Vĩnh Biệt Nhà Văn Lữ Yên

0

Linh Vũ

 Tôi rời bỏ miền đông Hoa Kỳ bằng chuyến xe xuyên bang hơn bốn ngày, nơi dừng chân sau cùng là thành phố Portland tiểu bang Oregon. Nơi đây đối với tôi hoàn toàn xa lạ, không một người bạn thân quen, ngoại trừ gia đình người chị tôi. Sau một tuần lễ lang thang để làm quen với thành phố và để quên đi những chuyện buồn bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Đây là khoảng thời gian buồn, cô đơn nhất đối với tôi.

Sau một tuần lễ trôi qua, tôi chưa quyết định đi hay ở lại nơi này, tình cờ tôi gặp Nữ Sĩ Uyên Phương tác giả của tập truyện “Qua Mấy Mùa Thu” cô cũng là Ca Sĩ có giọng ca ngọt ngào của thành phố Portland, đó là người bạn đầu tiên tôi quen biết ở thành phố mưa nhiều hơn nắng này. Sau đó, tôi được Uyên Phương giới thiệu một số anh chị sinh hoạt văn nghệ nơi đây, người đầu tiên quen biết đó là nhà văn Lữ Yên, Nhạc Sĩ Vũ Thành An và diễn viên điện ảnh Nguyễn Đình Dâng. Trong nhóm bằng hữu còn rất nhiều người nữa nhưng rất tiếc không kể ra hết được. Hôm nay, tôi nói đến người bạn, nhà văn Lữ Yên vừa mới qua đời. 

Nhà văn Lữ Yên lớn hơn tôi từ tuổi tác lẫn cuộc đời binh nghiệp, Lữ Yên tốt nghiệp khóa 02 Trừ Bị Thủ Đức. Khi anh là Sĩ Quan thì tôi đang còn trên ghế nhà trường. Tuy giữa anh và tôi có nhiều khác biệt, nhưng trong lĩnh vực văn nghệ chúng tôi là những người bạn thân tình. Trong những tháng ngày quen biết, tôi thường xuyên trao đổi với anh rất nhiều về văn học nghệ thuật. Cuộc đời của những người cầm bút tuy khác nhau một vài điểm trong cuộc sống đời thường, nhưng kiếp nhả tơ cho đời vẫn là những điểm dễ gần gũi, thương mến và quý trọng nhau.

Trước đây anh Lữ Yên làm chủ bút cho tờ Nguyệt San “Kỷ Nguyên Mới” một thời gian, nhưng vì sức khỏe anh không còn tiếp tục nữa. Tuy nhiên trong lĩnh vực văn nghệ anh vẫn sinh hoạt đều ở địa phương. Thỉnh thoảng anh nhờ tôi đánh máy một số bản thảo viết tay để gởi cho vài tờ báo điện tử ở hải ngoại. Vì không sử dụng được computer cho nên chuyện viết lách của anh mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên vì đam mê văn chương chữ nghĩa cho nên anh Lữ Yên vẫn cặm cụi từng đêm trải hồn mình lên từng trang giấy.

Anh Lữ Yên viết như là một sự chia sẻ, là gáo nước làm nguội lạnh bớt nỗi buồn của cuộc đời. Có lần anh tâm sự với tôi. Thời gian mỗi ngày cứ ngắn lại e rằng mình không viết hết những điều trăn trở trong lòng…

Những năm trước đây, anh Lữ Yên và chúng tôi thường có những buổi họp mặt cuối tuần ở nhà anh Nguyễn Ðình Dâng cùng một số bằng hữu xa gần nhâm nhi ly cà phê, một ly rượu chia xẻ với nhau bao kỷ niệm buồn vui lẫn lộn. Tôi nghe anh Lữ Yên kể chuyện đi tù cải tạo ngoài Bắc, với những đói khát, hành hạ của bọn Việt cộng dã man, rồi chuyện gia đình tan nát sau ngày ra tù trở về thành phố, những phút giây phụ phàng của người thân, của bạn bè khi gặp lại. Anh kể tôi nghe những ngày lang thang trên quê hương để tìm từng miếng ăn, manh áo. Anh bơ vơ, lạc lõng ngay trên chính quê hương mình. Rồi sau đó là những tháng ngày vượt biên tìm tự do, những đoạn đời khốn khổ trong những năm tháng bơ vơ trên đất Mỹ, với trăm thứ ngành nghề. Và cũng từ những tâm sự đó tôi hiểu anh Lữ Yên nhiều hơn và thân nhau hơn. Tôi qúy mến anh Lữ Yên từ dạo đó, tôi thông cảm niềm tuyệt vọng của một người lính thất trận mang nhiều u uất.

Những tháng ngày sống ở thành phố Portland anh Lữ Yên có nhiều bằng hữu, có lẽ ai cũng thông cảm, chia xẻ với anh những điều bất hạnh của phần đời không may mắn của anh. Mặc dù được sống trên mảnh đất tự do, dư thừa vật chất nhưng anh vẫn thường tâm sự với tôi là cuộc đời anh như thiếu một cái gì đó to tát lắm và nước mắt anh vẫn tuôn chảy hằng đêm. Anh thấy cuộc đời vô nghĩa, khập khễnh, với lứa tuổi của anh. Nhiều khi anh muốn đứng lên để làm lại cuộc đời, nhưng chẳng còn một cơ hội, thời gian quá muộn màng. Những cơn bệnh từ thể xác tù đày, từ trái tim tan nát mà suốt ngày chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường trên cao ốc dành cho người già, thử hỏi làm sao không buồn được, hoàn cảnh đó không điên cũng là điều may mắn lắm rồi.

Tôi hiểu được anh Lữ Yên, tôi đọc được nỗi cô đơn trong tận cùng cõi lòng tan nát của anh. Tôi đến với anh không chỉ là những người bạn văn nghệ mà còn là một người em trong đại gia đình quân đội. Tôi thông cảm thân phận một người lính bị bức tử bỏ súng, một thân phận kẻ lưu vong với lớp tuổi xế chiều.

Nhà văn Lữ Yên định cư muộn màng ở Hoa Kỳ vào năm 1994 với hành trang chứa đầy khổ đau mang theo, cho nên cuộc sống đối với anh chỉ là một sự kéo dài ê chề không định hướng.

Có những hôm anh nằm bệnh trong căn phòng vắng vẻ, không một thân nhân thăm hỏi, không một người nấu cho bát cháo, chính những lúc này tôi không biết phải nói điều gì để an ủi anh, tôi chỉ còn giọt nước mắt xót xa trong tôi để chia sẻ cùng anh. Nhiều đêm thật khuya anh gọi tôi: anh Linh Vũ ơi tôi bệnh suốt ngày hôm nay, không bước nổi ra khỏi giường, nếu anh rảnh ghé mua hộ tôi tô cháo….chỉ anh là người thông cảm hoàn cảnh của tôi hơn ai hết…  Nghe xong tôi vội vàng nấu tô cháo rồi mang đến cho anh, cứ mỗi lần như thế chúng tôi trò chuyện cho đến khi trời hừng sáng.

Trong cuộc sống khi con người bị khổ đau quá nhiều thì con tim họ trở thành băng giá, lạnh lùng. Chính hoàn cảnh ngập tràn đau thương đó làm cho họ có thái độ hời hợt với thế gian đôi khi bất cần tất cả. Cho nên họ là những người cần bạn bè thông cảm nhiều hơn là giận hờn oán trách. Anh Lữ Yên là người cần bạn hữu thân tình và thông cảm anh nhiều hơn. Chính những lúc cuộc đời hụt hẫng như thế, tôi và người bạn thân nhất của anh là cô Uyên Phương thường khuyên anh hãy tìm về Thiên Chúa (vì chúng tôi là người thiên chúa giáo) cho nên chỉ có nơi đó là tốt đẹp và bình an nhất cho tâm hồn. Tôi thường nói với anh hãy đưa tất cả buồn phiền và những khó khăn trong cuộc sống cho Thượng Ðế, vì Ngài luôn đón nhận, không bao giờ oán trách hay từ bỏ chúng ta….

Hôm nay tôi vừa nhận tin buồn anh Lữ Yên qua đời và kèm theo một tin vui anh đã trở về với Thiên Chúa (anh đã chính thức trở thành con chiên của Chúa vì trước đây anh là người ngoại đạo). Trong những tuần lễ vừa qua Nhạc Sĩ Vũ Thành An đã hỗ trợ tinh thần anh, đã đốt thêm ngọn nến soi sáng thêm sức cho anh trong ngày chịu phép rửa tội. Người bạn thân thiết của anh, ông Dominico Nguyễn Văn Chúc đã hiệp lời cầu nguyện làm người đỡ đầu tinh thần cho anh trong giây phút thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa trong phép rửa tội. Nhà thờ Đức Mẹ La Vang thành phố Portland lung linh những ngọn nến linh thiêng để đón nhận thêm một người con của Chúa, một người con bất hạnh mang nhiều khổ đau. Cha phó, Linh Mục Cao Thế Bình đã mở rộng vòng tay đón nhận và dâng lên Chúa một tân tòng. Cám ơn Thiên Chúa cứu vớt một linh hồn đã trải qua quá nhiều thử thách, giờ phút cuối anh Lữ Yên đã tìm thấy được Thượng Đế, đã được bàn tay của Ngài vuốt mắt. Anh đã nói lời trăn trối như là sự ăn năng, tạ ơn Thiên Chúa: Vậy là tất cả đã hoàn tất, từ đây sẽ có niềm tin và hy vọng… Hôm nay anh trở về nước Chúa, linh hồn anh sẽ được cứu rỗi, sẽ bình an đời đời.

Anh Lữ Yên đã ra đi vĩnh viễn, bạn bè luyến tiếc nhớ thương anh, mọi người sẽ cầu nguyện cho anh bình an nơi chốn vĩnh hằng. Cám ơn anh trong những tháng ngày quen biết, anh đã cho tôi biết thêm những điều khổ đau của cuộc sống, những vô thường mà con người đang ngụp lặn, những oan khiên của số mệnh mà con người không tránh được.

Hôm nay tôi còn giữ những mẫu chuyện anh viết riêng để tặng tôi như là một điều chia sẻ, như một lời cảm ơn chân tình với bạn bè. Suốt mấy ngày nay, tôi đã đọc lại tất cả những bản thảo, những bài thơ từ trái tim tan vỡ của anh làm lòng tôi chùng xuống với nỗi buồn, với sự ra đi của người bạn đã gần mười năm quen biết. Những chuyện anh viết cho anh, cho tôi, cho bạn bè là những dòng sông nước mắt là những viên sỏi bên lề cuộc đời bị lãng quên, đã bị những bàn chân con người vô tình nghiền nát không thương tiếc.

Tôi hiểu được anh, tôi đọc được trong ánh mắt anh suốt đời đi tìm một chút tình người bao dung độ lượng. Tôi đến với anh trong sự đồng điệu cảm thông, tôi hiểu nhà văn Lữ Yên trong sự cô đơn tột cùng như bài thơ Thân Phận anh viết:

Đã bao ngày, bao năm và bao tháng

Như con lạc đà lầm lũi trong đêm

Bãi cát sa mỗi mùa cơn bão nổi

Rình chụp dập vùi phận kiếp lênh đênh

Hay một bất chợt trong nháy mắt tử thần đã cướp đi một mạng sống mà anh đã viết  trong truyện “Ngày Đông Buồn Trên Ngã Tư” Hay một ước mơ nhỏ nhoi của đời người qua “Màu Tím Những Mùa Thu Xưa” hay những dấu vết tuổi thơ với “ Con Đường Tuổi Thơ Người Chị” hay một nỗi khổ đau anh viết tặng tôi với truyện “Đời Trả Ơn Người” thật buồn, anh diễn tả sự phụ phàng của cuộc đời những người cầm bút, cho anh, cho tôi, cho những người yêu văn nghệ thật chua xót.

Anh Lữ Yên, tôi muốn nói thật nhiều nhưng không làm sao nói hết được những tâm tình trên mười năm bằng hữu. Tôi chỉ biết cầu nguyện thật nhiều cho anh về cõi bình an, được tình yêu thương Thiên Chúa trên nước trời, tôi sẽ cầu nguyện thật nhiều cho anh và hôm nay anh đã thật sự hạnh phúc vì đã trút bỏ được một cuộc đời nhiều ô trọc. Bạn bè luôn thương nhớ anh.

 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here