TÔI ĐỌC THƠ LINH VŨ

0

Lữ Yên

  Thơ Linh Vũ như một tiếng gọi từ một nơi nào xa xôi lắm. Có thể từ một miền sông núi quê hương. Có thể từ triền cát vòng ôm lấy biển, nơi anh sống cả một quãng đời tuổi hoa niên, có thể bên đôi bờ cỏ dại những giòng kinh rạch miền Nam đất nước, và cũng có thể trên những tuyến đường anh đã là người khách lạ, đi qua những thành phố của một phần đời lưu lạc. Vâng, có thể là từ những nơi đó, thơ Linh Vũ vút tới người đọc, có khi như một tiếng kêu thất thanh, có khi khẩn cấp như một lời cầu cứu, có khi ngậm ngùi, lặng lẽ. Nhưng tất cả đều mang một sắc thái riêng của nhà thơ, xót xa tiếc nuối và cúi mặt chua cay.

  Có một người đã viết về thơ Linh Vũ, nói là anh làm thơ rất dễ. Tôi nghĩ không hoàn toàn đúng như vậy. Tôi nghĩ rằng, những sự kiện cuộc sống, vui hay buồn, cảm động hay khinh thị, gian nan hay bình yên, cũng như những đều anh đã nhận, đã biết, đã gặp, những tan vỡ, những chia xa, những cay đắng, những ngộ nhận đời đãi đằng anh, cả những nuối tiếc về những kỷ niệm, những chuyện ngày xưa, những chuyện của một sự bắt đầu cho một đời, cho một tình yêu dại khờ và lóng ngóng cảm động. Nhà thơ Linh Vũ đã chắt chiu, những sự kiện này từ lâu, từ lâu rồi, cất giữ trong trái tim anh và tới một lúc nào đó, một mùa nào đó, những cất giữ này như những vết thương sưng tấy lên, vỡ ra những giọt máu và cả những giọt nước mắt của anh, nhỏ xuống thành những bài thơ, những bài thơ rất Linh Vũ…

  Thơ anh nhiều ý. Dường như mỗi giòng thơ có một ý. Những ý này gợi những ảnh hình, làm nỗi lên trước mặt người đọc màu sắc, sự kiện, khung cảnh, những nỗi niềm dấu kín bên trong, những vẻ đời, những vẻ người, chân dung và cả âm hưởng của tiếng nói lặng lẽ. Linh Vũ đã khéo dàn trải, gài nối những sắc vẻ mà người đọc, đã gặp, đã thấy ở đời thường, nhưng do khéo léo, hay do tấm lòng yêu thương chí tình cuộc đời, nên anh đã làm cho những sắc vẻ đời thường này đột nhiên lạ, khiến người đọc bỗng như mới khám phá được.

  Người nghệ sĩ sáng tạo luôn mở rộng tấm lòng tiếp thu cảnh đời, thiên nhiên, sự vật, ý niệm của con người, cái hoang vắng cái náo nức nhiễu nhương của những thành phố đi qua, cả những điều thầm lặng như dấu kín, như muốn che đi không thể chia xẻ, nhưng người nghệ sĩ đã do tấm lòng  yêu thương cuộc đời, yêu thương con người, cảm nhận được, rồi tâm hồn như một ống kính mở rộng tiếp thu, dành giữ trong sâu thẩm của trái tim rung động. Sự cảm nhận của chính mình trực diện trước mỗi hoàng cảnh, trước mỗi đổi thay mà còn tiếp thu những cảm nhận của tha nhân mà người nghệ sĩ tìm tòi bắt gặp được, cất dấu cho riêng mình và rồi thay cả tha nhân nói lên những sắc vẻ mà tha nhân không có dịp để nói. Linh Vũ, nhà thơ đa đoan này cũng vậy. Anh nói cho anh và anh nói cho những người khác nữa, trong đó có thể có những điều của người bạn anh, người tình của anh và cũng có thể một đôi điều của tôi.

  Và đây, chúng ta hãy nghe nhà thơ Linh Vũ nói về thân phận mình, cả những điều anh tiếp thu, anh cảm nhận ở những người khác trong bài thơ: Người da vàng tội nghiệp.

Có một gã da vàng

Mang thân đi xuống phố

Cột nỗi buồn mang theo

Tìm cuộc đời đánh mất

Giữa phố thị đông người

Gã da vàng xuống phố, cột nỗi buồn mang theo nguyên vẹn nỗi buồn vì không thể có ai chia xẻ. Gã da vàng đi tìm cuộc đời đánh mất. Cuộc đời nào, cuộc đời mất từ sau cuộc đổi đời, mất từ sau khi quê hương ngã xuống hay chính nó đã mất một ít nào còn lại bởi những đố kỵ, những tị hiềm cay độc và những đặt bầy nhận chìm nhau ngay ở tay những người anh em cùng lưu lạc.

  Người da vàng xuống phố. Người da vàng chính là Linh Vũ, chính là bạn, là tôi, là chúng ta, thấy đời phồn hoa mà hiu quạnh quá, thấy đời bon chen mà lạc lõng quá. Những buổi chiều gã da vàng xuống phố, nhớ quê hương ứa tràn trong hai mắt, ứa tràn trong tim, tê dại cả hai bàn tay. Hãy nghe Linh Vũ, hãy nghe gã da vàng này nhớ về quê hương:

Đã lâu lắm mới về thăm chốn cũ

Những con đường sỏi đá phố buồn thiu

Bến nước sông Dinh lục bình trôi lặng lẽ

Trên giọt mưa mùa qua phố quanh hiu

Khu phố ngoại ô

Người xưa thấy lạ

Chân đất bồn chồn áo rách nghiêng vai

{Trong bài thơ khu phố cũ}

  Hình ảnh quê hương một đời mang theo, một đời không thể nào quên. Tất cả những nét thân yêu đã ngấm vào từng mạch máu, đã trộn trong tâm tưởng, đã dấu ấn trong hồn, đã chàm lên da thịt. Mọi điều, mọi sự có thể đã nhạt nhòa, đã vỡ vụn, đã qua đi, đã cháy rụi nhưng tất cả những nét vẻ về quê hương dù nhỏ nhoi cũng theo ta, òa dội trong hồn ngay cả những bước gian nan, ngay trong cả thống khổ, ngập chìm ta ngay cả khi đợi cái chết. Hình ảnh quê hương đơn sơ, khó nghèo, hình thành những cảnh, những chân dung ngậm ngùi. Chiếc xe thổ mộ, vó ngựa lóc cóc một buổi chiều nắng đã yếu dần, trên con đường đất đỏ về một thôn xóm hẻo lánh. Người em gái nhỏ, ôi gương mặt thật hiền từ, ánh mắt em chỉ thấy nơm nớp lo sợ. Em lo sợ điều gì, em lo ngày mai không còn kiếm được củ khoai, củ sắn. Hôm nay, em đã có được hai bữa cơm nguyên vẹn, không phải độn nữa chưa?

Xin hãy nghe tiếp, nhà thơ Linh Vũ nói về quê anh:

Thành phố ngoại ô

Nắng vàng đi vội

Một lão phu già ngồi đợi ngày mai

Một quán che tôn gió bay lất phất

Cô bé thân gầy bán phấn nuôi cha

{Trong bài khu phố cũ}

Cô bé ngồi trên xe thổ mộ một buổi chiều nào, em ơi, hởi người em gái thật thà của quê hương. Người em gái đó, em của chúng ta, hôm qua, đã phải lên đứng trên ngã tư thành phố, chờ khách, bán thân, nuôi cha vì tội đã làm chiến sĩ, ôm súng giữ ruộng đồng- ở tù trở về, mẹ thương đau và quá gian nan, đã qua đời.

Hãy nghe nhà thơ Linh Vũ, đứng ở dưới trời quê hương, anh khóc:

Qua phố cũ ngoại ô

Dấu chân nào ấp ủ

Tim nào ta để lại

Bên góc phố chiều nay ngậm ngùi từng sợi bạc

Ước mơ nào vọng lại

Như tiếng đạn vụt bay xuyên qua từng hơi thở

Giữa tuổi đời luân lạc

Qua khu phố ngoại ô

Như lệ ta vừa chảy

[Trong bài khu phố cũ}

Nhà thơ Linh Vũ trở về tìm lại bằng hữu. Anh nhận những đau xót ngay trên hè phố. Bàng hoàng nhìn chiến hữu xưa. Nhà thơ kêu thống thiết:

Ba mươi năm trở lại

Một thằng bạn què ngửa nón ăn xin

… . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

Ba mươi năm còn lại hôm nay

Cõi lòng nghe tan nát

{Trong bài thơ khu phố cũ}

  Trở lại ngôi trường xưa, tìm lại kỷ niệm một thời học trò. Nhà thơ Linh Vũ ngậm ngùi:

Thành phố thân yêu một thời đi học

Dụm bảy dụm ba

Bạn bè quấn quýt

Bên nhánh phượng hồng trưa hè nắng đỏ

Trên môi em cười khúc khích thơ ngây

{bài thơ khu phố cũ}

Nhưng nhà thơ chỉ thấy:

Bây giờ cũng nơi đây

Bạn bè vắng bóng

Mái đổ tường xiêu, chân chim nào giữ lại

Trên lớp cỏ vàng hoang vắng chiều nay

{Trong bài khu phố cũ}

  Những ngày xưa thơ dại đó, đã- từ lâu, chìm trong những đợt sóng xô chen của đời. Hiện tại và quá khứ trống không, bằng phẳng. Tất cả, nếu còn, chỉ còn lại như những tăm sủi bọt loáng thoáng trong hồn.

Con đường cũ, mưa gầy chân đất

Gõ nhịp đời âm điệu thuở xuân xanh

Ta vội vã kéo tình xưa trở lại

{Trong bài mưa đêm gõ cửa tháng mười}

Người thơ vội dừng bước, vội quay trở về với hình ảnh tượng trưng duy nhất, muôn đời của quê hương- hình ảnh người Mẹ, hình ảnh của tình yêu thương thiên thu, hình ảnh Mẹ là một khẳng định của nhân ái, không sai lệch, không đổi thay, không phai nhòa, không suy xuyển, dù cuộc thế, nhân tâm thiên hạ đầy vơi, dù áp chế nghiệt ngã nào cũng chẳng thể một chút hư hao.

Xin hãy nghe nhà thơ Linh Vũ nhớ về người Mẹ, than thở những nỗi niềm với Mẹ

Hôm qua mẹ nhớ quãng đường xa

Có người con lạc đi bỏ nước

Bỏ chốn nằm nôi bỏ Mẹ già

Bỏ quên áo rách bên bờ giậu

Bỏ nước ao sâu bỏ luống cà

Và đây, tiếng khóc, tiếng nức nở của người xa Mẹ, xa quê, của nhà thơ Linh Vũ

Tim con còn động lớp phù sa

Ngày xưa đất lún chân con ngã

Giờ ngập trong con nỗi nhớ nhà

{Bài thơ gởi Mẹ}

Nhưng rồi, người Mẹ già ngồi lại trên thềm đất trước nhà, một ngày nào đó, lặng lẽ nhìn mưa rơi trên giòng sông nhỏ quê hương. Người con, gã thơ giang hồ đó lại ra đi, tìm cho mình một ý nghĩa, một lẽ sống- đó là tình yêu và tình yêu bao giờ vẫn là một tiếng gọi tha thiết nhất cho một thân phận.

Một âm điệu trên ngực em đêm qua mới lớn

Sóng vỗ về chân núi

Lời yêu thương

{Trong bài thơ: sau lời em một chỗ an bình}

Con đường đời, con đường tình lại còn hơn thế, ẩn nấp những ngộ nhận. Sự thông cảm như gió thoáng bay. Rồi tình xa, như từ xưa nay đất trời đã định vậy:

Em đi từ chốn xa xăm

Hụt chân địa ngục lặng câm tim người

Rồi lời tình hôm trước, đã thành bản kinh sầu hôm nay

Em yêu ta-Bản kinh sầu

Đôi tay oan nghiệt buốt đau vô thường

Ta tìm em chốn yêu thương

Mục trang sách ướt lạc đường nguyệt tơ

{thấy em trong lời kinh buồn}

  Một ngày mùa đông buốt giá. Tôi nhận được tập thơ Linh Vũ, với nhan đề: Phía sau nỗi buồn. Tôi đã đọc, tôi hiểu được. Nhà thơ sẽ vòng ra sau nỗi buồn, những nỗi buồn nào, của một cuộc tình, của đời. Linh Vũ vòng ra phía sau, cúi đầu lặng lẽ, để nước mắt rơi không một ai thấy. Nếu nhà thơ đứng trước nỗi buồn, tôi chắc anh sẽ ngã quỵ. Tôi đọc phía sau và chờ cả phía trước nỗi buồn của Linh Vũ.

  Tôi chỉ có một điều chân thành xin đời, người đọc hãy đón nhận thơ anh, bởi vì thơ anh không chỉ xếp chữ cho vần như ta thường thấy, rồi chỉ còn lại là sự trống rỗng. Thơ anh có chuyên chở tình cảm và tư tưởng và nhất là có cả một trái tim, khao khát yêu thương

L.Y

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here