TỪ NGÔI TRƯỜNG NGÀY ẤY

0

Phan Đông Thức

Hằng đêm tôi thường ngồi trước máy vi tính để đọc tin tức trong ngày trước khi đi ngủ, nhưng đêm nay cũng trong phòng đọc sách này tôi nhìn lên bức ảnh treo trên tường với bài thơ “Phong Lai Sơ Trúc” làm tôi nhớ lại chiều qua có một người bạn gọi cho tôi bảo rằng anh Lục Kiệt và nhóm người Hoa tại Ninh hòa muốn tổ chức đại hội các cựu học sinh trường tiểu học Bình Hòa  vào Tháng Bảy năm 2019 tại thành phố Thiên Thần đi kèm với một Đặc san trong đó ngoài phần viết tiếng Hoa là chính và nhờ tôi phụ trách phần tiếng Việt để nói lên tinh thần đoàn kết đồng hương, tương thân, tương ái Hoa-Việt của người xứ Ninh.                                               

Phong lai sơ trúc

Phong khứ nhi trúc bất lưu thanh

Nhạn quá hàn đàm

Nhạn khứ nhi đàm vô lưu ảnh

mà cố Hòa thượng Thích Mẫn Giác phỏng dịch:

Nghìn năm không giữ gió

Hàng tre đứng âm thầm

Hồ trong không lưu bóng

Nhạn qua rồi bặt tăm

Tôi rất tâm đắc với bài thơ này vì nó rất hợp với tâm trạng của tôi lúc bấy giờ và tôi cũng rất trân quí khung ảnh bằng trúc do chính mình làm nên.  Bài thơ trên tôi nhờ một giáo sư người Hoa dạy môn Trung văn tại đại học Bắc kinh viết cho vì tôi quen biết với vị giáo sư này qua biến cố Thiên An Môn năm 1989.  Cuộc cách mạng vì dân chủ cho nhân dân Hoa lục không thành công, ông cùng nhóm sinh viên phải trốn chạy qua Hồng Kông và ông được phép tị nạn tại Hoa Kỳ năm 1990. Bài thơ viết bằng tiếng Hoa dưới dạng thư pháp nên đối với tôi như là một lá bùa mà các vị pháp sư thường viết vẽ để trừ ma, đuổi tà cho những con bệnh nơi cõi âm. Tôi hoàn toàn mù tịt.

Và cũng thật buồn cười khi tôi chọn đề tài “Từ Ngôi Trường Ngày Ấy” cho bài viết của mình dành cho Đặc San năm nay về một ngôi trường mà tôi không có cơ hội theo học dù một ngày, trường Bình Hòa mà chúng tôi ngày ấy gọi là trường Tàu tọa lạc trong một ngôi chùa do người Hoa gốc Hải Nam xây cất. Tôi là người Việt Nam trăm phần trăm, một cậu học trò tiểu học nhà quê chay chỉ một lần may mắn đi quanh khuôn viên trong chùa, đứng ngoài trông vào những lớp học thật ngăn nắp và sạch sẽ. Nhưng tôi biết chắc rằng chính ngôi trường Bình Hòa nhỏ bé này đã cho tôi một hành trang quí báu đi vào đời với những trật tự, ngăn nắp, kỷ luật… trong cuộc sống và học được cái đạo lý làm người sau này.

… Ngày ấy đã lâu lắm rồi, vào khoảng năm 1957 tôi hăm hở lên trường huyện theo học lớp Nhì tại trường Pháp Việt với các bạn đồng môn sau khi học xong lớp Ba trường làng.  Là một cậu học trò nhà quê lên đến phố huyện Ninh Hòa theo học cũng là một lần đi xa mạo hiểm của tuổi thơ để tiếp thu “ánh sáng văn minh” với người, vượt qua giới hạn của những lũy tre làng. Ban đầu, với bao ngỡ ngàng vây kín trong tôi nhưng sau đó cũng quen dần với trường lớp, thầy cô nơi phố huyện. Bọn nam sinh chúng tôi thường mặc áo trắng ngắn tay, quần soọc, có khi quần dài; các bạn nữ sinh thường mặc quần đen, áo cánh hay áo bà ba cổ kiềng… nhà trường không buộc học sinh phải mặc đồng phục  như các bạn học sinh trường Bình Hòa. Có lẽ lúc ấy cha mẹ học sinh còn nghèo nên nhà trường không đòi hỏi lối trang phục này.

Những giờ ra chơi trong sân trường ngày ấy, tôi biết được phía sau bức tường cao dày kia như Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay ngày nay có thể so sánh với bức tường nhà của Osama Bin Laden tại thị trấn Abbottabad ở Pakistan, là ngôi chùa Hải Nam có những lớp dạy tiếng Hoa bậc tiểu học như trường Pháp Việt chúng tôi.  Nhiều lần tôi nghe các bạn học sinh trường Bình Hòa hát Quốc ca của Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) ca ngợi công đức và thành quả của Tôn Trung Sơn hay còn gọi là Tôn Dật Tiên trong cuộc cách mạng Tân Hợi lật đỗ nhà Mãn Thanh thiết lập thể chế Tam Dân năm 1911 vào mỗi sáng Thứ Hai hằng tuần hay những bài hát lớp mẫu giáo mà các thầy cô dạy hát bằng tiếng Hoa.

Không như trường Pháp Việt của chúng tôi với sĩ số học sinh quá đông, trường Bình Hòa lúc nào cũng có bầu không khí thanh tịnh, u tịch và trầm buồn. Có lẽ tại đây là nơi trang nghiêm thờ tự hơn là một cung văn hóa. Chính cái không gian tĩnh lặng này đã thôi thúc tính tò mò của tôi là khám phá cho bằng được cái lý do tiềm ẩn ấy khi tôi còn bé.  

Ngày hai buổi tan trường, tôi thường đứng ngay trước cổng bên ngoài gần quốc lộ số một để ngắm nhìn các bạn học sinh trường Bình Hòa ra về. Có bạn cùng lứa tuổi với tôi có khi lớn hơn hay nhỏ hơn nhưng bạn nào cũng mặc đồng phục. Nam sinh mặc áo sơ-mi trắng, quần soọc màu xanh đậm; nữ sinh cũng mặc áo trắng và cũn xanh.  Tất cả đều mang giày ba-ta màu trắng. Các bạn học trường Bình Hòa như một đàn chim non ra về trong trất tự và kỷ luật. Tất cả học sinh khi ra về đều xếp hàng hai đi từ trường đến nhà, có thầy cô giáo đi kèm. Phần đông học sinh trường Bình Hòa là con em của dân cư phố chợ. Thầy cô đi cùng các em qua khỏi cầu Dinh khi đến gần chợ huyện các em tư động tan hàng ai về nhà nấy.

Có những buổi trưa ở lại trường chờ buổi học chiều tôi thường trèo tường qua trường Bình Hòa dưới hàng phượng vĩ đỏ rực để tập đi trong trật tự như một người lính trong buổi duyệt binh và lòng tôi mong ước sao mình là một trong những học sinh để được ở trong hàng ngũ ấy. Ngày ấy tôi thường đem ước mộng này nói với cha tôi và ông có bảo tôi rằng: “Con ạ! học đường cũng như quân đội, trật tự và kỷ luật bao giờ cũng là một sức mạnh.” Thật ra cha tôi là một nông dân chất phác, quanh năm tay lấm chân bùn nhưng tôi nghĩ tại sao ông ta lại có một câu nói như một lời răn cần và đủ để cho tôi xem đó là một hướng đi vào đời sau này của tôi. Và từ đó tôi bắt đầu tạo cho chính mình một thứ kỷ luật bản thân và trật tự sống qua hình ảnh của các học sinh trường Bình Hòa.

Sau khi rời ghế nhà trường để theo học bậc trung học tại Ninh Hòa trong năm cuối của thập niên 1950, tôi thường trở lại trường Bình Hòa để xem những trận quần vợt hay bóng rổ mà phần đông người Việt gốc Hoa là cầu thủ. Mùa hè năm ấy, tôi may mắn được làm quen với anh Lương con của bác từ giữ chùa. Tôi có nhờ anh đưa tôi vào thăm bên trong khuôn viên chùa vì tôi rất thiết tha được thấy một lần. Vì anh sinh sống với gia đình ngay trong chùa nên mọi ngõ ngách anh rất thông thạo.  Lẹt đẹt đi theo anh lần đầu tiên đặt chân vào trong chùa. Cảm giác đầu tiên làm tôi rất thích thú là bốn bề yên tịnh như một tu viện, những cây bàng cao rợp bóng đứng sừng sững trong sân. Anh Lương đưa tay chỉ cho tôi thấy hai phòng học ở phía tay trái và nơi đây cũng là đền thờ của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Anh cũng đưa tôi đi xem những luống hoa thật đẹp đang mùa nở rộ để đến nơi thờ tự ông Quan Công, một danh tướng thời Tam Quốc. Anh cũng giải thích cho tôi biết đây cũng là văn phòng ông hiệu trưởng với bốn phòng học phía sau. Tôi dừng lại một hồi lâu để nhìn tấm ảnh nhà cách mạng Tôn Trung Sơn với lòng đầy ngưỡng mộ.

Khi đến gần cạnh cái giếng, anh Lương cũng đưa tay chỉ cho tôi thấy có một phòng học nhỏ nữa. Tôi nài nỉ anh cho tôi vào thăm bên trong những nơi thờ phụng trong chùa để xem những bức hoành phi và những tấm liễng viết bằng tiếng Hoa trông rất đẹp, uy nghi và cũng từ giây phút này tôi bắt đầu “mê” chữ Hán mặc dù tôi không biết đọc và hiểu ý nghĩa là gì. Nhưng tôi cũng phải thú nhận một điều là đến giờ này tuổi tôi cũng ngoại thất tuần nhưng vốn chữ Hán của tôi nếu viết trên lá mít cỡ nhỏ thì vừa đủ chứ cỡ lớn hơn thì e rằng còn thiếu rất nhiều.

Trước khi ra về anh Lương cũng kể cho tôi biết tiểu sử hình thành trường Bình Hòa mà chính anh là một trong những lớp học sinh đầu tiên của trường. Anh cho biết Chùa Hải Nam có từ năm 1925 và trường Bình Hòa hình thành những năm sau đó. Anh bảo theo lời kể của cha anh những năm đầu khai giảng rất ít học sinh và dần dần cộng đồng người Hoa tại Ninh Hòa khuyến khích con em nên theo học những lớp Hoa ngữ để không quên cội nguồn và văn hóa Khổng Mạnh Trung Hoa. Trước khi anh tiễn chân tôi ra khỏi cổng trường anh cũng kể cho tôi nghe những chuyện “nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò”. Anh bảo có những cậu học trò rất tinh nghịch thường lấy trộm bánh chuối, cam quít… trên bàn thờ ông Quan Công hay Thiên Hậu Thánh Mẫu chia nhau ăn sau khi biết việc dâng cúng đã xong.

Tôi luôn mang theo hình ảnh trường Bình Hòa trong suốt thời gian bậc trung học nhất là qua những bài thơ mà những thi sĩ Việt nam chịu ảnh hưởng khá sâu đậm nền văn học Trung hoa.  Lúc ấy tôi tìm thấy trong những bài thơ hay thường đan xen những câu thơ Hán Việt thật súc tích làm cho người đọc cảm thấy mình rất “thơ”.

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử

Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh

    (Nguyễn Công Trứ)

hay

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu

Trầm tư bách kế bất như nhàn

           (Cao Bá Quát)

hoặc

Ngoại diện bất cầu như mỹ ngọc

Tâm trung thường thủ tự kiên kim

     (Nguyễn Khuyến)

Phần đông người Việt Nam ai cũng một lần đọc hay nghe truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du nhưng có mấy ai hiểu được hết những điển tích của nó. Thi hào Nguyễn Du của chúng ta đã khéo léo dùng những điển tích lấy từ nền văn học Trung hoa để làm giàu cho tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của mình.

Dập dìu gió lá cành chim

Sáng đưa Tống Ngọc tối tìm Tràng Khanh

hay

Trộm nghe thơm phức hương lân

Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều

Ngoài việc tiếp nhận những tư tưởng, triết học hoặc văn chương phương tây, dần dần tôi đi vào đời bằng những câu nói đã trở thành thánh thư của những bậc hiền triết Trung hoa như Khổng Tử, Quản Trọng, Mạnh Tử, Lão Tử… mãi là kim chỉ nam cho cuộc sống để hướng đến chân, thiện, mỹ và cũng như những bài thơ Đường của những thi hào, thi bá như Lý Bạch, Thôi Hiệu, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha…là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong tôi.

Trong cuộc sống đôi khi bắt gặp nhóm nhóm học sinh mặc đồng phục hay thấy một đoàn các em hướng đạo đi thành hàng một hay hàng hai trong công viên, hay có dịp thăm viếng nhửng ngôi chùa, văn miếu với những bức hoành phi hay những câu liễng đối nhau treo trên cột hay trên tường bằng Hán tự, tôi lại nhớ đến “ngôi trường tuổi thơ của tôi” đó là trường Bình Hòa.

Mấy thập niên qua, phong trào thư pháp đang dần dần thịnh hành, ngoài thư pháp tiếng Việt rất tuyệt đẹp, tôi lại càng yêu thích chữ Hán nhiều hơn. Nhìn những nét bút như phượng múa rồng bay và tôi lại nghĩ ngay đến hình ảnh Ông Đồ Già của Vũ Đình Liên, không biết ngày ấy ông đồ chúng ta có viết chữ Hán bằng thư pháp hay không.   

Ngoài ra, lúc còn đi học tôi có dịp đọc được nhiều thơ Đường và tôi tâm đắc với thể thơ này cũng như ý nghĩa bác học của nó; nhưng cũng không phải bài nào mình cũng hiểu được.  Có lẽ bài thơ mà tôi yêu thích đến tận bây giờ đó là bài Hoàng Hạc Lâu của thi sĩ Thôi Hiệu.

Bài Thơ Hoàng Hạc Lâu

  1. Tiếng Hán

     黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,

此地空餘黃鶴樓。

黃鶴一去不復返,

白雲千載空悠悠。

晴川歷歷漢陽樹,

芳草萋萋鸚鵡洲。

日暮鄉關何處是,

煙波江上使人愁。

     崔顥

  1. Tiếng Hán Việt

              Hoàng Hạc Lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,

Thử địa không dư Hoàng Hạc Lâu.

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,

Bạch vân thiên tải không du du.

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,

Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.

Nhật mộ hương quan hà xứ thị,

Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

                           Thôi Hiệu

                         (704-754)

  1. Tiếng Việt
    Lầu Hoàng Hạc

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu

Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ

Hạc vàng đi mất từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay

Hán Dương sông tạnh cây bày

Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non

Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai

Thi sĩ Tản Đà phỏng dịch

Dù người Việt Nam hay người Việt gốc Hoa, chúng ta là những kẻ tha hương khắp năm châu bốn bể; nhưng mỗi một chúng ta ai cũng có một quê hương để nhớ, để thương.  Có lẽ tôi chọn bài thơ Hoàng Hạc Lâu cũng không ngoài mục đích nói lên nỗi thương, niềm nhớ của một con người ra đi bỏ lại quê hương phía sau với bao kỷ niệm của tuổi thơ, những hoài niệm của tuổi học trò, tình hoài hương…

Và hôm nay bạn có thể đứng bên dòng sông Seine thơ mộng tại Ba-lê, chị đang lang thang bên bờ hồ Ontario, Gia Nã Đại, anh đang ngồi mơ mộng bên dòng Danube cạnh thành Vienne, hay em đang thơ thẩn dạo mát cạnh hồ Michigan trong một buổi chiều tà … thì làm sao chúng ta không một phút để lòng mình về với quê hương bên kia nửa vòm trái đất khi trước mắt mình với xôn xao sóng nước, sương mờ…

Quê hương khuất bóng hoàng hô
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!

Thật vậy, một cơn gió nhẹ thoảng qua, một chiếc lá vàng rơi rụng ven song, cảnh chiều tà nơi điền dã với hoàng hôn đang xuống dần hay một vầng trăng khuyết treo lơ lửng từng không … cũng làm rung động tâm hồn thi nhân để viết lên những bài thơ tuyệt tác, và với tôi cũng thế, cũng chỉ vì một đội ngũ học sinh đồng phục ra về sau buổi tan trường đã cho tôi một trật tự và kỷ luật để biết sống một đời với lương tri và lễ giáo. Một ngôi trường nhỏ bé nằm khiêm nhường trong một ngôi chùa thanh tịnh lại cho tôi một rừng Nho, biển Thánh mà ý chừng tôi không bao giờ học và hiểu hết được.

Phan Đông Thức

Tháng 5, 2019

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here