Thiền Trong Văn Hóa Nhật Bản (Thơ Hàikú, Hội Họa và Trà Đạo)

0


Phạn là một cổ ngữ trong văn hóa Ấn Độ. Tiếng Phạn được sử dụng như một loại hình ngôn ngữ tế lễ của đạo Bà La Môn. Trong tiếng Phạn của người Ấn Độ, chữ Dhyana được hiểu là “tịch lự”. Khi con người trầm tư chiêm nghiệm một vấn đề nào đó của cuộc sống và vũ trụ. Mức độ trầm tư chiêm nghiệm đến giai đoạn giác ngộ, lúc ấy con người sẽ thấu triệt những nguyên lý vận hành sự biến dịch của vạn vật trong tự nhiên. Như vậy thì Dhyana là chữ thứ nhất, là chữ gọi đầu tiên của Thiền. Các thiền sư, triết gia và học giả Trung Hoa về sau đã phiên âm chữ Dhyana ra tiếng Trung Hoa là Ch’an (thiền na). 

Chữ “Thiền” mà chúng ta sử dụng hiện tại, kể cả chữ Zen trong danh từ triết học Nhật Bản đều xuất phát và trại âm từ chữ Ch’an của Trung Hoa. Trong bài viết nầy, tôi chỉ liệt kê vài chi tiết mang tính khái niệm về quá trình phát triển của thơ Hàikú, hội họa và trà đạo trong văn hóa Nhật. Phân tích nguồn gốc và những chi tiết liên hệ đến Văn học sử Nhật Bản là việc làm của các nhà khảo cứu về ngữ văn. Cây mận trắng Trung Hoa (nhà thơ tiên Lý Bạch) và cây chuối ba tiêu Nhật Bản (Basho) không có bất cứ liên hệ gì với nhau cả. Hai thế hệ cách biệt nhau hơn 900 năm, sống ở hai không gian cách xa nhau ngàn vạn dặm. Nhưng ảnh hưởng nhau rất sâu đậm trong cảm nhận về con người, thiên nhiên và tư tưởng triết học.

Triều đại nhà Đường có thể xem như là thời kỳ cực thịnh của Văn học Trung Hoa, Qua nhiều thế kỷ giao lưu Văn hóa, các thiền sư Nhật Bản chịu ảnh hưởng sâu đậm thơ Vương Duy, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị, nhất là nhà thơ tiên Lý Bạch của Trung Hoa. Cuối thời Sơ Đường, thi hào Lý Bạch (701 -762) với cỏi thơ siêu thoát vừa phóng túng vừa lãng mạn đã làm cho thi ca Trung quốc rạng rỡ suốt cỏi thịnh Đường. Chúng ta thử đọc lại bài thơ “Tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng” để thấy nét lãng mạn trong tứ thơ và sự hài hòa trong cấu trúc của thơ ông:

Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu
Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu
Cô phàm viễn ảnh bích không tận
Duy kiến Trường giang thiên tế lưu
(Lý Bạch)

Bạn từ lầu Hạc lên đường
Giữa mùa hoa khói, Châu Dương xuôi dòng
Bóng thuyền đã khuất bầu không
Trông theo chỉ thấy dòng sông bên trời.
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Một hình ảnh đầy xúc cảm buổi chia ly bằng hữu. Hình ảnh một bóng thuyền nhỏ bé trôi trong một không gian tĩnh lặng với màu sắc sương khói huyền hoặc. Ý thơ sâu thẳm và mang đầy tính Thiền. Một không gian cũng đầy hình ảnh Thiền. Rõ ràng nhà thơ Lý Bạch như đã nhìn thấy, đã ngộ được cái quả nặng nề từ cái nhân của kiếp người với sinh ly tử biệt.

Matsuo Basho (1644-1694)

Chín thế kỷ sau Lý Bạch, tại Nhật Bản, dưới ảnh hưởng của các Thiền giả Trung Hoa, Matsuo Basho (1644-1694) đã làm cuộc lữ hành khắp nước để mang hơi thở Zen vào thơ Hàikú như một chuyển tải cho đời bức tranh về ngôn ngữ. Hãy cùng đọc lại Basho:

Sương tuyết nhất nhân hành
Ngã thị trần gian cô lữ khách
Vô sở hà quy lộ
(Matsuo Basho)

Một người đi giữa tuyết sương
Tôi là lữ khách dặm trường sơn khê
Không nhà cũng chẳng còn quê
Hỏi làm sao biết đường về chốn xưa.
(Lê Tấn Dương tạm dịch)

Thiền trong thơ Hàikú.

Một cách tổng quát, HÀIKÚ là thể loại thơ ngắn của nguời Nhật. Bài thơ ngắn đó bao gồm 17 âm tiết, thường dùng để tả cảnh thiên nhiên cùng tâm trạng của con người trước những biến dịch của vạn vật. Trong văn học Nhật Bản, Basho (Ba tiêu, cây chuối) là thi sĩ bậc thầy về thể loại thơ Hàikú nầy. Thực ra, thơ Hảikú đã có trong văn học Nhật Bản trước khi Basho ra đời, nhưng chỉ đến khi Basho và những bài thơ ngắn của ông xuất hiện, thêm sự tiếp sức của những thi sĩ Haiku cùng trường phái như Buson, Issa, Guson…Chính họ đã khai phóng một trường phái thơ ngắn nhưng đậm đà chất thiền và đã đẩy thơ Hàikú lên đỉnh cao trong nền Văn học Nhật Bản.

Một bài Hàikú thường chỉ có 3 câu với 17 âm (5-7-5 và có thể đảo thứ tự). Thông thường trong Hán Tự của các thi sĩ Trung Hoa, chúng ta vẫn thấy có 17 âm giống như trong thơ Hàikú nguyên thủy của Nhật. Nhưng khi dịch qua tiếng Việt, chúng ta bị nhiều khó khăn ràng buộc bởi quy luật của số lượng âm tiết. Do đó chúng ta khi dịch thơ, nhất là những bài Hàikú, số lượng ngôn từ đôi khi nhiều hơn hoặc ít hơn ngôn từ chính bản. Có nhiều người khi đọc Hàikú đã hỏi: với 3 câu thơ ngắn thì sẽ diễn tả được gì. Điều đó thì tùy thuộc sự rung cảm từ tâm thức của tác giả và người đọc, tùy mức độ giác ngộ của mỗi người về cuộc sống và cảnh quan. Với Zen (thiền), ba câu tuy rất ngắn nhưng diễn tả được rất nhiều điều.

Tạm chia tay với Lý Bạch và Basho, chúng ta cùng Guson lắng nghe nỗi lòng cố quốc của kẻ tha hương trong một bài thơ Hàikú nổi tiếng của ông. Có đi một mình dưới gió mưa trăng lạnh, mới thấy được cảm giác u tịch của kẻ lữ hành. Bài thơ sâu thẳm mang hình tượng cô đơn của một hành giả đơn độc trong một chiều đông giá xa quê hương với niềm đau lữ thứ.

Tha hương cố quốc trường quy lộ
Đông phong nguyệt dạ hành
Tịch mịch nhất nhân tứ
(Guson)

Đường về cố quận bao xa
Gió đông trăng lạnh riêng ta lữ hành
Còn không bến cũ những nhành hoa mai
 (Ngô Văn Tạo dịch)

Ngôn từ trong thơ Hàikú mang đậm tính trực cảm nhưng đầy hình tượng như những họa phẩm Thiền với những đường nét mượt mà nhưng sắc sảo. Đề cập đến tính Thiền trong các họa phẩm của các họa sĩ Đông phương nổi tiếng xưa nay thì ngoài các họa sư Trung hoa đã lưu danh trong dòng văn học cổ điển từ thời nhà Đường đến triều đại Nam Tống mà tên tuổi của họ đã đứng ở một vị trí cao trong triết học Đông phương như Vương Điện, Thạch Đào, Bát Đại Sơn nhân, Lương Khải, Mã Viễn…Nền hội họa Nhật Bản cũng lưu lại cho nhân loại những họa phẩm nổi tiếng của Sesson, Motonobu Kano, Mokuan, Shohaku, Tohaku, Sengai Gibon… mang đậm tính Thiền.

Thiền trong tranh thủy mặc của Sengai Gibon (1750 – 1837) 

Là một thiền sư Nhật bản thuộc dòng Lâm Tế, ông nổi danh với biệt tài vẽ tranh thủy mặc. Những bức tranh của ông mang đậm chất thiền, đơn sơ nhưng nhẹ nhàng. Trong phòng tĩnh tọa của nhiều thiền viện, thường có một hình vẽ rất phổ biến về một vòng tròn mà các thiền sư thường dùng để tượng trưng cho sự giác ngộ, một thế giới rỗng không và tròn đầy. Bức tranh nổi tiếng của thiền sư Sengai thì khác. Thay vì chỉ vẽ một vòng tròn, ông lại vẽ thêm một tam giác và một hình vuông, (○△□ ). Phần lớn trên những họa phẩm của Sengai, ông đều có ghi chú thêm một câu thư pháp cạnh bên, nhưng trong bức tranh đặc biệt này Sengai lại để trống, không đề thêm một câu thư pháp nào. Ý nghĩa của bức tranh ấy hoàn toàn tùy theo sự giải thích và hiểu biết của người xem. Với thiền sư Suzuki thì bức tranh ấy biểu tượng cho toàn thể vũ trụ, vòng tròn tượng trưng cho cái tuyệt đối (Absolute), hình tam giác tượng trưng cho sắc, hình tướng (form), và hình  vuông tượng trưng cho thế giới của hiện tượng (phenomena).

Suzuki là người rất ngưỡng mộ thiền sư Sengai. Nhìn bức tranh ấy, ông đã cầm bút viết thêm một câu thư pháp “△□ bất dị ○” (△□不異○). Ý nghĩa của nó là tam giác, vuông cũng chẳng khác gì tròn. Nó cũng giống như câu Tâm Kinh “Sắc bất dị không”, sắc cũng chẳng khác gì không. Hình như thiền sư muốn nói rằng, vạn vật trong vũ trụ đều có thể biến đổi nhưng thật ra chúng không có gì khác biệt nhau, tất cả đều  cần thiết và theo tự nhiên của sự sống. Chính vì vậy, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được một khuôn mẫu nào là hoàn hảo, tuyệt đối cả. Sự hoàn hảo nếu có, là một thái độ trong tâm, chứ không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài.

Trà đạo trong văn hóa Nhật Bản:

Ngoài sự xuất hiện của thơ, họa. Người Nhật cũng chú trọng đến Trà đạo như là cách thức để làm cho tâm hồn con người yên tỉnh. Chính có sự tĩnh tâm, con người mới có cơ duyên để chứng nghiệm bản thể vô ngã. Có tĩnh tâm trước mọi cảnh giới, có diệt được cái ngã trong tâm thì mới có thể hành Thiền. Luận về Trà đạo, tôi xin kể một mẫu chuyện nhỏ để rõ thêm về Trà đạo Nhật bản.

Chuyện kể Thiền sư Nan-In sống dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng. Ông nổi danh trong giới Trà đạo. Một hôm tiếp một học giả đến tham vấn về Thiền. Trong lúc đãi trà, thiền sư rót mời vị học giả một tách. Tách trà đã đầy nhưng thiền sư vẫn tiếp tục rót. Vị học giả nhìn nước trà tràn ra ngoài, không chịu được nên lên tiếng: “Thưa thiền sư, chén trà đã tràn rồi, không rót thêm được nữa đâu”. Thiền sư Nan-In từ tốn nói: “Thì cũng như cái chén nầy, ông đã mang đầy tư kiến lẫn thành kiến, làm sao tôi có thể chỉ cho ông về thiền nếu ông không cạn chén của ông”.

Từ mẫu chuyện trà đạo của thiền sư Nan-In, ta lại hình dung cái im lặng hầu như tuyệt đối trong bài thơ phi hạc của Guson khi diễn tả sự bé nhỏ và nổi cô đơn của con người trưóc vũ trụ đầy biến dịch và vô cùng.

Thiên biên cô phi hạc
Đái tự thiên thu thế hận thường
Kim dục mãn nguyệt quang
(Guson)

Bên trời hạc lẽ loi bay
Thiên thu hận ấy mờ phai cỏi người
Cánh vàng nặng ánh trăng soi
(Trịnh Công Sơn dịch)

Đứng trong phạm trù ngôn ngữ thì chúng ta phải nhìn ra một thực tế là ngôn từ không thể nào đủ sức để diễn tả trọn vẹn những cảm nhận của con người. Bởi vậy chúng ta sẽ không ngạc nhiên khi đọc Hàikú. Những thi sĩ thuộc trường phái Hàikú nhìn sự việc bằng trực cảm và rồi thể hiện trực tiếp ý tưởng của mình ngay trong lúc bắt gặp thực tại. Họ quan niệm, nếu phải đào sâu sự suy nghĩ thì còn gì là cảm quan trực giác. Khi ấy, tính thiền vẫn tồn tại nhưng không còn ảo diệu. Ngôn từ trong thi ca Hàikú là trực giác, 17 âm tiết không thừa không thiếu nhưng phản ảnh một bức tranh toàn diện, tổng thể.

Trở lại với Thiền trong thơ Hàikú của Basho, xin dẫn một chuyện kể về thi sĩ Basho để thấy rõ hơn điều chúng ta vừa đề cập.

Một hôm, Basho đang ngồi tham thiền trong khu vườn yên tỉnh. Bất chợt thi sĩ thấy một chú ếch nhảy tỏm vào một ao nhỏ làm mặt nước đang yên tỉnh trong ao bỗng dợn âm ba sau tiếng động. Bằng cái nhìn trực cảm trước sự việc, Basho giác ngộ ra cái thâm sâu về bản chất huyền nhiệm của sự hiện hữu. Bài cú sau đó của ông trở thành một trong vài bài hay nhất trong thơ Hàikú Nhật Bản.

Mảnh ao tù
Con ếch nhảy vào
Tiếng nước khua.
(Basho)

Chính bài thơ ngắn nhưng tiềm ẩn sâu xa tính Thiền của Basho đã khởi động một cách nhìn mới, một cấu trúc mới trong văn học và một tư duy mới về triết học Nhật Bản. Trong thời gian Basho học thiền với Thiền sư Buccho Kokushi ở trên núi, có một giai thoại rất thú vị về hai người. Giai thoại ngắn và giản dị nhưng ảnh hưởng rất lớn và quan trọng vì nó bao trùm và làm thay đổi khuôn mặt vốn bình thường của nền văn học Nhật.

 Giai thoại như sau:  

Một ngày nọ, Basho đang tỉnh tọa trong am Ba tiêu, Thiền sư Buccho Kokushi (Quốc Sư Phật Đỉnh) đến thăm và đây là phần đối đáp giữa hai người:

Thiền sư Phật Đỉnh: Lúc nầy con ra sao ?
Basho đáp: Sau cơn mưa, rong rêu xanh hơn trước.
Thiền sư lại hỏi tiếp: Trước khi rêu xanh thì Phật pháp là gì ?
Basho trả lời Con ếch nhảy vào nước, kìa tiếng động.

Từ một hình ảnh rất đơn giản, rất bình thường trong cuộc sống, nhưng dưới trái tim rung động của Basho, ông đã chứng ngộ được lẽ vô thường của cuộc sống. Sự tĩnh lặng cũng là nguồn mạch của sự sống và điều đó cũng thể hiện bản ngã và những gì còn tồn tại của vũ trụ không phải là những thực thể riêng biệt. Tất cả trôi theo dòng sinh hóa của vũ trụ. Một vũ trụ sinh động và biến hóa khôn lường.

Hãy nghe Basho nói về lẽ vô thường của đời người và sự vô biên của vũ trụ trong bài Hamagury No

Sắc sắc không không vũ trụ quan
Hà sự tồn sinh lý
Mỹ thức luân lưu niệm
(Basho)

Trần gian có có không không
Luân lưu sinh diệt vô thường mà thôi
Mỹ quan nhìn thấu cõi người
(Ngô văn Tạo dịch)

Từ sau lần hội ngộ với Thiền sư Buccho Kokushi, Basho đã nhìn thấu được cỏi vô biên của vũ trụ và lẽ vô thường của kiếp nhân sinh. Nói cách khác, nhà thơ đã nghiệm ra chân lý của cuộc sống. Cuộc sống mỗi người, dù hoàn cảnh ra sao thì vẫn mang một cái “nghiệp”, nhưng trong nghiệp sẽ có “duyên”. Thơ Haiku từ sau Basho đã không còn mang dáng dấp mua vui, giải trí như trước mà đã biểu lộ một cách sâu sắc phản ứng và thái độ của con người trước cuộc sống và thiên nhiên.

Thơ Hàikú quá ngắn ư ? Làm sao nó có thể diễn đạt hết những điều mà người làm thơ muốn nói?. Đọc Hàikú, mới thấy những câu hỏi như trên là không cần thiết. Tính vô ngôn của Thiền, đôi khi lại nói nhiều hơn những điều người khác muốn nói. Trong một bài Hàikú, những điều quan trọng nhất, cốt lõi nhất sẽ nằm trong im lặng. Nó tiềm ẩn trong sự im lặng của vô ngôn.  Đó là sự im lặng của tư tưởng.

Sơ đông trường quy lộ
Tà dương tịch mịch ngã nhất nhân
Thiên căng hà xứ thị

(Waga michi ya – Guson)

Đường về một cỏi riêng ta
Chân trời là xứ hay là nơi nao
 (Bùi Giáng dịch)

Tạm Kết:
Trong văn hóa Nhật, Thiền là khu vườn bất tận, thâm sâu và ảo diệu. Thưởng thức thơ Haikú, ngắm tranh Thủy mặc và Trà đạo là một thử nghiệm của tâm thức và là một hành trình triết học mang tính sáng tạo. Vị trí của thơ Haikú và Hội họa có vẻ rất gần với Thiền nhưng thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa vì Haìkú và Hội họa chỉ đại diện cho một lớp người nhất định trong xã hội Nhật Bản.

Ngược lại, Trà đạo thì dung dị và rộng rãi. Vua quan, sĩ phu, chức sắc tôn giáo và cả khối lớn quần chúng đều có thể áp dụng Trà đạo như là phương cách để tĩnh tâm trong một thế giới riêng biệt, không cần đến ngôn ngữ. Nói một cách khác, Trà đạo đã xóa đi cái lằn ranh tri thức và lấp được hố sâu ngăn cách trình độ, giai cấp. Người Nhật coi trọng cách thức uống trà như một đạo giáo để tu tâm. Trà đạo rất gần với vô ngôn, nên đường đi đến Thiền cũng không quá xa và mọi người đều có thể vận dụng con đường đó. Nói là không quá xa, nhưng thực tế không đơn giản như vậy vì đến được Thiền hay không thì lại tùy thuộc vào cái duyên của mỗi người. Không phải ai đã đọc, đã làm thơ Hàikú, đã say mê Basho, đã trầm mặc trong các họa tiết của Guson, Issa… hoặc đắm chìm trong cung cách Trà đạo như người Nhật là có thể hành Thiền.

Thiền nhìn dưới lăng kính triết học Đông Phương bao gồm cả triết học Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam…hình như không thể thoát khỏi ảnh hưởng của Phật giáo. Nếu chúng ta hiểu thiền là vô niệm thì con đường để đi đến vô niệm chính là những công án thiền. Chỉ khi nào ta đến được khu vườn thiền thì mới chứng ngộ để thấy được Thể tánh. Nhưng khổ nổi con người đa phần chỉ đi tìm cái Tướng nên đường đi trở thành vô định. Ngài Liễu Quán mất năm năm diện bích mới tìm được sự giác ngộ. Thời gian ấy không lâu cũng không mau. Lâu hay mau chỉ là ý niệm về thời gian và tùy “duyên” của mỗi người. Có nhiều người suốt một đời hành thiền vẫn không tìm được chữ Ngộ vì không có duyên. Người hành thiền, khi tâm còn nghi vấn là MÊ. Khi vỡ tan được nghi vấn là NGỘ. Con đường từ Mê đến Ngộ không có cấp bậc, càng không có biệt lệ cho bất cứ ai.

Lê Tấn Dương. 2023

Tài Liệu Tham Khảo: 

  • Thiền trong Hội họa . Chimyo Horioka & Siewart W. Holmes .Nhà XB Tổng Hợp TP/HCM 2004
  • Hán Tự Hài Cú. Ngô Văn Tạo. Nhà XB. Văn Học 2001
  • Trà Luận. Nguyễn Bá Hoàn. Nhà XB Phương Đông 2003
  • Hội Họa Trung Hoa. Lâm Ngữ Đường. Nhà XB Mỹ Thuật. Jan. 2005
  • Thiền Luận. D.T Suzuki, dịch giả Trúc Thiên. Nhà XB. TP/HCM 1992
  • Vườn Thiền. Nguồn Internet.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here