nghĩa cuộc sống và sự tồn tại của nó là gì, mục đích tối hậu ra sao? Hay những câu hỏi liên quan khác như: Vì sao ta ở đây? Cuộc sống là vì cái gì? Câu hỏi đó đã trở thành một đề mục của triết học, thần học, khoa học, lịch sử nhân loại (Lịch sử thế giới hay còn gọi là lịch sử loài người, bắt đầu từ thời đại đồ đá cũ). Khác với lịch sử Trái Đất nó gồm cả lịch sử địa chất trái đất và lịch sử tiến hóa sự sống trước khi có sự xuất hiện của con người. Tuy nhiên, gốc rễ của nền văn minh loài người trải rộng ra từ trước khi có sự xuất hiện của chữ viết cho nên tìm kiếm tài liệu để chứng minh hẳn là điều rất khó.

Những câu hỏi vừa nêu trên đã được nhiều người trả lời theo sự khác biệt về sự hiểu biết khoa học, văn hóa và hệ tư tưởng khác nhau của nó (Ý thức hệ hay hệ tư tưởng là hệ thống các mục đích và quan niệm giúp điều chỉnh mục tiêu, dự tính và hành động của con người. Một ý thức hệ có thể hiểu như một tầm nhìn bao quát, như cách thức để xem xét sự vật, thường gặp trong một vài trường phái triết học xã hội). Tóm lại, câu trả lời về “Ý nghĩa cuộc đời bạn là gì?” Có thể liên quan đến các thành tựu của cá nhân trong xã hội, hoặc thành tựu trong đời sống tinh thần, niềm hạnh phúc bạn có. Tuy nhiên đó chỉ là câu trả lời một phần nào chứ thật ra từ ngàn xưa cho đến ngày nay, từ phương đông sang đến phương tây, từ Châu Á sang đến Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi và Châu Úc. Khi bàn về vấn đề ý nghĩa của cuộc sống, mọi người luôn bày tỏ niềm mơ ước cho một cuộc sống lý tưởng đều khác nhau, trên quan điểm và quan niệm của họ. Ví dụ người ước mơ có nhiều tiền quan niệm của họ là “Có tiền mua tiên cũng được”, hay người ước mơ phải có danh vọng để mọi người nể phục, có quyền lực để ăn trên ngồi trước trong thiên hạ hay ước mơ có một gia đình hạnh phúc vợ đẹp con khôn.v.v.

Đời sống con người có thật, khoa học chứng minh những điều có thật và làm sáng tỏ mọi sự việc khả tín và nhiều thuyết phục. Thực tế đời sống là gì, niềm hạnh phúc và khổ đau của con người như thế nào, con đường nào sẽ làm cuộc sống nhiều ý nghĩa và không có khoảng trống trong tâm hồn khi con người vĩnh viễn ra đi?….Câu kết luận của tôi cũng là một câu hỏi. Khi con người sinh ra thế giới này đó là bể khổ, cho nên con người phải khổ đau từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi chết, con người chưa có cách nào để giải thoát khỏi thế giới khổ đau này. Nhiều người cho rằng có nhiều vị Cao Tăng hay Hành giả, các bậc Giáo Hoàng hay Linh Mục đã thoát khỏi những cuộc sống khổ đau này qua nhiều “Pháp” nhiều cách tu luyện, cách thiền định… Theo tôi nghĩ đó chỉ là sự đề cao hay thần thánh hóa mình lên mà thôi. Nếu con người thực hiện được những gì trong giáo pháp để trở thành một cái gì đó, thì tại sao hằng ngàn năm nay không có một vị Phật, một vị Thiên Chúa nào xuống thế gian này để cứu giúp loài người? Chẳng lẽ con người văn minh hôm nay không thể học được, làm được như các bậc thánh nhân ngày xưa của thời lạc hậu đồ đá?.

Sau đây là một vài chứng minh về thành phần hóa học trong cơ thể con người được cấu tạo ra sao, để chúng ta có khái niệm sự hình thành một con người.

B – Thành phần hóa học của cơ thể con người

Trong cơ thể con người có 62% nước, 16% Protein, 6% minerals, 16% fat và 1% carbohydrate.

-Nước: Nước là hợp chất hóa học phong phú nhất trong tế bào người sống, chiếm 65-90% mỗi tế bào. Ví dụ, máu và dịch não tủy thường chứa nước nhiều hơn.

-Chất béo: Tỷ lệ chất béo thay đổi tùy từng người, với người béo phì có nhiều nước hơn là chất béo.

-Protein: Trong cơ thể một người nam thì phần trăm chất béo và nước có thể so sánh được. Khoảng 16% theo khối lượng cơ bắp, bao gồm cả tim vì tim chứa rất nhiều cơ. Tóc và móng tay là chất đạm. Da cũng chứa một lượng lớn protein.

-Khoáng sản: chiếm khoảng 6% tổng thể cơ thể. Chúng bao gồm muối và kim loại. Các khoáng chất thông thường như: sodium, chlorine, calcium, potassium và iron.

-Carbohydrate: Mặc dù con người sử dụng glucose đường như một nguồn năng lượng, Carbohydrate chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng cơ thể.

1 – Các yếu tố trong cơ Thể con người

Sáu yếu tố quan trọng chiếm 99%  khối lượng của cơ thể con người . Các chất carbon, hydrogen, nitrogen, oxygen, phosphorus và sulfur viết tắt là (CHNOPS) Đây là cách viết để người ta dễ nhớ của sáu nguyên tố hóa học quan trọng được sử dụng trong các phân tử sinh học. Oxy là nguyên tố có nhiều nhất trong cơ thể con người chiếm khoảng 65% khối lượng của một người. Mỗi phân tử nước bao gồm hai nguyên tử hydro liên kết với một nguyên tử oxy, nhưng khối lượng của mỗi nguyên tử oxy cao hơn so với khối lượng kết hợp của hydro. Ngoài việc oxy là một thành phần của nước, oxy cũng rất cần thiết cho sự hô hấp của tế bào.

Tất cả các hợp chất hữu cơ có chứa carbon, đó là lý do tại sao carbon là yếu tố dồi dào thứ hai trong cơ thể, chiếm khoảng 18% khối lượng trong cơ thể. Carbon được tìm thấy trong proteins, carbohydrates, lipids, và nucleic acids. Đồng thời nó cũng được tìm thấy trong carbon dioxide.

2 – Thành phần của phần trăm khối lượng:

Oxygen 65%, Carbon 18%, Hydrogen 10%, Nitrogen 3%, Calcium 1.5% Phosphorus 1.2%, Potassium 0.2%, Sulfur 0.2%, Chlorine 0.2%, Sodium 0.1%, Magnesium 0.05 %,

(Tham khảo: Chang, Raymond (2007). Hóa học, IX Edition. McGraw-Hill.)

Thật ra nói về nguồn gốc của sự sống không thể nào giải thích hết được, chúng tôi chỉ tổng hợp một số tài liệu của các nhà khoa học và sinh học để chúng ta có một khái niệm về sự sống trên hành tinh này. Mãi đến hôm nay vẫn chưa ai có thể trả lời về nguồn gốc con người một cách chính xác. Con người thực sự là gì? sự sống vẫn là một điều bí ẩn. Nhưng có điều mà chúng ta biết rõ nhất là con người sống được nhờ những những yếu tố và những thành phần nguyên tố trong cơ thể và hàng trăm loại khác nhau của tế bào… Tuy nhiên, chúng tôi cũng muốn nói thêm về những giả thuyết của các nhà khoa học đã chứng minh về sự sống ở buổi ban đầu để chúng ta suy gẫm. Đó không phải là Thần thánh, Thượng Đế hay bất kỳ đấng thiêng liêng nào đã tạo nên sự sống trên trái đất này.

C – Đời sống qua lăng kính khoa học và tôn giáo

Chúng tôi xin trở lại một câu hỏi lớn mà mỗi người đều có câu trả lời khác nhau. Mục đích sự tồn tại của con người là gì? Tại sao con người phải tồn tại? Sự tồn tại của chúng ta và cuộc sống có phải là một sự kiện ngẫu nhiên? Như vậy ý nghĩa và mục đích trong cuộc sống là gì và tại sao?

1- Nhiều người cho rằng. Sự tồn tại của con người là một sứ mệnh thiêng liêng, do sáng tạo của Thiên Chúa, hoặc có người cho rằng ý nghĩa lớn nhất của cuộc sống là để chia sẻ tình yêu thương. Với ý tưởng đó, nếu cuộc sống mà tràn ngập sự chia sẻ, thương yêu và thông cảm thì cuộc sống sẽ có một ý nghĩa cao đẹp. Phải chăng tình thương yêu mang một giá trị lớn nhất của đời sống? Cũng có người cho rằng cuộc sống có ý nghĩa khi chúng ta biết đóng góp những khả năng tốt nhất, biết quan tâm và biết mang tình yêu thương đến cho thế giới nhân loại thì cuộc sống sẽ có nhiều giá trị hơn. Mọi người đều mong muốn cuộc sống có ý nghĩa, nhưng họ không tìm ra được câu trả lời chính xác, sự hoài nghi luôn ám ảnh họ giữa sống và chết, hiện tại và thế giới ngày sau. Chắc chắn sẽ không bao giờ có câu trả lời tuyệt đối.

2 – Nếu chúng ta biết được một số giá trị siêu việt của sự tồn tại, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn phần nào để vượt qua và bước đi trong cuộc sống với thái độ ung dung, không sợ hãi về bể khổ trần gian và cái chết. Trong thế kỷ 21 này với đà phát triển khoa học với những chứng minh về sự sống và nguồn gốc các sinh vật trong buổi ban đầu trên vũ trụ, có nhiều người bỏ đi niềm tin tôn giáo và chú trọng đến những chứng minh khoa học. Nhưng cuối cùng khoa học cũng không cho họ nhiều nền tảng vững chắc, không cung cấp cho họ câu trả lời siêu hình này. Cho nên cuối cùng vẫn là vấn đề chưa có đáp án. Tuy nhiên với lý thuyết Darwin, Big Bang, RNA, tia sáng điện từ, các phân tử trên mặt đá, đất sét, lỗ thông hơi.v.v. không phải là không có cơ sở nhưng chưa đủ thuyết phục hoàn toàn, vì quả đất và sự sống đã tồn tại hơn ba bốn tỷ năm qua, không gian, thời gian với sự biến đổi không ngừng con người khó đi ngược thời gian trở về nguyên thủy. Nếu chúng ta lấy điểm tựa của tôn giáo cho đời sống thì ít nhất chúng ta nên áp dụng “đời sống thực tế với các triết lý tôn giáo thiết thực và khoa học” lại với nhau, để tạo cho mình một con đường khả dĩ hợp lý hơn trong cuộc sống.

Câu nói sau đây của Richard Dawkins nói về đời sống “People have always wondered about the meaning of life… life has no higher purpose to maintain the existence of DNA… life has no design, no purpose, no evil evil and no good, nothing but blind cruel indifference. Tạm dịch là “Con người luôn tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống… cuộc sống không có mục đích gì cao hơn là để duy trì sự tồn tại của DNA… cuộc sống không có thiết kế nào, không có mục đích, không có tà ác và cũng không phải hoàn toàn tốt, nó không có gì ngoài sự thờ ơ tàn nhẫn, mù quáng.

D – Các giai đoạn của chu kỳ sống

Con người được sinh ra và sau cùng là chết để kết thúc một chu kỳ sống. Quyển tiểu luận “Góc Nhìn Hạnh Phúc” trước đây của tôi, trong đó tôi có viết về chu kỳ đời sống qua nhiều giai đoạn. Mỗi giai đoạn đều có nói đến giai đoạn nào là quan trọng nhất. Một số người cho rằng giai đoạn phôi thai là giai đoạn quan trọng nhất vì thời gian đó bộ não của đứa bé bắt đầu thu nhận những trải nghiệm mới. Tất cả những ghi nhận đó được giữ lại trong bộ não sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc sống sau này. Một số người khác cho rằng, thời gian quan trọng là ở tuổi vị thành niên, hay tuổi bắt đầu trưởng thành, khi sức khỏe thể chất đang ở đỉnh cao của nó. Tuy nhiên, cũng có người nhận xét là giá trị cao nhất ở cuối tuổi trưởng thành. Vì ở tuổi này con người đã có được sự khôn ngoan cần thiết để hiểu, để phán xét đúng sai, để hướng dẫn những người khác. Tóm lại, tôi chỉ nêu lên 12 giai đoạn với sự phân chia của Tiến sĩ Thomas Armstrong như sau: Giai đoạn sơ sinh (tuổi từ 0-3), tuổi thơ ngây (từ 3-6), tuổi bình thường tuổi thơ (từ 6-8), cuối thời tuổi thơ (Childhood) (từ 9-11), tuổi vị thành niên (từ 12-20), tuổi trưởng thành thời kỳ sớm nhất (từ 20-35), Tuổi trung niên (từ 35-50), tuổi thật sự trưởng thành (từ 50-80) và cuối tuổi trưởng thành (từ 80+). Mục đích chúng tôi nêu lên chu kỳ sống của một con người để chứng minh rằng con người lớn dần theo thời gian, trong đó có thể chất, sự hiểu biết, thiện ác, tri thức, trí tuệ và chết. Đó là giai đoạn cuối cùng đời người thật sự không còn gì để giữ lại. Điều quan trọng ở đây chúng tôi muốn đặt ra là con người từ đâu mà có, sự hiểu biết có từ lúc nào, tại sao cuộc sống có đau khổ và hạnh phúc, có yêu thương và hận thù, niềm tin tôn giáo và thuyết lý giáo điều xuất xứ ở đâu, ai tạo ra? Khoa học chứng minh được điều gì với sự sống và cuộc sống của nhân loại?

Những đứa trẻ được tạo thành là do sự kết hợp giữa tinh trùng của người nam và người nữ. Đó là thực tế ai cũng nhìn thấy. Theo chúng tôi nghĩ bất kỳ tinh trùng của người nam hay nữ của bất kỳ chủng tộc nào, cũng có thể tạo thành một em bé. Khoa học cũng đã chứng minh thành công qua việc thụ thai trong ống nghiệm với con người và thú vật. Chúng tôi không muốn đề cập nhiều trên đề tài này vì hiện nay hầu như ai cũng đã biết.

Một em bé khi ra đời nó có thể trở thành bất cứ điều gì tùy thuộc vào thời gian và môi trường và hoàn cảnh của nó. Tương lai nó có thể trở thành một Michaelangelo, một Shakespeare, một Martin Luther King, một Bill Gates… Tóm lại, sự giáo dục và não bộ con người rất quan trọng trong suốt thời gian trưởng thành của một em bé. Thời gian đó mang đến kết quả sau cùng mà chúng ta thường nói đến, đó là con người trong cuộc sống.

Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó được thấm nhuần sự giáo dục hay thói quen của các bậc cha mẹ hay những người dưỡng mẫu khác chăm sóc. Tất cả sự đón nhận từ cha mẹ hay dưỡng mẫu sẽ là một con người mang nhiều sắc thái, bản chất, tính nết, hay những nét đặc biệt khác sẽ giống như người nuôi dưỡng. Cho nên trẻ sơ sinh khi lớn lên mang tất cả mọi hy vọng vào thế giới của con người điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự giáo dục và sinh hoạt gia đình.

a- Trẻ em ở độ tuổi từ 0-3 hoàn toàn không biết gì nhiều với thế giới chung quanh. Có thể ở tuổi từ 4-6 may ra đón nhận một vài sự kiện mới để tạo thành quen thuộc hay thói quen.

bTuổi từ 6-8 có thể trí tưởng tượng nhiều hơn, chủ quan hơn, nhiều phán đoán hơn và nhiều sáng tạo gây nên cảm hứng nội tâm tốt đẹp. Biết buồn vui, giận giữ hay thù hằng lẫn lộn.

c- Đến tuổi từ 9-11 đã học được nhiều sự kiện qua những sinh hoạt trong xã hội, những khôn ngoan, các kỹ năng, các giải pháp sáng tạo để đối phó với những áp lực mỗi ngày. Nhất là biết trách nhiệm với bản thân và công việc.

d- Tuổi từ 12-20 người ta thường cho là lứa tuổi vị thành niên, hay còn gọi là tuổi dậy thì. Tuổi này có nhiều thay đổi của cơ thể, có niềm đam mê tình dục, tình cảm, văn hóa và tinh thần của một thiếu niên.

e- Tuổi trưởng thành sớm từ 20-35 ở tuổi này luôn có ý nghĩ thực hiện nhiều nhiệm vụ của mình, tạo sự nghiệp, tìm người yêu, lập gia đình, thực hiện những ước mơ.v.v.

f- Tuổi từ 35-50 Sau nhiều năm trưởng thành, nhiều kinh nghiệm sống, tạo nên cuộc sống tốt đẹp, có cơ ngơi, con cái, có danh vọng trong xã hội, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội.

g- Tuổi từ 50-80 thật sự đã trường thành, đã đóng góp lợi ích cho gia đình và xã hội. Họ là những người có nhiều kinh nghiệm sống và xã hội, họ có thể hướng dẫn hoặc cố vấn trong nhiều sinh hoạt, giúp ích hay huấn luyện cho nhiều người với sự hiểu biết của mình. Hay tạo nên tấm gương tốt lợi ích cho nhân loại.v.v.

hTuổi từ 80+ Những người này đã có được một kho lưu trữ kinh nghiệm khá phong phú, có thể sử dụng để giúp đỡ, hướng dẫn những người khác. Đa số họ là những người khôn ngoan, ít gặp những sai lầm, học được nhiều bài học trong quá trình cuộc sống, Sau đó đi vào chỗ “chết” để chấm dứt một vòng đời. Chúng tôi chỉ tóm lược những điểm chính yếu như nói trên của từng giai đoạn một đời người trải qua.

Điều chính yếu chúng tôi muốn nói là sự “hiểu biết” của con người đến từ đâu? Ý nghĩa cuộc sống là gì? Thực tế đời người phải như thế nào? Quan niệm ra sao mới đúng? Những người sống lâu, nhiều kinh nghiệm sống trước khi qua đời họ thường nhắc nhở hay dạy bảo con cháu về giá trị của cuộc sống, phải sống làm sao, giá trị cuộc sống ở chỗ nào?… Tóm lại “Life is too deep for words” cuộc sống quá “thâm sâu” để có thể diễn tả bằng lời. Đúng vậy, vì con người không ai biết được nguồn gốc của mình từ đâu và khi chết đi về đâu. Tại sao chúng ta phải có mặt trên vũ trụ này, để làm gì? Không thể diễn tả bằng lời. Cho nên mỗi người đều có cái nhìn về giá trị đời sống khác nhau về suy nghĩ của riêng họ, hay bám víu vào niềm tin của vọng tưởng, để sống, để đi hết đoạn đường trần gian. Dĩ nhiên là ai cũng phải sống, phải nằm trong vòng lẫn quẫn để sinh tồn cho nên họ phải tìm ra một ý nghĩa thích hợp cho bản thân, cho giá trị cuộc sống của họ để có thể sống tiếp mỗi ngày. Chiếc bè đầu tiên con người bám víu đó là niềm tin vào tôn giáo. Bây giờ chúng tôi xin khám phá “chiếc bè niềm tin” đó ra sao với con người và đời sống thực tế hôm nay. Những khám phá đó cũng chỉ có tích cách chủ quan, hay đúng hơn là sự chia sẻ để cùng nhau học hỏi. Niềm tin và tôn giáo vô cùng đa dạng cho nên không thể nói hết được. Có rất nhiều tôn giáo trên thế giới ngày nay, tuy nhiên có một số tôn giáo chỉ hạn chế trong một vùng địa lý nhỏ, cũng có những tôn giáo với nhiều triệu tín đồ ở khắp nơi trên thế giới. Theo như các thăm dò cho thấy có khoảng 87% dân số thế giới đang gắn bó với một tôn giáo nào đó và khoảng 13% là không theo tôn giáo nào. Tôn giáo hiện nay trên thế giới như:  Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo, Phật giáo, Khổng giáo, Do Thái giáo, Tôn giáo dân gian Trung Quốc, Tôn giáo của các bộ tộc Châu Á, Ấn Độ, Tôn giáo truyền thống Châu Phi, Tích-khắc giáo (Sikhism), Bahá’í giáo, Kì-na giáo (Jainism), Shintō (Nhật Bản), Cao Đài (Việt Nam), Lão giáo, Khổng Giáo, Tin Lành Giáo.v.v. Dù có tôn giáo hay không con người vẫn sống và cuối cùng sẽ chết, đồng thời không ai có thể biết được kiếp trước sau mà mình đã tồn tại. Cho nên bất kỳ tôn giáo nào cũng chỉ là chiếc bè cho sự sợ hãi, yếu đuối của con người bám víu vào để tồn tại.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here