Xuân Muộn

0

Ngồi thừ người bên chiếc bàn tròn ngổn ngang với ly tách cà-phê, nước trà và tàn điếu, Thạc nhìn qua khung cửa sổ thấy từng chiếc lá vàng rơi trong khu vườn vắng mà người chủ của nó chẳng buồn chăm sóc. Những khối dây leo bìm bìm lâu ngày cũng đã đè sập hàng rào vốn đã mục nát từ lâu. Thạc biết mùa Thu đang đến trong thành phố anh đang cư ngụ với đứa con gái 17 tuổi của anh.

Cầm điếu thuốc hút dỡ trên tay, Thạc nghĩ đến ngày hôm qua cùng Liên trải qua một cuộc truy hoan chóng vánh nhưng đã cho anh một cảm giác đê mê khó tả từ khi anh định cư tại Hoa Kỳ cách đây hơn hai năm tại một thành phố nhỏ phía tây của bang Arizona. Anh đang nghĩ về thời gian mà gần ba mươi năm trước đây anh và Liên yêu nhau nhưng vì gia đình anh quá nghèo nên hai người đành phải chia tay vì môn đăng hộ đối. Nghĩ đến đây Thạc gắn điếu thuốc vào môi và rít một hơi thật sâu vào buồng phổi như cho hả cơn giận mà người cha của Liên có lần đã sỉ nhục chàng. Đứa con gái anh thấy cha mình đang ngồi thẩn thờ như một kẻ mất hồn bèn lên tiếng hỏi:

– Thưa Ba, sao hôm nay Ba không đi làm mà giờ này còn ngồi nhà? Câu hỏi bất ngờ của đứa con gái làm anh trở về với thực tại và anh chống chế trả lời:

– Ừ! hôm nay Ba…Ba có hẹn với bác sĩ để khám tổng quát định kỳ theo yêu cầu của sở làm của Ba.

Thật ra, anh chỉ trả lời cho xong việc chứ nào có hẹn gì với bác sĩ khám bệnh vì hôm nay anh muốn lấy một ngày nghỉ ở nhà một mình để anh dành nhiều thời gian nhớ lại một dĩ vãng đời anh vốn nhiều cay đắng nhưng cũng lắm ngọt bùi. Anh nghe tiếng xe buýt chở con anh đi học xa dần, anh yên trí biết rằng chỉ còn lại một mình anh trong căn hộ trống vắng này.

Ngày ấy Thạc và Liên quen nhau vì hai người cùng học một trường, ngôi trường Bán Công. Thạc học hơn Liên một lớp và lúc ấy anh là mẫu người mà bạn nào cũng quí mến anh vì anh học rất giỏi. Biết bao nhiêu cô bạn gái cùng lớp hay có khi khác lớp nhờ anh giải hộ bài toán khó hay một điểm văn phạm ngoại ngữ. Trong số ấy có Liên và cuối cùng hai người yêu nhau từ lúc nào không hay.

Ở cái thị trấn nhỏ bé như Ninh Hòa thì chuyện gì mà giấu được thiên hạ nhất là chuyện tình yêu nhưng Thạc và Liên không để ý đến chuyện đàm tiếu nhỏ to ấy. Họ công khai yêu nhau và các thầy cô trong trường cũng biết điều ấy. Có những cô không được Thạc để ý đến nên tỏ ra ganh ghét; khi đi ngang qua mặt Thạc, có cô bèn nói xỏ:
– Đồ đỉa đeo chân hạc

hay có khi những lời gay gắt hơn dành cho Liên:

– Tiếc thay cây quế giữa rừng

Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo

Liên là con nhà giàu và có nhan sắc. Nàng là con gái rượu của ông Hội đồng Khứ ở thôn Đại Tập; ai mà không biết ông là một địa chủ nổi tiếng trong vùng. Tuy giàu nứt đố đổ vách, nhưng ông ta không giúp một ai cho dù họ thường cầu xin sự bố thí của ông. Rồi một ngày nọ, ông cho gọi con gái ông và bảo:

– Liên này! Ba cho con đi học hết lớp Đệ Tứ thôi. Thi đậu trung học hay không ba cũng không cần biết. Ở nhà đi lấy chồng chứ không học hành gì lôi thôi nữa cả. Con gái học cao chỉ lo viết thư cho trai mà thôi. Hãy nghe lời ba. Liên ngậm ngùi khi nghe lời phán của cha mình chắc nịch như đinh đóng cột và nàng biết rằng chỉ còn mùa hè này nữa là nàng không còn thường xuyên gần gũi Thạc và nàng ngẩng đầu lên với ánh mắt từ bi như một nữ tu đứng khấn nguyện trước tượng Đức Mẹ, nàng nói:

– Thưa ba, ba cố gắng cho con học hết tú tài bán phần rồi sau đó con ở nhà cũng được. Nhưng cha nàng đâu có cho nàng chì chiết, than van, ông đanh mặt lại và nói:

– Tao nói thật cho mày biết rằng tao đã đồng ý làm sui gia với nhà ông Tổng Mười ở làng Phú Thứ rồi. Chuyện người lớn tao không muốn thất hứa với họ.

Liên rất hiểu về người cha của mình. Khi cưng chiều, ông cưng chiều đúng mực nhưng khi quyết định thì rất dứt khoát. Biết được điều này, Liên chỉ đứng lên và đi vào buồng gục đầu vào gối khóc nức nở.

Rồi Thạc nhớ đến những ngày nghỉ học, anh thường đưa nàng đến bãi cát bên bờ sông Lốt để tình tự hay đưa nàng ra chùa Xuân Tự vãng cảnh và không quên xin một quẻ xăm xem vận mệnh tình duyên thế nào. Nhất là vào những ngày hè, anh đưa Liên đi xa hơn có khi lên tận Ba Hồ gần làng Phú Hữu hay đến suối Nước nóng gần Dục Mỹ mãi từ sáng đến chiều tối mới về. Hai người yêu nhau tung tăng như một đôi chim non nhưng trong cái tận cùng suy nghĩ của hai người hình như ai cũng thấy có một cái gì ngờ ngợ trong tình yêu mà cả hai không tài nào giải thích được. Nhất là Thạc, anh biết phận mình nghèo nhưng không hèn. Anh vẫn thấy có một khoảng cách vô hình nào đó giữa anh và Liên, nhưng anh khộng tiện nói ra cho Liên biết vì sợ nàng buồn. Còn về phần Liên, nàng không bao giờ thổ lộ cho Thạc biết cái nghiêm lệnh động trời của cha nàng dành cho nàng. Nàng cố gắng mua thời gian vì nàng nghĩ may đâu một ngày đẹp trời nào đó cha nàng sẽ thay đổi ý kiến về hôn nhân cho nàng thì sao.

Thạc còn nhớ rõ như việc xảy ra mới ngày hôm qua. Mấy ngày sau Tết Nguyên đán, Thạc đạp chiếc xe đạp thổ tả đến nhà thăm Liên và cũng là ý định của Liên để thử ý cha mình như thế nào về việc chồng con tương lai của nàng. Anh dựng xe ngoài ngõ, mấy con chó bẹc-giê Đức chạy ra ngoài cổng nhảy lồng sủa vang và Liên trong nhà cũng biết đó là Thạc. Hôm nay, nàng mặc chiếc áo lụa trắng điểm hoa vàng, chiếc quần xa-tanh đen, tóc thề đen huyền xõa kín bờ vai ra đón anh tận cổng và đưa anh vào nhà. Thạc cảm thấy lòng mình thật ấm áp và rất tự tin. Đây là lần dầu tiên anh đến nhà Liên kể từ ngày hai người yêu nhau gần một năm nay. Anh đã qua lại nhiều lần nhà Liên và chỉ thấy cái dinh cơ đồ sộ như thế từ xa. Hôm nay, anh uống thuốc liều nên anh mới dám đặt chân vào cái cơ ngơi bề thế này. Ở nhà, chỉ có một mình Liên nên anh cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng vì anh nghe tiếng đồn về ông Hội đồng Khứ này khá nhiều. Hai người ngồi đối diện trò chuyện trong phòng khách thì Ông Bà Hội đồng Khứ đẩy chiếc cổng sắt đi vào sau khi đi thăm một số bạn bè để trả lễ. Vừa vào đến sân ông gọi Liên và nói:

– Cái chiếc xe đạp trành của thằng tá điền chó chết nào mà dựng trước cửa coi chướng mắt quá vậy con?

Nghe câu nói của cha, Liên liếc mắt nhìn Thạc và nàng rất thương cảm cho anh. Anh đứng dậy và theo Liên ra đứng ngoài hành lang và biết rằng anh sẽ là kẻ tử tội sắp bị hành hình. Sau khi giới thiêu Thạc với cha mẹ nàng, Liên lùi bước ra phía sau và đứng ở phía mé cột. Ông Hội đồng với cái vênh váo của một kẻ nhà giàu còn sót lại trong thời phong kiến, ngồi chễm chệ trên chiếc ghế gụ đã lên nước bóng, ông hất hàm hỏi:

– Cậu Thạc này! Tôi hỏi thật cậu chứ cậu quen với con Liên nhà tôi được bao lâu rồi và cậu có ý định gì xa hơn không?

Nghe câu hỏi này, Thạc cảm thấy tự ái của mình như bị va chạm, nhưng chàng nghĩ đến Liên nên anh đành đan đôi bàn tay ấp úng trả lời:

– Thưa bác, chúng cháu quen nhau đã lâu nhưng chỉ giới hạn trong tình cảm bạn bè mà thôi. Chứ cháu đâu dám nghĩ gì xa hơn.

– Uống xong ngụm trà tàu, ông nhìn Thạc mỉm cười rồi nghiêng đầu gật gật mấy cái, ông lên tiếng:

– Thế thì tốt! Chứ cậu cũng đừng để tôi phải nói câu: Đũa mốc mà chòi mâm son đấy nhé.

Lúc ấy Liên đang đứng sau cây cột cái giữa nhà và nghe hết tất cả mẩu chuyện đối thoại giữa Thạc và cha nàng và nàng cũng bắt gặp ánh mắt của Thạc nhìn nàng. Cả hai chỉ hiểu và cảm thông nhau trong đôi ánh mắt ấy.

Nắng bên ngoài vẫn còn đọng trên những hàng dừa trĩu trái, nhưng lòng Thạc lại thấy cả một bầu trời tang u ám trước mắt chàng. Chàng lảo đảo đạp xe và chàng đâu biết rằng lúc này Liên đang đứng núp sau hàng rào nhìn theo chàng mà nẫu cả ruột gan.

Sau biến cố tháng Tư, 1975, cũng như các bạn đồng ngũ, Thạc khăn gói quả mướp lên đường trình diện học tập cải tạo. Thay vì mười ngày như thông báo của Ủy ban Quân quản Thành phố Saigon-Gia định, anh phải trải qua hơn sáu năm tại các trại học tập ở Miền Nam. Anh còn nhớ trại cuối cùng của anh tại Bù Gia Mập thuộc tỉnh Phước Long. Ngày còn học ở trường đại học khoa học, anh có quen một người bạn dân miền Nam và anh đã thuộc lòng câu: “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” như một nhắc nhở cần thiết khi phải vào sống ở miền quê nhất là vùng rừng núi. Bởi thế cho nên anh sợ muỗi hơn sợ đói. Trong suốt thời gian cải tạo, chính tay anh đã chôn cất bốn cải tạo viên chết vì sốt rét ngã nước.

Đến năm thứ hai thì anh được vợ anh thăm nuôi. Mỗi lần gặp vợ trong vòng lao lý, anh lại yêu thương Bích, vợ anh, nhiều hơn. Bấy giờ nhan sắc của Bích xuống cấp trông thấy vì phải vất vả ngược xuôi buôn bán để nuôi hai đứa con nhỏ của anh và mẹ nàng. Nhưng lần thăm sau cùng, Thạc đề nghị với vợ anh rằng nên đăng ký vượt biên bán chính thức do chính quyền tổ chức vì anh biết vợ của một người bạn cùng láng với anh đã rời Việt Nam cách đây hơn một tháng. Thạc bảo vợ:

– Khi em về lại Sài Gòn em cố gắng tìm thằng Lâm Tự Đức, ngày xưa nó là tà lọt của anh ở Tổng Tham Mưu. Nhà nó ở đường Lương Nhữ Học góc Nguyễn Trãi. Em nên liên lạc với nó vì nó là người Việt gốc Hoa. Em và các con đi trước và sau khi ra tù anh đi một mình cũng dễ dàng hơn. Bích nghe cũng bùi tai nhưng nàng không đành lòng bỏ chồng mình ở lại nhất là tình cảnh tù tội thiếu thốn hiện nay. Nhưng để Thạc yên tâm cải tạo nàng ậm ừ cho qua chuyện.

Ngày ra đi của Bích, nàng chỉ đem được đứa con trai đầu lòng của chị vì mẹ chị nhất định không cho chị đem theo đứa con gái. Bà muốn nó ở cùng bà đến khi bà chết vì Bích đi rồi nhà chỉ còn có một mình bà hiu quạnh sớm hôm. Cuối cùng, hai mẹ con nàng được định cư tại Úc Đại Lợi.

Bích cũng thường gửi tiền về cho mẹ để thăm nuôi chồng. Nhưng sau đó hai năm mẹ nàng nhận được lá thư trong đó nàng cho mẹ biết rằng nàng đã đi lấy chồng. Biết được tin con gái mình lấy chồng, bà cảm thông cho số phận long đong của Thạc. Rồi đây bà biết ăn nói làm sao với chàng trong mỗi kỳ thăm nuôi. Nghĩ đến đây lòng bà chùng xuống và có ý giận trách con gái mình tại sao không như bà ở vậy thờ chồng cho dù cha của Bích khi chết bà rất còn trẻ.

Những ngày còn ở trại cải tạo, Thạc cũng nghe phong thanh là vợ mình đã đi lấy chồng, nhưng vì bán tín bán nghi nên anh vẫn còn nuôi hy vọng là vợ anh vẫn đợi chờ anh bên kia một phần tư trái đất. Vả lại, anh luôn luôn tin ở lòng thủy chung của Bích vì hai người quen nhau sau mười năm mới cưới.

Ngày ra trại, anh được đưa về địa chỉ nơi con gái và mẹ vợ anh đang sinh sống. Vào một buổi sáng Thứ Bảy, mẹ vợ anh đưa cho anh năm lá thư mà Bích đã viết cho anh và nàng can đảm cho anh biết lý do tại sao chị lại đi thêm một bước nữa. Đọc xong năm lá thư, anh cảm thấy đầu óc mình choáng váng nhưng dần dần anh hiểu được lý do tại sao Bích bỏ anh đi lấy chồng khác. Sau một tuần lễ gắng gượng, Thạc lấy lại được sự bình tĩnh của mình và anh bắt đầu viết thư trả lời cho Bích biết. Anh ngồi suốt một buổi sáng, anh viết một loạt hai mươi lăm trang giấy vì anh nghĩ rằng đây là những lá thư đầu tiên và cũng là cuối cùng anh viết cho Bích vì anh không muốn phá hạnh phúc hiện tại của nàng với người chồng mới. Trong những trang thư ấy, Thạc không trách Bích một lời nào mà anh còn cho việc đi lấy chồng của Bích là hợp lý và đúng đắn. Thạc không muốn tuổi thanh xuân của Bích bị tàn phai theo năm tháng và chính anh cũng không biết khi nào anh mới ra khỏi trại cải tạo.

… Ký ức ngày xưa trở về với Thạc, anh biết rằng từ khi Liên đi lấy chồng đến nay anh chưa một lần gặp lại nàng. Anh chỉ biết chồng Liên là một Chuẩn úy phục vụ tại Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế, Nha Trang. Liên lấy chồng và được hai con. Sau 1975, gia đình nàng ở Đại Tập cũng bị khánh tận vì những lần đánh tư sản mại bản. Dinh cơ của cha nàng cũng bị tịch thu làm kho thóc cho xã. Ông Hội đồng Khứ buồn rầu

và chết hai năm sau đó. Ba năm sau mẹ nàng cũng chết theo chồng vì tai biến mạch máu não. Những năm sau này ở với Liên, Khánh, chồng nàng thường hay gay gổ với vợ mình vì chàng biết giờ này chàng không còn có cơ hội nhờ vào gia đình vợ nữa. Gia cảnh càng ngày càng trở nên khó khăn và một hôm Khánh bàn với vợ là để cho anh vào Nam lên vùng Châu Đốc buôn lậu thuốc lá Thái Lan qua biên giới Cao Miên. Ngày từ giã chồng, Liên buồn lắm vì chị nghĩ rằng nếu cơ nhỡ Khánh bị bắt thì đời chị và hai con sẽ ra sao vì xưa nay Liên vẫn sống nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ nàng.

Khánh theo chân một người bạn và buôn thành công nhiều chuyến nên ở nhà Liên cũng có đồng ra, đồng vào để nuôi hai con. Cũng tại biên giới này Khánh gặp được Hòa, một người đàn bà chuyên buôn lậu khét tiếng nhất vùng. Khánh quen Hòa trong một dịp thật tình cờ là cả hai đều chạy trốn vào rừng sâu khi biết được công an biên phòng bố ráp vì có người chỉ điểm. Đêm ấy, chỉ còn lại Khánh và Hòa trong khu rừng rậm. Đến nửa khuya, nghe tiếng động của công an đi lục soát, Hòa đành nằm im và để Khánh nằm trên bụng mình để vừa bớt sợ lại vừa che thân tránh được tầm lục soát của lực lượng công an. Thế là những ngày sau đó Khánh và Hòa là cặp bài trùng trong những chuyến buôn lậu gay cấn nhất. Dần dà họ sống chung với nhau như vợ chồng. Sau khi tích lũy được một số vốn Hòa bàn với Khánh làm một chuyến vượt biên xuyên biên giới. Sau bảy ngày muỗi đốt, vắt đeo trong rừng rậm và cuối cùng họ đến được Thái Lan.

Sau hai năm ở trại tị nạn, Khánh đưa Hòa về định cư tại thành phố San Jose, bang California. Trong lời khai, Khánh khai Hòa là người em họ của anh nhưng thực tế họ là vợ chồng không hôn thú. Tại thành phố này, anh tìm được việc làm tại một hãng điện tử và Hòa thì ở nhà nhận áo quần về nhà may gia công trong khi đó nàng vẫn sống nhờ trợ cấp xã hội vì nàng đã có một đứa con với Khánh. Cuộc sống của hai người khá ổn định sau sáu năm định cư Khánh và Hòa dọn vào một căn nhà ba phòng mà Khánh đứng tên mua. Đây cũng là tiền ki cóp để dành của Hòa cộng với tiền lương hàng tháng của Khánh. Ngoài ra, Khánh cũng thường dành tiền làm giờ phụ trôi lén lút gửi về cho Liên tại Việt Nam để nuôi hai đứa con anh. Sống với Khánh hơn bảy năm mà Hòa không hề biết anh ta đã có vợ và hai con còn lại tại Việt Nam vì Hòa rất yêu Khánh nên việc tìm hiểu lai lịch của chồng không phải là vấn đề đáng bận tâm.

Những năm tháng chung sống với Hòa, lòng anh lúc nào cũng nghĩ đến Liên và hai con và như anh thấy một cái gì thôi thúc anh phải làm tròn bổn phận người chồng và người cha. Rồi đây anh sẽ phải bảo lãnh vợ con anh qua đoàn tụ với anh với bất cứ giá nào, anh nghĩ như thế. Vào buổi sáng Thứ Bảy, anh ra văn phòng luật sư nơi thành phố anh cư ngụ để tiến hành thủ tục bảo lãnh vợ con và anh nhờ địa chỉ của một người bạn thân trong đơn bảo lãnh. Anh sẽ không cho Hòa biết việc làm này vì nếu Hòa biết nàng sẽ làm to chuyện, hổ mặt cả hai người cho dù Khánh đang ở tư thế thượng phong.

Một tháng trước ngày Liên và hai con lên đường đoàn tụ với Khánh, Hòa mới khám phá ra một chuyện động trời là việc Khánh bảo lãnh vợ con chàng qua Mỹ mà không cho nàng biết. Sở dĩ Hòa biết được chuyện tày trời này là vì người bạn thân của Khánh đã báo cho Hòa biết. Lý do thật dễ hiểu là vì Khánh không cho người bạn thân ấy mượn tiền vì anh ta là con bạc đỏ đen.

Sau khi cơm nước xong và đợi ba con lên giường ngủ, Hòa nghiêm chỉnh mời Khánh ra phòng khách nói chuyện. Khánh linh cảm thấy một việc chẳng lành đang đến với anh nhưng anh cố giữ bình tĩnh trước mặt Hòa. Hòa ôn tồn bảo:

– Anh Khánh, anh đã có với tôi ba mặt con nhưng từ xưa đến nay anh có điều gì anh giấu tôi không?

Nghe đến đây Khánh nhận biết điều gì Hòa muốn nói với anh đêm nay. Anh cầm tay vợ và nói:

– Hòa em, đêm nay anh không muốn giấu em điều gì cả vì anh biết anh đã dối với em hơn sáu năm qua là anh không có vợ con tại Việt Nam; nhưng vì anh yêu em và em là ân nhân của anh trong những ngày đầu nơi biên giới nên anh không muốn cho em biết điều ấy. Vì tiếng gọi của bổn phận nên anh phải bảo lãnh vợ con anh qua đoàn tụ nhất là vì tương lai của hai cháu. Anh mong em tha lỗi cho anh, Hòa nhé!

Tuy Hòa nghe những lời thú tội thành khẩn của Khánh nhưng long nàng vẫn còn ấm ức khi nghĩ đến căn nhà trong đó nàng đã bỏ ra rất nhiều tiền để Khánh mua và đứng tên. Rồi đây khi vợ con anh qua sẽ chiếm đoạt tài sản này một cách không thương tiếc vì vợ con của Khánh có cái quyền thừa hưởng ấy. Nghĩ đến đây Hòa lồng lên, và nói lớn:

– Tôi nói cho anh biết, nếu anh đem vợ con anh về đây ở, tôi sẽ giết hết ba đứa con và tôi sẽ chết theo chúng cho anh hả dạ, anh nghe chưa?

Khánh biết mình đang ở giữa hai lằn đạn nên anh nhỏ nhẹ bảo Hòa:

– Ừ! Thì anh sẽ làm những gì em muốn. Anh muốn em giúp anh một tay trong việc lo cho vợ con anh sau khi họ đến đây. Sau khi hoàn tất thủ tục di trú và sau ba năm anh sẽ ly dị vợ anh rồi anh sẽ làm hôn thú với em.

Nghe đến đây, giọng Hòa không còn gay gắt nữa và chị biết rằng chị nên đấu dịu với Khánh thì có lợi hơn nên chị vui vẻ hứa với Khánh sẽ cùng anh chăm lo cho vợ con anh có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Hòa vừa nói xong, Khánh trìu mến nhìn Hòa và đến ôm nàng vào lòng và anh dìu nàng vào phòng ngủ.

Tối hôm nay, Khánh không thể chợp mắt được vì nghĩ đến vợ con anh sẽ chứng kiến cảnh đoàn tụ ngỡ ngàng với anh. Nhiều lần trong đêm tối Khanh nhìn lên trần nhà mỉm cười một mình một cách chua chát khi nhớ đến câu: “Vợ cả, vợ bé, tất cả đều vợ cả”.

Khi còn ở tại Việt Nam, Liên đã nghe phong thanh rằng Khánh đã có vợ nhưng Liên không ghen và giận hờn gì Khánh cả vì Liên có yêu Khánh bao giờ đâu. Hôn nhân của nàng và Khánh là do sự sắp xếp của hai gia đình từ trước và Liên chịu lấy Khánh làm chồng là vì nàng kính yêu cha mẹ, vả lại, nàng là đứa con một trong gia đình giàu có. Liên luôn luôn xem Khánh là kẻ đào mỏ hơn là người mình yêu. Bởi thế cho nên, nàng qua Mỹ định cư cũng vì tương lai của hai đứa con nàng chứ nàng đâu có

thiết tha gì đoàn tụ để chung sống với Khánh.

… Và cuối cùng Thạc và đứa con gái út của anh cũng được định cư tại Hoa Kỳ qua diện HO. Gia đình anh được một người bạn cùng cải tạo với anh tại Bù Gia Mập bảo trợ và về cư ngụ tại một thành phố nhỏ miền Tây bang Arizona. Nơi đây anh theo học một lớp y tá ngắn hạn và sau khi tốt nghiệp anh xin được một chỗ làm khá tốt tại bệnh viện địa phương. Đứa con gái anh cũng vào trường trung học và cháu có ý định theo ngành thuốc trong tương lai. Hai cha con dọn ra sống riêng sau gần một năm sống với gia đình người bạn bảo trợ. Hai cha con anh đang sống trong một căn hộ chỉ có một phòng ngủ vì anh muốn dành dụm một ít tiền để mua cho con gái anh một chiếc xe để sang năm cháu lái khi vào đại học.

Như thường lệ, anh nghỉ vào ngày Thứ Năm hằng tuần vì anh phải làm sáu ngày một tuần không kể Thứ Bảy và Chúa Nhật. Tuần trước, anh liên lạc được người bạn thân cùng quê Ninh Hòa và anh ta có cho Thạc địa chỉ trang mạng ninh-hoa.com. Sáng hôm nay anh mở máy vi tính và tìm được trang mạng. Lòng anh hân hoan sung sướng vì biết rằng anh sẽ có dịp nói chuyện với các bạn qua những điện thư. Sống tại thành phố khỉ ho cò gáy này thì làm sao anh biết được hết thế giới bên ngoài nhất là vào thời kỳ thông tin vi tính này, anh tự nhủ.

Thật một ngạc nhiên bất ngờ nhưng rất thích thú khi anh mở đến mục Nhắn Tin. Hôm nay, anh không thể tin vào thị lực của đôi mắt anh nữa sau khi đọc qua hàng chữ nhắn tin: “Tôi, Đỗ Thị Bích Liên, trước ở thôn Đại Tập, Ninh Hòa  muốn tìm anh Nguyễn Trọng Thạc, người làng Phong Phú, Ninh Giang, Ninh Hòa. Nếu anh đọc được tin này xin liên lạc với tôi tại số điện thoại 408-337-1055.”

Sau khi đọc xong, Thạc muốn hét thét lên thật to như một người đi tìm kho tàng lâu ngày nay mới tìm thấy được. Anh cẩn thận ghi lại số điện thoại của Liên vào sổ và hẹn trưa nay anh sẽ gọi cho Liên trước giờ con gái anh đi học về. Nhận được điện thoại của Thạc lần đầu tiên sau gần ba mươi năm xa cách, tim Liên đập liên hồi và lồng ngực nàng như nổ tung ra. Đầu dây bên này Thạc cũng nhận được ra tiếng Liên ngày nào. Anh ngập ngừng nói tiếng được, tiếng mất. Cả hai hình như nhớ lại những tiếng nói của nhau khi họ nói tiếng yêu lần đầu tiên trong đời.

Thế rồi, Thạc chọn ngày mua vé máy bay gửi qua Liên để nàng có dịp qua thăm chàng. Vì mới vào làm việc cho một hãng mới nên Liên không có nhiều thời gian thăm Thạc lâu hơn. Nàng chỉ đi và về trong cùng một ngày vì nàng không muốn các con nàng biết được việc làm của mẹ.

Thế là ngày định mệnh của hai người đã đến. Sáng Thứ Năm tuần sau đó, Thạc ra phi trường Phoenix đón Liên. Tuy ở tuổi ngũ tuần, nhưng Thạc không thể kiềm chế được sự rạo rực của mình trước lúc gặp lại Liên, người anh yêu gần ba mươi năm xa cách. Mãi đến giờ này anh mới biết tình yêu luôn ở mọi lứa tuổi miễn sao tình yêu ấy đến đúng lúc và đúng thì.

Thạc đưa Liên về nhà và cũng vừa đúng lúc bên ngoài trời đang đổ cơn mưa. Cơn mưa đầu mùa Thu không làm ướt hết một chiếc áo. Bên trong căn phòng nhỏ, Thạc và Liên nằm kề bên nhau. Thạc đưa tay trái để Liên gối đầu, hai người kể cho nhau nghe những quãng đường đời, những hệ lụy của cuộc sống mà hai người đã trải qua, chuyện cũ của gần ba mươi năm qua . . . bỗng nhiên Thạc nhớ lại câu thơ cải biên thơ Xuân Diệu của một thi sĩ vườn nào đó vừa mới cho đăng trong tờ báo lá cải địa phương mà anh vừa đọc trong lúc chờ đón Liên tại phi trường sáng nay. Anh xoay người về phía Liên và ghé vào tai nàng chàng khe khẽ đọc:

Mau lên chứ! Vội vàng mau lên chứ!

Em, em ơi! Tình xuân đã muộn rồi!

Và lúc ấy đôi mắt Liên cũng nhắm nghiền lại như đang chờ đợi một điều gì sẽ xảy đến với nàng như nàng đã mong đợi từ lâu.

 Phan Đông Thức

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here