Thảo luận về từ Đạo đức

0

Linh Vũ

Trong cuộc sống người ta thường dùng hai tiếng đạo đức để dạy con cái, hay đàm luận chuyện nhân gian nhất là trong các tôn giáo và chính trị thường dùng từ đạo đức để làm bức bình phong để thuyết giảng hay tuyên truyền. Quan niệm về hai từ “đạo đức/Moral” có một số khác biệt giữa những nền văn hóa với nhau, ví dụ như người phương Tây và phương đông có một định nghĩa về giá trị đạo đức khác nhau và giữa các tôn giáo cũng vậy. Nhiều người cho rằng sống đạo đức là cách tuân theo các quy tắc do truyền thống và kinh điển truyền lại. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều tranh cãi về hai từ này. Hôm nay chúng tôi muốn đưa vấn đề này để chúng ta cùng thảo luận.

Như vậy đạo đức là gì? Đạo đức xuất phát từ tiếng Latin Mores /có nghĩa là phong tục tập quán hay hicsitas/ morality. Từ đạo đức bên Trung quốc bắt nguồn từ cuốn sách “Đạo Đức Kinh” của Lão Tử.v.v. Có rất nhiều định nghĩa khác nhau của tự điển tôi không thể trích dẫn hết ra được. Sau đây là một vài định nghĩa đơn giản nhất “Đạo đức là những nguyên tắc liên quan đến các tiêu chuẩn về hành vi tốt xấu, đúng sai, thiện ác, danh dự và ô nhục, sự công bằng và trung thực.v.v. mà mỗi người tin tưởng. Hay đạo đức là những quy tắc về chuẩn mực để tuân theo những nguyên tắc của cộng đồng xã hội.”

Nói tóm lại, đạo đức có hai cách xử dụng, thứ nhất mang tính mô tả đề cập đến tập hợp các quy tắc ứng xử được nhiều người chấp nhận hoặc do sự đề xuất bởi xã hội, phong tục truyền thống, niềm tin hay của một tổ chức nào đó ví dụ như tổ chức của Tôn giáo.v.v. Thứ hai, cách xử dụng một quy chuẩn đề cập đến một tập hợp các quy tắc ứng xử hoặc được chấp nhận bởi luật pháp hay một số triết gia đề xuất. Tất cả những điều nói trên với mục đích mang đến cho con người có cuộc sống chừng mực, hạnh phúc và có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn, đồng thời thúc đẩy tiến bộ của xã hội.

Thông thường khi nói đến đạo đức là người ta nghĩ đến hành vi đúng sai của con người, nhất là đòi hỏi con người phải hy sinh những lợi ích ngắn hạn của bản thân vì lợi ích xã hội hay nói chính xác hơn nó chính là một trong hệ thống các giá trị và nguyên tắc ứng xử. Khái niệm đạo đức có một vai trò quan trọng trong triết học đạo đức nhưng ít ai để ý đến, hơn nữa không có đạo đức phổ quát nào áp dụng cho tất cả loài người. Gần đây có một số nhà tâm lý học tiến hóa cho rằng đạo đức cũng tồn tại ở các loài động vật (các loài linh trưởng) chứ không phải chỉ có con người. Nhất là đạo đức không phải là vấn đề tuyệt đối mà nó chỉ có tính cách tương đối tùy hoàn cảnh của sự việc và văn hóa của mỗi quốc gia.

Một định nghĩa khác theo Mác Lê, cho rằng đạo đức là hệ tư tưởng xã hội, nó là những chuẩn mực trong nếp sống và hành vi chung của con người. Các thời đại khác nhau và các giai cấp khác nhau có quan niệm đạo đức khác nhau và không có loại đạo đức nào là vĩnh cửu. Đó là những khái niệm về đạo đức, bây giờ chúng tôi bàn đến nguồn gốc của đạo đức phát xuất từ đâu?

Nguồn gốc của đạo đức

Nói một cách dễ hiểu, “chân lý” của đạo đức phụ thuộc vào các tình huống, nền văn hóa và cảm nhận khác nhau của con người. Đạo đức bắt nguồn từ tôn giáo; từ tính chất di truyền; từ một công trình xây dựng xã hội hay kết quả của những lựa chọn hợp lý.v.v. Cho nên, đạo đức mang tính cách tương đối. Thuyết tương đối này cho rằng đạo đức phụ thuộc vào các quy tắc phổ quát (luật tự nhiên, lương tâm). Cho nên, trong thuyết tương đối về đạo đức cho thấy cái bản chất mơ hồ của nó. Rốt cuộc, họ chỉ tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức của nền văn hóa họ. Ví dụ Đức Quốc xã đã giết rất nhiều sinh mạng con người, hay CS Trung quốc đã giết hàng chục triệu người dân trong các cuộc cách mạng, nhưng quan niệm hành vi đạo đức của họ được tô hồng với văn hóa và lý luận của Quốc gia họ. Hay một trường hợp hiện nay ở Hoa kỳ về việc ủng hộ phá thai và chống phá thai đều đồng ý rằng giết người là bất công, nhưng họ không đồng ý về việc phá thai có phải là hành động giết người hay không“thân thể của tôi, tôi quyết định”, “my body, my decision”. Hay “my body, my choice“. Hay dịch COVID tấn công cả thế giới hôm nay.v.v. Mặc dù, nhiều người có cách thực hành đạo đức và quan niệm khác nhau, nhưng họ vẫn có chung một tiêu chuẩn đạo đức. Từ điểm này, cho thấy rằng đạo đức phổ quát tuyệt đối là chân lý. Cũng như Thiên Chúa giáo cho rằng đạo đức là không thay đổi.

Một số người nghĩ rằng, những thay đổi trong hoàn cảnh dẫn đến những thay đổi về đạo đức, hay những hành vi khác nhau đối với những tình huống khác nhau có thể không đúng trong những tình huống khác. Thực tế là lương tâm của con người là bẩm sinh và chúng ta biết được điều đó theo bản năng khi chúng ta đối xử với người khác một cách vô lý, hoặc ngược lại khi người khác đối xử một cách sai trái với chúng ta. Mỗi người khi phán xét bất cứ vấn đề gì đều dùng lý trí để phân định, vì lý trí chỉ có thể phân biệt giữa đúng và sai. Tuy nhiên, có những trường hợp ngược lại, nó có thể gây ra một số hành động, nhưng nó không thể phân biệt giữa đúng và sai. Ví dụ ham muốn có thể tuân theo lý trí, và nó cũng có thể chống lại lý trí. Có hai trường hợp, là sự mong muốn tuân theo lý trí dẫn đến những lựa chọn tốt, và thứ hai là mong muốn chống lại tính hợp lý và đạo đức dẫn đến những lựa chọn sai lầm. Cho nên, một khi thói quen lựa chọn tốt được hình thành, thì bản thân hoạt động đạo đức có thể mang lại hạnh phúc, vì vậy muốn trở thành một người có đạo đức cũng không phải là khó lắm.

Chức năng đạo đức.

Bản chất của đạo đức không phải là bất biến, đạo đức luôn biến đổi cùng với biến đổi của xã hội và trào lưu tiến hóa của nhân loại. Con người là sản phẩm của các quá trình tiến hóa đã  thừa kế kép bao gồm cả văn hóa và di truyền khiến cho việc phân tích chức năng của họ trở nên đặc biệt khá phức tạp. Chức năng của đạo đức có thể làm giảm căng thẳng xã hội, và do đó cho phép xã hội thúc đẩy hạnh phúc của các thành viên một cách hiệu quả. Chức năng của đạo đức tập trung từ động lực tinh thần, nó là mấu chốt quan trọng để giải quyết các chuẩn mực hành vi trong mối quan hệ giữa người này với người khác, giữa cá nhân và xã hội, đạt được sự tự giác và hoàn thiện. Các chức năng chính của đạo đức bao gồm chức năng nhận thức, chức năng quy phạm và chức năng điều chỉnh gồm ba yếu tố sau đây:. Thứ nhất chức năng nhận thức của đạo đức dùng để chỉ rõ hiệu quả và khả năng phản ánh hiện thực xã hội của đạo đức, đặc biệt là các quan hệ kinh tế xã hội. Thứ hai là chức năng phạm quy của đạo đức là điều chỉnh hành vi của các thành viên trong xã hội trong lĩnh vực nghề nghiệp, lĩnh vực công cộng xã hội và lĩnh vực gia đình, đồng thời điều chỉnh sự phát triển của đạo đức cá nhân dưới sự hướng dẫn theo quan niệm đúng đắn về thiện và ác. Thứ ba là Chức năng điều chỉnh của đạo đức được đề cập đến chức năng và khả năng của đạo đức để hướng dẫn và điều chỉnh hành vi và những hoạt động thực tế của con người thông qua sự đánh giá và các phương pháp khác, được phối hợp mối quan hệ giữa con người với nhau.

Quy tắc đạo đức.

Đạo đức là thói quen lựa chọn tốt đã được suy nghĩ cẩn thận và phán xét đúng sai, thiện ác. Nó đã được điều chỉnh và hoàn thiện với thực tế dựa trên cảm tính. Vì vậy, không phải là điều ngụy biện cho rằng quy tắc đạo đức là sự cảm nhận. Bởi vì hạnh phúc của mỗi người đều khác nhau dù cùng một trường hợp. Ngay cả cùng một người cũng có thể khác nhau, ví dụ sự cảm nhận khi còn trẻ sẽ khác với khi lớn lên. Vì vậy, cái nhìn hạnh phúc và cảm nhận hạnh phúc có sự đa dạng. Bạn không thể buộc mọi người tuân theo những đạo đức khác nhau của họ, cũng như không thể ép người khác tuân theo những đạo đức giống nhau của bạn. Cũng giống như chúng ta không thể bắt người sống ở thời đại này theo đạo đức của người xưa, hay chúng ta không bắt trẻ em theo đạo đức của người lớn, cũng như không bắt phụ nữ theo đạo đức của đàn ông, cũng không ép người nghèo theo đạo đức của người giàu, hay nói một cách rộng lớn hơn chúng ta không thể bắt buộc Quốc gia này tuân thủ đạo đức của Quốc gia khác, hay tôn giáo này với tôn giáo khác.v.v. Chính vì thế mà vấn đề nhân quyền, diệt chủng và khủng bố vẫn là vấn đề không giải quyết được hôm nay.

Tóm lại, Đạo đức không phải là bẩm sinh, các khái niệm đạo đức của con người dần dần được hình thành do ảnh hưởng lâu dài của tuyên truyền, giáo dục và dư luận xã hội. Bởi vậy, đạo đức đã trở thành một loại thuyết tương đối. Đạo đức thường được nói đến với lương tâm, đề cập đến ý thức tinh thần của việc tuân theo các chuẩn mực đạo đức chủ đạo một cách có ý thức. Như ở Trung Quốc đạo đức không có sự phân biệt rõ ràng giữa chân thiện mỹ, ranh giới đã bị xóa nhòa và thường hay lẫn lộn vào nhau.

Đạo đức trong các nền văn hóa khác nhau

Trên thế giới này quan niệm đạo đức thường bị ảnh hưởng vào các nền văn hóa khác nhau ví dụ như Ấn Độ thì đạo đức gắn liền với tôn giáo, Jehovah, Allah hay Pháp, các bộ lạc nguyên thủy ở Phi châu, thổ dân da đỏ, thổ dân Đài Loan.v.v. thường thì được gắn liền với phong tục và đạo đức truyền thống. Nhìn trong nguyên tắc đạo đức nó là sự thống nhất giữa ý thức đạo đức và trình độ đạo đức được thể hiện tập trung thành một mục tiêu để cá nhân giải quyết những mối quan hệ với người khác, hay tập thể và xã hội. Giá trị đạo đức của con người được đặt làm trung tâm trên vị trí của lợi ích cá nhân và hành vi của họ. Đạo đức là quy tắc ứng xử và chuẩn mực của con người trong cuộc sống chung dựa trên hệ tư tưởng. Nó không phải là một giáo điều sắt đá, và không có quy tắc thành văn nào để điều chỉnh nó. Ví dụ, đời sống tình dục trước hôn nhân là trái đạo đức, điều này cho thấy quan điểm đạo đức về tình dục; và một số người cho rằng đời sống tình dục trước hôn nhân không trái đạo đức. Chính vì sự khác nhau đó, tạo ra các quan điểm khác nhau về sự hiểu biết của đạo đức. Tuy nhiên, dù là lý luận thế nào thì đạo đức luôn đóng một vai trò tích cực và không thể thiếu trong quá trình đưa con người đến với cái cao cả và tốt đẹp.

Chúng ta đang sống trong một thế giới đạo đức. Chúng ta luôn phân biệt con người, sự vật và sự việc trong cuộc sống của chúng ta là “tốt” hay “xấu”, và luôn sử dụng quan điểm của “thiện” và “ác” để đánh giá và hiểu những tình huống khác nhau xảy ra trên thế giới này. Đó là trạng thái sống của loài người trong hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn năm. Bây giờ chúng tôi xin bước qua quan niệm đạo đức bên Phật giáo xem có sự khác biệt gì với quan niệm tổng quát về đạo đức của con người.

Phân loại.

Con người sinh ra không ai là hoàn hảo, trong cuộc sống của chúng ta thường đánh giá “tốt” hay “xấu”, và luôn sử dụng quan điểm của “thiện” và “ác” để đánh giá trong những tình huống khác nhau. Đạo đức không phải là “bẩm sinh” hay “nhất thiết” buộc con người phải sống trong một thế giới đạo đức. Chúng ta phải cố gắng hoàn thiện bản thân hợp lý, với kỳ vọng của xã hội mong muốn. Tất cả chúng ta phải cố gắng chứng tỏ rằng đạo đức đóng một vai trò tích cực và không thể thiếu trong quá trình đưa con người đến với cái cao cả và hạnh phúc.

Bây giờ chúng tôi bàn luận về đạo đức trong Phật giáo với những quan niệm và các khác biệt nào. Đối với chủ nghĩa tương đối vốn không công nhận bất cứ điều gì dứt khoát, họ quan niệm rằng giá trị cao nhất là bản ngã và ham muốn của chính mình, nhưng sự ham muốn sẽ dẫn chúng ta đến những hành vi rất xấu.

Đạo đức trong quan niệm của Phật giáo
.

Quan điểm của Phật giáo cho rằng hành vi đạo đức được diễn ra một cách tự nhiên từ việc làm chủ bản ngã và ham muốn của bản thân đồng thời nuôi dưỡng lòng Từ (metta) và lòng Bi (karuna). Giáo lý nền tảng của Phật giáo, được thể hiện trong Tứ diệu đế. Phật giáo cho rằng tất cả những sự căng thẳng và bất hạnh (dukkha) của cuộc sống là do ham muốn và chấp ngã của chúng ta gây ra. Chính vì thế trong giáo lý phật giáo có phương pháp để hướng dẫn cho chúng ta tránh xa những mầm mống tai hại đó bằng sự buông bỏ lòng ham muốn của bản ngã bằng cách thực hiện Bát chánh đạo.  “Chánh nghiệp” là một phần của Bát chánh đạo. Bát Chánh Đạo là con đường kỷ luật được Đức Phật dạy để hướng dẫn chúng ta đến giác ngộ và giải thoát khỏi đau khổ. Giới luật mô tả hoạt động của trí tuệ và lòng từ bi trong thế giới.

Tuy nhiên, Giới Luật không phải là những điều răn, mà là những nguyên tắc, và việc áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống của chúng ta là tùy thuộc vào chúng ta thực hành. Nói tóm lại, tu tập để tiến đến đạo đức, định lực và trí tuệ, hay nói cách khác là con đường tốt nhất, hiệu quả nhất mà Không có con đường nào khác theo như Phật giáo.

Phương pháp tiếp cận đạo đức

Khi đưa ra các lựa chọn về đạo đức, chúng ta nên suy xét thật kỹ về động cơ nào dẫn đến hành động của mình, liệu đó có phải là ác cảm, chấp trước, ngu dốt, trí tuệ hay lòng trắc ẩn. Chúng ta phải cân nhắc hậu quả của hành động theo lời dạy của Đức Phật.

Phân tích sai lầm

Nếu chúng ta tiếp cận một giáo điều nghiêm ngặt mà không có lương tâm, nhân văn, hoặc lòng trắc ẩn thì sự việc sẽ có tác hại nhiều hơn. Nhất là hầu hết các tôn giáo đều có những quy định cứng nhắc mà người ta chỉ nhắm mắt làm theo. Điều này do một phần các thánh thư ban đầu mơ hồ về những gì cấu thành, ví dụ như trong giới luật thứ ba thường được dịch là “Không được tà dâm” hoặc “Không được lạm dụng tình dục. Nhưng những gì cấu thành “tà dâm.” Lại không mấy rõ ràng. Trong triết lý giáo huấn và suy nghĩ về đạo đức tình dục có rất nhiều sự khác  với cách mà hầu hết chúng ta đã được giảng dạy.

Sống với Giới Luật

Các giới luật của Phật giáo không phải là điều răn. Chúng được tuân theo như một cam kết cá nhân đối với việc thực hành Phật giáo. Hơn nữa, các giới luật là các nguyên tắc, không phải là các quy tắc, và việc áp dụng chúng là tùy thuộc vào từng cá nhân của mỗi Phật tử. Cũng có nhiều người theo tôn giáo khác cho rằng nếu không có các quy tắc rõ ràng thì mọi người sẽ đối xử một cách ích kỷ và làm bất cứ điều gì họ muốn. Cho dù, người đó có tuân theo bao nhiêu quy tắc đi chăng nữa nhưng họ vẫn luôn có quan điểm họ là trung tâm, họ có lòng trắc ẩn hơn ai hết, chính điều này đã tạo họ thành những người không có đạo đức thật sự. Họ là người luôn tìm cách bẻ cong luật lệ, xem thường các quy tắc và bóc lột người khác.

Một ví dụ khác về tình dục trong Phật giáo. Nếu họ theo những nguyên tắc thì họ là người tốt nếu ngước lại đều là xấu xa. Họ cho rằng quan niệm tình dục giữa hai người yêu nhau là đạo đức, cho dù họ đã kết hôn hay chưa. Nhưng đối với những người đồng tình luyến ái thì vài trường phái Phật giáo cũng có nhiều người chống đối. Tuy nhiên, việc đồng tình luyến ái đa phần phản ánh thái độ văn hóa địa phương nhiều hơn là chính Phật giáo. (nguyên cứu thêm trong thập nhị nhân duyên)

Phật giáo suy nghĩ về điều ác

Mọi người nói và nghĩ về cái ác theo nhiều cách khác nhau, và đôi khi mâu thuẫn nhau. Hai điều phổ biến nhất là: Cái ác như một đặc tính nội tại và thứ hai là cái ác như một ngoại lực. Tuy nhiên Phật giáo đều bác bỏ cả hai cách suy nghĩ phổ biến này về cái ác.

Từ kiểu suy nghĩ này nhân loại hoàn toàn bị ảnh hưởng bởi bạo lực và sự tàn bạo được thực hiện mà họ nhân danh là “điều thiện” chống lại những người được coi là “xấu xa”. Cho nên, thế giới đã xảy ra nhiều nỗi kinh hoàng hàng loạt do nhân loại gây ra có thể đến từ kiểu suy nghĩ này. Lời dạy của Đức Phật về Tứ diệu đế đau khổ là do tham hay khát vọng, tuy nhiên lòng tham cũng bắt nguồn từ sự si mê của cái tôi cô lập và riêng biệt..

Cái ác có một đặc điểm trái với Phật giáo

Đó là “tính không.” Nếu chúng ta trống rỗng về bản thể bên trong, thì làm sao chúng ta có thể trở thành bất cứ thứ gì về bản chất ? Không có cái tôi nào để những phẩm chất nội tại bám vào. Vì lý do này, Phật tử được khuyên là không nên có thói quen nghĩ về bản thân mình để so sánh người khác về bản chất tốt hay xấu để có hành động và phản ứng, điều này đưa chúng ta đến nghiệp chướng hay thuộc loại nhân quả. Theo như kinh Pháp Cú thì cho rằng chính mình là điều ác, tự mình làm cho ô uế. Cũng vì chính mình mà điều ác không được xóa bỏ. Bởi vậy, chính mình là người phải được thanh tẩy. Sự trong sạch và sự ô uế phụ thuộc vào chính mình. Không có ai thanh tẩy giùm được cho người khác.  Tóm lại, Đạo Phật dạy chúng ta, cái ác là cái do chúng ta tạo ra, chứ không phải từ một thế lực bên ngoài xâm nhiễm vào chúng ta.

Nghiệp chướng

Từ nghiệp, giống như từ  ác , thường được sử dụng mà nhiều người không hiểu hết. Karma (nhân quả) không phải là số phận, cũng không phải là một hệ thống công lý vũ trụ nào. Trong Phật giáo, không có Thượng đế, chỉ đạo nghiệp để thưởng phạt cho một số người. Nó chỉ là nhân quả. Nó cũng không có nghĩa là kết quả của nghiệp như nhiều người sử dụng sai và lỏng lẻo. Trong thuật ngữ Phật giáo, nghiệp không bao giờ có nghĩa là ảnh hưởng mà nó được gọi là ‘quả ‘ hoặc ‘quả’ của nghiệp ( kamma -phala  hoặc  kamma-vipaka ). “

Chúng ta tạo nghiệp bằng những hành động có chủ ý của thân, khẩu và ý. Còn những hành động thuần túy của dục vọng, ghét bỏ và si mê có thể không tạo ra nghiệp. Hơn nữa, chúng ta bị ảnh hưởng bởi nghiệp mà chúng ta tạo ra, có thể giống như khen thưởng và trừng phạt, mà chúng ta đang “thưởng” và “trừng phạt” chính mình. Nghiệp “Karma” không phải là một thế lực tiềm ẩn hay bí ẩn. Chúng ta có thể thấy và hiểu nó là gì, bạn có thể quan sát nó trong hành động của chính mình.

Đừng tách biệt bản thân

Mặt khác, điều quan trọng chúng ta phải hiểu rằng nghiệp không phải là động lực duy nhất trên thế giới này dành cho người ác, mà những điều khủng khiếp cũng xảy ra với những người tốt. Ví dụ, một thảm họa thiên nhiên ập đến một cộng đồng, gây ra cái chết và sự hủy diệt. Nhiều người thường suy đoán rằng, những người bị chết hay tổn hại bởi thảm họa đó phải chịu “nghiệp xấu”, hay tai nạn của một chiếc máy bay bị rơi.v.v. Đó không phải hoàn toàn do nghiệp mà ra. Hay một vài tôn giáo cho rằng do Đức Chúa Trời trừng phạt họ. Tất cả những điều nói trên chúng ta phải khéo léo suy nghĩ để hiểu về nghiệp. Trong Phật giáo, không có Thượng đế hay tác nhân siêu nhiên nào thưởng hay phạt chúng ta. Hơn nữa, các lực khác ngoài nghiệp gây ra cũng có nhiều điều kiện gây hại.

“Mặc dù kusala và akusala được dịch là ‘thiện’ và ‘ác’, theo cách dịch này có thể gây hiểu nhầm. Vì những điều thiện không phải lúc nào cũng được coi là tốt, hay một số điều bất thiện thì cho là không xấu. Ví dụ bệnh trầm cảm chẳng hạn đã gây ra u sầu, lười biếng và mất tập trung, những sự kiện này thường gây ra hành động bất thiện, nhưng nhiều người thường cho là không ‘ác’ Một ví dụ khác như vụ tấn công tòa tháp đôi ngày 11 tháng 9 ở Hoa Kỳ. Nhiều người bình luận rằng có hai lực lượng của cái ác và lực lượng của cái thiện. Với thế lực hành động họ cho là điều tốt là hợp lý và ngược lại Hoa Kỳ cho là những kẻ khủng bố tàn ác vô nhân tính và  những người có lòng tốt, đạo đức của những người lính cứu hỏa, những người đã và đang quyên góp cho các quỹ cứu trợ giúp những người bị ảnh hưởng.v.v. Với tư cách là một quốc gia, đây là một tình huống khó khăn để phân định. Chúng ta đang thực sự vật lộn với tất cả những điều này thiện và ác, với tư cách cá nhân và với tư cách là một quốc gia. Nói cho cùng Đạo đức không phải là một điều răn, “làm điều này đúng, hoặc làm điều đó sai. Nó giống như một đơn thuốc của bác sĩ cho bệnh nhân hơn là các quy tắc tuyệt đối của đúng sai.

Hành động đúng đắn và lòng nhân ái

Theo Phật giáo, lòng từ bi là một khát vọng, một trạng thái của tâm trí, luôn mong muốn người khác thoát khỏi đau khổ. Đây không chỉ là sự đồng cảm mà còn là lòng vị tha luôn tích cực cố gắng để giải thoát người khác khỏi đau khổ. Tuy nhiên, lòng trắc ẩn cần phải có trí tuệ và lòng nhân ái. Nghĩa là, chúng ta phải hiểu bản chất của nỗi khổ mà chúng ta mong muốn giải thoát người khác (đây là trí tuệ là lòng từ) .

Trong Phật giáo, nghiệp có một ý nghĩa cụ thể hơn, đó là hành động theo ý muốn hoặc hành động cố ý . Những điều chúng ta chọn để hành động, để khuyên giải hoặc suy nghĩ có liên quan đến nghiệp phải cẩn trọng và dùng trí tuệ để phân biệt. Theo như Phật giáo định nghĩa thì Luật nghiệp là do luật nhân quả tạo ra. Tất cả những Phật tử cho rằng nghiệp là hành động, không phải là kết quả. Còn các tác động của nghiệp được gọi là “quả” hoặc “kết quả” của nghiệp.

Tiềm năng giải phóng của Nghiệp

Trong Phật giáo giảng dạy rằng những hành động trong quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại và hành động hiện tại ảnh hưởng đến tương lai. Nhưng phần lớn Phật tử cho rằng nghiệp là phi tuyến tính và khá nhiều phức tạp để kết luận. Vì hành động hiện tại không chỉ định hình tương lai mà còn ngay cả hiện tại. Như vậy, trong quan niệm của Phật giáo, quá khứ có ảnh hưởng nhất định đến hiện tại, nhưng hiện tại cũng được định hình bởi những hành động của hiện tại vậy! Có lẽ, chúng ta dường như bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu cũ kỹ, nhưng có thể đó không phải là nghiệp chướng của quá khứ chính điều này khiến chúng ta bị mắc kẹt trong khuôn mẫu đó. Ví dụ nếu chúng ta gặp khó khăn trong hiện tại, chúng ta có khả năng tạo lại những khuôn mẫu khác tương tự với những suy nghĩ và thái độ hiện tại của chúng ta. Chúng ta có thể thay đổi nghiệp trong cuộc sống hiện tại. Điều quan trọng là chúng ta phải thay đổi tư duy của mình. Tất cả mọi sự việc trong đời đều có thể xả ra và có thể thay đổi.

Đạo Phật không có vị thẩm phán và cũng không có công lý tuyệt đối đặt ra.

Đạo Phật dạy rằng có những lực khác ngoài nghiệp lực định hình cuộc sống của chúng ta. Chúng bao gồm các lực tự nhiên như sự thay đổi các mùa (xuân hạ thu đông) lực hấp dẫn, thiên tai.v.v. Khi một thảm họa thiên nhiên như động đất xảy ra với một cộng đồng, đây không phải là một hình phạt tập thể. Đó là một sự kiện đáng tiếc, không nên kết luận là do nghiệp tập thể tạo nên, Phật giáo thường gọi là cộng nghiệp hay là nghiệp chung. Với điều này chúng ta cần phản ứng với hành động từ bi, yêu thương chứ không phải để phán xét, ghép tội. Nhất là đừng bao giờ tin rằng có một thế lực vũ trụ bí ẩn thần thánh nào đó quyết định hay định hướng nghiệp chướng để thưởng phạt con người. Không nên nhầm lẫn thuyết nghiệp báo với cái gọi là ‘công bằng đạo đức’ hay ‘thưởng và phạt’. Nếu chúng ta mang ý tưởng này thì trong tâm của ta sẽ nảy sinh một quan niệm về một đấng tối cao, một vị thần linh, Thượng đế, một Ma dương….v.v.

Tóm lại, trong lý thuyết về nghiệp chính là thuyết nguyên nhân và hiệu lực, hành động và phản ứng. Chúng ta phải nhớ đó, là quy luật tự nhiên, không liên quan gì đến ý tưởng về công lý hay phần thưởng phạt của đấng nào cả.

Hiểu lầm và phạm sai lầm Phổ biến

Tất cả các Phật tử luôn mong muốn giác ngộ để họ có thể được an lạc mọi lúc. Nếu điều gì đó tồi tệ xảy ra thì ngay lập tức họ nghĩ rằng, đó chính là những hành động sai trái trong kiếp trước. Ngay cả Đức Phật đã dạy chúng ta đừng cố chấp vào những quan điểm về cái tôi của mình là do cái này hay cái kia. Chính vì điều này làm chúng ta rơi vào ý tưởng cho rằng, mỗi cá nhân là do nhiều bộ phận cấu thành một con người, tất cả đều không thật, không bền vững chỉ bản ngã là vô hạn và đúng hoặc sai. Cho nên muốn hiểu chính bản thân, con người phải vượt ra ngoài các khái niệm và ý tưởng.

Nghiệp là số phận

Từ “nghiệp” có nghĩa là “hành động,” không phải “số phận”. Trong Phật giáo, nghiệp là một năng lượng được tạo ra bởi hành động có chủ ý, thông qua suy nghĩ, lời nói và việc làm. Tất cả chúng ta đang tạo nghiệp mỗi phút, và nghiệp chúng ta tạo ra ảnh hưởng đến chúng ta mỗi phút trong đời sống. Nghiệp có thể trừng phạt kẻ tốt lẫn xấu, nghiệp không phải là lực duy nhất gây ra những điều xảy ra trên thế giới. Ví dụ nếu một trận lụt khủng khiếp quét sạch một cộng đồng, đừng cho rằng do nghiệp chướng bằng cách nào đó đã mang lại một trận lụt hoặc những người trong cộng đồng đó đáng bị trừng phạt vì điều gì đó.v.v. Nến hiểu như vậy thật ra không chính xác và phản khoa học, những điều không may có thể xảy ra với bất kỳ ai, ngay cả những bậc chân tu, những người đạo đức hay những kẻ công bình nhất, nó không ngoại trừ bất kỳ Quốc gia nào.

Tóm lại, vấn đề đạo đức trong Phật giáo vẫn còn nhiều tranh cãi, lý do người ta cho rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo. Đó là một triết học. Hoặc có người cho rằng đó là một khoa học về tâm trí và nó cũng là tôn giáo nữa. Theo sự hiểu biết của tôi đó là một triết lý cao của nhân sinh. Tất nhiên, rất nhiều điều phụ thuộc vào cách bạn định nghĩa về “tôn giáo”. Những người có kinh nghiệm cơ bản về tôn giáo có xu hướng xác định “tôn giáo” theo cách đòi hỏi về niềm tin vào thần thánh và các đấng siêu nhiên. Đó là một cái nhìn rất hạn chế. Mặc dù Phật giáo không đòi hỏi phải tin vào Thượng đế, nhưng hầu hết các trường phái Phật giáo đều mang tính thần bí cao, chính điều này đặt nó ra ngoài giới hạn của triết học đơn giản.

Đạo đức giác ngộ

đạo đức là khách quan, tức là các vấn đề về đạo đức có thể được hiểu, thảo luận và biện minh bằng lý trí. Ví dụ, một nền văn hóa nhất định tin rằng “ăn xác người chết là đúng” ngược lại một nền văn hóa khác cho rằng “ăn xác người chết là sai” Hay nói một cách khác không có nền văn hóa nào có thẩm quyền cho rằng sự phán xét đạo đức của mình là hoàn toàn đúng. Điều này thường được gọi là thuyết tương đối về đạo đức trong triết học, hoặc trong văn hóa. Hay một ví dụ khác về nguyên tắc đạo đức “giết người là sai” áp dụng cho mọi tình huống,nhưng trong một số trường hợp khác chẳng hạn như binh lính giết người trong chiến tranh là không sai. Nhiều người nghiên cứu về nhân văn thường nói rằng,  hiểu hay phán xét sự việc không thể theo ngữ cảnh, nếu xét theo ngữ cảnh thì hóa ra sự phát xét đạo đức cũng tùy thuộc vào ngữ cảnh ư. Hay một ví dụ ngược lại, bạn có thể nói rằng “giết người là sai” nhưng trong chiến tranh “giết người bởi binh lính là được phép (về mặt đạo đức)” đây có phải là sự giết người được trở thành một nguyên tắc đạo đức mà bạn cũng sẽ phải đồng ý hay không. Bởi thế thảo luận về đạo đức rất khó, chúng ta không dễ tìm ra một số điều kiện nhất định là đúng hay sai về mặt đạo đức. Nhất là để thuyết phục người khác thay đổi nhận định về đạo đức của họ lại là một điều càng khó hơn.

Nói chung, các giá trị đạo đức được học thông qua sự giáo dục mà mọi người nhận được trong trường học và cuộc sống gia đình hay xã hội. Mọi người có thể hiểu những giá trị này theo những cách khác nhau, bởi vì khi phân tích đạo đức, mọi người có thể hình thành một cái nhìn khác nhau về đúng và sai, thiện ác theo tiêu chuẩn cá nhân của riêng họ.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here